Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật 2 Thường Niên C

Đăng lúc: Thứ hai - 14/01/2013 20:02
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
(Ga 2,1-11)

 


 
Lm. Giuse Phạm Minh Hảo
 

Nước và rượu là hai thực tại vật chất mang lại nhiều lợi ích thiết yếu, quan trọng trong đời sống của con người. Xét về lợi ích, thì nước là một yếu tố không thể thiếu cho mọi sinh vật, vì nước mang lại sự sống, sự tăng triển, hoa trái, lương thực  còn rượu là một chất gây say nồng, mang lại sự vui tươi, phấn khích cho con người. Vào những dịp đặc biệt, người ta hội tụ để chúc mừng nhau về môt sự kiện nào đó của một cá nhân hoặc của một nhóm, một tập thể. Tuy nước có vai trò tối quan trọng và thiết yếu như thế, nhưng thông thường, để tạo một bầu khí vui vẻ, nồng nhiệt trong bữa tiệc, người ta sử dụng rượu để chúc mừng nhau, chứ không sử dụng nước. Như thế, rượu có công dụng tạo ra bầu khí vui tươi, thân thiện. Vậy nếu rượu hết thì niềm vui sẽ không còn. Giả như mọi người đang vui vẻ, chúc mừng nhau trong tiệc cưới, mà giữa chừng phải ngưng lại vì lý do hết rượu, thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc là ai nấy sẽ hụt hẫng, buồn bực lắm? Còn riêng đôi tân hôn, cha mẹ đôi bên, bà con hai họ sẽ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ cùng cực với các khách dự tiệc và bà con hàng xóm; điều này còn trở nên nặng nề, ngột ngạt hơn đối với người đông phương .

Bài tường thuật Tin Mừng (Ga 2,1-11) hôm nay nói đến tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới này, “có thân mẫu Đức Giêsu, Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự”. Điều bất ngờ xảy ra: “họ hết rượu rồi”! Tất cả những thực khách tham dự tiệc cưới vừa cảm thấy bầu khí vui vẻ bị mất đi, vừa lo lắng cho chính đôi tân hôn bị mất danh dự, bị xấu hổ. Sự hổ nhục và bị chê bai đó không phải chỉ có đôi tân hôn phải chịu mà còn là của cha mẹ, họ hàng đôi bên của cô dâu, chú rể. Mặc dầu nước còn nhiều đấy (sáu chum đá … mà mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước…), thế nhưng không hề có ai lấy làm vui vẻ, phấn khích cả! Chính Đức Maria và ông quản tiệc đã bộc lộ sự lo lắng đó .

Qua hình ảnh tiệc cưới này, thánh Gioan muốn trình bày cho ta về một thứ nước mới, rượu mới. Nước và rượu trong tiệc cưới này, tượng trưng cho sự sống và niềm vui, nhưng nó thuộc về cấp trật tự nhiên và hữu hạn của con người. Sự trục trặc (hết rượu) này tiên báo sẽ có một điều mới mẻ và hoàn bị hơn, đến thay thế cho niềm vui hôn nhân tự nhiên được biểu trưng bằng rượu.

Ở thứ nước tự nhiên và rượu cũ (thế gian và xác thịt), người ta chỉ thấy một cuộc sống tẻ nhạt, thiếu niềm hân hoan và â’n chứa những rạn vỡ, thất vọng. Còn ở nơi nước mới và rượu mới (Nước Trời và Thần Khí), con người sẽ cảm nếm niềm vui chân thật và hân hoan vô tận, ngay trong cuộc sống hôn nhân của con người. Niềm vui này đến từ việc Thiên Chúa yêu thương người trần, và ban người Con Một cho người trần. Niềm vui này được chứa đựng trong cuộc nhập thể, đặc biệt được thi thố trọn vẹn trong cuộc thương khó, phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu. Nhờ biến cố Ngôi Hai nhập thể làm người, đã chết, đã sống lại, Thiên Chúa đã ban dư tràn ân sủng cho loài người, để loài người được đón lấy sự sống và hạnh phúc đích thực, viên mãn của Thiên Chúa. Đó chính là niềm vui ơn cứu độ vô tận, sung mãn, mà tiệc cưới nước trời mang đến cho người trần Nó được gói ghém trong biểu tượng “rượu mới” mà Đức Giê su vừa biến hóa. Một điều thú vị là Đức Giê su đã biến hóa thực tại rượu mới này từ nước lã, nước tự nhiên. Đây là điều báo trước rằng , ân sủng siêu nhiên từ chính Đức Giêsu sẽ thay thế cho các thực tại tự nhiên, vì nó không còn đủ năng lực làm cho loài người tin tưởng và vui thỏa.

Trong chiều hướng này, Tin Mừng Gioan đối chiếu hôn nhân của cấp trật tự nhiên với thể thức hôn nhân được Đức Giêsu thiết lập, thánh hóa và bảo toàn bằng tình yêu tự hiến của Ngài. “Họ hết rượu rồi”, tượng trưng cho tình trạng đã cạn nguồn sống và hạnh phúc của hôn nhân tự nhiên. Bởi lẽ, hôn nhân tự nhiên còn ở mãi trong một tình trạng tội lỗi, thiếu hẳn ân sủng cứu độ của Đức Giêsu. Theo đó, nó không thể đạt thấu sự thánh thiện, niềm vui trọn hảo và hạnh phúc viên mãn trong ý định khởi đầu công cuộc tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa, mà đáng lý nó phải đạt được.

Theo trình tự bài Tin Mừng, ta cũng nhận ra rằng, khi chưa có quyền năng và tình yêu của Đức Giêsu tác phúc, hôn nhân của loài người chỉ thuộc cấp trật tự nhiên: nó chỉ mang trong mình những hữu hạn, tương đối của tạo thành. Việc hết rượu, biểu thị cho tình trạng thiếu thốn, sự cạn kiệt sức sống và hạnh phúc trong hôn nhân. Nhưng khi có Đức Giêsu (trong vinh quang Phục sinh) hiện diện và tác phúc (biểu thị nơi “nước đã hóa thành rượu”), tình trạng khiếm khuyết của hôn nhân tự nhiên sẽ được sửa chữa, được phong phú hóa, được vinh quang của ơn cứu độ chiếu sáng. Giáo Hội nhận biết hôn nhân đó đã được nâng lên hàng bí tích, tức là một dấu chỉ, một phương thế cứu độ con người, ngay trong tình trạng khiếm khuyết và tội lỗi của họ. Giáo Hội cũng tìm thấy có sự thay đổi sâu xa trong thực tại hôn nhân: hôn nhân, từ tình trạng tự nhiên, nó được nâng lên, được biến đổi trong tình trạng thấm đẵm ân sủng cứu chuộc của Đức Giêsu. Thể thức hôn nhân mới này, được Đức Giêsu thiết lập, thánh hóa bằng giá máu cứu chuộc và sự phục sinh vinh hiển của Ngài. Như thế, phẩm giá cao đẹp của hôn nhân (bí tích) đã được ân sủng của Đức Giêsu phục hồi, được tham dự vào sự vinh quang của Đức Giêsu:

“Đức Giê su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2,11)

Giáo Hội luôn tôn kính, bảo toàn, trao tặng các ân phúc cũng như các phương thế cứu độ mà Đức Giêsu đã thiết lập, cách riêng là ân phúc hôn nhân gia đình, cho nhân loại đang bị mất phương hướng và não trạng hoài nghi gieo rắc.

“Các môn đệ đã tin vào Người”

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Minh Hảo
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 60
  • Khách viếng thăm: 48
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 7523
  • Tháng hiện tại: 160695
  • Tổng lượt truy cập: 12450407