Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Đăng lúc: Thứ năm - 10/01/2013 17:31
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

 
Lm. Giuse Lê Kim Ánh
 
Lời Chúa Cha nói với Đức Giêsu sau khi chịu phép rửa tại sông Giođan, Ngài cũng muốn nói với mỗi người trong chúng ta: “Đây là con yêu dấu của ta”. Đó chính là hiệu quả và là đích điểm của mạc khải, vì Đức Giêsu đến trần gian là để mạc khải lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa cho con người tội lỗi, và để mời gọi con người được trở nên con Thiên Chúa.

Cũng trong chương này, theo liền trình thuật phép rửa, thánh Luca đã trình bày về gia phả của Đức Giêsu, trở ngược lên đến Ađam. Trong phả hệ này, Ađam được trình bày như là “con Thiên Chúa”, bởi vì ông đã được Thiên Chúa trực tiếp tạo dựng như là con người đầu tiên. Thực vậy, ngay từ thuở ban đầu, loài người đã được mời gọi để thuộc về gia đình của Thiên Chúa. Nhưng sự phản loạn bất tuân chống lại Thiên Chúa trong vườn Địa đàng đã làm tan vỡ ơn “làm con” cao cả này. Con người đã đánh mất phần thừa kế của mình. Nhưng qua lòng vâng phục trong tình yêu, Đức Giêsu đã chiến thắng sự phản loạn này. Để giờ đây, bằng việc liên kết với Đức Giêsu, con người lại có thể đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa, trở nên những người con yêu thương của Ngài.

Điều này được thực hiện rõ rệt với biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa. Thánh Luca nói với chúng ta rằng “các tầng trời mở ra”. Điều đó có nghĩa là trong Đức Kitô, trời và đất lại được giao hòa; sự rạn nứt do tội nguyên tổ gây nên đã được hàn gắn. Sau đó, Thánh Luca nói với chúng ta rằng “Chúa Thánh Thần đã xuống trên Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu”. Cách diễn tả này gợi lại những hình ảnh trong Cựu Ước. Như Thánh Thần bay lượn trên cõi hỗn mang vào buổi đầu của công trình sáng tạo, phép rửa của Đức Giêsu là dấu chỉ một cuộc sáng tạo mới. Và như Thánh Thần mang đến cho Noê một nhánh ô liu sau trận lụt hồng thủy, dấu chỉ phép rửa của Đức Kitô là một cuộc hồng thủy mới, để rửa sạch trần gian tội lỗi và chết chóc.

Qua biến cố phép rửa, Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Tuy nhiên ngay từ giây phút nhập thể, Đức Kitô đã khởi sự trở nên dấu chỉ yêu thương và cứu độ của Chúa Cha. Như thế mỗi hành vi, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói đều bộc lộ Chúa Cha yêu thương và kêu mời tất cả nhân loại trở nên “con” của Ngài trong Chúa Kitô. Nhưng với biến cố phép rửa hôm nay, lời mời gọi “làm con” rõ ràng hơn khi Chúa Cha lên lời mạc khải và công khai xác định thiên tính phẩm vị “làm Con” của Đức Giêsu.

Qua phép rửa của Đức Giêsu, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết bí tích Thánh tẩy chính là cách thế mà Ngài đã chọn để đưa chúng ta từ những con người sa ngã, trở về địa vị làm con Thiên Chúa. Bí tích này là dấu chỉ cho chúng ta thấy sự kỳ diệu và quyền năng của tình yêu cứu độ. Dấu chỉ rõ ràng nhất là dấu chỉ của nước, gợi lại bao phép lạ trong Cựu ước, từ lụt Đại hồng thủy đến việc thanh tẩy của Naaman - người phong hủi - trong nước sông Giođan, việc dân Do thái vượt qua Biển Đỏ, nước mà Môsê làm vọt ra từ tảng đá, và việc qua sông Giođan của Giosuê.

Khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong mầu nhiệm phép rửa, chúng ta không thể không nghĩ đến bí tích Rửa tội của chúng ta, đến những kỳ công của Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta qua bí tích này.

Khi đón nhận phép rửa của Gioan – cho dẫu bản thân ngài không có tội để cần được thanh tẩy - Đức Giêsu đã tự đặt mình vào vị trí của chúng ta, để khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta có thể đặt mình vào vị trí của Ngài và trở thành con Thiên Chúa trong Ngài.
Bí tích Rửa tội là cánh cửa để bước vào đời sống Kitô hữu. Khởi đi từ giây phút chúng ta lãnh nhận bí tích này, ơn gọi của chúng ta không còn hệ tại vào việc theo đuổi những thực tại trần thế: tiền tài, địa vị, danh vọng, lạc thú … Đó là tất cả những gì phàm tục mà con người thường theo đuổi. Nhưng là Kitô hữu, chúng ta có một lý tưởng mới, một đối tượng phải đạt đến. Đó là phải trở nên thánh trong ơn làm con Thiên Chúa. Sự thánh thiện chính là ơn gọi của mọi người Kitô hữu. Hướng đến sự thánh thiện là chúng ta phải lớn lên trong tương quan mật thiết với Đức Giêsu Kitô qua đời sống cầu nguyện hằng ngày, việc lãnh nhận các bí tích, những nỗ lực để sống theo gương Đức Giêsu. Việc theo đuổi sự thánh thiện này là mục đích chính yếu của mọi Kitô hữu, chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục và tu sĩ.

Ngoài ra, bí tích Rửa tội không chỉ mời gọi chúng ta hướng đến sự thánh thiện cho riêng mình. Mục đích thứ hai của đời sống Kitô hữu mà bí tích này mời gọi và đòi buộc chúng ta thực hiện, đó là dẫn đưa những người khác vào gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta là những sứ giả của Đức Kitô trong trần gian hôm nay, chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu. Là môn đệ - như Ngài và như ngôn sứ Isaia nói về Ngài (Is 42,6) - chúng ta phải trở nên “ánh sáng cho trần gian”. Bằng lời rao giảng, bằng việc làm và những gương sáng, mỗi người chúng ta được mời gọi làm chứng nhân, để đưa mọi người trở nên bạn hữu của Chúa Giêsu.

Hôm nay, khi Đức Giêsu trở nên bạn nghĩa thiết với chúng ta qua bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy cảm tạ Ngài, vì Ngài đã làm cho chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa Cha.

Chúng ta hãy quyết tâm theo đuổi sự thánh thiện và ra đi loan báo Tin Mừng.




 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Lê Kim Ánh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 28
  • Khách viếng thăm: 17
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 3254
  • Tháng hiện tại: 148231
  • Tổng lượt truy cập: 12437943