Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Gia Thất

Đăng lúc: Thứ năm - 27/12/2012 19:29
LỄ THÁNH GIA THẤT
(Lc 2, 22.39-40)


 

 
Lm. F.X. Lữ Minh Điểm
 
Anh chị em thân mến,

Tất cả chúng ta đang ngồi đây đều sống trong một gia đình. Và ai trong chúng ta cũng đều mong muốn cho gia đình mình luôn sống khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc, đạo đức và thành đạt. Kinh nghiệm cho chúng biết: Một gia đình lành mạnh là một gia đình biết đề cao lòng đạo đức. Đây là đòi hỏi cơ bản nhất đối với các gia đình Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay. Muốn biết thế nào là một gia đình lành mạnh và đạo đức, chúng ta hãy nhìn vào gia đình Thánh Gia, xem các ngài đã sống thế nào, để chúng ta bắt chước sống như thế! Theo tôi, một gia đình sống lành mạnh và đạo đức luôn biết chú trọng hai vấn đề : Nhân Bản và Đức tin

1. Giáo dục Nhân bản

Có thể nói đây là giáo dục cơ bản và nền tảng cho mọi gia đình, bất luận họ là người lương hay giáo, thuộc thành phần nào trong xã hội. Khi chú trọng giáo dục con cái sống nhân bản như Khôn ngoan, Can đảm, Công bình và Tiết độ và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trước tiên các phụ huynh chú trọng huấn luyện con cái mình “thành người” trước đã. Không sống “thành người”, thì đừng mong trở thành người Kitô giáo tốt.

Con cái phải kính yêu Cha mẹ vì các ngài đại diện của Thiên Chúa, những người thay mặt Chúa dạy dỗ con cái mình nên người. Muốn cho con cái mình nên người, trước tiên các bậc phụ huynh phải là những người gương mẫu : Có tu thân, mới mong tề gia, trị quốc và bình thiên hạ. Nhiều khi chúng ta dạy bảo con cái : “Mày phải làm điều này và phải tránh điều kia”, nhưng chính mình không tỏ ra gương mẫu, thì còn lâu chúng mới nghe theo. Người xưa đã dạy : “Cha mẹ hiền để đức lại cho con”. Cây tốt sẽ sinh trái tốt”. “Hãy xem quả thì biết cây” (Mt  7, 16-18).v.v. Tuy nhiên, cho dù cha mẹ mình sống không gương mẫu, nhưng với công sanh thành dưỡng dục, thánh Phaolô đã khuyên những người sống bậc làm con “phải vâng phục cha mẹ trong mọi sự phải lẽ và như thế sẽ rất đẹp lòng Chúa”. Một trong những câu điệp khúc của bài tường thuật về cuộc đời niên thiếu của Chúa Giêsu khi Người sống tại Nagiarét là luôn vâng phục hai ông bà. Những bài học cơ bản này, mọi người đều đã biết và đã học lấy từ nơi gia đình ngay từ khi còn nằm trên gối của người mẹ.

2. Giáo dục Đức tin

 
Thế nhưng, biết là một chuyện, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Người xưa thường nói : “Không Thầy đố mày làm nên”, Chúa Giêsu cũng đã dạy : “Không có ơn Chúa, chúng ta không thể làm được việc gì”  (Ga 15, 5). Dù đứng trên cương vị nào : Cha mẹ hay con cái, nhiều lúc chúng ta chưa chu toàn nhiệm vụ của mình. Gặp trường hợp như thế, chúng ta hãy nại đến đức tin, nghĩa là hãy chạy đến Chúa, để xin Người ban ơn giúp và đến Đức Mẹ, để người cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước tòa Chúa.

Về vấn đề đức tin, chúng ta có thể ép buộc con cái mình thực dậy sớm đi lễ mỗi buổi sáng và đọc kinh mỗi buổi tối, nhưng những hành động đó chưa phải là đức tin. Đức tin có thể ví đức tin như hạt giống : Không có những điều kiện thuận lợi, hạt giống không thể nẩy mầm và phát triển được. Muốn được như thế, cha mẹ có trách nhiệm thông truyền đức tin của mình cho các thế hệ kế tiếp.
Chính cha mẹ là những Giáo lý viên đầu tiên giúp con cái mình biết Thiên Chúa, ngay khi chúng mới bập bẹ biết nói qua những lời nguyện đơn sơ và những cử chỉ đơn giản như làm dấu Thánh giá, vòng tay, cúi đầu.v.v. Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Kinh thánh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng Giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này. Trách nhiệm của cha mẹ không dừng lại ở đó, mà cần nhất là phải thể hiện bằng gương sáng.

Hình ảnh một gia đình Công giáo được ghi đậm nét qua việc mọi thành viên trong gia đình cùng cầu nguyện chung với nhau. Giờ cầu nguyện chung giúp các thành viên trong gia đình gần gũi và có trách nhiệm với nhau hơn. Cầu nguyện chung là yếu tố giúp hoà giải những mâu thuâẫn trong gia đình và làm cho mọi người dễ tha thứ cho nhau. Những thực hành đạo đức này sẽ giúp các em suốt đời, kể cả khi các em rời xa gia đình để sống nơi môi trường khác.

Có một họa sĩ mơ ước vẻ một bức tranh đẹp nhất trần gian. Ông đến chất vấn Linh mục : “Thưa cha, điều gì đẹp nhất trần gian?”. Vị linh mục liền trả lời : “Theo tôi, điều đẹp nhất trần gian chính là niềm tin, vì niềm tin nâng cao giá trị con người. Ông có thể tìm thấy niềm tin ở bất cứ nơi nào có nhiều người cùng họp nhau để cử hành Thánh lễ, đọc kinh trong gia đình và chia sẻ cơm bánh cho nhau”. Chàng họa sĩ tiếp tục phỏng vấn cô dâu. Nàng trả lời : “Theo em, điều đẹp nhất trên trần gian nầy là tình yêu, bởi vì tình yêu làm cho cay đắng trở nên ngọt ngào, mang lại tiếng cười cho người khóc than, biến nghèo nàn thành giàu sang và làm cho điều nhỏ bé trở nên cao trọng. Cuộc sống nầy sẽ trở nên nhàm chán và vô vị  biết bao, nếu không có tình yêu”. Cuối cùng, chàng họa sĩ hỏi người lính chiến từ trận tuyến trở về. Anh ta trả lời : “Hòa bình là đẹp nhất trần gian. Ở đâu có hòa bình, ở đó có cái đẹp”.

Sau khi nghe những lời phát biểu trên, chàng họa sĩ phân vân tự hỏi : “Làm sao tôi có thể vẻ một bức tranh cùng một lúc diễn tả được ba chủ đề : Niềm tin, Tình yêu và Hòa bình”. Đang miên man suy nghĩ, chàng cũng vừa về đến nhà. Thấy chàng về, con gái chạy ra mừng rỡ. Chàng bồng con lên và hôn con cách âu yếm và nhận ra niềm tin nơi ánh mắt của con mình. Vào nhà, chàng nhận ra tình yêu chân thành nơi cái hôn của người vợ. Niềm tin nơi đứa con và tình yêu nơi người vợ đã làm chàng tràn ngập niềm an vui và hạnh phúc. Chành liền phát thảo một bức tranh gia đình và đặt tên cho nó là “Mái ấm gia đình”.

Anh chị em thân mến, chúng ta sống được cho đến ngày hôm nay chính là nhờ hai mối tương quan hàng dọc và hàng ngang. Hàng dọc với Thiên Chúa và hàng ngang với ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình và  họ hàng làng xóm. Cắt đứt hai mối tương quan này, chúng ta sẽ khó thành công và có thể ngã quỵ trong cuộc sống. Trái lại, nếu chúng ta biết luôn liên kết mật thiết với Thiên Chúa và những người thân yêu của mình, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trong mọi lãnh vực. Và nếu có vấp ngã, các ngài sẽ nâng đỡ chúng ta đứng lên và là chỗ dựa vững chắc trong cuộc đời khổ ải nầy.

Trên đời nầy, không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa và cha mẹ chúng ta, để trong mọi nơi, mọi lúc, chúng ta biết luôn cậy dựa vào các Ngài và luôn cầu xin các ngài trợ giúp, chắc chắn chúng ta sẽ không phải hổ ngươi và thất vọng. Chính Chúa đã hứa với chúng ta như thế : “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghĩ ngơi, bồi dưỡng” (Mt  11, 28). Amen

 
Tác giả bài viết: Lm. F.X. Lữ Minh Điểm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 43
  • Khách viếng thăm: 37
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 169077
  • Tổng lượt truy cập: 12458789