Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Hiển Linh

Đăng lúc: Thứ ba - 01/01/2013 19:20
LỄ HIỂN LINH
 
 

 
Lm. Anrê Đinh Duy Toàn

1. Ký sự của Isaia:

Khoảng thế kỷ 8 trước công nguyên, khi đất nước Israel bị rơi vào tay nhà cầm quyền Assyria, dân Do thái bị bắt đi làm nô lệ ở Babylon, tương lai dân tộc họ mịt mùng như đêm tối. Giữa cảnh đêm tối này, ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy trước và gióng lên một hồi chuông hy vọng : Bừng sáng lên Gierusalem vì vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi. Chư dân sẽ tìm về ánh sáng, vua chúa hướng về ánh bình minh, lạc đà từng đoàn che rợp đất, người muôn phương lần lượt kéo về, mang theo vàng và trầm hương để ca tụng Đức Chúa.

Và hồi chuông hy vọng đó vẫn luôn là thao thức cho nhiều người tứ phương thiên hạ. Đã có những người ôm ấp, ưu tư khắc khoải và không ngớt kiếm tìm. Trong số vô vàn đó tiêu biểu có ba nhà Đạo sĩ.

Hướng về Bê lem năm ấy. Trời cao đêm nay mây tan tác chia bầy ngại ngùng. Và trên không trung muôn tinh tú xôn xao lui tới. Triều ánh sáng chói lói, chiếu màn đêm âm u, soi vùng quê Bê lem, như chào đón AI vừa đến.

AI ĐÓ? Ô! Chẳng lẽ đây là một chồi lộc Đavit theo Giêremia 23, 5 đã được chỗi dậy?
Phải chăng đây là một Gốc Jesse cũng theo Isaia 11,1?
Hay đây là Một Hài nhi đã được ban cho chúng ta của Isaia, để cho công lý từ trời cao ngó xuống trong TV 84, 12?
Hoặc đây là một Người Con ban tặng cho thế nhân của Isaia, để cho tín nghĩa từ đất thấp mọc lên cũng trong TV 84?
Lẽ nào đây là Emmanuel là Thiên Chúa ở cùng chúng ta của Isaia, để cho tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên trong TV 84, 11?

Và đúng như vậy. Đêm đợi chờ ngàn năm đã qua vì Bêlem đã vang rộn tiếng ca: Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Ngày khuất xa Thiên đàng đã hết vì thiếu nữ Sion đã vọng tiếng chung hòa: Bình an dưới thế loài người Chúa thương.

Qua trải nghiệm của các Đạo sĩ đây đúng là: Giờ hồng ân của Lời giao ước đã điểm, vì hôm nay Trời cao vời vợi đã viếng thăm mặt đất khô cằn. Mùa tình thương của ơn cứu độ đã sang, vì rồi đây nhân thế lầm than sẽ gặp lại Thiên đường tươi sáng.

Đây rồi! Các đạo sĩ ngỡ ngàng! Hài nhi Giê su trong tay bế của Mẹ mỉm cười. Lạnh băng đêm đông nghe như cắt da người giáng thế. Và thế giới bỡ ngỡ có ngờ đâu đêm nay Chúa bỏ nơi cao sang, sinh xuống nơi gian trần.

Nhưng rồi, như một định mệnh khắc nghiệt bao trùm cuộc đời của  Đấng là ánh sáng muôn dân. Hình như Thiên Chúa muốn bộc lộ sứ mệnh của Đấng cứu thế ngay từ bây giờ: Bắt đầu với việc sinh ra trong nghèo hèn ty tiện nơi máng rơm để rồi kết thúc nơi đồi cao trơ trọi với gỗ giá.

Vừa sinh ra đã là nghi can của một lệnh truy nã để rồi kết thúc nơi một tòa án lạ đời đến nỗi ông thẩm phán Philatô cũng chẳng hiểu mà phải hỏi Công lý là cái gì?

2. Tin nóng của Matthêô.

Khung cảnh êm đềm đầy thơ mộng đó bỗng trở nên xáo trộn. Ký giả Mattheo đưa tin giật gân: Herode cùng các người tai to mặt lớn trong vùng lại xôn xao náo động và tạm dừng với lệnh truy nã với thủ đoạn nghiệt ngã của Herode tìm giết các trẻ sơ sinh.

3. Xã luận của Giáo hội Chúa Kitô.

Lễ Hiển Linh hôm nay mà trước đây quen gọi là lễ Ba vua hàm ý Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Trong lễ Giáng sinh Chúa tỏ mình ra cho dân Do thái tựu trung nơi các mục đồng. Nhưng Chúa đến với sứ vụ cứu độ phổ quát nên Chúa phải tỏ mình cho muôn dân tựu trung qua ba nhà Đạo sĩ từ phương đông. Cũng có thể gọi là một Lễ Giáng sinh nối dài.

Thái độ của Herode không phải là ngạc nhiên vì không biết Đấng cứu thế sinh ra ở đâu mà là lo âu cho ngai vàng của mình bị lung lay.

Dân Do thái xôn xao vì Herode nhu nhược đồng lõa với Roma cai trị dân tộc họ, cho nên khi hay tin vị Vua mới sinh ra họ bàn tán xì xào vẫn là tính trần tục: Vị vua ấy sẽ giải phóng dân họ khỏi ách thống trị Roma.

Còn Ba đạo sĩ phương đông có lẽ từ Ba tư hay Ả rập luôn thao thức đi tìm, như đại diện cho cả và thế gian khát khao trông mong vị cứu tinh. Và những lễ vật tiến dâng như hàm ý muốn nói lên căn tính và sứ mệnh của Đấng cứu thế: Vàng chỉ vương quyền của Đức Kitô, hương chỉ Thiên tính của Chúa và mộc dược nói lên Cái chết của Ngài.

Khung cảnh và phẩm cách sự xuất hiện của Đấng cứu thế đã được tường thuật trong ngày lễ Giáng sinh rồi. Còn điểm nhấn của nội dung hôm nay chính là cuộc hành trình đi tìm Chúa của Ba nhà Đạo sĩ. Một cách nào đó và sâu xa hơn đây chính là hình ảnh của mỗi người chúng ta, vì dù tuy có khác về thời gian, không gian nhưng con người muôn thưở vẫn luôn khát khao hạnh phúc.

Nếu ba nhà Đạo sĩ đã không bằng lòng với địa vị và cuộc sống của mình, giã từ tất cả để đi tìm Đấng cứu thế trong một hành trình xem chừng như vô vọng, nhưng cuối cùng họ đã được mãn nguyện, thì hôm nay, cuộc đời mỗi người chúng ta cũng là một hành trình Đức tin.

Nghịch cảnh làm ta bâng khuâng, khó khăn làm ta chùn bước, thử thách làm ta ngại ngùng, đôi khi cũng tưởng chừng như vô vọng đánh mất đức tin. Vì sự bất toàn của con người và giới hạn của mọi thực tại, hành trình của lòng tin không phải êm ả mà phải trả giá với từng hành động trong từng phút từng giờ.

Quá ỉ lại vào những khám phá của con người và đầy vênh vang với những thành tựu đạt được, mà quên rằng những khám phá sau lại đánh đổ những giả thiết trước, và những thành tựu lại là phản tác dụng và là nguyên nhân của một sự tai hại đang tiềm ẩn diễn tiến, con người hôm nay muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Một Herode bạo ngược chỉ có một thời, còn vạn vạn Herode qua các thời đại vẫn luôn tiềm ẩn như nốt lặng trong âm nhạc, lại phảng phất hình bóng của mỗi người như những nốt ngân dài không kết. Kể sao cho hết!

Nhận thức được sự khủng hoảng lòng tin một cách trầm trọng, Giáo hội mở Cánh cửa đức tin trong Năm thánh Đức tin này, để tạo cơ hội cho con cái mình cùng nhận thức, tìm lại, củng cố, thăng hóa niềm tin nguyên tuyền – một siêu ân thiêng Chúa thương ban cho con người.

4. Thời sự của Dân Thiên Chúa hôm nay.

Với Công đồng Vatican II trong Hiến chế tín lý về Mạc khải của Thiên Chúa: Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết Thánh Ý Ngài. Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô Ngôi lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (MK 2).

Nhưng Mạc khải phải được đón nhận bằng đức tin: Phải bày tỏ “sự vâng phục bằng đức tin” đối với Thiên Chúa Mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa một cách tự do, đồng thời sẵn sàng chấp nhận Mạc khải Ngài ban cho (MK 5).

Chúa Kitô, nơi Người, Thiên Chúa tối cao hoàn tất trọn vẹn nguồn Mạc khải, đã truyền dạy cho các Tông đồ rao giảng cho mọi người Phúc âm được hứa trước qua miệng các Tiên tri cùng được chính Người thực hiện và công bố (MK 7).

Như vậy, hạnh phúc tìm đâu ra nếu không ở trong Đức Kitô, khát vọng nào được lấp đầy nếu không cùng đi với Đức Kitô, ơn giải thoát nào được ban cho nếu không nhờ vào Đức Kitô. Bởi Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc và công bố trong đoạn đầu của Thư Êphêsô: Trong Đức Kitô người đã chọn chúng ta và đã tiền định cho ta làm nghĩa tử….để chúng ta được lãnh phần gia nghiệp … sắm sẵn dành cho mọi người (Eph I – III).

Mặt khác, muôn dân sẽ tìm về ánh sáng Is 60, 1. Dù khó khăn thử thách, ba Đạo sĩ đã không tìm Chúa cho riêng mình, nhưng khi thấy Chúa lại phải tìm cách trở về báo lại cho dân biết Mt 2, 12. Tin mừng phải được loan báo cho mọi loài thọ tạo.

Trong Hiến chế tín lý về Giáo hội chúng ta đọc thấy: Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô (GH 1). Nhưng Chúa Cha lại muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo hội (GH 2). Giáo hội là nhiệm thể Đức Kitô, trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các Tín hữu. Nhờ các Bí tích, các tín hữu được kết hợp thực sự với Chúa Kitô đau khổ và vinh quang (GH 7).

Sắc lệnh Truyền giáo của Giáo hội ghi: Được Thiên Chúa sai đến muôn dân để nên “Bí tích cứu độ phổ quát”, Giáo hội tự thân và do mệnh lệnh của Đấng sáng lập nhất quyết loan báo Phúc âm cho hết mọi người (TG 1). Vì thế, thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian giữa hai lần Chúa đến; và Chúa đến lần thứ hai, Giáo hội được ví như mùa gặt góp vào Nước Chúa từ bốn phương trời. Thực vậy, trước khi Chúa đến, Tin mừng phải được rao giảng cho muôn dân tộc (TG 9).

Cho nên mỗi người chúng ta là một sứ giả của Tin mừng.

5. Cập nhật và định hướng của mỗi người.

Mừng lễ Hiển linh hôm nay, mỗi người chúng ta cùng NIỆM và SUY. Không niệm để sống cho riêng mình, không phải suy để nhắc, khuyên ai đó phải làm điều này hay không làm lẽ nọ,  nhưng để mỗi chúng ta đang khi nhận ra Ân ban nhưng không của Thiên Chúa, cũng đồng thời nhận ra vụng về thiếu sót trong cách đáp trả của mình, và định hướng cho mỗi người theo bản chất và sứ mệnh của mình.

Xin mạo muội gợi lên chút suy tư để niệm và suy:

Niệm: Vào mùa đông ấy nơi thiên cung vui say muôn thần thánh sum vầy, Chúa Con thương người vâng thánh ý Chúa Trời liều sinh xuống nhân gian. Lìa trời cao sang nơi Bê lem nghèo khó Chúa mang thân con người. Suy: Để gương cho đời biết lấy đơn nghèo làm vui kiếp nhân sinh.
Niệm: Cuộc đời dương thế luôn nêu gương khiêm nhu, Chúa thật quá nhân từ. Giảng rao cho đời Thiên Chúa muốn mọi người được chia phúc vinh sang. Dùng quyền cao quang thương tha ai tội lỗi chữa tai ương đau buồn. Suy: Chỉ mong con người kính Chúa trọn niềm và yêu mến anh em.
Niệm: Và chiều hôm ấy nơi Canvê thương đau treo mình giá Thập tự. Hiến thân cho đời làm của lễ chuộc tội mà không chút than van. Lìa cuộc nhân gian Chúa thương trao Thịt máu dưỡng nuôi thân cho người. Suy: Để cho bao người sống mãi với Ngài qua Tấm bánh hôm nay.
Niệm: Rồi từ cõi chết Ôi Giêsu vinh quang Chúa thật đã sống lại. Cứu Chúa muôn loài bên hữu của Chúa Trời rày Vua cả muôn Vua. Cuộc trần hôm nay trao ban cho Thần khí dẫn đưa bao con người. Suy: Để cho con người Chúc khen Chúa Trời bằng muôn tiếng Vinh danh.
Dốc tâm: Ôi Giêsu con xin hát về Ngài, loan tin cho nhân gian biết rằng Ngài, đã đến làm người, ở giữa trần đời, hy sinh và chịu chết. Vâng con đây xin theo bước cùng Ngài, luôn cao rao tuyên xưng với mọi người, Chúa chết chuộc đời, đã sống lại rồi, hãy mừng vui ai ơi!

Không dễ đâu! Thôi thì: Lạy Chúa, xin cho con một đức tin vững bền. Để con luôn trung kiên trong hành trình theo Chúa. Vì có, có những lúc con gặp nhiều khó khăn, thấy trước mắt ê chề những bất công, con làm sao tránh cho khỏi bâng khuâng.

Lạy Chúa, xin cho con hằng biết trông cậy Ngài, để con luôn cao rao Danh Ngài trong cuộc sống. Dù lúc, trước thử thách sỉ nhục với đắng cay, trước áp chế con hầu như chuyển lay, con lại thấy Chúa dẫn tìm thấy Chúa dẫn đường trao tay.

Lạy Chúa, xin cho con lòng kính yêu nồng nàn. Để con, luôn hăng say trong cuộc đời nhân chứng. Dù lúc, phải gánh lấy bệnh tật nơi các thân, lúc chuốc lấy thất bại với đớn đau, lúc héo hắt dãi dầu trong gió sương, con tìm đến ở bên Ngài con nương.

Chúa ơi, Chúa ơi! Chúa chính là sức mạnh đời con, Chúa thật là thành lũy kiên cường, nơi nương tựa ngàn đời kiên vững. Khẫn xin Chúa ơi! Chúa thương tình ấp ủ đời con, giới luật Ngài xin giúp giữ tròn, bước dương trần cùng đi với con. A men




 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Đinh Duy Toàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 66
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 16
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 170696
  • Tổng lượt truy cập: 12460408