Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật IV Mùa Chay C

Đăng lúc: Thứ hai - 04/03/2013 18:15
CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY            
 


Nếu Tin mừng theo thánh Luca đặc biệt là Tin mừng của lòng thương xót Chúa dành cho người nghèo khó và cho kẻ tội lỗi thì có thể nói dụ ngôn người Cha nhân hậu đúng là tinh túy nhất, tuyệt đỉnh của Tin mừng này.

Thế nhưng dụ ngôn người Cha nhân hậu được nói lên trong bối cảnh nào? “Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần ĐGS mà nghe Người. Còn những người thuộc phái Pharisiêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “ Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” ĐGS mới kể cho họ dụ ngôn này” (Lc 15, 1-3) Rõ ràng Đức Giêsu dùng một số dụ ngôn mà ngỏ lời với các người Pharisêu và các kinh sư. Ba dụ ngôn của chương 15 (con chiên bị lạc mất [cc. 4-7], đồng bạc bị đánh mất [cc. 8-10], người con hư mất [cc. 11-32]) đã được gọi là “trái tim của Tin Mừng III” (Romaroson), vì được kết cấu rất nghệ thuật để nêu bật được đề tài duy nhất là tình yêu của Thiên Chúa và lòng thương xót đối với những kẻ tội lỗi qua lời Đức Giêsu kêu gọi hoán cải.

Sa đọa cùng cực của người con thứ

"Một người kia có hai con trai.  Người con thứ nói với cha rằng : 'Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.' Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,  nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.  Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho“ (Lc 15,12-16)

Không thể diễn tả sự sa đọa và sa cơ của người con thứ hơn được nữa! Từ lúc anh bỏ cha già, lìa tổ ấm, tội lỗi đã bắt đầu ngự trị. Xài tiền của do công lao vất vả của cha vào việc chơi bời trác táng. Tiêu tán phần gia sản mà cha trao phó để làm vốn liếng. Sau đó là sa cơ túng thiếu cùng cực. Đối với người Do Thái, Luật cấm ăn thịt heo. Nuôi heo là một nghề tội lỗi mà chỉ người ngoại mới làm. Chăn heo càng là việc ghê tởm vì theo sách Talmud Babylon: Kẻ chăn heo là quân bị chúc dữ! Tệ mạt nhất của tâm hồn và ước nguyện của người con thứ thành ngang tầm thú vật là ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng! Nhưng cũng chẳng được.

Với những nét tả như vậy, đứa con hoang này còn đáng thương không? Hình như Luca không cho rằng nó đáng thương nữa. Không kể đời sống bê tha của nó; việc nó trở về cũng đầy tính toán và bần tiện. Nó đâu đã muốn hối cải; nó chỉ mong ra khỏi thân phận chết đói. Nó không biết rằng xin làm một “người làm công”, thì sỉ nhục cha quá nặng nề, bởi vì cha vẫn chỉ mong đón nó về để làm “con”. Nó chẳng đáng thương, thế mà vẫn được thương. Ðó mới là điều mà Luca muốn diễn tả. Ông viết về đứa con hư như thế là để làm nổi bật lòng thương lạ lùng của người Cha.

Lòng thương yêu nhân hậu của người Cha

"Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để’’ Thật ra người Cha vẫn ngóng trông thằng đãng tử và lòng thương con bền bỉ còn lớn hơn cả sự phẫn nộ. Ông không kìm chế nổi đến nỗi không đợi con kịp lên tiếng trước, và dù đã già cả, ông vẫn chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Theo phong tục, nô lệ chỉ được hôn chân và đầu gối, các thuộc hạ khác cũng chỉ được hôn tay. Ở đây, ông ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để không phải chỉ là để chào đón, nhưng là bày tỏ sự tha thứ (Đavít ôm hôn tha thứ cho Absalom ở 2Sm 14,33). Đáng chú ý là khi đó đứa con chưa mở lời xin lỗi. Thằng đãng tử vẫn luôn là con, được đối xử như con cái và còn được trọng đãi nữa. 'Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!’. Ban áo đẹp là để tưởng thưởng đang khi nó là hạng phá gia chi tử. Ban nhẫn là giao quyền hành đang khi nó bỏ nhà lìa cha xa anh. Xỏ giày dép là tiêu biểu cho địa vị của người tự do: đứa con trở về chứ không phải nô lệ. Và con đãi bê béo ăn khao. Đối với người Cha, xem ra chuyện quá khứ không còn là gì nữa, thay vào đó, giờ chỉ là niềm vui rộn rã của bữa tiệc sum vầy. Nhưng người cha không chỉ thương con thứ. Con cả mới là đích nhắm của câu chuyện này.

Người anh cả chỉ làm công trong nhà cha  

Người con cả ỷ mình ở trong nhà, không đi hoang mà nổi giận vì bữa tiệc dành cho người em từ ngoài về. Và bây giờ anh ta cũng không thèm vào nhà đúng vào lúc người em đang vui sướng ở giữa nhà cha tiệc tùng. Cháy nhà ra mặt chuột. Vô tình người anh cả đã để lộ ra là  thật sự có bao giờ anh ta ở trong nhà cha thật đâu? 'Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con làm công cho cha’. Anh có mặt mà xa lòng, xa lòng cha còn hơn cả người em. Anh chưa bao giờ thực sự biết  tấm lòng của cha, vì thế mà anh kinh ngạc và nổi giận trước cách cư xử của cha đối với em. Anh không thể cảm thông với cha được! Dù hầu hạ cha và không trái lệnh cha nhưng đó chỉ là cách ứng xử của kẻ làm công cần cù mà không hề sống tình nghĩa cha con. Ngay trong giây phút vui mừng sum họp, chính anh đã phơi bày khoảng cách xa vời giữa anh ta với cha và với em. Quả thế, dù người em đi hoang nhưng khi trở về còn giữ được tiếng “ Cha“ để xin tha thứ, đang khi anh lại đánh mất tiếng “ Cha“ mà chỉ nói :“ thằng con ông“. Đây mới là thảm kịch của người anh cả. Chính vì thế mà người cha phải nói:“ Này con“ và “ em con đó“ để nhắc nhở rằng có là con thật sự mới hiểu được thái độ của cha.

Lòng thương yêu nhân hậu của Thiên Chúa đối với kẻ tội lỗi cũng như đối với kẻ tưởng mình là công chính

Đây là câu chuyện có thật về một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại, và hay tha thứ. Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt nhưng luôn tỏ lòng khoan dung. Một Thiên Chúa giàu lòng thương xót. "Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (Tv 135).

Qua phần đầu của dụ ngôn,  ĐGS đã nói lên tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Và để đáp trả những lời lẩm bẩm của đám biệt phái và kinh sư, phần hai của dụ ngôn đã bắt họ xét lại chính mình. Họ tự phụ là dân Chúa, kiêu hãnh cho mình là những đứa con không đi hoang, nhưng chính những đứa con không đi hoang này mới cần phải “ trở về“ và “ trở vào“.

Hôm nay là Chúa Nhật IV Mùa Chay, Chúa Nhật  ngay chính giữa Mùa Chay, Hội thánh gọi là Chúa Nhật “Mừng Vui Lên“ với áo hồng thay áo tím và được sử dụng đàn trong phụng vụ. Không vui lên sao được khi “ chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy“. Không những thế, phần cuối của hai dụ ngôn trước trong chương 15 cũng nêu bật niềm vui. Trong dụ ngôn con chiên bị mất:'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.'  Vậy, tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn“. Trong dụ ngôn đồng tiền bị mất: 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.' Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."

Ước gì trong Năm Đức Tin này, chúng ta được mời gọi duyệt lại đức tin của mình để vui sống đức tin một cách mạnh mẽ hơn và “ Năm Đức tin là một lời mời gọi thực hiện một cuộc trở về cùng Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ ” ( PF số 6) thì dụ ngôn Người Cha nhân hậu càng giúp chúng ta sám hối chân thực và sống  thành tâm thiện ý hơn khi chúng ta yếu đuối tội lỗi cũng như khi chúng ta nghĩ mình là đang sống công chính.
 

 
Tác giả bài viết: Lm. PM. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 70
  • Khách viếng thăm: 30
  • Máy chủ tìm kiếm: 40
  • Hôm nay: 11564
  • Tháng hiện tại: 164736
  • Tổng lượt truy cập: 12454448