Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ tư - 27/03/2013 02:49
CHÚA NHẬT PHỤC SINH
(Ga 20, 1-9)
 


 
Lm. Antôn Trần Liên Sơn
 
Đức Kitô đã sống lại. Đó chính là xác tín của chúng ta nói như Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì đức tin của chúng ta là điều hão huyền”, ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chiếu rọi vào tất cả mầu nhiệm của cuộc sống Kitô hữu.

1. Mầu nhiệm Phục sinh, mầu nhiệm của niềm tin :

Đoạn Tin mừng hôm nay đưa chúng ta đến hai nền tảng thiết yếu của niềm tin Phục Sinh là Kinh Thánh và kinh nghiệm đức tin của các Tông đồ dựa vào chứng cứ ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Chúa Giêsu. Dựa trên các chứng cứ, niềm tin vào Chúa Giêsu phục sinh sẽ đạt được khi đào sâu tìm hiểu những mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Hai yếu tố này kiện toàn cho nhau và giúp hiểu cũng như gắn bó với mầu nhiệm phục sinh.

Gioan khi thấy các dấu chỉ của ngôi mộ trống ông đã tin vào Lời Chúa, vào Kinh Thánh. Chính nhờ sự thông hiểu Lời Chúa, và lòng yêu mến Chúa mà trực giác của ông trở nên bén nhạy, khiến ông chỉ nhìn ông đã tin. Trong cuộc sống thường ngày, nhất là với thời đại hôm nay, khi mà con người có những kinh nghiệm bi đát, đau khổ cùng cực về sự chết, thì khát vọng sống của con người càng mạnh mẽ hơn. Thế nhưng, càng khao khát càng thấy bất lực trước tử thần. Kinh nghiệm của con người có được là sau cái chết không nhận thấy mầm của sự sống, có chăng chỉ biết cậy dựa vào khoa học kỹ thuật tiên tiến để hy vọng kéo dài tuổi thọ mà thôi. Do đó, niềm tin vào Chúa Phục Sinh khó mà có thể diễn tả và thuyết phục được người ngoại đạo, người chưa tin. Mỗi Kitô hữu phải làm chứng cho niềm tin của mình dựa trên Kinh Thánh và trên chính những kinh nghiệm trong đời sống đức tin của mình. Kinh nghiệm chỉ có thể bằng chính việc đào sâu học hỏi và sống Lời Chúa. Tin để rồi mặc lấy niềm tin vào trong cuộc sống. Đức tin phải chi phối toàn bộ cuộc sống của mình qua thái độ, qua cách ăn nết ở.

2. Mầu nhiệm Phục sinh, niềm hy vọng của Kitô hữu

Khi được Maria Mađalêna báo tin, Phêrô và Gioan vội vã chạy đến mồ. Có thể xem đây là một dấu hiệu tượng trưng cho niềm hy vọng. Nhất là khi Gioan vào ông thấy ngôi mộ trống và các khăn liệm đã cuốn gọn ghẽ thì ông liền tin. Tất cả các môn đệ đã hoàn toàn thất vọng vào chiều ngày thứ sáu. Thập giá trở nên biểu tượng của sự thất bại, mọi mơ ước hoài bão đã tan theo mây khói. Nhưng giờ đây niềm hy vọng lại được nhóm lên, chắc chắn là còn mơ hồ, còn nghi ngờ nhưng hy vọng đã sống lại. Chạy vội vã thấy và tin như thế, mọi hy vọng đã trở lại. Chúa đã sống lại rồi. Niềm hy vọng ấy tưởng đã mất đi nay lại tìm thấy để rồi thúc đẩy các môn đệ can đảm ra đi làm chứng cho niềm tin Phục Sinh. Trong cuộc sống có biết bao lần thất bại; không hiếm những đau khổ ập xuống và không ít lần biết bao nhiêu niềm hy vọng đã biến thành thất vọng, thậm chí tuyệt vọng. Những lúc ấy, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phục sinh có tác dụng gì không? có lôi kéo chúng ta chạy đến với Người không? Chúng ta là môn đệ của Đức Kitô, Đấng đã Phục Sinh, Người kêu mời chúng ta đừng bao giờ thất vọng phải luôn luôn hy vọng. Hy vọng là thái độ của những người biết tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô. Trong niềm hy vọng này chúng ta sẽ kín múc được sức sống, nguồn lực và tình yêu từ nơi Thiên Chúa để vượt qua đau khổ, vượt qua khắc nghiệt cuộc đời và vượt qua ngay cả cái chết để đạt tới hạnh phúc nơi Thiên Chúa.

3. Mầu nhiệm Phục Sinh, niềm vui cho đời hôm nay

Ngày nay nền văn minh của sự chết đang đe dọa con người và thế giới, khiến cho mọi người, nhiều nơi, nhiều dân tộc đang sống trong lo âu sợ hãi. Chiến tranh, khủng bố, tai nạn, tệ nạn xã hội … đã và đang cướp đi hàng ngày không biết bao nhiêu sinh mạng. Thế giới như chìm đi trong đau buồn, thất vọng và u tối. Tất cả đều khao khát được hạnh phúc trong hòa bình, trong tình yêu để vui sống. Giáo Hội chúng ta cũng đang nỗ lực hết mình để đấu tranh cho hòa bình, cho công lý, cho hạnh phúc của cả nhân loại. Sự nỗ lực của Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng loan báo tin mừng Phục Sinh của mình. Chúa Giêsu Kitô đã chết, nhưng Người đã thực sự sống lại mở ra cho nhân loại một niềm vui vô tận. Vì Người đã chiến thắng tử thần, đã thực sự mang sự sống của Thiên Chúa đến với toàn thể nhân loại. Tin vào Chúa Phục sinh, thì mỗi người Kitô hữu chúng ta phải cùng với toàn thể Giáo Hội mang niềm vui phục sinh đến cho đời, cho người hôm nay. Niềm vui phục sinh được thể hiện ngay trong chính cuộc sống của người Kitô hữu với niềm lạc quan, tin tưởng và hết lòng xây dựng gia đình, xây dựng Giáo Hội và xây dựng một xã hội của nền văn minh tình thương và sự sống. Là người mang tin mừng Phục Sinh thì cuộc đời Kitô hữu là cuộc sống của niềm vui chứ không thể là cuộc sống của nỗi u buồn và thất vọng.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con niềm tin, nhờ đó chúng con tìm được ánh sáng và sức mạnh cho cuộc sống, có những lúc sóng gió và tăm tối bao trùm khiến chúng con không còn tìm tháy gì nữa. Xin Chúa hãy chiếu rọi ánh sánh của Chúa vào những thất bại, mất mát và muôn nghìn khổ đau mà chúng con đang trải qua để chúng con luôn kiên vững tiến bước về cùng Chúa.

 
Tác giả bài viết: Lm. Antôn Trần Liên Sơn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 45
  • Khách viếng thăm: 41
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 155765
  • Tổng lượt truy cập: 12445477