Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật III Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ ba - 09/04/2013 20:43
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH
Phải Vâng Phục Thiên Chúa
 



Trong năm Đức Tin, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hiến dâng cuộc sống của mình cho Chúa Kitô một cách can đảm và xác tín. Trong tâm tình đó, chúng ta đón nhận sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay như một năng lượng chứa đầy niềm vui và ánh sáng cho cuộc sống đức tin của chúng ta.

Lời Chúa trong sách Tông đồ Công vụ cho thấy niềm vui và ánh sáng Phục sinh qua sự biến đổi đức tin của các Tông đồ. Trong biến cố tử nạn của Đức Kitô, trừ một mình Tông đồ Gioan, các tông đồ khác là những người rất sợ người Do Thái. Có lúc Tông đồ Phêrô sợ cả một người con gái chân yếu tay mềm. Thế mà hôm nay đứng trước công nghị, cơ quan quyền lực tối cao của người Do Thái, cơ quan đã xử án Đức Giêsu, khi nghe Thượng Tế cấm không được rao giảng Danh Ðức Giêsu, Tông đồ Phêrô cùng với các Tông đồ khác đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người phàm”.

 Lý do nào đã khiến các Tông đồ đã có thái độ thay đổi đột biến như vậy? Câu trả lời thể hiện nơi dòng lý luận của các Tông đồ “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa đã cho Ðức Giêsu sống lại”. Các ông giết Đức Giêsu, Thiên Chúa cho Ngài sống lại. Vậy phải theo ai? Nhất định phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm đó là điều chí ư  hữu lý.

Ðây không phải là một lời tuyên xưng cuồng tín. Các Tông đồ không thể một mình làm như vậy được. Các ngài đã bộc bạch: "Về các điều ấy, chúng tôi đây là chứng nhân cùng với Thánh Thần Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng phục Người". Các ngài phân biệt rất minh bạch: Điều các ngài biết vì đã thấy, đó là việc Ðức Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Nhưng nói lên được điều đó, chính là công việc của Thánh Thần mà các ngài đã nhận được nhờ sự tuân phục phán quyết của Thiên Chúa về sự sống lại của Đức Giêsu.
Bài tường thuật của Phúc Âm Thánh Gioan hôm nay càng làm sáng tỏ hơn việc “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là vâng phục người phàm”. Cuộc tử nạn của Đức Giêsu  trên thập giá đã làm cho Tông đồ chán nản, thất vọng muốn trở về nghề xưa. Tông đồ Phêrô đưa ra sáng kiến đi đánh cá và được anh em ủng hộ ngay lập tức. Tuy nhiên sau một đêm vất vả ngược xuôi, việc đánh cá thất bại. Phải có Chúa Phục sinh hiện đến, hướng dẫn, sai đi và được làm theo, các Tông đồ mới đạt được kết quả và kết quả dồi dào phi thường. Hạnh phúc quá chừng.  

Sự kiện các Tông đồ bắt được mẻ lưới đầy cá chứng tỏ rằng không phải sức mạnh của lý trí, của quyền lực, của tiền bạc đem lại bình an, niềm vui và hạnh phúc, nhưng là sức mạnh của tấm lòng biết chia sẻ đầy tính nhân văn và nhân tâm. Sự chia sẻ ấy như tiếng kèn xung trận chát chúa thôi thúc người chiến binh. Khi nghe Phêrô lên tiếng “Tôi đi đánh cá đây”, các bạn hô lên liền “Chúng tôi cùng đi với anh”; khi nghe Gioan nói “Chúa đó”, Phêrô nhanh như chớp, khoác áo vào rồi nhảy tùm xuống biển; khi nghe người thợ mộc nói “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi”, các ngư dân liền làm ngay.

Một mẻ lưới đầy cá, một bữa ăn sáng đầy tình nghĩa thầy trò và tình huynh đệ, đó là kết quả của sự chia sẻ trách nhiệm, hợp tác và nỗ lực chèo thuyền, kéo lưới, sống chết có nhau, và nhất là của sự đồng tâm hiệp lực biết lắng nghe, biết vâng lời Thầy, biết quy phục, biết đầu hàng người thợ mộc trong khi mình là những ngư phủ dày dạn kinh nghiệm biển giã, và mới tức thì, với kinh nghiệm nghề nghiệp đầy mình mà sau một đêm vất vả nhiều rồi nhưng chẳng có chi. Việc đầu hàng đó chính là sự quy phục của lý trí trước sự soi dẫn của Thánh Thần. “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người phàm”.

Mặc dù các Tông đồ đánh được thật nhiều cá, nhưng khi lên bờ, các ngài thấy Chúa Giêsu Phục sinh đã lo liệu cá và bánh cùng với than hồng để nướng cho các ngài. Chúa Giêsu lo lắng cho các ngài bữa ăn sáng tươm tất như một bà mẹ. Như vậy, phải chăng nếu không lo đánh cá hay không đánh được cá, các ngài vẫn có cá và bánh để ăn? Hành động này của Chúa Giêsu không làm cho những người một đời lặn lội vâng nghe và làm theo Lời Chúa ỷ lại vào tấm lòng quảng đại và quyền năng của Chúa nhưng trái lại đó là một ân thưởng của Chúa cho những ai thành tâm vâng nghe và làm theo Lời Chúa. Chúa Giêsu Phục sinh đã chuẩn bị tất cả, nhưng Chúa không quên mời gọi những môn sinh đóng góp kết quả công sức của của mình, đành rằng kết quả ấy cũng chỉ là ân ban của Chúa: “các con hãy đem ít cá mới bắt được tới đây”.

Quả vậy “Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Từ ngữ "chịu tế sát" trong đoạn trích sách Khải Huyền hôm nay khi nói về Chiên Con là một điểm nhấn cho chúng ta hiểu về giá trị thập giá của Ðức Kitô. Bài huấn từ đầu tiên với vai trò thủ lãnh Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong Thánh Lễ với các Hồng Y tại Nguyện Đường Sistine hôm thứ năm 14/ 3/2013: “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa. Tôi ao ước rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, có lòng can đảm, can đảm chính là để đi trong sự hiện diện của Chúa, với Thánh Giá của Chúa, để xây dựng Hội Thánh trên máu của Chúa được đổ ra trên Thánh Giá, và để tuyên xưng một vinh quang duy nhất: là vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh. Và bằng cách này, Hội Thánh sẽ tiến lên.”

Cuộc đời kitô hữu không thể không có thánh giá. Làm sao vác nổi thánh giá theo Chúa nếu không có lòng yêu mến Chúa? Tình thương dẫn đến hành động. Tình thương cũng đem lại ánh sáng, sự hiểu biết và lòng can đảm làm việc mình phải làm. Phêrô đã tuyên xưng đức tin (Mc 8, 27-30). Nhưng chưa đủ. Phêrô còn phải tuyên xưng tình yêu nữa. Sứ mệnh luôn luôn đi đôi với tình yêu. Động lực chính để ta thi hành bất cứ sứ mệnh nào, đó là tình yêu. Thánh sử Gioan có nói đến hai cảnh bên bếp than hồng. Bếp than hồng trong sân dinh Caipha, bếp than hồng để sưởi ấm. Bên bếp than hồng ấy, Phêrô chối thầy ba lần. Vì đêm ấy “Phêrô theo Chúa xa xa”(Mc 14, 54), Phêrô cảm thấy lạnh, cảm thấy có nhu cầu sưởi ấm (Ga 18,18). Thái độ theo Chúa xa xa đó là thái độ của các kitô hữu tham công tiếc việc, dững dưng với đời sống nội tâm, lười biếng cầu nguyện hằng ngày, bỏ thánh lễ Chúa nhật, không siêng năng xưng tội, rước lễ…. Theo Chúa xa xa như thế, xa Mặt Trời soi đàng công chính như thế làm sao có đủ ấm lòng đầy lực để sống đức tin, để trụ vững giữa những bếp than hồng sưởi ấm chứa đầy lực hấp dẫn của những hưởng thụ. Theo Chúa xa xa như thế nên đời sống nội tâm trống vắng, lạnh là phải thôi. Như thế hơi ấm phát ra từ sự hưởng thụ tiền, quyền, danh  làm ngã gục những  kẻ theo Chúa xa xa mà đáng lẽ ra ở một hoàn cảnh khác họ có thể trụ vững với Ơn Thánh Chúa.

Bên một bếp than hồng khác, một bếp than hồng rất “sinh thái” trên bờ biển theo nghĩa tự nhiên cũng như siêu nhiên, đầy tình anh em, đầy tình Thầy trò, Phêrô lại bày tỏ tình thuơng với Thầy mình ba lần. Tình thương đã nối kết Phêrô trở lại với Thầy của mình.

Ngày nay Chúa Giêsu Phục Sinh cũng vẫn đang hiện diện và đồng hành giữa chúng ta qua các hoạt động của Hội Thánh, đặc biệt qua các bí tích. Chúa Giêsu Phục sinh vẫn tiếp tục can thiệp vào từng công việc, từng cảnh huống trong mỗi cuộc đời của chúng ta. Noi gương các Tông đồ, trong niềm tin phó thác hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Chúa Giêsu, “Phải vâng phục Thiên Chúa hơn là người phàm”. Vâng phục Thiên Chúa là tuân giữ các giới răn của Chúa, siêng năng cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận bí tích Thánh Thể và bí tích giải tội. Vâng phục Thiên Chúa như thế, chúng ta sẽ không cảm thấy lạnh run trước những cơn bảo táp cuộc đời. 

 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 93
  • Khách viếng thăm: 59
  • Máy chủ tìm kiếm: 34
  • Hôm nay: 10268
  • Tháng hiện tại: 163440
  • Tổng lượt truy cập: 12453152