Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật IV Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ hai - 15/04/2013 18:56
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH
(Cv 14,21b-27 ; Kh 21,1-5a ; Ga 13,31-33a.34-35)
 



Hôm nay Chúa Nhật thứ V mùa Phục Sinh, lời Chúa trong bài đọc một trích từ sách Công vụ Tông đồ kể lại câu chuyện loan báo Tin Mừng của thánh Phao-lô và thánh Ba-na-ba. Đặc biệt tại Lýt-ra và I-cô-ni-ô, các ngài đã khuyên bảo tín hữu giữ vững đức tin, vì: “phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” Sang bài đọc hai, Lời Chúa trích sách Khải Huyền kể lại thị kiến của Gio-an về “Trời mới đất mới”... Như thế, hai bài đọc tuy khác nhau về nội dung và ý nghĩa, nhưng có một điểm chung là đều liên quan đến “Nước Thiên Chúa”. Với Đức Giê-su Phục Sinh, từ nay, Nước Thiên Chúa đã thuộc về quyền sở hữu của người tin. Đời sống của Nước ấy thế nào thì bài Tin Mừng đã công bố cho ta thấy rõ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Yêu thương một chuyện quá quen, suốt dòng lịch sử nhân loại thời nào cũng nói tới. Không có tôn giáo nào không có một phần lớn để bàn về chuyện yêu thương giữa con người với nhau. Đạo Phật nói đến từ bi, Khổng giáo nhấn mạnh chữ “nhân”, văn hóa Việt Nam ngâm nga ca dao tục ngữ : “Thương người như thể thương thân”, hoặc như “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Đối với Ki-tô giáo, yêu thương không chỉ là một nhân đức mà chính là nền tảng để trên đó các nhân đức khác được xây lên. Chính vì yêu thương nên tôi nhẫn nại, chịu thương, chịu khó, chịu hy sinh, chịu thiệt... Chính vì yêu thương nên tôi tìm cách xử sự cho khôn ngoan, tế nhị, dịu hiền, tiết độ... Tại sao? Tại vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7-8), cho nên lối sống trong Nước của Ngài không gì khác ngoài tình yêu.

Tình yêu trở thành thước đo đời sống đạo đức của người tín hữu: “Ai nói yêu mến Thiên Chúa mà không yêu thương anh em mình là kẻ nói dối” (1, Ga 4,19). Thực tế cuộc sống cho thấy có người rất đạo đức sáng lễ, chiều kinh, nhưng cuộc đời họ không đem lại hoa trái thiêng liêng là giúp người khác nhận biết Chúa rồi tin theo. Tình trạng này không có nghĩa việc đọc kinh, dư lễ không có giá trị, nhưng cho ta ý thức những việc thiêng liêng ta làm mới chỉ là phương tiện chứ chưa phải hoàn thành. Không thể có lòng mến Chúa nơi một người không cầu nguyện, không khát khao tham dự Thanh Lễ. Ngược lại, một người rất nhiệt tình, sốt sắng với những việc đạo đức không hẳn đã là người mến Chúa. “Xem quả biết cây”, người đạo đức mà có lòng nhân ái mới là đạo đức thật, đó là đạo đức do lòng mến Chúa chứ không phải là thói quen hay tập quán.

Trong phạm vi của Lời Chúa hôm nay, tình yêu lại nổi bật ở chỗ chính Chúa Giê-su lấy mình làm chuẩn mực cho các môn đệ: “Thầy ban cho anh em giới răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Tin Mừng cho thấy tình yêu của Chúa Giê-su có những đặc điểm rất rõ nét. Tuy nhiên, trong phạm vi gioi hạn của bàn chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật thiết nghĩ cần dừng lại nơi đặc điểm tinh yêu quan tâm để săn sóc, phục vụ.
 
Chúa quan tâm để thấy cái nhu cầu đang cần giúp đỡ. Kinh Thánh kể Chúa Giê-su thấy đoàn người bơ vơ như đoàn chiên không người chăn dắt thì Chúa chạnh lòng thương không để họ ra về bụng đói (Mt 20, 17tt ). Thấy nỗi đau của bà góa vì mất con, không đợi bà xin rồi mới cứu mà Ngài đã ra tay để cho người con trai của bà sống lại. Với những người thân yêu Chúa không để họ bơ vơ bao giờ. Ngay khi bị bao vây trong vườn Cây Dâu, điều đầu tiên Ngài nghĩ là : “Nếu các ông bắt tôi thì hãy để cho những người này đi.” (Ga 18,1 tt) Vì thế, trong vụ án Chúa Giêsu không một môn đệ nào của Ngài bị liên lụy phải chịu tù đày, tra tấn. Theo truyền thống, các Tông Đồ đều tử đạo chỉ trừ thánh Gioan, nhưng các ngài coi đó là phúc vì được nên giống Thấy Chí Thánh chứ không phải đi theo nên gặp họa. Với Mẹ dấu yêu cũng thế, về phương diện thần học, có lẽ rất nhiều ý để bàn, ở đây hiểu một cách đơn sơ câu chuyện “Dưới chân Thánh Giá” cho thấy, ngay khi gần trút hơi thở cuối, Chúa còn quan tâm không để Mẹ và môn đệ Ngài thương mến phải cô độc vì vắng Ngài: “Thưa Bà, đây là con của Bà." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Gioan 19,26-27). Sau Phục Sinh đặc tính này vẫn thấy rõ. Chúa biết các môn đệ đang sống trong sợ hãi nên mỗi lần hiện ra Ngài đều nói: “Bình an cho các con”. Tại biển hồ Ti-bê-ri-a, Chúa hiện ra với các Tông Đồ. Các ông đã vất vã một đêm dưới biển tất nhiên là đói và lạnh thì khi lên bờ gặp Ngài đã có bếp lửa và cá nướng chín để trên. Những hình ảnh đó cho thấy một cách sống động tình yêu của Chúa Giêsu là quan tâm săn sóc bằng những hành động phục vụ hy sinh, như chính Ngài đã nói rõ về mình: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc10,45).

Khác với lối sống của Chúa, trong thế giới con người, đặc biệt hôm nay, sự vô tâm, vô cảm thờ ơ trước những nỗi đau của người khác đang rất phổ biến như câu chuyện “Người phụ nữ lái xe Bus” làm xôn sao cộng động mạng [1]. Tại Việt Nam, vào lúc 13 giờ 30 ngày 1 tháng 12 năm 2012, hai nữ sinh lớp 10 đang lưu thông trên đường, đến giao lộ Phan Văn Hớn và Dương Công Khi thuộc ấp 5, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM đã bị xe tải hất vắng vào gầm xe. Một em chết tai chổ, em kia bị bánh xe tải đè nát bàn tay kên la đau đớn. Tài xế xe tải hoảng sợ mở cửa tháo chạy để nguyên chiếc xe đè lên tay em. Người đi đường chận một chiếc xe Bus, nhờ tài xế lăn bánh chiếc xe tải để người ta đưa em nữ sinh ra, nhưng tài xế xe Bus từ chối, thản nhiên lái xe đi... Những chuyện như thế hàng ngày đầy trên mặt báo, còn những chuyện khác không ai nói tới tưởng chừng như vì nó không quan trọng, nhưng lại cho thấy một thực tế rất phủ phàng. Đó là người ta ăn xài thoải mái hết cả đồng lương cuối cùng trong khi người thân của mình chạy vạy từng bửa thiếu trước, hụt sau. Người con ở nhà cao cửa rộng vì đã ra riêng làm ăn được, còn cha mẹ già rồi vẫn ra vào dưới mái nhà tranh cũng không có gì áy náy. Vì thế, hôm nay thế giới lại cần Đức Giêsu Phục Sinh hơn bao giờ hết. Cần cái mẫu quan tâm, săn sóc, hy sinh phục vụ để theo, và cần quyền năng Thánh Thần của Đấng Phục Sinh để có sức thực hiện. Vì trong thời đại tục hóa con người bị lối kéo theo dòng thác hưởng thụ thì chỉ có sức mạnh của Thánh Thần mà Đấng Phục Sinh ban tặng mới chiến thắng được thôi.

Hôm nay, có biết bao người đau khổ vì trong gia đình hay cộng đoàn của mình thiếu vắng tình yêu, không còn quan tâm mà trái lại mạnh ai nấy sống. Ta đau khổ vì vô tâm của người khác, nếu người đó là người thân của mình thì sự đau khổ ấy nhân lên biết mấy lần. Trong tình trạng đó, ta thường cầu nguyện liên lỉ, xin Chúa thay lòng đổi dạ người làm khổ mình để cuốc sống dễ thở hơn. Nhưng khi nhìn kỷ Chúa Giêsu nơi mầu nhiệm Thập giá thì có điều là: Ngài không cầu nguyện xin Cha thay đổi Caipha, Philatô, thay đổi người Do Thái, mà chính Ngài thay đổi. Từ tình trạng vô tội Ngài trở thành tội nhân, một Đấng quyền năng trên vũ trụ, con người, Sa tan và cái chết, lại trở thành kẻ thua cuộc bị giết chết thảm thương. Chúa không đòi người ta thay đổi mà Chúa chấp nhận thay đổi, Ngài biến đổi con người và thế giới bắt đầu từ nơi chính bản thân Ngài. Ngài thay đổi bằng cách chấp nhận chết nhục nhã, đau thương, bị phản bội, vu khống, bất công... không phải vì nhưng thực trạng đó chúng có giá trị, nhưng giá trị cua sự thay đổi nơi Ngài chính là vâng ý Cha. Theo cách nhìn này bản thân ta cũng được mời gọi thay vì chờ người khác thay đổi những khuyết điểm của họ thi chính ta hãy thay đổi. Thay đổi thế nào nếu không phải là thực hiện những gì ta xác tín Chúa Cha muốn mình như thế.

“Cứ dấu này mà mọi người biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Ngày xưa, những người Lương gọi Đạo Công Giáo là Đạo của những người thương nhau. Ngày nay, ước gì người Công Giáo thương nhau để người ta nhận ra Chúa nơi chính cuộc đời chúng ta.

 

[1] http://tinmoinhat.vn/tin-tuc-24h/tin-trong-nuoc/cau-chuyen-ve-nguoi-phu-nu-lai-xe-bus-lam-xon-xao-cong-dong-mang

 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 54
  • Hôm nay: 14375
  • Tháng hiện tại: 170809
  • Tổng lượt truy cập: 12460521