Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật II Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ ba - 02/04/2013 21:27
CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH
(Ga 20, 19-31)
 



Trong suốt tuần bát nhật Phục Sinh, Giáo Hội cho chúng ta nghe nhiều bài trình thuật kể lại sự kiện Chúa phục sinh và hiện ra với các tông đồ và những người thân yêu của Ngài. Trong Chúa Nhật hôm nay, để kết thúc tuần Bát Nhật, Giáo Hội cũng cho ta nghe một câu chuyện về Chúa Phục Sinh, mà chúng ta vẫn thường gọi là câu chuyện của Thánh Tôma cứng lòng tin. Nhưng thái độ và cách phản ứng của Tôma qua bài Tin Mừng hôm nay là một dịp tốt để chúng ta suy nghĩ thêm về vai trò chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh của mỗi người chúng ta.

Tôma không phải là một tông đồ lừa thầy phản bạn. Tôma cũng không phải là một con người hèn nhát. Tôma là một tông đồ đáng kính, nhiệt thành và quả cảm. Bằng chứng là khi Chúa Giêsu tỏ cho các tông đồ biết quyết định sẽ lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, thì Phêrô đã sợ hãi và tìm cách ngăn cản Chúa, còn Tôma lại là người đã hô hào: "Nào cả chúng ta nữa, hãy lên Giêrusalem chịu chết với Ngài". Tôma rất can đảm, nhiệt thành và trung tín với Chúa. Thế thì tại sao hôm nay chúng ta lại có cảm tưởng bắt gặp một Tôma cứng cỏi, không sẵn sàng đón nhận Tin Mừng Chúa Phục Sinh do các tông đồ đem đến.

Bài Tin Mừng hôm nay của Thánh Gioan kể lại 2 lần Chúa phục sinh hiện ra với các tông đồ. Lần thứ nhất, không có mặt của Tôma. Sau lần đó, các tông đồ đưa tin Chúa đã phục sinh cho Tôma. Như thế trong lần này, Tôma đã không được trực tiếp đích thân gặp Chúa phục sinh, nhưng chỉ qua những gì các tông đồ kể lại, và Tôma đã không tin vào những gì do các tông đồ khác kể lại, và xem ra lại có những lời thách thức táo bạo: "Nếu Tôma này không xỏ ngón tay vào cạnh sườn của Chúa, thì Tôma không tin". Lý do nào đã khiến Tôma không tin, nguyên cớ nào đã biến Tôma trở nên cứng cỏi như vậy ? Chúng ta đừng vội qui lỗi hoàn toàn cho Tôma. Ở đây, không phải là Tôma muốn chống lại một sự thật lớn lao là Chúa đã phục sinh, nhưng xét cho cùng là vì thái độ của các tông đồ, những người đã gặp được Đức Kitô phục sinh và kể lại cho Tôma. Và chính thái độ của các tông đồ này đã khiến Tôma không thể tin được những gì các ông kể lại.

Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta ghi nhận một chi tiết: đó là trong 2 lần Chúa hiện ra với các tông đồ, các ông đều ở trong phòng, cửa đóng kín, lý do là vì sợ người Do Thái. Chi tiết này cho phép ta suy đoán lập luận của Tôma. Theo Tôma nghĩ, nếu Đức Kitô, Thầy của họ đã sống lại thật và đã hiện ra với các ông, thì đó phải là một niềm vui to lớn mang lại cho họ một sức mạnh phi thường, và các ông phải đi khắp hang cùng ngỏ hẻm để loan báo tin mừng đó cho mọi người, chứ sao vẫn còn sợ hãi ngồi dấu mình trong phòng và đóng kín cửa vậy.

Tôma quả thực đã không tìm thấy được một bằng chứng, một dấu chỉ rõ ràng nào cho việc Chúa đã sống lại qua thái độ vẫn còn sợ sệt của các tông đồ khác, những người đã nói rằng họ đã gặp được Chúa phục sinh. Như thế, chúng ta có nên qui trách hoàn toàn lỗi cho Tôma đã cứng cỏi không chịu tin vào Đức Kitô đã phục sinh, hay chúng ta phải nói rằng chính thái độ của các tông đồ khác đã tạo nên sự cứng cỏi đó nơi Tôma, và chính các tông đồ là những người có trách nhiệm về sự cứng lòng tin của Tôma lúc này?

Suy nghĩ về sự kiện này và thái độ của Tôma cũng là một dịp tốt đễ mỗi người chúng ta kiểm điểm lại cách thức đưa tin của chúng ta, bởi lẽ mỗi người chúng ta, một khi đã được gia nhập Hội Thánh Chúa, được đón nhận ơn cứu độ của Đức Kitô phục sinh, chúng ta cũng là những người có bổn phận đưa tin Chúa đã phục sinh. Nhưng liệu người khác có sẵn sàng đón nhận những gì chúng ta đưa tin không? Hay ngược lại chúng ta lại đẩy họ vào chỗ cứng cỏi hơn, ác cảm với đạo hơn, chỉ vì cung cách sống và suy nghĩ của chúng ta? Chúng ta là những người có bổn phận đưa tin về Chúa cho những ai sống bên cạnh chúng ta.

Vấn đề quan trọng là làm sao để chúng ta là những người đưa tin có thể tin được. Trong cuộc sống, có những người khi họ nói với ta điều gì, ta dễ dàng chấp nhận và tin. Nhưng cũng không thiếu những người khi họ nói với ta điều gì, đưa cho ta tin nào, dù đó là những sự thật đi chăng nữa, ta cũng không thể tin được. Lý do là vì để tin ai, chúng ta trước tiên không xét đến lời họ nói, điều họ đưa tin, nhưng là xem con người họ có phẩm chất tốt không, con người họ có tạo được sự tin tưởng không!

Thế thì, cũng vậy, chúng ta phải sống như thế nào để những ai được sống bên cạnh chúng ta, có thể tin được những gì chúng ta đưa tin cho họ về Thiên Chúa của chúng ta, về Hội Thánh của chúng ta, phải sống như thế nào để họ có thể cảm nhận cách thực sự rằng qua cung cách sống của chúng ta, Tin Mừng của Thiên Chúa đang biến đổi con người chúng ta mỗi ngày tốt đẹp hơn.

Nhưng thật đáng tiếc nếu kẻ khác chỉ tìm thấy nơi người Kitô hữu chúng ta nhiều cung cách sống, nhiều phản ứng xa lạ và đối nghịch với Tin Mừng. Nhất định lúc này chúng ta là những người đưa tin không đáng tin cậy, và vì họ không tin chúng ta, nên họ cũng không thể tin những gì chúng ta muốn nói với họ về Thiên Chúa của ta. Quả là oan ức cho Tôma nếu mọi người cứ gọi Tôma là vị tông đồ cứ lòng tin. Nỗi oan của Tôma cũng là nỗi oan của biết bao người hôm nay đang sống bên cạnh cùng chúng ta. Họ bị trách oan là không chịu đón nhận Tin Mừng của Chúa, không chịu hoán cải. Lỗi đó, có phải là hoàn toàn do họ không, hay lại do chính chúng ta, vì chúng ta như những người có bổn phận đưa tin về Chúa cho họ, thế mà cung cách sống đạo lại không hề có sức thuyết phục họ tin vào Chúa và tín nhiệm và Hội Thánh của Chúa nữa.

Thế thì, đừng trách cứ Tôma, đừng trách những con người như thế bên cạnh ta, nhưng trước tiên hãy tự trách chính chúng ta, bởi vì mình mà họ đã không tin vào Thiên Chúa hay không còn muốn tin vào Thiên Chúa nữa.

Trong thánh lễ này chúng ta cầu xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta đủ nghị lực làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống hằng ngày của mình.

 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Ngọc Minh
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 40
  • Khách viếng thăm: 36
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 156806
  • Tổng lượt truy cập: 12446518