Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật X Thường Niên

Đăng lúc: Thứ sáu - 07/06/2013 05:51
CHÚA NHẬT 10 THƯỜNG NIÊN
(1 V 17,17-24 ; Gl 1, 11-19 ; Lc 7, 11-17)
 
 

Chúng ta cùng hòa chung với Giáo hội trong năm đức tin, năm đức tin mời gọi chúng ta củng cố và sống niềm tin của mình một cách can đảm và xác tín- niềm tin được đón nhận từ Lời Chúa hôm nay như là một năng lực mới cho cuộc sống đức tin nhờ đó mà nhận ra lòng thương xót của Chúa đối với chúng ta. 

Thánh Luca, vị thánh sử viết Tin mừng thường nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa. Bài Tin mừng hôm nay là một bằng chứng cho điều này. Việc cho đứa con trai bà góa thành Nain sống lại, Chúa đã chứng tỏ rằng Ngài là Chúa của sự sống. Thánh sử Luca không đặt trọng tâm câu chuyện rõ ràng vào người góa phụ cho bằng nhấn mạnh đến lòng thương xót của Chúa Giêsu đối với hết mọi người, nhất là người đau khổ.

 Chúa Giêsu cứu sống con trai bà góa thành Nain là do lòng thương xót của Chúa: Tất cả mọi người hôm đó chẳng ai mở lời xin Chúa giúp, chính Chúa ra tay cứu giúp chỉ vì Ngài động lòng thương. Chúa chạnh lòng thương trước cảnh mẹ góa con côi, tre già khóc măng non. Chúa cứu sống đứa con trai xong, Chúa còn tế nhị trao lại cho mẹ nó.

Chúng ta lần lại bài đọc I sách các vua (1 v 17,17-24) có những nét tương đồng với bài Tin mừng: đó là con trai độc nhất bị chết, bà mẹ là một góa phụ và là một người ngoại giáo. Ngôn sứ Êlia cứu sống con  trai bà góa thành Sarepta, Chúa Giêsu cũng đã phục sinh người con trai bà góa thành Naim. Khi thánh Luca viết đoạn Tin mừng này, ngài muốn cho thấy Chúa Giêsu là một Êlia mới. Nhưng hai câu chuyện, hai cách thức làm cho kẻ chết sống lại khác nhau giữa những gì tiên tri Êlia đã làm và những gì Chúa Giêsu đã làm. Cả hai đối đầu với sự chết. Êlia đã kêu cầu Chúa và cầu nguyện rằng: xin Ngài phục hồi sự sống cho đứa con của người đàn bà, còn Chúa Giêsu đã nói nhân danh Chúa và bởi quyền lực của chính mình. Ngài nói những lời rất quyền năng . Êlia thật sự là một tiên tri của Chúa nhưng còn chính Chúa Giêsu là Chúa của sự sống. 

 Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không muốn so sánh Êlia với Chúa Giêsu cho bằng muốn giáo dục chúng ta về mặt  đức tin và đạo đức. Cả ba bài đọc Lời Chúa hôm nay mỗi bài nói lên một ý nhưng chúng ta dễ nhận ra chủ đề chung cùng với nhiều ý tưởng phụ xoay quanh.

Qua bài Tin mừng, bằng những nét bút linh động, thánh Luca mô tả việc Chúa Giêsu làm cho con trai bà góa thành Naim sống lại đầy quyền năng nhưng cũng vọng lại thẳm sâu về lòng nhân lành thương xót của Chúa đối với người đau khổ góa phụ “ Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: Bà đừng khóc nữa”( Lc 7,13). Đoạn người nói: “Này người thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy” (Lc 7,14). Người chết liền ngồi dậy, Chúa cầm tay “trao lại cho mẹ nó”. Tất cả tình yêu của Chúa thể hiện trong một cử chỉ của lòng thương xót.

“Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương…”(Lc7,13), nói nôm na gần với chúng ta hơn “ Chúa xúc động đến ruột gan”, từ ngữ này luôn luôn được áp dụng cho tình yêu thương của Thiên Chúa đối với loài người trong các trang Tin mừng. Phần đông các tôn giáo lớn đã được xây dựng trên ý tưởng về một Thượng đế “vô cảm”, “xa lạ”, “toàn năng”. Israel đã nhận được mạc khải về một Thiên Chúa “như mẹ hiền”có lòng dạ ruột gan (Hôsê 1,6-7;2,21  ; Tv 51,3 ; Is 49,15).còn giờ đây trong Đức Giêsu, Thiên Chúa xuất hiện rất là nhân bản, dễ bị tổn thương, gần gũi, có thể cảm xúc trước cảnh khổ đau con người. 

Thánh Luca đã quan sát Chúa Giêsu, thấy Ngài xúc động và động lòng thương khi nhìn thấy bà. Cảm tình của Chúa đã đi trực tiếp đến người góa phụ không phải là do cái chết của đứa con. Chúa Giêsu hiểu rằng thời gian khó khăn nhất của người góa phụ thì không phải bây giờ nhưng là sau này, khi chôn cất xong bà sẽ trở về lại một mình trong căn nhà trống rỗng. Người ta nói rằng khi một người già chết đi thì người ấy mang đi quá khứ của chúng ta; còn khi một người trẻ chết thì người ấy mang chính tương lai của chúng ta. Sự mất mát này to lớn đến nỗi có thể khiến cho người ở lại  không còn tha thiết sống nữa. Cái chết là một sự thật , vượt qua nỗi đau mất mát trong cái nhìn đức tin để đạt tới hy vọng tin tưởng vào Thánh ý nhiệm mầu của Chúa là một điều cần và đủ.

Chúng ta còn nhớ câu chuyện trong Kinh Thánh kể về nỗi đau của Đavít khi đứa con của ông bệnh nặng ( Sm 12,16-25): Đavít rất buồn rầu và tha thiết cầu xin Chúa cho đứa nhỏ con ông hết bệnh. Ông còn ăn chay và đêm thì nằm ngủ dưới sàn nhà, mặc áo nhậm. Các quan cận thần năn nỉ ông lên giường nhưng ông không chịu. Đến ngày thứ bảy thì nó đã chết. Các cận thần rất lo lắng nói với nhau “Lúc đứa bé còn sống, ngài còn không nghe chúng ta, huống chi bây giờ nó đã chết rồi”. Đavít nghe người ta xầm xì thì đoán được sự việc. Ông hỏi “Có phải con ta đã chết rồi chăng?”. Họ đáp: Thưa vâng. Đavít liền chỗi dậy, tắm rửa, mặc quần áo bình thường, vào đền thờ phủ phục trước nhan Chúa, rồi trở ra ăn uống như thường. Mọi người ngạc nhiên hỏi: “Tại sao khi đứa bé chưa chết thì ngài khóc than và nằm dưới sàn, còn khi nó chết rồi thì ngài chỗi dậy và ăn uống? Đavít trả lời: “Khi đứa bé còn sống, ta làm tất cả để cứu mạng sống nó. Nay nó chết rồi, nó không thể trở về với Ta nữa. Nhưng ta có thể đến với nó”.

 Đavít đã nêu gương biết chấp nhận một tình huống không thể nào thay đổi được. Tuy chúng ta không thể quên người đã chết, nhưng cuộc sống là quí giá nên chúng ta phải tiếp tục sống. Đón nhận cuộc đời bằng tin tưởng và hy vọng trong nhiệm mầu thánh ý.

Hoàn cảnh chúng ta nhiều lúc cũng gặp phải khổ đau như hai góa phụ Sarepta, Nain hay Đavít. Chúng ta đón nhận như thế nào: bằng cả niềm tin hay bằng sự chối từ, thất vọng . Chúng ta có sẵn sàng bằng cả niềm tin của mình mà nhận ra lòng thương xót của Chúa ngang qua nghịch cảnh cuộc đời. Trong khoảnh khắc mọi sự có thể thay đổi nhưng chúng ta tin có Chúa. Điều này cho thấy có Chúa là có bình an. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có giông tố bão táp, nhưng chúng ta sẽ được sự bình an nếu chúng ta tin tưởng và phó thác vào lòng thương xót của Chúa. Chúng ta dễ thất vọng, nghĩ rằng Chúa bỏ rơi chúng ta, Chúa ở xa chúng ta hay không để ý gì đến chúng ta. Trái lại, trong giờ phút khó khăn nguy hiểm đau thương, chẳng những Chúa đi bên cạnh chúng ta mà còn bồng bế chúng ta trong cánh tay toàn năng của Ngài.

 
Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Nguyễn Văn Thanh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 51
  • Khách viếng thăm: 47
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 13656
  • Tháng hiện tại: 166828
  • Tổng lượt truy cập: 12456540