Trang mới   https://gpquinhon.org

Hãy vui lòng dạy con tình yêu

Đăng lúc: Thứ bảy - 27/04/2013 18:53
Hãy vui lòng dạy con tình yêu
(CHÚA NHẬT V PHỤC SINH C)
 
Ngày 16.4 năm ngoái (2012), cả thế giới bàng hoàng vì cái tin một sinh viên Nam Hàn xách súng vào đại học Kỷ thuật Virginia bắn chết 32 sinh viên và sau đó tự sát. Năm nay, cũng đúng vào ngày 16 4, cả nước Mỹ lại bàng hoàng vì sự kiện đặt bom khủng bố ngay tại cuộc đua Marathon tại thành phố Boston. Thế nhưng, trên toàn thế giới, đâu phải chỉ có mỗi một câu chuyện thương tâm đó xảy ra trong ngày 16.4, mà hằng ngày, hằng giờ trên hành tinh nầy có hàng trăm hàng ngàn sự kiện, biến cố đau thương mà con người đã đem đến cho nhau, vì hận thù ghen ghét, tranh chấp, đố kỵ…
 
Quả thật, tấn tuồng Cain giết Aben không bao giờ ngừng lại trong lịch sử con người ; và như thế sống yêu thương, sống hòa giải, sống phục vụ, sống vị tha vẫn là con đường dài nhiêu khê còn ở phía trước mà mỗi người chúng ta, mà toàn nhân loại phải “bắt đầu và lại bắt đầu” liên tục trong cuộc sống.
 
Vã lại, trong cuộc đời Ki-tô hữu, sống bác ái yêu thương lại con đường và cách thể hiện niềm tin trọn hảo nhất. Bởi vì, "Yêu Thương là điều răn mới" được Đức Ki-tô nhấn mạnh cách đặc biệt : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau…” (Ga 13, 34-35 ; 15, 12-13) ; và "Đức Mến" là nhân đức cao trọng trên tất cả (1 Cr 13, 1-13).
 
          Hôm nay, chúng ta thử dừng lại để suy niệm “qui luật tối thượng” nầy.
 
I. Đức Ki-tô đã yêu thương và dạy chúng ta yêu.
 
          Trong "nghệ thuật yêu thương" của Đức Ki-tô, chúng ta cảm nhận được điều nầy : Đó là một tình yêu "trọn vẹn cho Thiên Chúa" và "hết tình cho con người". Phải chăng đó là sự thể hiện trọn vẹn và cụ thể hai điều răn căn bản: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi" (Đnl 6, 5; Mt 22, 37); và "ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" (Lv 19, 18; Mt 22, 38).
 
Không cần phải nhắc lại việc Chúa Giêsu yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cùng nhau xem xét cách Ngài yêu thương chúng ta và dạy chúng ta yêu thương nhau làm sao.

          Đức cố Hồng Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã cho thấy "nghệ thuật yêu thương con người" của Chúa Giê-su mang các chiều kích sau :
 
* Yêu thương trước : "Người đã yêu chúng ta trước" (1Ga 4, 19; Rm 5, 8).
 
* Yêu thương tất cả mọi người : "Các con hãy là con của Thiên Chúa Cha trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành và kẻ dữ…" (Mt 5, 45).
 
* Yêu thương kẻ thù : "Nếu các con yêu những người yêu các con…nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi…ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?…Nhưng Thầy bảo các con : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con" (Mt 5, 46-47.44).
 
*Yêu thương bằng cách phục vụ : "thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13, 14).
 
(x. Chứng nhân hy vọng, sđd, trang 116-121).
 
*Yêu thương bằng cách hiến chính mạng sống mình : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu nầy là : hiến chính mạng sống cho các bạn hữu mình" (Ga 15, 13).
 
          Nếu mọi người Ki-tô hữu, nếu toàn nhân loại đều sống và thực thi được một phần theo cách thế yêu thương như Chúa Giê-su đã sống và đã thực hiện, thì chắc chắn thế giới đã trở nên “địa đàng” và ước mơ của sứ ngôn Isaia ngày nào “kiếm với cung sẽ thành cuốc thành cày…, sói sống chung với chiên, beo nằm bên dê nhỏ” đã sớm hiện thực rồi.
 
          Và vì thế, trách nhiệm của chúng ta, những người mang danh Ki-tô, thật là lớn lao, thật là cần thiết. Bởi vì, chính chúng ta được Đức Ki-tô truyền lệnh phải thực thi giới răn yêu thương trước hết và làm chứng cho thế giới rằng : tình yêu chính là tiếng nối cuối cùng và là chìa khóa để mở mọi cánh cửa nhân sinh.
 
          Nhưng chúng ta cũng đừng quên : Đức Ái chính là công trình của Chúa Thánh Thần.
 
II. Đức Ái, công trình của Chúa Thánh Thần :
 
          Làm sao với trái tim nhân loại, với con người mỏng dòn, yếu đuối luôn nghiêng chiều về xác thịt, ích kỷ, đam mê… lại có thể yêu trọn vẹn, yêu cao cả, yêu thánh thiện như thế được ? Vì quả thật, tự sức chúng ta, chúng ta không có khả năng để yêu thương với kích thước và đòi hỏi của Đức Ki-tô. Biến cố tội Nguyên Tổ đã làm cho “trái tim của ta ra méo mó”, và cái chất “Ca-in” ghen ghét, tỵ hiềm, oán thù… vẫn bám chặt bản tính con người, để khi có cơ hội và được sự xúc xiểm của Sa-tan, sẽ dễ dàng tiếp tục gây nên những tội ác “giết hại A-bel” mà lịch sử muôn thuở muôn nơi vẫn còn minh chứng.
 
Nhưng đừng thất vọng. Điều con người bất lực thì Thiên Chúa sẽ ra tay. Đức Ái là một trong 3 nhân đức “Đối Thần”, và yêu thương chính là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng được mệnh danh là "Tình yêu của Thiên Chúa", như lời khẳng định của Thánh Phao-lô Tông đồ :
 
"Thiên Chúa đã đổ tràn tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5, 5).
 
          Mà nếu Đức Chúa Thánh Thần đã ra tay tác tạo, thì hoa trái của Ngài sẽ là: "Bác ái, hoan lạc, bình an nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5, 22-23).
 
Giá cao luôn được dành cho của quí. Tình yêu lớn đòi phải hy sinh nhiều. Như câu chuyện ngụ ngôn của Oscar Wide "Con chim hoạ mi và cây hoa hồng" : “Để làm nên quà tặng tình yêu, chim hoạ mi chấp nhận ép tim vào gai nhọn của hoa hồng để cây hoa hút máu tạo nên một cánh hoa hồng đẹp, làm quà tặng tình yêu". Muốn sống tình yêu đó, muốn có trái tim đó, chúng ta phải khiêm hạ cầu xin và không ngừng "học yêu" trong mái trường của Chúa Giê-su, mái trường "Tin Mừng", như lời nguyện thâm thuý sau đây của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta:
 
          Chúa Giê-su rất yêu mến của con
          Chúa đã sinh ra với tình yêu
          Chúa đã phục vụ bằng tình yêu
          Và bước đi, với tình yêu
          Chúa đã được tôn kính, với tình yêu
          Chúa đã đau khổ và chết trong tình yêu
          Và đã ra khỏi mồ với tình yêu
          Con cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã cho con
          Và tình yêu mà Chúa đem đến cho thế giới
          Con xin Chúa hôm nay cũng như mỗi ngày,
          Hãy vui lòng dạy con Tình yêu
          Để con cũng vậy, con biết yêu.
          Amen.
 
          (Cầu nguyện với Mẹ Têrêxa, trang 23).
Tác giả bài viết: Lm. Jos. Trương Đình Hiền
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 53
  • Khách viếng thăm: 46
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 158130
  • Tổng lượt truy cập: 12447842