Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa (I)

Đăng lúc: Thứ hai - 27/05/2013 17:39
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
(St 14,18-20; 1Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17)
 
 
“Bữa ăn chiều tối sẵn rồi
Tăng thêm phấn khởi tài bồi tình yêu”.
 (Thánh Gioan Thánh Giá)
 

Bữa ăn không chỉ đơn thuần là cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng còn là cơ hội diễn tả sự sum vầy, tình yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Chính vì thế, có chuyện gì buồn, không hay đừng nói ra trong bữa ăn mà chỉ nói những chuyện vui. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Trời đánh tránh bữa ăn”. Trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta thường dùng từ ăn bắt đầu cho những buổi tiệc chúc mừng: ăn tết, ăn hỏi, ăn cưới, ăn giỗ...  Từ ăn trong những trường hợp này nói lên sự chia sẻ huynh đệ, sự đoàn tụ hợp nhất của tất cả mọi người trong gia đình, gia tộc, trong làng xóm… Những chén cơm được đơm từ một nồi nói lên ý nghĩa mọi người chia sẻ cho nhau một sự sống, một tình yêu. Sự sống và tình yêu đó bắt nguồn từ Thiên Chúa.

 Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Thiên Chúa cũng coi trọng bữa ăn đến là chừng nào. Qua cách Chúa Giêsu nói và làm, bữa ăn không những mang lại sự sống đời này, mà còn đem lại sự sống vĩnh cửa đời sau nơi bàn tiệc của Vương Quốc Thiên Chúa (Lc14,15).

Thánh Luca ghi lại phép lạ Chúa Giêsu hóa năm cái bánh và hai con cá ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn no nê (Lc 9,11b-17). Từng lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu làm cho người Do Thái, và những kitô hữu đầu tiên liên tưởng đến việc ông Môsê đã ra lệnh cho mỗi gia đình phải quy tụ nhau lại ăn một bữa tiệc, gọi là tiệc Vượt Qua. Qua bữa tiệc này ông Môsê đã hướng dẫn họ ra khỏi cảnh nô lệ trở thành một dân tộc tự do và hạnh phúc.

Trong Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia 1, ĐGH Gioan Phaolô II đã lấy lại lời dạy của Công Đồng Vaticanô II để giới thiệu về Bí Tích Thánh Thể “là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống kitô giáo” (Lumen Gentium 11). Bí Tích Thánh Thể “tích chứa tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội: Đó là chính Chúa Kitô” (Presbyterorum Ordinis 5). Qua Bữa Tiệc này, Chúa Giêsu là Môsê mới dẫn đưa Dân Ngài là Giáo Hội ra khỏi cảnh nô lệ của tội lỗi đến cảnh tự do và hạnh phúc vĩnh cửu. Đồng thời, Ngài thực hiện lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu thực hiện một cuộc bảo vệ tất cả những tác phẩm mà Thiên Chúa đã sáng tạo. Tác phẩm tuyệt tác nhất là con người. Chúa bảo vệ và mời gọi các tông đồ cộng tác “các con hãy cho họ ăn”. Trong khi đó, các tông đồ muốn trốn tránh nhiệm vụ thiêng liêng cao cả này: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở là nơi hoang vắng” (Lc 9,12). Đối lại, Chúa Giêsu ra chỉ thị “anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”... “Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16-17). Qua chỉ thị này, Chúa Giêsu luôn mong chờ và cần sự cộng tác, sẵn sàng dâng cho Chúa những gì mình đang có, dù đó chỉ là năm cái bánh và hai con cá. Ngài còn muốn trao vai trò tìm kiếm thức ăn, dọn tiệc và cử hành bàn tiệc Thánh Thể cho Giáo Hội.

“Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống” (Lc 9,15). Các tông đồ được trao phó vai trò vừa làm người nội trợ, vừa làm người lãnh đạo! Vai trò này các ngài đã thực hiện như một tấm gương sáng ngời mẫu mực. Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Côrintô: “Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 23-24).

Theo gương các tông đồ chúng ta tiếp tục chia sẻ Mình và Máu Chúa Kitô, và chia sẻ lương thực hằng ngày trong tình huynh đệ, với tinh thần mau mắn làm theo Lời Chúa: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giêsu không chỉ thực hiện nơi hoang vắng năm xưa, mà hôm nay Ngài còn thực hiện và thực hiện cho đến ngày tận thế. Cuộc thực hiện này cũng cần đến sự cộng tác của mỗi chúng ta. Đã có lần nào chúng ta cảm nghiệm hạnh phúc cộng tác với Chúa trong phép lạ hóa bánh ra nhiều nào đó chưa?

Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta là để chúng ta giúp đỡ nhau, để chúng ta làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. “Người ta không thấy người xưa khóc nhưng chỉ thấy người hôm nay cười”. Một sự chia sẻ, một sự quan tâm, một cử chỉ chăm sóc, một ánh mắt, một nụ cười tất cả được làm với lòng quảng đại, trong tình yêu hy sinh là một phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta rước Mình Máu Thánh Ngài để lòng bác ái thương người được gia tăng nơi chúng ta. Chúa Giêsu dùng chính lễ vật chúng ta dâng hiến: tiền bạc, của cải vật chất, tài năng, công sức, lòng quảng đại, lời cầu nguyện, sự hy sinh đóng góp để Ngài làm phép lạ như phép lạ hóa bánh ra nhiều.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con có tấm lòng dâng kính của ông Ápram, khi đã được ông Menkixêđê  tư tế của Thiên Chúa Tối Cao chúc  phúc. Chúng con biết sẵn sàng chia sẻ, quảng đại cho đi, nhiệt thành thực thi công bằng xã hội, gia tăng việc bác ái yêu thương và sống hòa thuận với nhau, hết lòng hiếu kính ông bà cha mẹ, để phép lạ Thánh Thể của Chúa không bị đóng khung trên Bàn Thánh trong nhà thờ, nhưng được mở rộng trong cuộc sống thường ngày, nơi làm việc, chốn học đường của chúng con. Amen.  

 
Tác giả bài viết: Lm. Gioakim Nguyễn Đức Quang
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 32
  • Khách viếng thăm: 29
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 8195
  • Tháng hiện tại: 158219
  • Tổng lượt truy cập: 12447931