Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Chúa Ba Ngôi

Đăng lúc: Thứ hai - 20/05/2013 18:40
LỄ CHÚA BA NGÔI
 



Chúa nhật hôm nay Giáo Hội cử hành lễ một Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một trong ba mầu nhiệm trung tâm của đức tin công giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí của con người không thể hiểu thấu, hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, lại càng không phải là một vấn đề toán học. Trong toán học một là một mà ba là ba chứ không có chuyện một là ba mà ba lại là một.

Thiên Chúa chúng ta không phải là một con số mà ta có thể nắm bắt được. Cho dù con người có tài giỏi đến đâu, trí khôn của con người có thông minh đến mấy cũng không thể nào hiểu được về Thiên Chúa. Lão Tử đã nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh”, có nghĩa là đạo mà chúng ta nắm bắt được thì không phải là đạo, Thiên Chúa mà ta có thể nắm bắt được thì không phải là Thiên Chúa nữa. Thiên Chúa là Đấng quyền năng phép tắc vô cùng, Ngài là Đấng dựng nên muôn vật muôn loài thì làm sao trí khôn bé nhỏ của con người có thể hiểu thấu được.

Như vậy ai đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi? Chính Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết điều đó. Trong suốt 33 năm giảng dạy Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, tức là Ngài đã vén lên bức màn bí nhiệm của mầu nhiệm này. Chúa Giêsu dạy ta rằng: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là con một của Chúa Cha, Ngài và Chúa Cha là một, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha và Ngài là Thiên Chúa. Ngài còn cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Ngài và Chúa Cha sai đến cũng là Thiên Chúa. Như vậy chỉ có Một Thiên Chúa duy nhất nhưng có ba ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm và vẫn mãi mãi là một mầu nhiệm. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho ta biết một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, cũng không phải để ngăn chặn sự hiểu biết hay óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống của Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là “tình yêu”. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu. Tình yêu nơi Thiên Chúa không phải là một tình yêu đóng khung mà là một tình yêu mở ra và ban phát cho con người.

Thiên Chúa yêu chúng ta như thế nào ? Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng vì con người đã phạm tội nên đánh mất hạnh phúc ngay từ ban đầu. Thiên chúa đã không bỏ rơi con người, nhưng Ngài đã ban Con Một dấu yêu của Ngài để cứu chuộc loài người đã bị hư mất. Vì yêu thương loài người mà Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian để thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và sau khi đã hoàn tất công trình cứu chuộc, Ngài về trời và ban Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, đó là yêu thương. Và nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới hôm nay và mãi về sau.

Cho nên khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín trở lại mầu nhiệm quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm này, đó là sống yêu thương và hiệp nhất. Như vậy chúng ta sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi bằng cách nào đây?

Trước tiên, trong đời sống gia đình, làm sao các thành viên trong gia đình phải có sự hiệp nhất yêu thương nhau. Vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái, con cái yêu mến thảo kính cha mẹ. Có như thế thì gia đình mới là một tổ ấm yêu thương, một cộng đoàn yêu thương theo mẫu gương của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính sự yêu thương đó là nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một cách khác nữa để chúng ta sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm ấy trong đời sống hàng ngày. Vậy khi nào chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm ấy ? Khi chúng ta làm dấu thánh giá. Nhiều khi chúng ta làm dấu thánh giá mà còn thiếu ý thức, làm lấy rồi lấy có cho xong. Và tệ hơn nữa là có nhiều người tự xưng mình là kitô hữu mà không dám sống đời sống kitô hữu trước mặt người đời. Chẳng hạn khi chúng ta cùng ăn uống với những người khác, chúng ta lại không dám làm dấu thánh giá vì mắc cỡ hay vì sợ người khác cười chê, nên có nhiều người làm dấu thánh giá một cách máy móc, lén lút. Tại sao vậy, tại sao chúng ta lại không dám tuyên xưng đức tin của mình trước mặt người đời ? Chúa Giêsu đã nói: “Ai tuyên xưng Ta trước mặt người đời thì Ta cũng tuyên xưng nó trước mặt Cha Ta.” Như thế, mỗi lần chúng ta tuyên xưng đức tin của mình trước mặt người đời là mỗi lần chúng ta được Chúa Giêsu tuyên xưng trước mặt Thiên Chúa Cha.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mỗi người chúng ta một lần nữa rằng : Tôi đã sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi như thế nào trong đời sống của tôi. Nếu trong đời sống, tôi chưa thể hiện được thì ngay hôm nay, tôi phải quyết tâm sống một đời sống yêu thương không chỉ đối với những người trong gia đình, những người thân mà còn phải đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người xung quanh. Chúa không muốn chúng ta yêu thương bằng những lời nói suông mà muốn chúng ta thể hiện sự yêu thương bằng chính hành động. Chẳng hạn, một nụ cười trìu mến, một lời thăm hỏi ân cần, một sự giúp đỡ người khác khi họ gặp hoạn nạn, hay khổ đau, đó là chúng ta đã sống mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm của tình yêu rồi. Cho dù những việc làm của chúng ta tuy trong âm thầm nhỏ bé không ai biết đến, nhưng chỉ cần Chúa biết chúng ta là đủ rồi. Chính Chúa là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ trả công và ban thưởng cho ta ngay trong hôm nay và trong ngày sau hết. Amen.

 
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Huỳnh Tấn Nha
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 31
  • Khách viếng thăm: 30
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 9251
  • Tháng hiện tại: 162423
  • Tổng lượt truy cập: 12452135