Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật V Phục Sinh

Đăng lúc: Thứ ba - 23/04/2013 03:05
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH
(Cv 14, 21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34.35)
 


Trong những lời chúc ngôn của vị Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy yêu mến nhau; như Thầy đã yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau.”(Ga 13,34). Không hẳn là chỉ có Đức Giê-su gọi mời nhân loại yêu thương. - Trong Cựu ước, sách Đệ nhị Luật có diễn ý cho Dân Chúa hãy yêu thương nhau. Một điều răn được diễn tả cách tương tự trong sách Lê-vi: “Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính mình”(Lv 19, 18). Điều đó Đức Giê-su cũng chỉ lập lại và nhấn mạnh đến Lề Luật và các ngôn sứ, chưa hội đủ điều răn mới. Như vậy, yêu thương đâu chỉ có trong Sách Thánh, trong lời lập lại của Đức Giê-su, mà còn có những nhân chứng của thời cuộc:

- Khi viết về sự trải nghiệm của mình ở trại giam Auschwitz, Elie Wiesel cho biết: người Đức đã nỗ lực làm cho các tù nhân quên hết người thân và bạn bè mà chỉ nghĩ đến mình và chỉ nhắm đến các nhu cầu của mình hoặc họ phải chết. Điều đó khiến họ phải sống các nhu cầu đó cả ngày lẫn đêm. Nhưng người nào chỉ sống cho mình, ít có cơ may sống sót, trong khi đó những người nào sống cho người thân, bạn hữu, anh em dễ có cơ hội tốt hơn để được sống còn. Người ta sống nhờ những gì người ta cho đi.

- Trải qua bốn năm bị bắt làm con tin ở Li-băng, Brian Keenan đã chia sẻ: “chỉ khi chúng ta vượt qua chính mình để cưu mang hiểu biết và sau cùng khắc phục nỗi đau của người khác mà chúng ta trở thành chúng ta trọn vẹn. Chúng ta trở nên cởi mở và phong phú khi nhận ra nỗi đau của người khác và tiến đến để cảm nhận và cưu mang”.

Ngày nay, theo các vị chuyên môn sắp xếp và chia loại, có ít nhất năm tình trạng yêu thương:

+ Yêu thương vụ lợi: chúng ta yêu thương người khác bởi vì họ có ích cho chúng ta. Nhưng như thế giống với ích kỷ hơn là tình yêu. Tôi muốn có vật nào của bạn, nhưng tôi không muốn có bạn.

+ Yêu thương lãng mạn: là loại tình cảm hướng về người khác vì niềm vui thích, say mê mà người khác đem lại cho chúng ta. Nhưng đó chưa hẳn là tình yêu thật sự. Chúng ta tưởng rằng mình yêu thương người khác, nhưng sự thật, ta lại yêu mình. Thông thường tình yêu này không lâu dài, và cũng là lý do làm cho các cuộc hôn nhân thất bại.

+ Tính cách dân chủ là loại yêu thương thứ ba, đặt trên  nền  tảng pháp luật. Chúng ta tôn trọng những người khác vì họ là những nhân công nhân, thừa nhận tự do của họ, để rồi, tự do của ta cũng được thừa nhận. Lý do chúng ta góp phần vào điều tốt cho người khác là niềm hy vọng được đáp lại bằng điều tốt.

+ Yêu thương nhân bản: là tình yêu dành cho nhân loại nói chung. Nhược điểm của nó là một tình yêu trừu tượng: “ Tôi yêu nhân loại, nhưng tôi không thể dính dáng gì với họ”.

+ Tình yêu KiTô giáo, tóm gọn trong điều răn: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Tình yêu vô vị lợi, yêu thương ngay cả khi mình chẳng được gì. Tình yêu đó vẫn tồn tại cho dù bị thù ghét và bách hại. Đó không hẳn là một sự nhiệt tình ngẫu hứng hoặc đột biến, nhưng là một quan hệ vững bền. Tình yêu đó được biểu lộ trong việc phục vụ, yêu mến và hy sinh bản thân. Loại yêu thương này chỉ hoàn thành với sự tác động, trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Sau khi Giu-đa ra đi, ở tại phòng tiệc chỉ còn những người bạn thân tín nhất của Đức Giê-su. Người tâm tình những ngày cuối đời của mình, Người đã sống hết mình cho Chúa Cha và cho nhân loại. Trên nền tảng tình yêu của Đức Ki-Tô, các môn đệ  đã nhận được từ Chúa Cha và Chúa Con, các môn đệ phải yêu thương nhau. Đức Giê-su không ban cho các ông một điều răn thuần túy “công thức” thuộc lòng và giản đơn: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em,”(Ga 13,34b). Chúa Giê-su không chơi trò “rút lui” hay phán nghe hoặc đem con bỏ chợ, nhưng trước và trên hết là sự hiến mình, trao cho các ông chính sự sống và kinh nghiệm của Người. Đức Giê-su mạc khải cho thấy tình yêu của Thiên Chúa cách cụ thể, không chung chung, chỉ ở trên mây gió, mà là chính Người dám làm, dám sống điều đó, cũng chẳng phải sợ chết. Tình yêu diễn nghĩa trong động từ agapan (Hy Lạp), nghĩa là tình yêu quảng đại, hàm chúa sự tự hiến, sự hy sinh cả thân mình, cuộc sống đời mình. Đây chính là điều răn mới, bày tỏ Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, thể hiện rõ nơi Con Người Giê-su. Chính Đức Giê-su đã làm chứng cho tình yêu này: không chỉ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rồi chết trên thập tự giá, mà còn xuyên suốt cả đời của Người.

Đức Giê-su đã ra đi, nhưng Người không hề bỏ rơi các môn đệ. Ngược lại, từ đó Người vẫn hiện diện Tình Yêu trong các môn đệ. Người không chỉ ban cho các ông một tâm huyết, một phán quyết điều răn để tuân giữ, nhưng Người ban chính mình, bởi vì “ điều răn mới” là chính sự sống qua cách sống của Người.

Trong thư của Đức GM Giáo phận gởi các anh em linh mục đoàn, nhân ngày lễ Dầu, 26.03.2013, đã viết: “ … Để chuẩn bị mừng kỷ niệm 400 năm Giáo phận Qui Nhơn đón nhận Tin Mừng, toàn thể Giáo phận đang đẩy mạnh công tác truyền giáo. Trong công cuộc trọng đại này, vai trò của các anh em linh mục hết sức quan trọng. Linh mục là “những người giáo dục đức tin” nên anh em hãy cố gắng đem hết khả năng và nhiệt tình truyền đạt đức tin cho cộng đoàn tín hữu, cũng như cho các anh chị em lương dân, bằng tất cả mọi phương tiện có thể, vì đó chính là ưu tiên số một của cuộc đời linh mục, để đáp ứng nhiệm vụ mà Đức Ki-Tô đã trao cho Giáo Hội trước khi về trời”. Trong bài đọc I hôm nay cho ta biết chắc chắn, chính Tình Yêu Đức Ki-Tô đã  thúc đẩy Phao-lô và ba-na-ba lao mình vào những cuộc truyền giáo, đồng thời khuyến khích các cộng đoàn Ki-Tô mà các vị vừa lập thành. Nếu không, các vị có thể tìm đến sự an phận, nghỉ ngơi.

Các Ki-Tô hữu được mời gọi theo gương Đức Giê-su mà yêu thương như Người. Tình bác ái là việc nối dài tình yêu của Đức Ki-Tô, “như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34b) và tình yêu của con người đối với Đức Ki-Tô được thể hiện trong cuộc sống, “ở điểm này, mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy”(Ga 13,35). Tình yêu thương làm cho con người trở thành phương tiện của Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống.- Có một phóng viên người Mỹ khi nhìn thấy Mẹ Tê-rê-sa đang chăm lo cho một người bị bệnh hoại tử, đã thề thốt: “Tôi sẽ không làm việc đó để lấy một triệu Mỹ kim”. Mẹ Tê-rê-sa không ngần ngại trả lời: “Tôi cũng không làm việc đó để lấy món tiền ấy. Tuy nhiên, tôi sẵn sàng làm điều ấy vì tình yêu Thiên Chúa”.

Từ giáo thuyết đến thực hành, từ chỗ biết đến chỗ sống, luôn có một khoảng cách. Điều mà nhiều người hôm nay cần “chứng nhân hơn là thầy dạy”. Mong rằng mỗi người chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của Chúa cho thời đại hôm nay. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho chúng con. Amen.



 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Nguyễn Xuân Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 61
  • Khách viếng thăm: 53
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 6491
  • Tháng hiện tại: 159663
  • Tổng lượt truy cập: 12449375