Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa (II)

Đăng lúc: Thứ tư - 29/05/2013 18:48
CHÚA NHẬT THỨ IX THƯỜNG NIÊN
 (St 14, 18-20 ; 1Cr 11, 23-26 ; Lc 9, 11b-17)
 


Cha Burno là chủ chăn của một ngôi nhà thờ nhỏ ở Kavirando, châu phi. Trong thánh lễ Chúa nhật đầu tiên, Ngài nhìn thấy một người què lết ra giữa lối đi để tìm đường ra về sau khi thánh lễ kết thúc. Một tháng sau, cha lại thấy người ấy xuất hiện trong nhà thờ. Sau thánh lễ, cha nói chuyện với anh ta :
  • Chào anh bạn ! tôi nghĩ là đã thấy anh một lần rồi.
  • Con tên là Giuse – anh mỉm cười.
  • Tôi hài lòng thấy anh đi nhà thờ. Nhà anh ở cách đây xa không ?
  • Con ở làng bên cạnh, cách đây khoảng 40 cây số.
Cha Burno không tin ở tai Ngài vì nghĩ rằng một người tàn tật như anh lại có thể lết đi được một đoạn đường dài như vậy. cha hỏi :
  • Con phải lết đi 40 cây số để đi dự lễ ư ?
  • vâng thưa cha,con rất tiếc là không đi dự lễ mỗi tuần. Một tháng con chỉ đi được một lần vì con mệt quá. Con muốn đi dự lễ mỗi tuần nhưng sức khỏe con rất yếu cha ạ !
Cha Burno liền đề nghị :
  • Lần sau con cứ ở nhà, cha sẽ qua làng con dâng thánh lễ một tháng một lần. Con có thể dự lễ và rước Mình Thánh Chúa tại nhà.
  • Dạ, con mừng lắm !
Từ đó ngôi nhà tranh bé nhỏ của anh Giuse trở thành một nhà nguyện. Chúa Giêsu đến ngự ở đó. Nhiều bạn bè của anh Giuse cũng đến đó tham dự thánh lễ. Dần dà, họ xây một nhà nguyện xinh xắn, và một linh mục được phái đến với họ. Hơn một lần anh Giuse nghĩ trong lòng, nhờ những buổi đi lễ cực nhọc ở Kavirando mà thánh lễ được cử hành tại một nơi heo hút trên thế giới này.
Kính thưa Quý ông bà và anh chị em,

Chắc hẳn anh Giuse hiểu được hết ý nghĩa cao đẹp của mầu nhiệm Thánh Thể, nên anh đã yêu mến bí tích Thánh Thể một cách lạ thường. Đó không phải là ân huệ của riêng anh mà của bao tâm hồn trong lịch sử của Giáo hội. Đó chẳng phải là khát vọng lớn nhất mà chúng ta dâng lên hôm nay khi tham dự thánh lễ mừng kính mầu nhiệm Thánh Thể. Giờ đây chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm này qua các bài đọc trong thánh lễ hôm nay :

1. Bí tích Thánh Thể trước tiên là sự hiện diện mới của Chúa Giêsu phục sinh :

Thật vậy, trước lúc ra đi trở về cùng Thiên Chúa Cha, tình yêu vượt bậc đối với nhân loại đã khiến Ngài sáng tạo một lối hiện diện mới diệu kỳ. Nếu không thể lưu giữ mãi sự hiện diện bằng thân xác, thì giờ đây Ngài hiện diện bằng một cách thế hết sức khiêm hạ nhưng lại rất sống động và hữu hiệu. Sống động vì qua dấu chỉ Bánh và Rượu, con người vẫn có thể đụng chạm, đón nhận và vươn lên từ thực tại hữu hình đến vô hình. Hữu hiệu vì sự hiện diện mới này bảo đảm cho sự có mặt của Ngài trong mọi thời và mọi nơi để tiếp tục tái diễn mầu nhiệm Vượt qua mang ơn cứu độ cho con người.

Nhưng nếu chúng ta phải dùng đến giác quan : mắt nhìn, tai nghe, tay chạm để nhận ra sự hiện diện của người khác, chúng ta phải dùng đến ngôn ngữ của người chúng ta gặp để hiểu được họ, thì chúng ta phải dùng đến niềm tin để có thể nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.

2. Bí tích Thánh Thể là hy tế cứu độ :

Thật vậy, mỗi lần cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là chúng ta tuyên xưng việc Chúa chịu chết và sống lại, là chúng ta đang tái diễn mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, để từ đó, nguồn ơn cứu độ tiếp tục tuôn đổ trên Giáo Hội, và trên mỗi người chúng ta. Mầu nhiệm này tiếp tục mang lại ơn tha thứ tội lỗi và chữa lành vết thương của tâm hồn. Mầu nhiệm này tiếp tục ban ân sủng để thánh hóa và dẫn đưa chúng ta đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa, nguồn tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu. Mầu nhiệm này tiếp tục thực hiện cuộc tử nạn, thực hiện mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu nơi cuộc đời chúng ta, để chúng ta được nên đồng hình động dạng với Chúa và được tham dự vào sự phục sinh vinh quang với Ngài.

3. Bí tích Thánh Thể còn là một hy tế tạ ơn :

Cuộc đời chúng ta là một chuỗi những ân huệ được trao tặng từ nơi Thiên Chúa qua anh em, nên suốt cuộc đời, lòng biết ơn đối với Chúa, đối với anh em phải là một nét đẹp cao quý của lòng người. Chúng ta thể hiện tâm tình tạ ơn Chúa qua lời cầu nguyện, và bằng cách biến đổi chính cuộc sống của chúng ta thành một lời ngợi khen chúc tụng Chúa.

4. Bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm hiệp thông :

Bánh rượu là lương thực của thân xác, khi tiếp nhận nó đi vào từng giọt máu, từng tế bào để nuôi dưỡng con người. Nó nên một, hòa vào chính sự sống của người tiếp nhận nó.

Dùng bánh và rượu là dấu chỉ của bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng muốn thực hiện nơi chúng ta sự hiệp nhất tuyệt vời này. Ngài muốn đi vào tâm hồn con người và muốn nên một với con người. Ngài muốn đồng hóa hoàn toàn với chúng ta để dưỡng nuôi, để hoàn thiện, để gia tăng sức mạnh thần linh cho chúng ta và để biến đổi chúng ta thành những con người mới.

Đón nhận sự sống từ Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng được nối liền với nhau bằng một sợi dây huynh đệ chặt chẽ : đó là chung một sự sống thần linh, một tình yêu vĩ đại nơi Thiên Chúa. Chính sợi dây ấy nối liền chúng ta và thúc đẩy chúng ta đi vào cuộc đời với một khao khát là xây dựng một thế giới mới, một thế giới thắm đượm tình huynh đệ.

Cảm nhận rõ giá trị tuyệt vời của mầu nhiệm Thánh Thể, khi chúng ta đón nhận Ngài hôm nay, chúng ta được mời gọi để khấn xin Ngài cho chúng ta :
  • Yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày.
  • Ham thích những giây phút thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể, đồng thời đón nhận Ngài với tất cả lòng tin và yêu mến. Amen.
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Khiêm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 51
  • Khách viếng thăm: 50
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 8911
  • Tháng hiện tại: 162083
  • Tổng lượt truy cập: 12451795