Từ Qui Nhơn đến Châu Me

Thứ tư - 10/03/2021 17:46
TỪ QUI NHƠN ĐẾN CHÂU ME
Thư của Thừa sai Raineau
Annales MEP, 1906, tr. 197

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
chuyển ngữ

 
Lễ bạc cha Phêrô Lê Châu tại nhà thờ Châu Me năm 1938
(Cha Phêrô Lê Châu là đứa bé thoát chết
trong nạn văn thân 1885 tại Bàu Giêng)



Cha Michel Raineau, tên Việt là Nguyên, sinh ngày 7 tháng Chín 1878 tại Andilly (Charente-Maritime), chịu chức linh mục ngày 28 tháng Chín 1902 tại Chủng viện MEP. Ngài nhận bài sai đi Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) ngày 19 tháng Mười Một 1902. Sau vài năm phục vụ, vì lý do sức khỏe, ngài trở về Pháp rời bỏ Hội MEP vào năm 1908.  

“Cha Raineau, từ Hồng Kông trở về mà không hoàn toàn bình phục, đã về Pháp vào ngày 15 tháng này (tháng 3 năm 1907)”[1]

Có lẽ cha Raineau được sai đi Châu Me (Quảng Ngãi) để chuẩn bị làm cha sở. Nhưng vì lý do sức khỏe, ngài rời nhiệm sở chỉ sau một thời gian ngắn. Và sau đó, “Cha Le Darré, vừa từ Hồng Kông trở về, đã được bổ nhiệm làm cha sở của địa sở giáo xứ mới Châu Me, tách ra từ địa sở Bàu Gốc, và gồm 613 giáo dân, phân tán trong 4 sở họ kỳ cựu là Châu Me, Kỳ Thọ, An Chỉ nam, An Chỉ bắc, và những sở họ mới thành lập là Hải Châu, Như Nang, La Châu, Long Bàn, Xuân An và Yên Sơn”.[2]  

 


Châu Me, ngày 13 tháng Ba 1906

Từ hai tuần nay, tôi đã ở nơi địa sở mới, khoảng cách thì xa nhau mà lại ít giáo dân: gần một ngàn giáo dân phân tán trong bảy tám sở họ. Phần lớn là những giáo dân cũ thoát khỏi cuộc thảm sát năm 1885. Cho đến hiện nay thì nơi đây chưa từng có thừa sai Pháp hay linh mục Việt nào ở tại chỗ; nói điều đó để cho các bạn biết rằng tôi được những con người can đảm này nuông chiều như thế nào, họ bằng lòng và hãnh diện vì đã có một cha sở (curé). Tôi vui mừng vì được ở với họ, công việc không thiếu và miền đất được chuẩn bị để đón nhận những hạt giống tốt.

Châu Me cách Qui Nhơn hai trăm cây số, nằm trong tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc hành trình qua những miền đất nói chung khá là đẹp, ngay cả khi ngồi trên lưng ngựa, nhất là khi ta đi vào miền đất lạ. Tuy nhiên,  gạt thơ thẩn sang một bên đi, hai trăm cây số cứ luôn là hai trăm cây số, vì thế nên phải cho ngựa nghỉ ngơi gặm cỏ suốt trên đường đi. Lúc đầu thì mọi sự êm xuôi, nhưng đến cây số thứ bốn mươi thì chú ngựa của  tôi tỏ vẻ bất bình theo cách của mình. Để có thể quên đi những bước nhảy dựng liên hồi, tôi ngắm phong cảnh.

Phong cảnh miền đất này không thiếu gì vẻ đẹp; chỉ có một khuyết điểm là nó cứ luôn một cảnh, từ bắc vào nam, từ nam ra bắc. Trước mắt bạn, phía bên trái, đi lên hướng bắc, toàn núi là núi, phần lớn đều trọc lóc như đầu của ông giáo sư già; chung quanh là cánh đồng này tiếp nối những cánh đồng khác; đây đó ở giữa là làng mạc bao quanh là những lùm cây; gần làng có ngôi đình chùa, đẹp xấu tùy theo độ giàu có của cư dân, nơi thờ những thành hoàng; thi thoảng ta băng qua khu chợ, nơi các bà các cô mua bán, và nhất là buôn chuyện.

Đối với tôi, nơi thú vị và đáng mong ước nhất vẫn là căn nhà của một vị thừa sai trên đường đi! Con ngựa cũng cùng một ý như tôi; nửa tiếng trước khi đến nơi nó đánh mùi thấy cái chuồng ngựa; nó phi thật nhanh và luôn đi đúng hướng chứ không bao giờ lạc đường!

Tuy nhiên, sau khi đi qua vùng đồng bằng Bình Định đẹp đẽ, điểm xuyết bằng nhiều ngôi làng giàu có, Bồng Sơn hiện ra trước mắt, đồi núi chập chùng, chen giữa núi rừng là những thung lũng đẹp không thiếu thứ gì ngay cả … những cơn sốt. Những cây dừa, loại cây dường như đồng lòng không ủng hộ cho vùng đất Bình Định và Quảng Ngãi, lại mọc lên rất nhiều ở đây; từ trên núi nhìn xuống, Bồng Sơn giống như một khu vườn bao la mà những căn nhà và sông suối biến mất dưới những tán lá dừa dày đặc. Chắc hẳn rằng cha Théophane Vénard đã từng nhìn thấy Bồng Sơn, ít là trong mơ, khi ngài ca tụng rằng: “Bờ sông con suối ở Việt Nam thật là đẹp”. Tuy nhiên, dẫu không có vị tử đạo đáng mến ở Đàng Ngoài này thì vẫn còn nhiều người khác, và cũng là những đấng tử đạo, đã từng đi trên con đường thiên lý này để bước lên đồi Calvaire theo gương Thầy Chí Thánh. Ngay trước khi vượt qua ngọn đèo chia cách tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, tôi đã đi ngang qua khu chợ mà ngày xưa một trong những vị tử đạo của chúng ta đã dừng chân.[3] Trong một chiếc cũi, ngài bị lính giải ra Huế để kết án tử. Khi đến khu chợ này, đoàn hộ tống dừng chân nghỉ ngơi, giáo dân quanh vùng biết tin một thừa sai đang ở đấy, họ xin phép đến để chào ngài. Khi họ than khóc cho số phận của ngài thì ngài đã trả lời rằng: “Đừng than vãn nữa làm chi, chiếc cũi này là ngai vàng của cha”.

Bồng Sơn có mật độ dân số cao nhất ở Trung kỳ, và đây cũng chính là nơi có số giáo dân đông nhất. Sau khi băng qua ngọn đèo, quang cảnh đổi khác hoàn toàn.

Nơi đây không còn những cây dừa với tàn lá dày nữa, không còn những cánh đồng đẹp đẽ như ta đã thấy ở Bình Định nữa. dân cư có vẻ nghèo và thưa thớt; những thửa đất rộng lớn không được canh tác vì thiếu những cánh tay. Đổi lại, người ta nói rằng ở đây người ta nói tiếng Annam thuần khiết nhất và rằng giáo dân ở đây khó bảo nhất: hai đánh giá này dường như mâu thuẫn nhau và tôi cũng không bảo đảm rằng nó hoàn toàn chính xác.

Châu Me nằm ở một nơi khá đẹp, nhà vuông đã xây xong, nhà thờ sắp xây; để bắt đầu xây dựng thì giáo dân của tôi đã có sự nghèo nàn của họ còn tôi thì chắc là sẽ có những món nợ; nhưng họ và tôi có nhiều thiện chí. Xin Thiên Chúa phù giúp chúng tôi.
 
[1] Mémorial, Mission de Quinhon, 25 Mars 1907, tr. 35
[2] Mémorial, Mission de Quinhon, 25 Mars 1907, tr. 25
[3] Cha François Isidore Gagelin Kính (1799 – 1833), được tôn phong hiển thánh ngày 19/06/1988. (BBT)

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Nối vạch thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2020, tr. 162-166)

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm64
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại618,352
  • Tổng lượt truy cập28,933,721

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây