Đấng tài hoa thác là thể phách: Cha Lucien Escalère (Cố Dõng)

Thứ năm - 15/04/2021 18:55
 



 
ĐẤNG TÀI HOA THÁC LÀ THỂ PHÁCH:
CHA LUCIEN ESCALÈRE (CỐ DÕNG)

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính



Nếu bạn không muốn bị lãng quên sau khi qua đời, thì hoặc là hãy viết một điều gì đó đáng đọc hay làm điều gì đó đáng viết” (Benjamin Franklin). Cha Lucien Escalère đã làm được cả hai điều đó khi là thừa sai của Địa phận Tông tòa Qui Nhơn nhưng dường như cuộc đời sôi động của ngài vẫn bị thời gian phủ lên một lớp bụi mờ!

Lucien Escalère sinh ngày 13 tháng Ba 1888 ở Saumur, giáo xứ St. Pierre, giáo phận Angers (Maine et Loire), nhưng ngài nhập tịch vào giáo phận Poitiers (Deux-Sèvres), học 2 năm ở Angoulême, trước khi nhập Đại chủng viện Poitiers. Ngài nhập hội MEP ngày 19 tháng Chín 1907 và lãnh chức linh mục ngày 8 tháng Ba 1913. Được chỉ định truyền giáo tại Đàng Trong, ngài rời nước Pháp ngày 14 tháng Năm 1913 để đến Qui Nhơn.
Lấy tên Việt Nam là Dõng để nói lên tính khí mạnh mẽ của mình,[1] ngài học tiếng Việt ở Mỹ Cang dưới sự hướng dẫn của cha Panis và năm 1914 làm cha phó Cù Và. Đầu tháng 10 năm 1914, ngài được gọi ra Huế với tư cách là hạ sĩ quan để học khóa chuẩn bị lên cấp sĩ quan dự bị.  Kết thức khóa học, ngài bắt đầu làm việc ở giáo xứ An Sơn. Khi thế chiến I bùng nổ, ngài bị động viên quân dịch và trở về Pháp từ năm 1916 đến 1918. Xong nhiệm vụ, ngài trở lại miền truyền giáo vào ngày 22 tháng Tám 1919, tiếp tục công việc điều hành giáo xứ An Sơn và xây một nhà thờ rất đẹp. Hoạt động của ngài ở đây rất thành công nhờ một thầy thuốc đạo đức “rước lễ hằng ngày, làm việc không mệt mỏi và là một người cha hạnh phúc của một gia đình đông đúc, ông còn biết dùng thời gian để dạy tân tòng ở Phú Quý (Tam Kỳ), đến nỗi lòng nhiệt thành và lòng tin cậy của ông đã thu hút nhiều người đến với đạo thánh”.[2] Nhưng sau đó ngài phải từ giã 8 giáo họ và 939 giáo dân để về dạy tại Tiểu chủng viện Làng Sông từ năm 1922 đến 1926. Ngày 27 tháng Bảy 1926, ngài thay thế cha Sanctuaire ở Cù Và, Quảng Ngãi. Tại đây, ngài coi sóc 1.286 người Việt; ngoài ra cha còn cải đạo được một số người dân tộc trong miền này nhờ biết ngôn ngữ của họ và lập một trung tâm cho họ gần một làng người Việt.

Năm 1930, cha được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu và ba năm sau, trận bão dữ dội ngày 1 tháng 11 năm 1933 đã đánh sập các cơ sở nhà chung trong giáo phận nói chung và địa sở Kim Châu nói riêng. Trước đống đổ nát hoang tàn, cha luôn băn khoăn tìm kiếm phương tiện tài chánh để tái thiết những cơ sở bị thiệt hại do cơn bão gây ra, và không phải bất đắc dĩ nhưng với sự lựa chọn trong khả năng của mình, cha đã trở thành …

Thông tín viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp

Nhằm trùng tu các nhà thờ bị bão tàn phá, cha đã phát động một chương trình nhằm tìm kiếm nguồn tài chánh được mang tên "Les cailloux Vishera Krishna": tiến hành khai quật khảo cổ tại các di chỉ Chàm ở thôn Khánh Lễ, ngày nay là giáo họ Khánh Lễ, giáo xứ Kim Châu, và cha được bổ nhiệm làm “Correspondant de l’École Française de l’Extrême-Orient”, Thông tín viên của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp, một danh hiệu mà không phải ai cũng đạt được dù là có khả năng!

Correspondant là thông tín viên, “họ bảo đảm một vai trò chuyển tiếp thông tin khoa học bên cạnh Viện Hàn lâm và tham dự sinh hoạt và các công việc của nó; được các viện sĩ lựa chọn, họ làm thành một nguồn cung cấp các nhân vật hàng đầu trong đó Viện Hàn lâm thường có thói quen tuyển trạch những thành viên (= viện sĩ) mới cho Viện”. Cách đây không lâu, một giáo sư sử học Việt Nam cũng được bầu làm “correspondant” của một Viện hàn lâm, báo chí ban đầu dịch đúng là “Thông tín viên” nhưng sau vì một lý do nào đó đã phải sửa lại là “Viện sĩ thông tấn”. Người ta đặt câu hỏi về chức danh “correspondant” này chính xác là gì và nhà nghiên cứu An Chi đã trả lời trong bài viết “Correspondant chỉ là Thông tín viên”.[3]

 “Cha Escalère được bổ nhiệm làm Thông tín viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (Correspondant de l’École Française de l’Extrême-Orient). Người đồng sự của chúng ta khai quật để tìm những đồ cổ của Chàm: các bức tượng, điêu khắc, etc. Những gì được tìm thấy đã cho phép ngài chỉnh trang một ngôi trường với 3 nữ tu dạy học và dựng lại 7 nhà nguyện bị bão giật sập”.[4]

“Những trợ giúp miền truyền giáo hoặc nhận được từ nước Pháp đã không đủ để dựng lại những đống đổ nát trong địa sở do cơn bão năm 1933 gây ra, cha Escalère, cha sở Kim Châu, đã không ngần ngại làm người đào bới để tìm những nguồn tài chính mới. Ngài đã đào đất, tầng đất bên dưới để tìm kiếm những “viên đá cuội”, nhưng đây là những viên đá cuội đặc biệt: những bức tượng và phù điêu Chàm. Ngài làm việc theo ý của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Có lúc, tất cả hiên nhà rộng lớn nhà ngài đầy những tượng điêu khắc cổ, hầu như có thể chất đầy cả chuyến xe hàng! Tiền thưởng của Nhà nước dành cho việc giám sát các khai quật của thành Chà Bàn đã cho phép ngài chỉnh trang một trường cho học sinh nữ, cũng như nhà ở cho ba nữ tu dạy học, và dựng lại bảy ngôi nhà nguyện bị sụp đổ. Như vậy những viên sỏi của thần Vishnou và Krishna đã được biến thành những ngôi nhà nguyện Công giáo. Xin chúc mừng thông tin viên mới của Viện![5]

Đồng thời với việc khai quật khảo cổ các di tích Chàm, cha cũng được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp mời thuyết trình ở Bảo tàng Finot ở Hà Nội (vào những năm 1935-36), về lịch sử và khảo cổ thành Bình Định và Chà Bàn với tư cách nhà truyền giáo đồng thời cũng là nhà nghiên cứu và như thế cha đã đi theo hướng nghiên cứu của các cha thuộc hội MEP như hai anh em Maximilien và Henri de Pirey[6] (Quảng Bình, Huế), Durand[7] (Qui Nhơn), Cadière (Huế) và Savina (Lai Châu, Cao bằng). “Ông Coedès của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp vừa đề nghị cha Escalère một đề tài tham luận rất hấp dẫn sắp tới đây cho người đồng sự của chúng ta tại Hà Nội: Trình bày phần đóng góp của các thừa sai trong những nghiên cứu khảo cổ học và ngôn ngữ học ở Đông Dương. Chắc hẳn rằng chất liệu dồi dào và chủ đề tương đối dễ dàng khi chỉ tóm tắt lại những công trình của các thừa sai đã quá cố như: cha Durand, hai cha Pirey, Kemlin, etc. ; bổn phận này bổng nhiên trở nên tế nhị khi phải nói đến những người còn đang sống. Cũng phải biết ơn Ban giám đốc trường Viễn Đông bác Cổ Pháp đã tạo cơ hội cho một thừa sai có dịp làm nổi bật lên những công trình khoa học của hội MEP chúng ta”.[8]

Thuyết trình tại Viện bảo tàng Louis Finot (Hà Nội)

Trong một bản tin ngày 5 tháng Ba (1935), tờ Bulletin de la Société des Missions Étrangères de Paris đã đưa tin: “Cha Escalère, thuộc miền truyền giáo Qui nhơn, thông tín viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), ngày hôm qua đã có bài tham luận rất đầy đủ tài liệu về “Chà Bàn-Bình Định, Lịch sử và khảo cổ” tại Viện bảo tàng Louis Finot (Hà Nội). Đề tài có thể hơi khô khan đối với người “ngoại đạo” nhưng không như vậy đối với công chúng toàn những nhà chuyên môn của EFEO. Một tờ báo của Hà Nội đã viết rằng bài tham luận của cha Escalère không chỉ rất chính xác và đầy đủ tài liệu mà còn rất có hồn và với thẩm quyền của một người đã có một thời gian lâu dài gắn bó với đất Bình Định”.[9]

Năm 1936, cha lại được mời trình bày một đề tài khác, nói về công trình của các thừa sai khảo cổ. “Cha Escalère đã trình bày tham luận tại Viện bảo tàng Finot ở Hà Nội về đề tài “Collaboration des Missionnaires Catholiques aux travaux de l’École Française d’Extrême-Orient”: tóm tắt các nghiên cứu học thuật của các cha Cadière, Savina, Kemlin, Maximilien và Henri de Pirey, etc. Các bài báo ca ngợi đã xuất hiện trong báo giới địa phương về buổi hội thảo thú vị này.”[10]

Mở đầu bài thuyết trình, cha đã nói lên lý do của đề tài: “Tôi sắp trình bày với quý vị về đề tài “Sự cộng tác của các thừa sai Công giáo với Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp”. Riêng phần mình, tôi chẳng dám chọn đề tài như thế này đâu, sợ người ta cáo buộc rằng mình “pro domo” (ủng hộ cho người nhà) – Tuy nhiên, phải thú nhận rằng, sau khi do dự đôi chút, tôi đã không hối tiếc vì đã chấp nhận lời mời mà tôi tin rằng đã làm vui lòng những người có ý tưởng tế nhị giao cho tôi công việc này và bởi vì qua đó tôi làm tròn trách nhiệm của một người anh em, nhưng còn bởi vì chính tôi cũng rất quan tâm đến công trình của những đồng sự của tôi, sự quan tâm mà tiếc thay tôi không thể nào chia sẻ trọn vẹn với quý vị được vì giới hạn của buổi nói chuyện nên buộc cứ phải rút gọn và nhiều khi rút gọn thái quá”[11]

Và sau khi nói về công trình của các thừa sai nhà MEP hợp tác với Viện Viễn Đông Bác Cổ, cha đã kết thúc bài thuyết trình với những lời lẽ không thể … khiêm nhượng hơn:

In cauda venenum”.[12] Có vẻ như tôi sắp nói với các bạn về sự cộng tác của cha Escalère. Không chút khiêm nhường giả tạo, khi so sánh với những công trình của các đồng sự, tôi phải nói thẳng ra rằng một vài công trình tôi đã có thể làm được trong lãnh vực lịch sử và khảo cổ thì rất là ít nên tôi không muốn nói về nó với các vị và vì các vị đều là “Thân hữu của Viện Viễn Đông Bác Cổ” (Amis de l’École Francaise d’Extrême-Orient) và đã nhận được tập san “Cahiers de l’École Française d’Extrême-Orient” nên tôi mời các vị xem lại trong đó; chúng sẽ cho các vị biết về những gì mà tính hiếu kỳ của các vị muốn biết về chủ đề này.

Và chúng ta là những thân hữu! Những thân hữu của Viện Viễn Đông Bác Cổ - nên cho phép tôi đọc cho các vị một đoạn thư của cha Durand mà chúng tôi đã nói đến trong tối hôm nay.

Ông Parmentier, một người bạn, đã viết về cha Durand rằng: “Ngài đã yêu mến Viện (Viễn Đông Bác Cổ) bằng một tình cảm luôn luôn sâu đậm”. Tôi có thể nói thêm rằng tôi cũng có cùng một tình cảm như các đồng sự của tôi, những người có được vinh dự là thông tín viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Vì thế, cho phép tôi được đọc những lời này trích từ bức thư của cha Durand viết cách đây đã 20 năm: “Viện Viễn Đông Bác Cổ đối với tôi vẫn luôn là một học hội, không quá thoáng cũng không quá ngặt, nơi tôi chỉ có được những lời khuyên quý giá, những hướng dẫn tuyệt vời và một bầu khí nồng ấm” (19-IX-16).
Thưa chư vị, Viện Viễn Đông Bác Cổ luôn là như vậy, não trạng và tinh thần vẫn không thay đổi, tôi chỉ có thể lấy những lời của người anh em quá cố này làm của tôi – tôi cũng đã luôn cảm thấy bầu khí nồng ấm này đã làm cho Viện Viễn Đông Bác Cổ không chỉ là một môi trường nghiên cứu học tập mà còn là một gia đình trí thức nữa. Ký tên: Thừa sai L. Escalère, Miss. Apost. de Quinhon (Địa phận Tông tòa Qui Nhơn)”[13]

… Còn là tinh anh

Ngày nay, những hiện vật khảo cổ điêu khắc Chăm được tập trung nhiều nhất ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (trước đây được gọi theo tên người sáng lập là bảo tàng Henri Parmentier). Trên website của Bảo tàng, chúng ta đọc thấy rằng: “Việc thu thập những tác phẩm điêu khắc Chăm bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX là công lao của những người Pháp yêu ngành khảo cổ học, đặc biệt là của những người làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (L'École Française d' Extrême - Orient, viết tắt là EFEO)…. Không gian của toà nhà bảo tàng gần 1000 m2 đã được bố trí thành những khu vực trưng bày, gồm các Phòng Trà Kiệu, Phòng Mỹ Sơn , Phòng Đồng Dương, Phòng Tháp Mẫm và các hành lang Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kontum.”[14] Những cuộc khai quật của cha Escalère tại thôn Khánh Lễ, thuộc giáo xứ Kim Châu đã đóng góp hầu hết các hiện vật Chăm - Bình Định cho bảo tàng này: “76 tượng điêu khắc được đưa vào Bảo tàng Đà Nẵng (Tourane) vào năm 1936. Trong số đó có 51 tượng thuộc về kho lưu trữ tạm ở giáo xứ Kim Châu nơi chúng được cha Escalère gom lại ở đó trước khi được chuyển về Đà Nẵng vào tháng Ba 1936. Đây là những vật thể khảo cổ của đất Bình Định, phần lớn có nguồn gốc Phật giáo, bị vỡ thành nhiều mảnh: rất tiếc là những hình nhân đều bị mất đầu”.[15] Chính cha Escalère đã báo cáo chi tiết những phát hiện của mình được trích lại trong tạp chí Bulletin de l'École Française d'Extrême-Orient, tome 36, 1936, tr. 603, như sau:

“Những nghiên cứu của cha Escalère, thông tín viên của Viện, trong tỉnh Bình Định đã khám phá những di tích mới của Chàm. Từ báo cáo hằng năm của ngài, chúng tôi trích những đoạn sau đây:

I. Khi từ Hà Nội trở về, vào tháng Hai 1936, và sau khi gởi đến Bảo tàng Parmentier những vật khảo cổ mà tôi đã tìm thấy trong những cuộc khai quật trước đó, tôi mới biết rằng ông trưởng thôn Khánh Lễ, với mục đích tìm kiếm gạch, đã bắt đầu những cuộc đào bới bí mật. Sau khi kiểm tra chính xác thông tin này, tôi đã báo cho ngài Gauthier, trú sứ Pháp ở Qui Nhơn, người đã phạt ông trưởng thôn nói trên và cho dừng ngay những cuộc đào bới.

Ngày 16 tháng Ba sau đó, tôi tiến hành khai quật ngay nơi ấy, thuộc tỉnh Bình Định, phủ An Nhơn, tổng An Nghĩa (An Ngãi), thôn Khánh Lễ.

Về phía Tây Bắc, khoảng 600 mét cách ngôi miếu nhỏ có một tượng Chàm (một con vật đứng trong bài Inventaire cham của ông Parmentier ở trang 172), tôi bắt đầu phát hoang các mô đất nơi mà ông trưởng thôn tìm gạch. Quả thật, tôi thấy ở đó có một số lượng lớn gạch Chàm cũng như vô số những điêu khắc bằng đất nung, có dạng hình cuộn, cung nhọn, sừng và tù và của linh vật makara — một số có kích cỡ gần với viên gạch Chàm, khắc tiểu họa một cánh cửa giả với hai cây cột và ô trán cửa (tympan) hình cung nhọn. Ta có thể kể thêm: những tai đá trang trí (pièces d'accent) với mộng để lắp ghép; nóc đền kích thước 0m33 x 0m21, trang trí ở phía dưới mỗi bên ba chiếc lá đơn; một ô trán cửa bị vỡ làm ba (0m40 x 0m33) khắc phù điêu người ngồi theo kiểu Ấn và mỗi tay cầm cái chùy (phần trước của mũ miện mukuta bị vỡ); một cái đầu nai (0m24 từ mõm cho đến tai); một con voi bị vỡ làm mười mảnh, đầu đội mũ miện, cao 0m60 dài 0m57; một con voi khác nhỏ hơn cũng bị vỡ; những mảnh vỡ của những con voi khác mà hình dạng của chúng khiến tôi giả định rằng có hai cặp voi đối mặt nhau.

Tất cả những điêu khắc này bằng đất nung.

Một điêu khắc khác bằng đá. Đó là tượng người đứng có bốn cánh tay (thiếu một cánh tay và ba bàn tay, nhưng đã tìm được một bàn tay cầm con dao găm). Cái đầu bị gãy không tìm lại được, bàn chân bị hư hỏng, Kích thước: 0m83 x 0m38. Cổ đeo vòng trang sức. Phần hông mặc chiếc quần ngắn, đóng khố. Một chiếc xà lỏn bảy tầng (giống như xà lỏn của các vũ công Java) rơi dưới chân. Những cánh tay và mắt cá chân đeo vòng hoặc nhẫn khắc hay tráng trí bằng ngọc.

Số lượng gạch, kích thước và số lượng những công trình điêu khắc, móng chân tường cho thấy có một công trình ở đây, có lẽ là một bamun Chàm (giếng), được xây hoàn toàn bằng đất nung, có tượng thần bằng đá.

II. Dưới đống phế tích này đã tìm thấy được một chiếc bình vỡ đáy nhưng các mảnh vỡ cũng tìm lại được và sửa chữa cũng dễ dàng. Nơi tìm được cho thấy đây là chiếc bình chàm. Kích thước: cao 0m65, chu vi 1m50.

III. Để tránh bị đánh cắp và ngăn chặn người ta tiếp tục làm hư hoại các điêu khắc khác nằm rải rác, tôi đã cho tìm kiếm và chuyển về Kim châu một lượng lớn các hiện vật khảo cổ khó canh giữ vì rằng chúng nằm xa mọi trung tâm có người ở. Những hiện vật khảo cổ này là :

1. Hai con sư tử ngồi xổm, hai cánh tay giữ một mảnh kiến trúc khác. Một tượng cao 1m07 và 0m62 ở mỗi bên. Những tác phẩm điêu khắc đẹp, hoàn toàn nguyên vẹn. Tượng kia có cùng kích thước, nhưng phần chân đế bị hư hỏng, chỉ còn cao 0m98.

2. Hai tượng khác hình con vật đứng, đôi chân hơi cong và giữa hai bàn chân có một con rắn naga ba đầu, có lẽ đây là chim thần garuda mặc dù cái đầu giống với con sư tử hơn. Kích thước: 1m 03 x 0m60 ở cạnh bên. Một con bị thiếu hàm dưới. Một tượng bị thiếu con rắn naga ba đầu. Những hiện vật này được phát hiện ở chug quanh Tháp Ngà Dương Long (Tours d'Ivoire).

3. Một tượng khác cao 0m82 và đường kính 0m50 hình người ngồi, bàn tay giữ một phiến đá hình bàn tròn. Khuôn mặt bị đập vỡ. Tượng được phát hiện quanh tháp Thủ Thiện.

4. Một tai đá trang trí hình người dâng lễ vật, tay cầm hoa sen, đầu đội mũ miện mukata mà khi nhìn nghiêng thì giống sừng của con thủy quái makara. Cao 0m82, dài (tính luôn mộng để lắp ghép) 0m83, rộng (phần ngực) 0m30. Xuất xứ: quanh tháp Hưng Thạnh.”

Ngoài ra, cha còn viết một cuốn sách nghiên cứu về Phật giáo và thờ cúng tại Việt Nam Le Bouddisme et cultes d’Annam”, 246 trang, nhà in T’ou-sè-Wè, Thượng Hải, năm 1937. Cuốn này hiện được rao bán trên chợ sách online AbeBooks.com với giá 115 USD (Sách có chữ ký của cha Escalère đề tặng cho Tướng Marcel Élie Pellet). Khi thăm chùa Bửu Tháp ở An Nhơn - Bình Định, cha đã thấy tượng Chuẩn Đề Vương nên có nhờ vị sư trụ trì giải thích để biết rõ và ghi lại sự tích ấy ở trang 174-175.

Thác là thể phách

Năm 1937 đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của cha Escalère: ngài được bổ nhiệm làm tuyên úy cho hải quân Pháp tại Viễn Đông, trên tuần dương hạm "La Motte Picquet" từ năm 1936 đến năm 1946. Đời hải hành bập bềnh sóng nước, rày đây mai đó, nhưng tấm lòng của ngài vẫn luôn hướng về Qui Nhơn, nhất là giáo xứ Kim Châu. “Đường xưa lối cũ” vẫn luôn đưa cha trở về đây mỗi khi có dịp dù là ngắn ngủi. Tháng Ba 1938, ngài về Qui Nhơn tham dự tĩnh tâm và tiện thể mừng Ngân khánh linh mục, sau chuyến viếng thăm chớp nhoáng tại Kim Châu, ngài dùng thủy phi cơ để trở về tuần dương hạm "La Motte Picquet" đang đậu ngoài khơi. Từ ngày 6 đến 13 tháng ba 1939, ngài cũng được phép lên bờ tham dự tuần tĩnh tâm tại Qui Nhơn do cha Valensen S.J. giảng thuyết. Hai lần vào năm 1940 và một lần vào năm 1941, đó là những lần đi đi về về vội vả giữa biển khơi và Qui Nhơn. Ngày 12 tháng 1 năm 1945, "La Motte Picquet" bị máy bay từ tàu sân bay của Lực lượng Đặc nhiệm 38 Hải quân Hoa Kỳ đánh chìm trong cảng Sài Gòn. (Tài liệu khác nói rằng do quân đội Nhật). Cha tuyên úy Escalère vẫn hiện diện giữa thủy thủ. Sau đó, vì tình hình chiến sự, Nhật đầu hàng và Việt Minh lên nắm chính quyền, tiêu thổ kháng chiến, Qui Nhơn thành thủ phủ của liên khu V, Đức cha Piquet chuyển vào Nha Trang và cha Escalère về làm cha sở nhà thờ Chính Tòa Nha Trang từ năm 1945 đến 1949. Tháng Tám 1949, ngài bị bệnh nặng buộc phải về Pháp. Ngài đã qua đời ngày 5 tháng Hai 1953 chính tại ngôi làng sinh thời Manot (Charentes), một ngôi làng nhỏ bé theo thống kê dân số năm 2007 chỉ có 591 cư dân mà từ đó cha đã bước ra để viết lên những câu chuyện lớn (Et tui casa saepe vir magnus exit – người vĩ đại thường bước ra từ căn chòi hèn mọn). Di sản để lại cũng thật xứng đáng để xếp ngài vào hàng “những đấng tài hoa” mà thi hào Nguyễn Du đã vinh danh qua môi miệng Kiều rằng “thác là thể phách, còn là tinh anh!

 
 
Tuần dương hạm LA MOTTE PICQUET
 
[1] Mémorial, Mission de Quinhon, 8 Juillet 1913, tr. 37.
[2] Compte-rendu des travaux MEP, 1922, tr. 105
[4] Annales MEP, số 222, năm 1935, Mars-Avril, tr. 89
[5] Bulletin MEP, Janvier 1934, tr. 876
[6] Cha Maximilien và Henri de Pirey là hai anh em và đều là những nhà nghiên cứu tiền cổ (numismate) có tiếng.
[7] Cha Eugène Durand (1864-1932), tên Việt Nam là Lộc. Ngài học tiếng Việt tại Qui Nhơn, sau đó coi sóc địa sở Xóm Nam, Đại An ở Bình Định. Trong thời gian ở Qui Nhơn, ngài thu thập hài cốt các vị tử đạo năm 1885 với lòng thành kính. Năm 1899, Ngài được sai đi Phan Rí. Các công trình nghiên cứu văn hóa và khảo cổ Chàm của ngài cũng bắt đầu từ đó và năm 1902 ngài cũng được vinh dự bổ nhiệm làm Thông tín viên của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Tháng Tám 1922, ngài vào Sàigòn làm răng giả và chữa bệnh nặng tai, khi trở về, tờ “Mémorial, Mission de Quinhon”, số 19, ngày 01/Octobre/1922 chỉ đưa một dòng tin ngắn gọn, chơi chữ xuất thần để … trêu đùa: ““Le P. Durand est rentré de Saigon – đủ răng” (Cha Durand đã từ Sàigòn trở về - đủ răng!”
[8] Bulletin MEP, số 168, Décembre 1935, tr. 896-897
[9] Bulletin MEP, số 116, Avril 1935, tr. 275
[10] Annales MEP, Janvier 1936, tr.185
[11] Bulletin MEP, số năm 1936, tr. 468
[12] “Nọc độc ở cái đuôi” - Ẩn dụ nói về nọc độc ở cái đuôi con bọ cạp – thường được sử dụng để nói về sự chờ đợi cho đến phút cuối để tiết lộ một ý định hay một câu chuyện bất ngờ nơi thính giả.
[13] Bulletin MEP số Janvier 1936, tr. 701
[14] http://chammuseum.vn/vi/gioi-thieu/lich-su-bao-tang/
[15] Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient, tome 36, 1936, tr. 594

(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Xuôi ngược thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2019, tr. 55-67)



 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại621,059
  • Tổng lượt truy cập28,936,428

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây