Cha Đặng Đức Tuấn: một linh mục chân tu, một công dân ái quốc

Thứ ba - 19/11/2019 18:40
CHA ĐẶNG ĐỨC TUẤN
MỘT LINH MỤC CHÂN TU
MỘT CÔNG DÂN ÁI QUỐC

Lm. Phạm Châu Diên
Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn
Số 18, Tháng 7 – 10 năm 1960, tr. 21-34.


NHỮNG SAO SÁNG TRONG ĐÊM TỐI

Hạ bán thế kỷ XIX là một giai đoạn tối tăm của lịch sử quốc gia và giáo hội Việt Nam. Quốc gia thì bị người ngoài xâm chiếm, Công giáo thì phải người nhà bách hại. Căn nguyên là tại óc vua quan nho sĩ thời ấy hẹp hòi, câu nệ, tự ái, không hiểu sức mạnh của ngoại địch mà tìm đường đối phó, không tường đạo lý của Thiên Chúa giáo mà ở cách khoan hồng.

May thay, trong đêm tối ấy, còn có những vì sao sáng láng, tuy không phá được hết bóng đen, nhưng cũng đã phần nào chỉ đường cho người đương cục. Thiên Chúa giáo đã tạo nên những vị cứu tinh ấy. Nhờ sự xuất dương học hỏi, một số giáo nhân đã vượt nhãn giới người đồng thời, trông xa thấy rộng, biết cái mạnh của người, cái yếu của mình, và thôi thúc các nhà hữu trách hãy kíp canh tân xã hội, mau khoan hồng cho đạo Kitô.

Trong số những vì sao sáng ấy, người ta đã nói nhiều đến Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ (giáo nhân), Nguyễn Hoàng, Trần Lục (linh mục). Nhưng xem ra còn ít chú ý đến vì sao sáng mọc lên tại đất Bình Định. Đó là linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn, mà trong bài này chúng tôi được hân hạnh giới thiệu cùng độc giả.

Để xây dựng bài này, chúng tôi dùng những tài liệu đầu tay, nghĩa là những bản Điều trần, và những bài văn vần Cha Đặng Đức Tuấn đã làm, kể lại cuộc đời gian khổ của mình, mà hàng đạc đức Qui Nhơn còn cẩn thủ như một bảo vật, một vinh quang của Địa phận.

Bài chia làm hai phần:

1. Tiểu sử Cha Đặng Đức Tuấn
2. Toát yếu hai bản Điều trần của ngài.

I. TIỂU SỬ CHA ĐẶNG ĐỨC TUẤN

1. Thiếu thời

Trong tờ khai với quan huyện Mộ Đức, Cha Tuấn đã kể lý lịch như sau:
Quê tôi Bình Định
Làng chính Qui Hòa
Giữ đạo truyền gia
Mẹ cha đã mất …

Ngài là người tỉnh Bình Định, huyện Bồng Sơn (nay là Hoài Nhơn), xã Qui Hòa, nay đổi ra Qui Thuận. Qui Thuận xét về phương diện tôn giáo, là một xứ đạo lưu cựu và đông đảo vào hàng nhất miền Trung, đó là địa sở Gia Hựu. Câu trưởng khi đó là ông Đặng Đức Lành, một nhà nho uyên bác, nhưng gặp lúc triều đình nghi kỵ giáo nhân, xuất thân không đặng, đành ở nhà dạy học giải khuây. Ông có ba con trai: trưởng là Đặng Đức Hóa, đậu tú tài, thứ là Đặng Đức Tuấn, và út là Đặng Đức Bình mất sớm.

Theo tương truyền trong tộc Đặng Đức, thì Cha Tuấn thuộc dòng dõi ông Đặng Đức Siêu, cũng người Bồng Sơn, nay còn đền thờ tại xã Hoài Thanh. Đời Gia Long, ông Siêu làm đến Lễ bộ thượng thư, và nổi tiếng hay chữ. Danh ông bất hủ với những bài: văn tế chưởng hữu quân Võ Tánh, và Lễ bộ thượng thư Ngô Tùng Chu, và khúc Hoài loan khải ca, hát mừng nhà vua thắng trận trở về. Con cháu ông hiểu đạt rất nhiều, đến nay vẫn còn rạng rỡ, trong số đó có ông Đặng Hàm, trước đã tòng sự tại bộ Lại. Theo lời ông thì ông thuộc ngành trưởng, là ngành không tòng giáo, còn Cha Tuấn thuộc ngành thứ, là ngành đã tòng giáo từ lâu đời.

Thưở nhỏ, cậu Tuấn đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ, mỗi đêm học thuộc năm mươi trang sách nho, đọc không sót chữ nào. Thày và bạn đều thán phục. Cậu nhanh trí, ứng đối rất mau lẹ. Khi về già, một hôm đương đọc kinh, có bầy học trò đến xin gà giúp câu đối:

Câu ra là: Cái đèn đui là cái đùi đen. (nói lái)
Ngài đối ngay: Cái trăng trốn là cái trôn trắng.

Tuy nhiên, cái tài của ngài không vụ ở cái từ chương như phần đông Nho sĩ thời ấy, nhưng vụ ở thực dụng, ở tư tưởng vững vàng và khúc chiết. Đọc qua các bài ca và Điều trần của ngài, tất sẽ thấy quả như vậy.

Năm 22 tuổi, cắp lều chõng vào thi, đậu thủ khoa liền hai trường nhất và nhì. Vào trường ba, tức là Tú tài, bài cậu làm rất hay, toàn ban giám khảo đều khen ngợi, rủi một điều là đầu bài sai mất một chữ. Đề tài rằng: Cửu đức hàm sự, tuấn ngại tại quan. Cậu viết chữ ngại ra chữ nghệ. Giả như cậu có chịu đút lót ít nhiều, ban giám khảo chữa chữ ấy cho là xong, nhưng tính khí khái, cậu không chịu khuất, nên bị trượt.

Chẳng tiến vị quan thì cũng đạt vị sư, thày ngồi nhà dạy học. Làng xóm ai cũng yêu thày, vì tài hoa đã vậy, nhưng nhất là vì tính tình hòa nhã, đức hạnh khiêm từ. Cái khiêm từ ấy, người ta sẽ còn thấy sau này qua lời văn nhỏ nhẹ, và lối ở nhu mì, giấu kín hàm Thị lang nhà vua đã tặng. Bà con khuyên thày lập gia đình, thày chỉ tủm tỉm đáp: “Thủng thẳng, trai ba mươi tuổi hãy còn xuân!” Lúc ấy thày chưa nghĩ đến việc đi tu làm linh mục.

2. Thiên triệu linh mục

Thày Tuấn chưa nghĩ, nhưng Thiên Chúa đã nghĩ, và mở đường kêu gọi thày. Số là cơn cấm đạo ngày thêm ác liệt, Đức giám mục Đàng Trong khi đó, là Đức cha Á thánh Stêphanô Thể (Cuénot), phải gởi các thầy sang du học tại Đại chủng viện Pinang, Mã Lai. Ngoài các môn thánh học, các thày còn phải học chữ Hán, để đủ điều giao thiệp với đời. Phiền nỗi giáo sư chữ Hán lại là người Trung Hoa, giọng đọc đã khác, lại giảng bài bằng tiếng Tàu, nên các thày không hiểu nổi. Muốn hiểu, phải học thêm tiếng Tàu, như vậy mất nhiều thì giờ quá. Các thày đem sự việc trình bày với Đức cha, và xin gởi qua một thày đồ người Việt.

Nhân tuần kinh lý qua địa sở Gia Hựu, Đức cha ngỏ ý với quý chức, các ông liền giới thiệu thày Tuấn. Sau đó hai cha con ông câu Lành được mời đến, nhưng thày Tuấn lưỡng lự không dám nhận lời, vì nghĩ phần nhiều các thày đã lớn tuổi, lại có chức trong Hội thánh, phận mình vừa nhỏ tuổi vừa phàm trần, làm việc ấy sao đặng! Đức cha phải lấy danh Chúa mà khuyên dụ, và ép buộc nên thày mới chịu nhận lời.

Đáp tàu từ Sàigòn, thày Tuấn tới Pinang, nơi gặp gỡ của hai nền văn minh Âu Á. Ngoài việc dạy Hán tự cho chủng sinh, thày lợi dụng hoàn cảnh thuận tiện, sẵn thày sẵn sách, để trau dồi trí tuệ, và học các tiếng Anh, Pháp, Latinh. Thày cũng giao thiệp với các bậc trí thức, xướng họa với các thày Trung Hoa, và được mọi người yêu kính.

Một hôm, thày đương cầm cuốn văn phạm Latinh, nhờ các chủng sinh chỉ vẽ. Cha Giám đốc tình cờ đi ngang qua thấy vậy, dừng lại nói giỡn với thày.

- Con muốn làm linh mục hay sao mà học tiếng Latinh?
Thày khiêm tốn đáp:
- Thưa cha, con học để tập hát kinh chung với các thày.
- Nếu con muốn làm linh mục, cha sẽ xin với Đức cha cho.
- Con muốn lắm, nhưng đã lớn tuổi, không biết Đức cha có nhận chăng?

Cha Giám đốc hứa sẽ can thiệp, vì thật ra từ lâu ngài đã đem lòng mến thương thày Tuấn, và con mắt tinh đời của ngài đã nhận thấy thày có đủ tư cách để làm linh mục. Quả nhiên, cách ít lâu, Đức cha Thể trả lời chấp nhận. Mọi người đều vui mừng, nhất là thày Tuấn càng vui mừng hơn nữa.

Thày học rút Latinh sáu tháng, và văn chương trong vòng một năm. Tiếp theo là bảy năm Triết lý và Thần học. Thánh kinh, Giáo luật, Giáo sử, Phụng vụ …. Đồng thời, thày được dần dần phong lên các chức trong Hội thánh. Đến chức sáu, Đức cha gọi thày về nước, giúp việc Địa phận. Sau ít lâu, thày thụ phong linh mục tại nhà thờ Gò Thị, rồi được bổ nhiệm cai quản các địa sở Châu Me, và Trung Tín (Quảng Ngãi), trong vòng năm năm.

Chính ngài tự thuật:

Đương buổi thong thả,
Tôi có học văn.
Sau qua Phi-năng,
Học hành đạo lý.
La-tinh chữ ấy,
Giảng tập bảy năm.
Lực đáo công thâm,
Phong làm linh mục.
. . . . . . . . . . . . . . .
Khi về nước Nam,
Tôi ra Tư Ngãi.
Ở đó ngũ tải, Giảng đạo Chúa Trời …

3. Vai trò lịch sử: người con hiếu thảo của Quốc gia và Giáo hội.

Năm 1861, cơn bách đạo ngày càng khốc liệt, ngài trốn vào Bình Định, tưởng trong đó yên hơn, dè đâu thấy càng quá tệ, nên ngài lại lần ra Quảng Ngãi, định cùng sống chết với đoàn chiên. Đến nơi, thấy đoàn chiên đã tan tác, thánh đường đã ra tro, ngài phải ở đậu lén một nhà lương dân có lòng tử tế giúp đỡ và che chở.

Theo lời ngài tự thuật:
Tư bề sấm sét đùng đùng,
Giam cầm khắp xứ, gông cùm khắp nơi.
Nghe trong Bình Định thảnh thơi,
Tính vào trong đó trốn chơi ít ngày.
Thấy trong thời sự đắng cay,
Điều trần một tập tỏ bày căn nguyên.
Làm rồi lại ở chẳng yên,
Sấp lưng đi trốn qua miền Nga mân.
Tới nơi ở nhà bình dân,
Đặng hơn mười bữa, tứ lân biết rồi.

Công việc tiết lộ, hương chức sợ tội, liền bắt ngài nộp quan huyện Mộ Đức. Quan sai lính soát lục hành lý, bắt được bản Điều trần trong bao tấu:

Quan dạy lính lại coi gần,
Soát trong bao tấu Điều trần sáu trương.
Lấy ra đêm trước huyện đường,
Quan coi ngẫm nghĩ chưa tường căn nguyên.

Quan huyện hỏi ngài có phải là đạo trưởng chăng, trước ngài còn tìm đường chối quanh, sau cùng phải chịu nhận, quan liền tư giải lên tỉnh đường Quảng Ngãi. Tuần vũ là Châu Phúc Hy, Bố chánh là Nguyễn Tăng Tín và Án sát là Nguyễn Hiển. Phải khi hai ông kia đi khỏi, chỉ có Nguyển Hiển ở nhà, ông liền đem ảnh Thiên Chúa Thánh Phụ in trong sách Lễ, truyền ngài phải bước qua. Cha Tuấn không chịu, dùng lời lẽ đanh thép nhưng ôn tồn để biện minh. Quan án mần ngơ, bắt khai lý lịch tại tiền. Bản ấy bắt đầu bằng câu:
“Quê tôi Bình Định, làng chánh Qui Hòa” mà chúng tôi đã trích ở trên.

Hôm sau, trước mặt ba quan tỉnh hiệp nghị, cha Tuấn giữ nguyên cung, các quan không tin, bèn truyền tra tấn.

Tuấn cứ khai vây ròng ròng,
Quan truyền tra tấn hai vòng quá đau.
Máu ra đã đỏ xóm sau,
Phải thêm ít chuyện lau nhau cho rồi.
Ba chuyến ba mươi sáu roi,
Mỗi roi nứt thịt, chao ôi là trời!

Các quan lo sợ chưa biết tính làm sao, thì chợt có hai quan thanh tra đi qua, xem bản Điều trần cho là đắc lý, dạy tỉnh đường phải sớ ngay bản Điều trần và tờ khai về kinh, Vua Tự Đức xem xong, liền hạ chỉ cho vời ngay cha Tuấn vào bệ kiến.

Năm ngày có chỉ về liền,
Dạy đem Đức Tuấn ra miền kinh đô.
Day ban phi lộ dịch đồ,
Truyền quân các tỉnh đều vô đón ngừa.
Việc vua cẩn mật chẳng vừa,
Mỗi tỉnh ba chục quân đưa dọc đàng.
Tuy rằng trong lúc gian nan,
Quân ngừa, trạm võng, đường quan về triều.

Đến Huế, nhân dân tấp nập kéo ra xem đông như nước chảy. Ngài ra mắt ông Binh bộ Thượng thư Lâm Duy Hiệp, có ông Phan Thanh Giản và đông các quan văn võ họp tại Binh bộ đường.

Quan truyền trải chiếu lại gần,
Bảo Tuấn ngồi đó hỏi lần căn nguyên.
Rằng: Vua có chỉ phán truyền,
Cho dời đạo trưởng xét riêng hai điều:
Một là trong đạo Chúa Dêu[1]
Nghe trong đạo ấy nhiều điều mênh mang.
Hai là hỏi giặc Tây dang,
Tới đây quấy rối làm ngang cớ gì?

Ngài thưa lại từng điều rành rẽ. Về Thiên Chúa giáo ngài đáp:

Đạo dạy thờ Chúa thiêng liêng,
Dựng nên trời đất, cầm quyền tử sinh.
Hễ người thì có tinh linh,
Giữ noi đường chính, trường sinh cõi trời.
Đạo dạy thờ vua dưới đời,
Vì vua thay mặt Chúa Trời trị dân.
Đạo dạy thảo kính song thân,
Cù lao báo bổ, ân cần đền ơn.

Đạo này muôn đời, muôn nước không hề thay đổi, vì đạo có Thánh Kinh làm thằng mặc (cái dây mực của thợ mộc dùng để làm dấu mà xẻ hay đẽo gỗ), có Đức giáo hoàng La Mã giữ kỷ cương. Về giặc Tây dang ngài đáp:

Như giặc bởi nước Rô ma,
Thì tôi cam chịu đạo qua phá rầy.
Vốn nay chẳng phải như vầy,
Lang sa[2] nước khác đến đây chiến trường,
Giặc, tôi chưa biết chưa tường,
Nhưng mà ước cũng tìm đường lợi danh.
Vậy nên gây cuộc chiến tranh,
Nếu đi giảng đạo, hoành hành sao nên?

Ngài còn dẫn việc để chứng minh: năm trước đây, tàu Pháp nhập bến Đà Nẵng, giáo nhân không một ai chạy theo. Trái lại, vẫn hằng giữ phép nước, nạp thuế vua như tất cả các công dân lương thiện. Các quan nghe, đều tỏ ý khen ngợi.

Hôm sau, Hình bộ Thượng thư bảo ngài làm thêm bản Điều trần bào chữa tiếng tăm cho Thiên Chúa giáo, vì vua cũng muốn làm ngơ, hiềm nỗi Triều đình nhiều người nghi kỵ. Cha Tuấn làm xong dâng lên, được nhà vua khen thưởng:

Ngày sau sắc hạ phân minh,
Rằng: lẽ sắc thật, suy tình thưởng ban.

Vì thế, cha Tuấn được :

Ở trong Trấn phủ thảnh thơi,
Để đi thong thả dạo chơi ngoài thành.

Nhờ ân huệ ấy, ngài vào các trại giam viếng thăm giáo hữu, ai nấy khôn xiết nỗi vui mừng. Trước thái độ của nhà vua, trong thành ngoài nội đều lấy làm bỡ ngỡ, tỏ ý tôn kính đạo trưởng, ngợi khen đạo trời.

Sau đó, vì thương số phận nhân dân cực khổ, ngài làm hai tập Điều trần nữa. Gặp khi tàu Pháp tới Huế hỏi ý, vua khất mười ngày, các quan đều phân vân bàn tán, không biết cử ai vào Gia Định giảng hòa. Ông Lâm Duy Hiệp mời cha Tuân vào hỏi ý.

Tuấn rằng: Ông lớn lượng cao,
Sớ tâu Hoàng đế xin vào Đồng Nai.
Tôi xin tùng phái với ngài,
Tôi dám quả quyết không ai làm gì.
Hòa đặng thì ta hòa đi,
Bằng hòa chẳng đặng ta thì về ngay.

Quả nhiên, vua Tự Đức y lời, cử ông Lâm Duy Hiệp, ông Phan Thanh Giản làm Khâm sai đại thần, và cha Đặng Đức Tuấn tham gia phái đoàn, vào Gia Định thương thuyết hòa ước với Pháp và Tây Ban Nha. Trước khi lên đường, cha Tuấn luôn luôn xuất cung nhập điện như một vị đường quan, để luận bàn quốc sự. Ngày 24.4.1862 (ngày âm lịch), tàu Loan Thoại chở phái đoàn, từ giã kinh sư (kinh đô), do tàu Pháp dắt ba ngày vào tới Gia Định. Ngày 1.5 âm lịch tức 6.6.1862, ba nước hiệp nghị. Đối phương đòi bồi thường năm triệu đồng và nhượng sáu tỉnh Nam kỳ. Các quan ta không thuận, khất về suy nghĩ, rồi hỏi ý kiến cha Tuấn, ngài can không nên cắt đất nhượng cho địch.

Tuấn rằng ông lớn lượng cao,
Đòi bồi thường chịu, không giao tỉnh thành.

Sau đối phương hạ xuống bốn triệu bạc và ba tỉnh. Phái đoàn ta ưng chịu, ký hòa ước ngày 14.6.1862, rồi trở về kinh, tâu sự thể lên vua Tự Đức. Nhà vua quở trách ông Hiệp, ông Giản, còn cha Tuấn thì vô can, lại được tin dùng hơn trước. Vua có ý muốn lưu ngài ở Triều, trước là để hội bàn quốc sự, sau là xướng họa văn chương, vì đã nhận thấy tài đức cũng như tiết tháo của ngài. Nhưng ngài cáo bệnh xin về thăm quê, và được nhà vua chấp thuận. Sau đó, vua còn triệu ngài ba lần, hai lần trước ngài ra hầu, nhưng đến lần thứ ba ngài cáo bệnh không ra nữa. Có lẽ ngài nghĩ vai trò lịch sử của mình đã đến lúc hạ màn. Làm thân linh mục, cung điện quyền môn không phải là chỗ tới lui đi lại, khi chẳng có lẽ cần cho tự do tôn giáo, hay ích lợi quốc gia.

Sau khi ký hòa ước, Triều đình đã lần lần hạ chiếu chỉ tha đạo, trước tha cho phụ nữ lão ấu (19.5), sau cho nam tráng đầu mục (17.6 âm lịch).

Sung sướng trở về với sứ mệnh cao siêu của linh mục, cha Tuấn được bổ nhiệm coi địa sở Tân Lộc (Quảng Ngãi), rồi Hòa Mục, và sau hết là Chánh Khoan, thuộc xã Mỹ Lợi, quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, tức Nước Nhỉ ngày nay. Ngài đã tắt nghỉ tại đây ngày 11.6.1912 (?), hưởng thọ 69 tuổi (?), mà nay còn an nghỉ dưới nấm mồ đơn sơ mà thời gian đã in những dấu rêu mờ xạm.[3]

Sinh thời, ngài thường phàn nàn không được phúc tử đạo là tại mình tội lỗi. Thực ra ngài đã sống một cuộc đời linh mục thánh thiện, khiêm cung. Từ khi được nhà vua tin dùng, dân chúng kêu ngài là cha Khâm (cũng như ở Phát Diệm, người ta gọi cha Trần Lụccụ lớn Khâm). Khi có chuyện bất bình, người ta thường đem đến để xin ngài phân giải, mà ngài đã dùng sự khôn ngoan nhân đức mà giải quyết dàn xếp công việc một cách ổn thỏa mau lẹ. Các quan chức cũng như các nhà khoa bảng thường đi lại ngâm vịnh với ngài, và hết thảy đều hoàn toàn thán phục.

Ngài cũng dạy học một số môn sinh xa gần. Người ta còn kể: ngài có hình vóc cao lớn đẫy đà, chứ không mảnh khảnh như các nhà nho khác. Tay ngài các ngón đều dài và thanh, tròn như búp măng. Môn sinh và các giáo hữu thường cầm hôn kính. Chữ ngài viết rất đẹp, đặc biệt là chữ vi viết nét phảy thật dài. Lúc nào cần, thì tay trên bàn ngài viết sách cho môn sinh lớn, mà chân dưới đất quặp bút, viết phóng cho học trò nhỏ. Tuy ngài thông minh hay chữ, nhưng bao giờ cũng tỏ lòng tôn trọng thày cũ của mình, và không có thái độ khinh mạn đối với các nho sĩ khác. Thường thì vào buổi tối, ngài hay kể chuyện cổ tích rất rôm rả cho các giáo hữu già trẻ đến nghe. Ngài thật được mọi người kính tôn mến phục.


II. TOÁT LƯỢC HAI BẢN ĐIỀU TRẦN

Sự nghiệp văn chương của cha Đặng Đức Tuấn phần lớn là văn vần, đủ các thể. Văn chương của ngài là thứ văn chương tải đạo, văn chương thực dụng, không phải là văn chương phù phiếm. Tuy nhiên, không phải là không tế nhị, tinh vi. Khi về già, ngài làm các thơ ca có mục đích để lưu truyền hậu thế.

Thấy trong thiên vận tuần hườn,
Tự tích việc đạo để truyền hậu lai.
Lời quê theo vận vắn dài,
Tạc ghi ơn Chúa, nhớ hoài Mẹ ta.
Những áng văn còn truyền tụng là:

Tự tích việc đạo nước Nam – Tự thuật việc bị bắt và Điều trần – Thân hào sát tả bình Tây truyện (1885), 2 bài – Văn tế Đức cha Thể - Văn tế giáo nhân bị giết vì đạo – Văn tế các Đẳng linh hồn - Khuyến cáo giáo dân (2 bài).

 Trong phạm vi bài này, chúng tôi không đề cập đến những áng văn đó, chỉ xin toát lược hai bản Điều trần, có tính cách lịch sử quan trọng:

1. Dâng kế hoạch chống Pháp.
2. Minh oan cho giáo nhân.

Ngoài ra, theo lời ngài tự thuật, ngài còn làm hai bản khác dâng vua Tự Đức, nhưng tiếc là đã bị thất lạc. Song thiết tưởng cũng không ngoài những ý tưởng đã được phơi bày trong hai bản nói đây.

Hai bản Điều trần này nguyên văn bằng chữ Hán, lời văn nhẹ nhàng trôi chảy, không đẽo gọt cầu kỳ, ít dùng lối biền ngẫu (lời văn có những câu đối nhau – parallélisme littéraire) như văn chương thời đó. Ở đây cũng như trong các bài khác, văn chương chỉ là cái áo mỏng, mặc cho một con người tư tưởng khoáng đạt và sáng sủa.

1. Bản Điều trần: Dâng kế hoạch chống Pháp.

Nhập đề - Tác giả bày tỏ cái lòng trung nhân ái quốc của người công dân không thể đội trời chung với giặc, và những hành động trái ngược, tham tàn, hung hãn của quân giặc, thật là đáng giận và đáng giết. Triều đình không chịu giảng hòa là phải, những không chịu giảng hòa mà lại không có kế hoạch khả dĩ đem ra để ngăn chặn được sức tiến của giặc, đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi thì là điều rất nguy.

Thân bài – Tác giả đưa ra hai điểm quan trọng.

1. Cái kế hoạch để ngăn chặn giặc ngoại quốc.
2. Cái kế hoạch để thắng được giặc ngoại quốc.

1) Cái kế hoạch để ngăn chặn giặc:

Tác giả trưng một câu trong Binh thư: “Tri kỷ tri bỉ, bách chiến bất sỉ” (biết mình, biết người, trăm trận không bị xấu hổ). Nay đối phương của ta, chúng không phải là thứ giặc thường. Chúng có một quân lực rất hùng mạnh, quân sĩ đã tài giỏi, võ khí lại tinh nhuệ, thủy chiến lục chiến đều thông thạo cả, lại có một đội chiến thuyền đầy đủ, đi khắp đó đây, ngang dọc khắp trong thiên hạ. Còn quân ta, tuy có nhiều, nhưng không mạnh không giỏi bằng nó, vì thế, nó mới dám đến chiếm thành Gia Định dòm ngó nước ta. Nay nếu muốn ngăn nó lại, và thắng được nó, thì điều cần yếu là việc quân sự của ta phải được canh tân: canh tân cách tuyển binh. Canh tân cách tập binh, và canh tân cách luyện thuốc súng.

Về việc tuyển binh: Cần kén chọn những người trai cường tráng, từ 20 đến 40 tuổi mới cho nhập ngũ, hạn tòng ngũ là 5 năm, để dân khỏi ngại mà trốn tránh. Lương bổng tăng gấp đôi. Người nào lập được công trạng thì cho thăng thưởng, kẻ nào bất lực thì thải cho về. Như thế mới có thể có một đội quân tinh nhuệ.
Về việc tập binh: Những thứ vũ khí cổ hủ như gươm đao giáo mác, với võ nghệ ngày xưa, bây giờ không thể đem ra mà ứng dụng được nữa. Muốn chống với thứ giặc ngoại quốc rất tinh khôn tài giỏi hùng mạnh này, ta cần phải có đại bác, thần công, với những súng mãnh liệt và đi xa; quân lính phải luyện tập thật tinh thạo.

Về việc luyện thuốc súng: Thuốc súng của địch, sở dĩ nổ mạnh và đi xa, là vì cách chế và dùng thuốc, chúng chỉ quý hồ tinh bất quý hồ đa; chúng lại chỉ dùng thuốc mới mà không dùng thuốc cũ. Nay ta cũng phải theo đó, bao nhiêu những thuốc súng đã cũ, nên bỏ đi, đem cho binh lính dùng để tập bắn, còn khi giao chiến, thì phải dùng thứ thuốc mới và chế mạnh. Khi đã tạo được một quân lực hùng hậu: quân giỏi và cam đảm, võ khí mới và tốt, thuốc súng mạnh và nhanh, đem quân đội ấy ra để ngăn chặn sức tiến của quân giặc, tưởng không phải là việc khó.

2) Cái kế hoạch để quyết thắng quân giặc.

Lại dựa vào Binh thư, tác giả trình bày sự nhận định cho rõ cái lý phải trái và cái thế mạnh yếu của ta với quân giặc. Xét về thế, tuy rằng ta yếu mà giặc mạnh; nhưng xét về thì ta phải mà giặc trái. Như thế tức là công lý về ta. Nhưng vì ta yếu, quân lực của ta dù đã được canh tân cũng chỉ đủ sức để ngăn chặn sức tiến của giặc, chứ không thể có sức xua đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi. Nay nếu muốn đuổi được quân giặc, thế tất phải nhờ sự đến sự viện trợ của nước ngoài. Nhưng giặc là một nước hùng cường, đối với các nước, chúng không coi vào đâu, duy chúng chỉ kiêng nể có một nước Anh Cát Lợi. Vì thế, ta nên sai người mang quốc thư, kể rõ những tội ác của giặc, đến Hạ Châu (Singapour) để xin quốc vương nước Anh vì công lý mà đem quân đến giúp. Anh với Pháp, tuy vẫn bằng mặt mà chẳng bằng lòng, chỉ chờ cơ hội để diệt nhau. Nay nước Anh tiếp được thư ta, biết rõ hành động ngang ngược của Pháp, chắc sẽ kết tội, rồi vui lòng đem quân đến đánh để giúp ta. Như thế, trong có quân ta đánh ra, ngoài có quân Anh đánh vào, quân Pháp tất nhiên là sẽ bị tiêu diệt.

Kết thúc: Tác giả tỏ ra rất khiêm tốn, xin nhà vua tha thứ cho cái tội múa rìu qua mắt thợ. Vẫn biết mình là kẻ quê mùa ngu dốt, kiến thức hẹp hòi, nhưng vì lòng bừng bừng căm giận quân thù, nên không thể dừng được, mà phải dâng bản Điều trần, thật rất lấy làm run sợ.

Lời bàn: Lịch sử cho ta biết: Triều đình ta lúc ấy, vì chính sách bế quan tỏa cảng, không nhận biết thực trạng các nước Tây phương, nhất là Anh, Pháp, lại quá chấp nệ tự ái, cứ tin chết vào cái văn minh và sức mạnh của Trung Hoa. Đọc bản Điều trần toát lược trên đây, chúng ta thấy tác giả quả là người sớm biết, trông xa nhìn rộng, đã dám gióng lên một hồi chuông, và vạch ra một đường lối, để lay tỉnh các nhà đương cục (người đang nắm quyền – homme du pouvoir) bấy giờ, và giúp họ tìm cách đối phó là: canh tân quân sự và cầu cứu người Anh. Biết đâu cái thế lưỡng hổ giao tranh giữa Anh và Pháp, lại không đem đến cho ta một thắng lợi như trường hợp Thái Lan, tuy nhỏ yếu hơn ta, mà vẫn giữ được nền độc lập!

2. Bản Điều trần: Minh oan cho giáo nhân.

 Nhập đề: Tác giả nêu lên vấn đề quan trọng của thời sự, là cái nạn giặc ngoại quốc xâm lăng, khiến cho trăm họ phải lầm than đau khổ. Vấn đề cấp bách, đang làm cho nhà vua phải hết sức bận tâm, Triều đình phải vất vả áy náy. Trên vua quan, dưới dân sự, hết thảy đều đã xuất tài xuất lực, để đối phó với thời cuộc, vậy mà sao vẫn chưa thấy đem lại được chút kết quả nào như lòng mong muốn. Tình trạng ấy, hẳn rằng trong đó phải có một nguyên nhân.

Thân bài: Tác giả tự nguyện đóng vai một người ngu, nghĩ nghìn điều, tất phải được một điều đúng, để khám phá ra cái nguyên nhân trên đây. Tác giả cho rằng: cái nguyên nhân chính là ở chỗ quân giặc mạnh, mà quân ta yếu, cái thế không thể chống nhau với nó được. Nhưng hiềm nỗi những người hữu trách trong việc cầm quân, lại không nhận định rõ cái chỗ chính yếu ấy. Thỉnh thoảng tuy có được chút thắng lợi nhỏ, không biết rằng đó chẳng qua chỉ là một sự may mắn tình cờ; đến khi Kinh Thành thất thủ, bị tổn thất nặng nề, cũng vẫn chưa nhận ra là tại vì quân mình yếu, lại buộc ngay là lỗi tại giáo dân, âm mưu với giặc, vì thế chúng mới biết rõ tình hình quân sự của ta mà làm cho ta phải thua trận. Thế rồi gây nên một dư luận xôn xao khắp trong nước, gán cho người có đạo toàn là hạng người mất gốc, vô nhân đạo, phản quốc, bất trung…. Dân có đạo bỗng dưng kế tiếp nhau mắc vào vòng bị bắt bớ, tù đày, giết lát, sự khổ cực thảm khốc không biết bao nhiêu mà kể! Cho rằng: làm như thế là để trừ hết cái họa bên trong, thì mới có thể trừ được quân giặc bên ngoài; nhưng không biết rằng: hễ những dân lành bị oan, thì có thương tổn đến cái hòa khí trong trời đất, vì thế mà sinh ra bên trong càng thêm rối ren, giặc ngoài thừa cơ lại càng thêm quấy nhiễu.

Rồi tác giả dẫn chứng lịch sử để biện minh cho Đạo và cho người có Đạo: xưa kia, Giám mục Bá Đa Lộc đã trải bao gian lao vất vả, thực tình giúp vua Gia Long khôi phục được cơ đồ, thống nhất được đất nước. Giáo dân xưa nay vẫn một mực trung thành, làm đầy đủ hết mọi bổn phận của người công dân lương thiện. Thế thì, ngày nay vẫn Đạo ấy, vẫn người có Đạo ấy, sao lại có thể thay đổi từ tốt ra xấu cách xa nhau một vực một trời như thế được? Vì vậy xin Hoàng thượng mở lòng nhân hậu, coi con nào cũng là con, thấu rõ nỗi oan ức của người có Đạo, mà tha cho họ được trở về quê hương để yên phận làm ăn. Như thế, người dân lành đã được yên vui, thì ơn phúc trên trời tự nhiên đổ xuống, bao nhiêu những sự khó khăn rắc rối đều sẽ do đó mà tiêu tan.

Nếu quân giặc ngoại quốc mượn lẽ vì những người có đạo mà đến đây, thì xin Triều đình sai ngay những người có đạo đi đánh giặc. Kẻ nào lập được công trạng thì thưởng, còn kẻ nào manh tâm thì đem giết cả họ nó đi. Tin rằng: người có đạo sẽ không một ai dám ở hai lòng, ai nấy chắc sẽ vui lòng hiến thân, người có tài thì đem tài, người có sức thì đem sức, quyết một lòng chống nhau với giặc. Song thiết tưởng họ chẳng cần phải đem tài đem sức, họ chỉ đem cái lẽ phải ra cũng đủ để chống nhau với giặc.

Kết thúc: Đại khái cũng như bản Điều trần trước.

KẾT LUẬN

Đọc tới đây, độc giả cũng như chúng tôi, chúng ta đã có thể nhận thấy phần nào cái giá trị của con người lịch sử này.

Đối với Giáo hội, Cha Đặng Đức Tuấn quả là một vị chân tu, không màng danh lợi, và cũng là một vị tông đồ can đảm, hy sinh để bênh vực Thánh giáo.

Đối với Quốc gia, ngài là một công dân trung quân ái quốc, chẳng ngại gian lao vất vả, đem tài lực ra để kinh bang tế thế (trị nước giúp đời), bảo vệ quyền lợi cho dân tộc.

Con người có công cao đức cả với Đạo với Nước ấy, hiện nay vẫn còn nằm dưới nấm mồ vô danh tại Nước Nhỉ. Chúng tôi bùi ngùi tự hỏi: với con người liệt vào hạng những tinh hoa của dân tộc, đáng tôn kính ấy, chúng ta có nên xây lăng truy niệm cách xứng đáng hơn chăng?[4]

x
Khu lăng mộ Cha Gioakim Đặng Đức Tuấn (Cha Khâm), hiện ở tại thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định;
thuộc Giáo xứ Phù Mỹ, Giáo phận Qui Nhơn.

Chung quanh mộ có một số câu đối, vài câu bị mờ hoặc viết sai nét qua nhiều lần tu bổ. Sau đây là dịch nghĩa 6 câu trong đó:

Câu 1: Khí tục tinh tu, vạn đại vinh; nghĩa là: Tinh tu lánh tục, muôn thuở vinh danh.
Câu 2: Xả sinh thủ nghĩa, thiên niên hiển; nghĩa là: Vì nghĩa hy sinh, nghìn thu hiển hách.
Câu 3: Vạn lý lưu phương, bất vị khổ hình thương đại tiết; nghĩa là: Vạn dặm thơm danh, chẳng ngại khổ hình mờ tiết lớn.
Câu 4: Nhất tâm thiết thạch, trực tương tính mệnh báo thâm ân; nghĩa là: Một lòng sắt đá quyết đem tính mệnh báo ơn sâu.
Câu 5: Thiên thu trượng nghĩa hướng Thiên đường; nghĩa là: Nghìn năm nghĩa khí hưởng Thiên đường.
Câu 6: Nhất đán quyên sinh quy thổ mộ; nghĩa là: Một sớm hy sinh, còn nấm mộ.
 
[1] Chúa Dêu: tức là Chúa Trời. Tiếng Dêu là phiên âm tiếng Deo (Dieu): Thiên Chúa
[2] Lang sa: nước Pháp (Francia)
[3] Một nghi vấn về tuổi và năm qua đời của Cha Tuấn: năm 1861, Cha Tuấn ít ra đã 30 tuổi. Nếu ngài sống đến 1912 thì thêm 51 tuổi nữa, vị chi là 81 tuổi. Mong các nhà thức giả phủ chính cho. (“phủ chính” là cách nói khiêm tốn khi nhờ người khác sửa chữa hay đính chính cho lời văn của mình. BBT)
[4] Chúng tôi (Phạm Châu Diên) đề nghị lập nên một Ủy ban trùng tu phần mộ và tổ chức Lễ kỷ niệm Bản Điều trần Đặng Đức Tuấn giáp một trăm năm, vào năm 1961. (hay năm 2021 là giáp 160 năm – BBT)

Tác giả bài viết: Lm. Phạm Châu Diên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay19,597
  • Tháng hiện tại62,888
  • Tổng lượt truy cập29,042,426

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây