Thư cha Phanxicô Isidore Gagelin Kính (năm 1821)

Thứ ba - 10/09/2019 20:15
x



 
THƯ CHA PHANXICÔ ISIDORE GAGELIN KÍNH (NĂM 1821)
Ngày 4 tháng Mười 1821

Choix des lettres édifiantes
tome 3, Paris, 1835, tr. 517-518

 


Cuối cùng, tôi cũng đã đến được miền truyền giáo mà Chúa Quan Phòng dường như đã dành cho tôi. Cuộc hành trình kéo dài khoảng 6 tháng. Lúc thì gió bão lúc thì trời yên biển lặng, chúng tôi gặp khó khăn chút ít để đến được Batavia. Thật là an ủi khi gặp ở đấy một cha sở Công giáo người Hà Lan, cha Wedding, đã tiếp đón rất thân tình, cho chúng tôi ăn ở trong suốt chuyến lưu trú. Hành trình từ Batavia đến Đàng Trong không có gì đặc biệt. Chúng tôi đi vào Biển Đông qua eo Gaspard chia cắt đảo Banca và đảo Billeton. Như gặp thời, có gió mạnh và chúng tôi không gặp vấn đề gì với đám cướp biển rất đáng sợ trong vùng này mà người ta cho rằng một số ít đang lượn lờ quanh những hòn đảo nhỏ. Trong trường hợp bị tấn công, vũ khí đã chuẩn bị sẵn sàng và các khẩu đại bác cũng đã nạp đạn.

Đến cảng Huế (vùng Thượng Đàng Trong), người ta chào mừng bằng hai mươi phát đại bác và ông quan coi cảng sai người ra đón tàu. Cùng ngày, ông Chaigneau[1] xuống tàu để trình diện nhà vua, thông báo cho ngài bức thư và quà mà vua nước Pháp gởi tặng ông. Đây không phải là nhà vua trước kia mà là Hoàng tử Chi Đàm.[2] Ông nổi tiếng rất mê tín dị đoan và là kẻ thù của Kitô giáo. Dù trước khi lên ngôi, ông đã đe dọa bách hại Kitô giáo, nhưng ông không vội làm thế; người ta cho rằng ông ngừng tay vì quan điểm chính trị. Những người Đàng Ngoài luôn sẵn sàng nổi loạn, ngay ở Đàng Trong cũng có nhiều người không phục, nói chung ông hoàng này không được yêu mến. Ngày hôm sau, nhà vua tức tốc sai người đến nhận thư và quà của vua Louis XVIII. Ông Lãnh binh dẫn đầu, quỳ gối kính cẩn nhận thư của nhà vua, bắt đầu bằng bảy phát đại bác chào mừng; phía cảng đáp lại cũng như thế. Quà tặng là những chiếc gương đẹp, súng, gươm, ống nhòm, những thứ mà nhà vua có vẻ rất thích. Những món quà được mang đi trên những chiếc thuyền khác. Ba ngày sau, chúng tôi xuống tàu đến nhà ông Vannier[3] để từ đó đến nơi ở của Đức cha hiệu tòa Véren,[4] ăn mặc như người Đàng Trong và ở trên một chiếc thuyền được canh gác cẩn mật.  

 
x
 
Nhà ông Chaigneau ở Huế
 
 
[1] Jean-Baptiste Chaigneau (1769-1832), tên Việt là Nguyễn Văn Thắng, là một sĩ quan và nhà thám hiểm người Pháp. Ông là người đã giúp đỡ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với triều đại Tây Sơn, từ đó thống nhất đất nước, sáng lập triều nhà Nguyễn và trở thành vua Gia Long. Ông được phong làm chưởng cơ của triều đình nhà Nguyễn. (Các chú thích trong bài là do người dịch thêm vào)
[2] “Vua Gia Long không được nối ngôi bởi Hoàng Tử Cảnh, qua đời năm 1801, nhưng bởi một người con khác, con của một ái phi. Việc lựa chọn Hoàng tử Chi Đàm được công bố vào năm 1816 và gặp phải sự chống đối mạnh mẽ của cánh triều đình ủng hộ con của Hoàng tử Cảnh, cháu nội nhà vua. Việc chọn lựa Hoàng tử Chi Đàm có thể dựa vào việc ông lớn hơn 8 năm tuổi so với những hoàng tử khác nhưng chắc chắn một phần là do nền tảng kiến thức đạo Khổng đáng kể của ông. Vài học giả cũng lập luận rằng vua Gia Long chọn hoàng tử này vì ông này nổi tiếng rất thù nghịch Kitô giáo, và như là một người sáng lập triều đại, nhà vua muốn có một người nối ngôi sẵn sàng đối đầu với bất kỳ thách thức nào từ người Châu Âu. Dù bất cứ lý do gì, các phần tử trong triều đình tiếp tục phản đối việc lựa chọn Hoàng tử Chi Đàm. Kết quả là những năm đầu tiên trị vì của Chi Đàm như là vua Minh Mạng, ông đã củng cố quyền lực bằng cách đối phó với những chống đối trong cung, cũng như sự không tin tưởng của một lãnh chúa có quyền tự trị rất lớn ở miền Nam là Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832)”.
Trích dịch từ George Dutton, Jayne Werner, John K. Whitmore, Sources of Vietnamese Tradition, Columbia University Press, 2012, tr. 254.  
[3] Philippe Vannier (tên Việt là Nguyễn Văn Chấn, 1762-1842), người đã tham gia vào giúp đỡ Nguyễn Ánh, người sau đó thành vua Gia Long của Việt Nam. Sau khi chúa Nguyến Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, lập ra triều Nguyễn thì Vannier nhận quan tước Nhà Nguyễn. Ông lấy một phụ nữ người Việt theo công giáo làm vợ, tên là Nguyễn Thị Sen (sách Pháp ghi là Madeleine Sel-Dong). Hai vợ chồng có 10 người con. Vannier làm quan suốt triều Gia Long sang triều Minh Mệnh, thấy nhà vua có ý bài ngoại không ưa mình nên cáo quan hồi hương, cùng lúc Jean-Baptiste Chaigneau cũng xin về Pháp (theo wikipedia).
[4] Đức cha Jean Labartette Bình (1744-1822).

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay15,826
  • Tháng hiện tại59,117
  • Tổng lượt truy cập29,038,655

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây