Nhà bia Alexandre De Rhodes và những câu chuyện ít được biết đến

Thứ hai - 28/03/2022 20:57
Chuyện về tấm bia Alexandre de Rhodes :: Suy ngẫm & Tự vấn :: ChúngTa.com


Hình chụp Nhà bia Alexandre de Rhodes
(lúc tấm bia đặt trên bệ đá ở chính giữa đã bị lấy đi)



Nhà bia Alexandre de Rhodes được xây dựng và khánh thành năm 1941 tại vị trí nay là Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đối diện đền Ngọc Sơn. Công trình nhà bia nay không còn. Nhưng vẫn có không ít người quan tâm đến công trình đó và ý nghĩa của nó.

 

Công trình kỉ niệm này được xây dựng như thế nào? Ai là người khởi xướng? Kinh phí xây dựng lấy từ đâu? Nghiên cứu hồ sơ lưu trữ, chúng tôi tìm được khá nhiều tài liệu về quá trình quyên góp và xây dựng trong suốt hơn 10 năm để công trình này từ ý tưởng trở thành hiện thực.
 

Người đầu tiên khởi xướng xây dựng Đài Kỉ niệm Triệu tổ chữ Quốc ngữ[1] là trung tá Bonifacy[2]. Trong tài liệu lưu trữ có thông tin rất chi tiết về việc này. Năm 1927, Bonifacy đã có ý tưởng quyên góp để xây dựng một công trình kỉ niệm ghi nhớ công lao cha cố Alexande De Rhodes. Ngay lập tức kế hoạch được triển khai. Một hội đồng được thành lập với mục đích quyên góp tiền và xây dựng công trình.Việc quyên góp rộng rãi khắp Đông Dương, được Toàn quyền ủng hộ. Trung tá Bonifacy đã tổ chức quyên góp tiền để dựng Đài Kỉ niệm Triệu tổ chữ Quốc ngữ bằng tài khoản số 9711 tại Ngân hàng Đông Dương. Nhưng không may, đến tháng 4 năm 1931, Bonifacy qua đời. Số tiền quyên góp đã được 5814,61 đồng bạc. Trong đó có sự đóng góp của nhiều người Việt làm việc trong các công sở Pháp.


Bản sao kê tài khoản số 9711 – tài khoản đặc biệt “Alexandre De Rhodes”, chủ tài khoản là August Bonifacy tại Ngân hàng Đông Dương ngày 30/6/1932 (sau khi Bonifacy chết). Nguồn TTLTQG1


Đến cuối năm 1931, Hội đồng họp và cử ông Cucherousset, chủ nhiệm của Đông Pháp Kinh tế Tạp chí thay Bonifacy làm Chủ tịch Hội đồng. Số tiền quyên góp được chuyển sang tài khoản số 52186, chủ tài khoản là ông Cucherousset.

Đài kỉ niệm dự định sẽ dựng theo lối An Nam và giao cho các kiến trúc sư bản xứ thiết kế. Hội đồng đã tổ chức một cuộc thi nhưng kết thúc chỉ nhận được 2 bản thiết kế nhưng “chẳng ra hình thù gì, lạc cả ý nghĩa”. Hội đồng tiếp tục kéo dài thời hạn nhận các bản thiết kế thêm 9 tháng nữa và hết hạn chỉ nhận được 5 bản, trao giải thưởng cho 3 bản vẽ (200 đồng – 100 đồng – 50 đồng). Tuy nhiên, bản vẽ được giải nhất cũng không được sử dụng vì thành phố Hà Nội cho rằng kiểu đó không có điểm nào mang nét mỹ thuật An Nam, mà lại giống phương Tây. Do đó, chính quyền thành phố đã từ chối cấp đất cho việc thi công đài kỉ niệm kiểu Tây này.

Hội đồng đã phí mất 350 đồng tiền thưởng mà vẫn không có được bản vẽ. Hội đồng này đã nhờ đến ông Phạm Quỳnh để trình tâu lên vua Bảo Đại xin ban thưởng cho người vẽ được kiểu đài kỉ niệm phù hợp. Vua Bảo Đại đã chuẩn tâu đề nghị đó. Cuộc thi lại được đăng tải trên 2 tờ báo Pháp văn là L’Annam nouveau và La Patrie annamite và một số báo quốc ngữ nhưng cuối cùng cũng không mang lại kết quả nào khả thi.

Sau đó, cuộc họp Hội đồng thành phố ngày 31 tháng 5 năm 1934 đã thông qua việc cấp đất cho công trình kỉ niệm cha cố De Rhodes tại vị trí trước đó là Rạp Variétes [trước đó là Rạp Pathé – Rạp chiếu bóng đầu tiên ở Hà Nội].

Năm 1934, ông Cucherousset qua đời. Số tiền trong tài khoản số 52186 đứng tên ông được chuyển cho Thủ quỹ của Hội đồng dựng Đài kỉ niệm, với số tiền là 2.540,07 đồng vào cuối năm 1934, sau đó mở tài khoản số 52782 đứng tên Thủ quỹ của Hội đồng.
 


Phiếu chuyển tiền từ tài khoản mang tên Coucherousset. Nguồn TTLTQG1


Khi còn sống, ông Coucherousset đã giao cho kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện lập dự án xây dựng công trình. Sau khi Coucherousset qua đời, cựu Thống sứ Bắc Kì Tissot (Chủ tịch danh dự của Hội đồng) và ông Lesterlin, thủ quỹ của Hội đồng đã chính thức kí kết giao kèo với Nguyễn Cao Luyện ngày 27 tháng 11 năm 1934. Theo giao kèo, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện chịu trạch nhiệm tiền dự án cho công trình được hội đồng xây dựng đài kỉ niệm và hội đồng thành phố thông qua từ tháng 8 năm 1934.

Theo tập điều kiện thầu lập ngày 15 tháng 8 năm 1934, việc dựng Đài kỉ niệm được thực hiện tại Hà Nội, ở góc phố Francis Garnier và phố Du Lac [đối diện đền Ngọc Sơn]. Kinh phí sẽ chi trả làm 4 đợt: tạm ứng 1000 đồng; 1000 đồng sau khi đá được chuyển đến Hà Nội; 1000 đồng khi hoàn thành và 1000 đồng sau khi nghiệm thu cuối cùng. Như vậy tổng số tiền là 4000 đồng. Việc thi công được thực hiện theo cách làm với các công trình thông thường đã được thử nghiệm nhiều lần.
 


Bản vẽ mặt bằng khu vực dựng đài kỉ niệm của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện. Nguồn TTLTQG1


Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện được cử theo dõi công trình và là người phụ trách về mẫu bia khắc và nhà bia. Nhà thầu Lê Bá Cử, người đã thi công nhiều công trình đá ở Đông Dương, đã nhận làm công trình này theo giao kèo kí kết ngày 18 tháng 10 năm 1934. Theo bản giao kèo, công trình thi công được thực hiện theo các bản vẽ do kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện giao cho. Thời hạn là cuối tháng 5 năm 1934.

Trong quá trình thi công đã xảy ra tranh cãi lớn không thể giải quyết được giữa nhà thầu vàkiến trúc sư Luyện, người chịu trách nhiệm về thiết kế công trình của Hội đồng. Lê Bá Cử cho rằng các bản vẽ do kiến trúc sư Luyện cung cấp theo kiểu Âu, chứ không theo kiểu bản xứ như đã thống nhất và phàn nàn về việc kiến trúc sư Luyện không thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Tranh cãi này đã khiến cho công trình không hoàn thành đúng hạn. Thời điểm đó, Đốc lí Virgitti đã phải gửi thư cho Lesterlin về việc này. Trong thư có viết về “thiết kế của kiến trúc sư Luyện, với một cột bia đá cao 6-8 mét, nặng nhiều tấn không phù hợp với khung cảnh khi nó nằm rất sát với Tháp Bút”. Đồng thời, Đốc lí đã đưa ra 2 giải pháp cho Hội đồng xây dựng đài kỉ niệm phải lựa chọn: Thứ nhất là Hội đồngtiếp tục thực hiện công trình khi Thành phố đồng ý các bản vẽ đã điều chỉnh cơ bản; Thứ hai là Hội đồng sẽ giải tán và Hội đồng thành phố sẽ xây dựng một công trình xứng đáng để tưởng nhớ Cha cố De Rhodes. Trường hợp hội đồng giải tán, bản vẽ của kiến trúc sư Luyện sẽ bị trả lại.
 


Mẫu thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện. Nguồn TTLTQG1


Tại cuộc họp Hội đồng thành phố ngày 30 tháng 11 năm 1936, việc dựng Đài kỉ niệm lại được đưa ra bàn luận. Quá trình thi công kéo dài quá lâu gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Thêm vào đó, ông chủ tịch Lesterlin lại về Pháp và không quay trở lại. Đốc lí Virgitti đã đề nghị hủy hợp đồng với Lê Bá Cử nhưng ông này đã đề nghị ra hạn đến ngày 10 tháng 2 năm 1937. Tuy nhiên, trong điều kiện đó, Đốc lí đã đề nghị sẽ phải trực tiếp phụ trách việc này thay cho hội đồng dựng đài kỉ niệm. Toàn thể các ủy viên Hội đồng thành phố đều nhất trí thông qua.

Toàn bộ số tiền còn lại ít ỏi được chuyển sang tài khoản mới số 53132 được mở với tên Đốc lí Hà Nội – Dựng đài kỉ niệm De Rhodes, chứ không phải tài khoản mang tên cá nhân để tránh nhầm lẫn theo yêu cầu của Đốc lí Virgitti.

Tuy nhiên, cho đến năm 1939, vụ việc này vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền thành phố đã gửi thư triệu tập cho tất cả các thành viên của hội đồng dựng đài kỉ niệm họp để giải quyết vấn đề. Xét thấy không thể để một công trình dang dở mãi như vậy được, Đốc lí Hà Nội lúc đó là Delsalle đã trả lại hồ sơ cho các thành viên của Hội đồng xây dựng đài kỉ niệm (hội đồng không hoạt động từ năm 1937). Ngày 15 tháng 1 năm 1940, các thành viên đã tập hợp lại và bầu Feyssal, Thanh tra Sở Trước bạ là chủ tịch hội đồng và ông này đã chấp thuận. Họ trao cho ông Feyssal toàn quyền quyết định để hoàn thành công trình như đã từng được đề xuất thực hiện.

Khởi động trở lại, sau hơn 1 năm, một nhà bia thiết kế hoàn toàn khác ban đầu được khánh thánh. Đó là tác phẩm của kiến trúc sư Joseph Lagisquet. Toàn quyền Decoux và nhiều quan chức Pháp và người Việt đã có mặt trong buỗi lễ khánh thành. Tờ Tạp chí Đông Dương (Indochine) đã cho ra mắt chuyên san số 41 ngày 16 tháng 12 năm 1941 gồm nhiều bài viết về Alexandre De Rhodes và sự kiện khánh thành nhà bia. Tại buổi khánh thành, ông Feysal, với tư cách chủ tịch hội đồng, đã ca ngợi công lao trung tá Bonifacy, người đầu tiên có ý tưởng dựng đài kỉ niệm và ông Cocherousset, người tiếp nối ông Bonifacy: “… tôi nhắc lại rằng, không có họ,chắc chắn chúng ta không thể tổ chức kỉ niệm và khánh thành công trình Alexandre De Rhodes ngày hôm nay”.
 


Toàn quyền Decoux khánh thành Nhà bia
Tấm bia ghi công đặt trên bệ đá

Ảnh đăng Tạp chí Đông Dương. Nguồn TTLTQG1


Tiếp theo là phát biểu của Ngô Tử Hạ, một thành viên hội đồng: “Công trình đã hoàn thành, dành cho dân chúng. Chúng tôi hết sức vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà chúng tôi tin rằng đó là thực hiện một ý tưởng cao đẹp... Công việc của hội đồng chúng tôi đã kết thúc tại đây. Việc bảo tồn và tôn kính công trình không thuộc phận sự của hội đồng. Chúng tôi hy vọng sau này, du khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hồ Gươm và dừng lại trước công trình này, có thể nghe được tiếng thì thầm “Hãy nhớ về những điều tốt đẹp đã có, những điều tốt đẹp khác sẽ đến”.
 


Hàng đầu, từ trái qua phải: Hoàng Trọng Phu, Chapouard, Grandjean và Nguyễn Văn Tố tham dự lễ khánh thành. Ảnh đăng Tạp chí Đông Dương. Nguồn TTLTQG1
 

 

Tiếp đến là phát biểu của Nguyễn Văn Tố[3]: “… Mỗi lần đi qua di tích lịch sử này, chúng ta sẽ cùng nghĩ đến trí thức người An Nam Hàn Thuyên, cha đẻ của chữ Nôm và thầy tu dòng Tên người Pháp, những người mà chúng ta cần biết ơn vì việc pháp điển hóa chữ Quốc ngữ và vì cả các tư liệu quan trọng cho lịch sử ngôn ngữ của chúng ta.”

Ông Boudet, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện, kết thúc loạt bài phát biểu với tư cách là một học giả xuất sắc. Ông ấy đã có bài phát biểu rất hay.Buổi lễ kết thúc tốt đẹp. Toàn quyền Decoux nhận lời mời của hội đồng đích thân chủ trì buộc tiệc mời khách nhân dịp lễ khánh thành nhà bia buổi tối tại Nhà hát thành phố[4].

Nhà bia ngày nay không còn nữa nhưng câu chuyện kể về nó vẫn còn được tiếp tục. Những tranh cãi việc việc nên hay không nên vinh danh vị cha cố Alexandre de Rhodes vì những đóng góp của ông trong lịch sử ngôn ngữ của chúng ta vẫn chưa có hồi kết.


[1] Tên gọi dự kiến của đài kỉ niệm lúc khởi xướng. A. de Rhodes được coi là triệu tổ - người sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.

[2] Lieutenant – colonel Auguste Bonifacy: đã sống ở Bắc Kì 37 năm và qua đời tại Hà Nội năm 1931.

[3] Nguyễn Văn Tố thời điểm đó là Chủ tịch Hội truyền bá chữ Quốc ngữ

[4] Tạp chí Indochine (Đông Dương) số 41, năm 1941.


Đỗ Hoàng Anh
(Trung tâm lưu trữ quốc gia)

Tác giả bài viết: Đỗ Hoàng Anh

Nguồn tin: https://archives.org.vn

 Tags: văn hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập74
  • Máy chủ tìm kiếm46
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay22,507
  • Tháng hiện tại90,825
  • Tổng lượt truy cập29,070,363

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây