Bài diễn thuyết của ông Ngô Tử Hạ (29/5/1941)

Thứ hai - 11/04/2022 19:35
 
 
Khánh thành đài kỷ niệm cha Alexandre de Rhodes (29/5/1941):
Bài diễn thuyết của ông Ngô Tử Hạ


Hội đồng tổ chức chúng tôi xin trân trọng cám ơn các Ngài đã tán trợ cho cuộc khánh thành bia kỷ niệm Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ này được hoàn hảo và long trọng.

Dựng được tấm bia này lên đây trình bày trước dân chúng, Hội đồng chúng tôi rất lấy làm mừng, vì đã làm xong một cái nhiệm vụ mà chúng tôi tưởng là có ý nghĩa trọng đại. Cũng như miếu đức Khổng Tử, đền Sĩ Vương, tấm bia nhỏ này tiêu biểu một cái đức tính đáng quý của dân tộc Việt Nam xưa nay không bao giờ quên những cái ơn nghĩa thật là ơn nghĩa.

Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ đến xứ này mãi từ đời Lê, vào khoảng đầu thế kỷ 17. Người tuyên bố ra chữ Quốc ngữ đến nay đã hơn ba trăm năm, bây giờ ta mới kỷ niệm người, bởi vì chữ Quốc ngữ đến giờ mới thật là đắc dụng.

Không thời đại nào bằng thời đại này, tiếng mẹ đẻ cùng với sự đào luyện tinh thần quốc gia chiếm một địa vị cao quý mà ai cũng phải tôn sùng trước hết.

Không lúc nào bằng lúc này, ta cần phải cố gắng truyền bá trí thức phổ thông để nâng cao trình độ dân trí, làm cho ai cũng biết đọc để cứu lấy sự sống chung – vì ở thế giới này theo lời một hiền triết phương Tây: Một người biết đọc là một người được cứu sống.

Kìa bao nhiêu người sốt sắng lo cho tiền đồ nước ta, lập hội bài trừ nạn thất học, truyền bá chữ Quốc ngữ, bảo hộ cũng tán thành. Quan Thống sứ bây giờ lại rất chú ý đến nền học phổ thông, hiện đã bắt buộc dân gian làng nào cũng phải có trường dạy Quốc ngữ.

Chính phủ và các nhà trí thức gắng sức tu thư, xuất bản các sách Quốc ngữ, ra công xây đắp nền tảng giáo dục con em.

Sự cố gắng quan hệ ấy bắt buộc ta phải biết đến ích lợi của chữ Quốc ngữ và phải nhớ đến ông Tổ chữ Quốc ngữ.

Xưa kia ta dùng chữ Tàu, là một thứ chữ rất khó, sự học rất công phu, không thể truyền bá khắp mọi người được, thế mà trong lịch sử đã sản sinh ra biết bao bậc anh hiền tài trí, làm cho nước ta thành một nước văn hiến có lễ nghi. Phương chi ngày nay ta đã có chữ Quốc ngữ, rất tiện ai cũng có thể học được, thì bước tiền đồ của ta sau này tất nhiên mỗi ngày một tiến, và nếu ta dùng chữ Quốc ngữ một cách chánh đáng thì sự tiến bộ hẳn mau chóng vô cùng.

Chữ Quốc ngữ thực đã bổ túc cho ta cái khuyết điểm về dĩ vãng và đem lại cho ta cái hy vọng về tương lai. Chính ở chữ Quốc ngữ mà tinh thần quốc gia đã biểu lộ ra. Nó làm sống lại các thế kỷ đã qua, nó làm hồi lại thanh âm của các bậc tiền bối. Nó là hình ảnh của tinh thần, là sứ giả của khoa học, là lợi khí để thâu thái văn minh, nó khởi thông tư tưởng Đông Tây và liên lạc cảm tình Pháp – Việt, nó đưa ta đến chỗ đại đồng nhân loại.

Ta đã nhận rõ ích lợi của chữ Quốc ngữ thì lẽ đương nhiên ta không thể quên được người đã gây cho ta một hạt giống mà sau này chắc nó sẽ thành rừng và có kết quả tốt tươi mãi mãi.

Tấm bia nhỏ này chỉ là một cái dấu tích hữu hình gọi là ghi tên Người và tỏ tấm lòng biết ơn vô cùng trong tâm lý dân chúng mà thôi.

Còn như cư xử cho xứng đáng với ơn nghĩa ấy, quyết không phải là việc của một hội đồng và một thời gian. Đó là việc của hết thảy dân chúng hàng ngày, hàng năm và hàng đời, nhất là các nhà trứ tác, dịch thuật và xuất bản.

Hiện nay đã có gần một vạn quyến sách Quốc ngữ. Khi nào mà trong kho sách của ta có đủ các thứ sách Quốc ngữ bổ ích cho tinh thần trí thức do những ngòi bút có lương tâm viết ra, khi nào mà ta dùng chữ Quốc ngữ để nâng dân trí Việt Nam đến trình độ văn minh, khi nào mà chữ Quốc ngữ được duy nhất, cả ba kỳ cùng dùng một thứ tiếng, khi đó là lúc ta làm cho ông Tổ chữ Quốc ngữ được vui lòng sở nguyện vậy.

Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ khi xưa do tấm lòng khai hóa nhân loại mà tuyên bố chữ Quốc ngữ. Vậy hôm nay đứng chung quanh đây chắc các ngài đều mang một quan niệm loài người một gốc, bốn bể anh em không phân chủng tộc và tôn giáo, đến đây chỉ do tấm lòng kỷ niệm một bậc đáng kỷ niệm mà thôi.

Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cố nhiên cũng như mọi sự phát minh khác không phải công sức của một người. Nhưng Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ có nhiều sách để lại làm di tích cũng như người đã hoàn thành. Vậy kỷ niệm Đức A-lịch-sơn Đắc-lộ tức là kỷ niệm một vị đại biểu cho tất cả mọi người đã có công trong việc đặt ra và sửa chữa chữ Quốc ngữ trước nay.

Công việc của Hội đồng chúng tôi đến nay là xong, từ nay về sau sự gìn giữ, sự kính trọng là việc của xã hội. Chúng tôi mong rằng trăm nghìn năm về sau, khách du thăm cảnh Hoàn Kiếm dừng chân trước đài sẽ nghe thấy một thứ tiếng nói âm thầm:

Với người mang ơn:
Hãy nhớ ơn nghĩa, ơn nghĩa sẽ đến luôn luôn

Với người có ơn:
Hãy làm ơn cho đời, ơn không mất bao giờ. Vì đó là nghĩa đồng lần của nhân loại.


 

Tác giả bài viết: Trung hòa nhật báo, Số 2547, 7 Tháng Sáu 1941

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay19,891
  • Tháng hiện tại63,182
  • Tổng lượt truy cập29,042,720

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây