Hanukkah, Lễ Giáng sinh và Vật lý học: Thần học về Ánh sáng

Thứ sáu - 03/12/2021 08:04

Lạy Đức Kitô, hãy là ánh sáng của chúng con!

Hanukkah, Lễ Giáng sinh và Vật lý học:

Thần học về Ánh sáng

Tác giả: Bob Kurland

 

Pixabay Votive Candles

 

Đây là thông điệp mà chúng tôi đã nghe từ Ngài, và chúng tôi loan báo cho anh em, rằng Thiên Chúa là ánh sáng, và nơi Người không hề có chút bóng tối (1Ga 1,5).
 

Họ đã làm những bình thánh mới, và mang giá nến, bàn thờ dâng hương và bàn đặt bánh tiến đưa vào đền thờ. Họ đốt hương trên bàn thờ và thắp những ngọn đèn đặt trên giá nến, và chúng đã chiếu sáng trong đền thờ (1Mcb 4,48-50).

 

Suốt cả 50 năm nghiền ngẫm đầy ý thức này đã chẳng giúp tôi tiến gần hơn đến đáp án cho câu hỏi “Lượng tử ánh sáng là gì?”. Ngày nay, cả Tom, Dick và Harry đều nghĩ rằng mình nhận thức được, nhưng họ đã sai lầm (Albert Einstein, trong Những bức thư giữa Born và Einstein, do Max Born cung cấp).

Dẫn nhập: Lễ Giáng sinh

 

Cách đây (khoảng độ) 86 năm, khi tôi còn là một đứa bé, tôi đã quấy rầy cha mẹ Do Thái của mình (những người thế tục, không tôn giáo) để đòi một Cây thông Giáng sinh. Xung quanh tôi toàn là ánh sáng của Lễ Giáng sinh – chúng được trưng bày trong những ngôi nhà, trên bãi cỏ và các cửa hàng bách hóa ở khu phố (có một khu phố trong những ngày đó). Tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không thể tham dự vào tất cả những sự kiện đó. Bất chấp những giải thích rằng chúng tôi không phải là Kitô hữu, rằng chúng tôi có ngày lễ của riêng mình, Hanukkah[1], tôi vẫn không hài lòng. Tám ngọn đèn Menorah[2] không thể đánh đồng với ngọn nến được đặt trên bất kỳ một cây thông Giáng sinh thông thường nào. Dù cho có đến tám ngày được nhận quà, chúng chỉ là những củ khoai tây nhỏ bé so với những gì các người bạn theo Kitô giáo của tôi nhận được trong một ngày lễ Giáng sinh.

 

Gần 10 năm sau khi tôi trở lại đức tin Công giáo, tôi đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa trọn vẹn của lễ Giáng sinh. Trong những năm đầu tiên sau khi trở lại, tôi không cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi trải qua kỳ nghỉ Giáng sinh – giống như một kẻ lang thang đói bụng đứng nhìn vào cửa sổ nhà hàng, một kẻ bên lề. Tôi phải mất một thời gian để nhận ra sự kỳ diệu của mầu nhiệm Nhập thể. Để rồi lời cầu nguyện của tôi trước chục kinh thứ 3 của mầu nhiệm Năm sự Vui đã trở thành một lời kêu xin cho lễ Giáng sinh được cử hành vì mầu nhiệm Nhập thể, vì ngày sinh của Đức Giêsu, hơn là một dịp nhận quà.

 

Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về những điều này – được định hình bởi đức tin của tôi trong tư cách một người Công giáo, bởi di sản của tôi trong tư cách một người Do Thái thế tục, và bởi ơn gọi của tôi trong tư cách một nhà vật lý. Chúng không được liệt kê theo thứ tự của tầm quan trọng – điều ý nghĩa nhất đặt ở cuối.

 

Về Hanukkah (Chanukkah)[3]

 

Dưới đây là tường thuật ngắn gọn về câu chuyện đằng sau đoạn sách Maccabê quyển thứ nhất được trích ở trên. Nhóm Maccabê đã nổi dậy chống lại Antiôkhô, nhà cai trị người Syria, người đã cố truyền bá tôn giáo và các giá trị Hy Lạp thâm nhập vào dân Do Thái. Và như Talmud thuật lại câu chuyện, khi họ đoạt lại Đền thờ và tái hiến cho vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, họ thấy dầu để đốt các ngọn đèn chỉ dùng đủ cho một ngày; họ đổ đầy các ngọn đèn và thật thần kỳ, dầu đã đủ dùng cho tám ngày – một phép lạ!

 

Lễ này không phải là một trong những ngày lễ lớn của Do Thái giáo. Theo tôi, nó đã trở nên quan trọng hơn trong thời gian gần đây để làm đối trọng với lễ Giáng sinh. Tám ngọn nến được thắp trên menorah trong dịp Hanukkah (đèn trong Đền thờ được đốt mỗi ngày một ngọn). Và các trẻ em nhận quà vào mỗi ngày, gồm cả “Chanukah gelt” (tiền). Latkes (bánh kếp khoai tây) cũng là một truyền thống.[4]

 

Đó là thời gian tràn đầy niềm vui, kỷ niệm việc được tự do thờ phượng. Và những bài hát hay nhất trong truyền thống dân Do Thái và Yiddish được hát lên. Một trong số những bài yêu thích của tôi là bài Oy Chanukkah của Ban nhạc nhạc viện Klezmer. Đây là lời bài hát. Hãy chú ý câu cuối với yếu tố ánh sáng:

 

“Ôi Hanukkah! Ôi Hanukkah!

Hãy thắp sáng menorah

Hãy đến với bữa tiệc của chúng ta.

Chúng ta cùng nhảy điệu hora[5]

Để nhắc nhớ về những ngày xa xưa

Đêm từng đêm, ánh sáng êm dịu tỏa lan

Để nhắc nhớ về những ngày xa xưa”.

 

Tôi thừa nhận rằng chẳng có ý nghĩa thần học nào lớn lao trong chuyện này cả.

 

Vấn đề vật lý kỳ quặc[6]

Một thiếu nữ mang tên Bright

Có tốc độ vượt xa ánh sáng.

Cô ra đi vào buổi sớm mai

Nhưng xét theo một cách tương đối,

Cô đã về vào đêm hôm trước.[7]

 

Vật lý cổ điển xem ánh sáng như một sóng điện từ, một dao động nối liền của điện trường và từ trường. Vào những năm đầu của thế kỷ 20, lý giải của Einstein về hiệu ứng quang điện đã mang lại cho ánh sáng một nét đặc trưng thứ hai, đó là một hạt. Hạt ánh sáng này, một photon, không có khối lượng và di chuyển với tốc độ của ánh sáng (một điều hiển nhiên, vì nó là ánh sáng).

 

Sự giãn nở thời gian xuất hiện ở đây: thuyết tương đối hẹp phát biểu rằng thời gian trôi đi chậm hơn (hay có thể nói là được kéo giãn ra) khi tốc độc của các vật thể tiếp cận tốc độ ánh sáng. Đây là cơ sở của điều được gọi là nghịch lý song sinh: thời gian sẽ trôi đi chậm hơn đối với một người di chuyển gần bằng tốc độ ánh sáng so với người anh em song sinh đang ở yên trên trái đất, do vậy, khi anh ta quay trở lại sau chuyến đi, nghịch lý sẽ xảy đến, anh ta ít tuổi hơn so với người anh em song sinh của mình. Sự giãn nở thời gian là một hiệu ứng có thực, thể hiện qua thời gian phân rã lâu hơn của các hạt bức xạ vũ trụ năng lượng cao, qua việc trôi chậm hơn dù chênh lệch rất nhỏ của các đồng hồ nguyên tử trong các vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo khiến chúng phải được xét đến trong việc hiệu chỉnh GPS.

 

Từ những điểm vừa nêu, thoạt tiên người ta có thể nghĩ ngay rằng thời gian không trôi qua đối với một photon. Hơn nữa, chúng ta không thể nói rằng thời gian có thể được đo lường đối với một photon trong một hệ quy chiếu chuyển động với tốc độ ánh sáng. Tại sao? Giả định nền tảng của thuyết tương đối hẹp là các phép đo đạc được thực hiện cách cơ bản nhất qua trung gian của các tín hiệu ánh sáng: ánh sáng là tác nhân đo lường và ánh sáng không thể tự đo lường chính nó. Vậy nên thích hợp hơn khi nghĩ rằng một photon, trong chính hệ quy chiếu của mình, không trải qua thời gian. Nếu một photon có thể được nhận biết, không hề có thời gian trôi qua từ thời điểm nó được tạo ra bằng sự phát xạ ánh sáng cho đến khi bị tiêu hủy bởi sự hấp thu ánh sáng (tức là, một electron chuyển từ mức năng lượng cao xuống mức năng lượng thấp phát ra photon [phát xạ kích thích], ngược lại, photon bị hấp thu bởi một electron từ mức năng lượng thấp chuyển lên mức năng lượng cao [phát xạ tự phát]).

 

Có bất kỳ hàm ý thần học nào trong vấn đề không có thời gian đối với các photon, đối với ánh sáng hay không? Đúng thế, đây là một suy tư độc đáo, chúng ta phát biểu rằng không hề có thời gian nơi Thiên Chúa khi nói:

 

Anh em thân mến, đừng vô tri về điều độc nhất này, đó là đối với Chúa, một ngày ví tựa ngàn năm, và ngàn năm ví tựa một ngày (2Pr 3,8).

 

Như thế, ý niệm Thiên Chúa là ánh sáng cũng ngụ ý rằng thời gian không tồn tại đối với Thiên Chúa. Như thánh Augustinô chỉ ra, Thiên Chúa không tồn tại TRONG thời gian; thánh nhân cũng nói Ngôi Lời Thiên Chúa luôn ở đấy, không có thời gian, không bắt đầu, không kết thúc. Và như chúng ta sẽ thấy ở phần tiếp theo, Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa chúng ta, chính là ánh sáng.

 

Thần học về ánh sáng?
 

Rồi Đức Giêsu lại phán cùng họ mà rằng, Ta là ánh sáng thế gian, ai theo ta sẽ không bước đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống (Ga 8,12).

Và còn có nhiều hơn nữa.

Giờ đây, chúng ta lần ngược lại Tin mừng Gioan:
 

Từ khởi thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở cùng Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa (Ga 1,1).

 

Đâu là mối liên kết giữa Ngôi Lời và ánh sáng? Trong Tân ước, từ Hylạp được chuyển dịch thành “Ngôi Lời” là “λόγος” (“logos”). Ngoài nghĩa “lời”, những nghĩa phổ biến khác là “nguyên lý”, “lý lẽ”, “logic”. Hãy suy nghĩ về tương quan giữa “ánh sáng” và “logos”. Chúng ta có ý gì khi nói rằng “tôi nhìn thấy ánh sáng!”? Chúng ta thấy được lẽ phải, chân lý, căn nguyên, nguyên lý trong điều chúng ta đề cập. Như thế, ánh sáng, lẽ phải, Ngôi Lời được liên kết. Xin trích câu nói của thánh Augustinô:

 

Ánh sáng vĩnh cửu là Khôn ngoan bất biến của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà mọi sự được tạo thành, và chúng ta gọi Ngài là Con Một Thiên Chúa (Thánh Augustinô thành Hippô, Thành đô Thiên Chúa, XI 9).

 

Điều đó cho thấy Đức Kitô là ánh sáng, là Ngôi Lời phi thời gian – vật lý học và thần học ăn khớp với nhau, và nhà vật lý trong tôi vui mừng với sự hòa hợp này.

 

Những bình luận và phê bình của các bạn đều được chào đón. (Nhân tiện, Ahura Mazda, vị Thần của Bái hỏa giáo, cũng được đại diện bằng ánh sáng – vậy nên trong bài suy tư này, tôi hy vọng đã không khơi gợi sự tương đồng mang tính dị giáo với tôn giáo cổ xưa ấy).

--------------------

 

[1] Ng.d. Hanukkah là lễ hội tám ngày (bắt đầu từ ngày 25 tháng 3 trong lịch Do Thái) nhằm kỷ niệm việc hiến dâng Đền thánh Giêrusalem vào năm 165 trước Công nguyên.

[2] Ng.d. Một chân đèn nhiều ngọn.

[3] Hai cách đọc khác nhau do âm yết hầu với từ Ch của Chanukkah trong tiếng Yiddish [tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu] và âm H được Anh ngữ hóa.

[4] Đêm trước lễ Hanukkah năm nay, vợ tôi, một người Công giáo gốc và thông thạo truyền thống Do Thái cũng như việc nấu nướng hơn cả mẹ tôi, đã làm món latkes để có thể thành người thắng giải trên chương trình Chopped.

[5] Ng.d. Một điệu nhảy dân gian của người Do Thái.

[6] Có thể xem một lý giải đầy đủ cho bản chất kép của ánh sáng và lịch sử phát triển của vấn đề vật lý này tại: https://www.youtube.com/watch?v=gkNPopdxViY.

[7] Ng.d. Một bài thơ mang tính châm biếm có tên “Tương đối”, được xuất bản lần đầu trên một tạp chí tại London vào năm 1923. Một số người cho rằng tác giả của bài thơ là Edward Lear hoặc A.H. Buller.

Tác giả bài viết: Gregorio Võ Trần Nhựt chuyển ng

Nguồn tin: https://catholicstand.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay22,286
  • Tháng hiện tại573,222
  • Tổng lượt truy cập28,888,591

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây