Linh mục với đời sống thiêng liêng

Thứ hai - 05/08/2024 20:30


LINH MỤC VỚI ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Đời Sống Thân Mật Với Thiên Chúa
Dẫn Đến Tìm Kiếm Đức Kitô Nơi Tha Nhân
(Pastores Dabo Vobis, số 49)

Lm. G.B. Nguyễn Kim Ngân



DẪN NHẬP

Khi nói tới đời sống thiêng liêng lập tức mọi kitô hữu nghĩ ngay đến đời sống cầu nguyện và đời sống này thường dành cho những ai sống đời thánh hiến. Thật ra, đời sống thiêng liêng hay đời sống tâm linh không chỉ có việc cầu nguyện mà là một đời sống trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa.[1] Chính vì thế, đời sống này không dành riêng cho bất cứ những ai sống đời tu trì, mà dành cho hết mọi tín hữu. Vì từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội, mọi kitô hữu đều được mời gọi sống trong một mối tương quan cha-con: Thiên Chúa là Cha và nhân loại là con của Người.

Hơn nữa, đối với linh mục, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (x. Rm 8,28), hay cũng được gọi là alter Christus hoặc in persona Christi. Linh mục phải có một mối tương quan mật thiết với Đức Kitô. Vì khi liên kết một cách sống còn với Đức Kitô, linh mục thượng phẩm đời đời, đời sống linh mục mới trổ sinh hoa trái như lòng Chúa mong ước.

Ngoài ra, đời sống thiêng liêng của linh mục không gì khác hơn là đời sống thân mật với Thiên Chúa: cảm nếm tình yêu Thiên Chúa qua Ngôi Lời, kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng biến cố đời thường, ngoan ngùy theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, người linh mục mang trong mình trái tim của Chúa, một trái tim khắc khoải yêu mến nhân loại, một trái tim luôn bao bọc tha nhân trong sự tha thứ và một trái tim rộng mở để ôm lấy tha nhân đang chìm đắm trong tội lỗi.

Bài viết này gửi đến anh em linh mục với mong muốn được góp phần giúp linh mục đào sâu hơn ý nghĩa của đời sống thiêng liêng, tái khám phá những giá trị của nó, tìm cách gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu qua Chúa Giêsu Kitô và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần hầu đào luyện cho mình có một trái tim mục tử của Chúa Giêsu, để từ đó hiến thân phục vụ Giáo Hội và xã hội.

 
  1.  Ý NGHĨA CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG ĐỐI VỚI LINH MỤC

Enrico Masseroni nói rằng: “Ý nghĩa đời người linh mục sẽ bị mất đi khi việc tông đồ trở thành ‘duy hoạt động’, loại trừ chiều kích chiêm niệm của thừa tác vụ. Việc loại trừ này sẽ tạo ra sự dửng dưng về việc cầu nguyện.”[2] Suy tư này có gì đó tác động đến đời sống linh mục của mỗi người chúng ta, làm cho người linh mục hôm nay phải suy nghĩ một cách thấu đáo hơn về một đời sống thực thụ của chức linh mục. Thật vậy, một thực tế xảy ra là có nhiều linh mục nói rằng trong một ngày tôi có nhiều việc phải làm nên không có thời gian cho việc cầu nguyện cá nhân, nguyện ngắm, viếng Thánh Thể,… đời sống thiêng liêng dường như lùi bước để nhường chỗ cho những hoạt động mà chúng ta gọi là phục vụ dân Chúa: gặp gỡ giáo dân, dạy giáo lý, giải quyết các vấn đề hôn nhân, giải tội, xức dầu bệnh nhân, … Tất cả những việc đó dường như chiếm hết thời gian của một ngày sống.

Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục nhắn nhủ rằng: “Trong thế giới ngày nay, vì con người phải gánh vác rất nhiều công việc và bận tâm vì nhiều vấn đề lắm khi cần phải được giải quyết cấp tốc, nên thường xảy ra tình trạng con người bị phân hóa nơi chính bản thân. Phần các linh mục, vì phải vướng bận và bị chi phối bởi nhiều trách nhiệm của chức vụ, nên vẫn phải lo lắng tìm cách để có thể kết hợp đời sống nội tâm với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Việc thống nhất đời sống này không thể thực hiện được nếu chỉ hướng ngoại khi tổ chức các công việc của tác vụ, hoặc chỉ chú tâm thực hành những việc đạo đức, tuy dù những điều ấy cũng giúp ích nhiều cho việc thống nhất đời sống. Các linh mục chỉ có thể kiến tạo sự thống nhất đời sống khi thi hành tác vụ theo gương Đức Ki-tô, người đã dùng thứ lương thực là làm theo ý muốn và hoàn tất công trình của Đấng đã sai Người” (Presbyterorum Ordinis 14). Công đồng Vaticanô II thúc giục các linh mục phải tìm cách kết hợp đời sống nội tâm với những đòi hỏi của hoạt động bên ngoài. Tại sao như thế? Chúng ta nhớ lại câu chuyện Chúa Giêsu và các môn đệ một hôm nghỉ lại nơi gia đình chị em Macta ở Bêtania. Macta phàn nàn sao Maria ngồi đó mà không giúp mình một tay trong việc phục vụ. Chúa Giêsu giảng giải cho Macta hiểu rằng để hoạt động phục vụ mang lại kết quả tốt thì trước tiên phải biết được thánh ý Thiên Chúa (x. Lc 10, 38-42).Maria ngồi bên chân Chúa Giêsu lắng nghe những lời của Người. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 1,1-3). Nghe những lời của Chúa Giêsu chúng ta sẽ nhận ra thánh ý Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện mỗi ngày. Cho nên, đời sống nội tâm của người linh mục chính là việc tìm thánh ý Thiên Chúa: Chúa muốn tôi làm gì, mang ý nghĩa nào cho công việc mỗi ngày? Mẫu gương cho đời sống ấy không nơi nào khác hiệu quả cho bằng linh mục bắt chước đời sống nội tâm của Đức Giêsu: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4, 34).

Enrico Masserino phân tích rằng việc dửng dưng về việc giữ thinh lặng và cầu nguyện sẽ dẫn đến sự thất bại về thừa tác vụ. Ông cho rằng chủ nghĩa tân Pelagiô là căn bệnh hoạt động chỉ tin vào chính mình mà không dành chỗ cho Thiên Chúa. Quá tin tưởng vào chính mình sẽ không thể nào tránh khỏi những khủng hoảng về sau. Cho nên, ông nhấn mạnh cội nguồn của việc phục vụ là đời sống trong tương quan với Thiên Chúa và Lời Chúa.[3] Thật vậy, “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 6). Thiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác với Người để tiếp nối công trình sáng tạo của Người hầu làm cho thế giới đi đến chỗ thành toàn viên mãn. Và để sự cộng tác ấy đưa đến hiệu quả, người linh mục không ngừng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà thực hiện nó. Thánh Phaolô cũng nhắc nhở rằng: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6).

Ngoài ra, đời sống thiêng liêng sống động và sâu xa sẽ dẫn đưa người linh mục chẳng những hòa mình trong Thiên Chúa, kín múc chân lý và sức mạnh thần thiêng, mà còn thúc đẩy tinh thần phục vụ tha nhân thêm thiết thực nhất. Thật vậy, đời sống kitô hữu được mời gọi ở trong hai chiều kích: hướng về Thiên Chúa (chiều đứng) và hướng về tha nhân (chiều ngang). Hai chiều kích ấy không thể tách rời nhau: hãy yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Đấy là điều răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu dạy mọi kitô hữu phải thực hiện nếu họ là con Thiên Chúa. Tương tự như vậy, đời sống thiêng liêng nếu chỉ có chiều đứng thì không trọn vẹn. Và Thiên Chúa không tạo dựng con người chỉ sống cho riêng mình. Bởi thế, đời sống thiêng liêng của linh mục càng ở trong Thiên Chúa bao nhiêu thì càng được thể hiện trong đời sống mục vụ bấy nhiêu.

 
  1. TÁI KHÁM PHÁ NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG ĐỐI VỚI LINH MỤC
    1. Linh mục: con người của đức ái

Chìm đắm trong Thiên Chúa Tình Yêu qua đời sống thiêng liêng, người linh mục cảm nghiệm và kinh nghiệm Thiên Chúa thể hiện đức ái của Người qua lịch sử cứu độ dân Chúa. Với một tình yêu khôn tả, Thiên Chúa nói với dân Israel: “Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người?” (Đnl 4,7). Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Người, Người ở bên họ mỗi khi họ kêu cầu Người, Người tha thứ cho họ mỗi khi họ bất trung và sám hối quay trở về với Người. Thiên Chúa không bị ràng buộc phải yêu thương con người. Nhưng vì bản tính của Người là yêu thương, Thiên Chúa tự ràng buộc mình trong giao ước Sinai để xem dân Israel là dân riêng mình, đồng hành hướng dẫn họ đến Đất Hứa. Trải qua dòng lịch sử, dân Chúa ít nhiều cảm nghiệm được tình yêu ấy của Người.
Vào thời sau hết, tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai nhập thể. Qua từng giờ kết hiệp với Chúa Cha trong thinh lặng cầu nguyện, Chúa Giêsu dạy chúng ta mối tương quan Cha-Con đầy yêu thương để con người dễ dàng đến gần Thiên Chúa. Qua từng lời rao giảng, Chúa Giêsu trao những lời yêu thương đến cho Israel và cho nhân loại sau này. Qua những chữa lành, Chúa Giêsu thể hiện tình yêu tha thứ của Thiên Chúa nhằm phục hồi phẩm giá địa vị con Thiên Chúa.

Với tình yêu mục tử, Chúa Giêsu thổn thức trước tình trạng của dân chúng “vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được.[…] vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm” (Ga 19, 42-44). Ngoài ra, Người rất tận tâm bôn ba khắp nơi để làm cho Nước Chúa được trị đến: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1,38). Cho đến giờ phút cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu thốt lên “Ta khát” (Ga 19,28). Đó không chỉ là cái khát thể lý vì kiệt sức, nhưng lại là cái khát thần linh vì muốn hết thảy mọi người đến với ơn cứu độ qua sự chết và sống lại của Người. Một khao khát mãnh liệt đến mức “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).Như thế, tình yêu mục tử của Chúa Giêsu được thể hiện trọn vẹn từ trong tư tưởng, lời nói cho đến hành động nhằm thể hiện tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Cha.

Người linh mục được mời gọi mặc lấy trái tim mục tử của Chúa Giêsu để thi hành thừa tác vụ của mình một cách sống động và mang lại hoa trái dồi dào. Đời sống thân mật trong trái tim yêu thương giữa linh mục với Chúa Giêsu mục tử luôn là điểm khơi nguồn cho đời sống mục vụ của người linh mục. Thật vậy, Chúa Giêsu nói với những ai thánh hiến đời mình để phụng sự Chúa và Giáo Hội rằng: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt, 11,29). Mang lấy ách của Chúa Giêsu là mang điều luật yêu thương. Mang lấy ách của Chúa Giêsu là mang lấy tình yêu trao ban. Linh mục mang trong mình trái tim nhân loại nhưng lại được đổ tràn tình yêu Thiên Chúa. Tiên tri Ezêkiel diễn tả : “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt.” (Ed 36,26). Một trái tim bằng thịt luôn biết rung cảm trước mỗi cảnh huống cuộc đời của tha nhân. Chính vì thế, Chúa Giêsu bảo hãy học với Người. Linh mục học nơi Người trước tiên tìm kiếm Thiên Chúa và ở trong Người. Mỗi ngày, học nơi đời sống gặp gỡ Thiên Chúa của Chúa Giêsu, linh mục tìm đến Chúa trước tiên trong cầu nguyện, giờ kinh phụng vụ, cử hành phụng vụ. Những phút giây ở trong Thiên Chúa qua các việc này sẽ làm cho đời sống thiêng liêng của linh mục nên thâm sâu hơn. Học nơi Chúa Giêsu trái tim thương cảm. Linh mục hằng ngày chứng kiến biết bao cảnh đời khác nhau của anh chị em tín hữu trong giáo xứ mình. Tuy nhiên, linh mục phải rèn luyện cho mình một trái tim rung động chứ không dừng lại nơi sự phán xét để có thể thấu hiểu nhân tình thế thái và từ đó nhận ra mình cần phải làm gì để tình yêu Thiên Chúa được tỏ hiện.

Trái tim mục tử càng thúc đẩy linh mục ghi khắc điều này: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

 
    1. Sự trao hiến chính mình cách quảng đại và nhưng không

Trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người, linh mục trao hiến đời mình để trở nên khí cụ Chúa dùng hầu cứu độ nhân loại. Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho linh mục điều ấy: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. […] Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10,11.18). Nhìn lại nơi Chúa Giêsu, Người tự ý chấp nhận nhập thể làm người theo chương trình cứu độ của Chúa Cha. Người trút bỏ hoàn toàn địa vị Thiên Chúa, trở nên giống phàm nhân, bằng lòng chịu chết trên thập tự (x. Pl 2, 5-11). Chúa Giêsu, Đấng làm chủ sự sống và trao ban sự sống, đã tự hiến đời mình trên thập giá để đánh bại tội lỗi và sự chết, dẫn đưa những ai tin vào Người tiến vào sự sống vĩnh cửu.

Thánh vịnh 8 diễn tả: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,muôn trăng sao Chúa đã an bài,thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8, 4-5). Nhân loại là chi mà Chúa Giêsu chấp nhận đổ đến giọt nước và máu cuối cùng để cứu chuộc. Con người chỉ là thụ tạo của Thiên Chúa; vậy mà, vì lòng khoan dung vô lượng, Thiên Chúa không muốn con người đi đến chỗ hư vong, nên tìm cách cứu chuộc họ bằng chính giá máu châu báu của Con Một. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Lòng quảng đại và nhưng không của Thiên Chúa được diễn tả qua cách Thiên Chúa chăm sóc dân Người suốt chặng đường tiến về Đất Hứa. Lòng quảng đại ấy luôn được thể hiện trong việc Thiên Chúa liên tục tha thứ cho một dân tộc vừa cứng đầu cứng cổ vừa chạy theo lối sống dân ngoại.

Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu trao ban một cách nhưng không lương thực thiêng liêng hầu tiếp tục trao ban sự sống thần linh cho nhân loại.Người lấy chính máu thịt của mình mà nuôi sống nhân loại. “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22,19), “chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Mỗi ngày, linh mục chiêm ngắm và cảm nghiệm bí tích Thánh Thể trong thánh lễ, những giờ phút chầu Thánh Thể hoặc viếng Thánh Thể. Trong giây phút ấy, qua lời truyền phép, linh mục làm cho bánh trở nên Mình Thánh và rượu trở nên Máu Thánh nhờ vào Chức Thánh Linh Mục. Trên đôi tay trần tục, linh mục cầm lấy, đụng chạm và rước vào lòng Mình Máu Thánh Chúa một cách cung kính. Hơn thế nữa, linh mục cần phải ý thức mình đón nhận một cách nhưng không của ăn của uống thánh thiêng dẫn đến sự sống đời.

Với những điều vừa mới đề cập, linh mục là một alter Christus (Đức Kitô khác) mang trọn sự trao hiến chính mình cho Nước Thiên Chúa. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta dùng chính đời sống thiêng liêng để luôn ở trong Thiên Chúa qua Chúa Giêsu Thánh Thể và kín múc nguồn thiên ân. Cùng với Chúa Giêsu, người linh mục trở nên tấm bánh cho đời bằng cách làm cho việc phục vụ của mình như là sự trao hiến một cách nhưng không. Trong mọi công việc hàng ngày nơi giáo xứ hoặc nơi làm việc mục vụ, chúng ta cho đi chút thời gian để ở bên những con người đau khổ hầu an ủi nâng đỡ họ, trao ban những tâm tình sẻ chia đối với những ai lâm cảnh gian nan khốn khó, hướng dẫn những ai đến với mình để tìm biết về Thiên Chúa. Để được như thế, đời sống linh mục luôn phải chìm đắm trong chính nguồn mạch là Chúa Giêsu luôn hiến mình vì nhân loại. Bởi thế, Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục nhắn nhủ các linh mục rằng: “Sau khi được Chúa Thánh Thần xức dầu thánh hiến và được Đức Kitô sai đi, các linh mục hãm dẹp xác thịt nơi bản thân và trao hiến trọn vẹn chính mình để phục vụ nhân loại” (PO 12).

3. Phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi

“Khi trở thành hiện thân của Đức Kitô theo chức vụ của mình, mỗi linh mục cũng nhận được những ơn riêng, để khi phục vụ dân được trao phó cho ngài cũng như phục vụ toàn thể Dân Chúa, các ngài có thêm khả năng vươn đến sự hoàn thiện của chính Đấng đã trao tác vụ cho các ngài” (PO 12). Khi chúng ta suy tư đoạn này, chúng ta được nhắc nhở rằng linh mục phục vụ dân thánh (Giáo Hội) không phải do bởi sức riêng mình, nhưng do ơn Chúa ban cho. Khi nhấn mạnh đến ơn riêng, chúng ta cũng dễ dàng hiểu rằng tùy theo khả năng mỗi người Thiên Chúa ban ơn cần thiết để vị linh mục thi hành thừa tác vụ của mình một cách xứng đáng và gặt nhiều hoa trái.

Khiêm tốn phục vụ và vô vị lợi là cung cách mà Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt những năm rao giảng Tin Mừng. “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Câu Tin Mừng này tóm kết cốt lõi đời sống phục vụ Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Người nhắc nhở các tông đồ rằng đừng tưởng mình mang một đặc quyền đặc lợi trong việc loan báo Tin Mừng mà bắt tha nhân phục vụ chúng ta. Người bước xuống dòng sống Giođan không phải là một tội nhân, Người chịu phép rửa bởi Gioan Tẩy Giả không phải để được sạch tội, nhưng Người bước xuống dòng sông này để thánh hóa nguồn nước ấy, giúp cho mọi người đang chịu phép rửa kêu gọi sám hối của Gioan biết quay trở về cùng Thiên Chúa. Hơn nữa, nhiều lần Chúa Giêsu đi bước trước đến với những người ốm đau bất lực để chữa lành cho họ.

Người linh mục hôm nay cũng vẫn được mời gọi đi theo cung cách ấy của Chúa Giêsu. Có nhiều linh mục nghĩ rằng mình đang ở một vị thế đặc biệt và được nhiều người kính trọng, nên tư tưởng thế gian cám dỗ rằng mình phải được mọi người phục vụ. Để chống lại tư tưởng ấy, nhất thiết linh mục phải thấm nhuần tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng phục vụ bằng chính mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Chính Đức Kitô nhắc nhở chúng ta rằng: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Nội tâm hóa và không ngừng chiêm niệm tinh thần phục vụ vô vị lợi của Đức Kitô là cần thiết cho sứ vụ linh mục. Cho nên, có thể nói rằng linh mục nào có một đời sống thiêng liêng hời hợt luôn lâm vào tình trạng tự tôn mình lên vì đã làm được những việc được theo khả năng của mình mà quên mất những ơn Chúa ban.

 
  1. SỐNG VỚI ĐỨC KITÔ VÀ DO CHÚA THÁNH THẦN HƯỚNG DẪN
1. Sống với Đức Kitô

Đời sống thiêng liêng, được hiểu theo tinh thần của tông huấn Đời Sống Thánh Hiến số 93, là sống với Đức Kitô. Chúa Giêsu Kitô đã khẳng định với chúng ta rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Vì vậy, đời sống tâm linh của linh mục phải xoay quanh Đức Kitô để kín múc sự sống thần linh, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và tìm thánh ý Thiên Chúa trong chính Ngôi Lời của Người.

 
  1. Sức sống Thiên Chúa

Sống với Đức Kitô là chúng ta sống bằng sự sống của Chúa Giêsu. Người đã dùng hình ảnh cành nho và thân nho để nói lên sức sống của Thiên Chúa quan trọng đến mức nào cho đời sống con người. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15, 5-6). Chúa Giêsu dùng hình ảnh của sức sống thể lý: nếu cành gắn liền với thân thì nó có sự sống, cành nào lìa thân thì khô héo và chết. Người kitô hữu ngoài sự sống thể lý, còn có một sự sống quan trọng hơn, đó là sự sống trong Thiên Chúa; sự sống này đưa người tín hữu đến cuộc sống đời đời. Ngoài ra, trong diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Như thế, những ai kết hiệp với Người trong chính mình và máu Người thì có sự sống của Người. Chính vì thế, trong Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục, Công Đồng Vaticanô II nhấn mạnh rằng: “Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả ơn phúc thiêng liêng của Giáo Hội, chính là Chúa Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta và là bánh trường sinh trao ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã được tác sinh bởi Chúa Thánh Thần và Thịt mang lại sự sống, nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hiệp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật” (PO 5).

Đặc biệt hơn, linh mục được thánh hiến cho Thiên Chúa càng cần đến sức sống thần linh này. Hằng ngày, linh mục cử hành thánh lễ trong đó có bí tích Thánh Thể; linh mục đụng chạm đến sự sống thần linh một cách liên lỉ, kín múc sự sống ấy bằng cách hiệp lễ, ngoài ra còn có những giây phút thiêng liêng khi chiêm ngắm Thánh Thể trong giờ chầu, cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể trong những lúc cầu nguyện riêng bên Thánh Thể trong nhà tạm. Không có sự sống siêu nhiên này, linh mục không đủ sức thi hành sứ vụ của mình. Bởi thế, tông huấn về Đời Sống Thánh Hiến nhắc lại lời mời gọi linh mục phải gắn bó mật thiết với Thánh Thể: “Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường mỗi ngày và nguồn mạch linh đạo cho những cá nhân và các tu hội” (Vita Consecrata 95). Thêm vào đó, linh mục được mời gọi: “Chuyên cần chiêm ngắm lâu dài Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể cho chúng ta được sống phần nào kinh nghiệm của thánh Phêrô trong cuộc Biến Hình : ‘Chúng con ở đây thật là đẹp’. Và việc cử hành mầu nhiệm Mình và Máu Chúa củng cố và phát triển sự hiệp nhất và tình yêu thương của những người đã dâng hiến cho Thiên Chúa trót cả cuộc đời” (VC 95). Đời sống thiêng liêng trong bí tích Thánh Thể của linh mục trở nên sinh động và đầy sức sống nhờ vào việc liên lỉ ở lại trong Chúa Kitô.

 
  1. Trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô

“Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Linh mục”, sắc lệnh Linh Mục bày tỏ điểm cốt lõi của chức linh mục. Theo từ điển Công giáo, bí tích Truyền Chức Thánh làm cho họ (linh mục) đồng hình đồng dạng với Đức Kitô tôi tớ, phục vụ. Đời sống thánh hiến là cách diễn tả việc đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong sự thanh bần, khiết tịnh và vâng phục của Người, đồng thời cũng là một lời chứng cho Nước Trời.[4] Thánh Phaolô đã nói về sự đồng hình đồng dạng trong thư Rôma: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Ngoài ra, sống “trong Đức Giêsu Kitô” là một thành ngữ được thánh Phaolô sử dụng với một ý nghĩa rất sâu sắc. Qua bí tích Rửa Tội, ở trong Đức Giêsu Kitô là được tháp nhập và chia sẻ hoàn toàn sự chết và sự phục sinh của Người, từ đó được biến đổi nên con người mới (x. Rm 6). Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được biến đổi hoàn toàn trong Đức Kitô và thốt lên rằng: “tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Nhờ bí tích Rửa Tội và Truyền Chức Thánh, linh mục trở nên con người mới trong Đức Kitô và thánh hiến cho sứ vụ mục tử. Từ đó, linh mục được mời gọi họa lại con người và đời sống của Chúa Giêsu. Không ngừng chiêm ngắm và suy gẫm về cuộc đời của Chúa Giêsu là việc phải làm một cách trung thành để có thể theo sát hoàn toàn với con người và hành động của Chúa Giêsu. Chúng ta thử nêu lên một vài khía cạnh đòi hỏi người linh mục phải trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

 
  • Đời sốngcầu nguyện của Chúa Giêsu. Linh mục được xức dầu thánh hiến nên người của Chúa trở nên con người của việc cầu nguyện và có đời sống nội tâm sâu xa. Nhìn vào chính Chúa Giêsu, Người rao giảng giữa đám đông, nhưng cũng là người “lên núi” với Chúa Cha. Người gắn bó với dân chúng nhưng cũng luôn thông hiệp sâu xa với Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện trong mọi hoàn cảnh: lúc được dân chúng ngưỡng mộ sau khi làm phép lạ chữa bệnh, hóa bánh ra nhiều; lúc buồn sầu trong vườn Cây Dầu; lúc ra quyết định quan trọng chọn các tông đồ; lúc bị phỉ báng thách thức, … Bộ Giáo sĩ dạy: “Chỉ có người mục tử cầu nguyện mới có thể chỉ bảo cho người ta biết cách cầu nguyện, và mới có thể đem ơn Chúa xuống cho những người mà mình chịu trách nhiệm săn sóc mục vụ. Chỉ có linh mục biết sống hằng ngày kinh nghiệm hoán cải và biết quan hệ thân mật với Chúa Kitô mới có thể thúc đẩy những bước tiến đáng kể trong công cuộc Phúc âm hóa đích thực và mới mẻ.”[5]
  • Linh mục hiện thân lòng nhân ái của Chúa Giêsu. Qua Tin Mừng chúng ta thấy một Đức Giêsu Kitô cảm thương cảnh khốn cùng của con người: bệnh tật, tội lỗi, bị gạt ra bên lề xã hội. Người cảm thương trước người mẹ mất đứa con trai duy nhất, trước đoàn dân bơ vơ không người chăn dắt, những người thu thuế và gái điếm, những người phong cùi, … Hiến chế Gaudium et Spes nói rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.”[6]
  • Linh mục là con người phục vụ. Mọi linh mục đều khao khát nên giống Chúa Giêsu, Đấng “đã đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mt 10,28). Chúa Giêsu khiêm nhường phục vụ tất cả những ai đến với Người. Bộ Giáo Sĩ nhắc nhở: “Linh mục có một uy thế giữa các tín hữu, và tại vài nơi, linh mục còn có những thẩm quyền dân sự nữa. Tuy nhiên, linh mục cần ý thức rằng uy thế đó phải gắn liền với lòng khiêm nhường và phải được sử dụng đúng đắn để thúc đẩy công cuộc cứu rỗi các linh hồn, trong khi không ngừng xác tín rằng chính Chúa Kitô mới là thủ lĩnh đích thực của dân Thiên Chúa.”[7] Vì vậy, chức năng vương đế của Chúa Giêsu mà linh mục tham dự vào nhắm đến việc phục vụ trong khiêm nhường và vô vị lợi.[8]
  1.  Cưu mang Lời Chân Lý

Tông huấn về Lời Chúa (Verbum Domini) xác quyết “Lời Thiên Chúa cần thiết để đào tạo trái tim một người Mục tử nhân lành, thừa tác viên Lời Chúa.” (VD 78). Còn trong số 26, tông huấn Pastores Dabo Vobis nói một cách rõ ràng rằng linh mục là thừa tác viên của Lời Chúa, được thánh hiến để loan báo Tin Mừng. Cho nên, linh mục phải tạo cho mình một mối thâm tình sâu đậm giữa bản thân mình với Lời Chúa, phải đón tiếp Lời Chúa với lòng vâng phục và cầu nguyện để Lời Chúa thấm nhuần một cách sâu xa các tư tưởng và tâm tình của Chúa Giêsu vào đời sống và con người linh mục.[9] Lời Chúa qua Tin Mừng trình bày một cách sống động về tư tưởng, lời nói và việc làm của Chúa Giêsu. Linh mục đòi buộc phải thấm nhuần chính tử tưởng, lời nói và họa lại hành động của Chúa Giêsu nhằm hướng dẫn nhân loại đến với Thiên Chúa.

Ngoài ra, chức linh mục đòi hỏi phải được hiến thánh trong “sự thật”. Thật vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Ga 17,17-18). Chúa Cha thánh hiến linh mục trong Chúa Con, nghĩa là linh mục được thánh hiến trong chân lý hay sự thật, vì Chúa Giêsu đã tuyên bố về mình rằng: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người còn nói thêm rằng: “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông” (Ga 8,31-32). Cũng vậy, linh mục được mời gọi: “Chỉ bằng cách ‘ở’ trong Lời Chúa mà linh mục có thể trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa, có thể thấu triệt chân lý và có thể thực sự trở nên tự do, vượt qua mọi trạng huống trái nghịch hoặc xa lạ với Tin Mừng.”[10] Khi nghiền ngẫm điều này, linh mục được “lôi cuốn vào trong cuộc sống thân tình với Thiên Chúa do họ được đắm mình vào trong Lời Thiên Chúa. Có thể nói, Lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là quyền lực sáng tạo biến đổi họ và làm cho họ thuộc về Thiên Chúa.”[11]

Những điều vừa nói trên dẫn linh mục đến một việc quan trọng đó là linh mục phải là người trước tiên tin vào Lời Chúa, áp dụng cho chính đời sống mình, nền tảng cho tư tưởng của mình. Cho nên, chúng ta ngày càng ý thức rằng mình cần phải được liên lỉ Phúc Âm hóa. Giáo Hội dạy rằng đọc Lời Chúa trong suy niệm và cầu nguyện (Lectio Divina) với thái độ khiêm nhường và lắng nghe đó là điều cốt yếu trong việc đào tạo đời sống thiêng liêng. Thật vậy, Lời Chúa được lắng nghe và đón nhận theo bản chất đích thực là phương thế hữu hiệu nhất để gặp gỡ chính Thiên Chúa, Đấng ngỏ lời với con người. Suy ngẫm, chiêm niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa, linh mục gặp gỡ chính Chúa Giêsu, chân lý đích thực, sự thật toàn vẹn. Stephen J. Rossetti nhận xét rằng khi nào linh mục nhìn nhận và thực sự coi Lời Chúa là cho mình thì mới cảm nghiệm được Thiên Chúa chúng ta kỳ diệu. Vì thế, nếu linh mục không cảm nghiệm, không có mối tương quan thân mật cá vị với Thiên Chúa, lời rao giảng của linh mục sẽ trở nên trống rỗng và không có gì để trao ban cho người khác.[12]

2. Do Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục vài lần đề cập đến đời sống thiêng liêng của linh mục được sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần: “Khi phục vụ Thần Khí và đức công chính, các ngài (linh mục) được vững mạnh trong đời sống thiêng liêng, miễn là biết ngoan ngoãn nghe theo Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng ban sự sống và đang dẫn dắt các ngài”, rồi nói thêm rằng: “Dù ơn Chúa có thể hoàn tất công trình cứu rỗi qua những thừa tác viên bất xứng, nhưng Thiên Chúa vẫn thích bày tỏ kỳ công của Ngài qua những con người, nhờ sẵn sàng nghe theo sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (PO 12).

 
  • Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật của Chúa Cha (x. Ga 14,16-17). Chúa Giêsu, trong khung cảnh Bữa Tiệc Ly, đã tâm sự với các môn đệ và đã bày tỏ cho họ biết về Đấng Bảo Trợ mà Người sẽ xin cùng Chúa Cha ban cho các môn đệ. Đấng Bảo Trợ ấy là Thần Khí sự thật hầu giúp cho họ đón nhận sự thật từ Chúa Cha. Sự thật là Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến thế gian làm Đấng Mesia, Đấng Kitô. Ai tin vào Chúa Kitô thì được giải thoát và có sự sống đời đời.
  • Chúa Thánh Thần là Đấng dạy mọi điều và làm cho các môn đệ nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã dạy họ (x. Ga 14,26). Trong những năm rao giảng, Chúa Giêsu đã qui tụ một nhóm người để họ ở với Người, nghe những lời Người giảng và chứng kiến những việc Người làm. Thế nhưng, trong sự hạn hẹp của con người, các môn đệ không thể nào hiểu thấu hay nhớ hết những gì Người đã giảng dạy. Giờ đây, các môn đệ phải trở nên những chứng nhân của Chúa giữa thế gian, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha gửi Thánh Thần đến ở giữa họ, dạy dỗ, gợi nhớ tất cả những gì Chúa Giêsu đã thực hiện. Đặc biệt, Chúa Thánh Thần còn hướng dẫn chúng ta như thánh Phaolô giải thích: “Những người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn không sống theo xác thịt nhưng theo thần trí” (Rm 8,14).
  • Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong các môn đệ (x. Ga 14,17). Chúa Giêsu nói với các môn đệ là Chúa Thánh Thần ở giữa và ở trong anh em. Thật vậy, Chúa Thánh Thần ở trong linh mục qua bí tích Truyền Chúa và ban cho họ những ơn riêng để thi hành sứ mạng của mình. Chúng ta đọc lại 1Cr 12, 4-11 và nhận thấy Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta bằng những ơn theo khả năng của mỗi người để loan báo Tin Mừng: ơn khôn ngoan để giảng dạy, ơn hiểu biết để trình bày, ơn đức tin, ơn làm phép lạ, ơn nói tiên tri, ơn phân định.
  • Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta cầu nguyện. “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27).
  • Chúa Thánh Thần giúp linh mục làm theo thánh ý Chúa. Khám phá từ Công Vụ Tông Đồ, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần thúc đẩy Philipphê đuổi theo xe của viên thái giám Êthiôpia để giúp ông tin Chúa Giêsu và chịu phép rửa. Cũng vậy, chúng ta bắt gặp Chúa Thánh Thần nói: “Hãy dành riêng Banaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm” (Cv 13,2).

Về phía linh mục, chúng ta cần có thái độ sẵn sàng và ngoan ngùy nghe theo sự hướng dẫn của Người. Như chúng ta vừa nhắc lại ở trên: Chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật, Đấng luôn hiện diện, Đấng hướng dẫn, Đấng cầu thay nguyện giúp, Đấng thánh hóa,… Chúa Giêsu đã gồm chung phẩm cách của Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ. Người làm cho linh mục đi đúng hướng Thiên Chúa mong muốn hầu cứu độ nhân loại. Đặc biệt, khi chúng ta nhấn mạnh đến đời sống thiêng liêng hay nội tâm, linh mục càng phải để Chúa Thánh Thần hoạt hóa tâm hồn và đời sống chúng ta được liên kết mật thiết với đời sống của Chúa Giêsu. Từ đó, Giáo Hội xác tín hơn: “Nhờ vào sự thánh hiến ấy, sự thánh hiến được thực hiện do việc tuôn đổ Thần Khí trong bí tích Truyền Chức Thánh, đời sống thiêng liêng của linh mục được đóng ấn, được uốn nắn và được đánh dấu bởi những cách ứng xử của chính Đức Kitô là Đầu và Mục Tử Giáo Hội, những cách ứng xử được gồm tóm trong đức ái mục vụ của linh mục” (PDV 21).
 
  1. SỐNG THÂN MẬT VỚI THIÊN CHÚA HẦU TÌM KIẾM ĐỨC KITÔ NƠI CON NGƯỜI

Một lần nữa chúng ta nhắc đến chiều kích trọn vẹn của đời sống thiêng liêng mà Giáo Hội nhắm tới là một đời sống thâm sâu và ý nghĩa bao gồm cả hai chiều: hướng về Thiên Chúa và tha nhân. Linh mục được mời gọi sống một cách thân mật với Thiên Chúa và qua đó khám phá hình ảnh Chúa Kitô nơi tha nhân. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nêu lên đường hướng cho linh mục sống đời sống thiêng liêng ấy: “Việc đào tạo thiêng liêng cũng dạy cho biết tìm kiếm Đức Kitô nơi những con người. Đời sống thiêng liêng chắc hẳn là đời sống nội tâm, đời sống thân mật với Thiên Chúa, đời sống cầu nguyện và chiêm ngắm. Nhưng cũng chính trong đời sống thiêng liêng mà việc gặp gỡ Thiên Chúa và việc gặp gỡ tình yêu của một người Cha đối với mọi người lại nhất thiết dẫn đến việc gặp gỡ tha nhân, dẫn đến sự trao hiến chính mình cho người khác, qua việc phục vụ khiêm tốn và vô vị lợi” (PDV 49). Chúng ta cần đào sâu ý tưởng này để đào luyện cho mình một đời sống thiêng liêng thực sự.

1. Mối thâm tình với Thiên Chúa là Cha yêu thương hết mọi người.

“Chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Trong thư thứ nhất này, thánh Gioan đã định nghĩa cho chúng ta biết Thiên Chúa là Tình Yêu. Đây là bản chất đích thực của Người. Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ này không do bởi một yêu cầu nào, nhưng lại do tình yêu của chính Người. Với tình yêu ấy, Người đã tạo dựng mọi sự tốt đẹp: tách ánh sáng ra khỏi bóng tối, tạo dựng muôn loài chim muông thảo mộc, tạo dựng con người để họ tham dự và làm triển nở công trình sáng tạo đến hoàn thiện. Tuy nhiên, bản tính con người ra hư hỏng khi chiều theo cám dỗ của Satan, Thiên Chúa vẫn không bỏ mặc nhưng vẫn tiếp tục cứu độ. Người quảng đại đến nỗi “khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương” (Mt 5,45). Người không ngay lập tức tiêu diệt con người vì họ ra hư hỏng nhưng vẫn cho cơ hội hoán cải: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi” (Mt 13,30). Thiên Chúa là Đấng công chính nhưng Người không ghét bỏ tội nhân. Người làm một việc lớn lao hơn chính là cho Con Một giáng trần trở nên của lễ đền tội cho muôn người được sống. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16), lời tỏ lộ ấy của Chúa Giêsu cho Nicôđêmô tựa như một mạc khải yêu thương cho đến cùng của Chúa Cha. Đó là những gì chúng ta có thể quảng diễn được tình yêu Thiên Chúa trong cái giới hạn của con người.

Thiên Chúa tình yêu vượt trên hết mọi loài lại không phải là một vì Thiên Chúa xa cách, nhưng một vị Thiên Chúa trong tâm thế của một người cha. Người cha rất gần gũi với con. Thiên Chúa đã nói với dân tộc được Người tuyển chọn rằng không dân tộc nào mà có vị thần minh ở cùng.[13] Đức Thánh Cha Phanxicô nói phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, một sự gần gũi đặc biệt, từ bi và dịu dàng.[14] Qua suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa hiện diện can dự vào đời sống của dân Israel trong mọi hoàn cảnh: lắng nghe tâm tư của họ khi họ bị lưu đày, làm thỏa mãn yêu cầu của họ khi họ muốn dân tộc mình không thua kém gì các dân tộc xung quanh, chỉ dẫn cho họ các nghi thức phụng vụ để họ đến gần với Chúa hơn, ban cho họ thánh chỉ và lề luật để họ không lầm đường lạc lối. Sự gần gũi của Thiên Chúa đạt đỉnh điểm khi Chúa Cha sai Con Một đến ở giữa nhân loại để họ có thể nghe, thấy và chứng kiến những điều kỳ diệu Chúa làm cho họ.

Tương tự như vậy, đời sống linh mục cũng đang đắm chìm trong tình yêu của Chúa. Chúa chọn và gọi linh mục theo cách yêu thương mà không dựa trên tiêu chuẩn khắc khe nào, Người không chọn theo khả năng tài trí, không theo địa vị; Người chọn theo ý Người muốn. Từ đó, người linh mục không ỷ lại vào chính mình, mà nhận ra rằng tất cả nằm trong tình yêu của Chúa. Với con người bất xứng và yếu đuối, Chúa vẫn chọn và thánh hiến con người thụ tạo trở nên linh mục của Người. Khi ý thức mình được Chúa Thánh Thần thánh hiến, chúng ta cảm nghiệm biết bao là tình yêu Chúa đã dành cho linh mục đó. Cũng không phải Người chỉ chọn một mình tôi, Thiên Chúa chọn bất cứ ai Người muốn. Thật vậy, nhìn vào việc Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ: người ít học quanh năm quen chài lưới, người bị cho là tiếp tay ngoại bang khi hành nghề thu thuế, người quá khích muốn khôi phục Israel, người nhắm tới chức quyền trần thế,… Tuy nhiên, cuối cùng tất cả những người Chúa Giêsu chọn đều trở nên chứng nhân cho Người.

Thiên Chúa đã dùng tình yêu, lòng quảng đại và khoan dung để dạy dỗ và biến đổi những người được thánh hiến. Điều đó gợi lên cho người linh mục biết hoạch định cho đời mình một mối thâm tình với Thiên Chúa như là cách thế đáp trả tình yêu của Người. Trong phận người hữu hạn, soi chiếu đời mình trong biển trời yêu thương của Thiên Chúa, linh mục thấy mình bé nhỏ không là gì. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, càng nhận ra mình không là gì trước mặt Chúa thì càng được Thiên Chúa yêu thương. Chính trong lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta thấu hiểu phần nào điều đó: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,25-26).

Người linh mục được kêu mời đi vào mối thâm tình với Thiên Chúa là Cha yêu thương hết mọi người. Một đời sống thân mật với Thiên Chúa đòi hỏi người linh mục phải cảm nghiệm được tình yêu của Người ngay trong chính đời sống mình. Đức Tổng giám mục Timothy M. Dolan nói rằng: “Linh mục được mời gọi nhận biết sâu xa về tình yêu của Chúa dành cho mình, đón nhận tình yêu ấy với lòng khiêm nhường biết ơn, đáp trả cách mãnh liệt đến độ chính linh mục phản ảnh tình yêu ấy nơi cộng đoàn dân Chúa.”[15] Ngài cũng nói thêm rằng muốn cho ngày càng yêu thương ai đó, trước hết chúng ta phải dành thời gian cho người đó. Chúng ta chuyện trò, lắng nghe và vui thích ở bên người đó.[16] Hằng ngày linh mục dành một khoảng thời gian có thể cùng với cộng đoàn, có thể cá nhân riêng tư cho Chúa. Chúng ta gọi việc ở lại với Chúa - lắng nghe và trò chuyện - là cầu nguyện. Chúng ta không thể ngày càng yêu Chúa hơn nếu chúng ta không cầu nguyện. Tuy nhiên, lắng nghe và trò chuyện đòi hỏi người linh mục biết mình đang làm việc đó với ai, trong tương quan như thế nào, trong tâm thế ra làm sao. Đấy cũng là những yếu tố của đời sống tâm linh của người linh mục. Thật ý nghĩa, vì khi linh mục nhận ra mình lắng nghe và trò chuyện với Thiên Chúa là Cha, trong một tâm thế được yêu thương một cách vô điều kiện, Đấng sẵn sàng lắng nghe và khỏa lấp tất cả. Tìm cách luôn được ở trong tình trạng như thế đòi hỏi người linh mục luôn có đời sống thiêng liêng sâu đậm và vững bền trong mối tương quan với Chúa Cha.

2. Mối thâm tình với Chúa Giêsu, Đấng hiện diện trong mọi người.

Đức Giêsu Kitô là hiện thân cụ thể của tình yêu Thiên Chúa ở giữa thế gian. Thánh Phaolô diễn tả điều đó trong thư gửi giáo đoàn Philipphê rằng: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Chúa Giêsu là Thiên Chúa mặc lấy thân phận con người để diễn tả tình yêu khôn tả Chúa Cha đã dành cho chúng ta. Người hạ mình xuống để nâng chúng ta lên, mầu nhiệm nhập thể của Người đã nói lên điều đó. Chẳng những thế, sau khi hoàn tất công cuộc cứu chuộc bằng cuộc tử nạn, phục sinh và lên trời, Chúa Giêsu không rời bỏ các môn đệ và những ai tin vào Người. Người hứa với chúng ta rằng: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 18,20). Cuộc sống tại thế của Người đã chấm dứt, nhưng Người vẫn hiện diện bằng nhiều cách thế khác nhau: trong Thánh Thể, trong Lời của Người, nơi các thừa tác viên có chức thánh, nơi người nghèo, những người bé mọn, những người bị gạt ra bên lề xã hội, đặc biệt, ở đâu có hai ba người họp nhau nhân danh Người thì Người hiện diện ở giữa họ (x. Mt 18,20). Người còn nói rõ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.[…] mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40.45). Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với mọi người mà chúng ta gặp gỡ. Quả thật, với phương cách này Chúa muốn các linh mục luôn luôn có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện, cảm thông, giúp đỡ trong tương quan với tha nhân.
Vậy, linh mục được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu linh mục đời đời là trọng tâm của căn tính và thừa tác vụ linh mục. Tuy nhiên, đây cũng chính là phương thế giúp người linh mục ngày càng gắn bó cách mật thiết với Chúa Giêsu, mà chúng ta quen gọi có một đời sống thiêng liêng một cách thâm sâu với Người. Tông huấn Pastores Dabo Vobis nói rằng: “Trong đời sống thiêng liêng của mình, linh mục được mời gọi bằng cuộc sống sao chép tình yêu của Đức Kitô Phu Quân đối với Giáo Hội Hiền Thê. Như vậy, đời sống của linh mục phải được chiếu tỏa và được định hướng bởi tính chất phu thê  ấy và bởi đó phải làm chứng cho tình yêu phu thê của Đức Kitô; nhờ đó, linh mục sẽ có khả năng yêu mến người ta với một con tim mới, lớn rộng và trong vắng, với sự siêu thoát chân chính đối với chính mình, trong một sự trao hiến chính mình hoàn toàn, liên tục và chân thành.”[17] Như thế, đời sống thiêng liêng của linh mục là một đời sống chìm đắm trong tình yêu của Chúa Giêsu mục tử. Vậy, để làm cho đời sống tình yêu như Chúa Giêsu được triển nở trong đời linh mục, Timothy M. Dolan đề nghị một số việc như sau:[18]

 
  • Muốn ngày càng yêu thương ai đó, trước hết phải dành thời giờ cho người đó. Hằng ngày linh mục dành một khoảng thời gian cho người bạn chí thân (x. Ga 15,15) để chuyện trò, lắng nghe và vui thích ở lại với Chúa Giêsu, để rồi từ đó cũng làm như vậy đối với tha nhân.
  • Một cách thức để gia tăng tình bạn hoặc tình yêu là ăn chung với nhau. Mỗi ngày trong Thánh lễ, linh mục và cộng đoàn cùng một tấm bánh và một chén (cùng chung Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu duy nhất). Thánh Giáo Hoàng Piô X nói rằng cách thế hữu hiệu nhất để gia tăng lòng yêu mến là tiếp nhận Chúa Giêsu qua bí tích Thánh Thể.
  • Phải biết về bạn hữu và gia đình của Chúa. Khi yêu ai chúng ta muốn biết về cả gia đình người ấy. Chúng ta ở trong đại gia đình Chúa: Thiên Chúa là cha, mọi người là anh em. Việc sùng kính Mẹ Maria và các thánh trở nên chuẩn mực cho đời sống thiêng liêng của linh mục.
  • Khi chúng ta muốn ngày càng thân thiết với ai, tự nhiên chúng ta muốn khám phá mọi sự về người ấy nếu có thể. Mỗi ngày chúng ta khám phá Chúa Giêsu qua những biến cố và con người mà Chúa Giêsu hóa thân.
  • Khi yêu ai, chúng ta muốn thanh tẩy khỏi đời sống mình bất cứ điều gì làm cho người ta yêu đau lòng. Như thế, linh mục được mời gọi hằng ngày thanh tẩy mình bằng cách chết đi cho tội lỗi và lớn lên trong đời sống thiêng liêng.
  • Phải sẵn sàng không những chết cho Chúa mà con chết với Chúa. Tình yêu chúng ta dành cho Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng an bình thư thái, có những lúc đầy thử thách và đau khổ. Chúa Giêsu chấp nhận thập giá để yêu thương đến cùng. Linh mục cũng được mời gọi chấp nhận mọi thập giá từ nơi tha nhân và yêu thương họ như Chúa đã yêu họ.
  • Học cách quan tâm đến những người và những việc Chúa ưa thích. Chúa Giêsu quan tâm đến mọi người, cả công chính lẫn tội lỗi. Linh mục sẽ không có mối quan tâm này nếu không có đời sống mật thiết với Chúa Giêsu: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
  •  
3. Yêu mến tha nhân như chính mình

Chúa Giêsu gồm tóm Mười Điều mà Chúa Cha ban cho người Dothái trên núi Sinai thành điều răn độc nhất: Mến Chúa Yêu Người. Như vừa nói ở phần trên, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. hai chiều kích này không riêng lẻ trong công cuộc sáng tạo mới (mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu). Người cũng đã tự đồng hóa mình với mọi người trên trần gian. Trở lại cuộc sáng tạo đầu tiên, Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Người. Rồi sau đó, Ngôi Hai lại mặc lấy hình hài con người để tỏ lộ cho con người biết chương trình cứu độ. Có thể nói rằng Thiên Chúa tập trung tình yêu của Người vào con người được Người tạo dựng. Phẩm giá con người trở nên cao trọng khi được Chúa Giêsu phục hồi bằng giá máu của Người.
Chính vì thế, một lần nữa, Giáo Hội nhấn mạnh đến đời sống thiêng liêng của người linh mục không phải chỉ có một hướng thẳng đứng về phía Thiên Chúa, mà con phải có chiều ngang về phía tha nhân. Chúng ta đọc lại lời này một lần nữa: “Đời sống thiêng liêng chắc hẳn là đời sống nội tâm, đời sống thân mật với Thiên Chúa, đời sống cầu nguyện và chiêm ngắm. Nhưng cũng chính trong đời sống thiêng liêng mà việc gặp gỡ Thiên Chúa và việc gặp gỡ tình yêu của một người Cha đối với mọi người lại nhất thiết dẫn đến việc gặp gỡ tha nhân.”[19] Yêu mến Thiên Chúa nhất thiết phải yêu mến tha nhân. Thánh Gioan đã nhắc nhở điều ấy: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Tha nhân, cho dù có nghèo khổ, yếu kém, bệnh tật, cũng chính là hiện thân của Thiên Chúa vì mang hình ảnh của Người với một phẩm giá không thể xem thường trong Thiên Chúa. Bởi vì yêu mến thân nhân, Chúa Giêsu được xức dầu Thánh Thần để thi hành công cuộc yêu thương ấy: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19). Đến lượt mình, linh mục cũng được xức dầu thánh hiến để phục vụ đoàn dân Chúa. Chức linh mục không phải để dành riêng, mà để phục vụ.

Hoa trái của đời sống thiêng liêng gắn bó với Thiên Chúa nhất thiết phải được thể hiện trong tương quan với tha nhân. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta trước: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để đến lượt anh em, anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Trước tiên, tha nhân đáng được yêu mến vì chính Chúa đã yêu mến họ trước. Chúng ta yêu mến họ là nói lên tương quan con cùng một cha. Điều đó hết sức tự nhiên. Linh mục mang trong mình trái tim mục tử của Chúa Giêsu nên chúng ta cảm thương trước những hoàn cảnh của từng cuộc đời nơi tha nhân. Linh mục mang trong mình thừa tác vụ của Chúa Giêsu nên nhiệt tâm làm cho mọi người kết hợp với Chúa qua các bí tích và phụng vụ. Tóm lại, học theo gương của Chúa Giêsu, linh mục có nhiều cách thế để làm cho đời sống thiêng liêng của mình đi đôi với những gì mình đang sống.

KẾT

Stephen J. Rossetti nhận định rằng đời sống linh mục “bơi” trong ân sủng. Để sống cuộc sống này cách trọn vẹn, linh mục phải mở to đôi mắt để nhìn những công việc của Thiên Chúa bằng trái tim đủ sâu sắc và cởi mở. Dân chúng biết linh mục là người của Thiên Chúa nên họ chào đón và trao chìa khóa tâm hồn mình cho linh mục.[20] Nhận định này rất đáng để chúng ta suy xét, đặc biệt trong khía cạnh đời sống thiêng liêng của người linh mục.

Linh mục “bơi” trong ân sủng tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu không phân biệt, muốn gần gũi và ôm trọn con tim. Càng sống mật thiết với Chúa Cha, linh mục càng đầy tràn tình yêu không loại trừ bấy nhiêu.

Linh mục “bơi” trong ân sủng tình yêu của Chúa Giêsu, một tình yêu tự hiến cho đến giọt máu cuối cùng, nhằm trao ban sự sống mới cho nhân loại. Càng sống mật thiết với Chúa Con, linh mục càng đầy tràn tình yêu tự hiến hướng đến chia sẻ sự sống mình cho mọi người.
Linh mục “bơi” trong ân sủng Thánh Thần, một tình yêu thánh hóa và thánh hiến. Càng sống mật thiết với Chúa Thánh Thần, linh mục càng được thanh tẩy tình yêu, được dạy dỗ cách yêu thương và nhận được những ơn cần thiết cho sứ vụ của mình.

Linh mục “bơi” trong tình yêu của tha nhân, hay nói đúng hơn là tình yêu của dân Chúa (Hội Thánh). Càng sống mật thiết với dân Chúa, linh mục kinh nghiệm được sự cảm thông, tha thứ và nâng đỡ trong chính đời sống linh mục của mình.

Bởi thế, sự hòa hợp hoặc song hành của hai chiều kích hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân luôn là điều cần thiết để nuôi dưỡng và hoàn thiện đời sống thiêng liêng cho đời linh mục. Điều này cũng mở ra cho chúng ta là những linh mục của Chúa ngày càng làm thăng tiến mối quan hệ thâm tình với Thiên Chúa và tha nhân bằng chính đức ái mục tử. Đời sống cầu nguyện, các giờ kinh phụng vụ, các cử hành phụng vụ, các cuộc thăm viếng, các cuộc phục vụ nếu đều nằm trong ý hướng làm cho thể hiện tình yêu Thiên Chúa; đó là những thể hiện bên ngoài của một đời sống thiêng liêng sâu sắc và sống động. Timothy Dolan nói rằng: “Thần học, sở trường mục vụ, khả năng rao giảng, kiểu cách phụng vụ, được đào tạo hẳn hoi, tất cả sẽ chẳng là gì nếu chúng ta không có tình yêu.”[21] Tương tự như vậy, linh mục có thể làm được mọi thứ cho sứ vụ của mình nhưng thiếu đời sống thân mật với Thiên Chúa và tìm kiếm và phục vụ Đức Kitô nơi tha nhân thì tất cả đều vô nghĩa.
 
[1] x. gioan phaolô ii, Pastores Dabo Vobis (Tông Huấn Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay), 1992, số 49; x. Gioan Phaolô Ii, Vita Consecrata (Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến), 1996, số 93.
[2] Enrico Masserino, Thầy Đã Làm Gương Cho Anh Em (Lm. Augustinô Nguyễn Văn Dụ dịch), Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2007, tr. 22.
[3] Enrico Masserino, Thầy Đã Làm Gương Cho Anh Em, tr. 22-23.
[4] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 275.
[5] Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba: Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn, Chương 3, số 2.
[6] Công Đồng Vaticanô Ii, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), số 1.
[7] Bộ Giáo Sĩ, Linh Mục và Thiên Niên Kỷ Thứ Ba: Thầy Dạy Lời Chúa, Thừa Tác Viên Bí Tích và Người Lãnh Đạo Cộng Đoàn, Chương 4, số 3.
[8] Gioan Phaolô Ii, Pastores Dabo Vobis, số 49.
[9] Bênêdictô Xvi, Verbum Domini, số 80.
[10] Gioan Phaolô Ii, Pastores Dabo Vobis, số 26.
[11] Bênêdictô Xvi, Verbum Domini, số 80.
[12] stephen j. Rossetti, Niềm Vui Đời Linh Mục (The Joy of Priesthood, do Lm. Giuse Nguyễn Văn Chữ OP chuyển ngữ), tr. 55.
[13] X. Đnl 4,7.
[14] Phanxicô, Hướng đến một nền thần học nền tảng về chức linh mục, 17.02.2022 trong trang web: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-thanh-cha-phanxico-noi-ve-chuc-linh-muc-tai-hoi-nghi-quoc-te-ngay-17-2-2022-44551 truy cập ngày 27.6.2024.
[15] Timothy m. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 52.
[16] Timothy m. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, tr. 53.
[17] Gioan Phaolô Ii, Pastores Dabo Vobis, số 22.
[18] Timothy m. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, tr. 53-64.
[19] Gioan Phaolô Ii, Pastores Dabo Vobis, số 49.
[20] Stephen j. Rossetti, Niềm Vui Đời Linh Mục, tr. 45.
[21] Timothy m. Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, tr. 64.

Tác giả bài viết: Lm. G.B. Nguyễn Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập91
  • Máy chủ tìm kiếm60
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay21,735
  • Tháng hiện tại238,857
  • Tổng lượt truy cập31,818,590

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây