Lược sử Giáo họ biệt lập Trà Bồng

Thứ ba - 02/08/2022 01:39

GIÁO HỌ BIỆT LẬP TRÀ BỒNG
Bổn mạng: Thánh Anphongsô – mừng ngày 01.8


1

I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN
Địa bàn giáo họ biệt lập Trà Bồng bao gồm địa bàn huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm sinh hoạt của giáo họ là nhà thờ Thánh Anphongsô, đường Phạm Văn Đồng, tổ dân phố 6, thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng. Từ ngã ba thị trấn Châu Ổ trên QL IA theo DT 622 về phía Tây khoảng 30 km, đến nhà thờ Thánh Anphongsô.

Trà Bồng là huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Diện tích đồi núi chiếm phần lớn đất đai của huyện. Đây là địa bàn cư trú lâu đời của bà con dân tộc Cor. Theo thống kê cuối năm 2020 của huyện Trà Bồng, trong tổng số dân 53.598 người ở Trà Bồng, có 32.624 người Cor, chiếm 60,87%; người Kinh 17.866 người, chiếm 33,33%; người Xơ đăng 1.887 người, chiếm 3,52%; người Hrê 992 người, chiếm 1,86%; Mường 68 người, chiếm 0,12%; Tày 39 người, chiếm 0,07%; các dân tộc khác 122 người, chiếm 0,22%.

Người Cor sống đều khắp ở các xã miền núi của huyện, đông nhất là Trà Sơn (4.605/5.308 dân số toàn xã), Hương Trà (4.016/4.164), Trà Phong (4.105/5290), Sơn Trà (3.767/3.952), Trà Tây (2.619/2.901), Trà Thanh (2.343/2.357), người Cor cũng chiếm đa số dân số trong các xã khác. Riêng tại xã Trà Xinh, người Xơ đăng chiếm đa số dân của xã (1.752/2.221).

Số người kinh sinh sống đông nhất ở thị trấn Trà Xuân (6.914/7.202), kế đến là các xã Trà Bình (4.199/4.200), Trà Phú (3.652/3.630), còn lại khoảng 3.101 người ở khắp trong các xã khác của huyện, chiếm tỉ lệ nhỏ dân số của các xã. Ba xã Trà Bình, Trà Phú và thị trấn Trà Xuân là vùng đồng bằng của huyện, dọc phía bên hữu ngạn sông Trà Bồng. Từ cuối năm 1955, ba xã nầy có tên gọi là Trà Khương, Trà An và Trà Hòa, nơi tụ cư chủ yếu của người Kinh ở huyện Trà Bồng, do đó từ xưa còn được gọi là ba xã người Kinh. Qua nhiều lần tách, nhập và thay đổi tên gọi, ba xã nầy nay là thị trấn Trà Xuân,[1] xã Trà Phú và xã Trà Bình.

Ngày 01 tháng 12 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2003/NĐ-CP. Theo đó, tách 09 xã: Trà Khê, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Phong, Trà Quân, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Trung, Trà Xinh của huyện Trà Bồng để thành lập huyện Tây Trà.

Ngày 10 tháng 01 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2020). Theo đó:

  • Sáp nhập toàn bộ 339,10 km² diện tích tự nhiên và 20.168 người của huyện Tây Trà (gồm 9 xã: Trà Khê, Trà Lãnh, Trà Nham, Trà Phong, Trà Quân, Trà Thanh, Trà Thọ, Trà Trung, Trà Xinh) trở lại huyện Trà Bồng.

  • Hợp nhất hai xã Trà Quân và Trà Khê thành xã Sơn Trà.

  • Hợp nhất hai xã Trà Nham và Trà Lãnh thành xã Hương Trà.

  • Hợp nhất hai xã Trà Trung và Trà Thọ thành xã Trà Tây.

Hiện nay huyện Trà Bồng có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Trà Xuân và 15 xã: Hương Trà, Sơn Trà, Trà Bình, Trà Bùi, Trà Giang, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Phong, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Tân, Trà Tây, Trà Thanh, Trà Thủy, Trà Xinh.

II. LƯỢC SỬ
Trên miền đất huyện Trà Bồng hiện nay (2021) có khoảng 261 giáo dân, chiếm tỉ lệ 0,48% dân số. Bà con cư dân ở vùng đất nầy đã được ở trong tầm ngắm của công cuộc truyền giáo của giáo phận từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Ngày 25.03.1963,[2] Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn (1957-1963) trao Trung tâm Truyền giáo Châu Ổ[3] cho Dòng Chúa Cứu Thế, địa bàn gồm có: 
- Phần đất tách ra từ giáo xứ Trung Tín gồm 10 xã của huyện Bình Sơn: Bình Vân, Bình Sa, Bình Thuỷ, Bình Phương, Bình Liên, Bình Thượng, Bình Phiên, Bình Tuy, Bình Tuyến, Bình Khánh.
- Phần đất tách ra từ các giáo xứ Tân Lộc và Cù Và gồm ba xã người Kinh thuộc huyện Trà Bồng: Trà Khương, Trà An, Trà Hòa  của huyện Trà Bồng.[4]

Sau khi nhận miền đất truyền giáo, các thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế ở Trung tâm truyền giáo Châu Ổ gồm 03 Linh mục và 03 thầy chia nhau kẻ lên rừng, người xuống biển. Cha Đa Minh Đỗ Văn Thừa đảm nhận việc truyền giáo tại Trà Bồng, một vùng đất mà cư dân còn nghèo khổ, nguồn lợi kinh tế không dồi dào, đường sá thô sơ, việc đi lại khó khăn, cơ sở và phương tiện còn nhiều thiếu thốn. Cha Denis Paquette, Bề trên Trung tâm Truyền giáo Châu Ổ (1963-1965) cho biết tình trạng chung của cánh đồng truyền giáo trong thư gửi các ân nhân ngày 23.3.1963[5]: “Tôi vinh dự được chỉ định cho giáo điểm thừa sai truyền giáo này, giữa lương dân…. Mặc dầu phải mang trách nhiệm bề trên, tôi là người sung sướng nhất trong loài người. Cuối cùng thì tôi đã ở “trong rừng”, sau 27 năm thừa sai. Từ trước đến nay, tôi luôn được chỉ định làm một việc gì nơi tu viện, giờ đây hơn khi nào hết tôi cảm thấy mình được hoàn toàn là người thừa sai. Giấc mơ của tôi từ 14 tuổi hôm nay đã thành sự thật. Tôi đi qua những  con đường bùn lầy, vượt các thửa ruộng, tôi nghỉ chân dưới các rặng tre. Lúc trời mưa, tôi thường vác xe đạp lên vai. Các chòi lá vừa là nhà nguyện vừa làm nhà ở. Tôi ăn cơm với nước mắm và khoai lang. Trong rừng không có bánh mì trắng như ở nhà chúng ta đâu. Nhưng đừng tưởng rằng tôi phải vì đó mà khốn cực đâu.[6]

Đứng trước hoàn cảnh đó, nhà thờ, trường học và công việc bác ái là tầm ngắm ưu tiên của các thừa sai. Từ năm 1963-1965, cha Đa Minh Đỗ Văn Thừa đã lập các nhà thờ tại Trà Bồng:
- Năm 1963, cha lập nhà thờ tại Thôn Tây, xã Trà Khương, nay tại tổ dân phố 5, thị trấn Trà Xuân. Cùng năm nầy, cha lập nhà thờ tại Trà Hòa, xã Trà Hòa, nay tại thôn Bình Trung, xã Trà Bình.
- Năm 1964, cha lập nhà thờ An Hòa, xã Trà An, nay tại thôn Phú Hòa, xã Trà Phú.
- Năm 1965, cha lập nhà thờ Đại An (thôn Đông), xã Trà Khương, nay tại tổ dân phố 6, thị trấn Trà Xuân.

Năm 1965, cha Đa Minh Đỗ Văn Thừa được bổ nhiệm phụ trách Trung tâm Châu Ổ, thay cho cha Denis Paquette. Cha Hilariô Nguyễn Gia Tước thay cha Đa Minh, phụ trách vùng truyền giáo Trà Bồng cho đến năm 1975, có thầy Phaolô Thiện và thầy Philipphê Thanh thay phiên nhau phụ giúp cha Hilariô trong từng thời điểm. Mặc dù Trà Bồng có địa hình hiểm trở, các khối núi và sông suối chằng chịt trong các thung lũng nhỏ hẹp, là địa bàn chiến lược thuận lợi trong chiến tranh, tuy nhiên trong khoảng thời gian 1965-1975, tại quận lỵ Trà Bồng[7] và các xã phía Đông quận lỵ chiến sự không xảy ra. Cư dân ổn định sinh sống, cha Hilariô cư trú trong lòng dân, chăm sóc đàn chiên và cử hành phụng vụ trong cả bốn nhà thờ kể trên.

Trong cuộc chiến mùa Xuân năm 1975, tình hình an ninh bất ổn, ngày 18.3.1975,  một số giáo dân và cư dân quận lỵ Trà Bồng bắt đầu di tản, các thừa sai Chúa Cứu Thế cũng theo đoàn di tản. Sau ngày đất nước được thống nhất, hoàn cảnh xã hội đổi thay, các nhà thờ ở Trà Bồng bị chính quyền địa phương trưng dụng làm các cơ sở công quyền:
- Nhà thờ Đại An ở Trà Khương hiện nay đã được xây dựng thành Trường mẫu giáo Mầm Non Hoa Sen.
- Nhà thờ Thôn Tây ở Trà Khương hiện nay đã được xây dựng thành nhà văn hóa huyện Trà Bồng.
- Nhà thờ Trà Hòa hiện nay đã được xây dựng thành UBND xã Trà Bình.
- Nhà thờ Phú Hòa hiện nay đã được xây dựng thành trường Mẫu Giáo cho thôn Phú Hòa, xã Trà Phú.

Không còn nhà thờ, các thừa sai không được đến Trà Bồng làm mục vụ, đàn chiên tan tác. Số lượng giáo dân ở Trà Bồng ngày một giảm sút. Một số rất ít chừng khoảng 20 đến 30 người (lớn nhỏ) chịu khó vượt đường xa 30 cây số đến nhà thờ Châu Ổ để tham dự Thánh lễ Giáng sinh và Phục sinh. Hoàn cảnh này kéo dài trên 20 năm.

Khoảng sau năm 1995, cha Phaolô Nguyễn Thọ ở cộng đoàn Châu Ổ được đến Trà Bồng dâng lễ an táng cho giáo dân. Dần dần, cha tìm cách thăm viếng, qui tụ cộng đoàn giáo dân Trà Bồng. Trong số nhóm nhỏ giáo dân sống đức tin trong hoàn cảnh khó khăn đó, có ông Giacôbê Phan Thanh Hùng, sinh năm 1961, qua đời vì tai nạn lao động năm 2003, như người anh cả của gia đình giáo dân Trà Bồng, chịu thương chịu khó cùng với vài anh em chức việc khéo léo đứng mũi chịu sào hướng dẫn gia đình Trà Bồng sống đạo. Cùng làm, cùng ăn, cùng ở có tình có nghĩa với bà con chòm xóm, với chính quyền địa phương, dần dần cách sống ấy của nhóm nhỏ giáo dân Trà Bồng như hạt men âm ỉ làm dậy đấu bột.

Trong bối cảnh bà con giáo dân Trà Bồng còn khó khăn trong việc sống đạo, nhưng việc tạm trú, tạm vắng của người dân có phần thông thoáng. Tận dụng sự thông thoáng ấy, các thầy Học Viện Dòng Chúa Cứu Thế đi giúp trong dịp nghỉ hè, đã đến ở tại nhà giáo dân Trà Bồng với tư cách người bà con của gia đình. Sự hiện diện của các thầy tuy âm thầm nhưng thay lời nói lên tâm tình đồng cảm, chia sẻ tình cảnh sống đức tin của bà con, chút tình cảm ấy như viên tăng lực tiếp sức cho tinh thần giáo dân Trà Bồng. Trong giai đoạn nầy, việc các cha từ Châu Ổ lên Trà Bồng thăm giáo dân, tổ chức đọc kinh liên gia, đặc biệt là dâng lễ an táng và lễ giỗ tại các gia đình, làm cho giáo dân ở thị trấn Trà Xuân, cũng như Trà Bình được thêm ấm lòng.

Năm 2005, cha Luca Lê Viết Phương được bổ nhiệm về Châu Ổ. Cha được phân công làm việc ở Trà Bồng. Cha tổ chức đọc kinh, cử hành Thánh lễ tại các gia đình luân phiên mỗi tuần một lần. Cha hướng dẫn bà con giáo dân viết đơn xin lại nhà thờ. Đây là bước khởi động và đã phải vượt qua những “chướng ngại vật” lê thê để tiến đến mục tiêu. Năm 2014, thời cha Phêrô Nguyễn Văn Châu làm quản xứ Châu Ổ (2011 - 2015), giáo họ Trà Bồng được chính quyền cấp 2000 m² đất để làm nhà thờ tại vị trí hiện nay.

Việc giáo họ được cấp đất để làm nhà thờ được kể như một mốc điểm đánh dấu sinh hoạt của giáo họ đã được chính quyền địa phương chấp nhận. Kể từ khi được cấp đất đến khi nhà thờ Thánh Anphongsô được khánh thành, cộng đoàn dân Chúa giáo họ Trà Bồng được dâng Lễ Chúa nhật tại hai địa điểm theo tuần chẵn (2,4) và tuần lẻ (1,3): ở Trà Xuân, tại nhà ông Giuse Nguyễn Ngọc Hùng; ở Trà Bình, tại nhà ông Giuse Bạch Văn Hiến. Ngoài ra, tại hai điểm này, luân phiên có Thánh lễ vào tối thứ Tư hàng tuần.

Sau thời gian chuẩn bị, ngày 21.6.2016, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt, cha sở Châu Ổ, tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ Trà Bồng, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, chủ tế. Thánh lễ có sự hiện diện của cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện Giáo phận, cha Giuse Vũ Ngọc Bích, Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, cha Phêrô Nguyễn Quang Duy, Bề trên cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Huế, các cha đại diện một số cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế đến hiệp thông với anh em cộng đoàn Châu Ổ, các cha trong Hạt Quảng Ngãi, hai sơ phụ trách hai cộng đoàn Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Quảng Ngãi và đông đảo giáo dân các giáo xứ.
 
 

1
 
1


Do đất được cấp có phần hạn hẹp, không đủ xây dựng các hạng mục công trình của một giáo xứ, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt tự xoay xở, mua thêm đất để có thể đáp ứng cho công trình xây dựng. Một phần công trình được thi công trên phần đất mới mua, do đó Chính quyền đình chỉ thi công. Sau nhiều đơn thư giải bày, phần đất mua thêm được hợp thức hóa, công trình xây dựng được tiếp tục. Vì lý do này nên công trình xây dựng nhà thờ Trà Bồng bị kéo dài đến ngày 01 tháng 5 năm 2021, mới được Đức cha Matthêô chủ sự lễ khánh thành – cung hiến.

 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
Kể từ ngày khánh thành ngôi nhà thờ thánh Anphongsô, giáo họ Trà Bồng có cha Antôn Đinh Bá Cẩn, Dòng Chúa Cứu Thế, đặc trách chăm sóc mục vụ. Ngoài ra, còn có các thầy của Nhà dòng về giúp mục vụ cộng đoàn, cũng như hoạt động truyền giáo.

Ngày 26.7.2022 Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký quyết định thành lập giáo họ biệt lập Trà Bồng và quyết định bổ nhiệm cha Antôn Đinh Bá Cẩn làm Quản nhiệm giáo họ. Ngày 01.8.2022, lễ thánh Anphongsô, Bổn mạng của giáo họ và tước hiệu của nhà thờ, Đức cha Matthêô đã đến dâng thánh lễ, ban bí tích Thêm sức cho các em và một số người lớn, đồng thời cho công bố hai quyết định trên.           
 
1
 
1
 
III. HIỆN TÌNH GIÁO HỌ (cuối năm 2021)
Theo sổ Tất niên năm 2021, tổng số giáo dân giáo họ Trà Bồng có 261 người, sinh sống tại 03 cụm: Trà Xuân có 161 người trong 48 hộ; Trà Bình có 70 người trong 21 hộ; Tây Trà có 30 giáo dân trong 10 hộ gồm 15 người Kinh và 15 người Cor đang ở rải rác trong các xã phía Tây Trà Bồng: Sơn Trà, Hương Trà, Trà Tây, Trà Trung, Trà Xinh, Trà Phong, Trà Thanh. Số giáo dân người Kinh đã đến sinh sống ở các xã này ngay từ nhỏ, lớn lên lập gia đình với người Cor. Năm 2022 có 09 người Cor nhận Bí tích Thánh tẩy. Trên địa bàn 07 xã phía Tây Trà Bồng có giáo dân sinh sống, thôn Trà Bao, xã Sơn Trà là trung tâm sinh hoạt của cụm Tây Trà nầy.
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con.


 
 
[1] Xã Trà Xuân nguyên là xã Trà Khương. Theo Nghị định Số 39/1999/Nđ-Cp ngày 23. 6. 1999 của Chính phủ, xã Trà Xuân được thành lập thị trấn của huyện Trà Bồng.
[2] Xem Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn và Đà Nẵng, số 35, trang39.
[3]Cha Tôma Bùi Đức, cha sở giáo xứ Trung Tín (1957-1964) đã chọn thị trấn Châu Ổ làm trung tâm truyền giáo cho vùng cực Bắc Quảng Ngãi. 
[4] Trà Khương, Trà An thuộc giáo xứ Cù Và; Trà Hòa thuộc giáo xứ Tân Lộc.
[5] Thư được viết ngày 22.3.1963, trước ngày bàn giao Trung tâm cho các thừa sai (Lễ Truyền Tin, ngày 25.3.1963). Tuy nhiên các thừa sai đã có mặt tại Châu Ổ từ cuối năm 1962.
[6] Xem Lm. Rôcô Nguyễn Tự Do, C.Ss.R, Lịch sử Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Nguồn gốc Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ,  chương 24, 2007.https://chuacuuthenews.wordpress.com/2013/09/11/nguon-goc-dong-chua-cuu-the-chau-o/
[7] Quận lỵ lúc bấy giờ là xã Trà Khương, nay là thị trấn Trà Xuân.

Tác giả bài viết: BBT Lịch sử Giáo phận

 Tags: lược sử

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm13
  • Khách viếng thăm55
  • Hôm nay13,152
  • Tháng hiện tại579,009
  • Tổng lượt truy cập28,894,378

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây