Hoàng Xuân Hãn và tư liệu tác phẩm chữ Nôm của Girolamo Maiorica tại Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris

Thứ năm - 17/11/2022 20:05
Nôm Majorica

Truyện ông Thánh Inaxu, bản lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp.


HOÀNG XUÂN HÃN VÀ TƯ LIỆU TÁC PHẨM CHỮ NÔM CỦA GIROLAMO MAIORICA
 TẠI THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP Ở PARIS


Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Trà Vinh,
Số 42, tháng 2 năm 2021, tr. 72-77
DOI: 10.35382/18594816.1.42.2021.693
Trần Thị Phương Phương[1]


Tóm tắt

Girolamo Maiorica là một linh mục Dòng Tên (hay còn gọi là Dòng Chúa Jesus, tên tiếng Latin là Societas Iesu) người Ý. Ông đến Việt Nam vào đầu thế kỉ XVII, sống và truyền đạo ở Đàng Ngoài cùng thời với Alexandre de Rhodes, từ năm 1631 cho đến khi qua đời tại Thăng Long. Ông để lại một lượng lớn tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học Công giáo được viết bằng chữ Nôm, mà một thời gian dài tưởng đã thất truyền, đến khi học giả Hoàng Xuân Hãn tìm thấy một số trong Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris năm 1951. Hoàng Xuân Hãn đã công bố thông tin về số tư liệu tìm được này trong một bài đăng trên một tạp chí của Viện Sử học Dòng Tên vào năm 1953. Công trình này tuy ngắn, nhưng đã có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu văn học Công giáo chữ Nôm thế kỉ XVII từ nửa sau thế kỉ XX. Bài viết của chúng tôi giới thiệu công trình của Hoàng Xuân Hãn và những thông tin có liên quan đến nó. Từ khóa: Girolamo Maiorica, Hoàng Xuân Hãn, Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris, văn học Công giáo chữ Nôm thế kỉ XVII.

I. DẪN NHẬP

Girolamo Maiorica (1581 hoặc 1591 – 1656) là một linh mục Dòng Tên (hay còn gọi là Dòng Chúa Jesus, tên tiếng Latin là Societas Iesu). Ông xuất thân từ Napoli, nước Ý, từng đến Việt Nam vào đầu thế kỉ XVII, sống và truyền đạo ở Đàng Ngoài từ năm 1631 cho đến khi qua đời tại Thăng Long. Ông là người cùng thời với Alexandre de Rhodes, hai ông cùng hoạt động truyền đạo ở Đàng Ngoài những năm 30 – 50 thế kỉ XVII. Trong Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Alexandre de Rhodes đã nhắc đến Maiorica ‘làm bề trên vùng truyền giáo’ ‘rất thông thạo tiếng vì đã học được trong thời gian cư trú ở Đàng Trong’ và có ảnh hưởng đối với chúa Trịnh Tráng [1, tr.176].

Maiorica, trong thời gian hoạt động ở Đàng Ngoài, với sự trợ giúp của những trí thức Nho học cải đạo người địa phương, đã viết nhiều sách vở bằng chữ Nôm phục vụ cho việc truyền đạo được nhắc đến trong sách vở của Dòng Tên từ thế kỉ XVII. Brian Ostrowski (theo Hoàng Xuân Hãn [2, tr.25]) đã dẫn hai công trình sớm nhất nhắc đến tác phẩm của Maiorica là Dell’historia della Compagnia di Giesu của Daniello Bartoli xuất bản ở Roma khoảng giữa những năm 1660 và 1673 và cuốn Bibliotheca Scriptorum Societatis Iesu của Nathanaele Sotvello xuất bản năm 1676.

Người Việt Nam đầu tiên nhắc đến Maiorica là Philiphê Bỉnh (1759 – 1833), còn được biết đến với tên Felippe do Rosario. Ông là một tu sĩ Dòng Tên, từng trải qua thời kì gian khó đầy nguy hiểm khi Dòng tu này bị trấn áp ở Viễn Đông sau lệnh bãi bỏ Dòng Tên của Giáo hoàng Clement XIV vào năm 1775. Philiphê Bỉnh cùng một số đồng sự được giáo đoàn Dòng Tên ở Việt Nam cử đi tìm kiếm sự giúp đỡ, che chở ở Macao, Goa – tức những trung tâm Cơ đốc giáo của Dòng Tên ở châu Á – rồi sau đó, năm 1798 đến Lisbon, kinh đô của triều đình Bồ Đào Nha, đây được xem là thế lực bảo hộ cho những người Cơ đốc giáo phương Đông. Trong thời gian hơn 35 năm cuối đời được cho là sống ở Lisbon, Philiphê Bỉnh sáng tác một lượng lớn tác phẩm viết bằng tiếng Latin, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hán và tiếng Việt chữ quốc ngữ. Trong số những sách viết tay bằng tiếng Việt chữ quốc ngữ của Philiphê Bỉnh, có tập Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trong là tư liệu của người Việt Nam nhắc đến Maiorica sớm nhất, trong đó có kể về sự uyên bác và tài hùng biện của Maiorica trong cuộc tranh biện với mười vị sư Phật giáo trong phủ chúa Trịnh [3, tr. 470]. Tác phẩm của Philiphê Bỉnh cũng cho thấy khả năng linh mục người Việt này đã biết tới các tác phẩm của Maiorica nhưng cho rằng các văn bản đó đã thất truyền [4, tr.26].

Sự quan tâm trở lại với Maiorica trỗi dậy vào giữa thế kỉ XX, khi linh mục Dòng Tên người Đức Georg Schurhammer (1882 – 1971) vào năm 1951 công bố bài viết “Annamitisch Xavierius Literatur” (bản dịch tiếng Việt của Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm từ bản tiếng Pháp in trong Tập san Việt Nam Khảo cổ số 2, Sài Gòn, 1960 có tựa là “Nền văn chương Công giáo về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam”). Trong bài viết này, Schurhammer giới thiệu ba tác giả của Dòng Tên Việt Nam là Girolamo Maiorica, João Ketlâm (tức João Thanh Minh) và Philiphê Bỉnh. Riêng Maiorica được Schurhammer giới thiệu có 48 (hoặc 45) tác phẩm [5]. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) là một chuyên gia nghiên cứu chữ Nôm. Ông đã được giới thiệu bài báo của linh mục Schurhammer và bài viết đã làm ông chú ý đến Maiorica. Khi đó, ông đang ở Pháp, giúp Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris (Bibliothèque nationale de France, từ đây trong bài sẽ viết tắt là BnF, trừ khi nhắc lại nhan đề bài viết của Hoàng Xuân Hãn) và một số thư viện của Dòng Tên ở châu Âu lập thư mục về sách của Việt Nam. Ông tìm thấy trong các kho Trung Quốc của BnF các bản thảo tưởng đã thất truyền của Maiorica, và giới thiệu về chúng trong một bài viết bằng tiếng Pháp với nhan đề “Girolamo Maiorica, các tác phẩm viết bằng chữ Nôm lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris” (“Girolamo Majorica, ses œuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris”), in trong chuyên san Commentarii S. Francisco Xaverio Sacri, 1552-1952 (Chú giải về Thánh Francisco Xavier, 1552-1952), số XXII của Tạp chí Lưu trữ lịch sử của Hiệp hội Chúa Jesus (Archivum Historicum Societatis Iesu). Đây là tờ tạp chí đa ngữ (với một số ngôn ngữ hiện đại như Anh, Pháp, Đức, Ý, Bồ Đào Nha...) của Viện Sử học Dòng Tên (Institutum historicum Societatis Iesu, hay IHSI), xuất bản hai năm một lần, nơi đăng những bài nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hoá của Dòng Tên.

Bài viết của Hoàng Xuân Hãn đã được một số nhà nghiên cứu nhắc đến trong các lịch sử nghiên cứu vấn đề văn học Công giáo chữ Nôm Việt Nam đầu thế kỉ XVII và về tác phẩm của Maiorica trên các phương diện ngôn ngữ, văn tự. Chẳng hạn các dịch giả Đỗ Văn Anh và Trương Bửu Lâm khi dịch bài viết của Schurhammer [5], hay Võ Long Tê trong Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam [6, phụ bản V, VI] đã sử dụng thông tin từ Hoàng Xuân Hãn cho các chú thích tư liệu về tác phẩm của Maiorica. Brian Ostrowski trong luận án tiến sĩ The Nom works of Geronimo Maiorica, S.J. (1589 – 1656) and their Christology (Các tác phẩm chữ Nôm của linh mục Geronimo Maiorica (1589 – 1656) và tư tưởng Cơ đốc học của chúng) trình tại Trường Đại học Cornell, Hoa Kì năm 2006, sau đó một phần được công bố trong bài viết “The Rise of Christian Nôm Literature in Seventeenth-Century Vietnam: Fusing European Content and Local Expression” (Sự phát triển của văn học Công giáo chữ Nôm thế kỉ XVII: Hoà trộn nội dung châu Âu với biểu hiện bản địa) xuất bản năm 2010, đã nhắc đến bài báo này và cho rằng ‘một sự hào hứng học thuật đã bùng nổ ở Việt Nam xung quanh nó, và một số học giả ở Việt Nam đã quyết định làm các bản sao những văn bản trong thư viện mới được Hoàng Xuân Hãn tìm thấy và xác định này để chúng có thể được chuyển tự một cách có phương pháp sang tiếng Việt hiện đại và phổ biến rộng rãi trong giới học giả’ [4, tr.26-27]. Việc chuyển tự đó, theo Trần Quốc Anh trong bài “Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở Việt Nam thế kỉ XVII-XIX”, là do nhóm dịch thuật Hán Nôm Công giáo dưới sự điều hành của linh mục Thanh Lãng và sau là linh mục Nguyễn Hưng thực hiện, xuất bản năm 2003 [7, tr.394-395, phần chú thích].

Tuy nhiên, nhận thấy chưa có bản dịch toàn văn nào bài viết của Hoàng Xuân Hãn được công bố, nên chúng tôi đã tiến hành dịch thuật nó từ nguyên bản tiếng Pháp, và từ đó ghi nhận thêm một số thông tin hữu ích về hiện trạng những văn bản của Maiorica vào thời điểm chúng được tìm thấy trong BnF đầu những năm 50 của thế kỉ trước, cũng như vấn đề về tác quyền và sự hợp tác của người Việt trong quá trình biên soạn.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

A. Về tình trạng văn bản tác phẩm của Girolamo Maiorica trong BnF

Từ bài viết của Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi thấy một số thông tin đáng chú ý về những văn bản viết tay của Maiorica được lưu giữ tại các kho thư tịch cổ của BnF vào thời điểm năm 1951. Trước khi Hoàng Xuân Hãn bắt tay vào khảo cứu, những văn bản của Maiorica được xếp trong các kho tư liệu Trung Hoa, nơi lưu giữ hàng trăm ngàn văn bản in mộc bản, thạch bản hoặc kim bản và vài trăm bản thảo viết tay được chuyển tới từ Trung Hoa. Đây là kho tư liệu Trung Hoa cổ nhất và phong phú nhất trên thế giới. Đọc lịch sử của kho tư liệu này, có thể thấy vai trò đóng góp của giáo đoàn Dòng Tên ở Trung Hoa cuối thế kỉ XVII và thế kỉ XVIII, cụ thể là của những giáo sĩ từng truyền đạo ở Trung Hoa như Joachim Bouvet (1656 – 1730) và Jean de Fontaney (1643 – 1710) ở Bắc Kinh dưới thời Khang Hi, Joseph Henri Marie de Prémare (1666 – 1736) ở Quảng Châu và Macao dưới thời Khang Hi và Ung Chính, Jean Joseph Marie Amiot (1718 – 1793) ở Bắc Kinh thời Càn Long. Họ đều là những học giả về ngôn ngữ và văn hoá phương Đông, cầu nối sách vở giữa khu vực Trung Hoa và Viễn Đông nói chung với châu Âu, đặc biệt là Paris của Pháp. Đồng thời, các học giả thế tục chuyên về Hán học và Đông phương học như Étienne Fourmont (1683 – 1745, bộ sưu tập mang tên ông trong kho Trung Hoa của Thư viện là nơi Hoàng Xuân Hãn tìm thấy nhiều văn bản của Maiorica), Paul Pelliot (1878 – 1945, người được biết tới với vai trò khám phá vùng Trung Á, cũng như phát hiện các văn bản Phật giáo ở hang Đôn Hoàng) cũng có nhiều đóng góp. Các nhà buôn sách châu Âu thế kỉ XIX, hay nguồn cung cấp từ các thư viện khác như Thư viện Hoàng gia, Thư viện Arsenal có vai trò không nhỏ đối với kho sách Trung Hoa này [8].[2]

Bài viết của Hoàng Xuân Hãn, cũng như những tìm hiểu thêm của chúng tôi có thể giúp đưa ra một kết luận về khả năng những văn bản của Maiorica đã đến được kho Trung Hoa của BnF là qua các nhà truyền giáo Dòng Tên: ‘những bản thảo này đều có trên trang đầu tiên dòng chữ viết bằng mẫu tự Latin: dịch nhan đề sang tiếng Latin và ghi chú ‘Chủng viện của giáo đoàn thừa sai ngoại quốc’ (Séminaire des missions étrangères) (...) có lẽ do một nhà truyền giáo châu Âu thời đó làm’ [2, tr.207]. Trên trang thông tin của BnF về các tác phẩm của Maiorica, ở mục Các thông tin về thể thức nhập thư viện (Informations sur les modalités d’entrée) cũng đề ‘Séminaire des missions étrangères’ [8].[3]

B. Về tác quyền của Girolamo Maiorica

Dựa trên những thông tin có được từ tư liệu của các tu sĩ Dòng Tên thế kỉ XVII như Joseph Tissanier, giám mục Deydier và bảng danh mục của linh mục Georg Schurhammer, Hoàng Xuân Hãn đưa ra con số 48 tác phẩm được cho là của Maiorica, trong đó có 14 tác phẩm được ông tìm thấy trong các kho thư tịch cổ của BnF. Ngoài phần giới thiệu tiểu sử của Maiorica và các vấn đề chữ Nôm ở đầu, Hoàng Xuân Hãn dành tám trang sau đó lần lượt miêu tả chi tiết về các bản thảo, ví dụ ‘hầu hết tất cả đều có cùng một khổ tiêu chuẩn (16 × 25), được viết trên giấy gió, đóng gáy theo kiểu Trung Quốc, với bìa bằng da. Những bìa sách này có màu nâu, đàn hồi và chịu lực tốt. Chín trong số những cuốn sách này có lẽ là của cùng một người, vì bìa của chúng mang dấu ấn đặc biệt là được gấp ở ba cạnh’ [2, tr.20]. Đặc điểm thư pháp chữ Nôm, số cột trên mỗi trang, các dòng chữ ghi tên sách bằng chữ Nôm, nhan đề bằng tiếng Latin, những ghi chú cách phát âm kí tự Nôm bằng chữ “quốcngữ” kiểu xưa, dấu mộc của thư viện (nếu có), tên nguồn cung cấp ‘Chủng viện của giáo đoàn thừa sai ngoại quốc’ cũng được trình bày rất tỉ mỉ cho từng bản sách.

Tác quyền của những bản có ghi tên người biên soạn sách trên trang đầu tác phẩm có lẽ không cần phải bàn cãi. ‘Tên tác giả thường được viết ở đầu tác phẩm, dưới dạng các kí tự Trung Quốc có thể phát âm: ‘Chi-yo-ni-mo Mai-o-yi-ca’, mặc dù cách viết có thay đổi một chút (ở đây Hoàng Xuân Hãn có đưa thêm cách ghi chữ Nôm trong phần chú thích – TTPP). Một trong những bản thảo, tập ba của De vita Christi (Truyện đời Chúa Kitô), có thêm dòng chữ bằng kí tự Latin ‘Jeronymo Mayorica” [2, tr.208].

Tuy nhiên, một số bản thảo không ghi tên tác giả vẫn được Hoàng Xuân Hãn đưa vào danh sách của mình bởi ông cho rằng ‘có vẻ hợp lí khi gán cho tác giả này’ [2, tr.211]. Đó là những tác phẩm Ông thánh I-na-xu truyện, Ông thánh Phan-chi-cô Xa-vie truyện, Ngắm lễ trong mùa Phục-sinh đến tháng bảy, Những điều ngắm trong các ngày lễ trọng, Kinh những lễ mùa Phục-sinh, Về Bí tích Thánh Thể và Sách văn phòng (chiếm 7/14 cuốn). Những lí do để Hoàng Xuân Hãn gán tác quyền của những sách này cho Maiorica dựa vào việc đối chiếu với danh mục tác phẩm của Schurhammer, so sánh văn phong của chúng với những tác phẩm đã xác định tác giả, sự tương đồng về nét chữ và tên của những người Việt sao chép xuất hiện trong văn bản.

C. Về những trợ lí người Việt chép tác phẩm của Maiorica

Không có gì lạ khi Maiorica, dù là người thông thạo tiếng Việt, cũng không thể tự viết tất cả những tác phẩm của mình bằng chữ Nôm, một loại chữ của người Việt mà trong bài viết của mình, Hoàng Xuân Hãn đã giới thiệu khá kĩ lưỡng về độ phức tạp của nó. Đó là chưa kể Maiorica rất bận rộn, nên việc biên soạn sách phải làm đồng thời với những việc khác, trong những chuyến đi: ‘Công việc này làm ông rất bận. Luôn cả trên tàu khi đi viếng thăm giáo dân, ông không khi nào ngưng làm việc’ [5].

Trong bài viết của mình, khi khảo sát các văn bản của Maiorica trong BnF, Hoàng Xuân Hãn đã ghi lại thông tin một số người Việt cải đạo và giúp Maiorica chép các bản chữ Nôm. Đó là Vito Trí, Văn Nghiêm, một người tên Hiên và một người có tên thánh là An-tôn.

Ví dụ, trong đoạn miêu tả khái quát những văn bản tìm được, Hoàng Xuân Hãn viết: ‘Thư pháp ở dạng chữ thảo cổ, từ thế kỉ XVII hoặc XVIII, rất dễ đọc và đôi khi rất đẹp. Một số người sao chép đã tham gia vào công việc. Có một số tên nhân vật, trong đó có một người nổi tiếng thế kỉ XVII là Vito Trí, cũng như một số tên địa phương trong vùng Nghệ An và Thanh Hoá’ [2, tr.210].

Tên của Vito Trí xuất hiện trong bộ Các thánh truyện, tập tháng 7. Về nhân thân của ông, Hoàng Xuân Hãn ghi: ‘Vito Trí là một trong những các linh mục gốc Việt đầu tiên, người được Cha Néez đã trình bày một tiểu sử tóm tắt trong cuốn sách Những tư liệu về các giáo sĩ Đàng Ngoài thế kỷ XVII và XVIII (Documents sur le clergé tonkinois aux XVIIe et XVIIIe siècles)’ [2, tr.210].

Cha Néez ở đây chỉ Louis Néez (1680 – 1764) là đại diện Tông toà Tây Đàng Ngoài. Cuốn sách Các tư liệu về các giáo sĩ Đàng Ngoài thế kỷ XVII và XVIII (bản tiếng Việt do Giáo hội Công giáo Việt Nam ấn hành dịch nhan đề là Hàng giáo sĩ Bắc Kỳ thế kỷ 17 và 18) ghi chép về 53 người Việt được thụ phong linh mục, trong đó có Vito Trí – người đã vài năm làm thầy giảng (catechist) và chịu lễ phong linh mục vào năm 1670 khi mới 30 tuổi. Néez còn nhấn mạnh về Vito Trí như sau: ‘Người ta đã quyết định chỉ chọn những thầy giảng hạng nhất, ít nhất đã trên 40 tuổi, nhưng đức độ và năng lực của Vito Trí đã khiến ông được ưu tiên lựa chọn (..). Ông rất thạo văn tự, và trên hết là hết sức cần cù và rất nhiệt thành trong việc cứu rỗi các linh hồn’ [9, tr.89-91].

Tên của Vito Trí còn được ghi ở trong văn bản Ngắm lễ trong mùa Phục-sinh đến tháng bảy – điều khiến Hoàng Xuân Hãn tin rằng tác phẩm này cũng do Maiorica soạn và Vito Trí là người chép [2, tr.211].

Cũng trong bộ Các thánh truyện còn có tên một người tên Hiên ở các tập sách tháng 11 và 12, mà Hoàng Xuân Hãn cho rằng ‘có thể là một linh mục cũng có tên trong cuốn sách của Giám mục Néez’ [2, tr.210]. Sách tháng 12 ‘ghi ngày hoàn thành tác phẩm: Khánh-Đức nhị niên, tức là năm 1650’, nên người tên Hiên kia phải chăng là Antôn Hiên và phải chăng cũng là người mà Hoàng Xuân Hãn tìm thấy tên ở cuối văn bản Kinh những lễ mùa Phục-sinh: ‘Bản thảo này mang tên thánh của người sao chép ở cuối, một ông An-tôn (Antoine) nào đó ở làng Trinhhà (tỉnh Thanh-hóa)’ [2, tr.213]. Tuy nhiên, giả thuyết về tên Hiên và tên An-tôn là của một người cũng rất không chắc chắn, bởi có khá nhiều linh mục, thầy giảng đương thời với Maiorica có tên thánh An-tôn.[4]

Một tên người Việt khác là Văn Nghiêm. Văn Nghiêm là người chép Thiên Chúa Thánh Mẫu quyển Thượng và quyển Hạ (quyển Trung đã thất truyền), đặc biệt ở cuối quyển Thượng còn có lời đề nghị người đọc ‘cầu cho Văn Nghiêm cùng’. Khi so sánh nét chữ trong Thiên Chúa Thánh Mẫu với nét chữ trong Ông thánh I-na-xu truyệnÔng thánh Phan-chi-cô Xa-vie truyện – hai tác phẩm này được đóng cùng nhau thành một tập, với ‘lối viết cổ rất đẹp’, Hoàng Xuân Hãn đã cho rằng ‘có thể nhận biết được đó là của Văn Nghiêm’, và từ đó cũng suy ra hai truyện sau có cùng một tác giả với Thiên Chúa Thánh Mẫu là Maiorica [2, tr.211].

III. KẾT LUẬN

Bài viết của giáo sư Hoàng Xuân Hãn tuy không dài, chỉ 12 trang trong nguyên bản tiếng Pháp, nhưng là một công trình có rất nhiều ý nghĩa đối với những người quan tâm đến vấn đề văn học Công giáo chữ Nôm thế kỉ XVII, cũng như đến sáng tác của Girolamo Maiorica. Những thông tin về hiện trạng văn bản của Maiorica lưu trữ trong BnF, về vấn đề tác quyền của Maiorica, về những người Việt đã giúp ông chép các văn bản chữ Nôm là những gợi ý hữu ích cho việc tìm hiểu quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hoá sách vở giữa Việt Nam với châu Âu ở giai đoạn trước khi thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, và vai trò của các nhà truyền giáo Dòng Tên đối với văn hoá Việt Nam. Ngoài ra, qua tìm hiểu của chúng tôi, BnF đã và đang thực hiện số hoá nhiều tư liệu để đưa lên Internet phục vụ cho công chúng độc giả toàn cầu. Các kho tư liệu Việt Nam hiện nay gồm có các tác phẩm bằng chữ Hán (kí hiệu từ A 1 đến A 107); các tác phẩm bằng chữ Nôm (kí hiệu từ B 1 đến B 134), các sách báo phương Đông và văn bản Quốc-ngữ (kí hiệu từ C 1 đến C 5). Việc phân loại này là có công lao trước tiên của Hoàng Xuân Hãn thực hiện năm 1951 (khi đó mới có kho A và B), sau đó được những người khác như Marie-Rose Séguy và các thế hệ theo tiếp tục phát triển. Bởi vậy, bài viết này của chúng tôi, ngoài góp một phần công sức dịch thuật và giới thiệu bài viết của Hoàng Xuân Hãn, còn mong muốn thông qua nó làm một cầu nối tới các kho tư liệu số của BnF (https://gallica.bnf.fr).

LỜI CẢM ƠN

Bài viết nằm trong đề tài nghiên cứu về truyện thánh chữ Nôm thế kỉ XVII, mã số C2019-18B04, được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Rhodes A. Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài (Hồng Nhuệ dịch). Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Thành phố Hồ Chí Minh; 1994.
[2] Hoàng Xuân Hãn. Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue Vietnamienne conserves à la Bibliothèque Nationale de Paris. In: Commentarii S. Francisco Xaverio Sacri, 1552-1952. Archivum Historicum Soietatis Iesu. 1953; 22:203–214.
[3] Cao Thế Dung. Việt Nam Công giáo sử tân biên (1553-2000). Gretna, LA: Cơ sở Truyền thông Dân Chúa; 2002.
[4] Ostrowski B. The Rise of Christian Nôm Literature in Seventeenth-Century Vietnam: Fusing European Content and Local Expression. In: Vietnam and the West. Wynn Wilcox (ed.). Cornell University Press. 2010: 19–40.
[5] Schurhammer G. Nền văn chương Công giáo về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam. Đỗ Văn Anh, Trương Bửu Lâm (dịch). Việt Nam khảo cổ tập san. 1960; 2:44–181.
[6] Võ Long Tê. Lịch sử văn học Công giáo Việt Nam. Sài Gòn: Nhà Xuất bản Tư duy; 1965.
[7] Trần Quốc Anh. Ảnh hưởng của văn chương Công giáo trên việc truyền bá đức tin ở Việt Nam thế kỷ XVII-XIX. Trong: Hội đồng Giám mục Việt Nam. Uỷ ban Văn hoá. Bốn trăm năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ trong lịch sử loan báo Tin Mừng tại Việt Nam (Tài liệu hội thảo). Lưu hành nội bộ. 2019: 383–405. [8] Archives et manuscrits. Rechercher dans le catalogue bnf archives et manuscrits.  Disponible sur : https://archivesetmanuscrits.bnf.fr/ [Consulté le 02/01/2021]
[9] Launay A. Histoire de la mission du Tonkin, Paris. Librarie Orientale et Américaine. 1927; 89–91

 
 
[1] Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM Ngày nhận bài: 10/12/2020; Ngày nhận kết quả bình duyệt: 05/01/2021; Ngày chấp nhận đăng: 20/01/2021 Email: tranthiphuongphuong@gmail.com
[2] Chinois: Présentation de la collection: https://archivesetmanuscrits.bnf.fr/ark:/12148/cc3883j
[3] Vietnamien B 13. Girolamo Maiorica. Vies des saints (vietnamien): https://archivesetmanuscrits.bnf.fr/ark:/12148/cc958544
[4] Trong sách của Louis Néez, có hai linh mục tên Hiên là Bênêdictô Hiên và Antôn Hiên, còn tên Antôn (Antoine) thì có Antôn Quế được phong linh mục cùng đợt với Vito Trí và lớn hơn Vito Trí 26 tuổi [9, tr.89].

Tác giả bài viết: Trần Thị Phương Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm41
  • Hôm nay21,546
  • Tháng hiện tại175,473
  • Tổng lượt truy cập29,155,011

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây