Giới thiệu sách mới: Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660) và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam

Thứ sáu - 29/09/2023 18:40
 
Sách Rhodes


Giới thiệu sách mới

Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660)
và công cuộc truyền giáo tại Việt Nam
Tin Mừng hóa nền văn hóa
và hội nhập văn hóa đức tin


Tác giả: Lm. Antoine Bùi Kim Phong
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

442 trang, khổ 23x15 cm
Nhà xuất bản Hồng Đức
Tháng 9/2023
Mã ISBN: 978-604-476-685-0

Sách có bán tại Tp. HCM
Nhà sách Đức Bà Hòa Bình
Số 1 Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM
- Điện thoại: 0938.037.175 - (028)3.8250.745
- Email: nsachducbahoabinh@gmail.com

Bán online
https://ducbahoabinhbooks-osp.com/alexandre-de-rhodes-s-j-1593-1660-va-cong-cuoc-truyen-giao-tai-viet-nam/

Thư quán Trung Tâm Mục Vụ
6 Bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM

Đt: 0906755205



Tại Qui Nhơn
Nhà sách Trinh Vương
132 Trần Hưng Đạo, Tp. Qui Nhơn
Đt: 0563818352

 
ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 16-20). Đây là nhiệm vụ lớn lao mà Đức Giêsu đã truyền lại cho các môn đệ trước khi vinh hiển về Trời. Và dường như ngay lập tức, các tông đồ đã phân tán đi khắp nơi để loan báo Tin Mừng với tâm thức “Không có dân tộc nào hoang dã đến độ không thể đón nhận Tin Mừng cũng như không có dân tộc nào trí thức đến độ không cần đến Tin Mừng” (Nulla gens tam fera est ut Christi Evangelii capax non sit, neque tam culta ut Evangelio non indigeat).[1] Theo truyền thuyết, miền Viễn Đông Á châu cũng đã sớm nhận được Tin Mừng khi Thánh Tông đồ Tôma đến truyền giáo tại Ấn Độ. Tuy nhiên, đây chỉ là một truyền thuyết đẹp!

Riêng tại Việt Nam, dưới cái nhìn sử liệu, bộ chính sử triều Nguyễn Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã ghi nhận một người phương Tây tên là “I-nê-khu” lén vào truyền giáo tại các làng Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ, vào năm 1533. Vài người đưa ra một niên đại khác, song lập luận và chứng cứ đã không đủ thuyết phục được sự đồng tình của các nhà sử học. Từ giai đoạn này trở đi, nhiều thừa sai của các dòng khất thực đã đến và đi, không có kế hoạch truyền giáo tại Việt Nam, có lẽ vì đích nhắm của họ là Trung Hoa và Nhật Bản. Mãi đến năm 1615, các cha dòng Tên đầu tiên cập bến Cửa Hàn, mục đích cũng chỉ là giúp cho cộng đoàn người Công giáo Nhật Bản ở Hội An đang trốn cơn bách hại tại quê hương mình. Năm 1624, vì cuộc bách hại tại Nhật vẫn còn khốc liệt, cha Alexandre de Rhodes đặt chân lên đất Đàng Trong thay vì Nhật Bản như ước nguyện, học tiếng Việt tại Thanh Chiêm với cha De Pina sau khi đã học tiếng Nhật tại Macao vào năm 1623. Công cuộc truyền giáo bắt đầu dù chỉ tình cờ, dòng Tên đã quyết định chọn Việt Nam làm cứ điểm truyền giáo, tổ chức nhân sự và áp dụng phương pháp “hội nhập văn hóa” khi mang Tin Mừng đến cho những người bản xứ. Các nhà truyền giáo từ Âu châu đến Á châu phải đối mặt với nhiều khác biệt, ngoài những khác biệt về môi trường sống, ngôn ngữ, khí hậu, phong tục, lương thực … thì khác biệt lớn nhất vẫn là văn hóa, điều vốn là đặc trưng đặc thù của mỗi dân tộc.

Thiên Chúa trong Đức Kitô được nhận biết qua đức tin và Kinh Thánh song cũng hiện diện tự nhiên qua suy lý tính của nền văn hóa. Chính vì thế, thật cần thiết để tìm kiếm một phiên bản đức tin và cách hiểu về đức tin ấy đã bén rễ sâu trong một nền văn hóa nào đó và dùng các yếu tố này để hướng về mục đích tối hậu là “Chúa Trời Đất”. Mối tương giao giữa đức tin Kitô giáo và các nền văn hóa cần phải được duy trì. Trong cuốn Catechismus của mình, cha De Rhodes đã dùng một ẩn dụ rất hay để giải thích mối tương quan giữa tính phổ quát của Kitô giáo với tính đặc thù của một nền văn hóa: “Nói thí dụ, mặt trời soi đến nước nào, thì làm ngày sang nước ấy, dù mà nước khác chưa thấy mặt trời mọc lên, hãy còn chịu tối đêm, song le chẳng có ai gọi mặt trời là mặt trời nước ấy, dù mà đã chịu sáng mặt trời soi nó trước. Vì chưng mặt trời là chung cả thế giới, mà đã có trước hơn nước ấy soi cho. Đạo thánh đức Chúa trời thì cũng vậy”. Mọi nền văn hóa đều độc nhất và bình đẳng. Đối với cha De Rhodes, cuộc cải đạo xảy ra bên trong các nền văn hóa, chủ yếu là trong tâm hồn những người bản xứ. Công cuộc hội nhập văn hóa đối với cha cũng thật dễ dàng vì nguồn gốc đa quốc tịch, đa ngôn ngữ của mình: sinh ra ở lãnh địa giáo hoàng Avignon nhưng cha mẹ là người Ý gốc Do Thái. Đây cũng là nơi người ta nói tiếng Provençal và tiếng Pháp, nhưng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Do Thái cũng được sử dụng trong các cộng đồng di dân ở nơi đây. Chính nền tảng văn hóa đa ngôn ngữ này đã giúp cha học tiếng Việt cách thuận lợi, “trong vòng bốn tháng đã có thể giải tội và sáu tháng thì có thể giảng bằng tiếng Đàng Trong”.[2]

Đến Việt Nam để truyền giáo, cha De Rhodes nhận ra nơi đây đã có sự hiện diện của các tôn giáo khác du nhập từ Trung Hoa và các tôn giáo bản địa. Cha Léopold Cadière (1869-1955) nhìn các tôn giáo bản địa Việt Nam như khu rừng rậm dày đặc những cây cổ thụ với cành và lá, dây leo chạy từ cây này sang cây khác, mà ta chẳng biết nó từ đâu đến và đi đâu: “Tôn giáo của người Việt cho ta cảm giác như đi vào khu rừng Trường Sơn”. Người Việt vốn khoan dung và dễ chấp nhận các tôn giáo, sẵn sàng tiếp nhận các giá trị và truyền thống tôn giáo khác vào trong thực hành tôn giáo của mình. Đạo nào cũng tốt”, tuy nhiên câu nói này không có nghĩa là mọi tôn giáo đều chân thật ngang nhau, mà chỉ xác nhận rằng có những yếu tố thiện hảo trong mọi tôn giáo, và vì thế “Đạo” nào cũng cần được tôn trọng. Và nhà truyền giáo lý tưởng khẳng định sự tương đồng chứ không khác biệt, nhân văn chứ không khai thác, tôn trọng chứ không xem thường, dù rằng mình đang truyền bá một giáo lý xa lạ về một Thiên Chúa xa lạ cho một dân tộc xa lạ. Nhiều người chỉ trích cha De Rhodes có nhãn quan tiêu cực về các tôn giáo khác, song cha De Rhodes là người sống vào thời đại mình, chia sẻ những “thành kiến” cũng như giới hạn của thời đại ấy. Ở Âu châu, đó là thời đại của nền thần học hộ giáo, chiến đấu chống lại những sai lầm của các tôn giáo khác, sử dụng luận lý “tam đoạn luận” triết học để “biện hộ” cho Kitô giáo. Đứng ngoài bối cảnh này và từ quan điểm hiện đại để phê bình về cha De Rhodes, một người Tây phương sống trước đây hơn bốn thế kỷ, thật là điều không công bằng.

Có nhiều điều hơn nữa để biết về cha De Rhodes trong cuốn sách này. Nguyên gốc của bản dịch này là luận án tiến sĩ tại khoa Giáo sử Đại học Giáo Hoàng Gregoriana (Pontificia Università Gregoriana), Roma, được viết bằng tiếng Anh với tựa đề: “Evangelization of culture and inculturation of faith: Alexandre de Rhodes, S.J. (1593-1660) and his mission in Vietnam”, được đánh giá xuất sắc “Summa Cum Laude”. Tác giả là người Việt đầu tiên đạt học vị Tiến sĩ Lịch sử Giáo hội, đã dành tặng luận án của mình cho Giáo hội Việt Nam nhân Năm Thánh 2009-2010 kỷ niệm 350 năm thiết lập hai hạt Đại diện Tông tòa đầu tiên (1659-2009) là Đàng Trong và Đàng Ngoài, kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010). Đặc biệt, luận án được dành tặng để kỷ niệm 350 năm ngày qua đời của cha Alexandre de Rhodes (05 tháng 11 năm 1660 - 2010), nhân vật chính trong câu chuyện và là “người xây dựng nền tảng cho Kitô giáo Việt Nam” (founder of the Vietnamese Christianity),[3] ngoài những công trạng khác về giáo lý, văn hóa và đặc biệt là chữ Quốc ngữ.

Nhân dịp Năm Thánh mừng kỷ niệm 400 năm dòng Tên đến loan báo Tin Mừng trên Đất Việt (1615-2015), cha Klaus Schatz, S.J., nguyên giáo sư Giáo sử tại Đại học Frankfurt, Đức quốc, đã viết một cuốn sách về cha Alexandre de Rhodes với tựa đề “… Dass diese Mission eine der blühendsten des Ostens werde…“ P. Alexander de Rhodes (1593–1660) und die frühe Jesuitenmission in Vietnam”, do nhà Aschendorff xuất bản năm 2015.[4] Tựa đề trích từ bức thư của cha De Rhodes viết vào năm 1625 khi còn học tiếng Việt tại Thanh Chiêm với cha De Pina và một giáo lý viên trẻ tuổi người Đàng Trong, dịch sang tiếng Việt là “Ước mong nơi này sẽ trở thành một trong những miền truyền giáo mang lại hoa trái nhiều nhất ở phương Đông”, nói lên trực giác bén nhạy với miền đất mà từ đây cha dành hết tâm huyết đời mình. “Điều đáng kể đối với tôi không phải là sự trù phú của mảnh đất này mà là những hoa trái lớn lao mà lời rao giảng Tin Mừng đã đạt được ở đó trong một thời gian rất ngắn, và có thể nói rằng tôi đã được sai đến đó năm lần và lần nào cũng thấy được phúc lành của vùng đất trù phú này”.[5] Trong cuốn sách của mình, cha Klaus Schatz đã sử dụng luận án này như một tài liệu tham khảo, trong nhiều sách tham khảo khác, và đã trích dẫn hơn 30 lần. Một cách nào đó, điều này thể hiện sự đánh giá cao của giới học thuật đối với chuyên luận này về cha De Rhodes.

Tôi xin giới thiệu bản dịch tiếng Việt luận án này với các bạn đọc cùng với thư mục tham khảo thật phong phú ở phần cuối sách dành cho những ai quan tâm nghiên cứu sâu hơn như lời giới thiệu của chính tác giả: “Có vẻ như không có gì mới hay lạ thường về cha Alexandre de Rhodes trong những trang viết này. Tuy nhiên, hiểu biết về lịch sử thường xảy ra không phải từ việc bắt gặp những ý niệm hoàn toàn mới hay bằng chứng mới, nhưng khi có điều gì đó mà ta không để ý đến lại tìm thấy chính mình dưới ánh sáng và trở thành tâm điểm, hoặc khi có điều gì đó quen thuộc được nhìn dưới một nhãn quan mới và khác hẳn. Thật vậy, nghiên cứu lịch sử này cung cấp những nhận xét công bằng và trung thực, loại bỏ những vấn đề do thiên kiến và mở ra những nghiên cứu xa hơn”.

 
ĐÔI LỜI CHO BẢN DỊCH

Luận án này được bảo vệ thành công vào tháng 1 năm 2011 tại Phân Khoa Lịch sử Giáo hội thuộc Đại học Giáo Hoàng Gregoriana, Roma. Từ đó trở đi, nó “ngủ quên” cùng năm tháng khi người viết không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học thuật. Vì “ngủ quên” nên luận án này cũng không được cập nhật, sửa đổi, hay bổ túc theo năm tháng cho đúng với những nghiên cứu sử học đòi hỏi. Nhưng với bản dịch này, luận án đã được “thức dậy” trong tiếng Việt, với sự chuyên nghiệp, thông thạo và “văn hay chữ tốt” của dịch giả là người bạn đồng liêu thân thiết hơn 50 năm qua của tác giả: Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính, Trưởng ban Thường huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn. Dịch giả đã làm cho bản văn có được một sinh khí mới qua sự khéo léo và uyển chuyển trong khi chuyển dịch cách tài hoa từ nguyên bản tiếng Anh sang tiếng Việt, hầu như tạo cho luận án được “chiếc áo mới” và “khuôn mặt mới”. Xin chân thành cảm tạ công lao to lớn của cha Phaolô.

Ngoài ra, tác giả cũng có đôi điều xin thưa với người đọc: Vì là một luận án được viết tại ngoại quốc, bằng tiếng ngoại quốc và cho độc giả ngoại quốc, nên trong thư mục không có nhiều trích dẫn các tác phẩm được viết bằng tiếng Việt; cách sắp xếp, chấm câu, đôi lúc còn theo cú pháp tiếng ngoại quốc. Dịch giả cũng đã tôn trọng ý muốn của tác giả là giữ các tên riêng trong nguyên ngữ thay vì phiên âm sang tiếng Việt.

Nhân cơ hội này, tác giả cũng xin lặp lại lời tri ân, như đã làm trong nguyên bản, các ân nhân đã giúp đỡ, đào tạo, hướng dẫn, cầu nguyện, và khuyến khích cho tác giả có được thành quả này. Lời tri ân cũng xin gửi đến những thư viện, văn khố, và các nguồn tra cứu khác, cách đặc biệt là các tác giả được trích dẫn, bắt chước, hay lấy cảm hứng để hình thành nghiên cứu này. Dĩ nhiên lời tri ân sâu xa nhất với hết lòng ngưỡng mộ được dành cho nhân vật chính của luận án này: Cha Alexandre de Rhodes, SJ.

Khi đọc bản dịch này, chắc hẳn người đọc có những phê bình, đóng góp, bổ túc, sửa sai…, xin được đón nhận và biết ơn. Một trong những mục tiêu lớn nhất của luận án này là để khơi dậy và kêu gọi những nghiên cứu sâu rộng hơn trong lãnh vực lịch sử của Giáo Hội và công cuộc truyền giáo tại quê hương Việt Nam, nên mọi đóng góp để hoàn thiện đều được hết lòng trân trọng.

Một lần nữa xin được hết lòng tri ân, và cầu chúc cho quý độc giả tìm được những điều thú vị qua những trang sách này.

Georgia, ngày 7 tháng 7, 2023
  Lm. Antôn Bùi Kim Phong
                     Tác giả

 
 
[1] Phát biểu của Đức cha Donal Raymond Lamont, Giám mục Umtaii, tại một phiên họp của Công Đồng Vatican II,  Acta Synodalia Sacrosancti Concilii Oecumenici Vaticani II, Typis Polyglottis Vaticanis, MGMLXXVII, tr. 225.
[2] Alexandre de Rhodes, Voyages et missions en la Chine et autres royaumes de l'orient, Julien, Lanier & Cie, 1854, tr. 88.
[3] Peter C. Phan, Mission and Catechesis: Alexandre de Rhodes and Inculturation in Seventeenth-Century Vietnam, Orbis Books, 2005, tr. xxii – xxiii và 202.
[4] Bản dịch tiếng Việt: Hoa trái ở phương Đông. Alexandre de Rhodes (1593-1660) và công cuộc truyền giáo thời kỳ đầu của Dòng Tên tại Việt Nam, bản dịch của Phạm Hồng Lam, Nhà Xuất bản Phương Đông, 2017.
[5] Alexandre de Rhodes, Voyages et missions en la Chine et autres royaumes de l'orient, Julien, Lanier & Cie, 1854, tr. 82.


 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm45
  • Hôm nay13,118
  • Tháng hiện tại578,975
  • Tổng lượt truy cập28,894,344

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây