Thư viện Espérance (Làng Sông): Màu mực thời gian trên trang ký ức

Thứ năm - 12/01/2023 17:37
IMG 0973
 
THƯ VIỆN ESPÉRANCE (LÀNG SÔNG):
MÀU MỰC THỜI GIAN TRÊN TRANG KÝ ỨC

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
Với vị trí và tầm quan trọng của mình, nhà in Làng Sông dường như đã che khuất một cơ sở văn hóa lớn cũng tại Làng Sông nhưng ít được biết đến là Thư viện Nhà chung (Bibliothèque de la Mission), hay chính xác và rõ ràng hơn vì nó có một tên gọi: Thư viện Espérance (Bibliothèque de l’Espérance). Có thể nó ít được biết đến hay nhắc đến vì độc giả giới hạn của thư viện là các linh mục trong địa phận, các thầy đại chủng sinh. Nhưng không thể nào không đề cập đến thư viện này vì đây là một thư viện có thể gọi là lớn ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX với 30.000 đầu sách, trong đó có cả những cuốn sách xưa của nhà in Gia Hựu và tài liệu về Đông Dương mà cha Perreaux đã khổ công sưu tập từ những năm 1900, khi ngài vừa đặt chân đến địa phận Qui Nhơn. Cha vô cùng tiếc nuối khi công trình này của mình bị nhấn chìm trong nước lũ bão lụt năm 1933: “Một thư viện hoành tráng mà tôi đã thu thập từ 34 năm nay – gần 30.000 bộ sách và các tài liệu về Đông Dương – bị chìm trong nước, cả những ghi chép của tôi cũng bay theo gió”.[1] Vào đầu thập niên 1900, hiếm có thư viện nào tại Việt Nam có số sách nhiều như vậy!

Chúng ta biết đến sự hiện diện của thư viện Espérance này nhờ những thông báo đòi lại sách đã mượn mà … quên trả! Tờ Mémorial, Mission de Quinhon, 1 Janvier 1925, tr.15 đăng lời nhắc nhở của cha Escalère: “Để dễ dàng phân loại sách của Thư viện Nhà chung ở Làng Sông và lập cuốn danh mục mới, xin quý cha lợi dụng ngày tĩnh tâm để mang đến những cuốn sách của thư viện “Espérance” mà mình không cần nữa”, hay “Cha Maheu, Quản thủ Thư viện “l’Espérance”, xin các cha đã mượn sách của thư viện vui lòng báo tin hay trả lại sách để có thể in lại cuốn danh mục (catalogue)”[2] hay lời nhắc có tính riêng biệt hơn như “Có ai sẵn sàng trả lại cho thư viện Espérance cuốn Les chasses en Afrique de Foa không?”[3] Thậm chí người mượn chỉ cần báo cho biết tên sách và các số liệu cuốn sách trước thời hạn, nếu không sẽ bị tính tiền trong phiếu ghi nợ: “Một lần nữa, xin quý cha trả lại những cuốn sách đã mượn ở Thư viện “l’Espérance”, hoặc báo cho biết tên của tác giả, tựa sách và khổ sách cao bao nhiêu centimètre để có thể phân loại lại. Trường hợp sách không được trả lại hay báo lại trước ngày 1 tháng 8 tới đây, thì xin đừng ngạc nhiên khi thấy giá tiền hiện nay của cuốn sách trong phiếu nợ của người mượn tại Sở quản lý. Ký tên: Quản thủ Thư viện Espérance.”[4]

Cuối cùng, cùng với các cơ sở nhà chung tại Làng Sông, thư viện Espérance đã không tránh khỏi những mất mát nặng nề trong trận bão ngày 1 tháng 11 năm 1933. Quản lý nhà in trong thời gian này là cha Perreaux đã tường thuật lại những thiệt hại: “cái nhà để chụp bóng in hình phải sập nát tan tành; nhà tôi ở đây và dãy nhà hai cha Annam ở cũng phải ngã nằm sát đất. Chính nhà in hai tầng thì tầng trên, chỗ để sách bán, bị ngã vách gạch cùng bay ngói, nên những sách in và kết đóng rồi để đó bị ướt hư nhiều lắm; phía chỗ để máy in cùng giấy trắng cũng bị trốc ngói nhiều vũng, nên những sách in lỡ dở cùng giấy cũng bị ướt hư, song may, mấy cái máy in không phải hư hại gì mấy. Hai nhà tàng thư trữ để các thứ sách vở xưa nay gần ba vạn cuốn cũng bị bay hết mái nhà và sập ngã một phía vách, nên mấy kệ sách cũng phải đứng trần giữa trời trong mấy ngày đêm mưa gió, đều ướt lấm hết!... Bão rồi mỗi ngày mấy kẻ làm việc trong nhà in, bất kỳ lớn nhỏ, là hơn 30 người, cũng cứ chấu lại mà lo dọn dẹp, phơi phóng, che đậy và hốt dọn những đồ bị đổ sập và ướt hư, lại cũng có mướn thêm 10 người ở ngoài vô phụ giúp nữa, mà dọn dẹp đến nay cũng chưa rồi…. Nhà sập thì phải cất lại đã đành, mà mấy nhà không ngã, tuy là còn đứng đó mà sửa lại cũng không chắc chắn gì. Mà sự cất nhà cửa lại thì chắc phải trên hai vạn đồng. Song số tiền ấy thì không có, biết tính làm sao đây? Khổ thiệt!”[5] Tuy nhiên, những cơ sở vật chất sớm muộn gì cũng sẽ xây dựng lại được, nhưng thiệt hại của di sản tinh thần thì khó lòng hồi phục như xưa.

Hiện nay, một số sách của Thư viện Espérance vẫn còn lưu giữ tại Thư viện Chủng viện Qui Nhơn. Những vết mực nhòe, những vết loang vì ngậm nước vẫn còn đó như chứng tích rõ ràng cho trận lụt 1933. Một số sách còn lại của thư viện Espérance được đưa về Thư viện Đại chủng viện Qui Nhơn hay “Trường lớn Qui Nhơn” và sau đó được đưa về lưu giữ tại Chủng viện Thánh Giuse Qui Nhơn. Lật lại những trang sách đã ngả màu, ta thầm tiếc nuối về một cơ sở văn hóa lớn của địa phận, chứa đựng cả kho tàng kiến thức triết học, thần học, lịch sử, văn học Việt Pháp. Trang sách cũ, phiến bia xưa, ký ức thời gian vẽ những vệt màu loang lên trang giấy như bức tranh thủy mặc. Cầm trên tay pho sách cũ gáy sờn trang giấy lệch, ta bồi hồi nhớ lại công lao của các bậc tiền nhân và từng lớp lớp người đi trước đã miệt mài học tập, thu gom kiến thức bốn phương để tung gieo hạt giống Tin Mừng:

Này, trang sách cũ còn đây!
Nhớ xưa cùng đọc đoạn này với nhau;
… Người năm ấy, bây giờ đâu vắng?
Câu thơ ngâm, còn vắng đêm thanh;
Bâng khuâng vơ vẩn bao tình,
Giở trang sách cũ, nhớ anh muôn vàn!

(Nữ sĩ Tương Phố, Mưa gió sông Tương, NXB Bốn phương, Sài Gòn, 1960)
 

[1] La Croix, Mardi 28 Novembre 1933.
[2] Mémorial, Mission de Quinhon,  Janvier 1927, tr. 4
[3] Mémorial, Mission de Quinhon, Décembre 1929, tr. 84
[4] Mémorial, Mission de Quinhon,  Mai 1928, tr. 76
[5] Lời Thăm, 1 Décembre 1933, tr. 353
 
Một số sách của Thư viện Espérance vẫn được còn lưu giữ
 
IMG 0976

IMG 1034

IMG 1035


và sách của Đức cha Van Camelbeke Hân
 
IMG 0991

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập69
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay14,070
  • Tháng hiện tại579,927
  • Tổng lượt truy cập28,895,296

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây