Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Vọng - Năm C

Thứ năm - 13/12/2018 22:00

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG C

            Trong Thánh Lễ Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, ngày của “niềm vui”, các bài đọc Lời Chúa đều toát lên một bầu khí vui mừng. Câu khẩu hiệu được lập đi lập lại nhiều lần trong các bài đọc: “hãy vui lên”. Chúng ta đang đón chờ Chúa đến không phải để trừng phạt nhưng để cứu độ loài người. Vì vậy, Mùa Vọng - mùa chờ đợi, chúng ta chờ Chúa với tất cả niềm hân hoan vui sướng. Thái độ cần thiết để đón chờ Chúa đến, không phải là u sầu, sợ hãi hay mệt mỏi, chán chường… nhưng là niềm vui trong tâm hồn và trên nét mặt, trong cung cách sống và nhất là trong cách chúng ta loan báo Tin Mừng. Như thế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón chờ Chúa đến cùng với sự tỉnh thức, sửa đổi bản thân, cầu nguyện và niềm vui. Giờ Chúa đến với chúng ta đã gần kề. Chúng ta đã đủ niềm vui khi Chúa đến bằng tâm hồn thanh sạch hay vẫn còn nơm nớp lo sợ vì chưa kịp chuẩn bị? Tất cả tùy thuộc vào lòng tin, lòng cậy, lòng mến của chúng ta dành cho Chúa và tình thương dành cho mọi người. Để sống đúng tinh thần của Mùa Vọng, chúng ta cùng nhau suy niệm lời Chúa gởi đến cho chúng ta hôm nay.

            Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Xôphônia. Vị ngôn sứ này sống vào thời kì dân tộc Do Thái chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tập tục ngoại giáo, thờ cúng ngẫu tượng, bạo lực, gian lận, bất công, thói kiêu căng của những kẻ quyền thế, thói hưởng thụ của những người giàu có… Vì vậy mà ngôn sứ Xôphônia đã lên tiếng phê phán lối sống phi nhân, thiếu tình người và loan báo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Rồi sẽ đến “ngày của Đức Chúa”, ngày Thiên Chúa sẽ cho những người nghèo hèn bé nhỏ được nương ẩn nơi Ngài. Vì vậy, vị ngôn sứ mời gọi Giêrusalem hãy vui lên vì người công chính sẽ thoát án phạt, thành sẽ được Thiên Chúa sủng ái và cứu độ. Chính Chúa đang ngự giữa dân chúng và đồng hành cùng lịch sử dân tộc Israel.

            Niềm vui của dân thành Giêrusalem cũng là niềm vui của Thiên Chúa. Chính Chúa sẽ vui mừng hoan hỉ vì gặp lại dân Chúa. Đây là viễn cảnh của ngày cứu độ. Chính Chúa là vị Cứu Tinh, là vua chiến thắng và giải thoát. Vì chính Chúa sẽ tha thứ cho dân Chúa. Thành thánh vui mừng khôn xiết vì được đón tiếp chính Vua của mình ngự đến. Thành sẽ được sống trong cảnh thái bình thịnh trị, vì Chúa “sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi”. Thành thánh vui mừng và Thiên Chúa cũng vui mừng vì Ngài hạnh phúc được ở giữa những người mà Ngài chuộc lại bằng tình thương. Thiên Chúa yêu thương con người và luôn muốn cứu chuộc tất cả mọi người. Đây là chân lý đã được tuyên xưng trên môi miệng các vị ngôn sứ trong lịch sử Cựu Ước. Thiên Chúa luôn mở rộng kho tàng ơn tha thứ và tình thương của Ngài. Phần chúng ta, chúng ta đã tích cực đến với Chúa như thế nào, đã khao khát phần thưởng thiên đàng ra sao và đã chuẩn bị con người mình bằng thái độ gì để đón chờ Chúa đến để giải thoát chúng ta?

            Bài đọc 2 trích thư của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philipphê. Thánh nhân cũng kêu gọi những tín hữu hãy vui lên: “Anh em hãy vui luôn trong Chúa!”. “Vui luôn trong niềm vui của Chúa” là điều cần thiết để chờ đợi ngày Chúa đến. Nhưng người tín hữu không chỉ vui mà quên mất hoàn cảnh mình đang sống. Niềm vui đó luôn đi kèm với những đau khổ phải chịu vì danh Chúa. Cuộc đời của Thánh Phaolô là mẫu gương cho niềm vui luôn dù gặp bao nhiêu bắt bớ vì rao giảng lời Chúa. Dù bị giam cầm, đố kỵ, vu khống, bị cản trở trong khi thi hành sứ vụ, Thánh nhân vẫn vui trong niềm vui của Chúa.

            “Đức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người”. Ôn hòa hay hiền lành là nhân đức nền tảng dựa trên lý trí và đức độ. Cả người lương dân và người Kitô giáo luôn cần đến nhân đức này. Còn gì tốt đẹp hơn là việc những người tín hữu làm gương mẫu bằng đời sống hiền hòa. Vì tất cả đều bắt nguồn từ hình ảnh mẫu mực của Chúa Giêsu “Đấng hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

            Người Kitô hữu luôn sống vui vẻ và hiền hòa vì chúng ta xác tín ơn cứu độ đã ở trong tầm tay và “Chúa đã gần đến”. Chính Chúa đã đến và ở giữa nhân loại, đã chịu tử nạn và phục sinh. Nhờ đó mà kỷ nguyên cứu độ đã mở ra và nó sẽ trở nên viên mãn vào ngày Chúa đến lần thứ hai. Ngày Chúa quang lâm là ngày mang niềm vui ơn giải thoát cho những kẻ tin là những ai đã gắn kết mật thiết với Chúa ngay từ bây giờ. Niềm vui trọn vẹn của chúng ta là ngay trong cuộc sống hiện tại được giải thoát bởi các bí tích thể hiện tình yêu Chúa và vào ngày tận thế, những ai tin và sống hết mình bằng lời Chúa sẽ được giải thoát đời đời. Chúng ta tin tưởng và phó thác trọn vẹn vào Chúa, vì vậy, không có gì làm chúng ta phải lo sợ. Ngược lại, chúng ta phải vui luôn. Bằng lời cầu nguyện và tâm tình tạ ơn thường xuyên để bày tỏ niềm tin vào ơn cứu chuộc của Chúa, chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào ơn giải thoát mà Chúa đã hứa ban. Nhờ đó, chúng ta được bình an trong tâm hồn, sự bình an xuất phát từ Thiên Chúa chứ không phải bởi thế gian.

            Để đạt được cuộc sống bình an như thế, chúng ta hãy lắng nghe các lời khuyên của Thánh Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng theo Thánh Luca hôm nay. Vai trò của Gioan là chuẩn bị lòng dân đón chờ Chúa đến. Vì vậy mà các bài giảng của Gioan đều xoay quanh những việc làm cụ thể trong đời sống để người dân hoán cải con người mình, hầu sẵn sàng đón Chúa đến.

            Đối với đám đông, những người xin chịu phép rửa và ước nguyện thăng tiến trên đường đức hạnh, Thánh Gioan khuyên: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Muốn thay đổi bản thân mình đầu tiên phải bắt đầu từ việc chia sẻ những gì mình có cho người khác. Tình tương thân tương ái vừa là nền tảng, vừa là chất kết dính đời sống cộng đoàn, cuộc sống của những người con cái Chúa với nhau.

            Với những người thu thuế, đây là những người bị coi là tham lam, hút máu đồng bào để vừa nộp thuế cho đế quốc Rôma, vừa để làm giàu cho bản thân. Chính họ là dấu hiệu của sự cai trị bởi đế quốc trên dân tộc của mình. Họ bị coi là phường trộm cướp, là tay sai của ngoại bang. Bằng thái độ khiêm tốn của người bị khinh bỉ, ghét bó, họ đã thành tâm hoán cải. Thánh Gioan khuyên họ: “đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”.

            Binh lính là những người thuộc các dân xung quanh được đặt ra để bảo vệ những người thu thuế. Họ cũng bị đồng hóa là tội lỗi cùng với những người thu thuế. Thánh Gioan khuyên họ: “Đừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.

            Đối với những người đang trông chờ vào Đấng Cứu Độ đến để giải thoát họ, nên họ tự hỏi: phải chăng Gioan là Đấng phải đến. Nhưng ông đã khẳng định: ông không phải. Với sự khiêm hạ, Thánh nhân nhận mình chỉ là tiền hô cho Đấng cao cả vô cùng đang đến: “tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Đấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa”. Phép rửa của Gioan chỉ là nghi thức chuẩn bị lòng dân, còn phép rửa của Đấng Quyền Năng sẽ là phép rửa bởi CTT và bởi lửa thanh luyện. Thánh Gioan là vị ngôn sứ cao cả trong dân, nhưng ông chỉ là người đi trước dọn đường cho Chúa. Ông tự nhận mình còn thua cả những người hầu hạ cho Đấng sẽ đến khi không đáng cởi quai dép cho Người. Gioan loan báo về chân dung của Đấng Cứu Thế như Vị Thẩm Phán sẽ chọn lựa người tốt ra khỏi những kẻ xấu như người cầm nia để rê sạch thóc lép với thóc chắc. Thóc chắc sẽ được đưa vào kho lẫm để cất giữ còn thóc lép sẽ bị ném vào lửa không hề tắt. Đó là viễn cảnh ngày chung thẩm, ngày Chúa đến và phán xét mọi người.

Tất cả lời Chúa dạy chúng ta hôm nay là tinh thần cần thiết để chờ đợi Chúa đến. Sống niềm vui trong thời gian đợi chờ là điều cốt yếu cho mọi tín hữu, kể cả những người chưa biết Chúa. Như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tông huấn “Hãy Vui Mừng và Hân Hoan”, số 2: “Mục tiêu khiêm tốn của tôi là lặp lại tiếng gọi nên thánh cách thực tế cho thời đại chúng ta, với tất cả những rủi ro, thách đố và thuận lợi”. Vâng lời vị Cha chung, chúng ta hãy sống xứng đáng với đức tin mình có và biểu lộ bằng niềm vui cùng với cuộc sống tốt lành. Cuối cùng, khi Chúa đến, chúng ta đã sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa bằng niềm vui của lòng tin son sắt và đời sống thánh thiện để hưởng ơn cứu độ muôn đời bên cạnh Chúa. Amen. 

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Trần Quốc Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập76
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm46
  • Hôm nay15,411
  • Tháng hiện tại361,127
  • Tổng lượt truy cập29,340,665

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây