Bài giảng lễ Chúa hiển linh

Thứ năm - 03/01/2019 03:27

BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH
(Is 60,1-6; Ep 3,2-6; Mt 2,1-12)


Kính thưa quí ông bà cùng anh chị em
Trong thần thoại Hy Lạp, có một vị thần vì thương nhân loại đã lấy lửa từ trời đem xuống thế gian, nhờ đó con người thoát khỏi sự tăm tối. Đó chính là Prômêthê.

Khi nhận thấy con người trần trụi. Làm thế nào để con người sống được ở giữa thế gian? Con người sẽ sống thế nào trước các con vật: Hổ, báo, voi, sói, sư tử…? Và rồi phải đương đầu với nắng mưa, bão tố,… biết bao tai họa khôn lường? Và vị thần này, liền băng ngay lên bầu trời cao, xa tít tắp, đến tận cỗ xe của thần Mặt Trời Hêliôx, lấy lửa của thần Mặt Trời châm vào ngọn đuốc của mình đem xuống trần gian, trao cho loài người. Và từ đó, thế gian, mặt đất lúc nào cũng rực cháy ngọn lửa của Prômêthê ban cho. Con người thoát khỏi cảnh sống tối tăm, giá lạnh. Ngọn lửa trở thành bạn thân thiết, người bảo vệ chắc chắn nhất, một vũ khí mạnh nhất của loài người. Ngọn lửa hơn hẳn bộ lông dày, hàm răng sắc, cặp móng nhọn. Và với ngọn lửa, con người từ thế hệ này qua thế hệ khác, tạo dựng cuộc sống ngày càng văn minh hạnh phúc.

Prômêthê đã lấy ngọn lửa, báu vật của các vị thần đem trao cho loài người. Việc làm đó khiến thần Dớt, chúa tể của các vị thần và người trần, căm tức. Thần Dớt phải trừng phạt loài người để cho Prômêthê biết rằng: Thần Dớt là một người có quyền lực, rằng sự hy sinh tận tụy của Prômêthê cho cuộc sống của loài người là vô ích. Tuy loài người trở thành bất tử nhờ ngọn lửa của Prômêthê, nhưng tội ác và tại họa cùng với biết bao điều xấu xa, điên đảo cũng trở thành người bạn đường bất tử của loài người. Vì lẽ đó, loài người chẳng thể có được cuộc sống đạo đức, văn minh, hạnh phúc như Prômêthê mong muốn. Thần Dớt phải trừng phạt Prômêthê để cho loài người biết cái giá phải trả cho hành động táo tợn, phạm thượng, dám cướp đoạt báu vật thiêng liêng độc quyền của thần thánh là đắt đến như vậy. Những kẻ nào nuôi giữ tấm lòng thương yêu loài người, bằng ham muốn thay đổi số phận loài người hãy lấy đó làm gương.

Thần Dớt ra lệnh bắt Prômêthê giải đến một đỉnh núi cao chót vót trong dãy núi Côcadơ, xiềng chặt Prômêthê vào đó. Prômêthê bị đày đọa, ban ngày dưới cái nắng cháy da, ban đêm dưới sương tuyết rét buốt thấu xương. Chưa hết, ngày ngày thần Dớt còn sai một con đại bàng đến mổ bụng ăn buồng gan của Prômêthê. Thần Dớt tưởng rằng dùng những cực hình đó, Prômêthê sẽ phải khuất phục quy hàng mình, phải từ bỏ lòng thương yêu loài người và thái độ chống đối đầy kiêu hãnh và thách thức đối với Dớt và thế giới thần linh. Nhưng Prômêthê trước sau như một, không hề run sợ. Và thật kỳ diệu và lạ lùng, ban ngày con ác điểu ăn đi bao nhiêu thì ban đêm buồng gan của Prômêthê lại mọc lại bấy nhiêu, nguyên vẹn, không hề có dấu vết của một tổn thương.

Kính thưa quí ông bà cùng anh chị em, Hài Nhi Giêsu, không đánh cắp ngọn lửa từ trời mà Ngài chính là Ngôi Lời Thiên Chúa, là “ánh sáng bởi ánh sáng” đã đến cư ngụ giữa thế gian. Ngài đã đem lửa từ trời xuống thế gian như lời Ngài nói:Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lc 12,49). Ngọn lửa của tình yêu thương từ cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài mong muốn mỗi người hãy đi thắp lên cho người khác ngọn lửa yêu thương. Ngài đã đem ánh sáng xuống trần để xua tan đêm tối, phá tan băng giá lòng người. Thế nhưng con người đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng. Và thánh Gioan Tông Đồ đã nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Trong đêm Giáng Sinh, nơi hang đá Bêlem, giữa đêm đông giá rét, muôn vật im lìm, thì trên thinh không muôn vàn thần thánh ca hát và báo tin cho các mục đồng, đang say giấc nồng, là những con người nghèo hèn, bé mọn đến thờ lạy Hài Nhi. Đó là điều Chúa muốn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Hôm nay, Hài Nhi Giêsu tỏ mình ra cho muôn dân qua điềm lạ ánh sao. Đó là điều mà tiên tri Isaia đã tiên báo: “Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60, 1-3).

Một ánh sao bừng sáng giữa bầu trời đêm thì không chỉ một ai đó nhìn thấy mà mọi người đều thấy nếu ngước mắt lên trời. Trong thư viết cho dân thành Êphêxô, thánh Phaolô đã tiết lộ cho họ biết một “mầu nhiệm”, đó là Thiên Chúa đã trao sứ mạng cho ngài đem ân sủng của Tin Mừng phân phát cho tất cả các dân. Nhờ Tin Mừng này, mọi dân tộc đều trở thành “đồng một thân thể” với nhau và với Đức Giêsu Kitô, hơn nữa họ trở nên “đồng thừa tự” để hưởng gia tài của Đức Giêsu và “đồng thông phần” với lời hứa cứu độ của Ngài.

Cùng một ánh sao mọi người đều thấy nhưng phản ứng của mỗi người mỗi khác. Các “đạo sĩ” là những nhà trí thức ở vùng Babylon phía Đông xứ Palestine. Do niềm tin có phần mê tín rằng ngôi sao lạ là điềm báo một Đấng cứu tinh đã sinh ra, họ đã đi theo ánh sao và tìm đến với Hài Nhi. Còn dân thành Giêrusalem, là những người đã được tiên báo từ ngàn xưa nhưng đã hoàn toàn im lặng, dù đã được nhắc nhở, “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Các Thượng tế và Kinh sư dựa vào Kinh Thánh mà biết chính xác nơi Hài Nhi mới sinh, biết nhưng không muốn ra đi. Còn vua Hêrôđê, muốn ra đi, “khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”, nhưng đó chỉ là một âm mưu. Đến để tiêu diệt chứ không phải thờ lạy.

Muôn dân đã ra đi, đại diện là ba nhà “đạo sĩ”, lần bước theo ánh sao và đến với Hài Nhi. “Họ vào nhà,..., liền sấp mình thờ lạy Người”. Còn chúng ta, được ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, có tiến bước, hay chỉ ngồi ì trong bóng tối của tội lỗi? Có muốn bước ra ánh sáng, bước theo ánh sáng để hưởng ơn cứu độ, hay để cho muôn dân tiến bước vào Nhà Chúa? Còn chúng ta thì bị loại ra ngoài. Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 28-29). Xin Chúa cho chúng ta luôn tìm thấy ánh sáng chân lý của Chúa, nhìn thấy ánh sao dẫn lối chỉ đường, bước đi trong ánh sáng và bước theo ánh sáng để được vào Nhà Chúa vui hưởng ơn cứu độ, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Đình Quốc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập68
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay19,233
  • Tháng hiện tại661,417
  • Tổng lượt truy cập28,976,786

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây