Bài giảng Chúa nhật 4 Mùa Vọng năm C

Thứ tư - 19/12/2018 21:12

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C
ĐÔI CHÂN HỒNG PHÚC


Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Trong thần thoại Hy Lạp, Asin được coi là một chiến binh vĩ đại nhất của quân Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troia. Ông là kết quả của một cuộc tình giữa người anh hùng trần thế, Pêlê và nữ thần biển Thêtix. Vì là người con hỗn hợp giữa một bên là phàm trần và một bên là thần thánh nên mẹ của chàng suốt đời chỉ chăm lo cho con được trở thành bất tử để sánh vai với các vị thần khác. Bởi lẽ, trong sáu lần sinh con trước, Thêtix đều đem tôi vào trong ngọn lửa của thần Prômêtê. Nhưng cả sáu đứa con đó đều không thể sống được dưới sức nóng của ngọn lửa.

Vì thế, đến người con thứ bảy là Asin, nữ thần Thêtix không đem tôi vào lửa nữa mà đem tôi vào nước của dòng sông âm phủ Xtích. Lần này thì nữ thần đã thành công. Nhưng tiếc thay khi tôi con vào nước sông âm phủ Xtích, bà đã quên không tôi chỗ gót chân của Asin là nơi tay bà cầm lấy con mình để nhúng vào nước. Vì thế Asin vẫn có thể chết, nghĩa là không thể bất tử vì chỗ gót chân của anh.

Do đó, ngày nay, thành ngữ “Gót chân Asin” người ta thường dùng chỉ để nơi hiểm yếu, nhược điểm của một con người, tổ chức hay một lực lượng nào đó. Đánh trúng, nhằm trúng “Gót chân Asin” có nghĩa là đánh trúng huyệt, nhằm trúng huyệt để hạ gục địch thủ của mình.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, câu chuyện thần thoại “Gót chân Asin” gợi nhắc chúng ta nhìn lại chuyến thăm viếng của Đức Trinh Nữ Maria đến nhà Bà Êlizabeth mà Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay nói đến, để qua đó mời gọi từng người cùng chiêm ngắm đôi chân, đôi gót hồng của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Rất Thánh của chúng ta.

Chúng ta thấy, trong câu chuyện “Gót chân Asin”, dù là một nữ thần và được coi là bất tử, nhưng Thêtix không thể mang lại sự bất tử ấy cho chính người con máu mủ của mình. Điều này cho chúng ta thấy rằng những gì thuộc về con người hay những gì mà con người tôn vinh lên làm thần thánh cũng không thể nào giải quyết cho chúng ta về vấn nạn về sự sống đời đời. Vì thế, điều này càng làm cho chúng ta xác tín hơn về quyền năng của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là Đấng làm cho con người được sống đời đời: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”(Lc 1, 37)

Quay trở lại với đôi chân, đôi gót hồng của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta cũng được nhắc lại lời nguyền xưa giữa Thiên Chúa và con rắn: một bên là Thiên Chúa đại diện cho sự sống đời đời, một bên là con rắn đại diện cho tội lỗi, cho sự tối tăm và là sự chết: Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người nữ. Người nữ ấy sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì rình cắn gót chân người (x. St 3,15). Thế nhưng, qua các đặc ân mà Mẹ Maria đã lãnh nhận từ Thiên Chúa có thể quả quyết cho chúng ta một điều: Mẹ đã được chiến thắng sự chết. Điều này cho thấy gót chân của Mẹ sẽ không còn là điểm yếu nữa; và đôi chân, đôi gót hồng của một cô gái liễu yếu đào tơ Maria sẽ thay bằng một đôi chân, đôi gót của sự sống; và là đôi chân, đôi gót của hồng phúc. Có thể nói, tất cả những gì Mẹ có đều xuất phát từ chính lời “Xin Vâng” một cách khiêm nhường tự hạ từ chính cõi lòng của Mẹ. Để rồi Mẹ đã được chính Sự Sống của Thiên Chúa bao trùm: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35). Và cũng chính lời “Xin Vâng” đó, Mẹ đã được diễm phúc ôm lấy Ngôi Lời của Thiên Chúa nơi cung lòng của mình, và để cho chính Ngôi Lời, là “ánh sáng bởi ánh sáng” (Kinh Tin Kính), là ngọn lửa, và là dòng nước đích thực tôi luyện Mẹ: “hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Như thế, Mẹ đã được Thiên Chúa đổi lấy sự chết của nhân loại nơi Mẹ để nhường chỗ cho sự sống thần linh vĩnh cữu của Ngài bằng chính nhờ lòng tin của Mẹ. Vì thế, chúng ta hãy tạ ơn Chúa và ngợi khen Mẹ như bà Êlizabéth đã làm: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này.”

Cộng đoàn thân mến, Mẹ đại diện cho nhân loại được diễm phúc đón nhận sự sống đời đời từ Thiên Chúa nhờ vào lòng tin, vì thế sự chết sẽ mãi mãi không thể cắn được gót chân Ngài. Do đó, sứ điệp lời Chúa hôm nay một cách nào đó như một lời thức tỉnh cuối cùng cho chúng ta để chúng ta thêm phần xác tín hơn trong Mầu Nhiệm Nhập Thể mà chúng ta sắp mừng kính trong đêm Giáng Sinh tới đây. Và hơn thế nữa, Thiên Chúa cũng muốn mời gọi chúng ta hãy xác tín thật mạnh mẽ vào Hài Nhi Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa thực sự. Chính sự hiện diện của Ngài nơi cung lòng của những ai đón nhận và ghi nhớ Lời của Ngài qua việc lắng nghe và đón rước Chúa thường xuyên thì sẽ có đôi gót, đôi chân chiến thắng sự dữ như Mẹ.

Hôm nay, hình ảnh của Đức Trinh Nữ Maria ra đi trên đôi chân đôi gót hồng phúc của mình để mang ơn cứu độ, mang sự sống vĩnh cửu đến chia sẻ niềm vui ấy với người chị họ của Mẹ là Bà Êlizabéth. Điều đó cũng muốn nhắc nhở chúng ra rằng: chúng ta sẽ có đôi chân hay đôi gót hồng phúc như Mẹ khi chúng ta có đức tin hoà lẫn với những hy sinh. Chính đức tin sẽ giúp chúng ta đạt đến quê trời vĩnh cữu. Còn những hy sinh sẽ giúp mỗi người tôi luyện chính đôi chân của mình trên những bước đường gian khó của dòng đời, là những gian nan thử thách của thế gian, ma quỷ và xác thịt. Đó cũng chính là sự tôi luyện của sự ra đi, ra đi để đón nhận, ra đi của cảm thông và ra đi để sẻ chia hòng đạt đến đức ái toàn hảo như lòng Chúa ước mong.

Nơi Giáo hội, sự hiện diện của Lời Chúa cùng với các Bí tích, cách riêng là Bí tích Giải tội chính là nơi Thiên Chúa đặt để lò tôi luyện của Ngài dành cho những ai khao khát chạy đến, hạ mình như Mẹ đáp lại lời “Xin vâng” để được diện kiến Thiên Chúa trên cõi vĩnh phúc.

Thiên Chúa đã đến mà người nhà của Ngài không hay biết; Thiên Chúa đã gõ cửa mà người nhà cũng chẳng nghe! (x. Ga 1, 10-11) Có thể chúng ta đang mê ngủ trong vòng xoáy của cuộc đời, hay trong căn phòng đóng kín của cõi lòng nên chúng ta không thể nghe được tiếng Chúa để rồi lời “Xin vâng” không thể toát lên nơi môi miêng chúng ta.

Vì thế, xin Mẹ hãy chỉ cho chúng ta nhận ra tiếng Chúa và cùng đi với chúng ta hòng giúp mỗi người được tôi luyện để được đôi chân của đức ai; đôi chân đạt đến sự sống đời đời – đôi chân hồng phúc như Mẹ. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Luy Hồ Trọng Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm42
  • Hôm nay16,322
  • Tháng hiện tại658,506
  • Tổng lượt truy cập28,973,875

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây