Lược sử Giáo xứ Cù Và

Thứ bảy - 25/12/2021 21:09

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ CÙ VÀ


I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Cù Và là một giáo xứ kỳ cựu của Giáo phận Qui Nhơn. Trung tâm sinh hoạt tôn giáo của giáo xứ trước năm 1967 thuộc thôn Cù Và, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quần thể trung tâm nầy có nhà thờ, nhà xứ, phước viện, cô nhi viện, trường học. Trong chiến tranh, toàn bộ cơ sở vật chất của giáo xứ đã hoang phế, bị bom đạn tàn phá, hiện nay không còn. Giáo xứ Cù Và đã từng là một giáo xứ sầm uất trong vùng Quảng Ngãi.

Vùng đất giáo xứ Cù Và thuộc miền núi huyện Sơn Tịnh. Sông Trà Khúc và phụ lưu của nó, sông Giang, như hai mạch máu cung cấp nguồn sống cho vùng đất nầy. Dòng sông Giang hợp thủy với sông Trà Khúc tại Tịnh Giang như đôi bàn tay của mẹ đất đang ôm ấp đứa con Tịnh Giang của mình. Nước sông Trà Khúc chảy ra Cửa Đại tạo nên thủy lộ thuận lợi cho cư dân trong vùng. Ngày nay có tỉnh lộ 623 nên việc giao thông đường thủy không còn thịnh hành. Ngày xưa, việc giao lưu hàng hóa, buôn bán giữa miền xuôi và miền ngược trên thủy lộ nầy khá nhộn nhịp. Đường mía, lúa gạo, hồ tiêu… từ miền núi và các vùng ven sông Trà Khúc được ghe bầu tập trung về Cửa Đại để chuyển đi các nơi. Hồ tiêu từ Tịnh Giang đã nổi tiếng một thời "Hồ tiêu gởi xuống, cá chuồng gởi lên". Ngày xưa, Cù Và được gọi là miền đất "dễ ăn khó ở" vì có nhiều lúa gạo và các loại lâm thổ sản khác, tuy nhiên phải thường xuyên chống chọi với sốt rét và các bệnh tật khác.

Giáo xứ Cù Và được tái lập năm 2021, với địa bàn gồm các xã, Tịnh Minh, Tịnh Bắc, Tịnh Hiệp, Tịnh Đông, Tịnh Giang thuộc huyện Sơn Tịnh, và hai huyện miền núi là Sơn Hà và Sơn Tây của tỉnh Quảng Ngãi.

II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ
1. Nguồn gốc
Trong danh sách nhà thờ, nhà nguyện năm 1747 do cha Jakob Graff thống kê phần Dòng Tên phụ trách trong tỉnh Quảng Ngãi có 20 họ đạo, trong số đó có Bo Ai (Bờ Ải, sau  này là Vạn Lộc) 80 giáo dân, Phuang-Chuoi (Phường Chuối, sau này nhập vào Tân Lộc) 30, là những họ đạo thuộc giáo xứ Cù Và ngày nay.[1] Không thấy có tên Cù Và.

Tuy nhiên, theo báo cáo năm 1748 của Đức cha Bennetat, phụ tá của Đức cha Lefèbvre, Đại diện Tông tòa giáo phận Đàng Trong, gởi về Chủng viện Thừa Sai Paris, lúc bấy giờ vùng Quảng Ngãi có khoảng 2.000 tín hữu trong 20 họ đạo do các thừa sai dòng Tên phụ trách, trong đó có Cù Và.[2]

Trong số các thừa sai Paris làm việc tại Quảng Ngãi ở giai đoạn tiền bán thế kỷ XIX, cha François Bringol Xuyên qua đời tại Phước Thọ ngày 22 tháng 12 năm 1841.[3]
Trong thống kê năm 1850 của Đức cha Cuenot Thể [4], vùng Quảng Ngãi được chia làm hai địa sở : địa sở Nam có 10 họ đạo và địa sở Bắc có 19 họ đạo. Trong số 19 họ đạo của địa sở Bắc Quảng Ngãi có những họ đạo ngày nay thuộc giáo xứ Cù Và, đó là Thanh Cù (Cù Và) với 394 tín hữu, Bàn Cờ 91, Tân Lộc 314, Phước Thọ 251, Đồng Cọ 172.

Căn cứ vào hai sử liệu nầy và tiểu sử của các thừa sai, Cù Và đã đón nhận Tin Mừng từ trước năm 1747. Để có thể nắm bắt được phần nào tiến trình lịch sử của giáo xứ Cù Và, chúng ta chỉ có thể lần theo tiểu sử các linh mục phụ trách Cù Và, các báo cáo hằng năm của các Giám mục và các thống kê tình hình truyền giáo hằng năm của giáo phận. Trong thời kỳ phôi thai của việc truyền giáo, một linh mục thừa sai có thể phụ trách cả một vùng truyền giáo rộng lớn, rày đây mai đó, ít khi “thường trú” một nơi. Một khi giáo điểm nào phát triển mạnh, có đông tín hữu và số linh mục có thể đáp ứng được thì giáo điểm ấy có thể có một linh mục đến ở thường xuyên và phụ trách các giáo điểm xung quanh. Theo tiểu sử các linh mục còn được lưu giữ, hiện biết cha Vệ là linh mục đầu tiên được bổ nhiệm làm việc tại Cù Và, sau khi được Đức cha Cuenot Thể truyền chức linh mục vào khoảng năm 1850.
Năm 1873, cha Constant-Julien Fourmond (cố Thảo) được bổ nhiệm đến Quảng Ngãi, phụ trách Phú Hòa và Trung Tín. Năm 1875, ngài kiêm nhiệm thêm Cù Và. 

2. Địa sở Cù Và
- Từ năm 1878 đến năm 1943
- Cha André Garin Châu (1878-1885)
Cha André Garin thụ phong linh mục ngày 16 tháng 03 năm 1878, học tiếng Việt tại Làng Sông. Cũng trong năm 1878, cha được bổ nhiệm phụ trách vùng Bắc Quảng Ngãi, trú sở Cù Và. Hiện nay chưa tìm được nguồn tài liệu nào cho biết có thừa sai phụ trách vùng Nam Quảng Ngãi vào lúc bấy giờ. Có thể vì sự khan hiếm thừa sai nên cha Garin Châu phụ trách cả vùng Nam Quảng Ngãi, vì thế năm 1880, cha thành lập họ đạo Văn Bân ở vùng Nam Quảng Ngãi[5].
Trong thời gian ấy tỉnh Quảng Ngãi đang trải qua một nạn đói khủng khiếp cướp đi sinh mạng rất nhiều người. Theo lời tường thuật của cha Garin, vào năm 1879 dân số tỉnh Quảng Ngãi giảm xuống gần một nửa. Tại họ đạo Phước Thọ có tất cả 400 tân tòng thì có đến 15 người chết trong vòng 6 đến 7 ngày.[6] Cha ở tại Cù Và, nhưng kiêm nhiệm công việc mục vụ tại Phú Hòa. Sau thời gian làm việc, cha đã thành lập 40 điểm truyền giáo, xây dựng và tái thiết rất nhiều nhà thờ, lập nhà thương tại Phú Hoà, mở rộng ranh giới địa sở. Năm 1885, địa sở Cù Và có 10 họ đạo với khoảng 3.000 tín hữu: Cù Và, Chà Là, Phường Chuối, Chợ Mới, Vạn Lộc, Bàn Cờ, Phước Thọ, Phước Lâm, Đồng Cọ, Tân Lộc (Bờ Ải).
Chiều ngày 17 tháng 7 năm 1885, cha Garin rời khỏi Cù Và trên lưng ngựa “phi nước đại” đi đến an ủi giáo dân tại Phường Chuối, một họ đạo lớn có nhà phước Mến Thánh Giá và hai nhà mồ côi trai và gái. Dọc đường cha bị truy đuổi, và khi cha vừa đến nơi, giáo dân đã tuôn đến xin xưng tội để chịu chết. Sáng ngày 18 họ đạo bị bao vây và hàng trăm tín hữu trốn vào nhà thờ cùng với cha Garin. Quân Văn Thân đến vây nhà thờ và nổi lửa đốt. Cha Garin mặc lễ phục đứng tại bàn thờ cầm thánh giá ban phép lành cho dân lần cuối, rồi tất cả cùng bị thiêu sống trong nhà thờ.[7] Một số giáo dân trốn lên núi nhưng phần đông không thấy trở về, khoảng 160 người trốn được ra Quảng Nam hiệp với giáo dân Trà Kiệu của cha Bruyère Nhơn kháng cự lại Văn Thân.

- Cha Triết (1887-1888)
Năm 1887, số giáo dân Trung Tín và Cù Và chạy ra Quảng Nam trốn Văn Thân hồi hương. Lúc bấy giờ, Đức cha Camelbeke Hân bổ nhiệm hai linh mục Việt Nam đến Quảng Ngãi, một cha phụ trách phía Bắc và một cha phụ trách phía Nam, để giúp đoàn giáo dân hồi cư cũng như tìm kiếm những người còn thất lạc. Cha Triết được bổ nhiệm phụ trách vùng Bắc Quảng Ngãi. Cha thường di chuyển làm việc giữa Trung Tín và Cù Và trong khoảng thời gian một năm. Sau đó cha được bổ nhiệm làm việc tại Quảng Nam. Cha qua đời tại Phú Thượng, Quảng Nam năm 1905.

- Cha Jean-François Gagnaire Định (1888-1890)
Tháng 6 năm 1888, cha Jean-François Gagnaire (cố Định) được bổ nhiệm đến Cù Và và ở đây hai năm. Cha an ủi, ổn định đời sống tín hữu sống sót sau Văn Thân. Sau 2 năm phục vụ, cha đã làm cho địa sở tăng thêm được 70 tín hữu mới. Tháng 12 năm 1890, cha được bổ nhiệm về Làng Sông.

- Cha Joseph Panis Ngãi (1891-1894)
Khi cha Gagnaire về Làng Sông, đầu năm 1891 cha Joseph Panis (cố Ngãi) từ Làng Sông về Cù Và. Cha tiếp tục ổn định Nhà phước Mến Thánh Giá, nhà mồ côi và đời sống giáo dân. Lúc bấy giờ địa sở Cù Và có 733 tín hữu được phân bố trong 8 họ đạo. Cha quan tâm đặc biệt đến việc tìm kiếm những tín hữu đã bỏ đạo trong cuộc bách hại và đưa họ về với Chúa. Những người này sống ngoài đàn chiên Hội Thánh một phần vì còn e sợ những tai họa khác có thể xảy đến cho họ như cuộc bách hại vừa qua của Văn Thân.[8]

- Cha Antoine Sudre Thọ (1894-1909)
Tháng 7 năm 1894, cha Panis được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu chủng viện Đại An và cha Antoine Sudre (cố Thọ) đang ở Trung Tín, một người bạn chí cốt của cha Panis, được bổ nhiệm về Cù Và. Với tài tháo vát và năng động, cha Sudre xây dựng lại nhà thờ khang trang bằng vật liệu rắn chắc, chỉnh trang nhà xứ, nhà phước Mến Thánh Giá, nhà mồ côi. Năm 1903, tại Cù Và có một cộng đoàn với 38 dì phước và 2 nhà mồ côi, như một bằng chứng hùng hồn trước mặt lương dân về đức bác ái. Số người lớn chịu phép rửa tội trong năm ấy là 86 người. Tương lai hứa hẹn một mùa bội thu các linh hồn. Địa sở lúc ấy gồm có 9 họ đạo đạo với 1.467 tín hữu. Cha cũng tổ chức làm xe nước, dẫn thủy nhập điền, tưới cho hơn 300 mẫu ruộng dọc theo sông Trà Khúc, đóng góp rất nhiều vào sự thịnh vượng của cả vùng.[9]
Sau 15 năm sống chết với dân Cù Và, khoảng giữa tháng 6 năm 1909 cha ngã bệnh, được đưa về Hồng Kông, sau đó về Pháp để điều trị. Cha đã để lại nơi lòng dân niềm thương niềm nhớ “ông cố” thương dân.

- Cha Jean-Marie Guéno Nghiêm (1909-1910)
Năm 1909, cha Jean-Marie Guéno (cố Nghiêm) được bổ nhiệm đến Cù Và và ở đây được một năm sáu tháng.

- Cha Charles Vallet Thanh (1910-1914)
Năm 1910 cha Charles Vallet (cố Thanh) được bổ nhiệm đến Cù Và làm việc cho đến năm 1914.

- Cha Alexis François Boivin Nhã (1914-1923)
Tháng 4 năm 1914, cha Alexis François Boivin (cố Nhã) được đưa về làm cha sở Cù Và. Vào thời điểm ấy Cù Và có 800 tín hữu. Khi mới về nhận địa sở, cha phàn nàn về ảnh hưởng không tốt của một số chức việc: tham vọng, ham hố, háo danh, hay cãi cọ, v.v.[10] Tuy nhiên, sau đó số giáo dân tăng nhanh. Số thầy giảng không đủ để đáp ứng số người xin học đạo. Năm 1921, địa sở Cù Và có 10 họ đạo, 1.672 tín hữu, 1 phước viện với 27 nữ tu Mến Thánh Giá. Năm 1922, số giáo dân lên đến 1.725 người.[11] 
Sau 9 năm phục vụ, ngày 19 tháng 6 năm 1923, cha Poyet và cha Laborier đến thăm và phát hiện cha đang lâm trọng bệnh. Cha được đưa về Quảng Ngãi để khám bệnh, liền sau đó chuyển về bệnh viện Qui Nhơn. Khoảng 3 giờ sáng ngày 27 tháng 6 năm 1923, cha trút hơi cuối cùng.

- Cha Pierre Santuaire Khánh (1923-1926)
Cố Nhã qua đời, cha Pierre Santuaire (cố Khánh) được bổ nhiệm đến Cù Và. Năm 1925, cha đã mở trường dạy chữ Quốc ngữ cho dân theo lời kêu gọi của Đức cha Grangeon Mẫn, Đại Diện Tông Tòa giáo phận Đông Đàng Trong. Tháng 7 năm 1926, cha phải về Pháp để an dưỡng.

- Cha Lucien Escalère Dõng (1926-1930)
Tiếp theo là cha Lucien Escalère (cố Dõng) từ năm 1926 đến năm 1930. Vào năm 1928, Cù Và là địa sở đông giáo dân nhất trong tỉnh Quảng Ngãi với 1.877 tín hữu, có phước viện Mến Thánh Giá và cô nhi viện.

- Cha Marius Jean Gioan (1930-1932)

- Cha Tôma Nguyễn Đức Luận (1932-1947)
Sau cố Gioan, địa sở Cù Và bắt đầu được giao cho các linh mục Việt Nam chăm sóc. Cha sở Việt Nam đầu tiên là cha Tôma Nguyễn Đức Luận. Khi còn là đại chủng sinh ngài tên là Cao, khi làm linh mục đổi tên là Luận, vì trùng tên với cha Cao quê Mỹ Trang, Nước Nhỉ. Năm 1932, cha được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và. Cha không chỉ có sức khỏe tốt mà còn có tiếng cẩn thận. Cha xây dựng và chỉnh trang trường học cho con em trong vùng.
Nhằm phát triển đời sống siêu nhiên nơi các em thiếu nhi bằng việc rước lễ sớm, sốt sắng, thường xuyên, cũng như bằng việc cầu nguyện và hy sinh, địa phận đã thành lập Hiệp hội Nghĩa binh Thánh Thể cho các thiếu nhi. Năm 1936, cha Luận đã thành lập Hiệp hội này tại Trà Câu. Đây là hiệp hội thứ ba trong địa phận, sau Nước Nhỉ và Gia Hựu. Từ đó hiệp hội này sẽ tiếp tục được thiết lập ở những địa sở khác như một hoạt động Công giáo tiến hành.[12]
Năm 1940, địa sở Cù Và có 2.254 tín hữu : Phước viện Mến Thánh Giá, 2 cô nhi viện và họ đạo Cù Và (768), Phước Thọ (224), Tân Lộc (292), Đồng Cọ (235), Vĩnh Tuy (37), Phước Lâm (408), Vạn Lộc (162), Thạch An (113), An Châu (15). Lúc bấy giờ có cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu làm phó biệt lập, ở tại Tân Lộc.
Năm 1943, các họ đạo Tân Lộc, Đồng Cọ, Vĩnh Tuy và Thạch An được tách khỏi địa sở Cù Và để thành lập địa sở Tân Lộc. Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi.

- Từ năm 1943 đến năm 1961
Sau 15 năm hết tình hết mình với địa sở, năm 1947, cha Tôma Nguyễn Đức Luận qua đời tại Cù Và, được an táng tại họ đạo Phước Lâm (nay thuộc thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa).

- Cha Simon Huỳnh Sánh (1947-1960)
Cha Tôma Luận qua đời, cha Simon Huỳnh Sánh được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và (1947-1960). Trong thời cha Sánh làm cha sở Cù Và, khoảng cuối năm 1951, cha Phêrô Đặng Quyền Huy, Bề trên địa phận Qui Nhơn đến ở tại Cù Và để gần gũi, tiện việc liên lạc với Ủy ban kháng chiến Liên khu 5 đang đóng ở Chợ Chùa. Tại đây, cha sống rất khắc khổ trong căn phòng nhỏ hẹp, một cái bàn, vài cái ghế cũ kỹ, không võng, không ghế xếp. Ngoài giờ đọc sách, nhiều lần trong ngày cha đến với Chúa Giêsu Thánh Thể rất lâu giờ. Sau Hiệp định Genève 14/07/1954, cha trở về Bình Định, ở tại nhà Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị.
   Theo đúng Qui chế Giáo luật, ngày 30 tháng 01 năm 1958 Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục giáo phận đã ký quyết định công bố hàng giáo xứ bán chính thức (Quasi paroisse) các nơi sau đây: Đà Nẵng, Trà Kiệu, Cù Và, Gia Hựu, Nhà Đá, Gò Thị, Qui Nhơn và Mằng Lăng.[13]

- Cha Đôminicô Châu Phận (1960-1967)
Năm 1960, cha Simon Huỳnh Sánh được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại chủng viện Qui Nhơn, cha Đôminicô Châu Phận được bổ nhiệm làm cha sở Cù Và.

- Từ năm 1961 đến năm 1975
Theo quyết định của Hội đồng Giáo phận họp tại Tòa Giám mục Qui Nhơn ngày 06 tháng 02 năm 1961, giáo xứ Cù Và được tuyên bố là một trong số 49 giáo xứ chính thức theo giáo luật (Paroecia) trong Giáo phận Qui Nhơn (lúc ấy chưa chia tách Giáo phận Đà Nẵng).[14] 
Khoảng ba tháng cuối năm 1965, do chiến tranh, giáo dân Cù Và phải di cư đến Phú Hòa, trại tạm cư Phú Hòa được thành lập. Trên danh nghĩa cha Phận là cha sở Cù Và, nhưng việc mục vụ đối với số giáo dân di cư này do cha Gioan Baotixia Đỗ Trung Thanh, cha sở Thu Xà, đảm trách.

- Cha Augustinô Nguyễn Thanh Long (1967-1968)
Năm 1967, cha Phận về nghỉ hưu, cha Augustinô Nguyễn Thanh Long đến thay thế. Năm 1968, phần lớn giáo dân Cù Và ở trại tạm cư Phú Hòa di cư đến Thu Lộ và nhập vào đoàn giáo dân Trung Tín di cư do cha Phaolô Huỳnh Ngọc Cảnh phụ trách. Năm 1972, cha Cảnh dẫn số giáo dân nầy vào lập nghiệp tại Căn Cứ 2, Xuân Lộc, Long Khánh, lập thành giáo xứ Trung Ngãi, nay đổi tên là Tân Ngãi.
Theo lời cụ Phêrô Nguyễn Đình Trân, giáo dân Cù Và ở giáo xứ Trung Ngãi, giáo phận Xuân Lộc, khi đi tản cư, một số sổ sách của giáo xứ Cù Và được giao cho cha Giuse Trần Ngọc Châu. Cũng theo cụ Trân, hiện nay anh Nguyễn Tấn Ích (Hoài) ở tại giáo xứ Hiệp Đức còn lưu giữ cây thánh giá gẫm đàng và viên đá thánh bàn thờ của nhà thờ Cù Và.

3. Giai đoạn thuộc giáo xứ Phú Hòa
Sau khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, nhiều giáo dân di cư không hồi cư vì đã lập nghiệp ổn định tại những nơi đang sinh sống. Chỉ một số ít trở về quê hương và sống rải rác trong các giáo họ. Tuy nhiên, tất cả cơ sở vật chất của các giáo họ đều bị tàn phá, vì vậy toàn bộ giáo xứ Cù Và được sáp nhập vào giáo xứ Phú Hòa, dưới sự chăm sóc mục vụ của cha Gioan Baotixita Đỗ Trung Thanh.
Từ năm 1999, cha Tađêô Lê Văn Ý, cha phó Phú Hòa, lên làm việc mục vụ tại hai giáo họ Phước Thọ và Cù Và trong xã Tịnh Giang, thấy tình hình sống đạo còn khô khan và còn qúa nhiều khó khăn, số người công khai giữ đạo Chúa rất ít, phần đông còn sợ sệt, nhút nhát rụt rè. Ngày 19 tháng 3 năm 2001 cha thử đến dâng lễ bổn mạng cho giáo họ Phước Thọ tại nhà một giáo dân nhưng bị chính quyền ngăn cản. Tuy nhiên, từ năm 2003 cho đến năm 2013 cha có thể dâng lễ bổn mạng cho hai giáo họ Phước Thọ và Cù Và.
Tháng 5 năm 2001 cha dời mộ cha François Bringol (Cố Xuyên) về bên khu mộ Tử đạo taị Phước Thọ, vì mộ cố Xuyên sát bờ sông đầu nguồn Trà Khúc, có nguy cơ bị mất vì sạt lở. Ngày 24 tháng 5 năm 2001 cha tiến hành xây dựng khu mộ Tử đạo này, nhưng bị cản trở, mãi cho đến năm 2014 mới hoàn thành.
Từ cuối tháng 11 năm 2007 cha được đặt làm quản nhiệm giáo xứ Phú Hòa. Tháng 6 năm 2009 cha mua một thửa đất tại Phước Thọ để làm cơ sở xây dựng nhà thờ thay cho nhà thờ địa sở Cù Và.
Tháng 9 năm 2009, cha được bổ nhiệm làm cha sở Phú Hòa. Tháng 11 năm 2009 cha đã làm đơn xin các cấp chính quyền cho phép xây dựng nhà thờ Phước Thọ, thay cho nhà thờ Cù Và. Cha tiến hành xây lại mộ cha André Garin Châu ở Tân Lộc (2010), mộ thầy giảng Thomas An, sinh 1910, con của Alazare ở Pondichery, qua đời năm 1933 tại Cù Và và được an táng tại đây.
Từ giữa năm 2012 cha có thể dâng lễ Chúa nhật tại Phước Thọ cho giáo dân từ Sơn Hà, Sơn Tây trở xuống Tịnh Giang nhờ đăng ký với chính quyền xã Tịnh Giang
Đáp lại đơn xin năm 2009 về việc xây dựng nhà thờ Phước Thọ, ngày 22 tháng 01 năm 2014 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định 307/UBND-NQ chấp thuận theo đơn xin. Tuy nhiên mãi đến đầu tháng 5 năm 2015 cha mới nhận được văn bản này.
Trong tháng 5 năm 2015, cha tiến hành lập hồ sơ xây dựng nhà thờ Đức Mẹ Phước Thọ, nhờ một giáo dân giáo xứ Quảng Ngãi là ông Huỳnh Kim Lập, tập đoàn Thiên Tân, can thiệp giúp đỡ hồ sơ và hứa giúp đỡ phần lớn kinh phí. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2015 cha mua một thửa ruộng và tiến hành mở một con đường từ tỉnh lộ đi ngang qua đó đến đất xây dựng nhà thờ Phước Thọ.
Ngày 07 tháng 10 năm 2015, cha Phêrô Maria Hà Đức Ngọc được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Phú Hòa thay thế cha Tađêô Lê Văn Ý. Cha Ngọc tiến hành đi thăm mục vụ toàn giáo xứ Phú Hòa, đặc biệt tại địa bàn giáo xứ Cù Và cũ.
Để phục vụ nhu cầu sống đạo của giáo dân ở vùng xa và không có nhà thờ, sau thời gian trao đổi với chính quyền các cấp, cha đã gia tăng việc dâng thánh lễ tại những nơi trước đây đã có thánh lễ hàng tuần, như cử hành lễ Giáng sinh 2017, lễ ba ngày Tết 2018, Tuần thánh và lễ Phục sinh 2018 tại nhà giáo dân ở Phước Thọ. Ngoài ra, cha bắt đầu cử hành thánh lễ bổn mạng của các giáo họ tại nhà giáo dân ở những nơi không có nhà thờ. Cụ thể, tại giáo họ Truyền Tin ở huyện Sơn Tây (09.4.2018); tại giáo họ Thánh Gioan Tẩy Giả, xã Sơn Hải, huyện Sơn Hà (24.6.2018); tại giáo họ Đồng Cọ xã Tịnh Đông (28.6.2018); tại giáo họ Tân Lộc xã Tịnh Bắc (14.8.2018); tại giáo họ Mân Côi, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà (07.10.2018); tại giáo họ Vạn Lộc xã Tịnh Bắc (07.10.2018); tại giáo họ Tân An, xã Tịnh Đông, lễ Bổn mạng Matthia (14.05.2019).
Ngày 09 tháng 8 năm 2018, Đức cha Mátthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận đã đến cử hành thánh lễ làm phép và đặt viên đá xây dựng nhà thờ Cù Và tại Phước Thọ. Tuy nhiên, do thay đổi bản thiết kế, nên phải xin giấy phép xây dựng mới. Ngày 19 tháng 03 năm 2019, chính quyền cấp giấy phép xây dựng mới và ngày 25 tháng 03 năm 2019 khởi công xây dựng nhà thờ.

4. Tái lập giáo xứ Cù Và

 


Sau gần 3 năm xây dựng, nhờ sự đầu tư chính của ông Huỳnh Kim Lập, cộng với công sức của cha Phêrô Hà Đức Ngọc, cha sở Phú Hòa, những đóng góp của các ân nhân và anh chị em giáo dân, cuối năm 2021 công trình xây dựng nhà thờ đã gần xong và có thể đưa vào sử dụng. Ngày 24 tháng 12 năm 2021, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký quyết định tái lập giáo xứ Cù Và và quyết định bổ nhiệm linh mục Carôlô Nguyễn Phan Huy Dũng làm chánh xứ. Hai quyết định này được công bố trong thánh lễ đêm Giáng sinh, 24 tháng 12 năm 2021 do Cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện, chủ sự. Nghi thức nhậm chức đơn giản của cha tân chánh xứ cũng được cử hành trong thánh lễ này. Cha tân chánh xứ sẽ đẩy mạnh công việc mục vụ và truyền giáo trong địa bàn giáo xứ, đồng thời tiếp tục hoàn thiện tháp chuông, xây dựng nhà xứ, nhà sinh hoạt, các công trình phụ, bờ tường, cổng ngõ, sau đó sẽ tổ chức thánh lễ cung hiến nhà thờ.
 


Theo số liệu cuối năm 2020, giáo xứ Cù Và được tái lập gồm có 143 gia đình, 440 giáo dân, được phân bố trong 10 giáo họ. Giáo họ Cù Và: 30 gia đình, 83 giáo dân; giáo họ Phước Thọ: 33 gia đình, 94 giáo dân; giáo họ An Hòa: 10 gia đình, 33 giáo dân; giáo họ Tân Lộc: 5 gia đình, 11 giáo dân; giáo họ Vạn Lộc: 14 gia đình, 40 giáo dân; giáo họ Đồng Cọ và Tân An: 15 gia đình, 43 giáo dân; giáo họ Gioan Tẩy Giả và Mân Côi: 25 gia đình, 89 giáo dân; giáo họ Truyền Tin: 11 gia đình, 47 giáo dân.

 


[1] Xem ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823. Documents historiques II, 1728-1771, P. Téqui, Paris 1924, tr. 189.

[2] Compte-rendu Sept 1939-Sept.1940, Imp. De Qui Nhon 1940, tr. 2.

[3] Nguyên mộ của cha nằm sát bờ sông Giang, nhánh sông đầu nguồn của sông Trà Khúc. Giáo dân Phước Thọ đã cải táng, đưa cha về an nghỉ bên phần mộ tử đạo ở Phước Thọ.

[4] Mission de Qui Nhơn,  Mémorial N.58, 31 Oct.1909, trang 151.

[5] Ngày nay Văn Bân thuộc xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức.

[6] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1879.

[7] Ngôi mộ của cha đã được xây lại từ năm 2010.

[8] AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1891.

[9] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1903.

[10] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1914.

[11] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1921 và 1922.

[12] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1936.

[13] Thông tin Địa phận số 03/1958, tr.03

[14] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5 và 6 năm 1961, tr. 13.

Tác giả bài viết: BBT Lịch sử Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm49
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay24,137
  • Tháng hiện tại638,894
  • Tổng lượt truy cập28,954,263

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây