Lược sử Giáo họ biệt lập Ba Tơ

Chúa nhật - 26/06/2022 03:24

GIÁO HỌ BIỆT LẬP BA TƠ
Bổn mạng: Thánh Giuse – mừng ngày 01.5

         
I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Giáo họ biệt lập Ba Tơ bao gồm phần đất huyện Ba Tơ,[1] tỉnh Quảng Ngãi. Trung tâm sinh hoạt của giáo họ là nhà nguyện Ba Tơ, thôn Nước Lang, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ. Từ ngã ba Thạch Trụ trên Quốc lộ I A, theo Quốc lộ 24 khoảng 37 km, nhà nguyện Ba Tơ tọa lạc bên phía Nam trục đường Quốc lộ 24.
 

Ba Tơ là một huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vùng đất cư trú lâu đời của dân tộc Hrê, chiếm 84% dân số Ba Tơ, còn lại là Kinh và các dân tộc khác (năm 2021). Ba Tơ là huyện có diện tích rộng nhất trong tất cả các huyện của tỉnh Quảng Ngãi, hơn 1/5 diện tích toàn tỉnh. Diện tích rộng nhưng núi rừng chiếm 4/5 diện tích của huyện, địa hình giao thông trắc trở. Núi nhiều, sông suối nhiều, sông suối rừng Ba Tơ là thượng nguồn của các sông lớn của Quảng Ngãi:

            - Sông Rhe là thượng nguồn của sông Trà Khúc.
            - Sông Liên là thượng nguồn của sông Vệ.
            - Sông Vực Liêm là thượng nguồn của sông Trà Câu.

Dọc theo thung lũng và các sông suối, có những chỗ đất trũng được khai thác làm lúa nước nhưng phương pháp canh tác lạc hậu, diện tích ít, không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực hằng ngày. Cư dân Ba Tơ còn phải nhờ đến những sản vật tự nhiên của rừng núi và sản phẩm ngô khoai từ nương rẫy. Thật vậy, câu tục ngữ “Tối ăn khoai rồi đi ngủ, sáng ăn củ rồi đi làm” có thể phản ảnh phần nào thực trạng đời sống của cư dân Ba Tơ một thời.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. Thời kỳ trực thuộc giáo xứ Trà Câu
Giữa cảnh sống lam lũ ấy, cha Antôn Hoàng Liên Mầu, cha sở Trà Câu (1952-1956), đã đem hạt giốngTin mừng gieo vãi trên vùng đất nầy. Kết quả công cuộc truyền giáo cho những người con của núi rừng Ba Tơ đã được cha Stêphanô Nguyễn Văn Bích, cha sở Trà Câu (1958-1973), kể lại: “ Riêng giáo họ Ba Tơ nằm mãi tận trong buôn làng của dân tộc thiểu số, chúng tôi phải vất vả mỗi lần tới đó. Có lẽ phải nói rằng, ông Đỗ Quyên, chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Trà Câu là người sát cánh nhất với tôi trong công cuộc truyền giáo ở vùng đó… Giáo họ Ba Tơ, một họ đạo nằm mãi tận nơi rừng sâu, hằng ngày chỉ nghe tiếng chim kêu, vượn hú vậy mà chỉ sau vài năm phong trào Công giáo tiến hành hoạt động, số giáo hữu ở đây đã gia tăng lên gấp đôi, từ chỗ 70 người khi tôi mới về coi sóc (1958), đến năm 1960 con số giáo dân đã là trên dưới 150 người.” [2]

Tin mừng nẩy mầm và lớn lên trên vùng đất nầy chưa kịp đâm cành sum suê thì cuộc chiến (1965-1975) đã làm cho héo tàn.

Như vậy, giáo họ Ba Tơ nguyên thủy thuộc giáo xứ Trà Câu, trong thời gian chiến tranh hầu hết bà con di cư và không trở về, một số ít ỏi bà con ở lại địa phương. Vì hoàn cảnh chiến tranh, sống đạo khó khăn nên đức tin đã mai một dần. Hiện tại chỉ còn một cụ bà giáo dân gốc Ba Tơ, người Kinh, thường gọi là Bà Chín. Ngày nay trong ký ức một số ít người lớn tuổi ở địa phương còn biết chỗ “Bà Bế Con” ngày xưa, nay là nhà của một người dân tại tổ dân phố Tài Năng, thị trấn Ba Tơ.

2. Thời kỳ trực thuộc giáo xứ Bàu Gốc
Sau khi giáo xứ Trà Câu bị chiến tranh tàn phá, giáo họ Ba Tơ được các cha sở Bàu Gốc chăm sóc mục vụ :
- Cha Giuse Tô Đình Tiên (1952-1989).
Trong chiến tranh, cha Giuse và một số ít giáo dân từ Bàu Gốc di cư đến Vĩnh Phú. Nhà thờ giáo họ Vĩnh Phú được cha xây dựng vào năm 1958. Cha ở đây cho đến năm 1989, cha nghỉ hưu. Trên thực tế, giáo họ Ba Tơ trực thuộc giáo xứ Bàu Gốc, tuy nhiên giáo dân Ba Tơ chưa biết nhà thờ Vĩnh Phú ở chỗ nào.

- Cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh (1989-2015).
Năm 1983, một vài giáo dân từ tỉnh Nam Định thuộc giáo phận Bùi Chu vào Ba Tơ làm nghề cưa xẻ gỗ ván bằng thủ công. Nghề nghiệp khổ cực và không ổn định nên hầu hết trở về quê, chỉ còn ông Vinh Sơn Nguyễn Ngọc Ký bám lại.

Sau thời gian nắm bắt địa hình, thổ nhưỡng, phong tục tập quán cư dân Ba Tơ, ông Vinh Sơn Nguyễn Ngọc Ký kêu gọi bà con dòng tộc và thân quen vào Ba Tơ lập nghiệp. Nghe lời kêu gọi của ông Ký, kẻ trước người sau, khoảng gần chục gia đình vào lập nghiệp. Phần đông là bà con thân tộc với nhau, thuộc giáo xứ Sa Châu, giáo phận Bùi Chu; số còn lại cũng là bà con với nhau, thuộc các giáo xứ Nam Thái, Bắc Trạch, Tục Hiện, giáo phận Thái Bình. Ngoài ra còn vài gia đình từ giáo phận Đà Nẵng.

Bà con vào lập nghiệp ở Ba Tơ không ở chung một nơi mà chia nhau ở trong các xã: Ba Bích, Ba Dinh, Ba Giang, Ba Tô, Ba Vì và Thị trấn Ba Tơ (năm 1987 là thị trấn Ba Đình),  cách nhau không xa lắm, đủ cự ly liên lạc, giúp nhau khi tối lửa tắt đèn và để dễ làm ăn, buôn bán.

Tụ cư sinh sống ở Ba Tơ khoảng hơn 20 gia đình giáo dân nhưng không biết có nhà thờ để sum họp kinh lễ và lãnh nhận các Bí tích. Bà con chỉ biết “tự cung tự cấp”nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình bằng kinh nguyện gia đình, có dịp bà con thường về quê nhà để lãnh nhận các bí tích.

Khoảng năm 1990, một người giáo dân Vĩnh Phú làm nghề lái trâu vùng Ba Tơ, quen biết với một cụ già gốc Kon Tum ở tại Ba Dinh, ông đưa cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh đến xức dầu cho ông cụ nầy 2 lần. Phương tiện đi lại lúc bấy giờ là xe đạp cà tàng.

Trong tình cảnh như thế, một thầy giáo dạy ở trường Dinh Tô[3] vào thăm nhà ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyến, trước cổng trường, thầy giáo cho biết ở thị trấn Mộ Đức có nhà thờ. Nhờ thông tin nầy, bà con giáo dân đi tìm và gặp được cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh ở nhà thờ Vĩnh Phú. Có nhà thờ, có cha sở, đó là một tin cực vui cho bà con. Một số bà con bắt đầu đi lễ Chúa nhật ở Vĩnh Phú, cự ly đường vừa đi vừa về gần nhất khoảng 80 km (cây số 30/thị trấn BaTơ), xa nhất khoảng 120 km (cây số 51/Ba Vì). Cha Grêgôriô bàn bạc và quyết định thay đổi giờ lễ Chúa Nhật cho phù hợp tình cảnh của bà con giáo dân ở Ba Tơ. Thánh lễ sáng 8 giờ, chiều 3 giờ.

Tận dụng đời sống tình nghĩa của người Việt Nam trong việc tang lễ, giỗ kỵ, Tháng 7 năm 2007, cha Grêgôriô đến dâng lễ an táng cho ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Sáu tại nhà tang và đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Năm 2008, cha Grêgôriô lại đến dâng lễ an táng cho ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyến. Hai ngôi mộ nầy hiện tọa lạc bên kia đường, trước mặt nhà nguyện hiện nay.

Sau hai Thánh lễ an táng nầy, cha sở và cha phó có những chuyến thăm bà con, rửa tội trẻ sơ sinh, giải tội, làm phép nhà, dần dần nhữngThánh lễ giỗ được cử hành tại nhà ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyên. Sau Thánh lễ, anh em đồng hương, thân tộc, láng giềng và các vị lãnh đạo chính quyền địa phương, sum họp với nhau thâm tình quanh mâm cỗ giỗ.

Tận dụng và phát huy đời sống tình nghĩa cũng như để khắc phục, ứng xử với những khó khăn trong việc sống đức tin, ngày 18.7.2010 một số bà con giáo dân tổ chức họp mặt tại nhà ông Phạm Văn Toán. Cuộc họp mặt đi đến thống nhất mua thửa đất mặt tiền 20m, sâu 50m của ông Quốc với số tiền 50.000.000 đồng (năm chục triệu), nay là khuôn viên nhà nguyện. Số tiền được bà con đóng góp tùy theo khả năng, đến ngày 10.3.2011, số tiền đóng góp được 47.000.000 đồng (bốn mươi bảy triệu). Việc giao dịch và đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được bà con ủy thác cho ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyên và ông Quyên làm cam kết hiến lại cho giáo họ.

Ngày 26.5.2014, bà con giáo dân Ba Tơ bầu ban đại diện:
            - Ông Vinh Sơn Nguyên Văn Quyên (Trùm chánh)
            - Ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Bảy (Trùm phó)
            - Ông Phêrô Trần Văn Đốc (Trùm phó)
            - Bà Maria Nguyễn Thị Tươi (Quản giáo)

Sau đó, ngày 28.5.2014, ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyên đứng tên thỉnh nguyện thư kính gởi cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh, cha sở Bàu Gốc và Hội đồng Giáo xứ Bàu Gốc, xin cho giáo dân ở tại Ba Tơ được gia nhập vào giáo xứ Bàu Gốc.

- Cha Tađêô Lê Văn Ý (2015…)
Ngày 08.10.2015, cha Tađêô Lê Văn Ý được bổ nhiệm làm cha sở Bàu Gốc thay cho cha Grêgôriô Văn Ngọc Anh được bổ nhiệm làm cha sở Châu Me.

Cha Tađêô Lê văn Ý và cha Phaolô Trần Thanh Nhân, phó xứ, vài lần đến thăm bà con giáo dân ở Ba Tơ.
Ngày 15.05.2016, cha Giuse Trần Thanh Vượng được bổ nhiệm làm phó xứ Bàu Gốc, thay cha Phaolô Trần Thanh Nhân đi học.

Cha Giuse Trần Thanh Vượng được cha sở Bàu Gốc giao nhiệm vụ chăm sóc mục vụ cho bà con giáo dân ở Ba Tơ. Lúc đầu, cha Vượng đến dâng thánh lễ vào thứ Bảy và Chúa nhật hàng tuần, địa điểm ‘di động’; Thứ Bảy nhà này, Chúa nhật nhà khác, dần dần cha ở lại vài hôm. Cha tổ chức dạy giáo lý cho các em. Ngày 14.8.2016, 11 em được xưng tội rước lễ lần đầu. Các em được phụ huynh đưa đến dâng Thánh lễ tại nhà thờ Vĩnh Phú.     

Trải qua tháng ngày dâng lễ ở những địa điểm không ổn định nhưng trật tự xã hội ổn định, giáo dân phấn khởi, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thắt chặt hơn. Hơn nữa, trong một chuyến thăm xuân chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, Đức cha Matthêô đã ngỏ ý xin chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân Ba Tơ có nơi tập trung thờ tự và đã được chính quyền chấp thuận. Ngày 22.02.2017, ngày lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô, cha Giuse Trần Thanh Vượng đứng đơn xin đăng ký với chính quyền cho giáo dân Ba Tơ được sinh hoạt tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự theo Điều 46 Luật Tín ngưỡng Tôn giáo số 02/2016/QH14, được ban hành ngày 18.11.2016. Ngày 27.03.2017, chính quyền địa phương ký giấy chấp thuận đơn đăng ký.[4] Từ đây, bà con giáo dân Ba Tơ được qui tụ dâng thánh lễ tại nhà ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyên.

Ngày 06.05.2017, tại nhà ông Vinh Sơn Nguyễn Văn Quyên, giáo họ Ba Tơ cử hành mừng lễ Bổn mạng lần đầu tiên, sau hơn 50 năm. Cha Tađêô Lê Văn Ý chủ tế và 11 cha đồng tế với sự tham dự của quý nữ tu Hội dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn vùng Quảng Ngãi, các cấp chính quyền từ tỉnh đến thôn cùng toàn thể giáo dân giáo xứ Bàu Gốc và các xứ lân cận trong hạt Quảng Ngãi.

Trước lễ Bổn mạng, ngày 24.02.2017 (09.01.2017 âm lịch), ngôi nhà có diện tích 5m x 24m được khai móng trên thửa đất giáo họ đã mua từ năm 2011, do ông Nguyễn Văn Quyên đứng tên. Sau khi ngôi nhà được hoàn thành, trước lễ Chúa Giáng Sinh năm 2017, cha Giuse Vượng nộp đơn xin chuyển địa điểm sinh hoạt, từ nhà riêng ông Quyên đến ngôi nhà mới.

Trong khi chờ sự chấp thuận bằng văn bản của chính quyền, sáng ngày 25.12.2017, cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng đại diện, dâng thánh lễ Giáng Sinh tại “ngôi nhà nguyện nhỏ trên thảo nguyên” nầy.Ngày 22.02.2018, chính quyền ký giấy chấp thuận cho bà con giáo dân Ba Tơ được tập trung sinh hoạt tại ngôi nhà mới. Như vậy, lúc nầy 120 giáo dân trong 40 gia đình của giáo họ Ba Tơ đã có nơi sinh hoạt tôn giáo ổn định.

- Cha Giuse Trần Thanh Vượng (Quản nhiệm)
Ngày 22.3.2018, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Văn thư tái lập giáo họ Ba Tơ, Bổn mạng giáo họ là Thánh Giuse Thợ (mừng kính vào ngày 01.05 hàng năm) và Văn thư bổ nhiệm cha Giuse Trần Thanh Vượng biệt cư tại giáo họ Ba Tơ, làm quản nhiệm giáo họ Ba Tơ như một giáo họ biệt lập.

Ngày 01.6.2018, Đức cha Matthêô đã làm phép ngôi nhà nguyện “lệch mái” và ban Bí tích Thêm sức cho 14 em thiếu nhi tại ngôi nhà nguyện “lệch mái” nầy.

Ngày 23.9.2018, Chúa nhật 25 thường niên, cha quản nhiệm tổ chức khai giảng niên khóa giáo lý (2018-2019). Đây là niên khóa giáo lý phổ thông đầu tiên được khai giảng tại Ba Tơ. Các em được phân làm 3 lớp: Đồng cỏ non (09 em); Căn bản (03 em); Kinh thánh 1 (11 em), mỗi lớp có các chị giáo lý viên phụ trách. Hôm ấy cũng là ngày Tết Trung thu, 03 đội “lân nhí” góp vui, phát quà Trung thu, phát đèn để  các em thiếu nhi và bà con tham dự “đốt đèn đi chơi” vui Tết Trung thu.

Đêm vọng Lễ Giáng Sinh 2018, chương trình hát mừng Chúa Giáng sinh  của bà con giáo dân trong giáo họ, ông già Noel đội mưa phát quà, tuy “cây nhà lá vườn” dung dị nhưng đã đem lại cho bà con trong vùng một đêm vui nức lòng.

Từ ổn định nầy đi đến ổn định khác, đầu năm 2019, cha quản nhiệm xây dựng bên cạnh nhà nguyện ngôi nhà cấp 4, diện  tích 8m x 10m để ổn định nơi ăn chốn ở và một mái hiên tiền chế 10 x15 m. Vì nhu cầu sinh hoạt, cha quản nhiệm cho làm thêm một bên chái 4m nối liền mái phía Tây của ngôi nhà mới. Do đó, hiện nay còn có tên gọi là nhà nguyện “lệch mái”.

Ngày 04.01.2021, giáo họ Ba Tơ sung sướng đón chào các Linh mục trong Hạt Quảng Ngãi về tĩnh tâm tháng. Trong dịp nầy có một số anh chị em giáo dân của vài giáo xứ trong Hạt về thăm Ba Tơ và cùng dâng Thánh lễ.

Ngày 25.01.2021, Đức cha Matthêô dâng thánh lễ và làm phép tượng Đức Mẹ tại nhà điều hành thủy điện Đăkre, xã Ba Xa do ông Phaolô Huỳnh Kim Lập làm chủ đầu tư. Hôm ấy có các linh mục đồng tế, tu sĩ, giáo dân, công nhân viên chức thuỷ điện, cùng bà con trong gia đình của ông Phaolô Huỳnh Kim Lập tham dự.

Được sự giúp đỡ của quý thân nhân, nhà máy lọc nước tinh khiết tại khuôn viên nhà nguyện Ba Tơ  được đưa vào phục vụ bà con trong vùng hôm 19.3.2021.

3. Thành lập giáo họ biệt lập Ba Tơ

 


Ngày 22.6.2022, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn, ký quyết định thành lập giáo họ biệt lập Ba Tơ và quyết định bổ nhiệm cha Giuse Trần Thanh Vượng làm quản nhiệm chính thức của giáo họ. Ngày 23.6.2022 cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền chủ sự thánh lễ Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả tại nhà nguyện Ba Tơ và công bố hai quyết định trên.
 


3.1. Hiện tình
- Về nhân sự
Giáo họ gồm 170 giáo dân trong 46 gia đình, trong đó có vài gia đình người dân tộc Hrê, Sơ đăng (trên 10 người)và một số giáo dân đến làm ăn, chưa định cư. Tạm chia các khu giáo (các xã có giáo dân):
Khu 1: gồm các xã Ba Bích, Ba Lế
Khu 2: gồm các xã Ba Vinh, thị trấn Ba Tơ
Khu 3: gồm các xã Ba Dinh, Ba Giang
Khu 4: gồm các xã Ba Tô, Ba Vì, Ba Xa, Ba Tiêu
- Về sinh hoạt phụng tự và huấn giáo
         * Lễ Chúa nhật được cử hành vào chiều thứ Bảy và sáng Chủ Nhật. Sau thánh lễ sáng Chúa nhật, các em học giáo lý. Hầu hết, mọi người đều giữ được các ngày Chúa nhật và lễ cả.
        * Hằng ngày, thánh lễ trung bình khoảng trên dưới 20 người, cả người lớn và trẻ em ở cách nhà nguyện từ khoảng 05 đến trên 10 km.
- Về cơ sở vật chất
            Tuy không to lớn nhưng tạm đủ có để sinh hoạt, gồm:
            * Một nhà nguyện 120m² và một bên mái 72m².
            * Một nhà ở gồm 2 phòng ngủ và một phòng ăn, được xây dựng đầu năm 2019.
            * Một số công trình phụ trợ công cộng khác.

3.2. Hướng đến tương lai
           - Xin hợp thức hóa các giấy tờ nhà, đất.
          - Vào mùa hè, xin các thầy đến giúp và học tiếng Hrê.
          - Đoàn ngũ hóa các giới hiền phụ, hiền mẫu.
          - Xin cấp đất làm nghĩa trang.
          - Mỗi gia đình giáo dân kết nghĩa với một gia đình anh em dân tộc.

 


[1] Theo Nghị quyết Số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10 tháng 01 năm 2020, huyện Ba Tơ có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Ba Tơ (huyện lỵ) và 18 xã: Ba Bích, Ba Cung, Ba Điền, Ba Dinh, Ba Động, Ba Giang, Ba Khâm, Ba Lế, Ba Liên, Ba Nam, Ba Ngạc, Ba Thành, Ba Tiêu, Ba Tô, Ba Trang, Ba Vì, Ba Vinh, Ba Xa.

[2] THÊÔPHANÔ NGUYỄN VĂN BÍCH, Hành trình cuộc đời, München 2012, trang 138-139.

[3] Trường Tiểu học và Trung học cơ sở cho hai xã Ba Dinh và Ba Tô.

[4] Công văn số 10/ UBND do ông Trần Trung Triết, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, ký tên và đóng dấu.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử Giáo phận

 Tags: lược sử

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay12,285
  • Tháng hiện tại121,460
  • Tổng lượt truy cập29,100,998

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây