Lược sử Giáo xứ Sông Cát

Thứ bảy - 09/04/2022 05:21
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ SÔNG CÁT

1

I. VỊ TRÍ - ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Giáo xứ Sông Cát bao gồm địa bàn thôn Luật Lễ của thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước; khu vực 2, 3, 4, 5 của phường Nhơn Phú và khu vực 6, 7, 8, 9 của phường Nhơn Bình, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định.

Phần lớn địa bàn giáo xứ nằm giữa hai hạ lưu sông Hà Thanh. Qua khỏi cầu Diêu Trì một đoạn, sông Hà Thanh chia thành hai hạ lưu. Hạ lưu phía Bắc chảy qua chợ Gò, ngang qua trước chủng viện Làng Sông rồi đổ vào đầm Thị Nại. Hạ lưu phía Nam chảy qua cầu sông Ngang và cầu Đôi trước khi đổ vào đầm Thị Nại. Từ gốc của hạ lưu phía Nam này phát sinh một hạ lưu nhỏ phân làm hai nhánh Bắc và Nam, nhà thờ Sông Cát, trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, nằm ngay trên bờ phía Nam của nhánh Bắc này. Những dòng chảy này đã mang phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp nên địa hình của giáo xứ Sông Cát ngày nay, một địa hình trũng và hằng năm bị những trận lũ lụt nhấn chìm.

Địa bàn của giáo xứ Sông Cát hiện nay phần lớn thuộc thành phố Qui Nhơn và một phần nhỏ thuộc huyện Tuy Phước. Hệ thống đường sá còn khá chật hẹp, đi lại khó khăn. Tùy theo địa bàn sinh sống, các cư dân có người sống bằng nghề buôn bán, phần còn lại sống bằng nghề trồng lúa, trồng màu và làm công nhân cho các công ty xí nghiệp.

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Nguồn gốc

Có lẽ do địa hình nằm gần cửa sông mở ra đầm Thị Nại, lại gần cửa biển Qui Nhơn, thuận tiện cho các ghe thuyền chở các thừa sai cập bến, nên dân chúng tại đây đã đón nhận Tin mừng rất sớm và Sông Cát là một họ đạo đã có từ lâu đời, có lẽ từ năm 1817. Thời Đức cha Stêphanô Cuénot Thể,  năm 1850 Sông Cát đã có 175 tín hữu. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20Sông Cát là một họ đạo được các cha phó Làng Sông - Tân Dinh thường hay đến ở để làm mục vụ trong vùng phía Tây của địa sở.

Năm 1888 có thừa sai Sudre Thọ đến ở Sông Cát học tiếng Việt. Năm 1890-1900, cha Tađêô Tín, phó xứ Làng Sông, nhưng ở tại Sông Cát. Năm 1900 cha Antôn Bản, cha phó Làng Sông, đến ở tại Sông Cát và qua đời tại đây năm 1902.

Trong thời cha Phanxicô Huỳnh Công Ẩn làm cha sở Tân Dinh (1904-1923), có tất cả 11 cha phó. Các cha phó thời này có khi ở Tân Dinh, có khi ở Cây Da và có khi ở Sông Cát.

Năm 1927, 8 họ đạo: Cây Da, Sông Cát, Thăng Bình, Đất Vỡ, Phú Trung, Tân Vinh (Mộ), Đại Hội, Phú Tài được tách khỏi địa sở Tân Dinh để thành lập địa sở Cây Da. Trong số các họ đạo trên, Sông Cát có số giáo dân đông nhất: 124 tín hữu.[1] Từ đây Sông Cát thuộc địa sở Cây Da.

Năm 1936, cha Bênêđictô Nguyễn Đình Hiến, cha sở Cây Da (1930 - 1941), xây dựng nhà thờ Sông Cát. Thời cha Hiến làm cha sở Cây Da, tên gọi địa sở Cây Da được đổi thành địa sở Ngọc Thạnh, theo tên gọi của thôn có nhà thờ tọa lạc và Sông Cát là một trong những họ đạo của địa sở Ngọc Thạnh.

2. Những bước thăng trầm

Gắn liền với Sông Cát còn có 3 họ đạo khác là Nhơn Mỹ, An Thạnh và Luật Lễ. Nhơn Mỹ và An Thạnh nguyên là hai họ đạo thuộc Trung tâm truyền giáo Phú Huề được thành lập năm 1959 do cha Augustinô Nguyễn Thanh Long làm giám đốc. Năm 1961 cha Long xây dựng nhà thờ Nhơn Mỹ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, sau năm 1975 nhà thờ bị bỏ hoang, đất đai bốn phía nhà thờ bị người ta chiếm hữu hết, Tòa Giám mục phải cho cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn, cha sở Ngọc Thạnh, một khoản tiền nhỏ để mua lại mảnh đất 95m2 trước tiền đường nhà thờ để làm sân.

Có lẽ cũng trong khoảng năm 1961 cha Long xây nhà thờ An Thạnh, nhưng nay không còn nữa. Nhà thờ Luật Lễ cũng được xây dựng khoảng năm 1965, nhưng nay chỉ còn nền đất và bị dân chiếm dụng.

Qua thời gian dài, nhà thờ Sông Cát xuống cấp trầm trọng, cha Luca Nguyễn Huy Kỳ, cha sở Ngọc Thạnh (1975-2004), đã khởi công tu sửa nhà thờ và hoàn thành vào tháng 02 năm 2001. Trong thời gian cha Antôn Pađôva Trần Liên Sơn làm cha sở Ngọc Thạnh, cha phó Giuse Nguyễn Văn Thành được phân nhiệm đặc trách giáo họ Sông Cát, thường xuyên đến dâng lễ cho giáo dân từ năm 2008 đến 2012 và đồng thời cũng tu bổ thêm. Mặc dù ngôi nhà thờ cũ kỹ ọp ẹp, nhưng giáo họ Sông Cát gần như toàn tòng, nên những giờ kinh tối hằng ngày vẫn có đông người tham dự, nhất là khi có thánh lễ thì số giáo dân lại càng đông hơn. Tiếp đến, trong thời gian cha Luy Nguyễn Xuân Vũ làm phó xứ Ngọc Thạnh, cha cũng được cha sở Ngọc Thạnh phân nhiệm đặc trách giáo họ Sông Cát từ năm 2013 đến năm 2014. Ngoài việc dâng Thánh lễ và cử hành các Bí tích cho giáo dân, cha còn nới rộng khuôn viên phía sau nhà thờ, xây tháp chuông, cổng ngõ và bờ tường ba phía nhà thờ.

3. Thành lập giáo họ biệt lập

Ngày 20 tháng 10 năm 2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký quyết định thành lập giáo họ biệt lập Sông Cát, gồm các giáo họ Sông Cát, Nhơn Mỹ, An Thạnh và Luật Lễ, được tách ra từ giáo xứ Ngọc Thạnh; đồng thời bổ nhiệm cha Luy Nguyễn Xuân Vũ làm quản nhiệm. Ngày 10 tháng 11 năm 2017, cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện Giáo phận, đã chủ sự thánh lễ công bố văn thư thành lập giáo họ biệt lập và bổ nhiệm cha quản nhiệm tại nhà thờ Sông Cát.

Cha quản nhiệm Luy Nguyễn Xuân Vũ đã nhanh chóng tiến hành mua đất nới rộng khuôn viên nhà thờ, nâng cao mặt bằng khuôn viên để tránh ngập lụt. Ngày 01.01.2018, cha khởi công xây dựng nhà xứ hai tầng, dài 16m và rộng 8m. Công trình xây dựng hoàn thành ngày 31.5.2018. Sau đó, ngày 04.09.2018, cha khởi công xây dựng nhà thờ Sông Cát để giáo dân có nơi thờ phượng Chúa cách xứng đáng và an toàn. Trong thời gian xây dựng nhà thờ, các sinh hoạt phụng vụ, cầu nguyện và học giáo lý vẫn diễn ra bình thường tại nhà thờ tạm được dựng lên ngay trước sân nhà thờ.

Trong thời gian xây dựng nhà thờ, cha cũng quan tâm đến việc thu hồi và hợp thức hóa một số đất đai trước đó đã bị nhà nước quản lý. Cụ thể, thửa đất 1384m2 gần nhà thờ, xưa kia là đất ruộng một mùa của giáo họ, sau đó bị Nhà nước quản lý, bây giờ đã làm thủ tục lấy lại để dùng cho những sinh hoạt tôn giáo. Chính quyền đã có chủ trương chấp nhận đó là đất tôn giáo của giáo họ và đang chờ cấp sổ đỏ để xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý rộng 200m2.

Tại nhà thờ Nhơn Mỹ, cha đã mua thửa đất 500m2 phía trước nhà thờ, chính quyền đã có chủ trương công nhận là đất tôn giáo và đang tiến hành cấp sổ đỏ cùng với diện tích 95m2 trước mặt tiền nhà thờ đã được mua từ thời cha Sơn. Sau khi có sổ đỏ sẽ tiến hành xây dựng nhà thờ trên thửa đất 500m2, đồng thời thương lượng mua thêm để làm sân nhà thờ,  còn nhà xứ sẽ được xây dựng trên thửa đất nhà thờ cũ (124m2).

Cha còn lo tu bổ đường sá cho dân chúng đi lại dễ dàng hơn, xây dựng 27 trụ điện, chính quyền cho kéo dây và bóng điện với sự trợ giúp của anh chị em giáo dân, nhờ đó đường đi trong xóm trở nên sáng sủa hơn, góp phần vào sự an toàn cho địa phương.

Trong thời gian xây dựng nhà thờ, cha cũng xin ân nhân giúp đỡ để xây dựng một hang đá Đức Mẹ phía trước nhà thờ và được Đức Giám mục làm phép ngày 02.10.2020. Hơn hai tháng sau, công trình xây dựng nhà thờ cũng hoàn thành với chiều dài 41,5m, chiều rộng 16m và tháp chuông cao 33m với 1 quả chuông 200kg và 2 quả chuông nhỏ hơn, mỗi quả 100kg. Ngày 10.12.2020, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đến chủ sự thánh lễ cung hiến nhà thờ và làm phép nhà xứ. Đây là một ngày vui mừng khôn xiết đối với anh chị em giáo dân, vì từ một ngôi nhà thờ cũ kỹ ọp ẹp nay đã biến thành một thánh đường uy nghi đẹp đẽ với tháp chuông chuông vươn cao trên nền trời xanh có thể nhìn thấy được từ xa, như để khẳng định sự hiện diện sống động và kiên vững của cộng đồng dân Chúa Sông Cát vây quanh nhà thờ.

4. Thành lập giáo xứ

 
1

Ngày 8 tháng 4 năm 2022, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, ký quyết định thành lập giáo xứ Sông Cát. Đồng thời Đức cha cũng ký quyết định bổ nhiệm cha Luy Nguyễn Xuân Vũ làm cha sở tiên khởi của giáo xứ. Thánh lễ tạ ơn, công bố quyết định thành lập và quyết định bổ nhiệm cha tân chánh xứ cùng với nghi thức nhậm chức của cha tân chánh xứ được tổ chức vào lúc 9 giờ sáng thứ Bảy, ngày 9 tháng 4 năm 2022, do Đức cha Matthêô chủ tế và nhiều cha đồng tế, với sự tham dự của cộng đoàn giáo xứ Sông Cát, các tu sĩ, quý ân nhân và anh chị em đến từ các giáo xứ chung quanh. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí long trọng, trang nghiêm và sốt sắng của Mùa Chay ngay trước Tuần Thánh, trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân và quý ân nhân của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.  

Cộng đoàn giáo xứ Sông Cát được thành lập bao gồm 4 giáo họ: Sông Cát, Nhơn Mỹ, An Thạnh và Luật Lễ. Trung tâm sinh hoạt là nhà thờ Sông Cát, tổ 3, khu vực 2, phường Nhơn Phú, thành phố Qui Nhơn.

5. Hiện tình giáo xứ

Giáo xứ Sông Cát hiện nay có 225 gia đình với 583 giáo dân, được phân bố trong 4 giáo họ (theo sổ tất niên 2021):
  • Sông Cát: 93 gia đình, 334 giáo dân.
Địa chỉ : Tổ 3, khu vực 2, phường Nhơn Phú, thành phố Qui Nhơn.
  • Nhơn Mỹ: 7 gia đình, 17 giáo dân.
Địa chỉ : Tổ 1, khu vực 3, phường Nhơn Phú, thành phố Qui Nhơn.
  • An Thạnh: 46 gia đình, 174 giáo dân.
Địa chỉ : Tổ 4, khu vực 5, phường Nhơn Phú, thành phố Qui Nhơn.
  • Luật Lễ: 16 gia đình, 58 giáo dân.
Địa chỉ : Thôn Luật Lễ, xã Phước Long, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

6. Linh mục, tu sĩ xuất thân từ giáo xứ

1. Cha Mão, do Thánh Giám mục Stêphanô Thể phong chức, tử đạo do phong trào Văn Thân tại Thác Đá năm 1885.
2. Cha Phêrô Dương Văn  Nhì  († 1950).
3. Cha Simon Dương Văn Vận  († 1964).
4. Cha Simon Nguyễn Đức Luận  († 1947).
5. Cha Phêrô Nguyễn Đức Mân  († 1979).
6. Nữ tu Anê Clémence Nguyễn Thị Phụ (Ngọc Lan), Dòng MTG Qui Nhơn († 2013).
7. Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Ngọc Vàng, Dòng MTG Qui Nhơn.
8. Thầy Đôminicô Nguyễn Thanh Tùng, đại chủng sinh Đại chủng viện Sao Biển Nha Trang.

 
 

[1] Xem Mémorial Mission de Quinhon, du mois d' Août 1927, tr. 86.

Tác giả bài viết: BBT Lịch sử Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm26
  • Khách viếng thăm30
  • Hôm nay22,419
  • Tháng hiện tại66,181
  • Tổng lượt truy cập29,045,719

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây