Lược sử giáo họ biệt lập Gò Găng

Thứ ba - 23/06/2020 17:06
LƯỢC SỬ
GIÁO HỌ BIỆT LẬP GÒ GĂNG
 


I. VỊ TRÍ - ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Trung tâm sinh hoạt của giáo họ biệt lập Gò Găng đặt tại nhà thờ Gò Găng, 2 Trương Văn Đa, khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn. 

Địa bàn giáo họ biệt lập bao gồm: phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn; thôn Hòa Dõng, thôn Bình Đức và xóm Đông của thôn Tân Hòa thuộc xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. 

Trên địa bàn này có sự giao thoa giữa 3 hệ thống giao thông gồm đường bộ, đường sắt và đường hàng không. Đường hàng không có phi trường Phù Cát, đường sắt có tuyến đường tàu hỏa Bắc - Nam, đường bộ có quốc lộ 1A giao nhau với quốc lộ 19B. Chính tại ngả tư Gò Găng, người ta có thể theo quốc lộ 1A để vào Nam ra Bắc, và theo quốc lộ 19B để xuống khu kinh tế mở Nhơn Hội, thành phố Qui Nhơn, ở phía Đông, hoặc đi ngược về hướng Tây lên thị trấn Phú Phong, rồi chuyển sang quốc lộ 19 để lên miền Tây Nguyên.

Thiên nhiên một vùng đất

Tên gọi Gò Găng đã đi vào ca dao Bình Định. Tuy nhiên địa danh Gò Găng chưa biết được phát xuất từ đâu và khi nào.[1] Nói đến Gò Găng là nói đến chiếc nón lá, sản phẩm đặc trưng của vùng miền. Nói đến Gò Găng là nói đến một vùng đất có nhiều di tích lịch sử cổ xưa. Quả vậy, địa bàn giáo họ biệt lập Gò Găng hiện có những di tích lịch sử "tâm linh"  như:

- Tháp Phú Lốc

 Còn có tên gọi là tháp Thốc Lốc, tháp Phốc Lốc, hay tháp Vàng (Tour d'Or theo cách gọi của người Pháp) còn tồn tại tại thôn Phú Thành, phường Nhơn Thành. Theo các nhà chuyên môn, tháp Phú Lốc được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 12.[2]

- Di tích Gò Tháp Mẫm

Tọa lạc ở phía Bắc chùa Thập Tháp, giữa suối Bàn Khê và sông Quai Vạc thuộc khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành. Qua những cuộc khai quật khảo cổ tại Gò Tháp Mẫm, nhiều hiện vật quý được phát hiện như: Rồng, voi - sư tử, chim thần Garuda, tượng và phù điêu các nam thần, nữ thần, vũ nữ... thuộc nền văn hóa Chămpa.

- Phủ thành Qui Nhơn

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát dời lị sở phủ Qui Nhơn từ thành Đồ Bàn về đất thuộc xã Thời Lượng, tổng Hạ, huyện Phù Ly, cách thành Đồ Bàn khoảng 1km về phía Bắc. Ngày nay là khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, nơi còn dấu tích để lại.

- Chùa Thập Tháp

An Nhơn có núi Mò O [3]
Có chùa Thập Tháp có đò Trường Thi.


Chùa Thập Tháp thuộc khu vực Vạn Thuận, phường Nhơn Thành. Theo các nguồn sử liệu, năm 1665, Sư Nguyên Thiều đến đây lập một thảo am (lều cỏ) để truyền đạo. Dần dần phát triển cho đến ngày nay.

- Miếu thờ "Tiền hiền tam phái"

Hiện nay tại khu vực Châu Thành còn miếu thờ "Tiền hiền tam phái" gồm ba dòng họ: Nguyễn, Trần, Hoàng. Đây là ba dòng họ đầu tiên có công khai khẩn đất đai, xây dựng xóm làng tại vùng đất này. Theo gia phả, ba họ này đến đây khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.[4]

- Chợ nón Gò Găng

Có một phiên chợ đặc biệt và kỳ lạ tồn tại từ rất lâu ở thị trấn Gò Găng. Theo một số người cao tuổi, chợ đã có trên 300 năm. Người đi chợ mang theo đèn dầu thắp sáng để bán một thứ duy nhất là nón lá, nên người ta gọi là chợ nón. Chợ họp rất sớm, kéo dài từ 2g-5g sáng. Từ xưa đến nay, đêm nào ngọn đèn dầu cũng thắp lên lung linh, rộn ràng. Nhiều làng lân cận chợ nón Gò Găng hình thành làng nghề nón truyền thống. Người dân tại các làng nón lúc nào cũng rộn ràng như không có giấc ngủ. Họ tranh thủ lúc rảnh rỗi, nhất là ban đêm, trai gái già trẻ quây quần vừa làm vừa tán gẫu cho đến khuya. Rồi chở hàng ra chợ bán tiếp tục cho đến sáng. Bán nón xong họ lại mua vật liệu về tiếp tục đan nón.[5]

Với vẻ đẹp thanh mảnh và các chi tiết riêng biệt của mình, nón lá Gò Găng đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa nổi tiếng qua nhiều thời kì. Có thể nói, nón lá Gò Găng đã se duyên cho bao mối tình thi vị:

Anh về Bình Định thăm nhà,
Tháng hai trở lại tháng ba cưới nàng.
Cưới nàng đôi nón Gò Găng,
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn.


Hoặc:

Giữa đường không tiện nói năng
Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tỏ tình
Gò Găng có chợ có đình
Người quen thấy mặt Thần Linh chứng lời.


II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Hạt giống Tin Mừng đâm chồi trên đất Gò Găng

Với những sử liệu nêu trên, có thể cư dân Việt đã tụ cư trên vùng đất này từ thời  Nguyễn Hoàng trấn thủ xứ Thuận Quảng (1558-1613).  Ai đã đem Tin Mừng đến cho cư dân ở đây? Khi nào? Hiện chưa tìm được nguồn sử liệu nào có thể thỏa mãn cho hai câu hỏi đó. Hiện biết được trong danh sách nhà thờ nhà nguyện năm 1747 do cha Guillaume Rivoal ghi phần Thừa Sai Paris và Thánh bộ Truyền giáo thì Gò Găng có 30 tín hữu.[6] Trong báo cáo năm 1850 của Thánh Giám mục Stêphanô Cuenot Thể, Gò Găng có 95 tín hữu, thuộc hạt Phù Ly.[7]

Năm 1885, Gò Găng có 84 tín hữu. Trong lúc phong trào Văn Thân bách hại các Kitô hữu, vào ngày 02 tháng 8 năm 1885 cha Théodule Hamon Lựu, cha sở Truông Dốc (Nhà Đá) dẫn giáo dân Truông Dốc về Qui Nhơn để lánh nạn. Trên đường về Qui Nhơn, đoàn giáo dân Truông Dốc có ghé lại Gò Găng và thúc giục giáo dân Gò Găng chạy trốn với họ. Thật không may, chỉ có một ít giáo dân Gò Găng nghe theo lời khuyên tốt lành này. Phần đông vì không tin có nguy hiểm thật sự, đến phút chót mới chạy trốn đây đó, nhưng rồi thấy không sao thoát được, đành trở về nhà và tất cả đều bị bắt và bị thiêu sống tại nhà thờ cùng với số gỗ họ đã chuẩn bị để tái thiết nhà thờ.[8] Lúc bấy giờ nhà thờ này tọa lạc tại làng Phú Thành, nay là khu vực Phú Thành, phường Nhơn Thành.

Sau Văn Thân, từ năm 1887 họ đạo Gò Găng bắt đầu hồi sinh, thuộc địa bàn mục vụ của các cha sở Đại An. Năm 1895, cha Louis Blais, cha sở Đại An, đã lập một họ đạo tại Châu Thành, nơi có nhiều người trở lại đạo. Mặc dù họ đạo mới được thành lập, nhưng các tân tòng đã biết đọc kinh tối sáng cách hoàn hảo. Họ đầy lòng nhiệt thành và họ ước mơ sớm có một ngôi nhà thờ đẹp.[9] Năm 1896, cha Giuse Phan Văn Đến vừa mới thụ phong linh mục, được bổ nhiệm làm cha phó Đại An, biệt lập ở tại Kiều Đông. Cha đã cất một nhà nguyện bằng mái tranh vách đất tại Châu Thành. Nhà nguyện này bị mai một trong thời chiến tranh 1945-1954.

2. Giai đoạn thuộc địa sở Kiều Đông - giáo xứ Phù Cát

Năm 1899, Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân thành lập địa sở Kiều Đông với các họ đạo: Kiều Đông, Phú Gia, Gò Găng, Hòa Dõng, Tân Hòa. Cha Phaolô Phan Văn Thoàn được bổ nhiệm làm cha sở.[10] Kể từ thời điểm này, Gò Găng và Hòa Dõng thuộc địa sở Kiều Đông.

Tuy nhiên suốt thời gian dài từ khi hồi sinh sau Văn Thân cho đến năm 1942, số tín hữu Gò Găng không bao giờ vượt quá trăm người.[11] Tính đến tháng 9 năm 1942, số tín hữu của Gò Găng là 56, của Hòa Dõng là 58.[12]

Trải qua những biến chuyển theo dòng thời gian, năm 1959 cha Phaolô Võ Vân Cẩm, cha sở Kiều Đông (1959-1967), mua đất cất nhà thờ họ đạo An Hành tại thị trấn Phù Cát. Năm 1964, chiến tranh xảy ra, một số vùng mất an ninh, dân di cư về thị trấn ngày càng đông. Nhà thờ Kiều Đông dần dần bị hoang phế. Nhà thờ giáo họ An Hành trở thành trung tâm sinh hoạt của giáo xứ Kiều Đông.

Vì nhà thờ giáo họ An Hành tọa lạc tại thị trấn Phù Cát nên được gọi là nhà thờ Phù Cát và đến tháng 2 năm 1971, giáo xứ Kiều Đông cũng được chính thức đổi tên thành giáo xứ Phù Cát.[13] Hai giáo họ Gò Găng và Hòa Dõng cũng theo đó thuộc giáo xứ Phù Cát. Năm 1973, cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ, cha sở Phù Cát (1968-1975), xây dựng nhà thờ Hòa Dõng, thuộc xã Cát Tân.

Trong chiến tranh, nhà thờ Gò Găng tại Phú Thành bị hoang phế. Năm 1974, cha Huệ xây dựng lại nhà thờ Gò Găng như hiện nay, tại thôn Châu Thành, gần quốc lộ 1A, sát bên đầu phía Nam cầu Gò Găng, nay là cầu Tiên Hội, với diện tích 19,5m x 8,5m. Nhà thờ này đã được các cha sở Phù Cát: cha Phêrô Nguyễn Công Sanh (1975-2005), cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm (2005-2019), tu sửa nhiều lần: đổ đất gia cố nền, bờ kè, đóng cửa, bàn ghế, trần…

Sau năm 1975, vì hoàn cảnh xã hội khó khăn, các sinh hoạt tôn giáo bị hạn chế rất nhiều, nhưng thời gian sau tình hình ngày càng cởi mở và tốt đẹp hơn, nên số giáo dân cũng gia tăng. Theo thống kê năm 1995, giáo họ Gò Găng có 235 tín hữu, giáo họ Hòa Dõng có 69. Hằng ngày tại nhà thờ Gò Găng có giờ kinh tối, hằng năm cha sở Phù Cát đến dâng lễ cho giáo dân trong ngày Bổn mạng của giáo họ và trong một số trường hợp đặc biệt hoặc đột xuất.

Năm 2009 cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm, cha sở Phù Cát, xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại nhà thờ Gò Găng.

Ngày 31 tháng 05 năm 2010, cha Khiêm khởi công xây dựng lại nhà thờ Hoà Dõng, vì nhà thờ này đã bị trận bão lớn năm 1984 đánh sập và bị bỏ hoang cho đến thời điểm ấy. Sau hơn một năm xây dựng, nhà thờ đã khánh thành và được cung hiến ngày 20 tháng 07 năm 2011. Thánh lễ cung hiến nhà thờ do Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự, Đức cha phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi giảng lễ. Từ ngày có nhà thờ mới, cha sở đến dâng thánh lễ cho giáo dân mỗi tuần một lần.

Từ năm 2015 đến nay, khi Giáo phận bắt đầu có chương trình chuẩn bị thành lập giáo họ biệt lập Gò Găng, tại nhà thờ Gò Găng mỗi ngày đều có thánh lễ, kể cả ngày Chúa nhật.

Năm 2018 cha Khiêm tiến hành xây dựng nhà xứ Gò Găng để chuẩn bị cho cha phó biệt lập về ở. Công trình xây dựng hoàn thành và được Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, về làm phép ngày 09 tháng 01 năm 2019, nhân dịp tĩnh tâm tháng của các linh mục giáo hạt Bồng Sơn được tổ chức tại đây.

Từ giữa năm 2019, khi cha Giuse Nguyễn Bá Trung về làm cha sở Phù Cát thay thế cha Khiêm thì chương trình sinh hoạt tại hai nhà thờ Gò Găng và Hòa Dõng vẫn tiếp tục. Đặc biệt tại nhà thờ Hòa Dõng mỗi tuần có 3 thánh lễ ngày thường.

3. Thành lập giáo họ biệt lập Gò Găng
​​​​​​
Để phục vụ dân Chúa tốt hơn, ngày 20 tháng 6 năm 2020, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, quyết định thành lập giáo họ biệt lập Gò Găng, tách ra từ giáo xứ Phù Cát, đồng thời bổ nhiệm cha Simon Nguyễn Thanh Tú làm cha quản nhiệm.

Ngày 22 tháng 6 năm 2020, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ công bố quyết định và văn thư bổ nhiệm này, với đoàn đồng tế gồm cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện, và gần 30 linh mục trong Giáo phận, cùng với sự hiện diện của các tu sĩ, chủng sinh và bà con giáo dân sở tại và từ các nơi khác, để mọi người chia sẻ niềm vui và hiệp ý cầu nguyện cho cộng đoàn giáo họ biệt lập Gò Găng.

Giáo họ biệt lập Gò Găng bao gồm 2 giáo họ: Gò Găng và Hòa Dõng, với 113 gia đình, 409 giáo dân, tính đến cuối năm 2019.

1. Giáo họ Gò Găng

- Địa bàn: toàn bộ phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn.
- Nhà thờ: xây năm 1974, đại tu năm 2004, tại khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn.
- Số gia đình và giáo dân: 79 gia đình, 307 giáo dân.
- Bổn mạng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

2. Giáo họ Hòa Dõng

- Địa bàn: thôn Bình Đức, thôn Hòa Dõng và xóm Đông của thôn Tân Hòa, xã Cát Tân, huyện Phù Cát.
- Nhà thờ: xây năm 2012, tại thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát.
- Số gia đình và giáo dân: 34 gia đình, 102 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria.
 

[1] Có lẽ địa danh Gò Găng phát xuất từ cách gọi của người dân địa phương đối với gò đất có mọc hay trồng nhiều loại cây găng. Theo Tự điển tiếng Việt, "găng" là loại cây bụi, thân và cành có gai, quả tròn màu vàng, thường trồng làm hàng rào; "găng tầy" là loại cây to hay bụi, thân tròn, lắm gai, quả xoắn ốc hoặc cong hình lưỡi liềm, thường trồng làm hàng rào hay lấy bóng mát; "găng trâu" là loại cây găng có quả lớn, thường trồng làm hàng rào, thân và rễ có thể dùng làm thuốc.
[2] Xem SỞ VHTT BÌNH ĐỊNH, Bình Định Danh Thắng và Di Tích, Bình Định, 2000, tr. 57.
[3] Núi Mò O nằm trên địa bàn 4 khu vực/ thôn: phía Nam thuộc khu vực Lý Tây và khu vực Nhơn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn; phía Bắc thuộc thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn và thôn Chánh Lý xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Đối với hoàng triều và thần dân thời bấy giờ, núi Mò O là vùng đất thiêng.
[4] Xem SỞ VHTT BÌNH ĐỊNH, Sđd, tr. 121-122.
[5] Xem https://tuoitre.vn/cho-non-go-gang-485792.htm
[6] ADRIEN LAUNAY, Histoire de la Mission de Cochinchine, Paris 2000, T.II, tr. 189.
[7] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, số 58, 31 octobre 1909, tr. 152
[8] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission de Quinhon 9/1941- 9/1942, tr. 2-3
[9] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1895.
[10] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission de Quinhon 9/1941- 9/1942, tr. 3-4.
[11] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission de Quinhon 9/1941- 9/1942, tr. 3.
[12] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission de Quinhon 9/1941- 9/1942, tr. 1.
[13] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 67, tháng 3 năm 1971, tr. 13.
 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập63
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay17,513
  • Tháng hiện tại298,437
  • Tổng lượt truy cập29,277,975

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây