Lược sử Giáo họ Biệt lập Vân Canh

Thứ sáu - 19/06/2020 22:53

GIÁO HỌ BIỆT LẬP VÂN CANH
Bổn mạng: Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria

 

1
 
1

 

I. VỊ TRÍ VÀ PHƯƠNG DIỆN ĐỊA LÝ
Trung tâm sinh hoạt của giáo họ biệt lập Vân Canh là nhà thờ Vân Canh,  tọa lạc tại khu phố Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh.

1
 
1

 

Địa bàn giáo họ biệt lập Vân Canh bao gồm toàn bộ phần đất huyện Vân Canh: các xã Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh và thị trấn Vân Canh. Diện tích đất tự nhiên 798 km2, hơn ¾ là rừng núi, dân số 28.935 người (tính đến ngày 31.12. 2017), mật độ dân số thấp, chỉ có hơn 36 người/km2.

Vân Canh là huyện miền núi có diện tích đất tự nhiên lớn nhất trong tỉnh Bình Định. Huyện có 3 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Chăm Hroi và Bahnar, trong đó dân tộc Chăm Hroi tập trung chủ yếu ở xã Canh Hòa, dân tộc Bahnar tập trung ở các xã Canh Liên, Canh Thuận và Canh Hiệp, với dân số chiếm trên 40% so với tổng dân số toàn huyện. Người Chăm Hroi ở Vân Canh có quan hệ mật thiết và có quá trình phát triển vừa chung vừa riêng rất đáng được chú ý trong cộng đồng người Chăm trong cả nước. Có thể gốc gác người Chăm ở Vân Canh vốn là người Chăm cổ. Những người Chăm cổ này, sau khi thành Chà Bàn (Đồ Bàn) thất thủ và rơi vào tay quân Đại Việt năm 1471, đã chạy dạt lên đây rồi tụ cư lại. Trong quá trình sinh sống do tách biệt cộng đồng ban đầu, do ảnh hưởng của người Bahnar đang sống trong vùng, nên trong văn hoá của nhóm dân Chăm miền núi này dần dần xuất hiện những yếu tố văn hoá mới. Cũng có thể người Chăm này vốn là nhóm người địa phương của người Chăm cổ có mặt ở Vân Canh trước đó. Trong quá trình phát triển đã mang yếu tố văn hoá của nguồn cội, đồng thời mang yếu tố văn hoá khác do môi trường sống tạo nên.[1]

Trên địa bàn huyện Vân Canh có đường sắt Việt Nam đi qua với ga Vân Canh. Dọc theo đường sắt có quốc lộ 19C và sông Hà Thanh. Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang đi qua đang được tiến hành xây dựng.

Người Chăm Hroi ở Vân Canh truyền tụng nhau truyền thuyết về sự tích sông Hà Thanh, một dòng sông như quyện lấy nhau với con đường xe lửa và quốc lộ 19C, làm thành chiếc xương sống của huyện như sau:
"Thuở mới khai thiên lập địa, Vân Canh là một trong những vùng rừng núi âm u, trùng điệp với những hòn Ông, hòn Bà, núi Đok, hòn Quy, hòn Kê, hòn Gió, Hoành Sơn, Sao Cô, hòn Trôi, núi San Sẻ… giăng ngang xếp dọc. Núi rừng bao la, suối khe cũng lắm nhưng đặc biệt nước chỉ chảy về hướng tây rồi đổ về các vùng xa xôi, nên xứ “Đất cày” (tên gọi cũ của vùng Vân Canh) luôn khô hạn, suối phơi lòng đá. Người Chăm đã làm lễ cúng Yàng bao lần, Yàng cũng không cho. Dân làng khắp nơi gọi nhau đi tìm nguồn nước khơi chảy về làng để có nước uống.

Rồi một ngày nắng hạn héo úa cả rừng, người già rên la, trẻ con kêu khóc vì khát nước, một chàng trai Chăm đã dũng cảm hăng hái lên đường quyết tìm nguồn nước cho chảy về  hướng đông để cứu dân làng. Tay cầm dao, vai mang gùi đựng con gà trống, anh rảo bước đi về phía rừng núi. Tới một cây sung bên đường nở đầy hoa, anh dừng lại chọn mấy bông hoa đẹp, ngắt cuống dài, buộc thành bó và bỏ vào gùi cùng con gà trống rồi tiếp tục lên đường, miệng cất tiếng hát vang. Anh mơ ước sẽ tìm ra nguồn nước mát cho vợ con và dân làng qua cơn khát, có hoa đẹp về cho con chơi. Anh không ngờ con gà trống nằm trong gùi đã mổ ăn hết những bông hoa ấy. Anh men theo hòn Nhe ở làng Kà Xiêm đi về phía Phú Yên thì bỗng gặp một đoàn người cưỡi ngựa cũng đi về phía ấy. Biết anh là người dũng cảm cũng đi tìm nguồn nước cứu dân như họ, nên họ mời anh lên ngựa cùng đi. Trên đường, qua câu chuyện họ biết anh là người có mơ ước cao cả, có lý tưởng mong muốn cho người Chăm sống trong hạnh phúc lâu dài nên không ngớt lời thán phục và tỏ lòng quý mến anh.

Khi mọi người dừng chân bên một ngọn núi cao để nấu ăn, anh sực nhớ đến bó hoa thì nó không còn nữa. Anh vừa giận con gà vì đã ăn hết hoa của con anh, vừa muốn đãi những người đồng hành một bữa giữa rừng nên liền mổ thịt gà cho mọi người ăn và nêu lên nhiều kế hay trong việc tìm nguồn nước. Lạ thay, cái đầu gà luộc mãi mà không chín, mồng gà vẫn đỏ tươi. Trong bữa ăn, mọi người để riêng đầu gà ra, nhưng anh thì không sợ, cầm đầu gà nhai ngấu nghiến và khen ngon. Thấy điềm lạ, ăn xong mọi người liền tôn anh làm trưởng đoàn, và theo kế hoạch họ tiếp tục lên đường.

Anh cưỡi ngựa trắng đi đầu đoàn người. Đi mãi tới gần đất Phú Yên thì bỗng nhiên anh ngã ra chết đột ngột. Đoàn người muốn khiêng anh về chôn ở quê nhà, nhưng lạ thay không sao nhấc nổi cái đầu của anh - cái đầu khát khao tìm nguồn nước mát cứu dân làng. Không thể làm gì hơn, họ phải cắt đầu anh để lại, đưa thân mình cùng trái tim mang về mai táng. Nhưng lạ chưa, khi đầu anh vừa lìa khỏi cổ thì bỗng nước từ trong đầu cứ tuôn trào ra thành khe và chảy về các làng Chăm. Các già làng còn cho biết người xưa truyền lại rằng: nước càng chảy mạnh thì cái đầu anh càng to thêm lên, hóa thành một tảng đá đầu nguồn. Hòn đá khổng lồ ấy hiện là hòn đá đầu sông ở Canh Hòa.

Người Chăm đến đầu nguồn nước thấy có loài cây Kơ Chinh ra quả ăn ngon nên mới đặt tên cho dòng suối đầu nguồn này là Ja Ka Chinh. Nước chảy về xuôi hợp lưu từ nhiều suối, nhập lại thành sông Hà Thanh giúp người hạ nguồn sinh sống, cây cỏ, đồng ruộng tốt tươi."[2]

Hiện nay đời sống nhân dân trong huyện còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Đất đai bị bạc màu và thiếu nước tưới nên chủ yếu sản xuất lúa nước 1 vụ và màu. Trong những năm gần đây, cây mía phát triển khá, là vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Bình Định, nên đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Khu vực Canh Liên có đồng cỏ rộng, khả năng phát triển bò đàn. Ở đây còn là khu vực có diện tích rừng tự nhiên còn khá và đang phát triển rừng trồng.[3]

II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
1. Nguồn gốc
 Trong vùng núi rừng có suối có sông đó, năm 1885, một số giáo dân từ Cây Da, Làng Sông đã đến ẩn trú tại Đất Vỡ, vùng đất thuộc thôn Bình Long, xã Canh Vinh ngày nay, để lánh nạn Văn Thân. Số giáo dân nầy ở lại đây khai khẩn đất hoang, lập nghiệp. Năm 1890, cha Tađêô Tín được bổ nhiệm làm cha phó Làng Sông ở tại Sông Cát (1890-1900). Cha tiếp cận số giáo dân tại Đất Vỡ và thành lập họ đạo nầy.[4]

2. Giai đoạn thuộc địa sở Cây Da - giáo xứ Ngọc Thạnh
Năm 1927, địa sở Cây Da được thành lập, tách ra từ địa sở Tân Dinh. Lúc bấy giờ, địa sở Cây Da gồm có 8 họ đạo, trong đó có 2 họ đạo thuộc giáo họ biệt lập Vân Canh ngày nay, đó là họ đạo Tân Vinh và họ đạo Đất Vỡ. Lúc đầu số giáo dân Đất Vỡ ở tận trong chân núi, sau dời ra giữa vùng đất bằng, lập nhà thờ. Tên gọi họ đạo Tân Lập ra đời từ khi dời ra vị trí mới.

Năm 1940, họ đạo Tân Lập có 45 giáo dân, thuộc địa sở Ngọc Thạnh.[5] Trong thời chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954), nhà thờ nầy bị bom đánh sập, nay chỉ còn nền đất nhỏ ở giữa vùng đất sản xuất nông nghiệp.[6]

Thời cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch làm cha Bề trên của địa phận (1955-1964), cha tổ chức nhiều hoạt động Công giáo tiến hành và thành lập họ đạo Vân Canh vào năm 1957, một trong những kết quả của Công giáo tiến hành. Năm 1960, cha xây nhà thờ cho họ đạo Vân Canh.

Sau năm 1975, đời sống đạo tại Vân Canh gặp rất nhiều khó khăn do hoàn cảnh chính trị xã hội. Giáo dân rất khó khăn trong việc đi dự lễ Chúa nhật tại nhà thờ Ngọc Thạnh, vì đường sá xa xôi (khoảng 30km), trong khi họ quá nghèo không có phương tiện. Nhiều lần giáo dân làm đơn xin chính quyền địa phương cho cha sở Ngọc Thạnh đến dâng lễ Chúa nhật cho họ, nhưng không được chấp thuận. Về phần các anh chị em giáo dân người dân tộc thì càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Các già làng cấm người dân của họ theo đạo công giáo, vì họ cho rằng ai theo đạo tức là bỏ thần làng, khiến cả bản làng có thể bị thần trừng phạt lây. Đã mấy lần già làng phạt vạ các tín hữu dân tộc cả gan đi đọc kinh dự lễ tại nhà thờ Vân Canh, bằng tiền hay bò heo để cúng thần làng. Ai không chịu nộp vạ thì sẽ bị trục xuất khỏi bản làng.

Phải qua một thời gian khá dài, tình hình mới trở nên cởi mở hơn đôi chút, cha Luca Nguyễn Huy Kỳ, cha sở Ngọc Thạnh, thỉnh thoảng có thể đến Vân Canh dâng lễ. Nhân dịp chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000, cha Kỳ đã tiến hành trùng tu nhà thờ Vân Canh. 

Sau hơn 50 năm, giáo họ Vân Canh chưa có nhà xứ sinh hoạt. Cha Antôn Trần Liên Sơn, cha sở Ngọc Thạnh (2004-2014) được giấy phép xây dựng nhà sinh hoạt trên diện tích 66m² (6m x 11m), vị trí phía sau nhà thờ. Ngày 19 tháng 03 năm 2010, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận, chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên với sự tham dự của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục phó, cùng khá đông quý cha, quý tu sĩ, quý thầy và bà con giáo dân xa gần. Ngày 22 tháng 05 năm 2010, Đức cha Matthêô chủ sự nghi thức làm phép khánh thành.

1
 
1
 
1
 
1

 

Sau khi nhà xứ được hoàn thành, cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ, phó xứ Ngọc Thạnh (2010-2014), đặc trách mục vụ tại giáo họ Vân Canh. Mỗi chiều thứ bảy và ngày Chúa nhật, cũng như khi có nhu cầu mục vụ trong tuần, cha có mặt tại Vân Canh, nhưng không ở lại thường xuyên. Cha đóng lại toàn bộ cửa nhà thờ bằng gỗ tốt và kiên cố, đồng thời xây hang đá Đức Mẹ Lộ Đức trước sân nhà thờ.

 

1


Ngày 30 tháng 06 năm 2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, đã về nhà thờ Vân Canh dâng Thánh lễ tạ ơn và giới thiệu cha Luy Nguyễn Xuân Vũ, phó xứ Ngọc Thạnh, đặc trách Vân Canh thay cho cha Matthêô Nguyễn Ngọc Vũ. Cha Xuân Vũ ở luôn tại Vân Canh, đảm trách mục vụ luôn cả giáo họ Tân Lập và Tân Vinh. Cha nối dài nhà xứ, dựng mái hiên giữa nhà thờ và nhà xứ, lát đá xung quanh nhà thờ, xây sân nền xi măng trước tiền đường nhà thờ.

1
 
1


3. Thành lập giáo họ biệt lập Vân Canh
Ngày 20 tháng 10 năm 2017, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi ký Văn thư thành lập giáo họ biệt lập Vân Canh, gồm các giáo họ: Vân Canh, Tân Vinh, Tân Lập, tách ra từ giáo xứ Ngọc Thạnh; đồng thời bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Đức Vinh làm cha quản nhiệm.

Ngày 03 tháng 11 năm 2017, cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện Giáo phận, chủ sự Thánh lễ công bố Văn thư thành lập giáo họ biệt lập Vân Canh và Văn thư bổ nhiệm cha Gioakim Nguyễn Đức Vinh làm cha quản nhiệm giáo họ.

1
 
1

 

Giáo họ biệt lập Vân Canh có địa bàn rộng, núi rừng chiếm phần lớn diện tích, giáo dân thưa thớt, nghèo nàn, lại thêm một số giáo dân người dân tộc, nên cha quản nhiệm phải vất vả rất nhiều trong công việc mục vụ. Ngoài các thánh lễ Chúa nhật và ngày thường tại nhà thờ Vân Canh, mỗi Chúa nhật đầu tháng còn có thêm thánh lễ cho giáo họ Tân Lập được cử hành tại nhà giáo dân, nay nhà này mai nhà khác, không ổn định. Hiện nay, hàng tuần vào chiều thứ Bảy và Chúa nhật có 2 nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đến phục vụ tại giáo họ chính Vân Canh.

Về cơ sở vật chất, ngày 10 tháng 3 năm 2018, cha Vinh đã tu bổ nhà xứ và xây thêm 2 phòng ở, nhà kho và công trình phụ. Trong phòng hội cha mua sắm một số máy vi tính và đàn organ, tạo điều kiện thuận tiện cho các em trong giáo họ đến học vi tính và tập đánh đàn để phục vụ ca đoàn.

1


Ngày 14 tháng 12 năm 2018, cha xây dựng đài kính Lòng Chúa Thương Xót. Tháng 8 năm 2019, cha tiến hành đại trùng tu nhà thờ cả bên trong lẫn bên ngoài, khiến cho nhà thờ thêm kiên cố, thoáng mát và đẹp dẽ hơn.

1
 
1
 
1

 

4. Hiện tình giáo họ biệt lập Vân Canh
Hiện nay giáo họ biệt lập Vân Canh bao gồm 3 giáo họ: Vân Canh, Tân Vinh và Tân Lập, với 203 gia đình, 701 giáo dân, tính đến ngày 14 tháng 6 năm 2020.

1. Giáo họ Vân Canh
- Địa bàn: các xã Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận và thị trấn Vân Canh.
- Nhà thờ: xây năm 1960, tu sửa năm 2000, đại trùng tu: 2019, tại khu phố Thịnh Văn I, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh.

- Số gia đình và giáo dân: 67 gia đình (kinh: 55, dân tộc: 12), 225 giáo dân (kinh: 187, dân tộc: 48).
- Bổn mạng: Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Maria.

2. Giáo họ Tân Vinh
- Địa bàn: các thôn Tân Vinh, Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.
- Số gia đình và giáo dân: 67 gia đình, 244 giáo dân.

3. Giáo họ Tân Lập
- Địa bàn: các thôn Bình Long, Tăng Hòa, An Long 2, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.
- Số gia đình và giáo dân: 69 gia đình, 234 giáo dân.
- Bổn mạng: Lễ Truyền Tin.

 

 


[1] Xem Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: wikipedia.org/wiki/Vân-Canh.

[2] Xem http://www.maxreading.com/sach-hay/binh-dinh/su-tich-song-ha-thanh-lan-ngoc-tu-31092.html.

[3]  Xem Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: wikipedia.org/wiki/Vân-Canh.

[4] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No. 143, 10 Septembre 1918, tr. 125-127.

[5] Xem Mémorial Mission de Quinhon, Septembre – Octobre,1940, tr. 7.

[6] Trong thời cha Antôn Trần Liên Sơn làm cha sở Ngọc Thạnh, cha đã mua cho giáo họ Tân Lập một thửa đất với diện tích 221m2 do một giáo dân đứng tên. Hiện nay giáo họ đang tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng của thửa đất thành đất tôn giáo để chuẩn bị xây nhà nguyện.

     

Tác giả bài viết: BBT lịch sử Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập56
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm25
  • Hôm nay20,958
  • Tháng hiện tại109,429
  • Tổng lượt truy cập29,088,967

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây