Lược sử giáo xứ Lý Sơn

Thứ ba - 30/06/2020 17:29

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ LÝ SƠN

Bổn mạng: Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông đồ
 

I. VỊ TRÍ - ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Lý Sơn, tọa lạc tại thôn Đông, An Hải, huyện Lý Sơn. Địa bàn giáo xứ Lý Sơn bao gồm toàn bộ huyện đảo Lý Sơn.

Lý Sơn là huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tọa lạc về hướng Đông Bắc của tỉnh, cách xa đất liền 15 hải lý.1 Diện tích của huyện Lý Sơn là 10,39 km², dân số năm 2019 là 22.174 người, mật độ dân số đạt 2.134 người/km²

Địa danh Lý Sơn nguyên là tên gọi của đảo Lớn, còn gọi là Cù Lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là "cù lao có nhiều cây ré". Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây khoảng 25-30 triệu năm. 5 ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ dân cư trên đảo. Ở phía Bắc của đảo Lớn là đảo Bé, còn gọi là cù lao Bờ Bãi. Ở phía Đông của đảo Lớn là hòn Mù Cu. Ngày nay Lý Sơn là tên gọi của cả huyện bao gồm cả đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Nói về huyện đảo này, người dân địa phương có ca dao thủy trình như sau:

Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang
Sa Kỳ.2

Theo các nhà nghiên cứu, cư dân Việt đến khai khẩn làng mạc trên đảo vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII. Họ là những ngư dân vùng An Hải, Sa Kỳ của huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh. Bao gồm 15 ông tiền hiền của 15 dòng họ lớn, họ di cư ra đảo, phân chia khu vực cư trú ở phía Đông và phía Tây đảo Lý Sơn. Trong buổi đầu ấy, người Việt trong công cuộc khai phá lập làng đã gặp không ít khó khăn về thời tiết, khí hậu và nạn giặc Tàu Ô. Đến nay, một số di tích còn lưu lại đã phản ánh sự chống chọi kiên cường với giặc Tàu Ô để bảo vệ đảo của người dân Lý Sơn: miếu Nàng Roi, chùa Hang, sự tích đánh giặc Tàu Ô của ông Nguyễn Văn Tuất,…3

Lý Sơn cảnh đẹp chùa Hang
Có đường xuống đất có thang lên trời


Vào thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đã nhiều lần phái các đội thủy quân đến Lý Sơn để từ đó đi thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa bằng cách đi đo vẽ thủy trình và bản đồ quần đảo này.

Nghề truyền thống của người dân trên đảo này là đánh bắt hải sản và nhất là trồng tỏi. Huyện đảo Lý Sơn được mệnh danh là "Vương quốc tỏi" vì sản phẩm tỏi có hương vị đặc biệt. Các hàm lượng chất có trong tỏi Lý Sơn luôn cao hơn tỏi được trồng ở những nơi khác. Tuy nhiên hiện nay, Lý Sơn trở thành điểm du lịch, do đó ngày càng có nhiều người làm ăn sinh sống nhờ các dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, v.v.4

 
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Giai đoạn hình thành

Năm 1959, ông Dương Minh Giáng, nhân viên ngành Y tế Quảng Ngãi và là thành viên của Công giáo Tiến hành giáo hạt Quảng Ngãi, được phái đến Lý Sơn. Khi đến Lý Sơn, ông vừa làm nhân viên Y tế vừa là người tiên phong mở đường truyền giáo tại hải đảo nầy. Sau một thời gian, ban Công giáo Tiến hành Lý Sơn được thành lập gồm các tân tòng: ông Võ Xuân Thơ (Trưởng ban), ông Phạm Nên (Phó ban) và hai ủy viên là ông Bùi Đài và Phạm Nữ. Tư gia ông Bùi Đài được dùng làm nhà nguyện tạm của giáo điểm. Năm 1961, ông Giáng không còn làm việc tại Lý Sơn, ông chỉ đến giúp khi cần thiết. Ban Công giáo Tiến hành Lý Sơn đảm nhiệm công tác truyền giáo trên hải đảo nầy. Một số anh chị em ở trại cải huấn Quảng Ngãi, được ông quản đốc Trần Quang Trung truyền giảng đạo Chúa và đã theo đạo, khi được trở về quê Lý Sơn, họ tự nguyện tham gia lo việc thờ phượng Chúa, trong số đó có ông Nguyễn Tứ rất sốt sắng.

Đầu năm 1963, nhà thờ Lý Sơn được khởi công xây dựng tại thôn Đông, xã Lý Hải. Mặt bằng để xây dựng nhà thờ do chính quyền xã và đại diện Khu hành chánh Lý Sơn cấp. Tuy nhiên, tháng 11 năm 1963 do tình hình chính trị xã hội biến động nên việc xây dựng tạm ngưng.

Năm 1964 chính quyền địa phương muốn lấy khuôn viên nền nhà thờ làm trại định cư nhưng giáo dân Lý sơn đấu tranh ngăn cản. Năm 1965 cha Tôma Phạm Hữu Thiện, Dòng Chúa Cứu Thế ở trung tâm Châu Ổ, được sai đến chăm sóc mục vụ và lo tái thiết nhà thờ, có thầy Julien và thầy Anphong phụ giúp cha trong việc mục vụ. Số tín hữu tân tòng lúc bấy giờ gần 500 người.

Năm 1966, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp đến Lý Sơn thay cha Tôma Thiện. Cha Diệp ở đảo, có các thầy Học viện trong thời gian thực tập đến giúp, có cả những người giáo dân đất liền vượt biển ra cộng tác.

Năm 1966, cha Diệp tiếp tục công trình xây dựng nhà thờ bị dở dang và khánh thành dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Cha cũng xây dựng nhà Thánh Nhi làm cơ sở cho trường tiểu học Thăng Tiến và thành lập trường trung học Thăng Tiến. Đây là trường trung học đầu tiên trên hải đảo Lý Sơn. Năm 1967, cha xây dựng nhà Bác Ái, làm cơ sở cho trường trung học Thăng Tiến. Công việc rao giảng Tin Mừng song song với công tác xã hội từ thiện được hoạt động tốt đẹp.

Ngày 2 tháng 6 năm 1967, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, đến thăm mục vụ và chủ lễ ban Bí tích Thánh tẩy và Thêm sức cho một số anh chị em dự tòng. Cùng dịp nầy, giáo họ chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm Bổn mạng.

Năm 1970, cha Diệp xây dựng nhà xứ Lý Sơn, với 1 tầng lầu. Cũng trong năm ấy ngày 5 tháng 10 một trận bão đã đánh sập phần trên của mặt tiền nhà thờ. Năm 1972, số bà con tân tòng ở Lý Vĩnh gia tăng, cha xây dựng một cơ sở vừa làm nhà nguyện vừa làm trường học cho giáo họ Bình Vĩnh, xã Lý Vĩnh, sau này là xã An Vĩnh.5

Năm 1974, cha Micae Trương Văn Hành đến quản nhiệm thay cha Hoàng Diệp, tiếp tục lo việc mục vụ và đảm nhận việc điều hành hoạt động của trường Thăng Tiến.

2. Vượt qua thử thách

Ngày 31 tháng 3 năm 1975, chính quyền mới tiếp quản đảo Lý Sơn, đời sống đạo gặp khó khăn. Trường Thăng Tiến và nhà xứ Lý Sơn tại thôn Đông bị chính quyền trưng dụng để dạy học, đóng quân, chứa lương thực, chứa hàng thương nghiệp... Nhà nguyện và trường học tại thôn Bình Vĩnh cũng bị chính quyền trưng dụng làm lớp học, sau đó bỏ trống từ năm 1995 đến nay.

Ngày 18 tháng 9 năm 1978 chính quyền buộc cha Hành phải rời khỏi Lý Sơn, cha về lại trụ sở nhà dòng tại Châu Ổ. Một số giáo dân bị đưa đi vùng kinh tế mới, một số khác tìm đường vào miền Nam làm ăn sinh sống. Chính quyền quản lý toàn bộ các cơ sở của giáo họ Lý Sơn, nhà thờ thì làm kho chứa lương thực và sau đó cho tư nhân thuê chiếu phim vidéo.

Từ khi cha Hành không còn ở Lý Sơn, giáo dân tại họ đảo này phải chèo chống bảo vệ đức tin của mình. Suốt 14 năm không có linh mục, không có thánh lễ, không có các bí tích, người giáo dân họ đảo cũng chính là những ngư dân quen chèo chống với sóng gió để nuôi sống mình.

Tháng 6 năm 1992, một số gia đình giáo dân tụ họp kinh nguyện chung và phụng vụ Lời Chúa vào những ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng tại nhà ông Giacôbê Bùi Giới. Đồng thời cũng gởi thỉnh nguyện thư đến chính quyền xã, huyện, tỉnh và Chính phủ, xin giao trả ngôi nhà thờ để giáo họ lo việc thờ phượng. Lúc bấy giờ cha Hành lâm bệnh, đang điều trị tại Roma (Ý). Những sinh hoạt của cộng đoàn giáo họ Lý Sơn do cha Gioan Baotixita Nguyễn Thế Thiệp điều hành. Ngày 8 tháng 12 năm 1993, cha Hành lành bệnh trở về Việt Nam, nhưng chỉ còn một lá phổi.

Ngày 18 tháng 11 năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phép lành Toà Thánh cho cộng đoàn giáo họ Lý Sơn. Phép lành đã được thể hiện liền ngay sau đó: Vào lúc 8 giờ 30 ngày 16 tháng 12 năm 1993, chính quyền huyện Lý Sơn chính thức giao trả nhà thờ, ông Bùi Giới đại diện cộng đoàn giáo họ ký nhận. Sau hơn 15 năm giáo họ Lý Sơn không có linh mục cử hành thánh lễ, đầu năm 1994, đáp ứng nguyện vọng của giáo dân, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho cha Hành đến Lý Sơn thăm giáo dân và dâng thánh lễ đầu năm Âm lịch Giáp Tuất. Thời gian tiếp theo, cha Hành chỉ được đến Lý Sơn làm mục vụ vào những dịp lễ trọng.

Sau đó, cha Hành được tạm trú tại Lý Sơn. Cha lấy lại được nhà thờ, nhưng nhà xứ thì chưa, căn phòng nhỏ phía sau nhà thờ rộng chừng 36m², được cha Hành dùng làm phòng áo, phòng kho, vừa là nơi dành cho mọi sinh hoạt của cha. Sau đó, toàn bộ đất nhà thờ, nhà xứ được giao trả hết. Cha Hành vận động các ân nhân và bà con giáo dân góp sức tu sửa nhà thờ năm 1994 và nhà xứ năm 1995.

3. Thành lập giáo xứ

. Cha Micae Trương Văn Hành (1995-2005)

Tháng 7 năm 1995, giáo họ Lý Sơn được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, lập thành giáo xứ thứ 34 của Giáo phận và cha Micae Trương Văn Hành trở thành cha sở đầu tiên. Cha là một linh mục đã tiếp nối anh em mình trong Hội dòng dành tâm sức cho dân Lý Sơn từ nhiều năm trước. Nay chức vị có khác nhưng tâm sức không hề thay đổi.

Đối với các giáo xứ ở đất liền, lãnh nhận Bí tích Thêm sức là việc tương đối bình thường. Tuy nhiên, đối với giáo dân xứ đảo Lý Sơn, việc lãnh nhận Bí tích Thêm sức như người xứ đảo khát khao nước ngọt. Cha Hành ra sức làm dịu nỗi khát khao của đoàn giáo dân mà mình vừa đảm nhận theo giáo luật. Ngày 22 tháng 8 năm 1996, nhân lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, cha Phêrô Nguyễn Soạn, Tổng Đại diện Giáo phận, thay mặt Đức Giám mục Giáo phận đến thăm và chủ lễ ban Bí tích Thêm sức cho một số anh chị em giáo dân. Bốn năm sau, ngày 27 tháng 6 năm 2000, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn, về thăm giáo xứ và chủ lễ ban Bí tích Thêm sức cho một số giáo dân.

Song song với việc củng cố đức tin cho dân Chúa, cha Hành còn tổ chức chương trình khuyến học bằng nhiều hình thức như: trợ cấp học bổng, tặng phương tiện học tập... Nhờ vậy, giáo xứ tuy nghèo nhưng con em trong giáo xứ có người đỗ đạt cao. Sau một thời gian khá dài cống hiến sức lực cho đoàn dân xứ đảo, cha Hành cạn kiệt sức khỏe. Cha cần được về đất liền để an dưỡng tại cộng đoàn dòng ở Châu Ổ.

. Cha Phêrô Phạm Đức Thanh (2005-2010)

Năm 2005, cha Phêrô Phạm Đức Thanh, người anh em cùng Hội dòng được đưa ra xứ đảo thay cha Micae Trương Văn Hành. Cha xây dựng hang đá Đức Mẹ, tu bổ nhà xứ, nhà sinh hoạt, xây dựng tường thành cổng ngõ xung quanh nhà thờ. Cha Thanh gốc là một giáo viên nên cha cũng chú tâm vào việc giáo dục văn hoá. Cha tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các em, đặc biệt trong dịp hè cha mở lớp dạy học cho các em cấp II và III không phân biệt lương giáo.

. Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt (2011-2015)

Ngày 21 tháng 9 năm 2010, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và thầy Phêrô Đinh Văn Lượng được Hội dòng đưa đến phục vụ ở Lý Sơn. Ngày 8 tháng 7 năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn ký văn thư bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Quốc Việt làm chánh xứ giáo xứ Lý Sơn. Văn thư có hiệu lực từ ngày được công bố (17.07.2011).

Trải qua biết bao biến động bởi nhân tai và thiên tai, ngôi nhà thờ Lý Sơn được xây dựng cách đây hơn 50 năm, nay đã xuống cấp trầm trọng không còn an toàn khi cộng đoàn đọc kinh, cầu nguyện, dâng thánh lễ, nhất là trong mùa mưa bão, nên cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và bà con giáo dân Lý Sơn quyết tâm khởi sự xây dựng ngôi nhà thờ mới.

Ngày 20 tháng 7 năm 2012, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, chủ sự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Lý Sơn. Nhà thờ mới được xây dựng trên chính vị trí nhà thờ cũ, nhưng quy mô diện tích lớn hơn, phù hợp với nhu cầu của giáo xứ. Đồng thời xây dựng đài kính thánh Giuse, đồi Canvê và lợp ngói nhà sinh hoạt thay cho mái tole xi măng.

Sau hơn 2 năm chạy vạy, lo toan vất vả của cha sở, cùng bao lời cầu nguyện, hy sinh đóng góp của tất cả mọi thành phần dân Chúa và của cả anh chị em lương dân, nhà thờ Lý Sơn đã hoàn thành với kiểu dáng kết hợp hài hòa giữa các đường nét cổ kính truyền thống và khang trang hiện đại. Lễ khánh thành và cung hiến được tổ chức vào ngày 13 tháng 8 năm 2014, do Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi cử hành, với sự hiện diện của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam và đông đảo quí linh mục Giáo phận và Dòng Chúa Cứu Thế cùng đồng tế, cũng như sự tham dự của các tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo xứ. Nhà thờ được cung hiến với tước hiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu.

. Cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức (2015-2019)

Vì sứ vụ mới, cha Giuse Nguyễn Quốc Việt được cha Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đưa về làm Bề trên cộng đoàn Châu Ổ. Đồng thời cha được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm làm chính xứ Châu Ổ và cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức được đưa về Lý Sơn thay cha Việt. Ngày 20 tháng 7 năm 2015, một ngày đặc biệt, bốn trong một tại nhà thờ Lý Sơn: Đức Giám mục Giáo phận đến nhà thờ Lý Sơn cử hành thánh lễ tạ ơn 50 năm thừa sai Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện trên đất đảo, 20 năm thành lập giáo xứ, bổ nhiệm cha Phanxicô Hoàng Minh Đức làm chánh xứ và ban phép thêm sức cho 17 em thiếu niên trong giáo xứ. Cha Đức tiếp nối sứ mạng củng cố đức tin của các tín hữu và loan báo Tín Mừng yêu thương của Chúa trên vùng xa xôi giữa biển khơi này. Cha cũng xây dựng đài kính lòng Chúa Thương Xót. Từ năm 2017, có cha Phaolô Nguyễn Đình Tộ làm phụ tá.

Ngày 22 tháng 7 năm 2018, theo thông báo của Tòa Giám mục Qui Nhơn: Thiên Chúa không thể được chọn làm Bổn mạng, vì Người là Đấng ban ơn chứ không phải là người chuyển cầu, nên cha Phanxicô Hoàng Minh Đức, thay mặt giáo xứ, xin Đức Giám mục Giáo phận cho đổi lễ Bổn mạng của giáo xứ từ lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu sang lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, mừng kính ngày 29 tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vẫn được mừng kính trọng thể, vì đó là lễ kính tước hiệu nhà thờ Lý Sơn.

. Cha Đaminh Phan Văn Dũng (2019-,,,)

Ngày 25 tháng 4 năm 2019, cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức được cha Giám tỉnh chuyển vào làm Bề trên cộng đoàn Giồng Trôm, cha Đaminh Phan Văn Dũng được cha Bề trên Châu Ổ sai đến Lý Sơn và được Đức Giám mục Giáo phận chấp thuận cho cha phục vụ với tư cách quyền chính xứ. Ngày 9 tháng 9 năm 2019, cha Dũng chính thức được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm làm chánh xứ Lý Sơn. Có cha Phaolô Nguyễn Đình Tộ làm phụ tá thay thế cha Bính.

Nhìn lại quá khứ xa gần và trong giây phút hiện tại về sự hình thành và phát triển giáo xứ Lý Sơn, một giáo xứ thuộc hải đảo, cách xa đất liền, cách xa các giáo xứ khác, có những năm tháng biền biệt không có thánh lễ, không có bóng dáng linh mục, nhưng sự hình thành và phát triển giáo xứ Lý Sơn đã minh chứng: Ở đâu có những kẻ tin và kêu cầu Danh Chúa thì có Chúa ở giữa họ và ban cho họ mọi điều họ thành tâm kêu xin (x. Ga 14,14), vì Chúa đã hứa: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi" (Ga 14,18), "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).

4. Hiện tình giáo xứ

Hiện nay giáo xứ Lý Sơn được phân chia thành 4 giáo khu, với 142 gia đình, 521 giáo dân, tính đến cuối năm 2019.

1. Giáo khu I
- Địa bàn: thôn Tây, An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 35 gia đình, 130 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Stêphanô Thể.

2. Giáo khu II
- Địa bàn: thôn Đông, An Vĩnh, huyện Lý Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 36 gia đình, 140 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Anê Lê Thị Thành.

3. Giáo khu III
- Địa bàn: thôn Tây, An Hải, huyện Lý Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 41 gia đình, 160 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Clêmentê.

4. Giáo khu IV
- Địa bàn: thôn Đông, An Hải, huyện Lý Sơn.
- Nhà thờ giáo xứ: xây năm 2014, tại thôn Đông, An Hải, huyện Lý Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 30 gia đình, 91 giáo dân.
- Bổn mạng: Thánh Anphongsô.
-----------------------
1 - Ngày 1.1.1993 huyện Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT của Hội đồng Bộ Trưởng, trên cơ sở tách 2 xã Lý Hải và Lý Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
- Ngày 1.12.2003, chia xã Lý Vĩnh thành 2 xã: An Bình và An Vĩnh; đổi tên xã Lý Hải thành xã An Hải.
- Sau đó huyện được chia làm 3 : An Vĩnh (huyện lỵ - đảo Lớn), An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).
- Ngày 10 tháng 1 năm 2020, giải thể toàn bộ 3 xã An Bình, An Vĩnh, An Hải để thực hiện chính quyền một cấp trên địa bàn huyện Lý Sơn.
2 Sa Kỳ là tên gọi của bến cảng nằm trên bờ biển phía Đông của tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi tập trung tàu thuyền để đi ra đảo.
3 Cũng theo các nhà nghiên cứu, cách đây khoảng 3000 năm, cư dân thời tiền sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú trên đảo Lý Sơn. Họ sống quần cư dọc theo hai dòng suối nước ngọt cổ (suối Ốc và suối Chình). Kinh tế chủ yếu của họ là khai thác biển, món ăn truyền thống là sò ốc và cá. Kế tục văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Chăm pa – phát triển từ những thế kỷ đầu công nguyên. Vết tích văn hóa vật chất của họ được để lại qua các dấu tích chứa trong tầng văn hóa lớp trên của di chỉ Xóm Ốc và Suối Chình.
4Xem wikipedia.org/wiki/Lý_Sơn, https://cungphuot.info/kinh-nghiem-du-lich-ly-son-quang-ngai-post4941
5 Sau năm 1975, khuôn viên nhà nguyện và trường học ở An Vĩnh không còn sinh hoạt, từ lâu trở thành hoang phế.
 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập71
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay25,534
  • Tháng hiện tại620,234
  • Tổng lượt truy cập28,935,603

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây