Lược sử Giáo xứ Vườn Vông

Thứ tư - 02/05/2018 05:00

GIÁO XỨ VƯỜN VÔNG

Bổn mạng: Lễ Truyền Tin

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Giáo xứ Vườn Vông bao gồm các thôn của xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước: Quảng Nghiệp, Biểu Chánh, Tân Hội, An Cửu; các thôn của xã Phước Quang huyện Tuy Phước: Định Thiện Đông, Định Thiện Tây, Tri Thiện, Phục Thiện, Lộc Ngãi.
Nhà thờ Vườn Vông tọa lạc tại xóm 6, thôn Quảng Nghiệp, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, trên đường DT 640.

 

 



II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc
Trong thống kê năm 1850 của Thánh Giám mục Têphanô Thể , trong tỉnh Bình Định đã có 64 giáo điểm, Vườn Vông đã có trong thống kê nầy, với 50 tín hữu, thuộc hạt Tam Thuộc.[1]
Trong cuộc bách hại dưới triều vua Tự Đức từ năm 1860 đến 1862 có nhiều tín hữu đã chịu tử đạo, trong số đó có ông Phêrô Me, quê ở Vườn Vông, đã được Tòa Thánh đưa vào danh sách các Tôi tớ Chúa qua sắc lệnh ngày 12 tháng 11 năm 1918.[2]
          Khi mới hình thành, Vườn Vông là một họ đạo của địa sở Gò Thị. Đến năm 1889, địa sở Kim Châu được thành lập. Lúc bấy giờ họ đạo Vườn Vông thuộc địa sở Kim Châu. Tháng 02 năm 1911, cha Félix Bérard học tiếng Việt tại Vườn Vông dưới sự hướng dẫn của một người đồng hương là cha Jean Baptiste Solvignon Lành, cha sở Kim Châu.[3]
Trong số các tín hữu kỳ cựu của Vườn Vông có đại gia đình ông bà Hương Lưu. Bà Hương Lưu, quê ở họ đạo Bình Sơn, địa sở Truông Dốc (Nhà Đá). Ông bà Hương Lưu có nhiều con cái. Con trưởng là ông Huỳnh Trung (Hương Tòng). Người con thứ bốn là mẹ của cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu và là bà ngoại của cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng. Người con thứ sáu là mẹ của cha Mactinô Nguyễn Trọng Huấn. Người con thứ bảy là ông ngoại cha Simon Nguyễn Xuân Nghi (SVD), cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí và nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Kim Dung dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Người con thứ mười là ông Giacôbê Huỳnh Ân (Câu Thất).
Để có nơi sum họp đọc kinh cầu nguyện, ông Hương Tòng và một số giáo dân góp công góp của dựng một ngôi nhà thờ nhỏ với mái tranh, vách đất. Trong trận bão năm 1933, ngôi nhà thờ nầy đã bị sụp đổ hoàn toàn.
Năm 1939, ngôi nhà thờ được khởi công xây lại, phần lớn do gia đình ông Giacôbê Huỳnh Ân tài trợ. Mặt tiền nhà thờ có logo tròn diễn tả việc truyền tin, bổn mạng của Vườn Vông. Các cửa được chạm trổ, nhất là cửa tiền được chạm trổ công phu. Mái được lợp ngói vảy. Công việc xây dựng này kéo dài đến năm 1941 mới hoàn thành. Sau năm 1975, đại gia đình ông Giacôbê Huỳnh Ân định cư ở Hòa Kỳ cũng thường xuyên tài trợ tu sửa ngôi nhà thờ nầy, đặc biệt đợt trùng tu thời cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi làm cha sở Nam Bình (1989-2000) và các công trình khác do các cha sở Vườn Vông thực hiện.
Ngoài việc xây dựng nhà Chúa, gia đình ông Huỳnh Ân còn góp phần rất lớn trong việc mở đạo, tạo nên một phong trào tòng giáo rất rầm rộ tại Vườn Vông thời bấy giờ. Hiện nay một số rất đông tín hữu của giáo xứ Vườn Vông là những người theo đạo trong thời ông làm ông câu họ. Ông đưa các dự tòng về nhà nuôi ăn hàng tháng để họ dễ dàng học đạo. Nhiều người đàn ông tại Vườn Vông mang tên thánh Giacôbê là do ông đỡ đầu và họ rất nhớ ơn ông. Không những ông đỡ đầu họ trong việc học đạo và giữ đạo, mà còn tiếp tục giúp đỡ gia đính họ về phương diện vật chất. 
Ngày 29 tháng 05 năm 1961, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đã đến Vườn Vông để trao tặng huy chương Benemerenti của Tòa thánh[4] cho đại gia đình ông bà Hương Lưu, gia đình ông Huỳnh Ân và bà Nguyễn Thị Tám là người đại diện.[5]
2. Thành lập địa sở
Với phong trào tòng giáo rầm rộ như thế, số tín hữu tại Vườn Vông đã trở nên đông đúc. Vì thế, năm 1958, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, tách họ đạo Vườn Vông khỏi địa sở Kim Châu để thành lập địa sở Vườn Vông và bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Thanh Quí làm cha sở.
          Vì mới thành lập, cơ sở vật chất của địa sở còn thiếu thốn, cha đã làm nhà vuông và nhà từ (1959), tu sửa nhà thờ, lợp lại mái ngói (1969), xây trường học (1969), xây bờ tường mặt tiền phía Bắc, xây nhà thờ cho giáo họ Định Thiện được cha thành lập năm 1960. Trong chiến tranh, nhà thờ bị hoang hóa. Ngày 24 tháng 09 năm 1974, cha Phêrô Nguyễn Thanh Quí qua đời và cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn được bổ nhiệm đến thay thế. Thời cha làm việc tại Vườn Vông là thời kỳ chiến tranh và hậu chiến, nên hoàn cảnh rất khó khăn.
3. Giai đoạn do cha sở Nam Bình kiêm nhiệm
Ngày 13 tháng 04 năm 1977 cha Bàn qua đời, được an táng tại nghĩa địa Vườn Vông. Từ đó Vườn Vông không có cha ở thường xuyên, Đức Giám mục Giáo phận đã đặt giáo xứ dưới sự kiêm nhiệm của các cha:
- Cha Micae Nguyễn Tri Phương, cha sở Phú Thạnh (khoảng 3 tháng).
- Cha Bonaventura Nguyễn Văn An, cha sở Nam Bình (1977 – 1989).
- Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha sở Nam Bình (1989-2000).
- Cha Gioakim Bùi Văn Ninh, cha sở Nam Bình (2001-2009).
          Thời cha An, ngày Chúa nhật giáo dân Vườn Vông đưa xe máy xuống Nam Bình chở cha lên nhà thờ Vườn Vông dâng lễ. Ngoài thánh lễ Chúa nhật, cha còn dâng lễ vào những dịp đặc biệt khác, như lễ Bổn mạng giáo xứ, lễ hôn phối và an táng.
Đến thời cha Khôi, việc dâng lễ trở nên nhiều hơn. Ngày Chúa nhật có hai lễ: chiều thứ bảy và chiều Chúa nhật. Tối Chúa nhật cha ở lại Vườn Vông để dạy các giáo lý viên, hoặc họp ban chức việc, hoặc giải quyết một số việc của giáo xứ, sáng thứ hai dâng lễ rồi trở về Nam Bình. Ngoài ra cha có thể lên bất cứ ngày nào và dâng lễ cho dân. Dân chúng rất sốt sắng đạo đức, nên nhà thờ lúc nào cũng đông. Cha xây một tháp cao phía Tây sân trước nhà thờ, vừa làm tháp chuông, vừa làm đài Đức Mẹ với một lễ đài rộng để tổ chức thánh lễ ngoài trời trong một số dịp thuận tiện; cha cũng xây đài thánh Giuse ở phía Đông đối diện với tháp chuông.
Tháng 05 năm 1999, được phép của Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các với sự tài trợ của cô Tô Thị Phụng, cháu ngoại ông Huỳnh Ân và một số ân nhân, cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi trùng tu nhà thờ, bỏ các cột gỗ giữa nhà thờ, nới rộng hai bên hông, các cửa gỗ được giữ nguyên, nới rộng phòng thánh, cung thánh được xây lại rộng hơn, kèo và xà gồ bằng thép, mái và trần bằng tôn.
Thời cha Gioakim Bùi Văn Ninh làm cha sở Nam Bình, cha cũng tiếp tục lên Vườn Vông như thời cha Khôi. Khi cha Phaolô Nguyễn Văn Khiêm được bổ nhiệm làm phó xứ Nam Bình (2004 -2005), công việc mục vụ tại Vườn Vông do cha Khiêm từ Nam Bình lên thực hiện. Ngày 09 tháng 06 năm 2004, cha Khiêm khởi công xây dựng hang đá Đức Mẹ, hoàn thành ngày 22 tháng 08 năm 2004.
4. Giai đoạn có cha sở riêng
Ngày 20 tháng 06 năm 2005, Đức Giám mục đã bổ nhiệm cha Gioakim Trần Minh Dũng làm chánh xứ Vườn Vông. Khu vườn và nhà cửa của ông bà Câu Thất đã dâng cúng cho Giáo phận được dùng làm nhà xứ. Cha Dũng vừa ổn định mục vụ sau gần 30 năm không có linh mục ở tại chỗ, vừa chỉnh trang, xây dựng lại cơ sở vật chất.
Ngày 16 tháng 07 năm 2005, cha Gioakim khởi công xây lại nhà giáo lý, trước đó là nhà cha Nguyễn Thanh Quí xây dựng năm 1969 để vừa làm trường học, vừa để dạy giáo lý. Ngày 21 tháng 01 năm 2006 nhà giáo lý được hoàn thành. Tháng 08 năm  2005, cha tu sửa lại nhà xứ do cha Quí xây dựng từ năm 1959, để dùng vào các việc sinh hoạt của giáo xứ.
Ngày 18 tháng 07 năm 2006, cha Gioakim khởi công xây dựng lại tháp chuông thay cho tháp chuông được cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi xây dựng năm 1992 với diện tích 4m², cao 10m. Tháp chuông mới được cấu trúc bêtông cốt thép, tô đá rửa, diện tích 16m², cao 21m. Thánh lễ tạ ơn được tổ chức vào ngày 16 tháng 12 năm 2007.
Đài Thánh Giuse được xây dựng năm 1993 với diện tích 12m², nguyên vật liệu được dùng trong lúc khó khăn nên cấu trúc không được bảo đảm với thời gian, tượng đài đặt lộ thiên nên bị mưa nắng làm hư hỏng, xuống cấp. Công trình không thể kéo dài thêm tuổi thọ, ngày 10 tháng 05 năm 2007, cha Gioakim xây dựng đài Thánh Giuse mới.
Tháng 03 năm 2008, cha Gioakim kêu gọi giáo dân cộng tác nâng cao và bêtông hóa hai con đường thường bị ngập úng: con đường từ nhà thờ ra nghĩa địa và con đường từ nhà thờ đến các gia đình phía Đông Nam nhà thờ. Ngày 24 tháng 08 năm 2008 cả hai con đường được hoàn thành. Trong khi thi công hai con đường, cha Gioakim kết hợp xây dựng Đồi Đức Chúa Giêsu cầu nguyện.
Ngày 02 tháng 02 năm 2012, cha Gioakim khởi công xây dựng nhà thờ mới, tại vị trí cũ, nhưng rộng lớn và đẹp đẽ hơn, với hai tháp chuông vao vút theo kiểu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nổi bật lên nền trời và có thể nhìn thấy được từ xa. Ngày 22 tháng 05 năm 2013, nhà thờ được khánh thành và Đức cha Matthêô, Giám mục Giáo phận đã về chủ sự thánh lễ cung hiến.         
Ngày 08 tháng 08 năm 2014, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang được bổ nhiệm làm cha sở Vườn Vông, thay thế cha Dũng được bổ nhiệm làm cha sở Hội Lộc. Ngày 29 tháng 09 năm 2014, cha Quang khởi công xây nhà xứ trên khuôn đất nhà thờ và ngày 12 tháng 02 năm 2015, cha xây đài Lòng Chúa Thương Xót. Ngày 25 tháng 03 năm 2015, Đức Cha Matthêô làm phép nhà xứ và đài Lòng Chúa Thương Xót. Từ đây cha ở tại nhà xứ nầy, còn nhà ông bà Câu Thất dành cho cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
          Ngày 18 tháng 06 năm 2015, cha tu sửa hang đá Đức Mẹ và làm lễ đài trước hang đá. Ngày 30 tháng 09 năm 2015, cha tu sửa đài Thánh Giuse.
          Ngày 23 tháng 03 năm 2017, được sự trợ giúp của Tòa Giám mục và sự đóng góp của bà con giáo dân, cha mua 4 lô ruộng phía sau nhà thờ, tổng diện tích 981,5m², để nới rộng khuôn viên nhà thờ. Ngày 26 tháng 09 năm 2017, cha xây bờ tường phần ruộng mới mua dọc theo đường ra xóm Cù Lao phía Đông nhà thờ.
Cuối năm 2017 giáo xứ Vườn Vông có 309 gia đình, 1.018 tín hữu, được phân bố trong 4 giáo khu. Giáo khu I: 304, giáo khu II: 206, giáo khu III: 250, giáo khu IV: 258.
5. Các linh mục chánh xứ
1. Cha Phêrô Nguyễn Thanh Quí (1958-1974).
2. Cha Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (1974-1977).
- Cha Micae Nguyễn Tri Phương, cha sở Phú Thạnh, kiêm nhiệm (khoảng 3 tháng).
- Cha Bonaventura Nguyễn Văn An, cha sở Nam Bình, kiêm nhiệm (1977–1989).
- Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha sở Nam Bình, kiêm nhiệm (1989-2000).
- Cha Gioakim Bùi Văn Ninh, cha sở Nam Bình, kiêm nhiệm (2001-2009).
3. Cha Gioakim Trần Minh Dũng (2005-2014).
4. Cha Gioakim Nguyễn Đức Quang (2014-...

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (cuối năm 2017)

 

STT

GIÁO HỌ, GIÁO KHU

ĐỊA CHỈ

NHÀ THỜ, N. NGUYỆN

TÌNH HÌNH GIÁO DÂN

THÁNH HIỆU

NGÀY
BM

XÂY
DỰNG

HIỆN TRẠNG

GIA ĐÌNH

GIÁO DÂN

1

VƯỜN VÔNG

Quảng Nghiệp,
Phước Hưng,
Tuy Phước

2013

mới

309

1.018

Truyền Tin

 

 

Giáo khu I

91

304

Đức Mẹ
đi viếng

31.05

 

Giáo khu II

61

206

Thánh Tâm

tháng 6

 

Giáo khu III

73

250

Thánh Giuse

19.03

 

Giáo khu IV

84

258

Đức Mẹ Lên Trời

15.08

         
IV. LINH MỤC, TU SĨ, CHỦNG SINH XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ

 

STT

HỌ TÊN

GHI CHÚ

1

Cha Simon Nguyễn Xuân Nghi

Dòng Ngôi Lời († 06.7.2008)

2

Cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí

(† 24.3.2014)

3

Cha Phêrô Phan Chí Anh

Linh mục Giáo phận Qui Nhơn

4

Cha Phaolô Đỗ Thanh Diệu

Dòng Phanxicô

5

Nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Kim Dung

Dòng MTG Qui Nhơn

6

Nữ tu Anna Nguyễn Thị Thúy Triều

Dòng MTG Qui Nhơn

7

Nữ tu Anê Nguyễn Thị Minh Trân

Dòng MTG Qui Nhơn

8

Nữ tu Mađalêna Nguyễn Thị Hồng Phận

Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ

9

Thầy Giacôbê Trần Cao Nguyên

Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang

 

[1] Hạt Tam Thuộc được thành lập thời Đức cha Cuénot Thể. 

[2] Xem Mémorial Mission de Quinhon, No 148, 20 Mars 1919, tr. 20-25.

[3] AMEP, Notices nécrologiques, Félix Bérard (1885-1912).

[4] Loại Huy chương Tòa Thánh ban thưởng cho những giáo hữu có công đức.

[5] Xem Bản thông tin địa phận Qui Nhơn, số 22, tháng 5, 6 năm 1961, tr. 19-20.

Tác giả bài viết: BBT lịch sử giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập58
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay18,386
  • Tháng hiện tại607,609
  • Tổng lượt truy cập28,922,978

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây