Các mấu điểm thần học nổi bật trong thư thứ I gửi giáo đoàn Thexalonica - 2

Thứ bảy - 07/09/2019 04:10
3. CUỘC SỐNG THÁNH THIỆN VÀ YÊU THƯƠNG HUYNH ĐỆ
 
Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica, ngoài thái độ biết ơn cám tạ Thiên Chúa và mong đợi ngày Chúa Kitô quang lâm, còn có hai đề tài quan trọng khác: đó là cuộc sống thánh thiện và tình yêu thương huynh đệ. Ơn gọi và bổn phận của kitô hữu là duy trì cuộc đời mình cho thánh thiện và không thể chê trách vào đâu được. Đây đã là đề tài được nhắc tới trong chương 3. Nó được khai triển rộng rãi hơn trong chương 4.
 
Phần hai của thư gồm hai chương 4-5 chứa đựng các lời khuyến khích, cảnh cáo, dạy dỗ và an ủi tín hữu. Chúng là một thí dụ cụ thể cho thấy nội dung và phương pháp dạy giáo lý của các tông đồ xưa kia. Mục đích là soi sáng tâm trí cho các tín hữu, và đặc biệt là củng cố ý chí của họ và giúp họ biết xây dựng một cuộc sống xứng đáng với ơn gọi kitô (Cf. 2,12). Trong chương này, bên cạnh các lời khuyến khích có tính cách chung chung như cố gắng sống đẹp lòng Thiên Chúa và thánh thiện, thánh Phaolô nêu bật hai đề tài chuyên biệt: đó là sự khiết tịnh và tình yêu thương huynh đệ.
 
Để mở đầu Phaolô cấp thiết mời gọi tín hữu tiếp tục tiến tới trên con đường lòng tin bằng cách sống các giới răn Chúa và thi hành các giáo huấn do Phaolô và các thừa sai đã dạy dỗ họ. Thật ra cuộc sống đạo của tín hữu Thêxalônica đã không có gì đáng trách cứ. Phaolô chỉ củng cố các chỉ dẫn luân lý của truyền thống kitô, mà ngài đã truyền dạy cho họ trước đó. Tín hữu Thêxalônica đã sống phù hợp với lý tưởng kitô là vâng phục ý Chúa, nghĩa là làm đẹp lòng Ngài. Giờ đây Phaolô chỉ khuyên họ đừng cho rằng mình đã tới đích và đạt đỉnh trọn lành, bởi vì lòng tin kitô là một thực tại luôn phát triển, trưởng thành và lớn lên. Là kitô hữu có nghĩa là tiến tới, biến đổi, trở nên không ngừng, trở nên toàn thiện hơn, trở nên giống Thiên Chúa hơn. Lòng tin kitô cũng giống như một hạt giống qúy được gieo vào thửa đất tâm lòng con người. Nó có thể nẩy mầm, đâm rễ, lớn lên, sinh hoa kết trái và tăng trưởng không ngừng. Nhưng nó cũng có thể khô héo cằn cỗi, bệnh hoạn, còi cọt và chết đi.
 
Tuy nhiên, lời khuyến khích của Phaolô không chỉ là lời của một người anh em đồng đạo khích lệ các anh chị em khác, mà thực ra là lời của Chúa Giêsu. Vì Phaolô khẳng định với họ rằng: “chúng tôi khích lệ anh chị em trong Chúa... Anh chị em biết các chỉ dẫn mà chúng tôi đã truyền dạy anh chị em nhân danh Chúa Giêsu”. Nghĩa là Phaolô nhấn mạnh rằng các giáo huấn mà tín hữu nhận được từ ngài và các thừa sai cộng sự viên không phải là của các vị, mà phát xuất từ chính Chúa Giêsu Kitô. Các vị chỉ có nhiệm vụ chuyển đạt giáo huấn của Chúa đến cho họ mà thôi. Ở đây phải ghi nhận điểm quan trọng này: đó là các công thức mà thánh Phaolô dùng không chỉ cho thấy ngài giảng dạy với quyền bính nhận được từ Chúa Giêsu, mà đúng hơn là khi nhắc tới Đức Giêsu thành Nagiarét và giáo huấn của Chúa do truyền thống để lại, thánh Phaolô khẳng định rằng chính sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh bảo đảm cho giáo huấn đó, và Chúa Kitô phục sinh thi hành chức vụ là Chúa trên cộng đoàn giáo hội. Trong công tác loan báo Tin Mừng cũng như truyền dạy các giáo huấn Phaolô không đề cao lời nói của mình. Giáo Hội là cộng đoàn được lời Chúa triệu tập và chỉ vâng phục Chúa Giêsu là Chúa của mình mà thôi.

 Tuy nhiên ở đây thánh Phaolô cảm thấy có bổn phận trình bầy cặn kẽ một vấn đề luân lý liên quan tới tính dục. Cũng giống như mọi thành phố cảng thuộc mọi thời đại và ở khắp nơi trên thế giới nây, bầu khí và khung cảnh sống của một thành phố cảng như Thêxalônica không phải là trong lành gì. Vì là nơi buôn bán sầm uất, có dân tứ chiếng giang hồ qua lại nên cuộc sống luân lý tại thành phố cảng nào cũng như nhau. Thối nát, buông thả luân lý và tháo thứ tính dục là các sắc thái nổi bật trong cuộc sống của dân chúng Thêxalônica thời đó. Cảnh sống trụy lạc này sẽ được thánh Phaolô miêu tả tỉ mỉ và trung thực trong chương 1,18-32 thư gửi tín hữu Roma. Trong số các đồi phong bại tục có thái độ tôn thờ tà thần, cuộc sống dâm loạn trụy lạc, đồng tính luyến ái đến mang tật bệnh trên thân xác. Và thánh Phaolô kê khai ra tất cả mọi thứ tội lỗi của họ, nào là gian ác, dâm ô, tham lam độc dữ, ghen tương, sát nhân, đố kỵ, dối trá, xảo quyệt, gièm pha, nói hành, phản nghịch cùng Thiên Chúa, láo xược, kiêu ngạo, khoe khoang, gian tà bất hiếu, thiếu sáng suốt và liêm khiết, thiếu tình yêu và lòng xót thương. Con người trở thành một loài thú quái đản nhất trần gian.
 
Đây là lý do khiến thánh Phaolô khẩn thiết nhắc nhớ cho tín hữu Thêxalônica biết: khi tin nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng, họ đã đoạn tuyệt với kiểu sống tháo thứ tính dục, buông thả dâm loạn ấy của môi trường thời đó. Vì thế phải cố gắng nên thánh mỗi ngày, xa lánh mọi hình thái sự dữ và tội lỗi. Tuy lãnh vực nên thánh không có giới hạn, nhưng ở đây Phaolô có ý hạn hẹp nó trong lãnh vực tính dục. Vì thế thánh nhân khuyên tín hữu đừng sống dâm ô. Cụ thể mà nói, thánh nhân khuyên nam giới sống đời tính dục thánh thiện xứng đáng trong khung cảnh của hôn nhân, trong liên hệ với vợ mình, chứ không trở thành nô lệ các đam mê dục vọng của mình, tháo thứ buông thả, ngoại tình, lang chạ tứ tung và gây thiệt hại cho tha nhân. Dân ngoại sống dâm ô tháo thứ tính dục, bởi vì họ không biết Thiên Chúa hằng sống chân thật và các đòi buộc luân lý. Còn kitô hữu đã tin nhận Chúa và hiểu biết giáo huấn Tin Mừng của Chúa, thì không thể sống như vậy được.
 
Viễn tượng ở đây là cuộc sống luân lý tính dục nghiêm chỉnh đối nghịch với kiểu sống dâm ô tháo thứ của dân ngoại. Nhưng thánh Phaolô không xác định nội dung nét đặc thù của luân lý kitô. Văn bản phản ánh truyền thống và tâm thức do thái cũng như nền văn hóa phụ hệ một cách rõ ràng. Thánh Phaolô chỉ nói tới người nam, người chồng trong tương quan với tha nhân, làm sao để không gây thiệt hại cho quyền làm chồng của họ, mà không nói tới người nữ, người vợ. Phái nữ chỉ là duyên cớ để thánh nhân xác định các đòi buộc luân lý mà nam giới phải tuân hành. Đây không phải là lần đầu tiên thánh Phaolô cho chúng ta thấy ngài chịu ảnh hưởng nền văn hóa của ngài và nền văn hóa của truyền thống mà thánh nhân nhận được. Dĩ nhiên nếu muốn tranh luận chúng ta có cớ để cho thánh Phaolô là “trọng nam khinh nữ”. Nhưng cũng phải hiểu rằng cho dù thấm nhuần tinh thần Tin Mừng yêu thương đại đồng của Chúa, Phaolô cũng chỉ là người sống trong khung cảnh văn hóa thời đó, với những hạn hẹp và bất toàn của nó. Ngay trong thời đại “nam nữ bình quyền” của thế kỷ XXI này, thực tế cuộc sống của nữ giới cũng chưa cho phép chúng ta hãnh diện là tiến bộ nhiều hơn khung cảnh xã hội thời thánh Phaolô. Dầu sao đi nữa, sự thật trong giáo huấn của thánh Phaolô vẫn luôn có giá trị. Đó là con người không được sống buông thả theo các đam mê tính dục của mình. Kitô hữu thuộc mọi thời đại đều được kêu mời nghiêm chỉnh đối chiếu các quan niệm về tính dục thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau với tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô. Thánh Phaolô sẽ nỗ lực khai triển vấn đề này trong các chương 5-7 thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô.

Để cho các chỉ dẫn của mình có sức thuyết phục, thánh Phaolô nối kết chúng với kinh nghiệm sống mới mà tín hữu Thêxalônica đã có sau khi tin nhận Thiên Chúa. Trước đây Phaolô đã nói tới thánh ý của Thiên Chúa. Giờ đây thánh nhân nối kết các giáo huấn với cả Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần nữa. Như là Đấng phán xử mọi loài mọi vật trong ngày sau hết, Chúa Giêsu Kitô sẽ trừng phạt mọi tội dâm ô. Ơn gọi kitô là ơn gọi sống cuộc đời thánh thiện theo các đòi buộc của Tin Mừng, vi thế tín hữu phải xa lánh mọi thói tục ô uế. Một đàng phải cố gắng chiến đấu với các đam mê của chính mình, đàng khác phải trông cậy nơi sự trợ lực và ơn của Chúa Thánh Thần. Qua kiểu cách suy tư này thánh Phaolô cho thấy ngài có biệt tài tạo ra các khung thần học rộng rãi và cống hiến cho tín hữu các lý do vững chãi mang đậm sắc thái kitô và có khả năng hợp thức hóa các viễn tượng luân lý truyền thống bị giới hạn trên bình diện văn hóa. Đây là điểm khiến cho các thư của thánh nhân có giá trị vượt không gian và thời gian.
 
Trong khi trình bầy đề tài thứ hai là tình yêu thương huynh đệ, thánh Phaolô cũng theo cùng một kiểu cách. Phaolô nói ngài không cần phải nhắc tới giáo huấn yêu thương nữa, bởi vì chính các tín hữu đã học biết điều này từ giáo huấn của Chúa. Phaolô lập lại giáo lý được các vị giảng thuyết dạy dỗ khắp nơi: đó là Thiên Chúa Cha đã yêu thương loài người tới độ ban Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô cho loài người và ban cho họ giới răn yêu thương. Các kitô hữu Thêxalônica đã bắt chước gương sống yêu thương của Thiên Chúa, và sự trung thành của họ làm chứng cho họ trước tín hữu toàn vùng Maceđonia. Ở đây cũng thế, Phaolô khích lệ tín hữu trưởng thành và lớn mạnh trong tình yêu thương huynh đệ, như là kết quả tình yêu thương mà họ có đối với Thiên Chúa. Thánh nhân cũng không quên cảnh cáo những người qúa trông chờ ngày Chúa Giêsu quang lâm đến độ bỏ bê công ăn việc làm thường ngày của mình và trở thành gánh nặng cho các anh chị em khác. Phaolô khuyến khích họ hãy sống trong bình tĩnh và chăm chỉ làm việc, mà không bôn chôn gây xáo trộn cho người khác và đặc biệt là để cho toàn cộng đoàn khỏi mang tiếng trước các người không kitô.

4. TỈNH TÁO ĐỢI CHỜ CHÚA ĐẾN
 
Trong chương 5 là chương cuối cùng thư thứ I gửi tín hữu Thêxalônica thánh Phaolô khai triển hai đề tài thần học quan trong khác: thứ nhất là thái độ tín hữu phải có trong khi chờ đợi Chúa đến và thứ hai là bí quyết giúp cộng đoàn trưởng thành và lớn mạnh.
 
Phần đầu chương 5 tiếp tục đề tài ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm. Các tín hữu Thêxalônica nôn nóng muốn biết thời điểm của biến cố định đoạt đó trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử đời họ. Tìm xác định ngày giờ chính xác của ngày tận thế , được báo trước qua các dấu chỉ kinh thiên động địa, là một trong các nét đặc thù của nền văn chương khải huyền do thái. Mục đích của việc xác định này nhằm cống hiến cho tín hữu khả năng nhận biết ra “ngày của Giavê Thiên Chúa”. Trong Kinh Thánh Cựu ước “yôm Giavê” “ngày của Giavê” thường ám chỉ thời điểm hành động của Thiên Chúa trong ngày phán xét. Thiên Chúa đến đánh phạt và phán xử mọi dân nước. Tuy nhiên truyền thống kitô tiên khởi đã thêm vào ý niệm này một vài yếu tố độc đáo khác. Trước hết là tính cách bất thình lình, không thể nào lường trước được của biến cố Chúa quang lâm ngày sau hết. Đó là ý nghĩa hình ảnh tên trộm lẻn vào lấy tiền của lúc chủ nhà không ngờ tới (Mt 24,42-43; Lc 12,39), hay hình ảnh người đàn bà có mang bất thình lình chuyển bụng đau đớn để sinh con (Mc 13,8;Mt 24,8). Thêm vào đó là lời cảnh cáo chống lại cái an ninh giả tạo của những người ngủ quên trong vô thức, cứ tưởng rằng mọi chuyện đều tiến hành tốt đẹp xuôi chảy, mà không trông thấy đại họa gần kề. Hình ảnh thế hệ thời lụt Hồng Thủy đời ông Noê diễn tả kiểu sống vô thức, chủ quan, mê ngủ, không biết tỉnh thức và sáng suốt đề phòng ấy (Mt 24,37-39; Lc 17,26-27). Nét độc đáo thứ ba trong quan niệm kitô về “ngày của Giavê” đó là lời khuyến khích tỉnh thức (Mc 13,24.25.27; Mt 24,42-43; 25,13). Và sau cùng Đấng kitô hữu trông đợi ở đây không phải là Giavê Thiên Chúa, mà là Chúa Giêsu Kitô quang lâm. Nghĩa là biến cố tân thế được diễn tả và xác định trong ý nghĩa kitô. Chính Chúa Kitô sẽ đến để kết thúc lịch sử nhân loại, phán xử mọi loài mọi vật và cứu độ các tín hữu.
 
Xem ra thánh Phaolộ triệt để trung thành với giáo huấn đó của Giáo Hội thời khai sinh. Phaolô vừa duy trì các yếu tố nhận được từ truyèn thống kitô vừa khai triển thêm bằng cách nêu bật các cặp ý niệm đối kháng nhau như: ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm và số phận trái nghịch của các tín hữu và của những người không tin Chúa. Cụ thể mà nói, thánh nhân không đưa ra các giáo huấn mới mẻ nào. Ngài chỉ nhắc cho tín hữu nhớ nội dung lời rao giảng mà họ đã nghe biết (cc.1-3). Liên quan tới biến cố ngày sau hết các tín hữu Thêxalônica đã dư biết. Họ biết rằng Chúa Giêsu Kitô sẽ đến bất thình lình khi không ngờ tới. Do đó vấn đề là phải sống trong tỉnh thức và phản tỉnh, làm sao để không bị đánh úp. Thái độ an ninh giả tạo và hờ hững vô lo tai hại của những người không tin Chúa được Phaolô diễn tả bằng động từ ở thể không ngôi vị, trái nghịch với thái độ của “anh chị em” Thêxalônica (c. 2). Những người không tin Chúa sống trong xác tín mơ ảo cho rằng mọi chuyện đều xuôi chảy, không có gì đáng phải lo ngại. Họ coi hiện tại được bảo đảm an ninh và ngủ yên trong cái an ninh của ngày hôm nay. Nhưng họ lầm, vì sẽ trở thành nạn nhân của bất ngờ và sẽ là mồi ngon của tai họa không thể nào chữa chạy được.
 
Tuy nhiên, tín hữu kitô không được sống như thế và không được có thái độ như vậy. Vì ơn gọi kitô đã giải thoát họ khỏi thế giới tối tăm, khỏi sự ngu dốt và thái độ đóng kín trước tương lai, và đặt để họ trong cuộc sống chan hòa ánh sáng và rộng mở cho ơn cứu độ của Thiên Chúa. Phaolô khai thác ý niệm nhị nguyên đối kháng ánh sáng và bóng tối, nghĩa là sự thiện hay ơn cứu độ và sự dữ hay tình trạng hư mất. Đây là ý niệm đã được biết tới trong môi trường do thái Qumran. Thánh nhân thay đổi nó với ý niệm đối kháng song song là ngày và đêm. Tuy nhiên, tư tưởng của Phaolô không mang tính chất phân chia tiền định như trong tư tưởng của các tài liêu Qumran, bởi vì ơn cứu độ tùy tuộc nơi sư lựa chọn tự do của con người. Mỗi người có thể tự do đón nhận Tin Mừng của Chúa để được cứu độ hay khước từ tham dự vào cuộc sống sáng láng thần thiêng, để tiếp tục bước đi trong bóng tối của sự dữ, tội lỗi và bị án phạt hủy diệt trầm luân đời đời. Nói cách khác, thánh Phaolô nêu bật phần trách nhiệm của từng người đối với ơn cứu rỗi hay đối với án phạt của chính mình. Qua lời rao giảng của các thừa sai, Thiên Chúa tiếp tục cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người không trừ ai, nhưng Thiên Chúa không cưỡng bách con người. Ngài chỉ tha thiết kêu mời và để cho mỗi người tự do lựa chọn. Đây đã là giáo huấn ghi trong chương 30 sách Đệ nhị luật: “Hãy xem, hôm nay Ta đặt để trước mặt ngươi sự sống và sự thiện, cái chết và sự dữ... Có trời đất chứng giám chống lại các ngươi: Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và cái chết, phúc lành và chúc dữ; Hãy lựa chọn sự sống để ngươi và dòng dõi ngươi được sống bằng cách yêu mến Thiên Chúa là Chúa ngươi, vâng lời Ngài và sống kết hiệp với Ngài. Bởi vì Thiên Chúa là sự sống và là sự trường thọ của ngươi” (Đnl 30,15-20). Thiên Chúa để cho chúng ta hoàn toàn tự do. Nhưng không có sự dấn thân nào mà lại không có các điều kiên của nó. Để được ơn cứu độ chúng ta phải lựa chọn tin nhận Chúa, yếu mến Ngài và sống theo các giáo huấn của Ngài.
 
Chắc hẳn thánh Phaolô cũng đã dựa trên giáo huấn và kiểu cách trình bầy này để khuyến khích tín hữu Thêxalônica. Từ thể biểu thị (indicativo) Phaolô đổi qua thể sai khiến (imperativo). Thánh nhân chỉ cho tín hữu Thêxalônica thấy tình trạng sống mới của những người tin Chúa và thái độ sống dấn thân của họ. Vì là con cái sự sáng nên họ phải sống như con cái sự sáng, liêm chính, không dối trá, điêu ngoa, lắt léo và mê muội, tăm tối. Cụ thể mà nói, kitô hữu phải sống trong thái độ thức tỉnh và chú ý, không để cho tâm trí của mình bị tê liệt bất động, mê ngủ hay vô ý thức. Bởi nếu không họ có thể rơi vào nguy cơ sống phản chứng mà cứ tưởng mình đang theo Chua nhiệt thành, phản bội cộng đoàn dân Chúa, mà cứ tưởng mình phục vụ Giáo Hội, trở thành dụng cụ bị các lực lượng đen tối lèo lái đánh phá Giáo Hội mà cứ tưởng rằng mình đang ra công xây dựng cộng đoàn dân Chúa. Nếu không tỉnh thức, họ có thể rơi vào nguy cơ đồng hóa các ham hố tư lợi, tìm kiếm danh vọng, chức vị và thỏa mãn sở thích riêng của mình với lợi ích và sự phát triển của cộng đoàn Giáo Hội địa phương, cản ngăn sức lớn mạnh và sự trưởng thành của nó, để cho nó nghèo nàn, ù lì, chậm tiến, ấu trĩ và kiệt quệ đi, mà cứ tưởng rằng mình đang bảo vệ và vun trồng Giáo Hội.
 
Để diễn tả thái độ tín hữu phải có trong cuộc sống lòng tin thường ngày, thánh Phaolô dùng một chuỗi các kiểu nói phản đề: một đàng là ánh sáng ban ngày và tình trạng tỉnh thức với lương tâm bén nhậy tỉnh táo, đàng khác là tối tăm ban đêm và ngủ mê với lương tâm u muội, say mèm. Nhưng tiếp đến thánh Phaolô khẳng định rằng chính lòng tin cậy mến đòi buộc tín hữu phải có thái độ tỉnh thức đó, chứ nó không phải chỉ là một đức tính đạo đức luân lý mà thôi. Để khỏi rơi vào cảnh không được cuẩn bị khi Chúa Kitô bất thình lình quang lâm, kitô hữu phải mặc lấy đức tin, đức men như áo giáp và lấy đực cậy và ơn cứu độ làm mũ chiến đội đầu. Chỉ những ai tin tưởng, cậy trông và yêu mến đích thực mới tỉnh thức và có đầu óc sáng suốt mà thôi. Thức tỉnh đợi chờ Chúa Kitô đến có nghĩa là sống niềm hy vọng kitô với các nét đặc thù của nó.
 
Và thái độ của tín hữu tin tưởng vào tương lai không uổng công. Vì chương trình của Thiên Chúa là cống hiến cho họ ơn cứu độ chứ không phải án phạt. Biến cố Chúa Giêsu Kitô tử nạn để chuộc tội cho con người là bằng chứng ý chí dấn thân đó của Thiên Chúa. Nó bảo đảm cho tín hữu biết rằng Thiên Chúa Cha sẽ cho họ bước vào cuộc sống hiệp thông bất diệt với Chúa Giêsu Kitô. Nhưng ngay từ bây giờ đây, nếu biết sống lòng tin-cậy-mến vững vàng sốt sắng, thì lúc nào họ cũng được kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô. Dựa trên xác tín này Phaolô khuyến khích tín hữu Thêxalônica biết có tinh thần trách nhiệm và liên đới an ủi, trợ giúp nhau trong nỗ lực xây dựng cộng đoàn giáo hội đia phương. Cộng đoàn giáo hội địa phương giống như một ngôi nhà. Nó có thể được xây cao và có vững mạnh hay không, điều đó tùy thuộc nơi thái độ sống lòng tin-cậy-mến đích thực và tinh thần trách nhiệm, liên đới và hiệp nhất của các tín hữu. Mọi tư tưởng và thái độ sống cá nhân, ích kỷ, riêng rẽ không có chỗ đứng trong quan niệm của thánh Phaolô về ơn cứu rỗi và về cộng đoàn giáo hội.
 
Có người có thể nghĩ rằng vì chúng phát xuất từ sự nôn nóng trông chờ Chúa Giêsu Kitô quang lâm trong thời gian gần kề, nên các tư tưởng trên đây của thánh Phaolô chỉ có giá trị trong bối cảnh cộng đoàn Thêxalônica thời đó. Thật ra các suy tư của thánh Phaolô liên quan tới thái độ sống tỉnh thức, mà mọi kitô hữu đều phải có, không phát xuất từ sự trông chờ nôn nóng nói trên, mà phát xuất từ tương quan đúng đắn giữa hiện tại và tương lai thời sau hết, từ tình trạng sống mới mà kitô hữu nhận được qua lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài. Những gì sẽ xảy ra không phải là tương lai của thế giới, mà là tương lai của tín hữu, là những người đã được Thiên Chúa đích thân kêu mời sống ơn gọi là con cái Ngài. Những gì sẽ xảy ra không phải là định mệnh oan nghiệt, mà là chương trình cứu độ Thiên Chúa Cha hiện thực trong Đức Kitô, chương trình mà mọi người có thể đón nhận ngay bây giờ đây với lòng tin lòng cậy và lòng mến.

5. SỨC LỚN MẠNH CỦA CỘNG ĐOÀN KITÔ THÊXALÔNICA

Chương 5 là chương cuối cùng thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica. Trong 11 một câu đầu thánh Phaolô đề cập tới thái độ tín hữu phải có trong khi chờ đợi ngày Chúa Giêsu quang lâm. Trong 12 câu tiếp theo thánh nhân khai triển đề tài bí quyết giúp vun trồng cộng đoàn trưởng thành và lớn mạnh.
 
Phần thứ hai này của chương 5 gồm một chuỗi các lời khuyến khích liên quan tới 4 đề tài trong cuộc sống cộng đoàn. Trước hết là liên hệ của tín hữu với những người có địa vị lãnh đạo cộng đoàn (cc.12-13), tiếp đó là thái độ của tín hữu biết sốt sắng lo lắng cho nhau (cc. 14-15), rồi đến thái độ tín hữu phải có đối với Thiên Chúa (cc. 16-18), sau cùng là các kinh nghiệm đặc sủng (cc. 19-22). Và thánh Phaolô kết thúc với lời cầu xin Thiên Chúa thánh hóa tín hữu Thêxalônica (cc. 23-24). Lời cầu xin này có nội dung và nhiệm vụ giống như lời cầu kết thúc phần thứ nhất của thư trong chương 3,11-13.
 
Trên bình diện hình thái, phần thứ hai của chương 5 gồm một chuỗi các động từ ở thể sai khiến, ngắn gọn, liên tiếp, dồn dập. Chúng là các lời chỉ dẫn có hình thái của các khẩu hiệu. Và đề tài nòng cốt là cuộc sống nội bộ của cộng đoàn kitô Thêxalônica.
 
Trước hết thánh Phaolô khuyến khích tín hữu kính mến, qúy trọng một số các anh chị em dấn thân hy sinh đứng ra nhận lãnh trách nhiệm lo lắng cho các anh chị em trong cộng đoàn, kể cả việc dạy dỗ răn bảo họ nữa. Tuy thánh Phaolô chỉ đề cập tới các nhiệm vụ và hoạt động của họ thôi, nhưng chúng ta có thể hiểu ngay các vị nói trên là những người tự nguyện đứng ra làm việc phục vụ cộng đoàn. Chính vì thế tín hữu phải yêu mến và kính nể họ. Yêu mến và kinh nể họ không phải vì họ là hàng lãnh đạo được chỉ định hay bầu lên, mà vì tinh thần phục vụ hy sinh của họ. Đây không phải là chuyện tôn thờ lãnh tụ hay tôn thờ cá nhân, mà là thái độ biết ơn các hoạt động phục vụ Chúa Kitô của họ. Thật ra chỉ có Chúa Giêsu Kitô phục sinh đang hiện diện và hoạt động giữa lòng Giáo Hội, mới là Đấng có quyền bính lãnh đạo đích thật trong cộng đoàn tín hữu. Còn các thừa tác khác đều là cộng sự viên của Chúa Giêsu Kitô, đều là dụng cụ Chúa Giêsu Kitô dùng để mưu ích cho thân mình mầu nhiệm Ngài là Giáo hội. Đàng khác chúng ta không thể chối bỏ sự hiện diện của các chức phận và nhiệm vụ đặc biệt hay đúng hơn các dịch vụ phụng sự khác nhau trong cộng đoàn Thêxalônica. Sau này thánh Phaolô cho thấy tính chất đặc thù đích thực của cộng đoàn kitô: đó là tinh thần liên đới và cụ thể trợ giúp lẫn nhau giữa các tín hữu. Chỉ dựa trên những gì chúng ta có trong văn bản không thể kết luận rằng trong cộng đoàn kitô Thêxalônica thời đó đã có hàng giáo phẩm được thành lập. Nhưng đàng khác cũng không thể chối bỏ sự kiện trong giáo đoàn Thêxalônica đã có vài kitô hữu dấn thân trong nhiệm vụ hướng dẫn và tổ chức sinh hoạt cộng đoàn. Hơn là một quyền bính và là người lãnh đạo, các kitô hữu này là các người có đặc sủng và mạnh mẽ dấn thân hoạt động giữa lòng cộng đoàn.
 
Lời thánh Phaolo khuyên tín hữu sống trong hòa bình có lẽ liên quan tới bầu khí chung của giáo đoàn, chứ không ám chỉ các liên hệ của tín hữu với các người có đặc sủng dấn thân hoạt động và đang vất vả lo lắng cho họ. Theo bối cảnh của thư, chúng ta không nhận ra các dấu chỉ cụ thể diễn tả các căng thẳng, các chia rẽ hay chống đối giữa các thành phần giáo đoàn Thêxalônica. Hơn là quay về qúa khứ, Phaolô nghĩ tới tương lai. Hơn là sửa chữa các bất cập Phaolô lặp lại các nguyên tắc có giá trị đối với tín hữu sống tại bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bầu khí an hòa là điều kiện tối cần cho sự phát triển quân bình, lành mạnh của mọi cộng đoàn gia đình, làng xóm cũng như quốc gia và quốc tế. Hòa bình là điều kiện thiết yếu cho mọi công cuộc xây dựng và vun trồng trên mọi bình diện cuộc sống. Một cộng đoàn có các thành phần suốt ngày chỉ tìm cách gây xung khắc, khích bác và chống đối nhau, dò la, xét nét bắt bẻ nhau, đánh phá hành hạ và thù hận nhau, thì làm sao có thể xây dựng và vun trồng thứ gì được, và cộng đoàn đó làm sao có thể trưởng thành và lớn mạnh được?
 
Tuy nhiên, Phaolô còn đi xa hơn. Trong giáo đoàn không phải chỉ cần có bầu khí an bình hòa hợp giữa mọi thành phần tín hữu, mà trước hết và trên hết còn cần phải có tinh thần yêu thương liên đới, biết lo lắng cho nhau và trợ giúp nhau nữa. Tình yêu thương liên đới trợ giúp đó được diễn tả ra bên ngoài bằng nhiều cách từ vật chất tới tinh thần. Nó bao gồm sự trợ giúp và kiên nhẫn cảm thông, các lời khích lệ, khuyên nhủ và cả các lời cảnh cáo và trách mắng nữa. Trong cộng đoàn bao giờ cũng có một số anh chị em hoặc gặp khó khăn và bị lung lay trong lòng tin, hoặc để cho mình bị sa lầy hay lạc đường và sống ngoài vòng đòi buộc của luân lý đạo đức theo tinh thần kitô. Cần phải mau mắn trợ giúp họ thoát ra khỏi cảnh sống đó. Một lời khuyên bảo khích lệ, một sự chú ý, một bàn tay giang ra trợ giúp cụ thể. Từ ai? Phaolô không xác định. Thật ra giới răn yêu thương đòi buộc mọi kitô hữu phải có bổn phận lo lắng cho nhau và trợ giúp nhau. Không lên mặt kiêu căng, nhưng kiên nhẫn chia sẻ gánh nặng của nhau. Mỗi một tín hữu kitô đều là người canh giữ phần rỗi cho anh chị em mình. Dĩ nhiên, nói lên các sự thật, chỉ cho các anh chị em khác thấy các lỗi lầm, các sai trái của họ không luôn luôn là điều dễ làm, nhưng như thế mới là có tinh thần yêu thương và trợ giúp nhau đích thực. Chứ còn chỉ nịnh hót, vào hùa ca tụng nhau, lấp liếm tội lỗi cho nhau là hại nhau chứ không phải là yêu thương và mưu cầu hạnh phúc cho nhau đích thực. Ở đây Thánh Phaolô đặc biệt nêu bật thái độ không lấy ác báo ác. Thái độ tìm làm điều thiện cũng không chỉ được giới hạn giữa các tín hữu với nhau, mà còn phải trải rộng ra tất cả mọi người khác nữa.
 
Tiếp đến thánh Phaolô đưa ra ba lời ngắn gọn khuyên tín hữu Thêxalônica luôn sống tươi vui, cầu nguyện không ngừng và cám tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh. Đây là ba nét đặc thù khác của cuộc sống lòng tin kitô. Ở đầu thư thánh nhân cho biết dù gặp bao gian lao thử thách, các tín hữu Thêxalônica đã mở rộng tâm lòng đón nhận Tin Mừng và sống tươi vui. Tuy những ngày tháng hăng say thủơ ban đầu đã qua, nhưng giờ đây và trong tương lai tín hữu Thêxalônica cũng phải duy trì niềm vui đó luôn mãi. Đồng thời luôn luôn hướng mắt về Thiên Chúa trong thái độ kết hiệp và biết ơn sự hiện diện và quan phòng của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, như chính thánh Phaolô và các cộng sự viên của ngài vậy (1,2-3: 2,13; 3,9-13). Lòng tin đích thực khiến cho tín hữu phó thác mọi sự nơi Chúa quan phòng và tình yêu thương của Ngài. Bởi vì họ xác tín rằng Thiên Chúa là Chúa của lịch sử và chính Ngài mới là Đấng có tiếng nói sau cùng. Vì thế không có khổ đau, thất bại và đắng cay nào có thể cướp mất niềm vui sâu thẳm ấy trong tâm lòng tín hữu. Và cho dù có xảy ra bất cừ gì đi nữa, họ cũng vẫn luôn luôn biết ơn chúc tụng Thiên Chúa và kết hiệp khắng khít với Ngài qua lời cầu nguyện.
 
Vấn đề cuối cùng thánh Phaolô đề cập tới trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thêxalônica: đó là sự biểu lộ quan trọng của các đặc sủng. Bối cảnh cho chúng ta hiểu rằng giữa cộng đoàn đang có một trào lưu nghi ngờ, khinh thường và ngăn chặn đặc sủng ngôn sứ do Chúa Thánh Thần khơi dậy trong cộng đoàn. Tính chất tự phát trong các diễn tả của Chúa Thánh Thần luôn luôn gây ra trong một khung cảnh đã có nền nếp trật tự, một loại men mới và không ai có thể lường trước được kết quả của nó. Vì thế các đặc sủng thường làm phát sinh ra các phản ứng. Trong Tân Ước tiếng nói sinh động của vị ngôn sứ không tiên báo các biến cố tương lai cho bằng nhận diện ra các dấu chỉ thời đại và khuyến khích tín hữu sống trung thành với Chúa và tuân giữ các giáo huấn của Ngài. Có lẽ trong cộng đoàn Thêxalônica có một số kitô hữu tự cho họ là các ngôn sứ và giảng dạy sai lạc, nên thánh Phaolô mới khuyên tín hữu giáo đoàn một đàng biết qúy chuộng các đặc sủng của Chúa Thánh Thần trong đó có ơn ngôn sứ, đàng khác nên cẩn thận đề phòng, đừng qúa dễ tin kẻo bị lừa, vì không phải bất cứ gì cũng từ Chúa thánh Thần mà tới. Nói cách khác, thánh Phaolô khuyên tín hữu đừng có các thiên kiến, nhưng cũng không nên cả tin. Trái lại phải có óc duyệt xét, sàng lọc mọi chuyện và phân biệt ngôn sứ thật với ngôn sứ giả. Ở đây thánh nhân giúp tín hữu có một tiêu chuẩn vững chắc: đó là sự tốt lành. Sự thiện chính là mực thước duy nhất giúp đo lường các hoạt động ngôn sứ. Xem quả thì biết cây. Đây là đề tài sẽ được khai triển rộng rãi trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô các chương 12-14.
 
Phaolô kết thúc phần hai của thư với lời nguyện xin Thiên Chúa của hòa bình ban ơn cứu độ cho tín hữu Thêxalônica, bằng cách thánh hóa toàn con người và cuộc đời họ, để họ được vẹn toàn không dính líu và dàn xếp lắt léo với sự dữ. Ở đây Phaolô cho thấy kiểu diễn tả về con người gồm ba nguyên lý: nguyên lý của sự sống bên trên tức thần khí, nguyên lý của sự sống bên dưới, tức linh hồn và nguyên lý của chiều kích vật chất tức thịt xác. Xem ra thánh Phaolô chỉ bắt chước các kiểu diễn tả hy lạp chứ không chấp nhận quan niệm nhân chủng hy lạp hay chú ý tới nội dung của nó. Dầu sao đi nữa ở đây Phaolô có ý diễn tả con người trong cái toàn vẹn của nó như là chủ đích việc thánh hóa của Thiên Chúa. Các lời nguyện của Phaolô dựa trên lòng trung thành của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đã lựa chọn các tín hữu từ đời đời (1,4), kêu gọi họ bước vào liên hệ lòng tin qua lời rao giảng Tin Mừng (1,5-6) và hứa trao ban cho họ cuộc sống vinh quang nước trời (2,12). Các tín hữu Thêxalônica đã được tháp vào chương trình cứu độ, và Thiên Chúa sẽ thành toàn chương trình ấy. Trong thời cựu ước mặc dầu dân Israel đã phản bội, Thiên Chúa vẫn trung thành. Giờ đây qua Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh Thiên Chúa lại càng chứng minh cho thấy Ngài tín trung hơn nữa.

Tác giả bài viết: Giuse Linh Tiến Khải

 Tags: Thánh Phaolô

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay20,756
  • Tháng hiện tại428,042
  • Tổng lượt truy cập29,407,580

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây