Hội Thánh: Bí tích nhiệm thể Chúa Kitô

Thứ sáu - 13/10/2023 17:58
 
bia thuong huan LM 2023 Copy


Khóa Thường Huấn Linh mục Giáo phận Qui Nhơn
(25-27/9/2023)

Chủ đề:
Tông thư Desiderio Desideravi
Phụng Vụ: Điểm hẹn tình yêu với Đức Kitô



HỘI THÁNH
BÍ TÍCH CỦA NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ
(số 14-15)

Lm. J. B. Nguyễn Kim Ngân


DẪN NHẬP

Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Đào Tạo Phụng Vụ Cho Dân Thiên Chúa được ban hành tại đền thờ Gioan Latêranô ngày 29 tháng 6 năm 2022, nằm trong khung cảnh đặc biệt của Giáo Hội Hoàn Cầu chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần Thứ XVI: “Vì một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Con đường Hiệp Hành này đã khai mạc trọng thể vào các ngày 9-10 tháng 10 năm 2021 tại Rôma và sau đó tại mỗi Giáo Hội địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Trích diễn từ ngày 17-10-2015).

Trong Thư Chung 2022, HĐGMVN chọn năm 2023 là năm “Củng Cố Sự Hiệp Thông” để tiếp tục sống tinh thần hiệp hành hướng đến Thượng Hội Đồng XVI vào tháng 10 năm 2023. Giáo phận Qui Nhơn hòa chung khung cảnh ấy với năm phụng vụ 2023 theo chủ đề: “Một Cây Nho, Một Thân Mình” (Ga15,5; 1Cr 12,27). Những hình ảnh cụ thể này càng nói lên cách rõ ràng về sự hiệp thông mà Thiên Chúa mong muốn nơi người tín hữu. HĐGMVN nhấn mạnh đến sự hiệp thông trong phụng vụ, đặc biệt nơi bí tích: Bí Tích Thánh Thể. Dựa trên tinh thần đó, thường huấn lần này chúng ta xoay quanh đời sống phụng vụ làm nên mối hiệp thông cốt lõi của đời sống Kitô hữu trong chiều kích tương quan với Chúa và tha nhân.

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng biết đến Hội Thánh trở nên bí tích nhờ hiệp thông một cách sâu xa và nhiệm mầu với Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể. Vì thế, trong bài này, chúng ta tái khám phá hình ảnh Hội Thánh là Thân Thể Nhiệm Mầu của Chúa Kitô. Qua đó, người Kitô hữu hiểu rõ hơn khi nhìn ra Chúa Kitô là bí tích nguyên thủy đã thông truyền cho chính Hội Thánh khi liên kết mật thiết với Người để làm trung gian chuyển ơn Chúa đến cho những ai hiệp thông với Hội Thánh. Như thế, chúng ta càng phải nhìn lại Hội Thánh được Chúa Giêsu thành lập như thế nào. Tiếp đến, tông thư Desiderio Desideravi nhấn mạnh đến khía cạnh chủ thể duy nhất hoạt động trong phụng vụ luôn luôn là Chúa Kitô - Hội Thánh, Nhiệm Thể của Người. Cuối cùng, chúng ta tìm cách để làm cho sứ mạng là dấu chỉ và bí tích phổ quát của Hội Thánh được thực hiện một cách hiệu quả trong thế giới hôm nay.

1. HỘI THÁNH CHÚA KITÔ

Chúng ta đang sống trong Hội Thánh Chúa Kitô, là thành viên của Hội Thánh. Vậy Hội Thánh được thành lập như thế nào? GLHTCG nói với chúng ta rằng: “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khởi đầu Nước Trời nơi trần gian. Và thánh ý Chúa Cha là ‘nâng loài người lên, cho họ được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa.’ Thiên Chúa thực hiện điều này bằng cách quy tụ người ta quanh Con của Ngài, là Chúa Giêsu Kitô. Cộng đồng được quy tụ này, chính là Hội Thánh, là ‘hạt giống và điểm khởi đầu của Nước Thiên Chúa’ trên trần gian” (số 541).[1]

1.1. Hội Thánh được thành lập nằm trong thánh ý Chúa Cha

Vì tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ này, trong đó con người chiếm một vị trí quan trọng trong công trình sáng tạo của Người. Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh Thiên Chúa và cho con người được tham dự vào đời sống hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu (x. Sáng Thế Ký 1,26-29). Chẳng những thế, Thiên Chúa quyết định nâng con người lên chia sẻ sự sống thần linh với Người bằng hình ảnh đặt con người vào trong vườn địa đàng, có nghĩa là sống gần gũi với Chúa. Nhưng, con người đã sa ngã trước cám dỗ của Satan khi kiêu ngạo muốn ngang hàng với Thiên Chúa. Con người đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người.[2]

Thiên Chúa sai Con của Người đến cứu chuộc con người khỏi tội lỗi và sự chết để đưa con người giao hòa với Thiên Chúa hầu đạt được sự sống thần linh mà Thiên Chúa ban cho lúc khởi đầu. Hội Thánh nhắc lại cho chúng ta biết rằng: “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người. Giáo Hội, nghĩa là vương quốc Chúa Kitô đang hiện diện cách mầu nhiệm, vẫn luôn tăng trưởng cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền lực Thiên Chúa” (LG 3).

Thánh ý nhân lành của Thiên Chúa nhằm cứu độ con người được thực hiện trong Chúa Kitô, Con Một của Người. Thánh Phaolô trong thư Êphêsô miêu tả cho chúng ta thấy rằng theo ý muốn và lòng nhân ái trong Đức Kitô chúng ta được ơn làm nghĩa tử, được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi, được ơn thông hiểu thiên ý và kế hoạch đầy yêu thương của Thiên Chúa cho con người (x. Ep 1-2). Như thế, chúng ta được quy tụ trong Đức Kitô để trở thành Hội Thánh hầu lãnh nhận ơn làm con Thiên Chúa, được cứu độ nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.

1.2. Cội nguồn của Hội Thánh

Giáo huấn của Hội Thánh nói về cội nguồn của Hội Thánh: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như “một dân tộc được hợp nhất khởi nguồn từ sự hợp nhất của Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4).

Dựa theo quan điểm thần học, Chúa Ba Ngôi là cội rễ của Hội Thánh. Mạc khải này qua Ngôi Hai Thiên Chúa cho nhân loại biết Hội Thánh là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là Đấng tạo dựng đã muốn cho con người được tham dự vào sự sống thần linh nên đã quy tụ một dân tộc được gọi là Dân Thiên Chúa và sau này là Giáo Hội. Hội Thánh được Công đồng Vaticanô II hiểu như thế này: “Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian” (LG 2). Những người được Thiên Chúa quy tụ được chia thành hai thời kỳ: giao ước cũ là dân Israel và giao ước mới là Hội Thánh. Và Hội Thánh này được Chúa Kitô thiết lập trong thời gian.

Chúa Con được sai đến để thành toàn lời cứu độ mà Chúa Cha lên kế hoạch cho dân của Người. “Để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người” (LG 3). Nhờ sự vâng phục của Chúa Con bằng cuộc khổ nạn và phục sinh, nhất là lời của Chúa Con: “Phần tôi, khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32), Chúa Giêsu muốn qui tụ mọi dân nước thành một đoàn chiên duy nhất. Chúa Giêsu đã dùng nhiều hình ảnh và dụ ngôn để nói lên Hội Thánh do Người thiết lập mà chính Người cho họ hiệp thông với Người. Hình ảnh cây nho mà Chúa Giêsu dùng diễn tả một cách đậm nét về Hội Thánh. Vì thế, để làm cho Hội Thánh luôn được hiệp thông với Người, Chúa Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai tiếp nối sứ mạng của Người, được gọi là 12 tông đồ, tương ứng với 12 chi tộc Israel mà Thiên Chúa nhắm tới thành lập dân riêng của Người. Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền năng để đi loan báo Nước Thiên Chúa, đã qui tụ họ thành cộng đoàn để dạy dỗ, giúp họ cảm nghiệm đời sống của Người hầu có thể chu toàn sứ mạng rao giảng và làm chứng cho Người. Sau khi hoàn tất công trình cứu độ theo thánh ý Chúa Cha, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các tông đồ để các ngài tiếp tục sứ mạng làm cho Nước Thiên Chúa được hiển trị.

Sau khi Chúa Kitô hoàn tất sứ mạng tại trần gian, Chúa Thánh Thần được cử đến như là đấng an ủi, trạng sư, làm cho hiểu các lời Chúa Giêsu dạy, hướng dẫn nhân loại đến sự thật và thánh hóa Hội Thánh. Thật vậy, “chính Người là Thần Khí sự sống, là mạch nước vọt lên đến sự sống vĩnh cửu (x. Ga 4,14; 7,38-39), nhờ Người, Chúa Cha tác sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, cho đến khi Người phục sinh thân xác hay chết của họ trong Đức Kitô (x. Rm 8,10-11).)[3] Chúa Thánh Thần trở nên tác nhân chính hoạt động trong Hội Thánh và thúc đẩy Hội Thánh hoạt động. Người vừa là sự sống và là linh hồn của Hội Thánh. Người không ngừng hiện diện trong Giáo Hội và mọi phần tử của Giáo Hội; chẳng những thế, Người “hợp nhất Giáo Hội trong sự hiệp thông và trong tác vụ, Người xây dựng và hướng dẫn Giáo Hội với nhiều hiện sủng và đoàn sủng khác nhau, Người trang điểm Giáo Hội bằng các hoa quả của Người (x. Ep 4,11-12; 1 Cr 12,4; Gl 5,22). Nhờ sức mạnh Tin Mừng, Người không ngừng canh tân và làm cho Giáo Hội luôn tươi trẻ, dẫn đưa Giáo Hội đi đến kết hợp hoàn toàn với Phu Quân của mình” (LG 4). Vì vậy, suối nguồn đã từng làm phát sinh sức sống của Giáo Hội, đã thôi thúc công tác phúc âm hóa, cũng như đã tuôn đổ tràn đầy năng lực thánh hóa xuống trên Giáo Hội, là chính Thần Khí duy nhất của Chúa Cha và Chúa Con, Thần Khí đã được ban cho các con cái Chúa như một ân huệ tuyệt vời.[4]

Hội Thánh được sinh ra từ Ba Ngôi và cho Ba Ngôi. Thánh Gioan Damascus đã nói: “Chúng tôi tin vào Giáo Hội của Thiên Chúa, một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, trong đó chúng tôi được dạy dỗ. Chính ở đây chúng tôi được biết Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và chúng tôi được rửa tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”[5] Vì vậy, qua bí tích Rửa Tội chúng ta gia nhập vào Hội Thánh và qua đó tham dự vào chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Hơn nữa, Hội Thánh không chỉ xuất phát từ Ba Ngôi, mà còn phải sống trong và nhờ Ba Ngôi. Do đó, chúng ta thường thấy kết thúc lời nguyện bằng một vinh tụng ca: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần,…”

1.3. Hội Thánh Chúa Kitô

Công đồng Vaticanô II dạy chúng ta rằng: “Chỉ có một Giáo Hội của Đức Kitô mà chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, Giáo Hội mà Đấng Cứu Độ chúng ta, sau khi sống lại, đã ủy thác cho Phêrô chăn dắt (Ga 21,17), đồng thời cũng trao cho Phêrô và các Tông đồ khác nhiệm vụ truyền bá và cai quản Giáo Hội (x. Mt 28,18tt.), và Người cũng thiết lập Giáo Hội nên như ‘cột trụ và điểm tựa của chân lý’ đến muôn đời (x. 1 Tm 3,15).”[6]

Chúa Giêsu đã thiết lập một Hội Thánh duy nhất trên nền tảng Phêrô, Tông đồ trưởng mà chúng ta gọi ngài là giáo hoàng đầu tiên. “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18). Tin mừng Mátthêu mô tả Hội Thánh được thành lập trên Phêrô là Hội Thánh của Chúa Kitô. Chính miệng Chúa Giêsu đã nói với Phêrô như thế. Lời tuyên tín của Phêrô là nền tảng vững chắc để Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh của Người được trường tồn cho đến ngày tận thế. Từ lời tuyên tín của Phêrô: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Và rồi, sau Phục Sinh, Chúa Giêsu một lần nữa đã ủy thác đoàn chiên mà Người đã thiết lập cho Phêrô và các Tông đồ khác chăn dắt. Chúng ta cũng tuyên tín trong kinh Tin Kính: chỉ có một Hội Thánh của Chúa Kitô.

Và rồi, khi sắp hoàn tất chương trình cứu độ, trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tất cả những ai thuộc về Ngài: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; […] Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 9-10.20-21). Như thế, tất cả những ai được Chúa Cha qui tụ quanh Chúa Con nhờ bí tích Rửa Tội đều thuộc về Chúa Con. Cho nên, tất cả những ai gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô đều thuộc về Chúa Kitô.

Khi đọc văn kiện về Giáo Hội của Công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy “Đức Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Giáo Hội thánh thiện của Người nơi trần gian” (LG 8). Hội Thánh một lần nữa khẳng định mình là Hội Thánh của Chúa Kitô. Không có Chúa Kitô, chắc chắn Hội Thánh không thể tồn tại. Không có Chúa Kitô, chắc chắn Hội Thánh như rắn mất đầu không thể làm được gì. Vì vậy, Công đồng quả quyết rằng: “chỉ có một Đức Kitô duy nhất là trung gian và là đường cứu độ, Đấng đang hiện diện giữa chúng ta trong Thân Mình Người là Giáo Hội” (LG 14).

Và mới đây nhất, với Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Phanxicô lập lại cho chúng ta một cách khẳng định Hội Thánh thuộc về Chúa Kitô vì được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thủng trên thập giá: “chính từ cạnh sườn Chúa Kitô đang ngủ giấc ngủ của cái chết trên cây thánh giá, mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được khởi sinh.”[7]

2. HỘI THÁNH: BÍ TÍCH CỦA NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ

Hội Thánh được thiết lập để tiếp tục sứ mạng cứu thế của Chúa Giêsu. Khi chúng ta hiểu một cơ thể sống được chỉ huy bởi một cái đầu, chúng ta dễ dàng hiểu được lời thánh Phaolô nói tới Chúa Giêsu là Đầu của Hội Thánh, chính là Thân Thể Người. Hơn nữa, Chúa Giêsu là bí tích nguyên thủy của Chúa Cha vì Chúa Giêsu trở nên công cụ cứu độ mà Chúa Cha thực hiện trong trần gian. Khi kết hợp với Đầu là Chúa Giêsu, Hội Thánh cũng trở nên bí tích để cứu độ nhân loại trên đường lữ hành về quê Trời. Vì vậy, khi thực thi sứ mạng của Chúa Giêsu, Hội Thánh cũng thực thi tính bí tích của mình nhằm làm cho Nước Chúa được hiển trị.

2.1. Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô

Trong Thông điệp Mystici Corporis Christi, Đức Thánh Cha Piô XII nói rằng: “Muốn diễn tả Hội Thánh chân chính do Chúa Giêsu thiết lập, là một Hội Thánh có đặc tính thánh thiện, công giáo, tông truyền, thì không thể tìm thấy biểu ngữ nào đẹp đẽ, cao quý, thần thiêng cho bằng gọi Hội Thánh là Thân Thể nhiệm mầu của Chúa Kitô (gọi tắt là Nhiệm Thể Chúa Kitô).”[8]

Từ ngữ “Nhiệm Thể Chúa Kitô” không được tìm thấy một cách minh nhiên trong Kinh Thánh. Chúng ta chỉ bắt gặp thuật ngữ “Thân thể Chúa Kitô” do thánh Phaolô dùng một cách ẩn dụ để diễn tả về Hội Thánh.[9] “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24). “Thân thể” ở đây nói tới thân xác thể lý. Hội Thánh mà Chúa Giêsu thiết lập được ví như thân thể của Người vì chính Người là đầu.

Từ ngữ “nhiệm thể” (mysticum corpus) được hiểu theo tiếng Việt là gồm có danh từ “thân thể” và tính từ mô tả “nhiệm mầu”. Nếu chúng ta hiểu trong ngữ nghĩa áp dụng cho Chúa Giêsu Kitô thì tính từ mầu nhiệm ám chỉ về thiên tính của Chúa Giêsu. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người mang hai bản tính trong một ngôi vị. Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh cũng mang lấy hai khía cạnh ấy. Hội Thánh có Chúa Giêsu là Đầu vì Hội Thánh là thân thể nên mang lấy khía cạnh thần thiêng. Hội Thánh được Chúa Cha qui tụ từ mọi nước mọi dân xung quanh Chúa Kitô như là các chi thể kết hiệp với Chúa Kitô; hình ảnh cây nho trong Tin Mừng nói rõ cho chúng ta điều đó (x. Ga 15). Chúng ta một lần nữa nhìn lại những gì thánh Phaolô nói với chúng ta về Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô. “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh”; “vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,18.24). “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4,15).

GLHTCG cuối cùng xác quyết như thế này: “Đức Kitô là ‘Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh’ (Cl 1,18). Người là Nguyên Lý của cả công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc. Khi được siêu thăng vào trong vinh quang của Chúa Cha, ‘Người đứng hàng đầu trong mọi sự’ (Cl 1,18), nhất là trong Hội Thánh, và qua Hội Thánh, Người mở rộng Nước của Người trên mọi sự” (số 792).

Có một sự tiến triển trong thần học về Hội Thánh khi Giáo Hội nhìn nhận mình là Nhiệm Thể Chúa Kitô khi lấy khuôn mẫu mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm nội tại cho mình. Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh: “theo cách thức loại suy vẫn được công nhận, Giáo Hội được sánh ví với mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể.[10] Công đồng tiếp tục rằng Hội Thánh vừa là cộng đồng được tổ chức theo cơ chế phẩm trật, vừa là Nhiệm Thể Đức Kitô, là đoàn thể hữu hình và cũng là cộng đoàn thiêng liêng, […] dù vậy, không được nhìn Giáo Hội như hai thực thể, nhưng đúng hơn, tất cả chỉ làm nên một thực tại đa phức, được kết thành từ yếu tố nhân loại và thần linh.[11]

Khi chúng ta nhìn nhận Thân Mình của Chúa Kitô là một nhiệm thể, chúng ta xác tín rằng Đức Kitô và Hội Thánh là “Đức Kitô toàn thể” (Christus totus). Hội Thánh là một với Đức Kitô.[12] Nhờ đó, khi hướng đến việc xem Hội Thánh như là một bí tích vì có sự kết hợp sinh tử với Chúa Kitô là bí tích cội nguồn ban ơn cứu độ.

2.2. Tính bí tích của Hội Thánh

Khi nói tới bí tích, chúng ta nghĩ ngay đến Bảy Bí Tích. Các bí tích này được hiểu là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng mà Thiên Chúa ban cho nhân loại qua Chúa Giêsu; qua các bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Nếu hiểu một cách rộng hơn, Hội Thánh được xem như là dấu chỉ hữu hình mà Thiên Chúa dùng để ban ơn sủng cho những ai tin vào Người.

GLHTCG nêu lên cho chúng ta: “Từ mysterion trong tiếng Hy Lạp được dịch sang tiếng La-tinh bằng hai từ là mysterium (mầu nhiệm) và sacramentum (bí tích). Trong cách giải thích về sau này, từ sacramentum (bí tích) diễn tả dấu chỉ hữu hình của thực tại ẩn giấu của ơn cứu độ, thực tại ẩn giấu đó được diễn tả bằng từ mysterium (mầu nhiệm). Theo nghĩa này, chính Đức Kitô là mầu nhiệm của ơn cứu độ: ‘Mầu nhiệm của Thiên Chúa không là gì khác ngoài Đức Kitô.’ Công trình cứu độ do nhân tính thánh thiện và có sức thánh hóa của Đức Kitô thực hiện là bí tích của ơn cứu độ” (số 774).

Tính bí tích của Hội Thánh dựa trên tính bí tích của Chúa Giêsu. Thật vậy, Chúa Giêsu là Thiên Chúa vô hình và là mầu nhiệm cứu độ đã trở nên hữu hình để tất cả những ai tin vào Người thì được cứu độ, có nghĩa là được ân sủng hưởng hạnh phúc đời đời. hiến chế Sacrosanctum Concilium cũng đã nói đến điều này: “Bản tính nhân loại của Người kết hiệp với Ngôi Lời, đã nên khí cụ thực hiện ơn cứu rỗi cho chúng ta” (số 5). Giờ đây, một lần nữa chúng ta lập lại rằng Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh ở trần gian mang tính chất hữu hình, nhưng kết hiệp hoàn toàn với Người là Đầu, mang thực tại thần thiêng. Vì thế, Hội Thánh chứa đựng và truyền thông ân sủng vô hình mà mình là dấu chỉ. Trong ý nghĩa loại suy này, chính Hội Thánh được gọi là một “bí tích.”[13] Theo nghĩa này, Hội Thánh không phải là bí tích thứ tám.

2.3. Hội Thánh là Bí Tích của Nhiệm Thể Chúa Kitô

Khái niệm này chúng ta bắt gặp trong tư tưởng của lời dạy các tông đồ và vài thánh giáo phụ. Sách Didache nói về “mầu nhiệm vũ trụ của Giáo Hội”, thánh Cyprianô gọi Giáo Hội là “mầu nhiệm lớn của ơn cứu độ”, và thánh Augustinô nói đến Giáo Hội như là “bí tích kỳ diệu sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô.”[14]

Tư tưởng này được tiếp nối và làm sáng tỏ với Công đồng Vaticanô II. Trước tiên, Hiến chế Sacrosanctum Concilium nói rằng: “Vì chính từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo Hội” (số 5). Hiến chế Lumen Gentium thì nói: “Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (số 1). Số 48 của Lumen Gentium nói thêm rằng:

“Khi được giương lên cao khỏi đất, Đức Kitô đã kéo mọi người lên với Người (x. Ga 12,32: bản Hy-lạp); khi từ cõi chết sống lại (x. Rm 6,9), Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Chúa Thánh Thần, Người thiết lập Thân Mình Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát của ơn cứu độ; nay ngự bên hữu Chúa Cha, Người không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Giáo Hội, và qua Giáo Hội, kết hợp họ mật thiết hơn với Người, và khi nuôi dưỡng họ bằng chính Mình Máu của Người, Người cho họ tham dự vào cuộc sống vinh hiển của Người.”[15]

Nơi số 48 này văn kiện nhấn mạnh Hội Thánh như bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Thiên Chúa muốn cứu chuộc hết thảy mọi người không loại trừ một ai, và Người dùng chính Hội Thánh do Chúa Giêsu thiết lập như là Dân Chúa để làm nên ánh sáng và phương tiện cho mọi người nhận biết Thiên Chúa.

Trở lại với số 5 của Hiến chế Phụng vụ thánh, chúng ta khám phá mối liên hệ thâm sâu làm nên bí tích của Hội Thánh; đó là từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu trên thập giá làm phát sinh tính bí tích của Hội Thánh. Điều này làm cho Tông thư Desiderio Desideravi lặp lại khi muốn Hội Thánh tích cực hơn trong việc thực hiện sứ mạng bí tích của mình. “Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta (x. Sacrosanctum Concilium 5) khi trích dẫn Kinh Thánh, cùng với các Giáo phụ và Phụng vụ, là những trụ cột của Truyền thống đích thực: chính từ cạnh sườn Chúa Kitô đang ngủ giấc ngủ của cái chết trên cây thánh giá, mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được khởi sinh[16]

“Chính từ cạnh sườn Chúa Kitô khi Người ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá” làm chúng ta liên tưởng đến việc Thiên Chúa tạo dựng người nữ trong Sách Sáng Thế.[17] Các nhà thần học làm một cuộc so sánh giữa Ađam cũ (tổ tông loài người) và Ađam mới (Đức Giêsu Kitô) có những điểm giống nhau đến kinh ngạc:
“Từ cạnh sườn của Ađam đầu tiên, đang trong giấc ngủ sâu, Thiên Chúa đã làm nên Evà; từ cạnh sườn Ađam mới, đang trong giấc ngủ của cái chết trên thập giá, Evà mới là Hội Thánh đã được khai sinh. Chúng ta ngỡ ngàng khi hình dung Ađam mới lúc nhìn thấy Hội Thánh cũng nói những lời này: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Bởi đã tin Lời Chúa và bước xuống dòng nước Thánh Tẩy, chúng ta trở nên xương bởi xương và thịt bởi thịt của Người.”[18]

Thiên Chúa dựng nên người nữ từ chiếc xương nơi cạnh sườn của Ađam và Ađam vui mừng khi thấy một trợ tá tương xứng với mình. Chúa Giêsu khai sinh Hội Thánh từ cạnh sườn bị đâm thủng để máu và nước, tượng trưng cho sự sống chảy xuống ban phát cho những ai tin vào Người qua Hội Thánh. Những ai muốn trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa đều phải gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô qua bí tích Thánh Tẩy.

Một lần nữa, chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Hội Thánh trở nên bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh; ý muốn nói đến Hội Thánh là bí tích của Nhiệm Thể Chúa Kitô. Khi kết hợp mật thiết một cách sinh tử với Đức Kitô, Hội Thánh mới thực sự là bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Điều này làm cho chúng ta hiểu rõ hơn Nhiệm thể Chúa Kitô đóng vai trò bí tích trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại cho đến ngày tận thế.

3. MỤC ĐÍCH BÍ TÍCH CỦA HỘI THÁNH

Chúa Giêsu khai sinh tính bí tích của Hội Thánh từ cạnh sườn tuôn trào máu và nước làm phát sinh những ân sủng hầu những ai gia nhập Hội Thánh đều được kết hợp với Thiên Chúa một cách mật thiết hơn. Từ đó, Thiên Chúa muốn Hội Thánh ngày càng ý thức vai trò bí tích của mình một cách tích cực và hiệu quả bởi cánh đồng mênh mông bát ngát những con người chưa nhận biết Chúa. Khi thi hành chức năng bí tích của mình trong Chúa Kitô, Hội Thánh mới sống đúng với sứ mạng của mình. Sứ mạng của Hội Thánh không chỉ có việc loan báo Tin Mừng mà còn làm cho mọi người nhận biết Chúa và được hưởng ơn cứu độ. Vì vậy, Hội Thánh cần ý thức trong chức năng bí tích, Hội Thánh nên dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người.[19]

3.1. Dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa

Mục đích đầu tiên của chức năng bí tích của Hội Thánh là làm cho mọi người hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa (x. LG 1).[20] Hội Thánh chính là mẫu gương hiệp thông sáng giá nhất để giúp cho mọi người tin vào Chúa thấy rõ Thiên Chúa đang hiện diện trong nhân loại.
Chúng ta nhìn vào hình ảnh cây nho (x. Ga 15) mà Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ (Hội Thánh sơ khởi). Mối hiệp thông mật thiết này là mối hiệp thông sự sống. Chỉ có Thiên Chúa mới là sự sống. “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. […] Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. […] Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo” (Ga 15, 1-6). Mối hiệp thông sự sống với Thiên Chúa cũng được Chúa Giêsu nêu lên với việc tiếp nhận chính Chúa qua bí tích Thánh Thể được thực hiện trong Hội Thánh. Trước tiên, trong diễn từ bánh hằng sống tại hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6, 48-51). Trong các Tin Mừng Nhất Lãm, các tác giả đã mô tả Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể để những ai tiếp nhận Mình và Máu của Người thì được cứu độ. “Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.’ Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội’.” (Mt 26, 26-28).[21]

Tiếp đến, Hội Thánh nên dấu chỉ và phương tiện cho con người hiệp thông với Thiên Chúa trong tình yêu. Chúa Giêsu đã trở nên bí tích kỳ diệu thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17). Thánh Gioan còn nói lên bản chất của Thiên Chúa là tình yêu và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên Chúa. “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4, 16). Trong câu này cụm từ “ở lại” mang nghĩa hiệp thông. Nó được lặp lại đến 3 lần; ý muốn nói đến tầm quan trọng của việc ở lại. Một sự hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa bằng tình yêu thì Thiên Chúa sẽ ở trong người ấy, mà Thiên Chúa ở trong người ấy thì người ấy hoàn toàn đầy ơn nghĩa với Chúa. Mẹ Maria đầy ơn nghĩa với Chúa vì luôn ở lại trong tình yêu của Chúa (x Lc 1, 26-38). Hiểu theo cách này, Hội Thánh được Chúa Giêsu yêu mến (Ga 13, 1) đến độ hy sinh cả mạng sống để lập nên, hiện diện bằng Thần khí của Người và làm cho tăng trưởng. Ngược lại, Hội Thánh cũng yêu mến Chúa Giêsu đến độ hiến dâng toàn chỉ thể của mình để cho Người biến đổi họ thành khí cụ tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người. Sau khi Phục Sinh, trước khi giao phó Hội Thánh cho Phêrô, Chúa Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” và cả ba lần Phêrô đều đáp lại “có”. Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Cuối cùng, hiệp thông với Thiên Chúa bằng tình con thảo là điều Hội Thánh giúp cho con người lãnh nhận các bí tích một cách hiệu quả. Tính bí tích của Hội Thánh làm cho những ai nhận biết Thiên Chúa đều đi đến việc phụng thờ Người trong tư cách là một người con. Con cái có mối liên hệ máu mủ thường yêu mến và phụng thờ cha mẹ mình một cách hiếu thảo và yêu thương nhất. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:“Lạy Cha chúng con ở trên trời” (x. Mt 6, 7-14). Người cũng nhắc cho chúng ta nguồn cội của mình: “anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (x Mt 23, 9). Trong việc tôn thờ, Người dạy chúng ta thưa cùng Thiên Chúa bằng mối tương quan cha – con. Mối tương quan này nói lên một sự hiệp thông cả tình yêu lẫn sự sống.

Thiên Chúa vẫn dùng Nhiệm Thể Chúa Kitô như là bí tích để lôi kéo mọi người đến hiệp thông với Người. Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 44). Và lần khác Chúa Giêsu nói tiếp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Có thể hiểu rằng không ai có thể hiệp thông với Thiên Chúa mà không được Thiên Chúa thúc đẩy bằng Thánh Thần và không qua Chúa Giêsu vì Người là đấng trung gian duy nhất. Giờ đây, Người không còn hiện diện hữu hình nơi chính thân xác của Người, nhưng Người lại hiện diện một cách thần thiêng nơi Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh. Qua Hội Thánh, những ai chịu bí tích Rửa Tội đều hiệp thông với Thiên Chúa trong sự sống, tình yêu và địa vị con Thiên Chúa.

3.2. Dấu chỉ và phương tiện hiệp nhất mọi người

Mục đích thứ hai của chức năng bí tích của Hội Thánh là làm cho mọi người hiệp nhất với nhau. GLHTCG nói:
“Bởi vì sự hiệp thông giữa con người bắt rễ trong sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích của sự hợp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hợp nhất đó đã bắt đầu, bởi vì Hội Thánh quy tụ những người “thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9); đồng thời, Hội Thánh là “dấu chỉ và dụng cụ” để thực hiện trọn vẹn sự hợp nhất này mà cho đến nay vẫn còn phải đạt tới” (số 775).

Thiên Chúa là cội rễ của sự hiệp nhất. Có một Thiên Chúa duy nhất nhưng lại có ba ngôi vị, tuy nhiên, ba ngôi vị đó lại hằng hiệp nhất với nhau trong mọi sự, từ công cuộc sáng tạo cho đến cuộc vượt qua của Chúa Giêsu. Người tạo dựng mọi dân tộc trong vũ trụ này và muốn họ hiệp nhất với nhau trong đại gia đình Thiên Chúa. Giờ đây, Hội Thánh được Chúa Giêsu thiết lập đi theo ước muốn hiệp nhất của Người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha cho Hội Thánh được hiệp nhất:

“Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17, 20-23).

Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho chúng ta thấy rằng sự hiệp nhất đặt trên nền tảng Thiên Chúa và Người xin Chúa Cha gìn giữ Hội Thánh được hiệp nhất để Hội Thánh càng trở nên khí cụ rõ ràng hơn cho sự gắn kết mọi người lại với nhau trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Khi qui tụ trong Hội Thánh, người tín hữu trước tiên hiệp nhất với Chúa Kitô là Đầu, hiệp nhất với những người khác là chi thể của Chúa Kitô.

Cho dẫu dân tộc nào đi nữa, khi gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô bằng Phép Rửa, mọi người được Thiên Chúa liên kết với nhau bằng đức ái và là anh em của nhau. Thật vậy, trong lời cầu nguyện Chúa Giêsu không chỉ cầu nguyện cho Nhóm Mười Hai, nhóm được chọn, mà còn cho những ai tin vào lời Hội Thánh tiên khởi này rao giảng thì cũng được nên một trong Chúa.

Cho tới nay, nhân loại chưa hiệp nhất với nhau trong một Thiên Chúa, cho nên, vai trò bí tích của Hội Thánh trong việc hiệp nhất mọi người với nhau là một tác vụ cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Chúa Giêsu đã nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16). Sứ mạng ấy được Chúa Giêsu trao vào tay Hội Thánh thực hiện cho đến ngày tận thế.

3.3. Hội Thánh như khí cụ để cứu chuộc mọi người[22]

GLHTCG số 776 đã tóm lược vai trò bí tích của Hội Thánh như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ qua các lời dạy của Công đồng Vaticanô II. Hiến chế Lumen Gentium nhắc lại kế hoạch của Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Người muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện.[23] Thiên Chúa đã chọn một dân tộc là Israel làm dân riêng để chuẩn bị cho Hội Thánh sau này.

“Như đoàn dân Israel theo huyết nhục, vào những ngày còn đi trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Esd 13,1; Ds 20,4; Đnl 23,1tt), cũng vậy, dân Israel mới, đang tiến bước trong thời đại này tìm về thành đô tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Đức Kitô (x. Mt 16,18), vì chính Đức Kitô đã chuộc lấy Giáo Hội bằng máu mình (x. Cv 20,28), đã đổ tràn Thần Khí của Người trên Giáo Hội, đã trao ban cho Giáo Hội các phương thế thích hợp cho sự hợp nhất của một cộng đoàn hữu hình. Thiên Chúa quy tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và thiết lập họ thành Giáo Hội để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người.”[24]

Chúa Giêsu là tác giả của ơn cứu độ và khi hoàn thành sứ mạng Chúa Cha trao phó, Người đã truyền lại cho Hội Thánh tiếp tục sứ mạng ấy cho đến khi toàn thể nhân loại nhận biết và hiệp nhất trong Thiên Chúa. Hiến chế cũng nói rằng Chúa Giêsu đã trao cho Hội Thánh những phương thế để làm cho mọi người đi đến hợp nhất trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Phương thế thích hợp đó chính là Hội Thánh trở nên bí tích phổ quát của ơn cứu độ. Bởi vì, trong Hội Thánh có sự hiện diện của Chúa Giêsu, có Lời chân lý mà Chúa Giêsu rao giảng, mỗi ngày vẫn tái hiện lại Hy Tế thập giá cứu độ của Chúa Giêsu, trung gian giao hòa giữa Thiên Chúa và con người. Hơn thế nữa, Hội Thánh chính là hạt mầm đầy năng lực của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.[25] Khi kết luận về hành động bí tích của Hội Thánh, Hiến chế khẳng định rằng qua Hội Thánh Chúa Giêsu không ngừng tác động trong thế giới để dẫn đưa mọi người đến với Hội Thánh và giúp họ kết hợp mật thiết hơn với Người.[26]

Tắt một lời, qua Hội Thánh là Nhiệm Thể của mình, Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng cứu độ bằng cách ban cho Hội Thánh như kẻ trung gian chuyển thông ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi dân tộc. Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,4-6). Hiểu theo khung cảnh của bài này, Đức Giêsu Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa nhưng vẫn luôn hiện diện trong Nhiệm Thể của Người và dùng chính Nhiệm Thể ấy tiếp tục cứu chuộc mọi người.

4. CHÚA KITÔ – HỘI THÁNH, CHỦ THỂ DUY NHẤT HOẠT ĐỘNG TRONG PHỤNG VỤ

Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng Hội Thánh là bí tích khi chủ thể hoạt động trong đó là một Chúa Kitô Toàn Thể, có nghĩa là Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể Người không tách lìa. GLHTCG đã khẳng định việc cử hành phụng vụ là “hành động” của Đức Kitô toàn thể (Christus totus).[27] Thêm vào đó, “toàn thể Cộng đoàn, Thân Thể của Đức Kitô kết hợp với Đầu của mình, cử hành phụng vụ. Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Hội Thánh, là ‘bí tích của sự hợp nhất’.”[28]

Trước tiên, Chúa Kitô chính là chủ thể duy nhất của hoạt động phụng vụ. Khi nói đến phụng vụ là công trình của Thiên Chúa, có nghĩa là phụng vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân Người, Hội Thánh. Trong cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu đóng vai trò trung gian, hoặc theo cái nhìn của Cựu ước Chúa Giêsu chính là thượng tế đại diện cho dân Người dâng của lễ lên Thiên Chúa. Thế nhưng, điểm đặc biệt ở đây chính là Chúa Giêsu vừa là thượng tế vừa là của lễ.

Chúng ta khám phá điều này nơi thư gửi tín hữu Dothái. “Anh em hãy ngắm nhìn Đức Giê-su là Sứ Giả, là Thượng Tế, là Trung Gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin” (Dt 3, 1); “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa” (Dt 4, 14); “không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm Thượng Tế, … Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê” (Dt 5, 5-10); “Còn Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7, 24-25); “một vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (Dt 7, 26); và “Đức Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai” (Dt 9, 11). Qua các đoạn thư Dothái chúng ta mới trích dẫn, tác giả mô tả Đức Giêsu Kitô là một vị Thượng tế siêu phàm, theo phẩm hàm Menkixêđê, tồn tại muôn đời, thánh thiện, vô tội, được thánh hiến và đem lại phúc lộc cho nhân loại. Như thế, chức thượng tế của Người vượt lên trên mọi cấp trật và tồn tại muôn đời. Một vị thượng tế làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người một cách hoàn hảo và đẹp lòng Thiên Chúa.

Chúa Giêsu cũng chính là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất. “Bất cứ ai được phong làm thượng tế cũng là để dâng lễ vật và tế phẩm” thư Dothái tiếp tục nói đến công việc của thượng tế là để dâng lễ vật và tế phẩm. Ở đây, Chúa Giêsu đã dâng một tế phẩm không phải của phàm trần nhưng là chính mình Người. “Người đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. […] Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,14). Dân Dothái dùng máu bò máu dê để làm của lễ thanh tẩy dân chúng mà được Thiên Chúa chấp nhận, huống chi chính máu vâng phục của Đức Kitô càng có giá trị cứu độ hơn nữa. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã thưa với Chúa Cha: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 5-7). Chúa Giêsu biết đâu là của lễ đẹp lòng Chúa Cha nhất nên Người thực hiện đúng hy lễ thập giá để dâng lên Chúa Cha hầu cứu độ nhân loại.

Theo cách hiểu tương tự, Chúa Giêsu đã lập Hội Thánh để làm trung gian giữa dân Chúa với Người. Thế nhưng, để làm một trung gian đích thực thì phải có sự kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Cho nên, Chúa Giêsu đã chấp nhận Hội Thánh chính là Thân Thể không tách rời với Người là Đầu. Toàn thân thể có thể hoạt động được thì phải đủ đầu và thân thể. Vì thế, khi Hội Thánh được xem là bí tích phổ quát của ơn cứu độ thì Hội Thánh ấy phải gắn liền hoàn toàn với Đức Kitô. Chẳng những thế, Hội Thánh được Chúa Giêsu trao phó sứ mạng tiếp tục công trình cứu độ của Người cho đến ngày Người ngự đến trong vinh quang. Như thế, giờ đây, trong Chúa Giêsu Kitô, Hội Thánh cũng trở thành một tư tế thay mặt cho dân Chúa dâng của lễ lên Chúa Cha. Hội Thánh khi kết hiệp với Đức Kitô là Đầu cũng mang trong mình phẩm tính hiệp nhất, thánh thiện và có lòng thương cảm như Chúa Kitô.

Thật vậy, Hội Thánh tuy thánh thiện nhưng mang trong mình những phần tử đầy tội lỗi, tuy nhiên không phải vì thế mà Hội Thánh không thánh thiện. Hội Thánh thánh thiện là nhờ vào sự kết hợp thần linh với Chúa Giêsu là Đấng thánh thiện vẹn toàn. Của lễ mà Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa mỗi khi thực hiện hành động phụng vụ chính là toàn dân Chúa với những lao nhọc, cộng tác, đau thương, khát vọng nhận biết Thiên Chúa và cầu xin sự tha thứ.

Do đó, Chúa Kitô-Hội Thánh vẫn đang thực hiện chức tư tế của mình hằng ngày và qua mọi thời; làm trung gian cho cuộc tụ họp gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trong phụng vụ. Để thực hiện được điều đó, điểm cốt yếu là Chúa Kitô-Hội Thánh luôn là mối liên kết không thể tách lìa. Hội Thánh tách lìa khỏi Đức Kitô thì không thể thực hiện vào trò trung gian như là chức tư tế trong phụng vụ mà Chúa Giêsu đã thực hiện. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn khẳng định chủ thể duy nhất của hoạt động trong phụng vụ là Chúa Kitô-Hội Thánh, Nhiệm Thể của Người. Ngoài ra, Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là con người; hai bản tính ấy kết hợp lại làm nên chức thượng tế thượng phẩm. Tương tự, Hội Thánh cũng được Chúa Kitô thiết lập với thân thể hữu hình là dân Chúa và chính Người là Thiên Chúa; làm nên một Nhiệm Thể vừa thiêng liêng vừa nhân loại.

5. SỐNG TRỌN VẸN VIỆC PHỤNG THỜ THIÊN CHÚA

Khi thực thi cách hữu hiệu chức năng bí tích của mình, Hội Thánh sẽ giúp cho toàn thể nhân loại tiến đến kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và làm cho Nước Thiên Chúa được trị đến theo thánh ý của Chúa Cha. Ở đây, một cách đặc biệt muốn nói đến tính bí tích của Hội Thánh hướng nhân loại đạt đến việc thờ phượng Thiên Chúa theo đúng ý muốn của Người. Chúa Giêsu đã nói: “Giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4, 23-24).

5.1. Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa trong sự vâng phục của Chúa Giêsu

Đức Phanxicô qua Tông thư Desiderio Desideravi mong muốn mọi người tin vào Chúa Kitô qua Hội Thánh đều đi tới một sự thờ phượng Thiên Chúa theo cung cách vâng phục của Đức Giêsu Kitô.[29] Trong chương trình cứu độ, bằng sự vâng phục hoàn toàn của mình, Chúa Giêsu đã nhập thể làm người, chấp nhận những giới hạn của con người, hằng năm Người cũng lên Giêrusalem để thờ phượng Thiên Chúa như luật định, hơn nữa, Người chu toàn bổn phận của người con đối với nhà Cha của Người. Vào giai đoạn sau hết, Người lên Giêrusalem để tiến dâng chính mình làm của lễ dâng lên Thiên Chúa hầu đền tội cho nhân loại. Người đã vâng phục Thiên Chúa trong thân phận con người, giờ đây, Người tiếp tục vâng phục Thiên Chúa trong tư cách là của lễ. Người không dùng của lễ toàn thiêu chiên bò, nhưng chính mạng sống của Người để thay thế những của lễ hay hư nát. Thư gửi tín hữu Dothái mô tả Chúa Giêsu đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, và Người đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa.[30] Để rồi, chính Người đã thưa lên với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10, 7). Tột đỉnh của sự vâng phục chính là giờ phút đối diện với hiến tế thập giá: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Vì vậy, Chúa Cha hài lòng với của lễ mà Chúa Con đã dâng, Người nói với những ai tin vào Con Một của Người rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17; Mc 1, 11; ).

Sự vâng phục của Chúa Giêsu đã trở nên khuôn mẫu cho Hội Thánh trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Như Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận vâng theo thánh ý Chúa Cha để làm cho việc thờ phượng Thiên Chúa trở nên hoàn hảo, Hội Thánh cũng được mời gọi vâng phục Chúa Con là Đầu của mình trong việc phụng thờ như vậy. Thánh Phaolô đã dùng từ ngữ tượng hình để diễn tả điều ấy khi sánh ví Hội Thánh như là hiền thê và Chúa Kitô là hôn phu. Ngài nói rằng: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Ki-tô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 5, 22-23).

Trong tư cách là bí tích, Hội Thánh trở nên trung gian giữa Chúa Giêsu và đoàn chiên Người. Giống như Đức Kitô hướng dẫn nhân loại phải biết kính thờ Thiên Chúa như thế nào cho đúng, Hội Thánh, trong phương diện hữu hình của Chúa Giêsu vinh hiển, cũng hướng dẫn cho những ai tin vào Chúa Kitô biết cách thờ phượng Thiên Chúa. Trước tiên, Hội Thánh mang trong mình Lời Chân Lý và có sức cứu độ (Lời Chúa Kitô). Hội Thánh tôn kính Lời Chúa ngang bằng với Thánh Thể Chúa vì Lời và Thánh Thể là một trong Chúa Kitô. Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11, 28). Chẳng những thế, Người còn cầu xin Chúa Cha: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật” (Ga 17, 17). Tiếp đến, Hội Thánh trung thành cử hành các bí tích để chuyển thông ơn Chúa đến cho con người. Không có bất cứ bí tích nào được cử hành ngoài Hội Thánh. Chúa Giêsu trao quyền cử hành bí tích lại cho các tông đồ là những người đại diện cho Chúa Kitô tại trần gian, nhóm tông đồ ấy chính là Hội Thánh Chúa Kitô. Hơn nữa, phụng vụ bày tỏ cho những người ở bên ngoài thấy Hội Thánh như một dấu chỉ được đặt lên cao trước mặt muôn dân, nhờ đó con cái Thiên Chúa đang tản mác được quy tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên với một chủ chăn.[31] Vì vậy, Hội Thánh phải trung thành với phụng vụ mà chính Chúa Giêsu thiết lập trong Giao Ước Mới.

5.2. Hội Thánh phụng thờ Thiên Chúa trong sự hiệp thông với Chúa Giêsu

Tính bí tích của Hội Thánh chính là sự hiệp thông trong Chúa Kitô. Hiệp thông như cành nho gắn liền với thân nho thì mới có sự sống và sinh hoa trái. “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Thật vậy, Hội Thánh gắn liền với Chúa Kitô thì có sự sống thần linh. Nếu một thân thể mà không có đầu thì đó là một xác chết. Nếu một thân thể mà có đầu, thân thể đó sống động và hoạt động. Hội Thánh là Thân Thể gắn liền với Đầu là Chúa Kitô, mọi hoạt động của Hội Thánh luôn mang lại ân sủng cho chi thể của mình. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã chọn Hội Thánh, cắt đặt và sai đi làm phát sinh nhiều hoa trái là những người nghe lời chứng của Hội Thánh mà gia nhập đoàn chiên Chúa. Hơn nữa, tất cả những gì Hội Thánh nhân danh Chúa Giêsu mà phụng thờ Chúa Cha đều được ban cho. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 16). Không có Chúa Giêsu, Hội Thánh không thể làm phát sinh ơn thánh, không thể mang lại ơn cứu độ cho toàn thế giới.

Do đó, chỉ trong Chúa Kitô, Hội Thánh mới trở thành tư tế đích thực đại diện cho cả và Hội Thánh làm việc phụng thờ Thiên Chúa một cách hoàn hảo nhất. Càng kết hợp với chức tư tế của Chúa Giêsu bao nhiêu, Hội Thánh làm phát sinh hoa trái bấy nhiêu. Cũng chỉ trong Chúa Kitô là của lễ tồn tại muôn đời, Hội Thánh mới dâng của lễ của chính mình là toàn thể nhân loại lỗi lầm bất xứng lên Thiên Chúa để nhận ơn giao hòa. Trong của lễ của Người Con chí ái Thiên Chúa hài lòng Chúa Con, Hội Thánh được thanh tẩy trong Máu Con Chiên để trở nên một Hội Thánh: “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5, 27).

Tiếp đến, việc hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu mà Hội Thánh cần đến chính là trở thành “những con trong Chúa Con”.[32] Chúng ta lặp lại lời thánh Phaolô: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5). Qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Hội Thánh giúp cho những ai tin vào Chúa Con được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy đều trở nên con cái Thiên Chúa.

5.3. Hội Thánh trở nên trung gian cho nhân loại đến với Chúa

“Phụng Vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn cũng được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Ðầu cùng các chi thể của Người.” (SC 7).

Ngày nay Chúa Giêsu không còn hiện diện một cách thể lý để cứu độ nhân loại. Người dùng dấu chỉ khả giác và hữu hình là Hội Thánh để tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người. Trong chính Nhiệm Thể của Người, Chúa Giêsu tiếp tục tiếp nhận và thánh hiến bằng Thánh Thần những ai muốn gia nhập vào Hội Thánh làm con cái Chúa, hòa giải con người với Thiên Chúa bằng bí tích, kết hiệp mật thiết với con người bằng chính hy tế Thánh Thể được Hội Thánh hiện tại hóa hằng ngày trong thánh lễ. Hội Thánh cũng chính là nơi qui tụ mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa để lắng nghe Lời Chúa, để cầu nguyện, để hiệp thông trong đức ái và hiệp nhất trong cùng một Thánh Thể.

Chúa Giêsu cũng dùng chính Hội Thánh để đồng hành với Dân Chúa. Hội Thánh không đứng bên lề cuộc sống của cộng đồng nhân loại và phụng vụ cũng không chỉ là những cử hành ở trong nhà thờ. Nếu phụng vụ được xem như là hành vi tôn vinh Thiên Chúa, tất cả mọi chiều kích của đời sống con người đều là những hành vi tôn vinh Thiên Chúa. Hội Thánh cũng không phải ở trong khuôn viên bốn bức tường của nhà thờ, Hội Thánh hiện diện trong tâm hồn của mỗi người tín hữu, vì Nhiệm Thể Chúa Kitô là một thực tại vừa hữu hình vừa thiêng liêng. Do đó, có những hành vi thờ phượng như cầu nguyện, kinh sách tuy được làm bằng hình thức cá nhân nhưng vẫn đại diện cho toàn thể Hội Thánh. Như thế, Hội Thánh trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn đóng vai trò trung gian như là nơi qui tụ, hình thức cử hành, phương thế hiệp thông. Chính trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô, người tín hữu gặp gỡ Thiên Chúa và lãnh nhận những ân sủng. Chẳng những thế, vai trò trung gian của Hội Thánh trong phụng vụ làm cho những kẻ bên ngoài thấy Giáo Hội như một dấu chỉ nêu cao trước mặt các dân nước ngõ hầu con cái Thiên Chúa đang tản mác được qui tụ nên một cho tới khi thành một đàn chiên theo một Chúa chiên.[33]

5.4. Hội Thánh chính là khí cụ của sự hiệp nhất

Mong ước một đoàn chiên theo một Chúa chiên được Chúa Giêsu khai mào khi thiết lập Nước Thiên Chúa tại trần gian này. Sau biến cố tháp Babel sụp đổ, con người phân chia đi ở khắp nơi với những ngôn ngữ khác biệt nhưng họ vẫn luôn khát khao tìm kiếm chân lý và luôn hướng về Thiên Chúa.

Chính vì vậy, Chúa Giêsu trong những năm rao giảng đã nói rằng “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16). Vẫn có nhiều chiên vẫn còn chưa gia nhập vào đoàn chiên của Chúa Giêsu; đoàn chiên ấy chính là Hội Thánh. Cho nên, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha xin Người đưa chúng vào ràn chiên này và hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con nên một là thể ấy.

Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cầm lấy chén rượu và nói với các môn đệ (Hội Thánh tiên khởi): “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 27-28). Giao ước mới được thực hiện bởi Máu của Đức Kitô có giá trị cứu độ cho muôn người chứ không phải chỉ có một dân riêng, Hội Thánh Người. Thánh Phaolô nhắc đến sự hiệp nhất trong Chúa Kitô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10, 16-17). Tất cả mọi người khi tin vào Chúa Kitô và chịu Thánh Tẩy thì gia nhập vào Hội Thánh Chúa Kitô được hiệp nhất với nhau trong cùng một Thánh Thể. Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh cử hành hy tế tạ ơn ấy cho đến muôn đời để những ai thông hiệp vào chính Mình và Máu Người đều được hiệp nhất trong Chúa. Chính vì thế, Hội Thánh chính là nơi thích hợp để cử hành hy tế Vượt Qua của Chúa Giêsu nhằm mang lại ơn hiệp nhất cho mọi dân tộc.

KẾT LUẬN

Trước khi hoàn tất công trình cứu độ tại thế, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha xin Người hiệp nhất mọi người nên một từ các tông đồ, cho đến những người nghe và tin theo các tông đồ. Chúa Giêsu đã tha thiết xin cho hiệp nhất nhờ sự hiệp thông như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, và cả Chúa Cha và Chúa con ở trong những người tin vào Chúa. Không chỉ bằng lời cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dùng chính hình ảnh hữu hình là Nhiệm Thể Chúa Kitô để cho những ai tin vào Thiên Chúa hiệp thông với nhau trong Hội Thánh Người. Chính vì vậy, Giáo Hội muốn nhắc lại Nhiệm Thể Chúa Kitô là như thế nào: “Chính từ cạnh sườn Chúa Kitô. đang ngủ giấc ngủ của cái chết trên cây thánh giá, mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được khởi sinh” (Desiderio Desideravi, số 14). Khi liên kết với Chúa Kitô là Đầu thì Hội Thánh được xem như là Nhiệm Thể Chúa Kitô. Từ đó, chúng ta có cơ hội nhìn lại Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập và dùng Hội Thánh như là bí tích phổ quát của ơn cứu độ[34].

Ở đây, trong khung cảnh của năm Củng cố sự hiệp thông, chúng ta càng nhấn mạnh đến tính bí tích của Hội Thánh trong việc mời gọi mọi người tin vào Chúa Kitô nỗ lực hiệp thông với Hội Thánh trong việc phụng thờ Thiên Chúa. Tông thư nói rằng khi mọi thành viên trong Hội Thánh biết liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô có bổn phận làm cho Hội Thánh thi hành chức năng bí tích của mình một cách hiệu quả nhất. Tông thư cũng gợi lên việc phụng thờ Thiên Chúa được trọn vẹn thì phải đi theo gương mẫu vâng phục của Chúa Kitô, hiệp thông với Thiên Chúa một cách sâu xa như cành nho gắn liên với thân nho thì sẽ sinh hoa trái là việc tôn vinh Thiên Chúa được mọi người biết đến.[35]

Qua đó, chúng ta nhìn nhận chủ thể duy nhất hoạt động trong phụng vụ luôn luôn là Chúa Kitô-Hội Thánh. Sự liên kết chặt chẽ giữa Chúa Kitô (khía cạnh thiêng liêng) với Hội Thánh (khía cạnh hữu hình của thân thể Chúa Kitô) sẽ làm cho tính bí tích phổ quát của Hội Thánh trở nên ánh sáng cho thế gian càng ngày càng tôn vinh Thiên Chúa hơn. Từ đó, tất cả tín hữu Kitô được mời gọi trở thành “những người con trong Chúa Con” vì khi đó mối dây liên kết “Cha-Con” càng trở nên mật thiết hơn và biến việc phụng thờ Thiên Chúa không chỉ dừng lại nơi kinh sách, lễ nghĩa, mà hiệp thông một cách trọn vẹn trong tình yêu.

Vì vậy, một lần nữa, xin nhắc lại nơi đây những phương cách sống trọn vẹn vai trò bí tích của Hội Thánh: bắt chước Chúa Giêsu trong sự vâng phục Chúa Cha để trở nên hy tế cứu độ, hiệp thông với Chúa Giêsu bằng chính Thần Khí của Chúa Giêsu để thờ phượng trong tinh thần và chân lý, làm cho Hội Thánh trở nên trung gian như ánh sáng hầu mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, và cuối cùng mọi người tin vào Chúa Kitô hiệp nhất với nhau đều trở nên hình ảnh Hội Thánh hiệp nhất.

Ước gì, Hội Thánh được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô luôn mang lại ân sủng cứu độ cho những ai gia nhập vào Hội Thánh luôn ý thức mình ở trong Nhiệm Thể Chúa Kitô và thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Hội Thánh, cũng là cho chính những ai hiệp thông với Giáo Hội.
 
[1] X. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, các số 2-5.
[2] X. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 2.
[3] X. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 4.
[4] Filipe Gómez Ngô Minh, Giáo Hội Học, Nxb Antôn & Đuốc Sáng, Tập 1, tr. 44.
[5] Adversus Iconoclastas, 12; Migne, Patrologia Graeca (Bộ Giáo phụ Hylạp), 96.1358D.
[6] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 8.
[7] Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi, số 14.
[8] Piô XII, Mystici Corporis Christi (Nhiệm Thể Chúa Kitô), AAS 35 (1943) 199.
[9] Filipe Gómez Ngô Minh, Giáo Hội Học, Nxb Antôn và Đuốc sáng, tập 1, tr. 184.
[10] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 8.
[11] Ibidem, số 8.
[12] Glhtcg, số 795.
[13] Glhtcg, các số 774 – 776.
[14] Edward Mcnamara, Giải Đáp Thắc Mắc Phụng Vụ (Nguyễn Trọng Đa dịch), Nxb. Hồng Đức 2018, tập 4, tr. 292.
[15] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 48.
[16] Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 14.
[17] X. St 2.
[18] Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 14.
[19] X. Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 1.
[20] X. Glhtcg, số 775.
[21] Xem thêm: Mc 14, 22 -25; Lc 22, 19 -20; 1Cr 11, 23 -25.
[22] Glhtcg, số 776.
[23] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 9.
[24] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 9.
[25] Ibidem, số 9.
[26] Ibidem, số 48.
[27] Glhtcg, số 1136.
[28] Glhtcg, số 1140.
[29] Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 15.
[30] Dt 9, 11-14.
[31] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, số 2.
[32] Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 15.
[33] Công Đồng Vaticanô II, Sacrosanctum Concilium, số 2.
[34] Công Đồng Vaticanô II, Lumen Gentium, số 48.
[35] Phanxicô, Tông Thư Desiderio Desideravi, số 15.

Tác giả bài viết: Lm. J. B. Nguyễn Kim Ngân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm138
  • Hôm nay12,135
  • Tháng hiện tại577,992
  • Tổng lượt truy cập28,893,361

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây