Phụng vụ: Phương thuốc chữa trị tinh thần thế tục

Thứ ba - 17/10/2023 20:34



PHỤNG VỤ:
PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ
TINH THẦN THẾ TỤC
(Số 17-20)

Lm. Phaolô Trần Thanh Nhân



DẪN NHẬP

Trước một thế giới đầy biến động và băng hoại về nhiều khía cạnh luân lý, đạo đức,…, nhất là cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid 19 để lại đã ảnh hưởng đến đời sống đức tin của các tín hữu, hơn bao giờ hết, sự hiệp thông trong Giáo hội cần được lưu tâm và đẩy mạnh. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh điều này ở phần cuối của Tông thư Desiderio Desideravi (x. DD, số 65).

Cùng với chủ đề của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ 16: “Vì một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ,” và sau Tự sắc “Traditionis Custodes - Những người gìn giữ truyền thống” (16.07.2021), Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Desiderio Desideravi - Tôi Những Khát Khao Mong Mỏi” về Đào Tạo Phụng Vụ cho Dân Thiên Chúa vào ngày 29.06.2022, ngày mừng lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Tông thư này dựa vào Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vaticano II và những tư liệu của học giả Romano Guardini, và được viết ra từ nguồn cảm hứng của bản văn Lc 22,15: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi chịu khổ hình.” Vì thế, việc học hỏi và tái khám phá vẻ đẹp phụng vụ của Tông thư này trong bối cảnh thế giới hôm nay thật ý nghĩa và hợp thời.

Mục đích của Tông thư là “khơi dậy sự ngỡ ngàng thán phục trước vẻ đẹp của chân lý trong cử hành phụng vụ Kitô giáo, để nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của việc đào tạo đích thực về phụng vụ, và nhận ra tầm quan trọng của nghệ thuật cử hành để phục vụ cho chân lý của mầu nhiệm Vượt Qua và sự thông phần mầu nhiệm ấy nơi tất cả những người đã được rửa tội, mỗi người tùy theo ơn gọi của mình” (DD, số 62), đồng thời “khám phá lại ý nghĩa của năm phụng vụ và Ngày của Chúa” (DD, số 63) và “bảo toàn sự hiệp thông trong Giáo hội” (DD, số 65), trước sự lan rộng và tác động từ các lạc thuyết: ngộ đạo và tân Pêlagiô.

Vì thế, với tựa đề “Phụng vụ: Phương thuốc chữa trị tinh thần thế tục (số 17-20),” bài viết trình bày sơ lược một vài điểm về tính thế tục, đồng thời đi vào tìm hiểu các lạc thuyết và sau cùng đề cập đến phụng vụ và các cử hành phụng vụ như là phương thế hữu hiệu để loại trừ các lạc thuyết này.

1. TÍNH THẾ TỤC

Theo Từ điển Công giáo, “tục” có nghĩa là “thế gian”; “hóa” có nghĩa là “thay đổi”. Hạn từ “tục hóa” (sécularisation) là “khuynh hướng chối bỏ các giá trị thiêng liêng để hướng về những điều phàm tục, nghĩa là chuyển đổi từ cấp độ tôn giáo sang cấp độ trần tục hơn. Tại Phương Tây, phong trào tục hóa đã hiện diện suốt dòng lịch sử của Giáo hội Công giáo từ thời Trung Cổ và trở nên phổ biến trong thời Cận Đại. Hạn từ này chỉ ra rằng các giá trị Kitô giáo đang dần đánh mất vị trí ưu việt trong gia đình, xã hội, cộng đoàn, và thay vào đó là khuynh hướng hưởng thụ vật chất.”[1]

Trong Thánh Kinh, theo tư tưởng thần học của thánh Phaolô, thuật ngữ “tục hóa” được dùng để nói đến “thế giới hiện tại bị tội lỗi thống trị” (x. Rm 3,9; 7,7-25; Gl 5,19-21; Ep 2,2; 6,12; Cl 2,16-18; 2Tx 2,7; 1Tm 6,10;…).

Đức Phanxicô đã nhắc đến hạn từ này nhiều lần trong các tông huấn, văn kiện, bài huấn dụ,… Với các số từ 93-97 của Tông huấn Evangelii Gaudium - Tông huấn đầu tiên của Đức Phanxicô được công bố ngày 24.11.2013, khái niệm này được định nghĩa một cách rõ ràng: “Tính thế tục thiêng liêng, ẩn giấu đằng sau vẻ bề ngoài được tô vẽ và đánh bóng bằng các hành vi đạo đức và thậm chí cả tình yêu đối với Giáo hội, hệ tại ở việc tìm kiếm vinh quang của con người và tư lợi cá nhân, thay vì vinh quang Thiên Chúa.”[2] Thái độ giả hình là nét đặc thù của người biệt phái và cũng là điều mà Chúa Giêsu đã nhiều lần vạch mặt chỉ tên: ‘Làm sao các ông có thể tin được khi các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất’ (Ga 5,44). Họ làm cốt yếu để khoe khoang, để tìm ‘lợi ích cho riêng mình chứ không phải tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 2,21). Hành động này có nhiều hình thức khác nhau tùy theo mỗi loại người hay nhóm người mà nó ngấm vào. Vì không phân định được nên họ chìm đắm trong những nghi thức, hình thức hào nhoáng bề ngoài được trau chuốt cẩn thận, mà không chú ý đến nội dung, cái cốt lõi bên trong. Bề ngoài nó không có vẻ gì là tội lỗi; từ ngoài nhìn vào, mọi sự đều bình thường. Nhưng nếu nó ngấm vào Hội thánh, nó sẽ vô vàn tai hại hơn bất cứ thái độ thế tục nào chỉ đơn thuần về mặt luân lý.[3] Tính thế tục này được biểu hiện dưới hai hình thức và dẫn tới những thái độ có vẻ đối chọi nhau nhưng tất cả đều mang một thái độ tự phụ muốn làm chủ Hội thánh.[4]

 Một số hiện trạng thế tục hóa hiện nay [5]:

Vấn đề thế tục hóa đang diễn ra phổ biến không chỉ riêng với các nền văn minh Phương Tây, mà ngay trong bối cảnh xã hội Việt Nam, cách riêng với các tôn giáo. Hạn từ này được thể hiện cách rõ nét qua nhiều khía cạnh và nhiều yếu tố khác nhau:

Trước hết, số người tham dự các sinh hoạt tôn giáo ít hơn so với trước đây. Vì số người tham dự ít dần nên nhiều nhà thờ phải đóng cửa và thậm chí bị rao bán để dùng vào các mục đích khác, cách riêng tại Phương Tây. Số lần đến nhà thờ của các tín hữu cũng thưa dần. Đến nhà thờ để làm gì? Chỉ cần mình tin có Chúa là đủ. Người ta quan niệm như thế để rồi nhiều Kitô hữu nghĩ rằng chỉ cần đến nhà thờ ba lần là vừa: rửa tội - hôn phối - an táng. Vả lại, gần đây, do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, các tín hữu hiệp thông trong các cử hành phụng vụ qua hình thức trực tuyến. Dần dà trở thành thói quen, vì thế, khi mọi sinh hoạt tôn giáo trở lại bình thường, người ta dễ nên “chậm chạp”, và có nguy cơ loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống.

Thứ đến, một số người giữ đạo vì thói quen hoặc vì sợ hình phạt chứ không phát xuất từ nội tâm, từ tình yêu thực sự đối với Thiên Chúa;

Thêm nữa, nhiều sự chỉ trích phê bình thiếu căn cứ, thiên về cảm tính; tuân giữ kỷ luật chỉ để đối phó; thổi phồng ý chí, căn bệnh ảo tưởng về cái tôi hoàn hảo của mình; đôi khi tự cho mình là quan trọng, là trung tâm, là kẻ cả và bắt buộc người khác phải phục tùng và nghe theo; lại cũng có thành phần với thái độ thiếu tinh thần cộng tác và cởi mở, từ đó dẫn tới tự cô lập và chia rẽ tạo ra phe nhóm nội bộ. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô cho thấy: “Nơi một số người, tính thế tục cũng có thể được biểu hiện bằng việc muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân... Không hề có dấu ấn của Chúa Kitô nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh; các nhóm ưu tú khép kín được hình thành, và không có cố gắng nào để đi ra bên ngoài tìm kiếm những người còn xa cách hay đám quần chúng bao la đang khát Chúa Kitô. Họ không còn lòng nhiệt thành truyền giáo nữa, mà chỉ nghĩ đến việc hưởng thụ và sự thỏa mãn ích kỷ… Những người đã từng rơi vào thái độ thế tục này thường nhìn từ trên cao và từ xa lại, họ phủ nhận những lời tiên tri của các anh chị em của họ, họ thanh trừng những người có thắc mắc, họ không ngừng nhấn mạnh đến những sai lầm của người khác và chỉ chú ý đến những dáng vẻ bề ngoài. Tâm hồn họ chỉ mở ra với chân trời hạn hẹp của nội tại và tư lợi của họ, và hậu quả là họ chẳng học được gì từ những tội lỗi của họ hay thực sự không muốn mở lòng ra cho sự tha thứ...”[6]

Bên cạnh đó, “con người cảm thấy bản thân ngày càng lạc lõng, sống mà không có điểm qui chiếu nào, mất đi nhiều giá trị do thái độ thờ ơ, vô tâm, hoàn toàn cô độc, sống cuộc đời vô nghĩa” (DD, số 28); nhiều truyền thống tốt đẹp dần dà bị loại bỏ; nhiều lối giải thích và cắt nghĩa luật Giáo hội theo ý riêng mình;…

Tất cả những cách nghĩ lệch lạc trên bắt nguồn từ ngộ đạo thuyết và tân Pêlagiô. Nếu chúng ta không bình tĩnh nhận định và suy xét thì chúng có thể là mối nguy phá vỡ sự hiệp nhất trong Giáo hội.  

2. NGỘ ĐẠO THUYẾT

Mối nguy hại đầu tiên ảnh hưởng đến đời sống của Giáo hội là thuyết ngộ đạo. Đây là một trong những lạc thuyết xuất hiện từ thuở đầu lịch sử Kitô giáo. Các khuynh hướng ngộ đạo đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ I và phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ II và III.[7] Chúng lan tới Alexandria (Ai Cập), biến nơi này thành trung tâm của ngộ đạo thuyết và bậc thầy có ảnh hưởng nhất của chủ thuyết này là Valentine.[8] Thời Kitô giáo sơ khai, sự xung đột với ngộ đạo thuyết là cuộc tranh đấu mang tính quyết định về căn tính của Giáo hội.
Ngộ đạo là gì? “Ngộ” có nghĩa là “sai lầm” (ngộ nhận), hay là “gặp” (hội ngộ); “ngộ” còn có nghĩa là “hiểu biết, thức tỉnh” (tỉnh ngộ, giác ngộ).

“Ngộ đạo,” trong tiếng Hy-lạp là “gnosis,” nghĩa là “biết, thức tỉnh.” Theo Từ điển Công giáo, “ngộ đạo thuyết là thuyết chủ trương con người được cứu rỗi nhờ biết được những chân lý ẩn kín về Thiên Chúa, về thế giới và về con người. Sự biết đó được gọi là khải ngộ (gnose), do sự tìm tòi cá nhân (x. GLHTCG, số 285).”[9] Từ sự ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, “ngộ đạo thuyết đưa ra một giải thích triệt để về thế giới, về huyền nhiệm của hiện hữu, dựa trên cơ sở nhị nguyên. Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người ngộ đạo cảm thức về một sự vong thân, một cuộc lưu đày, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị lãng quên. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, tốt và xấu, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác. Vì thế, con người luôn mang trong mình nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thuở đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm họa vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra, cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần.”[10] Như thế, “bản chất của ngộ đạo là một quan niệm nhị nguyên bài vũ trụ: cứu độ và tri thức tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này.”[11]

Theo Đức Phanxicô, “ngộ đạo thuyết giả định một đức tin bị giam hãm trong quan niệm chủ quan, chỉ quan tâm đến một kinh nghiệm cụ thể nào đó hoặc một loạt các lý luận và kiến thức, mà người ta nghĩ rằng, chúng có thể mang tới niềm an ủi và soi sáng, trong khi đối tượng vẫn đang bị giam kín trong tính nội tại của những lý luận hay những cảm xúc riêng.”[12] Như thế, người theo ngộ đạo thuyết chỉ cậy dựa vào lý trí của mình. Tuy nhiên, kinh nghiệm Kitô giáo không phải là một tổng hợp loạt bài tập về trí tuệ; sự khôn ngoan Kitô giáo chân chính không bao giờ được tách khỏi lòng thương xót đối với tha nhân.[13] Vì vậy, Đức Thánh Cha đã cảnh báo tất cả mọi người: “Chúng ta hãy coi chừng… Điều đó có thể diễn ra ngay bên trong Giáo hội, cũng như trong số các tín hữu thuộc các xứ đạo, kể cả trong số những người đang dạy triết học và thần học tại các trung tâm giáo dục. Với những lý lẽ và lối giải thích của mình, họ có thể làm cho toàn bộ đức tin và Tin mừng trở nên hoàn toàn dễ hiểu. Họ khư khư bám chặt vào các giáo thuyết riêng của mình và buộc người khác phải chấp nhận cách nghĩ của họ.”[14]

3. THUYẾT TÂN PÊLAGIÔ

Pêlagiô là một đan sĩ sống vào thế kỷ V (360-420), là người gốc Breton, đến Rôma và sống cuộc đời khổ chế và trí thức. Ông có người môn đệ tên là Célestius. Tiếc thay vì quá nhấn mạnh đến khả năng tự nhiên, đề cao ý chí tự do, mà ông đã hạ thấp ân sủng của Thiên Chúa. Chủ trương sai lạc này gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ Augustino khi thánh nhân đã đặt ân sủng vào tâm điểm của Kitô giáo và Chúa Kitô là trọng tâm thần học của ngài.[15]

Thuyết tân Pêlagiô, một hình thức chủ nghĩa cá nhân, tin là con người có thể tự cứu lấy chính mình. Thuyết này một mặt nhấn mạnh đến nỗ lực cá nhân, ý chí của con người, đồng thời giảm nhẹ vai trò của ân sủng. Vì thế, lạc thuyết này xem sự thánh thiện là kết quả của ý chí chứ không phải công trình ân sủng của Thiên Chúa.[16] “Người theo chủ thuyết tân Pêlagiô, ngay cả dù họ sốt sắng nói về ân sủng của Thiên Chúa, thì rốt cục họ chỉ tin ở sức mình và cảm thấy mình trổi vượt hơn những người khác bởi vì họ giữ những tiêu chuẩn đã được thiết lập hoặc trung thành với một kiểu Công giáo trong quá khứ. Đó là việc cho rằng mình có một sự chắc chắn về tín lý hay kỷ luật tạo nên một chủ nghĩa ưu tú độc đoán và tập trung vào mình, một chủ nghĩa mà thay vì rao giảng Tin mừng, người ta phân tích và xếp loại những người khác, và thay vì tạo điều kiện để tiếp cận với ân sủng, người ta dốc hết tâm lực để tra xét và kiểm soát. Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm đến Chúa Giêsu Kitô hoặc tha nhân. Đây là những biểu hiện của một học thuyết nội tại đặt con người làm trung tâm vũ trụ. Không thể nghĩ rằng một động lực loan báo Tin mừng đích thực có thể phát sinh từ những hình thức biến chất này của Kitô giáo.”[17]

Theo chủ thuyết này, khuôn mặt Chúa Giêsu xuất hiện như là một mẫu gương gợi hứng cho chúng ta hơn là Đấng để chúng ta có thể sáp nhập vào.[18] Như thế, vị trí và vai trò của Chúa Giêsu đã được thay thế bằng sản phẩm của con người. Ngài không còn được đặt ở vị trí trung tâm; tha nhân không còn chỗ đứng; và thay vào đó, chỉ có sự hiểu biết của con người hay sự cố gắng của con người mà thôi.

4. HỆ QUẢ CỦA NGỘ ĐẠO THUYẾT VÀ TÂN PÊLAGIÔ

Hai lạc thuyết này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến trong Tông huấn Evangelii Gaudium và trong Gaudete et Exsultate.[19] Những thách đố hiện thời mà thuyết tân Pêlagiô và ngộ đạo thuyết mang lại cũng được nói đến trong văn kiện “Placuit Deo” (Thiên Chúa Đã Quyết Định), do Bộ Giáo Lý Đức Tin phát hành vào tháng 2 năm 2018. Chúng ngăn cản những nẻo đường dẫn tới sự thánh thiện và thậm chí bóp méo sự thánh thiện.[20] Cả hai trường hợp đều muốn thay thế Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài. Chúng minh nhiên phủ nhận Chúa Giêsu, nghĩa là cố tình loại trừ Ngài ra khỏi trung tâm đời sống đức tin, đồng thời lấy các lạc thuyết khác để thay thế. Hệ quả kéo theo là con người ngây ngất trong lầm lạc, nguy cơ dễ đánh mất đức tin và coi thường các giá trị luân lý, đạo đức.

Trước hết, thuyết ngộ đạo quá nhấn mạnh đến việc làm sao để đạt tới tri thức. Với lạc thuyết này, con đường cứu độ chỉ hệ tại ở tri thức. Chúng ta có thể biết và giải thích điều gì đó một cách lôgic là nhờ sự hiểu biết hay nhờ tới kinh nghiệm nên chúng ta đã là hoàn hảo. Tự bản chất, thuyết ngộ đạo muốn tìm cách uốn nắn để làm chủ mầu nhiệm, kể cả mầu nhiệm về Thiên Chúa và ân sủng của Ngài cũng như mầu nhiệm về sự sống của người khác.[21] Như thế, thuyết ngộ đạo sẽ trở nên nguy hiểm khi nó tin rằng mình sẽ khá hơn nhờ tri thức: ‘Với những giải thích của mình, họ có thể làm cho toàn bộ Đức Tin và Tin Mừng trở nên dễ hiểu.’ Khuyết điểm chính của nó nằm ở chỗ không có khả năng nhưng lại muốn ‘làm bá chủ mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng, cũng như mầu nhiệm cuộc đời của người khác.’[22]

Ngộ đạo thuyết gồm những hạng người nào?

Trước hết, họ có thể là những người muốn phân rẽ thiện ác, tốt xấu theo quan niệm nhị nguyên. Họ có thể là những người muốn uốn nắn hình ảnh Thiên Chúa theo sở thích riêng tư của mình.[23] Đó còn là những người muốn bóp méo tất cả mầu nhiệm Nhập Thể, để từ đó, Chúa Giêsu không còn phải là Thiên Chúa làm người, nhưng chỉ có dáng vẻ của một con người bình thường như chúng ta. Và rất có thể họ là các ngôn sứ giả, những kẻ chủ trương sai lạc về đạo giáo (x. Mt 7,15-23; 24,11.24). Trong Thánh Kinh, vấn nạn này đã từng xảy ra nơi một số cộng đoàn tín hữu tiên khởi (x. 2 Pr 2,1; 3,3; Gl 2,4; 1 Tm 4,1; 1 Ga 2,18; 4,1; Gđ 8; Kh 2,2.9.14-15.20; 3,9). Quả thật, lạc thuyết này là mối đe dọa cho đức tin và gây chia rẽ giữa các Kitô hữu với nhau.[24]

Mối nguy thứ hai đó là thuyết tân Pêlagiô. Xét về nền tảng, lạc thuyết này là một sự chối bỏ ân sủng. Chủ thuyết này hệ tại vui thích với những nỗ lực duy nhất của ý chí của mình trong việc đạt tới sự hoàn thiện, giảm thiểu tầm quan trọng của ơn thánh, đề cao quyền tối thượng và sự cố gắng hữu hiệu nỗ lực của cá nhân,… “một ý chí thiếu khiêm tốn,[25] hay “sự công chính hóa bởi sức riêng của mình.”[26] Tuy nhiên, chúng ta thấy không có hành vi nào của con người - dù nhỏ - mà không được ân sủng Thiên Chúa nâng đỡ “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).

Thuyết tân Pêlagiô gồm những hạng người nào?

Theo Đức Phanxicô, trước hết, đó là những Kitô hữu nghĩ muốn được nên công chính nhờ vào sức riêng, và như vậy, họ không còn tôn thờ Thiên Chúa là nguồn mọi ân sủng mà là tôn thờ chính mình. Đó còn là những người tôn thờ luật lệ một cách cuồng tín và đôi khi chỉ chú trọng ở hình thức bề ngoài: say mê với việc thích chứng tỏ các thành tích xã hội hoặc chính trị; họ muốn phô trương phụng vụ, giáo lý và uy tín của Giáo hội; họ khoe khoang với việc tổ chức các hoạt động; họ thích thú những công việc nhằm đề cao bản thân. Từ đó, ta thấy một thứ Kitô giáo câu nệ về qui tắc luật lệ, tập tục, nhưng lại thiếu sự đơn sơ giản dị và đầy sức lôi cuốn của Tin mừng. Đời sống của Giáo hội có nguy cơ biến hành một tác phẩm trong bảo tàng viện, hay trở thành tài sản riêng của một vài cá nhân. Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh báo hạng người này trong Thánh Kinh: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!...” (Mt 23,13-32).[27]

Đứng trước việc con người phủ nhận các giá trị siêu việt, nghĩa là đạo đức xuống cấp, con người mất dần ý thức về tội và thuyết tương đối ngày càng gia tăng, Chúa Giêsu đã cầu nguyện rằng: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một: Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con” (Ga 17,20-23).

5. PHỤNG VỤ: PHƯƠNG THUỐC CHỮA TRỊ TINH THẦN THẾ TỤC

Theo xu hướng ngộ đạo thuyết và tân Pêlagiô, con người có thể vươn tới Thiên Chúa theo cách suy nghĩ riêng tư của mình (lý trí) và họ cố gắng tự cảm nhận con đường của họ đến với Thiên Chúa (ý chí) mà không cần đến ân sủng của Người. Tuy nhiên, trong Tông thư Desiderio Desideravi, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Phụng vụ chính là liều thuốc giải độc hiệu quả nhất đối với những chất độc này” (DD, số 18) và phụng vụ là trung tâm đời sống người tín hữu, là “tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Hội thánh, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Hội thánh.”[28] Vì thế, “Phụng vụ không thể phát sinh từ trí tưởng tượng và từ sự sáng tạo của riêng chúng ta. Nếu như thế, phụng vụ chỉ là tiếng kêu trong bóng tối hoặc chỉ là một thứ tự khẳng định. Phụng vụ phải hàm chứa một mối tương quan đích thực với một Đấng khác, Đấng này tự mạc khải Người cho chúng ta, để cho chúng ta biết phải làm thế nào để thờ phượng Người.”[29]

Theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần phải tái khám phá bản chất của phụng vụ: “Để liều thuốc giải độc Phụng vụ có hiệu lực, mỗi ngày chúng ta cần khám phá lại vẻ đẹp đích thực của các cử hành Kitô giáo” (DD, số 21).

5.1. Phụng Vụ: Phương thế giải thoát chúng ta khỏi ngục tù (DD, số 19)

Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Với Tông thư này, tôi chỉ muốn mời gọi toàn thể Hội thánh khám phá lại, bảo toàn và sống những ý nghĩa xác thực, cũng như sức mạnh của các cử hành phụng vụ Kitô giáo. Tôi muốn vẻ đẹp và những hiệu năng cần thiết của các cử hành Kitô giáo trong đời sống Hội thánh không bị biến dạng bởi sự hiểu biết hời hợt và giản lược về giá trị hay tệ hơn nữa là bởi một cách hiểu: biến phụng vụ thành công cụ phục vụ cho một quan điểm ý thức hệ” (DD, số 16). Như thế, bản văn này cho thấy tính khách quan của Tông thư mà nó vượt qua những cách hiểu của cảm tính: “Các cử hành phụng vụ sẽ giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của thái độ tự qui chiếu được vun đắp bởi lý luận và cảm tính riêng của bản thân” (DD, số 19). Theo cái nhìn của Đức Phanxicô cũng như của Đức Piô XII, các cử hành phụng vụ hay vẻ đẹp phụng vụ không chỉ đơn giản là một nghi lễ mang tính trang trí, dừng lại ở hình thức bề ngoài, hay là một tổng hợp các luật lễ và qui định trong phụng tự (x. DD, số 18), nhưng là “mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng đã mạc khải và hoàn thành hiến lễ và tư tế một lần cho mãi mãi.”[30]

Trước hết, “Phụng vụ không nói ‘tôi’ mà nói ‘chúng tôi’, và bất kỳ sự giới hạn nào đối với tính cách của ‘chúng tôi’ này luôn là hành động của ma quỷ.” Đức Thánh Cha còn quảng diễn thêm: “Phụng vụ không để chúng ta trơ trọi một mình tìm kiếm một cá nhân được cho là hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Tuy nhiên, phụng vụ cầm lấy tay chúng ta, cùng với nhau, với tư cách là một cộng đoàn, dẫn chúng ta tiến vào sâu trong mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ mang tính Bí tích bày tỏ cho chúng ta” (DD, số 19). Như thế, trong các cử hành phụng vụ, sự hiệp thông và chiều kích cộng đoàn được thể hiện cách rõ ràng. Sự hiệp thông trong phụng vụ không chỉ gắn kết những người đang hiện diện trong nhà thờ, nhà nguyện, mà còn hiệp nhất mọi mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Chính sự hiệp thông trong tinh thần đạo đức, đồng tâm kiên trì cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, lãnh nhận các Bí tích và các cử hành phụng vụ sẽ dẫn con người đến gặp gỡ nhau trong sự thông hiệp của Chúa Giêsu Thánh Thể: cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống một chén rượu, “để tất cả nên một” trong tình yêu của Chúa Kitô (Ga 17,21).[31] Chính sự hiệp thông giữa người với người qua các hoạt động bác ái, cùng nhau lắng nghe, chia sẻ và học hỏi Lời Chúa sẽ gắn kết tình huynh đệ trong đời sống cộng đoàn.

Như thế, phụng vụ mang chiều kích cộng đoàn. Trong các cử hành phụng vụ, “người Kitô hữu được mời gọi cầu nguyện chung, nhưng cũng phải biết vào phòng riêng âm thầm cầu nguyện cùng Chúa Cha và cầu nguyện không ngừng.”[32] Cộng đoàn tham dự phụng vụ cùng chung tâm tình cảm tạ, ngợi khen, tán tụng và tôn vinh Chúa (x. DD, số 41). Không ai chỉ là diễn viên và cũng không ai chỉ là khán giả. Mọi người đều tham dự và cử hành phụng vụ theo cách thế riêng của từng người. Điều đó nói lên sự hiệp thông và sự sống động của Giáo hội. Qua đó, Giáo hội Kitô giáo - Giáo hội của sự duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền - được phác họa như là cộng đoàn của các kẻ tin, luôn sống tâm tình cầu nguyện chúc tụng Chúa: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Chính trong khi cử hành phụng vụ nhân danh Chúa Giêsu thì có Người hiện diện ở giữa họ và chúc lành. Khi ấy, họ phác họa lại khuôn mẫu của cộng đoàn tín hữu tiên khởi tại Giêrusalem, một cộng đoàn bác ái đầy tình hiệp thông, một cộng đoàn lý tưởng sống theo tinh thần Phúc âm: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). 

Vả lại, trong bữa tiệc thánh này, nơi cộng đoàn phụng vụ, không có sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam hay nữ, khôn ngoan hay khờ dại, nói ngôn ngữ nào, sở thích là gì, mọi người đều bình đẳng với nhau, vì họ thuộc về gia đình con cái Thiên Chúa: “Chúa Kitô đã liên kết dân Do-thái và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,14). Mọi người đều được mời gọi chia sẻ tình hiệp thông huynh đệ, không còn sự phân biệt nô lệ hay tự do, ngoại kiều hay khách lạ, văn hóa, ngôn ngữ, chủng tộc màu da hay giai cấp, vì “tất cả đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). Các cử hành trong phụng vụ không chỉ là mối dây liên kết giữa những người đang hiện diện trong ngôi thánh đường, mà còn nối kết với tất cả các Kitô hữu có cùng một đức tin và một Phép Rửa trên toàn thế giới; vì tất cả mọi người đều có chung một Cha Trên Trời, một Đấng là Thầy dạy duy nhất là Chúa Kitô; còn tất cả mọi người đều là anh em với nhau (x. Mt 23,8-10). Hơn nữa, khi tham dự lễ nghi phụng vụ trần gian, cộng đoàn tín hữu được kết hợp với phụng vụ trên trời, “được cử hành trong thành thánh Giêrusalem, nơi chúng ta là lữ khách đang tiến về, ở đó, Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa như một thừa tác viên của cung thánh, của nhà tạm đích thực.”[33]

5.2. Phụng vụ: Nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ

Ngay từ những lời mở đầu trong Hiến chế về Phụng vụ thánh, Công đồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: “Chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, ‘công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện’, vì thế phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện nơi cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Giáo hội chân chính, một Giáo hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm…”[34] Phụng vụ là nơi giao hòa trời với đất: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ. Hòa bình công lý đã giao duyên” (Tv 84,11). Phụng vụ đưa chúng ta đi vào cuộc gặp gỡ thân tình với ba chiều kích: Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.

5.2.1. Phụng vụ: Nơi gặp gỡ Thiên Chúa

Phụng vụ là con đường đưa con người đi vào tương quan với Thiên Chúa. Việc gặp gỡ Thiên Chúa trong phụng vụ được diễn tả qua việc cử hành Lời Chúa và các Bí tích.

Trước hết, trở nên Kitô hữu, họ phải “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,38). Điều này có thể được thực hiện qua việc cử hành phụng vụ thánh. Tuy nhiên, nếu các nghi thức và các cử hành phụng vụ của chúng ta nghèo nàn hoặc không theo cách thức lẽ ra nên làm, thì liệu rằng chúng ta có xứng đáng dâng lên Thiên Chúa - Đấng Toàn Năng những gì vốn thuộc về Người với tất cả trái tim, linh hồn và trí khôn của chúng ta hay không. Hiệu quả của ‘việc cử hành đúng phụng vụ’ là khả năng để chúng ta thực thi điều răn thứ hai: ‘Yêu mến tha nhân như chính mình’ (Mt 22,39).[35]

Thứ đến, “Việc cử hành bí tích là cuộc gặp gỡ của con cái Thiên Chúa với Chúa Cha, trong Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, và cuộc gặp gỡ này diễn ra như một cuộc đối thoại, qua các hành động và các lời nói.”[36] Sáng kiến đến từ Thiên Chúa, Người đi bước trước đến với con người và đưa họ bước vào cuộc sống của Người. Vì thế, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa sẽ mang lại cho con người nhiều lợi ích thiết thực. Kinh Tiền Tụng Chung IV trong sách lễ Rôma đã viết: “Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ, nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.” Cuộc gặp gỡ này bắt đầu với Bí tích Thánh Tẩy, điểm khởi đầu và ghi dấu ấn cho đời sống của người Kitô hữu (x. DD, số 12). Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu được gia nhập Giáo hội, được trở thành con cái Chúa, được sáp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô (x. DD, số 13) và được nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Rm 8,29). Vì thế, họ có bổn phận và quyền lợi tham dự vào các cử hành phụng vụ của Giáo hội, để từ đó đời sống đức tin được nuôi dưỡng và phát triển. Chính đức tin là sợi dây nối kết các tín hữu lại với nhau thành một cộng đoàn. Chỉ trong đức tin, người ta mới sống thực tại mầu nhiệm của các cử hành phụng vụ.[37]

“Chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa qua một hành động mới của việc Nhập Thể đạt đến mức tận cùng trong Bữa Tiệc Ly là muốn trở thành của ăn nuôi dưỡng chúng ta” (DD, số 24). Phụng vụ chỉ cuốn hút dân chúng khi phụng vụ không nhìn vào chính mình mà nhìn vào Thiên Chúa, khi phụng vụ để cho Người đi vào và hành động. Qua các cử hành phụng vụ, nhất là qua Bí tích Thánh Thể - Bí tích tình yêu, dấu chỉ của sự hiệp nhất, con người được gặp gỡ Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa hiện diện giữa họ và được đụng chạm đến Thân Thể Người. Vì thế, Đức Phanxicô đã viết: “Đức tin Kitô giáo là một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu hằng sống, nếu không, đó không phải là đức tin. Phụng vụ bảo đảm cho chúng ta khả năng của một cuộc gặp gỡ như thế… Chúng ta không cần ký ức mơ hồ về Bữa Tiệc Ly: chúng ta cần hiện diện trong bữa tiệc này” (DD, số 10-11).

5.2.2. Phụng vụ: Điểm gặp gỡ tha nhân

John Donne (1572-1631), văn hào nước Anh, đã viết: “Không ai là một hòn đảo.” Trong Thông điệp Fratelli Tutti (3.10.2020), Đức Phanxicô khẳng định: “Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác.”[38] Chúng ta có sống là sống cho, sống với và sống vì. Tha nhân luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Qua tha nhân, mình mới biết phải sống thế nào. Trong buổi tiếp kiến các giáo viên và sinh viên của Đại học Giáo hoàng thánh Anselmo nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, vào ngày 7.05.2022, Đức Phanxicô đã nói: “Phụng vụ là sự hiệp thông Giáo hội. Theo đó, phụng vụ phải mở ra tương quan với tha nhân, dấn thân sống với anh chị em trong hoàn cảnh hằng ngày, trong cộng đoàn với những điểm tích cực và hạn chế của họ.”[39] Vì thế, trong tương giao với tha nhân, Công đồng Vaticano II nhấn mạnh: “Các hoạt động phụng vụ không phải là những hoạt động riêng tư, nhưng là những cử hành của Giáo hội, là ‘bí tích hiệp nhất’, nghĩa là đoàn Dân Thánh được qui tụ và hướng dẫn dưới quyền của Giám mục,”[40] “nhà phụng vụ tiêu biểu nhất trong giáo phận.”[41]

Trong phụng vụ Thánh lễ, qua lời mời gọi của chủ tế: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau” được thể hiện qua một cái bắt tay, một cử chỉ cúi đầu, hay một hành động nào khác theo văn hóa Tây Phương thì cũng nói lên sự hiệp nhất giữa người với người. Chỉ khi có sự bình an, người tín hữu mới có thể trao ban bình an cho người khác. Vì thế, các cử hành phụng vụ có thể hàn gắn những rạn nứt, bất đồng và đổ vỡ trong mối tương giao giữa con người với nhau.

Thêm nữa, thánh Giêrônimô đã từng nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.” Việc đọc Lời Chúa trong khi cử hành phụng vụ cũng là điều cần thiết, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Cộng đoàn cùng nhau hát Thánh vịnh, cầu nguyện, lắng nghe, suy niệm Lời Chúa và cùng nhau chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể để “không còn cảm thấy đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa” (DD, số 19).

5.2.3. Phụng vụ: Nơi tìm thấy chính mình

Sau cùng, phụng vụ giúp mỗi người Kitô hữu nhìn thấy chính mình. Phần mở đầu phụng vụ Thánh lễ nhắc nhớ tôi là ai, để nhận ra những khiếm khuyết, bất toàn trong tương giao với Chúa và với tha nhân. Vì thế, trong Kinh Cáo Mình, mỗi người được kêu gọi ý thức mình là tội nhân cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, để chân thành thú nhận tội lỗi và dốc lòng ăn năn sám hối: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng (x. DD, số 20).

Giakêu, Lêvi - người thu thuế, Maria Madalena hay Nicôđêmô, người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp, người bị quỉ ám ở Capharnaum, người phụ nữ tội lỗi được tha thứ, người đàn bà mắc bệnh băng huyết, người bị bại liệt trong nhà Phêrô, kẻ câm điếc, què quặt, đui mù, Ladaro, Phêrô hay tên trộm lành, dù có bệnh tật hay đau khổ thế nào, miễn là đến với Chúa Giêsu - Đấng chịu sát tế trên thập tự giá, là họ sẽ được tha thứ, chữa lành và sống cuộc đời mới (x. DD, số 11).

Mỗi người tín hữu, cũng như Lêvi, Giakêu, hay Phêrô, mang trong mình thân phận bất toàn tội lỗi, cũng cần được Chúa chữa lành và thứ tha, để từ đó, chúng ta được mời gọi sống bao dung, mở rộng lòng mình đón nhận người khác với niềm cảm thông yêu thương tha thứ và sẵn sàng giao hòa với người anh em (x. Mt 5,24), kể cả người thù với mình (x. Mt 5,44). Sự chữa lành ấy không đến từ sức riêng của bản thân, nhưng đến từ cuộc gặp gỡ của mỗi người với Chúa Giêsu, Đấng luôn lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và tha thứ với những yếu đuối bất toàn của con người (x. Lc 19,9; 23,43; Ga 8,11;…).

5.3. Phụng vụ: Hiện thân mầu nhiệm của Chúa Kitô

Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1071 định nghĩa: “Phụng vụ, là công trình của Chúa Kitô, cũng là hành động của Hội thánh Người. Phụng vụ thực hiện và biểu thị Hội thánh như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ Chúa Kitô. Phụng vụ dẫn các tín hữu vào sự sống mới của cộng đoàn. Phụng vụ đòi buộc mọi người phải tham dự ‘một cách ý thức, tích cực và có kết quả.”[42]

Với các số từ 17-20 của Tông thư Desiderio Desideravi, chúng ta có thể hiểu các thách đố trong lĩnh vực phụng vụ. Tuy nhiên, làm cách nào để chúng ta thoát khỏi những điều trên?

Văn kiện Placuit Deo nhấn mạnh rằng ơn cứu độ phải đến từ trên cao: “Bằng việc mặc lấy xác phàm (x. Rm 8,3; Dt 2,14; Ga 4,2), và sinh ra bởi người nữ (x. Gl 4,4), ‘Con Thiên Chúa đã trở nên loài người và nên anh em của chúng ta’ (Ga 2,14).”[43] Ơn cứu độ ấy chẳng phải do chúng ta tự giành được bằng những nỗ lực của riêng mình như thuyết tân Pêlagiô chủ trương, nhưng ơn cứu độ ấy nhận được trong đức tin, hệ tại ở việc kết hợp với Chúa Kitô, qua việc Nhập Thể, cái Chết và sự Phục sinh của Người.[44] Trong sự tự hiến mình trên thập giá của Chúa Giêsu, chính Ngôi Lời đã kết hợp với tất cả cuộc đời và khổ đau của nhân loại. Không còn lễ tế thay thế nữa. Hy lễ của Chúa Giêsu đã làm thay cho chúng ta, đưa chúng ta xích lại gần Thiên Chúa (x. Ep 2,13) và đến chỗ giống như Thiên Chúa (x. Rm 5,2). Bữa Tiệc Ly cũng như Mầu nhiệm Vượt Qua là sự tôn thờ đích thực, duy nhất và hoàn hảo: “Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và muôn đời” (Dt 13,8). Chính khi tham dự cử hành phụng vụ, người tín hữu được mời gọi thi hành sứ vụ và căn tính của người Kitô hữu: “Loan truyền việc Chúa chịu chết, và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến.”[45]

Quả thật, phụng vụ là “ánh rạng ngời”[46] và là hiện thân mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô: “Phụng vụ là chức năng của Chúa Kitô, được mạc khải và trao ban cho chúng ta trong mầu nhiệm Vượt Qua, làm biến đổi toàn bộ cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Người” (DD, số 21). Nếu như phụng vụ được định nghĩa như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, thì Chúa Kitô phải là trung tâm của mọi cử hành trong phụng vụ: “Qua phụng vụ, Chúa Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế của chúng ta, tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người.”[47] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1130 đã viết: “Phụng vụ chia sẻ nỗi khát khao của Chúa Giêsu: Thầy những khát khao mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua này với anh em…cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,15.16).[48] Và “Chúng ta bước vào nhà Tiệc ly chỉ vì được thu hút bởi nỗi khao khát của Chúa muốn ăn Lễ Vượt Qua với chúng ta” (DD, số 20).

KẾT LUẬN

Với các số từ 17-20 của Tông thư, Đức Phanxicô cảnh báo về tinh thần thế tục đang thống trị tâm hồn con người ngày nay. Tông thư Desiderio Desideravi cho thấy tầm quan trọng của phụng vụ: “Phụng vụ chẳng phải là nghi lễ mang tính trang trí hoặc chỉ là tổng hợp các luật lệ và qui định trong phụng vụ” (DD, số 18), nhưng “phụng vụ là liều thuốc giải độc có hiệu quả đối với tinh thần thế tục” (DD, số 18). Trước đó, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha đã từng nhắc đến: “Tính thế tục được biểu hiện dưới hai hình thức và đặc biệt liên kết với nhau một cách chặt chẽ”[49] và dẫn tới những “thái độ có vẻ đối chọi nhau nhưng tất cả đều mang một thái độ tự phụ muốn ‘giành quyền kiểm soát của Hội Thánh’. Ngộ đạo thuyết và tân Pêlagiô phải được kể là một trong những vấn đề quan trọng trong thời đại này và cần phải được nghiên cứu cách kỹ lưỡng hơn.”[50] Ngài gọi chúng là “hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện.”[51] Hai lạc thuyết này vẫn còn mang tính thời sự khi chúng trà trộn vào văn hóa và cung cách sống của con người thời nay và vẫn còn lôi cuốn dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng phản ánh hai cái nhìn sai lầm thường gặp trong việc sống đạo, cả về bình diện nhận thức (ngộ đạo) lẫn bình diện ý chí, chủ yếu dựa vào sự nỗ lực của cá nhân (tân Pêlagiô).

Phụng vụ hướng con người đi vào các tương giao với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình, để loại trừ các lạc thuyết ra khỏi cuộc sống, vì phụng vụ mang chiều kích cộng đoàn. Việc gặp gỡ Thiên Chúa và Chúa Kitô trong phụng vụ là vẻ đẹp thực sự của các cử hành Kitô giáo (x. DD, số 10), “là một thoáng của thiên đàng trên trần gian”,[52] một vẻ đẹp ngỡ ngàng và thán phục (x. DD, số 24) và cần phải tái khám phá mỗi ngày (x. DD, số 21). Chính vì thế, nơi cộng đoàn phụng vụ, không còn sự phân biệt kẻ giàu người nghèo, khôn ngoan hay yếu kém, nhưng được đối xử như nhau vì tất cả đều được mời gọi tham dự “cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống chung một chén rượu” (1Cr 10,16-17), vì có chung một Cha Trên trời, một Đấng là Thầy dạy duy nhất (x. Mt 23,8-10), và “vì một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông - Tham gia - Sứ vụ.”
 
[1] Hđgmvn - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo (Hà Nội: Tôn Giáo, 2016), tr. 947.
[2] Evangelii Gaudium, số 93.
[3] Evangelii Gaudium, số 93.
[4] x. Evangelii Gaudium, Các số 94.95.
[5] x. http://baochiaselts.blogspot.com/2019/07/trao-luu-tuc-hoa-va-oi-song-uc-tin; html; https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Tin-Tuc/Dien-Van-Khai-Mac-Nam-Hoc-2020-2021-Cua-Cha-Giam-Doc-Dai-Chung-Vien-Thanh-Phanxico-Xavie.html
[6] x. Evangelii Gaudium, Các số 95.97.
[7] Jacques Liébaert, Giáo Phụ Học - Tập 1: Từ Thế Kỷ I đến Thế Kỷ IV, (Nguyên tác “Les Pères de l’Eglise”, Jacques Liébaert, Vol I, Desclée, Paris, 1986), tr. 72.
[8] Valentine, một người Ai Cập, rời bỏ Giáo hội vì không được làm Giám mục, đến Rôma trong giáo triều ĐGH. Higinus (136-140) cho đến giáo triều ĐGH. Anicetus (155-166), đầu tiên đã thề bỏ đi các điều sai quấy, song lại tái diễn và cứng lòng tới khi chết ở Cyprus vào khoảng năm 160. Lạc giáo này được chia làm hai chi nhánh: chi nhánh thứ nhất gồm những người Đông phương ở Ai Cập, Syria và Tiểu Á, và chi nhánh thứ hai gồm người Ý ở Rôma và miền Nam xứ Gaul. Lạc thuyết này truyền bá đủ mọi hình thức Ngộ Thức (Gnosticism).
(x.http://www.tcvphaolo.net/index.php?option=com_kunena&catid=22&id=3333&Itemid=109&view=topic).
[9] HĐGMVN - Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin - Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, 620.
[10] Jacques Liébaert, Giáo Phụ Học - Tập 1: Từ Thế Kỷ I đến Thế Kỷ IV, tr. 72-73.
[11] Sđd, tr. 72.
[12] Gaudete et Exsultate, số 36.
[13] x. Gaudete et Exsultate, số 46.
[14] Gaudete et Exsultate, số 39.
[15] Michel Spanneut, Các Giáo Phụ - Tập 2: Từ Thế Kỷ IV đến Thế Kỷ VIII, (Nguyên Tác “Les Pères de l’Église”, Michel Spanneut, Vol II, Desclée, Paris, 1986), tr. 301.
[16] Gaudete et Exsultate, số 48.
[17] Evangelii Gaudium, số 94.
[18] x. Placuit Deo, số 2.
[19] Tông huấn Gaudete et Exsultate (19/3/2018) bàn về sự thánh thiện và lấy tựa đề từ hai động từ mà Chúa Giêsu đã dùng để khích lệ các môn đệ đang chịu bách hại và sỉ nhục vì Người: “Gaudete et Exsultate” (Hãy Vui Mừng và Hoan Hỉ) (x. Mt 5,12).
[20] x. Gaudete et Exsultate, số 35.
[21] x. Gaudete et Exsultate, số 40.
[22] Gaudete et Exsultate, số 39.
[23] x. Phan Tấn Thành, tại: http://daminhvn.net/hieu-de-song-duc-tin/ngo-dao-la-gi-3333.html
[24] x. Gaudete et Exsultate, số 41; “Lệnh Truyền Yêu Thương Kẻ Thù của Chúa Giêsu,” (HVCGVN, 2021), 33.
[25] x. Gaudete et Exsultate, Tựa đề các số 47-50.
[26] x. Gaudete et Exsultate, số 57.
[27] x. Gaudete et Exsultate, số 57-58.
[28] CĐ. Vaticano II, Sacrosanctum Concilium, số 10.
[29] Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tinh Thần Phụng Vụ, Bd. Nguyễn Luật Khoa, OFM, Phạm Thị Huy, OP (Hà Nội: Tôn giáo, 2007), 26-27.
[30] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-05/dtc-phung-vu-ket-thuc-su-vu.html
[31] x. Sacrosanctum Concilium, số 11.
[32] Sacrosanctum Concilium, số 12.
[33] Sacrosanctum Concilium, số 8.
[34] Sacrosanctum Concilium, số 2.
[35] x. Alcuin Reid, ed., Liturgy in the Twenty-first Century: Contemporary Issuses and Perspectives (London: Bloomsbury, 2016), xiv.
[36] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG tái bản), Bản dịch chính thức của UBGLĐT thuộc HĐGMVN (Hà Nội: Tôn giáo, 2018), số 1153.
[37] Nguyễn Văn Hiển, O.P, Dẫn Vào Phụng Vụ của Giáo Hội, Phần II: Mầu Nhiệm Cử Hành, Tài Liệu cho Sinh Viên, tr.7.
[38] Frattelli Tutti, số 95.
[39] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-05/dtc-phung-vu-ket-thuc-su-vu.html
[40] Sacrosanctum Concilium, số 26.
[41] ĐGH. BênêdictÔ XVI, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum Caritatis, số 39.
[42] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1071.
[43] Placuit Deo, số 10.
[44] x. Placuit Deo, số 4.12; Desiderio Desideravi, số 20.
[45] Lời tung hô sau khi truyền phép.
[46] Sacramentum Caritatis, số 35.
[47] x. Sacrosanctum Concilium, số 7; Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1069.
[48] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1130.
[49] Evangelii Gaudium, số 94.
[50] Evangelii Gaudium, số 95.
[51] Gaudete et Exultate, Tựa đề các số 35-62.
[52] Sacramentum Caritatis, số 35.

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Trần Thanh Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập46
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm29
  • Hôm nay12,825
  • Tháng hiện tại578,682
  • Tổng lượt truy cập28,894,051

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây