Tái khám phá vẻ đẹp đích thực của phụng vụ

Thứ bảy - 21/10/2023 20:02


TÁI KHÁM PHÁ
VẺ ĐẸP ĐÍCH THỰC CỦA PHỤNG VỤ
(số 21-23)

Lm. Phêrô Bùi Huy Ngọc





Dẫn nhập:

Trong các số 21-23 của tông thư Desiderio Desideravi, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta tái khám phá mỗi ngày vẻ đẹp đích thực của phụng vụ, để phụng vụ trở thành liều thuốc giải độc có hiệu lực trước ‘tinh thần thế tục’ của phái tân-Pelagio mà ngài đã nhắc tới nhiều lần trong Evangelii Gaudium. Ngài nói «việc liên tục tái khám phá vẻ đẹp của phụng vụ không phải là việc phô diễn nghi lễ bằng cách cẩn thận tuân thủ các nghi thức bên ngoài hoặc tỉ mỉ giữ đúng luật chữ đỏ. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là tôi tán thành thái độ ngược lại, thái độ nhầm lần giữa nét đơn giản với sự tầm thường bất cẩn, giữa điều thiết yếu với sự hời hợt thiếu hiểu biết».[1] Nhưng vẻ đẹp của phụng vụ cũng không phải là kết quả của khái niệm cái đẹp đến từ khoa thẩm mỹ học, với những tiêu chuẩn của cái đẹp theo khái niệm thế tục. «Phụng vụ và cái đẹp không chỉ được kết hợp bắt đầu từ mỹ học, nghĩa là từ những gì cảm nhận bằng giác quan, ngay cả khi phải nói rằng chính các giác quan của chúng ta nắm bắt được cái đẹp. Việc cử hành trong một nhà thờ đẹp xét theo quan điểm nghệ thuật hay mặc lễ phục quý giá và sử dụng chén bạc chạm khắc thủ công để cảm nhận vẻ đẹp của đức tin là chưa đủ. Vẻ đẹp được kết hợp trong phụng vụ bắt đầu từ chính bản chất của phụng vụ, đó là sự hiện diện được tham gia thông qua các dấu chỉ khả giác của công trình cứu độ, một vẻ đẹp đích thực mà chúng ta đang cần đến».[2] Thực tế đôi khi có những cử hành phụng vụ tẻ nhạt trong một không gian với những vật chất rất đẹp, và ngược lại có những cử hành phụng vụ đẹp trong không gian bình thường. Để đáp lại lời mời gọi tái khám phá vẻ đẹp đích thực của phụng vụ, trước hết chúng ta cần tìm hiểu xem đâu là những yếu tố nền tảng của vẻ đẹp này.

1. Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô và của Giáo Hội:

Để hiểu được vẻ đẹp của phụng vụ, chúng ta khởi đi từ quan niệm về Giáo Hội. Giáo Hội «Trong Đức Kitô, Giáo Hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người».[3] Do đó, Giáo Hội qua việc là một dấu chỉ, một cách nào đó có thể nhận ra Chúa Kitô là bí tích cứu độ. Chính xác là trên cơ sở tính bí tích này, các bí tích được gọi đúng cách rõ ràng. Hành động bí tích của Giáo Hội cũng là hành động của Chúa Kitô vì Giáo Hội không làm điều gì mà Chúa Kitô không dạy bảo Giáo Hội làm “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Các bí tích là những cách thế Chúa Kitô thông truyền ơn cứu độ của  Người cho chúng ta «khi một người làm phép rửa, thì chính Chúa Kitô làm phép rửa».[4] Thánh Lêô Cả nói rằng: «những gì hữu hình nơi Chúa Kitô được chuyển vào các bí tích của Giáo Hội».[5] Phụng vụ là hành động của Chúa Kitô và Giáo Hội. Về cơ bản, nó không phụ thuộc vào chiều kích lý trí chúng ta, mà dựa trên nguyên tắc nhập thể và do đó hiển nhiên bao hàm một chiều kích thẩm mỹ. Qua đó, các cử chỉ của chúng ta trong phụng vụ trở nên rất quan trọng vì chúng là các cử chỉ của chính Chúa Kitô. Vì thế, phụng vụ có vẻ đẹp và tính thẩm mỹ trong chính hành động của mình, vì chúng là những cử chỉ của Chúa Kitô, ngay cả khi đứng trước vẻ đẹp đi kèm và thứ yếu mà chúng ta thêm vào.

Cũng trong chiều kích đó của các bí tích, chiều kích hành động của Chúa Kitô, thần học gia Hans Urs von Balthasar trong quyển đầu tiên của tuyển tập thần học Gloria của ngài đã nêu bật hành động của Chúa Kitô trong các bí tích: «Hình ảnh cơ bản của ân sủng là chính Chúa Giêsu Kitô và tất cả các hình thức bí tích được thiết lập trên Người rất cụ thể [...] tất cả các bí tích, kể cả bí tích Thánh Thể, là hành động cứu độ của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô, dành cho các tín hữu trong Giáo Hội. Chúng khác nhau tuỳ theo phương thức của hành động cứu độ này, điều này được xác định không phải dụa trên cơ sở các hoàn cảnh xã hội học chung chung của con người và trên các tương quan giữa các tín hữu, mà theo những cách thức mà Chúa Kitô đã nói với chúng ta về sự cứu độ của mình, đó là những cách thức Người đã sống và hành động dưới thân phận một con người».[6]

Trong tông huấn Sacramentum Caritatis ngày 22 tháng 2 năm 2007, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh mối quan hệ thiết yếu và cần thiết giữa vẻ đẹp và phụng vụ trong cử hành các mầu nhiệm Thiên Chúa: «Phụng vụ... Do đó, cái đẹp không phải là một yếu tố trang hoàng, nhưng chính là một phần thiết yếu của hành động phụng vụ, bởi lẽ nó là một thuộc tính của Thiên Chúa và thuộc tính do ngài mạc khải. Tất cả những điều đó phải làm cho chúng ta ý thức sự quan tâm cần phải có để hành động phụng vụ được rạng rỡ theo đúng bản chất của nó».[7]

2. Sự giản dị cao quí của tình yêu

Các Tin Mừng trình bày cho chúng ta những cử chỉ cụ thể và nhân văn của Chúa Giêsu: Người bước đi, chúc lành, chạm vào, chữa lành, nhào bùn, ngước mắt lên trời, bẻ bánh, cầm lấy chén... Đây là những cử chỉ mà phụng vụ thực hiện mỗi khi cử hành các bí tích. Nhưng nhất là đêm trước cuộc khổ nạn của Người, Chúa Giêsu đã dạy những cử chỉ mà chúng ta phải lần lượt thực hiện. Ngài là bậc thầy về đào tạo phụng vụ của chúng ta, nghệ thuật đó của Ngài bao gồm việc đặt những điều thiết yếu vào chính những sự việc ấy. Ý nghĩa của phụng vụ chỉ trở nên rõ ràng trong sự giản dị và trang nhã. «...Vậy, lạy Cha chí thánh, khi đến giờ Người được cha tôn vinh, và vì yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Người đã yêu thương họ đến cùng, nên trong bữa ăn tối, người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói... ».[8] Tương tự như vậy, điều gì làm cho nghĩa cử của Chúa trở nên cao đẹp? Trang trí nhà thờ? Chuẩn bị bàn thờ? Khăn trải bàn? Tất nhiên, tất cả những điều này nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp, như một khung cảnh làm nổi bật vẻ đẹp của một bức tranh tổng thể. Nhưng vẻ đẹp đích thực vẫn phải là cử chỉ yêu thương cứu độ: «Người đã yêu thương họ đến cùng..., Người cầm lấy bánh». Đây là lý do làm cho cử chỉ này của Người trở nên đẹp. Giáo hội khi lập lại cử chỉ của Chúa Kitô, thấy điều đó thật là đẹp vì Giáo Hội nhận ra tình yêu của Chúa mình trong cử chỉ đó. Chính vì thế, Cảm thức thẩm mỹ, cảm thức về cái đẹp của phụng vụ trước hết không tuỳ thuộc vào nghệ thuật, nhưng tuỳ thuộc vào lòng yêu mến mầu nhiệm vượt qua. Do đó, vẻ đẹp phụng vụ «không phải là tính thẩm mỹ đơn thuần, nhưng là cách thức cụ thể để chân lý về tình yêu của Thiên Chúa đến với chúng ta, hấp dẫn chúng ta và làm cho chúng ta hân hoan, khi đưa chúng ta ra khỏi chính mình và hướng chúng ta đến với ơn gọi đích thực của chúng ta là tình yêu».[9]

Để cộng tác với phụng vụ, nghệ thuật cần được phúc âm hoá bằng tình yêu. Vẻ đẹp của một cử hành thánh thể không nhất thiết tuỳ thuộc vào vẻ đẹp kiến trúc, ảnh tượng, trang trí, bài hát. Phong cách phụng vụ, giống như phong cách của Chúa Giêsu, phải đơn giản và khắc khổ. Trong các buổi cử hành, theo các nghị phụ công đồng, chúng ta phải trở thành những bậc thầy về nghệ thuật «đơn sơ cao quý».[10]

Cử chỉ, lời nói, không gian, thời gian và trật tự

Ngày 28 tháng 6 năm 2005, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trình bày bản toát yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo trở lại chủ đề: «Hình ảnh và lời nói soi sáng cho nhau. Nghệ thuật luôn luôn “nói”, ít nhất là ngầm hiểu, về sự thiêng liêng, về vẻ đẹp vô hạn của Thiên Chúa, được phản ánh trong biểu tượng tuyệt hảo: Chúa Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Các hình ảnh thiêng liêng, với vẻ đẹp của chúng, cũng là một lời loan báo Tin Mừng và diễn tả vẻ huy hoàng của chân lý Công Giáo».[11]

Trong phụng vụ, cử chỉ luôn đi kèm với lời nói. Mọi sự diễn ra như công đồng nói, bằng nghi lễ và những điều tiên quyết. Các nghi lễ và lời cầu nguyện được soi sáng và làm sống động bởi lời.[12] Tuy nhiên, lời nói và cử chỉ cũng cần thời gian và không gian. Ngôi Lời nhập thể cần có không gian và thời gian cho những cử chỉ cứu độ của mình. Phụng vụ là không gian Chúa Kitô cần bày tỏ và là thời gian Người cần nói về chính mình.

Nhưng trong phụng vụ, không gian và thời gian tuân thủ qui tắc trật tự. Phụng vụ tự bản chất đòi hỏi trật tự. Trên thực tế, không có phụng vụ nào mà không có chỉ dẫn chữ đỏ, nghĩa là không có các chỉ dẫn của Giáo Hội. Điều này được làm chứng bởi các bản văn phụng vụ cổ xưa nhất. Vẻ đẹp của phụng vụ cũng là hoa trái của trật tự. Hầu như tất cả các sách cải cách phụng vụ đều có từ ‘Ordo’ làm từ đầu tiên của tiêu đề. Trật tự mà phụng vụ đòi hỏi liên quan đến nhiều thực tại khác nhau: thời gian, không gian, các mối quan hệ với người khác; ngược lại, phụng vụ cũng đòi trong chính chúng ta sự trật tự.

3. Phụng vụ trần thế phản chiếu vẻ đẹp phụng vụ thiên quốc
«Khi tham dự phụng vụ trần gian, chúng ta cảm nếm trước phụng vụ trên trời».[13] Các nhà thần học dùng phương pháp loại suy khi sử dụng các thực tại trần thế để diễn tả các mầu nhiệm vô hình, đặc biệt trong lãnh vực phụng vụ. Trong các đền thờ lớn tại Roma, người ta thường trang trí quang cảnh phụng vụ thiên quốc trên trần của đền thờ ngay sau bàn thờ và xem phụng vụ trần thế là phản chiếu và nếm trước phụng vụ thiên quốc, vì thế những trang trí, và những cử hành được tổ chức, sắp xếp sao cho diễn tả vẻ đẹp của thiên quốc, nơi vinh quang Thiên Chúa được biểu lộ. Đức Giáo Hoàng Bênêđicto XVI viết trong số 35 của tông huấn Sacramentum Caritatis «Mối liên hệ giữa mầu nhiệm được tin nhận và được cử hành biểu lộ cách đặc biệt nơi giá trị thần học và phụng vụ của cái đẹp. Như được chứng minh trong mạc khải kitô giáo, phụng vụ vốn có mối liên hệ với cái đẹp : đó là ánh rạng ngời chân lý (veritatis splendor). Phụng vụ là ánh rạng ngời của mầu nhiệm Vượt qua, trong mầu nhiệm này Đức Kitô lôi kéo chúng ta đến với Người và mời gọi chúng ta hiệp thông […] Cái đẹp của phụng vụ là thành phần của mầu nhiệm này; đó là một sự biểu hiện tuyệt vời vinh quang của Thiên Chúa và theo một nghĩa nào đó, là một thoáng của thiên đàng trên trần gian[…]».[14]  «Phụng vụ là tưởng niệm, nhớ lại cuộc vượt qua và sự phục sinh của Chúa Kitô, để tưởng niệm, phụng vụ tái hiện, tức làm hiện tại hoá hy tế hiến dâng một lần là đủ cho Chúa Cha trên đồi Canvê, đồng thời trong phụng vụ chúng ta hướng về Chúa Kitô và cử hành việc mong chờ Chúa Kitô đến trong vinh quang. Hơn nữa, ngày nay phụng vụ còn là hình ảnh báo trước của phụng vụ thiên quốc và giúp chúng ta trở thành những người dự phần vào đó. Phụng vụ mở ra một cửa sổ dẫn đến thiên đàng trong tâm thế thường bị mây che phủ của chúng ta. Vì vậy, vẻ đẹp thiên đàng phải toả sáng trong vẻ đẹp của phụng vụ».[15] Bản thân phụng vụ không hẳn là vẻ đẹp theo chủ nghĩa thẩm mỹ thuần tuý, mà vẻ đẹp đó là nơi Chúa Kitô, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ở trung tâm của những lời cầu nguyện, những cử hành của chúng ta, của cuộc đời chúng ta. Chúng ta phải ý thức và có niềm tin sâu sắc rằng chúng ta  là những cộng tác viên trong việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, rằng nó thuộc về một người khác, mang tên một người khác là Chúa Giêsu Kitô.

Nhưng chúng ta không được quên hay đánh giá thấp giá trị tinh thần của các tác phẩm nghệ thuật mà đức tin Kitô giáo đã có thể tạo ra để phục vụ việc tôn thờ Thiên Chúa. Vẻ đẹp phụng vụ được thể hiện cách cụ thể qua các sự vật và các cử chỉ của cơ thể mà con người với sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác cần có để vươn tới những thực tại vô hình và củng cố đức tin của chính mình, như lời công đồng Trentô đã dạy: «Với bản chất con người thì không dễ dàng suy ngẫm được về những điều thiêng liêng nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Vì lí do này, Giáo Hội với tư cách là một người mẹ, đã thiết lập một số nghi thức […] để làm cho sự uy nghi của hy tế vĩ đại như vậy trở nên rõ ràng hơn [Thánh Thể] và đưa tâm trí của người tín hữu, với những dấu chỉ hữu hình của tôn giáo và lòng đạo đức, đến việc chiêm ngưỡng những thực tại siêu phàm ẩn chứa trong hy tế này».[16]

Nghệ thuật thánh, lễ phục và đồ đạc thánh, kiến trúc thánh, mọi thứ phải góp phần củng cố cảm thức về vẻ uy nghi và vẻ đẹp, để bộc lộ sự ‘đơn sơ cao quý’ của phụng vụ Kitô giáo, là phụng vụ của vẻ đẹp đích thực.

Cách tiếp cận hình ảnh có thể được khám phá tốt hơn dưới ánh sáng của sự khác biệt giữa việc nhìn, xem, và chiêm niệm. Những hình ảnh của một nhà thờ có thể dẫn chúng ta đến việc nhận biết các thực tại vô hình theo phẩm chất “thần học” của chúng, nhưng cũng giúp chúng ta có khả năng nhìn vào chúng, đọc, thậm chí chiêm ngắm chúng tuỳ theo các mầu nhiệm được cử hành. Bản thân nó, trong một nhà thờ, biểu tượng không nên mang tính chất trang trí mà mang tính chất thừa tác vụ, nghĩa là phải phục vụ cho phụng vụ, để phụng vụ trần thế diễn tả được phần nào vẻ đẹp của phụng vụ thiên quốc.

Kết luận:

Vẻ đẹp trong phụng vụ thể hiện qua sự sắp xếp nghi lễ và sự thực hiện hợp lý, với nhịp điệu, không gian, thời gian, lời nói, sự thinh lặng, các hành động, các sự vật. sự hài hoà của ngôn ngữ biểu tượng – nghi thức. Không phụ thuộc vào ngẫu hứng của chủ quan, đảm bảo rằng mọi thứ nói với chúng ta về Chúa và nói về chúng ta cho Chúa, mọi thứ đều qui về cử chỉ của Ngài, để cho vẻ đẹp hoán cải và cứu độ, vì những gì được Thiên Chúa chạm đến đều trở nên đầy ân sủng và đẹp đẽ. Vì thế vẻ đẹp phụng vụ không phải vì nó quyến rũ bằng cách thu hút bởi những điều hữu hình làm cho nó đủ tiêu chuẩn, nhưng vì nó dẫn từ những gì hữu hình đến mầu nhiệm vô hình, từ điều nghe được đến điều không thể diễn tả, điều đó làm cho chúng ta trở nên khao khát. Do đó, một nghi thức đẹp cho thấy điều có thể gọi là vẻ đẹp mùa xuân của phụng vụ và khiến người ta phải thốt lên với cùng một sự nhiệt thành như Phêrô “Lạy Chúa, chúng con được hiện diện ở đây thật là tốt đẹp” (Mt 17,4). Thật tốt khi được ở đây, tập hợp nhân danh Chúa, bởi vì Chúa ở đây. Không có sự hiện diện sống động của Chúa thì không có gì đẹp đẽ trong phụng vụ, phụng vụ không tìm kiếm vẻ đẹp như mục đích tự thân, tự quy chiếu; phụng vụ chỉ tìm kiếm Chúa và sự hiệp thông với Ngài, và trong Ngài giữa chúng ta.

Như vậy, tái khám phá vẻ đẹp đích thực của phụng vụ là chúng ta phải chú ý «quan tâm đến tất cả các khía cạnh của việc cử hành và tôn trọng từng điểm trong luật chữ đỏ»[17] để phẩm giá của phụng vụ toả sáng đến từng chi tiết dù nhỏ nhất dưới hình thức vẻ đẹp đích thực. Vì nếu những cử hành phụng vụ không còn ý nghĩa dẫn đưa cộng đoàn tới mầu nhiệm thiêng liêng mà chỉ là những bức ảnh và thước phim đẹp được chụp và ghi lại thì vẻ đẹp của kinh nghiệm phụng vụ bị tổn hại nghiêm trọng. Và cũng sẽ cùng một tổn hại đó nếu chúng ta tối giản đến mức sơ sài, tầm thường và bất cẩn đối với các yếu tố hữu hình của phụng vụ.
 
[1] Tông thư Desiderio Desideravi, n.22.
[2] Corrado Maggioni, Liturgia e bellezza, trong L’Osservatore Romano, 28 agosto 2020, tr. 7.
[3] Hiến Chế Lumen Gentium, n.1.
[4] Hiến Chế Sacrosanctum Concilium, n.7.
[5] Sermo 74, due: PL 54, 358.
[6] H. U. Von Balthasar, Gloria. Una estetica teologia,  I. La percezione della forma, Jaca Book, Milano 1985, p. 539-540.
[7] Tông huấn Sacramentum Caritatis, n.35.
[8] Kinh nguyện Thánh Thể IV.
[9] Tông huấn Sacramentum Caritatis, n.35.
[10] Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n.34.
[11] Insegnamenti di Benedetto XVI   I, 2005, 283-287.
[12] X. Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n.7,21,24,48,59.
[13] Hiến chế Sacrosanctum Concilium, n.8.
[14] Tông huấn Sacramentum Caritatis, n.35.
[15] Walter Kasper, Tornare al primo annuncio. In Riforma e santità. Lo stile di una Chiesa in un tempo di trasformazioni. Ancora, Milano 2012, tr. 24-26.
[16] DS 1746.
[17] Tông thư Desiderio Desideravi, n.23.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Bùi Huy Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập73
  • Máy chủ tìm kiếm29
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay10,593
  • Tháng hiện tại576,450
  • Tổng lượt truy cập28,891,819

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây