Năm phụng vụ và Ngày của Chúa

Thứ năm - 26/10/2023 18:10



NĂM PHỤNG VỤ
VÀ NGÀY CỦA CHÚA
(số 63, SC 102-111)

Lm. Luy Hồ Trọng Hưng



Trong số 14-15 của, dưới sự soi dẫn của Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta vừa cùng nhau khám phá lại chiều kích mầu nhiệm của Giáo hội, là thân mình nhiệm mầu của Chúa Kitô. Tiếp đến, cũng trong Tông thư này chúng ta lại được mời gọi bước sang một đề tài khác. Đề tài được Đức Thánh Cha đề cập trong số 63: “Tôi muốn gửi cho anh chị em một chỉ dẫn nữa để đi tiếp lối đường của chúng ta. Tôi mời anh chị em khám phá lại ý nghĩa của năm phụng vụ và Ngày của Chúa. Cả hai điều này đều do Công đồng để lại cho chúng ta (x. Sacrosanctum Concilium 102-111)”.[1]

Như thế, hai khái niệm mà chúng ta lần lượt khám phá trong phần trình bày này sẽ là: Năm Phụng Vụ và Ngày Của Chúa. Nội dung này sẽ được tham chiếu từ các số 102 đến 111, là chương V trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium của Công đồng Vaticanô II.[2]

 

A. NĂM PHỤNG VỤ

 

I. Nội dung và ý nghĩa của năm phụng vụ


Trước hết theo nghĩa từ, “Năm phụng vụ” là một cụm từ được kết hợp giữa: “Năm”“Phụng vụ”. Trong đó, “Năm” hay “Niên” theo phát âm Hán Việt[3] có một vài ý nghĩa: (1) Chu kỳ của lịch, của thời gian. (2) Khoảng thời gian thường là bốn mùa hoặc mười hai tháng. Một năm thường có 365 ngày, năm thường có 365 ngày, năm nhuận có 366 ngày. (3) Thời gian Trái Đất quay một vòng quanh Mặt Trời, bằng 365 ngày, 5 giờ, 49 phút, 12 giây.[4] Một Năm được chia thành 12 tháng với 52 tuần. Mỗi tuần gồm 7 ngày. Còn “Phụng vụ”, một cách hiểu nôn na thì “phụng vụ là hành động của dân đối với thần thánh”[5] nhưng với người Công giáo, phụng vụ là: “hành động của Đức Kitô toàn thể (Christius totus)”[6] như là lời ngợi khen, lời tạ ơn về mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài[7] để dâng lên Thiên Chúa là Cha hòng mang lại ơn giải thoát cho toàn thể nhân loại. Thật vậy, “Phụng vụ là công trình của Đức Kitô, cùng là hành động của Giáo hội Người. Phụng vụ thực hiện và biểu thị Hội thánh như dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người nhờ Đức Kitô”.[8]

Như thế, “Năm phụng vụ” có thể được coi là một khoảng thời gian hay một chu kỳ thời gian, cụ thể là một năm mà qua đó là một “sự triển khai những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm Vượt Qua duy nhất. Điều này đặc biệt đúng cho chu kỳ các lễ xoay quanh mầu nhiệm Nhập thể (Truyền Tin, Giáng Sinh, Hiển Linh), để tưởng niệm việc khởi đầu ơn cứu độ của chúng ta và truyền thông cho chúng ta những hoa trái đầu mùa của mầu niệm Vượt Qua”[9] được tiếp nối từ “Thăng Thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến”.[10] Do đó, việc trình bày về Đức Kitô và các mầu nhiệm của Ngài sẽ là trung tâm điểm của Năm phụng vụ.

 

II. Lịch sử và việc hình thành Năm phụng vụ

 
  1. Thánh Kinh nguồn gốc của Năm phụng vụ

Từ các sách Cựu ước như: Xuất hành, Dân số, Lêvi… chúng ta có thể thấy được: sau khi đưa dân ra khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã thiết lập và ấn định những ngày lễ trong năm để dân chúng dâng lễ kính Ngài:
 
  • Lễ Vượt Qua: ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê và ông Aharon trên đất Ai Cập: “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Israel: Mồng mười tháng này, …: đó là lễ Vượt Qua mừng ĐỨC CHÚA… Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.””[11]
  • Lễ Bánh Không Men: “Trong bảy ngày, các ngươi phải ăn Bánh Không Men. Ngay từ ngày thứ nhất, các ngươi phải loại men ra khỏi nhà, vì phàm ai ăn bánh có men, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ bảy, người đó sẽ bị khai trừ khỏi Israel... Tháng Giêng, ngày mười bốn trong tháng, từ buổi chiều, các ngươi sẽ ăn bánh không men, cho đến buổi chiều ngày hai mươi mốt... Các ngươi không được ăn các thứ bánh có men; dù ở đâu, các ngươi cũng phải ăn bánh không men.”[12]
  • Dâng bó lúa đầu mùa: “ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan ĐỨC CHÚA để các ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày sabát… Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở.””[13]
  • Lễ Ngũ Tuần: Từ hôm sau ngày sabát, ngày các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày sabát thứ bảy, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên ĐỨC CHÚA… Chính ngày đó, các ngươi phải triệu tập dân, phải họp nhau để thờ phượng Ta; các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi, tại khắp nơi các ngươi ở… Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.”[14]
  • Ngày đầu tháng bảy: ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Tháng thứ bảy, ngày mồng một, đối với các ngươi sẽ là một ngày nghỉ, một ngày tưởng niệm giữa tiếng reo hò, và họp nhau để thờ phượng Ta. Các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên ĐỨC CHÚA.”[15]
  • Ngày Xá tội: ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: “Ngoài ra, ngày mồng mười tháng bảy là ngày Xá tội, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hỏa tế lên ĐỨC CHÚA… Đối với các ngươi, đó sẽ là một ngày sabát, một ngày nghỉ, và các ngươi phải ăn chay hãm mình. Từ chiều ngày mồng chín đến chiều hôm sau, các ngươi phải nghỉ để giữ ngày sabát.”[16]
  • Lễ Lều: ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với con cái Israel: Ngày mười lăm tháng bảy là lễ Lều kính ĐỨC CHÚA, trong vòng bảy ngày. Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.36 Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hỏa tế lên ĐỨC CHÚA. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hỏa tế lên ĐỨC CHÚA: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.””[17]
  • Năm Sabát: Trên núi Xinai, ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê rằng: “Hãy nói với con cái Israel và bảo chúng: Khi các ngươi vào đất Ta sắp ban cho các ngươi, đất phải nghỉ một sabát kính ĐỨC CHÚA. Trong sáu năm, (các) ngươi sẽ gieo vãi trong cánh đồng của (các) ngươi, trong sáu năm, (các) ngươi sẽ tỉa vườn nho của (các) ngươi, và (các) ngươi sẽ thu hoa lợi. Nhưng năm thứ bảy sẽ là một sabát, một thời kỳ đất nghỉ.””[18]
  • Năm toàn xá: “(Các) ngươi phải tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian của bảy tuần năm đó là bốn mươi chín năm. Tháng thứ bảy, ngày mồng mười trong tháng, (các) ngươi sẽ thổi tù và giữa tiếng reo hò; vào ngày Xá tội, (các) ngươi sẽ thổi tù và trong toàn xứ các ngươi. Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó.”[19]
Bên cạnh đó, từ các sách Lịch sử (Sách các Vua và sách Sử biên niên) chúng ta cũng có thể thấy được việc thực hành các ngày lễ này trong đời sống của Dân Chúa trong Cựu ước theo việc thiết lập, ấn định và lệnh truyền của Chúa. Đơn cử việc Vua Giôsigiahu cử hành lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA ở Giêrusalem[20]

Như thế, từ Cựu ước chúng ta đã thấy được nền tảng của năm phụng vụ. Và chúng ta có thể kết luận rằng: thời gian và ý định cho những dịp lễ đều là thánh ý của Thiên Chúa. Qua đó Thiên Chúa muốn con người ý thức về sự thánh thiên của thời gian, đồng thời điều cốt yếu cho những dịp này cũng lại là những lời nhắc nhở của Thiên Chúa hòng quy hướng Dân Chúa tin tưởng và tôn thờ Ngài là Đấng Duy Nhất đầy uy quyền.[21]

Bước sang thời của Chúa Giêsu, bằng những dữ liệu từ Thánh Kinh như việc: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”(Lc 2, 41) hay việc Chúa Giêsu tranh luận với người Pharisiêu và những người Luật sĩ về ngày sabát[22]; Chúa Giêsu sai các môn đệ đi dọn Lễ Vượt Qua[23],… càng khẳng định cho chúng ta về ý nghĩa và giá trị của việc thực hành các ngày lễ và dịp lễ mà Thiên Chúa đã ấn định. Chúng thực sự đã trở nên là khuôn mẫu và là nền tảng cho việc thực hành phụng vụ trong đời sống của Dân Chúa.

 
  1. Biến cố Đức Kitô và Năm phụng vụ

Như chúng ta biết, niên lịch mà chúng ta đang sử dụng hiện nay có tên là “lịch Gregorio” được chính thức sử dụng từ năm 1582, do Đức Giáo Hoàng Gregorio XIII bằng Tông thư “Inter gravissimas” ban hành vào ngày 24 tháng 2 năm 1582[1581][24].  Vì lẽ, vào thời Trung cổ, do nhận thấy lịch Julio không còn tương hợp với chu kỳ trái đất xoay quanh mặt trời nữa nên Công đồng Trentô đã đề nghị cần phải có một cuộc cải cách lịch. Thế là năm 1576, một ủy ban đã được thiết lập để nghiên cứu vấn đề này. Giáo hội nhận thấy có sự không cố định cho việc cử hành của ngày lễ Phục sinh. Một ngày lễ quan trọng của Kitô giáo. Hơn nữa, Giáo hội còn nhận thấy Lễ Phục sinh phải là một ngày lễ cần được cử hành trong mùa Xuân với nhiều ý nghĩa của nó[25]. Ủy ban được giao nhận đã quyết định lấy năm của Công đồng đầu tiên Nicea I năm 325 làm chuẩn để tính lại sự chênh lệch. Con số chênh lệch từ năm 325 đến năm 1581 là 10 ngày. Đây cũng chính là lý do mà chúng ta có Tông thư “Inter Gravissimas” và niên lịch hiện nay với tên gọi của nó.[26]

Như thế, qua việc thay đổi này chúng ta nhận thấy được tầm quan trọng của Biến Cố Phục sinh lên cả đời sống Giáo hội lẫn đời sống dân sự. Và Ngày Chúa Phục sinh quả thật đã trở nên là nền tảng và là trung tâm điểm của mọi sinh hoạt cả trong Giáo hội lẫn dân sự.

Dù rằng, trong những sự thay đổi này có thể mang nhiều chiều kích khác nhau, nhưng trong ánh sáng đức tin chúng ta xác tín rằng tất cả đều là trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Thời gian và tất cả đều là của Chúa. Thiên Chúa làm nên tất cả cũng vì Con của Ngài, là Đức Giêsu Kitô và vì chúng ta.[27] Đây là hoa quả của một tiến trình đức tin tông truyền.

Nhận thấy được một truyền thống đức tin lâu dài của Giáo hội vào Đức Giêsu Kitô, Công đồng Vaticanô II đã tự thấy rằng Giáo hội cần phải có trách nhiệm và bổn phận cho việc lưu truyền kho tàng đức tin ấy. Vì thế, trong Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) Giáo hội một lần nữa khẳng định rằng:

“Mẹ thánh Giáo hội luôn ý thức về bổn phận phải thực hành việc tưởng niệm để cử hành công trình cứu chuộc của Đấng Phu Quân chí thánh vào những ngày được ấn định trong năm. Mỗi tuần, vào ngày được gọi là Chúa Nhật, Giáo hội tưởng nhớ việc Chúa Phục Sinh, và mỗi năm một lần, Giáo hội lại long trọng cử hành mầu nhiệm ấy vào dịp lễ Chúa Phục Sinh, cùng với cuộc Thương Khó hồng phúc của Người.

Giáo hội trình bày toàn thể mầu nhiệm Chúa Kitô trong chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh, đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, cũng như sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa quang lâm.

Khi cử hành các mầu nhiệm cứu độ, Giáo hội rộng mở cho các tín hữu kho tàng quyền năng và công nghiệp phong phú của Chúa, nhờ đó những mầu nhiệm này có thể nói là được hiện tại hóa qua mọi thời đại, các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm và được đầy tràn ơn cứu rỗi.”[28]

 

III. Năm Phụng Vụ

 
  1. Các Mùa trong Năm phụng vụ

Từ những chỉ dẫn của Scrosanctum Concilium số 102 và các dữ kiện đã trình bày ở trên, hai biến cố Giáng sinh và Phục sinh được coi là hai điểm móc quan trọng trong chu kỳ thời gian sinh hoạt một năm của Giáo hội. Chúng chia niên lịch ra làm hai giai đoạn: Giáng sinh và Phục sinh tương ứng với các mầu nhiệm Nhập thể và Tử nạn-Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

Bên cạnh đó, Công đồng còn dạy rằng:

“Trong khi cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô theo chu kỳ hằng năm như thế với một tình yêu đặc biệt, Giáo Hội tôn kính Ðức Maria vinh hiển, Mẹ Thiên Chúa, Ðấng đã nối kết với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly. Nơi Mẹ, Giáo Hội ngưỡng mộ và tán tụng thành quả tuyệt diệu của công trình cứu chuộc, và vui mừng chiêm ngắm nơi Mẹ, như trong hình ảnh tinh tuyền trọn hảo, điều mà toàn thể Giáo Hội ước mong và trông đợi.”[29]

Bằng những phán quyết này, chúng ta thấy được ý định của Giáo hội về việc tôn kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và cũng là Mẹ của chúng ta, vì lẽ Mẹ đã có một sự “nối kết tuyệt vời với công trình cứu chuộc của Con Người bằng mối dây bất khả phân ly”. Mối dây ấy chính là mối dây của tình mẫu tử. Bản văn lại trình bày người con của Mẹ lại là một “Con Người”, với ý niệm này ám chỉ Người là một vị Thiên Chúa thật, Thiên Chúa Ngôi Hai: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 23). Thật vậy, Thiên Chúa đã làm người để Mẹ được diễm phúc sẻ chia thân phận phàm nhân với Thiên Chúa, để rồi chính nơi Mẹ: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1, 14). Từ niềm xác tín ấy mà từ những buổi đầu của Giáo hội sơ khai Mẹ đã được nhìn nhận và tôn kính: Mẹ là đấng Trọn đời Đồng Trinh[30]; Mẹ Thiên Chúa[31]; Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội[32]; và được lên Trời cả hồn lẫn xác[33]. Thế nhưng, khi trở lại với Thánh Kinh chúng ta mới thấy được những gì mà Mẹ diễm phúc có được đều là hoa quả của một con người khiêm nhường, đầy tin tưởng và cậy trông vào Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Lc 1, 31), vì thế Thiên Chúa đã làm tất cả mọi sự tốt lành nơi Mẹ. Mẹ thuộc về Chúa và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Mẹ (x. Lc 1, 35). Do đó, nhờ Chúa Giêsu và công cuộc cứu chuộc của Người mà Mẹ đáng có những ngày để tôn kính Mẹ trong lòng Giáo hội.

Ngoài ra, “Giáo Hội còn thêm vào niên kỳ những lễ kính nhớ các Thánh Tử Ðạo và các Thánh khác, là những đấng nhờ muôn vàn hình thức ơn Chúa, đã đạt tới sự trọn lành, và đã chiếm được phần rỗi đời đời, giờ đây đang ca khen Thiên Chúa bài ca tuyệt diệu ở trên trời và đang cầu bầu cho chúng ta. Bởi chưng, trong những ngày kính nhớ các Thánh, Giáo Hội công bố mầu nhiệm phục sinh nơi các Ngài: vì đã cùng chịu thương khó và cùng được vinh hiển với Chúa Kitô. Giáo Hội cũng trình bày cho các tín hữu những gương mẫu của các Ngài, những gương mẫu lôi kéo mọi người đến với Chúa Cha qua Chúa Kitô, và nhờ công nghiệp các Ngài, Giáo Hội lãnh nhận được những hồng ân của Thiên Chúa.”[34]

Để có được những phán quyết này, chắc chắn Giáo hội kế thừa được rất nhiều từ những kho tàng đức tin xa xưa để lại về việc mừng kính các Thánh Tử Đạo và các Thánh khác. Với Tử Đạo Thư (Martyrology) hay Danh mục Tử đạo Roma là một điển hình. Đây là cuốn sách ghi lại danh sách của các Thánh Tử Đạo, ngày tưởng nhớ các ngài trong lịch của Giáo hội, nơi chốn các ngài chịu tử đạo cũng như tóm lược vài dòng về cuộc sống và cái chết của vị chứng nhân tử đạo. Một vài Tử Đạo Thư nổi tiếng[35]:

 
  • Tử đạo thư cổ nhất (hiện nay chỉ còn lại bản sao). Có lẽ do Furius Dionysius Philocalus, người ghi chép tài liệu cho Đức Giáo Hoàng Damasus I (366-383), biên soạn trong những năm 336 (-354), hay còn gọi là lịch Philocalian. Lịch này gồm hai bản danh sách khác biệt liệt kê các Thánh được tôn kính mỗi năm trong Giáo hội Roma: (1) Danh sách thứ I gồm các vị Giáo hoàng hay Giám mục Roma (depositio episcoporum) với vị cuối cùng là Đức Giáo Hoàng Liberius (+366). Lễ nhớ các ngài được sắp xếp theo thứ tự từ tháng Giêng đến tháng Chạp; (2) Danh sách thứ II gồm danh tính của các vị Tử Đạo (depositio martyrum).
  • Tử Đạo Thư Syriac: Còn được gọi là Sách kinh Syriac hay Lịch Antiolia, được sao chép năm 411 từ bản gốc năm 362-381.
  • Tử Đạo Thư Jerome (martyrologium Hieronymianum): là một tổng hợp từ các lịch hay Tử Đạo Thư có nguồn gốc từ: Roma, Italia, Châu Phi và Kitô giáo Đống phương.
  • Tử Đạo Thư Usuard: do Usuard dòng Biển Đức ghi lai.
  • Tử Đạo Thư Roma (1584): là một tổng hợp của Tử Đạo Thư Usuard và Roma và được sắp xếp lại ngày tháng theo lịch Gregorio.
  • Tử Đạo Thư sau Công đồng Vaticanô II: là một hiệu đính, bổ sung thêm các vị Thánh mới được tuyên phong của Tử Đạo Thư Roma 1584.

Dựa theo các dữ liệu, các ngày lễ này của các thánh đã được chèn vào trong niên lịch phụng vụ của Giáo hội.
Như thế, từ các số 102-104 của Hiến Chế đã cho chúng ta một khái quát chung về niên lịch phụng vụ với trung tâm và chóp đỉnh là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô: “năm phụng vụ bao gồm trước hết là các cử hành phụng vụ chung quanh ngày lễ Phục sinh (mùa Phục sinh), rồi đến chu kỳ Giáng sinh được hình thành sau đó. Dần dần, năm phụng vụ được hoàn thành với việc bổ sung vào chu kỳ Thường niên”[36], là những ngày lễ mừng kính các thánh được chèn vào.

Không những thế, người ta còn nhận thấy: vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, việc sống đạo và thực hành đạo của các Kitô hữu tiên khởi hầu như vẫn tiếp nối các công việc sống đạo của người Do thái như giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện; các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi... Nhưng hầu như trước những ngày đại lễ, có một tục lệ, họ thường có một thời gian chuẩn bị tương đối dài. Thời gian đó kéo dài khoảng 40 ngày, có lẽ hòng không chỉ nhắc lại các biến cố Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ đến việc Chúa Giêsu Kitô trải qua 40 ngày trong sa mạc để chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ.[37] Và khoảng thời gian này được gọi là Mùa Chay. Một mùa được xác định trước mùa Phục sinh trong niên lịch phụng vụ ngày nay.

Còn đối với mầu nhiệm Nhập thể, hầu như trong những thế kỷ đầu không có đề cập đến việc có một thời gian chuẩn bị để mừng mầu nhiệm này. Nhưng kể từ cuối thế kỷ thứ IV, xuất hiện một số bài giảng và công đồng đã diễn ra có đề cập tới một thời gian phụng vụ cụ thể trước Giáng Sinh, nhưng không hề đưa ra một quy luật nào, cho tới khi một lưu ý trong những phần Thánh Lễ xuất hiện trong thời đại của Đức Thánh Giáo Hoàng Grêgêriô VII từ năm 1073-1085. Giống như mùa Chay, thời của ăn chay và hy sinh, Giáo hội thời sơ khai đã thúc giục các tín hữu dành thời gian này để dọn lòng mình chờ đón Đức Kitô[38]. Với ý hướng này mà chúng ta có thêm Mùa Vọng được đặt để trước mùa Giáng sinh trong sinh hoạt niên lịch phụng vụ của Giáo hội. Thời gian được ấn định là bốn Chúa nhật trước lễ Chúa Giáng Sinh. Bốn Chúa Nhật nói lên ý nghĩa bốn ngàn năm nhân loại trông ngóng Đấng Cứu Thế đến kể từ khi con người phạm tội.[39] Và đây là mùa khởi đầu của năm phụng vụ.[40]

 

2. Các chu kỳ Năm Phụng Vụ

 
  1. Chu kỳ Giáng sinh

Chu kỳ Giáng sinh gồm mùa Vọng và mùa Giáng sinh
  • Mùa Vọng là mùa khởi đầu của Năm phụng vụ kéo dài trong 4 Chúa Nhật - từ Chúa nhật I mùa Vọng cho đến ngày 24 tháng 12.
  • Mùa Giáng sinh bao gồm: (1) Chính lễ Giáng sinh (25/12); (2) Bát nhật Giáng sinh (từ 26 tháng 12 đến 01/01); (3) Phần còn lại của mùa này từ 02/01 đến lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa.


b. Chu kỳ Phục sinh


Chu kỳ Phục sinh gồm:
  • Thời kỳ mùa Chay. Được bắt đầu với thứ Tư Lễ Tro cho đến lễ Truyền Dầu thứ Năm Tuần Thánh.
  • Tam Nhật Vượt Qua. Đỉnh cao và trọng tâm của chu kỳ Phục sinh là: bắt đầu từ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kéo dài cho đến Chúa nhật Phục sinh (Kinh chiều II).
  • Mùa Phục sinh. (1) Bát nhật Phục sinh: kéo dài từ lễ Phục sinh cho đến Chúa nhật II Phục sinh; (2) Phần còn lại của mùa này: kéo dài từ thứ Hai sau Chúa nhật II Phục sinh cho đến lễ Hiện xuống.


c. Mùa Thường niên


Mùa Thường niên được chia ra làm hai phần:
  • Phần I: Bắt đầu từ thứ Hai sau lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa cho đến thứ Ba trước thứ Tư lễ Tro.
  • Phần II: Bắt đầu từ thứ Hai sau lễ Hiện xuống cho đến thứ Bảy trước Chúa nhật I mùa Vọng.


IV. Công đồng Vaticanô II - Những lưu ý trong việc canh tân Phụng vụ


Chúng ta vừa cùng nhau tái khám phá một cách chung chung về ý nghĩa và quá trình hình thành năm Phụng vụ trong đời sống của Giáo hội dưới sự hướng dẫn của các số 102 đến 104 của Hiến chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) và đã có một niên lịch phụng vụ như đã trình bày ở trên. Niên lịch phụng vụ có thể được coi là một kho tàng sống động diễn tả đời sống đức tin của Giáo hội. Thế nhưng việc lưu truyền gìn giữ kho tàng ấy không phải là một việc đơn giản. Vì lẽ kho tàng đức tin đó được lưu truyền trong nhiều vùng, nhiều lãnh thổ với nhiều nền văn hóa, tư duy, nhận thức và suy nghĩ khác nhau nơi Giáo hội hữu hình. Do đó, Giáo hội tự nhận thấy cần phải có những qui chuẩn để hướng dẫn dân Chúa có một đời sống phụng vụ đúng với Tin Mừng. Sau đây là một vài chỉ dẫn:
 

1. Chú trọng ngày Chúa nhật


Về việc này Công đồng đã dạy:

“Theo Tông Truyền bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại, Giáo Hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày thứ tám, ngày thật đáng gọi là ngày của Chúa hay ngày Chúa Nhật. Thực vậy, trong ngày đó các Kitô hữu phải họp nhau lại để nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã “dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1P 1,3). Vì vậy, ngày Chúa Nhật là ngày lễ nguyên thủy phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc. Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật, bởi vì ngày Chúa Nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ.”[41]

Chúng ta có thể chia lời giáo huấn làm hai phần. Phần thứ nhất, trình bày cho chúng ta về nguồn gốc, ý nghĩa, tên gọi và những việc làm cần thiết trong ngày Chúa nhật. Phần thứ hai, là một lời xác định vị trí quan trọng của ngày Chúa nhật đồng thời đưa ra những chỉ dẫn cần thiết.

Trước hết, ngày Chúa nhật là một ngày mang tính chất Tông Truyền, xuất phát từ niềm tin của các Tông đồ và truyền lại cho Giáo hội. Các ngài là những chứng nhân đức tin sống động của biến cố Phục sinh: Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết và chúng tôi xin làm chứng về điều này (x. Cv 1, 22). Hơn nữa, chính biến cố Phục sinh đối với các ngài như là một đại lễ Vượt Qua Mới, một cuộc Tạo Thành Mới. Nơi đó Thiên Chúa đã làm một việc lạ lùng là cho Đức Giêsu Kitô chỗi dậy từ cõi chết. Từ nay cái chết không còn thống lĩnh thế gian nữa. Nhân loại được cứu thoát. Do đó, đây đáng được coi là một Ngày Thánh. Một Ngày Trọng đại, Ngày của Chúa và là ngày dành cho Chúa; một ngày của niềm tin và niềm hy vọng. Ngày đáng để các Kitô hữu phải khắc ghi vào tâm trí mà họp nhau lại nghe Lời Chúa và tham dự Lễ Tạ Ơn, hòng kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Và sau cùng, vì ngày Chúa nhật mang lấy nhiều ý nghĩa trọng đại như thế, Công đồng dạy các Kitô hữu phải biết coi ngày này là nền tảng và trung tâm đời sống của Dân Chúa. Tức là không một biến cố nào hay một ý niệm nào có thể thay thế hoặc ngang bằng với sự Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Tất cả đều phải xoay quanh mầu nhiệm này. Do đó, có thể nói các dịp lễ hay các hoạt động khác trong Giáo hội đều phải có ý hướng đến cùng đích của ơn cứu độ nơi mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô. Ý thức được chiều kích này thì khi cử hành các dịp lễ khác mới có thể thay thế cho ngày Chúa nhật. Thất vậy, Công đồng đã khôn ngoan khi đặt để sự lựa chọn bật giá trị cho các Kitô hữu. Công đồng rất cẩn thận dạy chúng ta: “Các cuộc lễ khác, nếu không thật sự là lễ rất quan trọng thì không được lấn át ngày Chúa Nhật”. Mệnh đề: “nếu không thật sự quan trọng” đáng để cho chúng ta lưu ý trong phán quyết của mình, cách đặc biệt dành cho các vị mục tử.

Trong chỉ dẫn của Đức Thánh Cha Phanxicô hướng chúng ta đến hai khái niệm: Năm phụng vụ và Ngày của Chúa. Vì thế, trong phần trình bày này chúng ta chỉ dừng lại một cách chung chung theo nội dung của Hiến chế. Chúng ta sẽ đào sâu hơn khái niệm này trong mục (B) Ngày của Chúa ở phần sau.

 

2. Canh tân Phụng vụ


“Canh tân Phụng vụ” là tiêu đề mà Công đồng đặt cho hai số 107 và 108 trong Hiến chế Phụng vụ Thánh. Như thế, đâu là điều mà Công đồng muốn các Kitô hữu canh tân trong đời sống phụng vụ của mình. Chúng ta cùng nhau xem xét về giáo huấn này.

Trước hết, từ những từ ngữ đầu tiên của chỉ dẫn 107, bằng những cụm từ: “phải tu chỉnh”; “duy tr씓phục hồi”, chúng ta thấy được ý hướng canh tân Phụng vụ của Công đồng không phải là một cuộc thay đổi hay đổi mới hoàn toàn các dịp lễ, ngày lễ, nhưng trong chiều hướng của một cuộc trở về nguồn, một cuộc hội nhập, đi xâu vào văn hóa, tập tục của từng vùng miền nhiều hơn.

Tiếp đó, từ những cụm từ được coi là quan trọng khác: “tập tục và quy chế cổ truyền”; “vẫn giữ được đặc tính lúc ban đầu” chúng ta càng thấy được thêm ý hướng vừa nói trên càng được đề cao.

Và cuối cùng bằng những định chế từ các số 39, 40 và mở thêm 22 §2, mặt khác chúng ta thấy được tính chặt chẽ và đầy thận trọng của Công đồng khi có một sự thay đổi nào đó trong niên lịch Phụng vụ. Công đồng đặt để sự canh tân phụng vụ dưới sự khôn ngoan của các mục tử địa phương (Giám mục và Hội đồng Giám mục của từng vùng, từng quốc gia) khi có phán quyết một điều gì, đồng thời phải trình lên Tông Tòa để được phê chuẩn hòng mang đầy tính chất Tông truyền của Giáo hội. Điều này hoàn toàn chặt chẽ và ăn khớp với yêu cầu cứu xét cho một thay đổi: “thật sự là (lễ) rất quan trọng” đã được nhắc ở trên. Và rồi, “nội dung và ý nghĩa của mầu nhiệm Phục sinh” được trình bày trong chu kỳ niên lịch vẫn phải được coi là trung tâm và là nền tảng cho mọi điều thay đổi, canh tân trong sinh hoạt Phụng vụ Giáo hội. Đây là điều mà Công đồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lời giáo huấn của mình. Cụ thể, trong các số 107 và 108.

 

3. Mùa Chay


Tiếp đến, trong việc huấn luyện và canh tân Phụng vụ này, Công đồng đề cập đến “Mùa Chay” và dùng hai số 109 và 110 để trình bày giáo huấn của mình. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò và tầm quan trọng của Mùa Chay trong đời sống đức tin của Dân Chúa.

Trong số 109, Công đồng nhắc lại hai đặc tính của Mùa Chay: (1) mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. (2) nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Như thế, tâm tình cần có của Mùa Chay là sám hối và hướng về các bí tích khai tâm Kitô giáo. Trong đó, với tín hữu, thì việc chuẩn bị này được thể hiện qua thái độ và tâm tình sám hối nội tâm, cũng như việc nhớ lại các bí tích khai tâm Kitô giáo đã lãnh nhận. Với các dự tòng, thì việc chuẩn bị này được thể hiện qua các giai đoạn khác nhau trong tiến trình dự tòng.[42] Cũng trong số này, Công đồng cũng đặc biệt chú trọng đến việc trở về nguồn để cố gắng tái lập các truyền thống xa xưa của Phép Rửa trong khả năng có thể.

Bên cạnh đó, việc sám hối, Công đồng nhắc nhở các Kitô hữu cần chú tâm đến bản chất của nó. Bản chất ấy chính là: “ghét tội”. Mỗi cá nhân cần phải ý thức được điều này. Còn về mặt cộng đoàn hay Giáo hội cần phải thể  hiện tâm tình hiệp hành với hối nhân: không vạch tội hay kết án nhưng đồng cảm sẻ chia trong lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn hối cải; cần phải thấu hiểu hoàn cảnh của tội nhân để có thể cảm thông và cầu nguyện cho họ.[43] 

Sau cùng, Công đồng đặc biệt nhắc nhở các Kitô hữu phải sống chay tịnh một cách triệt để trong toàn Giáo hội vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày Chúa chính thức đi vào cuộc thương khó và chịu chết.[44]

 

4. Lễ các Thánh


Về khía cạnh này, chúng ta đã được Công đồng nhắc ở trên trong số 104 nhưng một lần nữa Công đồng dùng riêng số 111 để nhắc lại. Như thế, việc đưa những ngày kính nhớ các Thánh vào trong niên lịch là một vấn đề khá quan trọng. Thật vậy, ngay trong câu đầu của chỉ dẫn này Công đồng đã dùng hai khái niệm: “tôn kính”“sùng kính” khi đề cập đến các Thánh. Hai khái niệm này có ý nhắc các Kitô hữu ý thức hơn trong việc “thờ phượng Thiên Chúa”. Giáo hội không thờ phượng hay tôn thờ thụ tạo-phàm nhân mà chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa: Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em)(Đnl 6, 4-5). Các thánh là những con người, là thụ tạo của Thiên Chúa:

“Các thánh không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là những người được Thiên Chúa chiếu qua. Chúng ta có thể ví các vị như những tấm kiếng ở nhà thờ, để cho ánh sáng chiếu qua với nhiều màu sắc khác nhau. Các thánh là những người anh chị em của chúng ta đã đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa trong tâm hồn và đã truyền lại cho thế giới, mỗi người theo sắc thái riêng. Nhưng tất cả đếu trong sáng, đã chiến đấu để loại bỏ những vết nhơ và những tối tăm của tội lỗi, để cho ánh sáng dịu dàng của Thiên Chúa chiếu qua. Đó chính là mục đích của cuộc sống và cho chúng ta”.[45]

Thật vậy, nơi các Thánh nói lên những việc lạ lùng của Chúa Kitô và phần nào phô bày khuôn mặt thánh thiện của Người. Vì thế, một lần nữa, Công đồng nhắc lại sự cao trọng của mầu nhiệm cứu chuộc. Không có bất kỳ một điều gì có thể so sánh ngang bằng với mầu nhiệm này. Công đồng lại một lần nữa sử dụng cụm từ “không lấn át” để lưu ý các Kitô hữu trong việc tôn kính các Thánh.[46]

Ngoài ra, Công đồng còn nhận thấy được các gương lành thánh thiện của các Thánh cần được phô diễn để các Kitô hữu có thể học đòi bắt chước. Thế nhưng việc học đòi bắt chước sẽ càng hiệu quả khi những nhân đức đức tin hay những gương lành thánh thiện thực sự có được sự gần gũi (cùng văn hóa, cùng thời…) hay được biết đến nhiều. Vì thế, Công đồng hoàn toàn tin tưởng giao phó lại việc tổ chức, cử hành việc sùng kính các Thánh cho giáo hội địa phương, hoặc quốc gia hay dòng tu. Giáo hội chỉ phổ biến các gương sáng lành thánh nơi các đấng bậc có tầm ảnh hưởng một cách phổ quát trong đời sống của Giáo hội hoàn vũ. Ví dụ: các thánh giáo phụ, các thánh tiến sĩ…

Tạm kết cho phần Năm phụng vụ

Chúng ta vừa lượt lại và triển khai thêm một vài ý tưởng dựa trên những điều cơ bản về Năm phụng vụ mà Hiến chế Phụng vụ thánh (Sacrosanctum Concilium) trình bày và giáo huấn. Có thể nói: Phụng vụ là con đường, là công cụ mà Giáo hội dùng để quảng diễn cho dân Chúa một cách sống động về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong khi đó Năm phụng vụ cũng chỉ là một khoảng thời gian đầy giới hạn để cố gắng phô bày các hoạt động của phụng vụ, vì thế phần trình bày này cũng chỉ là những cố gắng nhắc lại những điều cần thiết, hơn nữa trong hạn hẹp chắc chắn còn nhiều thiếu sót và hạn chế. Giờ đây chúng ta cùng nhau khám phá lại khái niệm “Ngày của Chúa” như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

B. NGÀY CỦA CHÚA


Xin nhắc lại khái niệm “Ngày của Chúa” hay “Ngày Chúa nhật” là một khái niệm được Hiến chế Phụng vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) đề cập ở hai số 102 và 106. Ở phần trình bày trên, chúng ta đã được biết đôi chút về nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của khái niệm này. Đây là ngày mà các Tông đồ dạy cho biết là nền tảng và trung tâm của cả năm phụng vụ. Một ngày quan trọng trong đời sống đức tin của các Kitô hữu. Vì thế, trong phần trình bày này chúng ta sẽ cùng nhau khám phá xem đâu là những yếu tố làm nên sự quan trọng này.

Khi nói về khái niệm này chúng ta còn có một tài liệu liên quan hết sức quan trọng có thể giúp chúng ta có một cái nhìn khái quát và cụ thể hơn về tầm quan trọng về “Ngày của Chúa” hay “Ngày Chúa nhật”. Tập tài liệu đó chính là Tông thư cùng tên “Ngày Của Chúa – Dies Domini” của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ban hành ngày 31.5.1998.

Ngoài ra, “Ngày của Chúa” còn là một đề tài đã được nhiều tác giả viết, vì thế xin giới thiệu thêm một vài tài liệu để tham khảo:
  • Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1: Lịch sử - Ý nghĩa của mùa lễ và ngày lễ trong năm phụng vụ; Tập 2: Mục vụ phụng vụ các mùa lễ và ngày lễ trong năm phụng vụ, đồng tác giả Linh mục Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể, giáo sư về phụng vụ;
  • Thần học về Chúa nhật theo các Giáo phụ. Bài viết của sinh viên thần học tại TT.HVĐM (Trung tâm Học viện Đa Minh): Phanxicô Xavie Nguyễn Quốc Vinh, được đăng trên Nội san “CHIA SẺ” số 109 – Năm thứ 30, tháng 3 năm 2023;
  • Chúa nhật, ngày của Cộng đoàn Phụng vụ. Bài viết của sinh viên thần học tại TT.HVĐM: Phêrô Tuy Anh, được đăng trên Nội san “CHIA SẺ” số 109 – Năm thứ 30, tháng 3 năm 2023;
  • Chúa nhật, ngày gặp gỡ huynh đệ của các tín hữu. Bài viết của Cha Phêrô Nguyễn Văn Năng, OP., được đang trên được đăng trên Nội san “CHIA SẺ” số 110 – Năm thứ 30, tháng 6 năm 2023.
  •  
Hy vọng những tập tài liệu này sẽ giúp khai mở cho chúng ta nhiều ý nghĩa hơn về khái niệm này.

I. Ngày của Chúa – Dies Domini: Việc Cử Hành Công Cuộc của Đấng Hóa Công[47]


Như đã trình bày ở trên, việc các Kitô hữu cử hành ngày Chúa Nhật là “để kính nhớ cuộc Thương Khó, sự Sống Lại và vinh quang của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã “dùng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà tái sinh họ trong niềm hy vọng sống động” (1P 1,3). Thế nhưng, quay ngược lại với những trang đầu của Thánh Kinh, Sách Sáng thế ký đã trình bày cho chúng ta về công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. Sách Thánh đã trình bày: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2, 1-3). Theo đó, Ngày Thứ Bảy được coi là“Ngày Hưu Lễ” và nó được bắt đầu từ đó theo Thánh ý của Thiên Chúa. Từ hai dữ kiện này thì phải chăng việc Giáo hội dùng số 106 trong Hiến chế Sacrosanctum Concilium để nhắc nhở các Kitô hữu coi trọng ngày Chúa nhật như là một điều gì đó trái ngược với những gì Thánh Kinh đã trình bày. Chắc chắn không phải như vậy, vì lẽ Chúa Giêsu cũng đã tuyên bố: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Vì thế, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 280 đã dạy rằng:[48]

“Công trình tạo dựng là nền tảng liên quan đến “mọi sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa”, “khởi đầu của lịch sử cứu độ”[49] mà Đức Kitô là tột đỉnh. Ngược lại, mầu nhiệm Đức Kitô là ánh sáng quyết định soi tỏ mầu nhiệm tạo dựng; mầu nhiệm Đức Kitô mạc khải cùng đích của việc “lúc khởi đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất” (St 1, 1): ngay từ đầu, Thiên Chúa đã nhắm tới vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô”.[50]

Qua lời giáo huấn này chúng ta thấy được vị trí và vai trò trọng tâm của Đức Kitô trong công trình tạo dựng-chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Người là tột đỉnh của mọi sáng kiến cứu độ, là nguyên thủy và là cùng đích của vũ trụ này. Thật vậy, Lời tựa trong Tin Mừng của Thánh Gioan đã giúp khai mở thêm cho chúng ta: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành (Ga 1, 1-3). Và Thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Colosê cũng có viết: “Nơi Người tất cả mọi sự được tạo thành, cả trên trời lẫn dưới thế, cả hữu hình lẫn vô hình… Tất cả mọi sự đều được tạo dựng nên nhờ Người và cho Người” (Cl 1, 16). Từ các dữ kiện này, Thánh Kinh mạc khải cho chúng ta thấy được địa vị làm Con của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Trưởng Tử Duy Nhất của Thiên Chúa Cha[51], do đó, hiển nhiên những dự định của Thiên Chúa đều là “vì và cho” Người.

Vì thế, có thể nói trong công cuộc tạo dựng đã bao hàm cả sự vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Kitô – Con của Ngài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giữa biến cố Phục sinh và công trình sáng tạo của Thiên Chúa có một mối dây bất khả tách rời. Thư Galát đã khẳng định cho chúng ta: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gal 4, 4-5).

Như thế, có thể nói sự hiện diện của Người Con nơi công việc tạo dựng của Thiên Chúa được hoàn toàn tỏ hiện nơi Mầu Nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm được Chúa Kitô, khi sống lại “như những hoa trái đầu mùa của thành phần đã yên nghỉ” (1Cor 15, 20), nơi đó đã thực hiện một cuộc “tân tạo” và bắt đầu tiến trình mà chính Người sẽ làm hoàn tất khi Người trở lại trong vinh quang để “trao vương quốc cho Thiên Chúa là Cha…, hầu Thiên Chúa là mọi sự cho hết mọi người” (1Cor 15, 24-28).

Bởi thế, để thấu triệt được ý nghĩa của ngày lễ Phục sinh, chúng ta phải đọc lại câu truyện tạo dựng quan trọng và đào sâu kiến thức của mình về thần học của “Ngày Hưu Lễ”. Ngày được Thiên Chúa thánh hóa và chúc phúc,[52] ngày mà vị Thiên Chúa nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy, hân hoan nơi việc tạo thành của mình, đồng thời cũng chính là lúc Ngài tỏ vinh quang của mình ra nơi việc giải thoát con cái của mình (nhân loại) khỏi sự chết,[53] và đỉnh điểm là làm cho Chúa Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại.[54]

Do đó, việc giữ Ngày Hưu Lễ thực sự đã trở nên “một biểu lộ rõ ràng bất khả tẩy xóa nơi mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, một biểu lộ được loan báo và dẫn giải bởi mạc khải thánh kinh[55]. Đó là quan niệm mà Kitô hữu cần tái nhận thức nơi nó mệnh lệnh này hôm nay đây”[56]. Ngày kính vinh quang của Đức Chúa. Ngoài ra, đây còn “là một lời mời gọi hãy thức tưởng đến công cuộc cao cả và thiết yếu của Thiên Chúa là việc tạo dựng, một thức tưởng cần phải tác động toàn thể đời sống đạo của con người để rồi tràn đầy vào chính ngày con người được kêu gọi nghỉ ngơi. Bởi thế, nghỉ ngơi có một giá trị linh thánh, ở chỗ, thành phần tín hữu được kêu gọi để nghỉ ngơi chẳng những như Thiên Chúa nghỉ ngơi mà còn nghỉ ngơi trong Chúa nữa, mang toàn thể tạo vật đến với Ngài, để chúc tụng và tạ ơn, thân mật như một đứa con và thân tình như một người bạn đời.”[57]

 

II. Từ Ngày Hưu lễ đến Ngày Chúa nhật[58]


Trong phần trình bày trên, chúng ta đã cùng nhau khám phá chiều kích Ngày Hưu lễ trong niềm tin Do thái giáo trong ánh sáng của Ngày Phục sinh. Đó là ngày tân tạo. Thế nhưng, trong bối cảnh của Do thái giáo chúng ta không gặp thấy khái niệm nào là Ngày Chúa nhật, mà chỉ có ngày Sabát, Ngày Hưu lễ, vì thế trong phần này chúng ta sẽ tìm hiểu xem đã có một sự dịch chuyển như thế nào giữa ngày Hưu lễ đến ngày Chúa nhật.
Trước hết, chúng ta cần biết bối cảnh của cộng đoàn Kitô hữu thời sơ khai:

 
  • [i] Đối với người Do thái thế kỷ I, bữa ăn ý nghĩa nhất nối kết với ngày Sabát được tổ chức vào chiều thứ Sáu, trước khi mặt trời lặn và ngay lúc bắt đầu ngày Sabát… Có thể bữa ăn này đã từng là bữa ăn của Kitô hữu gốc Do thái khi quy tụ hằng tuần để cử hành Thánh Thể cũng như của một vài trường hợp thuộc thế hệ kế tiếp[59];
  • [ii] Đối với các cộng đoàn Kitô hữu gốc dân ngoại trong đó có cả những người gốc Do thái, theo như Cv 20, 7-12 và 1Cr 11, 17-22 trình bày thì họ thường nhóm họp ở một trong các tư gia của thành viên vào chiều tối thứ Bảy để dùng bữa sau khi ngày Sabát đã kết thúc, thời điểm này đã thuộc về ngày thứ I trong tuần.

Với bối cảnh trên, có thể ban đầu giáo đoàn ở Giêrusalem, ngoài việc quy tụ để cử hành Thánh Thể vào Chúa nhật,[60] họ còn thêm luật giữ ngày Sabát nữa như “hai ngày huynh đệ”[61] vì thật ra chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài đến không phải để xóa bỏ ngài Sabát nhưng là để kiện toàn;[62] hơn nữa, Chúa nhật là ngày phụng tự chứ không phải ngày nghỉ.
Nhưng cuối thế kỷ I, đã có chuyện phân cách giữa Chúa nhật và ngày Sabát vì muốn chống lại việc thành phần Kitô hữu gốc Do thái giáo cứ nhất định muốn hai ngày này phải hướng chiều về việc tuân giữ trách nhiệm theo Luật cũ[63]: thư của các Tông đồ gửi từ Giêrusalem cho các giáo đoàn Syria và châu Á không còn đề cập đến luật buộc Kitô hữu tuân giữ ngày Sabát[64] và Thánh Phaolô cũng tỏ ra chống lại khuynh hướng Do thái hóa của nhóm người Do thái trong các cộng đoàn ở Galát và Colosê khi muốn tuân giữ ngày Sabát;[65] chúng ta biết rõ hơn trong Thư gửi cho Magnesian 9, 1 của Thánh Inhaxiô thành Antiokia (năm 107): “Những kẻ khi xưa sống theo trật tự cũ, nay đã được tiến tới niềm hy vọng mới bằng cách không giữ ngày Sabát nữa, nhưng là sống theo Chúa nhật, ngày mà đời sống chúng ta được trổ sinh nhờ Chúa Kitô và do cái chết của Người.”[66] Ngài còn viết thêm:

“Nếu những ai sống trong trạng thái trước đây của sự việc đã đến với niềm hy vọng mới thì không còn tuân giữ ngày Sabát nữa mà là giữ Ngày của Chúa, một ngày đời sống của chúng ta đã xuất hiện bởi Người cũng như bởi cuộc tử nạn của Người… là mầu nhiệm nhờ đó chúng ta được nhận lãnh đức tin và trong đó chúng ta kiên trì để được nhận biết là thành phần môn đệ Chúa Kitô, vị Sư Phụ duy nhất của chúng ta, thì làm sao chúng ta lại sống thiếu vắng Người, trong khi cả các vị tiên tri nữa, như thành phần môn đệ của Người về tinh thần, đợi chờ Người như vị sư phụ?”

Thánh Augustinô cũng nhận định rằng: “Bởi thế Chúa cũng đã đóng ấn tín lên ngày của Ngài là ngày thứ ba sau cuộc khổ nạn và là ngày thứ nhất trong tuần.”[67] Tiếp theo, một số vị lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu đã ra lệnh bãi bỏ tuân giữ ngày Sabát bằng việc không cử hành ngày thứ Bảy nữa. Tại phương Tây, ít là từ thời của Alcuin (năm 804), người ta vẫn cử hành Thánh lễ ngoại lịch kính Đức Mẹ trong các ngày thứ Bảy.[68] Công đồng Laodicea (363) đã cấm đoán việc nghỉ ngơi vào ngày Sabát[69] vì coi đó như một dấu hiệu Do thái giáo hóa (canon 29) nhưng vẫn quy định đọc Tin Mừng cùng với các bản văn Kinh Thánh khác trong phụng vụ công cộng vào ngày Sabát (canon 16). Điều này không những chấm dứt tục nghỉ ngơi ngày Sabát[70] mà con chuyển bữa ăn hàng tuần sang chiều thứ Bảy vốn được coi như khởi đầu cho ngày thứ nhất trong tuần. Tuy không có bằng chứng ngoài Kinh Thánh nào chúng tỏ có sự dịch chuyển bữa ăn sang chiều Chúa nhật, nhưng các Kitô hữu thế hệ đầu tiên vẫn có thói tục nhóm họp vào chiều Chúa nhật để cử hành Thánh Thể vì lẽ đơn giản là Chúa Giêsu đã phục sinh và hiện ra vào chiều Chúa nhật dù bữa ăn diễn ra vào thời điểm này chỉ được nói minh nhiên trong một bản văn duy nhất là Lc 24, 30-31.35, trong khi những bản văn khác lại không đề cập diễn ra trong ngày đó.[71]

Sách Tông đồ Công vụ (20, 7-12) cho biết các Kitô hữu quy tụ vào chiều Chúa nhật. Dựa theo ba cách tính thời gian cho một ngày trong những thế kỷ đầu,[72] tác giả Rodorf cho rằng ở đây đã có sự thay đổi rồi về cách tính toán một ngày. Các Kitô hữu vẫn tiếp tục sử dụng tên Do thái[73] cho những ngày trong tuần khoảng vài thế kỷ nhưng họ lại nhanh chóng không dùng cách tính ngày của Do thái nữa.

Ngoài ra, vì bị chính quyền của hoàng đế Trajan lúc bấy giờ cấm đoán tụ họp “không minh bạch” vào bữa chiều tối mà các Kitô hữu buộc phải chuyển cử hành sang hừng đông ngày Chúa nhật.[74] Thời điểm trước hừng đông là cần thiết vì bấy giờ dân chúng vẫn làm việc bình thường, chưa có luật kiêng việc xác ngày Chúa nhật.[75] Ngày sau ngày Sabát – chiều thứ Bảy hay Chúa nhật – được thừa nhận và tuân giữ bởi vì là Ngày của Chúa Kitô, ngày các Kitô hữu trông chờ ngày Ngài mau trở lại trong vinh quang (ngày cánh chung – Dt 10, 23-25), ngày khởi đầu cho một thế giới khác. Theo các nhà hộ giáo thế kỷ II, việc tuân giữ ngày Sabát chỉ là phương thế tạm thời và nay đã được Chúa Kitô hủy bỏ. Theo đó, các Kitô hữu sẽ sống thánh thiện mọi ngày chứ không chỉ tập trung vào một ngày và ngày Sabát đích thực là sự nghỉ ngơi mà các tín hữu sẽ tận hưởng trong thời đại sẽ đến. Ngày thứ VIII hay Chúa nhật là ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối và vật chất để sáng tạo thế giới, là Chúa Kitô phục sinh, vì thế mang đặc nét vui tươi và các Kitô hữu hân hoan trong ngày đó, họ tiền dự vào Ngày của Chúa sẽ đến.[76]

Tóm tắt những tranh luận về vấn đề này, nhà thần học Y. Congar đưa ra kết luận trong Hội nghị ở Lyon năm 1947:

“Một sự kiện đầu tiên đáng đặc biệt ghi chú đó là Chúa nhật, Ngày của Chúa, một sáng tạo của Giáo hội Công giáo. Nó không phải, như đôi khi người ta lầm tưởng, là ngày Sabát Do thái đã được dịch chỗ, để tôn kính mầu nhiệm phục sinh. Nó cũng không phải, như một số người khác chủ trương, là một ngày mới nhưng bắt nguồn từ chỗ kéo dài ra trong đêm khuya việc thờ tự của ngày Sabát. Đối với ngày Sabát, Chúa nhật không có một sự liên tục hay lệ thuộc nào ngoài mối giây đã ràng buộc một cách lịch sử vào biến cố phục sinh xảy ra sau ngày Sabát, và cứ định kỳ trở lại cùng một nhịp ấy trong tuần. Còn về nội dung của nó, về cái đã cấu tạo nên nó, Chúa nhật là một thực tại tôn giáo biệt lập và độc đáo, không xuất phát từ ngày Sabát, không phải là ngày Sabát Do thái. Điều này được chứng tỏ: trước hết là ngay từ đầu, trong suốt thời gian giáo đoàn Tông đồ nẩy nở ra và khi còn đang sống giữa khung cảnh Do thái giáo, Chúa nhật đã được cử hành, tuy các môn đệ cũng không bỏ hẳn việc giữ cả ngày Sabát… Thứ đến, cũng ngay từ đầu, Chúa nhật luôn luôn là một thực thể độc hữu của Kitô giáo và không bao giờ mang dáng dấp của ngày Sabát, chẳng hạn không có vấn đề nghỉ việc là đặc tính trổi bậc của ngày Sabát. Chúa nhật cốt yếu là một ngày thờ tự công cộng và không cần sự nghỉ ngơi nào khác, ngoài thì giờ rảnh rỗi đủ để chăm lo việc thờ tự Thiên Chúa thôi… Vậy khi ngày Sabát đã bị Chúa nhật đào thải, thì không phải nó lại được thay thế bằng một ngày khác, nhưng đơn sơ chỉ là vì đâu đã có thực tại, thì hình bóng không còn lý do tồn tại nữa.”[77]

 

III. Ngày của Đức Kitô – Dies Christi: Ngày của Chúa Phục Sinh và của Tặng Ân Thánh Linh [78]


Từ những dữ kiện trình bày ở trên, chúng ta thấy được tại sao Công đồng Vaticanô II lại coi trọng Ngày của Chúa hay ngày Chúa nhật và mời gọi các Kitô hữu hãy giữ và sống tinh thần của ngày ấy vì lẽ, đây “là ngày mà sự sống của chúng ta đã bừng lên nhờ Người và nhờ cái chết của chính Người”[79]. Thật vậy, biến cố Phục sinh đã làm thay đổi tất cả. Việc Chúa Phục sinh nhiều lần hiện ra với các Tông đồ[80] đã làm nên một nhịp sống nhóm họp cho các ông (ngày thứ nhất sau Ngày Hưu lễ; ngày thứ nhất của tuần lễ thứ tám sau Lễ Vượt Qua). Trong những lần hiện ra đó, Chúa Kitô Phục sinh đã cho các ông thấy vinh quang phục sinh của Người. Đây là niềm vui, niềm hân hoan và là niềm hy vọng lớn dành cho các Tông đồ và cho tất cả những người dám dấn thân bước theo Người. Xác tín vào lời dạy của các Tông đồ, Giáo hội qua các thời kỳ đã trung thành sống cho chu kỳ niềm tin này. Ngay từ đầu thế kỷ thứ năm, Đức Giáo Hoàng Innocentê I đã cho thấy việc ấn định ngày Chúa nhật trong đời sống của Giáo hội đã có từ lâu đời: “Chúng ta cử hành Chúa Nhật vì Việc Phục Sinh trọng kính của Chúa Giêsu Kitô, và chúng ta cử hành Chúa Nhật chẳng những vào Lễ Phục Sinh mà còn vào đầu tuần nữa”.[81] Còn Thánh Basiliô thì cho rằng: “Chúa Nhật thánh, được vinh dự nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa, là hoa trái đầu mùa của tất cả những ngày khác”[82]; và Thánh Augustinô gọi Chúa Nhật là “một thứ bí tích của Phục Sinh”[83].[84]

Tiếp nối truyền thống của các Tông đồ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói:

“Mối liên hệ mật thiết giữa Chúa Nhật và Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô được tất cả mọi Giáo Hội Đông Tây đề cao. Cách riêng theo truyền thống của các Giáo Hội Đông phương thì hết mọi Chúa Nhật là anastàsimos hemèra, ngày Phục Sinh[85] và đó là lý do Chúa Nhật là tâm điểm của tất cả mọi việc phượng thờ.

Theo chiều hướng của truyền thống liên lỉ và đại đồng này thì rõ ràng là, mặc dù Ngày Của Chúa được bắt nguồn từ chính việc tạo dựng, nhất là nơi mầu nhiệm “nghỉ ngơi” theo thánh kinh của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cần phải hướng đến Cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô mới hiểu được trọn vẹn Ngày Của Chúa. Đó là những gì Chúa Nhật Kitô giáo làm, khi dẫn tín hữu mỗi tuần suy tư và sống biến cố Phục Sinh là mạch nguồn thực sự của ơn cứu độ thế giới.”[86]

Ngoài ra, trong các lần hiện ra với các Tông đồ cách riêng trong ngày Lễ Ngũ Tuần, việc Chúa Kitô Phục Sinh chúc bình an và thổi hơn ban Thánh Thần xuống trên các ông[87] còn muốn diễn tả sự tràn ngập ơn thánh của Thiên Chúa. Ơn thánh đó chính là Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống và canh tân đổi mới. Thật vậy, các Tông đồ đã không còn sợ hãi, các ngài đã trở nên kiên trung, mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.[88] Việc ban Thánh Thần của Đấng Phục Sinh trong Ngày Lễ Ngũ Tuần kèm với sự thay đổi đầy ngỡ ngàng nơi các Tông đồ còn là một lời khẳng định chắn chắn cho những gì Chúa Giêsu đã hứa ban cho các ông: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16, 7).

Như thế, việc kính nhớ mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô trong ngày Chúa nhật – Ngày của Chúa cũng là một dịp trọng đại để chúng ta được đón nhận sự đổi mới trong tâm hồn và thể xác từ Đấng Phù Trợ mà Thiên Chúa đã hứa ban. Thật vậy, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới.” (Rm 8, 11) Ngày Chúa nhật quả thật là một ngày của ánh sáng niềm hy vọng phục sinh và đầy ngập ơn thánh của Thiên Chúa trên chúng ta.[89]

 

IV. Ngày của Giáo hội – Dies Ecclesiae


Cũng trong chiều hướng soi chiếu nơi những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh, sự quy tụ của Người còn là một hình ảnh để cho chúng ta quan tâm đến. Đó là việc Người hiện ra không đơn lẽ cho một ai nhưng là một nhóm, một cộng đoàn, qua đó gợi nhắc đến hình ảnh dân Chúa trong Cựu ước. Một đoàn dân được Thiên Chúa tuyển chọn để phổ quát ơn cứu độ.

Thật vậy, Thánh Kinh đã kể cho chúng ta biết sau khi hiện ra cho các Tông đồ theo từng nhóm một, Đấng Phục Sinh đã từng bước củng cố niềm tin và đưa họ trở về làm nên một cộng đoàn.[90] Để rồi chính nơi họ hình thành nên một cộng đoàn mỗi ngày một tăng triển và đầy sức sống. Họ chuyên tâm cầu nguyện và thực hành lễ bẻ bánh.[91]

Như thế, Ngày của Chúa quả thật là Ngày sinh nhật của Giáo hội. Ngày mà con cái được sinh ra trong ơn thánh phục sinh của Đức Kitô nhờ Máu và Nước từ cạnh sườn của Người. Ngày mà tất cả những ai nhờ đức tin mà được trở thành dân riêng mới của Thiên Chúa. Dân được cứu thoát khỏi phải sự thống lĩnh của sự chết.
Hơn nữa, trong ngày này chúng ta còn thấy nơi Giáo hội sơ khai đã cùng nhau quy tụ trong Thần Khí của Thiên Chúa để lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau tưởng nhớ mầu nhiệm Phục sinh qua việc bẻ bánh. Với niềm xác tín: Lời Chúa có sức chữa lành và biến đổi[92], là chân lý của cuộc đời và giúp giải thoát chúng ta khỏi mê lầm, lạc lối[93]; là lời hằng sống[94], “là ánh sáng”[95] , “là đèn soi đường dẫn lối chúng ta đi”[96]. Lời Chúa làm phát sinh hoa trái cứu độ[97]; còn đối với Thánh Thể (lễ bẻ bánh) hàm chứa một tình yêu cao sâu của Thiên Chúa qua sự vâng phục của Chúa Giêsu. Thật vậy:
Cũng đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.””[98]

Các Tông đồ đã hiểu và sống cho niềm tin này và đã truyền lại cho chúng ta hôm nay nơi các Thánh lễ. Nơi đó, chúng ta thực sự được cùng ăn cùng uống với Chúa Giêsu và hơn thế nữa, chúng ta còn được ăn và được uống chính cả Con Người của Người. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta được đón nhận một cách trọn vẹn Giá Máu của Người. Giá Máu cứu chuộc để chúng ta được ơn tha thứ để trở nên giống Người hơn hầu làm một với Thiên Chúa.[99]

Trong những lần hiện ra với các môn đệ, có lẽ Lời của Thánh Kinh và bữa ăn là phương cách mà Chúa Giêsu dùng để khai lòng mở trí và giúp cho các môn đệ nhận ra và tin vào Người.[100] Như thế, trong Ngày của Chúa thật sự là dịp để chúng ta nhận ra Đấng Phục sinh đang hiện diện một cách đích thực cho chúng ta. Nói như thế phải chăng chúng ta đang giới hạn sự hiện diện của Thiên Chúa, của Đấng Phục sinh trong không gian và thời gian. Chắc chắn không. Vì lẽ, Chúa Giêsu đã từng khẳng định về khát vọng vô hạn của Người là muốn tái lập mối hiệp thông với nhân loại [101]: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”[102]“Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”[103] Vì thế, có thể nói Ngày của Chúa thực sự không còn là một ngày cố định nào nữa mà là Ngày của mọi ngày – Dies Dierum, trong đó Chúa Giêsu được trao toàn quyền trên trời dưới đất và Người là chủ của thời gian – là Alpha Omêga.[104]

Ngoài ra, trong chiều của Giáo hội là ngày quy tụ của những ai tin vào Chúa Giêsu Kitô tức là những người môn đệ và muốn trở thành môn đệ của Người. Vì thế, Ngày của Chúa còn mặc lấy một ý nghĩa của sự hiệp thông, chia sẻ và thương yêu: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.(Ga 13, 34-35) Đây có thể nói là thánh chúc thư cuối cùng mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ và tất cả những ai dấn bước theo người trong bữa Tiệc ly. Các Kitô hữu thật sự được mời gọi để sống cho lời trăn trối này, một cách cụ thể và đặc biệt là nơi mỗi Thánh lễ - Ngày của Chúa được kéo dài.

Tạm kết

Chúng ta đang dùng hai khái niệm: “Năm phụng vụ”“Ngày của Chúa” là những khái niệm thuộc phạm trù của không gian và thời gian để phô bày cho nhân loại biết về khuôn mặt của Thiên Chúa qua chương trình cứu độ của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô. Có thể nói là một cách phô bày khập khiển. Thế nhưng, điều khập khiển ấy đã thực sự được lấp đầy nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Một vị Thiên Chúa đã hạ mình chấp nhận mọi giới hạn nơi thân phận thụ tạo. Vì thế, các tài liệu giáo huấn của Giáo hội không có ý gì khác là giáo huấn và mời gọi dân Chúa cần phải có những ý thức trở về nguồn một cách triệt để trong đời sống phụng vụ của mình hòng có thể phô bày cho nhân loại thấy được một cách chân thật về con người của Đức Giêsu Kitô càng giống càng tốt. Vì lẽ, càng xa nguồn càng thất bản, đúng như người xưa nói: “tam sao thất bản”.[105]

Hơn nữa, bằng những hướng dẫn này Giáo hội một cách nào đó còn kêu gọi dân Chúa tránh việc thực hành Phụng vụ theo cung cách cảm tính. Vì lẽ, là việc làm của Chúa Giêsu Kitô chứ không phải là công việc của một ai khác.[106]

Ngoài ra, Tông thư Desiderio desideravi còn được viết trong bối cảnh của hậu đại dịch Covid, một thực trạng khá đau lòng là nhiều người xa nhà thờ, không còn thói quen đi dâng lễ nữa; tình trạng lợi dụng hình thức dâng lễ online… làm cho sự linh thánh của cộng đoàn tham dự các nghi lễ phụng vụ, Thánh lễ bị giảm sút. Vì thế, trong phần trình bày về “Ngày của Chúa” giúp tái khám phá ý nghĩa và một số chiều kích của ngày này như một sự nhắc nhở cho dân Chúa ý thức hơn trong việc tham dự Thánh lễ.
 
[1] ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi: Về đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa, 29.06.2022. Dịch bởi Ủy Ban Phụng Tự - Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (Hà Nội: Tôn Giáo 2022), số 63.
[2] Phân Khoa Thần Học – Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, CĐ Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), 04.12.1963 (Việt Nam: Đà Lạt 1972).
[3] x. Wikipedia, “Năm” trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Truy cập 1/4/2023,
 https://vi.wikipedia.org/wiki/Năn#: :~:text=Năm%20(âm%20Hán-Việt%3A,quay%20dọc%20theo%20hoàng%20đạo.    

[4] x. Wiktionary tiếng Việt – Từ điển mở, “Năm” trong Wiktionary tiếng Việt. Truy cập 1/4/2023,

 https://vi.wiktionary.org/wiki/năm#Tiếng_Việt. 

[5] ĐCVSBNT – Ban Phụng Vụ, Tìm Hiểu Phụng Vụ và Các Nghi Thức (Lưu hành nội bộ 1998), trang 6; x. HĐGMVN - UBGLĐT, Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Hà Nội: Tôn Giáo 2010), số 1069.
[6] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1071, 1136.
[7] x. ĐGH Phanxicô, Tông thư Desiderio Desideravi: Về đào tạo Phụng vụ cho Dân Thiên Chúa, số 41.
[8] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1071.
[9] Ibid, số 1171.
[10] CĐ Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 102; x. HĐGMVN – UBPT, Sách Lễ Rôma: Những Quy Luật Tổng Quát Về Năm Phụng Vụ Và Niên Lịch, 2nd ed , số 48.
[11] Lv 23, 5-8; Xh 12, 1-14; Ds 28,16-25.
[12] Lv 23, 5-8; Xh 12, 15-20; Ds 28,16-25.
[13] Lv 23, 9-14.
[14] Lv 23, 15-22.
[15] Lv 23, 23-25; Ds 29,1-6.
[16] Lv 23, 26-32; Ds 29,7-11.
[17] Lv 33-36.
[18] Lv 25, 1-4; Đnl 15,1-11
[19] Lv 25, 8-10.
[20] x. 2 V 23,21-22; 2 Sbn 30; 35.
[21] x. Đnl 6, 4-7; Mt 22, 34-40; Mc 12,28-34; Lc 10,25-28.
[22] x. Lc 6, 1-5; Mt 12,1-8; Mc 2,23-28; Lc 6, 6-11; Mt 12,9-14; Mc 3,1-6.
[23] x. Lc 22, 7-20.
[24] Gregory XIII, “Inter Gravissimas.”, Papal Encyclicals Online. Truy cập ngày 7/4/2023, http://papalencyclicals.net/category/greg13. 1581 được tính theo lịch Julio trước đó; x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1: Lịch Sử - Ý Nghĩa Của Mùa Lễ Và Ngày Lễ Trong Năm Phụng Vụ (NXB Hồng Đức 2016), trang 32-33.

[25] Thành Khánh, “Tại sao ngày tháng lễ Phục sinh thay đổi hằng năm? (theo báo Le Figaro)”, Công Giáo và Dân Tộc, ngày 3/4/2016. Truy cập ngày 7/4/2023, www.cgvdt.vn/cong-giao-the-gioi/tai-sao-ngay-thang-le-phuc-sinh-thay-doi-hang-nam_a2917Việc tính theo chu kỳ mặt trăng giúp xác định không những ngày lễ Phục sinh, mà còn cả ngày của nhiều lễ Công giáo khác. Tại sao ngày lễ Phục sinh thay đổi hằng năm? Công đồng Nicea, năm 325, mong muốn mừng sự kiện Đức Kitô sống lại vào ngày mùa xuân trở về. Đó là vào ngày Chúa nhật đầu tiên tuần trăng rằm, sau ngày xuân phân. Từ lâu, nhiều lễ của lương dân đã mừng việc thiên nhiên phục hồi sức sống… Dân Do Thái mừng lễ Vượt qua để tưởng niệm việc kết thúc cảnh nô lệ và thoát ra khỏi Ai Cập. Thời Chúa Giêsu, ngày tháng được ấn định vào 14 tháng nizan, tức ngày rằm mùa xuân. Thời điểm này tùy thuộc vào chu kỳ mặt trăng (13 tháng hay các tuần trăng) chứ không thuộc dương lịch hiện nay của chúng ta gồm 12 tháng. Các Nghị phụ Giáo hội, được hoàng đế Constantinus triệu tập, xác định rõ ngày Phục sinh vào năm 325: “Phục sinh là ngày Chúa nhật theo sau ngày thứ 14 âm lịch, ngày rằm, tức 21.3 hay ngay sau đó”. Tuy nhiên, cách xác định ngày tháng nói trên đặt ra những vấn đề hóc búa khi tính toán theo thiên văn và toán học mà các nhà bác học phải đối mặt từ thế kỷ thứ 4. Phải đợi đến thế kỷ thứ 6 để một phương pháp tính toán khác, chính xác, dần dần được Giáo hội chấp nhận. Trái đất quay xung quanh mặt trời hơn 365 ngày: vậy không thể có con số tròn chẵn được và các năm nhuận dùng để điều chỉnh sự chênh lệch ấy. Nhưng chênh lệch một ít cũng đủ kéo theo, một ngàn năm sau, một sai biệt mười ngày, giữa lịch giấy và lịch mặt trời. Năm 1582, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII quyết định gỡ lại thời gian chậm trễ đó bằng cách loại bỏ mười ngày ấy: do đó người ta chuyển dịch từ mồng 5 sang 15 tháng mười. Lạnh nhạt với Rome từ nhiều thế kỷ, các Kitô hữu Đông Phương không chấp nhận cuộc cải cách này… Sử gia Jean Sévilla, phóng viên tạp chí Figaro Magazine, giải thích: “Họ thích theo lịch Julius (Caesar), đối với họ lịch này phù hợp hơn với Kinh ThánhPhục sinh là ngày lễ Kitô giáo quan trọng nhất, nên thật đáng tiếc khi lễ này của Công giáo và Chính Thống ít khi trùng hợp với nhau, có thể xem là một điểm tượng trưng cho sự phân rẽ giữa các Giáo hội”. Lễ Phục sinh của Chính Thống giáo có thể hoặc cùng lúc với Công giáo (như vào năm 2014 hay 2017, chẳng hạn), hoặc cách một tuần (2012, 2015), thậm chí đến năm tuần. Trong phụng vụ Rome, Phục sinh thường rơi vào tháng ba hay tháng tư (không bao giờ tháng năm); nhưng vào tháng tư hay tháng năm (không bao giờ tháng ba) đối với Chính Thống. “Có những cuộc thảo luận cởi mở dưới thời Đức Phaolô VI, trong các năm 1970, để cố đạt được một thỏa hiệp nào đó. Một ủy ban đã được thành lập nhưng không mang lại kết quả nào”, ông Jean Sévilla gợi nhớ lại.

[26] x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 28-39.
[27] x. Ga 1, 1-4; x. Cl 1, 12-17; x. Lời tuyên xưng cuối các Kinh Nguyện Thánh Thể.
[28] Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 102.
[29] Ibid., số 103.
[30] Khoảng đầu thế kỷ thứ II, trong Kinh tin kính của các Tông đồ: “Đức Giêsu Kitô...bởi phép Đức Chúa Thành Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh”. Các giáo phụ thời kỳ đầu của Kitô giáo đã công nhận rằng Đức Kitô được thụ thai đồng trinh. Khoảng cuối thế kỷ I, Ignatiô thành Antiokia nói rằng: “Đức Giêsu "thật sự được sinh ra do một trinh tử”. Tiếp sau đó là Justinô (100-165).
[31] Được tuyên tín qua Công đồng Êphêso năm 431. Tuy nhiên, phần lớn cho rằng truyền thống này đã có từ thời các tông đồ. Thánh Ignatinô thành Antiôkia (chết năm 107) đã viết cho các tín hữu Ephesô: “Đức Giêsu Kitô chúa chúng ta đã được cưu mang trong lòng Đức Maria, theo chương trình của Thiên Chúa”.
[32] Do Giáo hoàng Piô IX công bố năm 1854. Nhưng có nguồn gốc từ xa xưa, Thánh Augustinô nói rằng: “ta phải loại trừ mọi tội cá nhân ra khỏi Đức Maria vì chính danh dự của Thiên Chúa”.
[33] Do Giáo hoàng Piô XII ban hành vào ngày 1 tháng 11 năm 1950 qua Hiến chế "Munificentissimus Deus"
[34]Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 104.
[35] x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 24-28.
[36] Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 42.
[37] x. Nguyễn Văn Độ, “Lịch Sử Mùa Chay Thánh”, Simon Hòa Đà Lạt. Truy cập ngày 9/4/2023,
www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Phungvu/64LichSuMuaChay.htm. Mùa Chay có từ bao giờ, kéo dài bao lâu ?
Vào những thế kỷ đầu Kitô giáo, để sống đạo và thực hành đạo, các kitô hữu tiên khởi đã quan sát những người chung quanh xem họ sống đạo và thực hành đạo thế nào, cụ thể như việc người Dothái giữ ngày Sabát, hay lên Đền thờ cầu nguyện. Tuy các kitô hữu tiên khởi họp nhau thành một cộng đoàn tế tự, cử hành phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần theo một công thức tuyên xưng đức tin. Nhưng khi cử hành các ngày đại lễ như lễ Vượt Qua, lễ Năm Mươi, dù vẫn giữ nguyên những ngày lễ của người Dothái  nhưng lại mặc cho các ngày lễ ấy một ý nghĩa mới, chẳng hạn : khi cử hành, họ không chỉ nhắc lại các biến cố Cựu Ước, mà còn tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, cũng như việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông đồ. Mãi đến thế kỷ thứ IV, trong Giáo hội mới nảy sinh những ý kiến khác nhau như : liệu có cử hành lễ Phục Sinh vào ngày lễ Vượt Qua của người Dothái không ? Tại các Giáo đoàn thuộc Tiểu Á, họ vẫn giữ nghi lễ chiên vượt qua. Riêng Giáo đoàn Antiokia lại ấn định lễ Phục Sinh vào ngày chúa nhật sau lễ Vượt Qua của người Dothái, trong khi đó, các kitô hữu tại Alexandria do các nhà chiêm tinh tính toán nên đã chuyển rời lễ Phục Sinh vào dịp phân xuân. Cho dù có sự khác nhau về ngày cử hành các ngày lễ, nhưng lễ Phục Sinh vẫn là lễ chung của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, vì lễ Phục Sinh dựa trên nền tảng đức tin, trước lễ Phục Sinh, có một thời gian chuẩn bị tương đối dài gọi là Mùa Chay hay « 40 ngày », tưởng nhớ 40 Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày. Việc thực hành Mùa Chay đã có từ thời thì đầu Kitô giáo, nhưng trải qua những bước thăng trầm, mãi tới thế kỷ thứ II, thời thánh Irênê, giám mục thành Lyon, việc giữ chay ngắn hạn từ hai đến ba ngày, không ăn bất kỳ thức ăn nào mới được phổ biến. Sang kỷ thứ III tại Alexandria, người ta kéo dài việc ăn chay ra hết một tuần. Những dấu tích của Mùa Chay hay 40 ngày được tìm thấy ở thế kỷ thứ IV, trong lễ qui của Công Đồng Nicêa. Đây là thời gian chuẩn bị mừng lễ, nhưng ưu tiên vẫn là việc giúp các tân tòng chuẩn bị lãnh Phép Rửa Tội và Đêm Vọng  Phục Sinh. Cuối thế kỷ thứ IV, Giáo đoàn tại Giêrusalem bắt đầu giữ chay 40 ngày hay còn gọi là Mùa Chay 8 tuần, người ta ăn chay suốt thời gian này, trừ thứ Bẩy và Chúa nhật. Sang thế kỷ thứ V, tại Aicập người ta cũng giữ chay, tiếp đến là xứ Gaul, người ta ăn chay ngày thứ Bẩy và thứ Sáu tuần trong Mùa Chay. Trong khi giữ chay, các kitô hữu chỉ ăn một bữa mỗi ngày, thức ăn gồm có bánh, rau và nước. Giữ nghiêm ngặt nhất là ngày Thứ Sáu và Thứ Bẩy Tuần Thánh, người ta không ăn một chút thức ăn nào. Giờ ăn chay được qui định tùy theo sự khác nhau của mỗi giáo đoàn. Vì mùa chay gồm 6 tuần không thể tương ứng với 40 ngày được. Nên sang thế kỷ thứ VII, người ta đã lùi về trước mùa chay mấy ngày, cụ thể như bắt đầu từ ngày thứ Tư cho đến ngày thứ Bẩy tuần trước khi bước vào Mùa Chay, ngày mà hôm nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày ăn chay. Đồng thời, ba Chúa nhật trước Mùa chay, Chúa nhật bẩy tuần, Chúa nhật sáu tuần và Chúa nhật năm tuần, là gồm tóm thời gian chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cách lễ Phục Sinh chín tuần. Việc giữ chay ngày càng  đòi hỏi nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như buộc chỉ ăn bữa tối. Nhưng đến thế kỷ thứ VIII, việc giữ chay được nới rộng ra, nghĩa là cho phép những người ốm đau bệnh tật được ăn chứng, bơ, sữa, cá và cả rượu nữa. Sang thế kỷ XII và XIII, bữa ăn ngày chay được ấn định là trước giờ trưa 3 giờ tức 9 chín giờ sáng,  tiếp theo được ăn  bữa ăn nhẹ vào buổi tối. Sang thế kỷ XVII việc ăn chay giảm dần và các nhà thần học cho phép được ăn cháo, sữa và cá nhỏ. Trong ngày chay, tại các hoàng gia, nhà bếp thi nhau trổ tài làm ăn với những thực đơn sao cho dồi dào phong phú hơn ngày thường. Từ năm 1949, Giáo hội Công giáo qui định việc giữ chay và kiêng thịt là ngày Thứ Tư lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh mà thôi. Lý do vì hai ngày đó là ngày tưởng nhớ sự chết : ngày thứ tư lễ Tro, linh mục chính thức làm phép tro được đốt từ những cành lá đã làm phép vào ngày Lễ Lá năm trước rồi vẽ hình thánh giá trên trán người nhận tro và nhắc lại rằng ngươi là tro bụi, và người sẽ trở về tro bụi, nhắc lại cái chết của mỗi người chúng ta, tiếp đến, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá. Trong phụng vụ của Giáo hội Chính Thống, thời gian chuẩn bị bước vào Mùa Chay kéo dài năm tuần liền, mỗi tuần đọc một đoạn Tin Mừng riêng, với cách thức sám hối sâu xa. Tuần thứ bốn, được ấn định là ngày kiêng thịt và ăn chay trong toàn Giáo hội. Chúa nhật thứ năm được gọi là Chúa nhật Hòa giải, mỗi người hòa giải với người bên cạnh trước khi toàn thể cộng đoàn xin lỗi Chúa; x. Thomas J. Talle, The Origins Of The Liturgical Year (Pueblo Publishing Company 1986).
[38] x. Trần Ngọc Huynh, “Mùa Vọng, đôi nét nên biết”, Dòng Tên Việt Nam. Truy cập ngày 9/4/2023, www.dongten.net/mua-vong-doi-net-nen-biet/ ; x. Thomas J. Talle, The Origins Of The Liturgical Year; x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 115-120; x. Patrick Regan, Advent to Pentecost (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press 2012), 1-10; x. Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ (Sài gòn, Tủ Sách Đại Kết 1996), trang 156; x. Prosper Guéranger, The Liturgical Year: Advent, Dom Laurence Shepherd dịch (The Czech Republic: Loreto Publications 2000), tr. 22-24.
[39] x. Abbot Prosper Guéranger, The Liturgical Year: Christmas, Book II, Dom Laurence Shepherd dịch (The Czech Republic: Loreto Publications 2000), 1; x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 118.
[40] x. Thomas J. Talle, The Origins Of The Liturgical Year; x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 115-120.
[41]Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 106.
[42] x. CĐ Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 64.
[43] x. Ibid., số 110.
[44] x. Ibid., số 110.
[45] ĐGH Phanxicô, “Các Thánh là ai?”, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 2.11.2017. Truy cập ngày 13.4.2023, http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cac-thanh-la-ai-31276. (Bài giáo huấn trong buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu trưa ngày lễ Các Thánh, 1/11/2017 tại Roma).
[46] x. CĐ Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 111.
[47] ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), chương I.
[48] Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 280.
[49] Thánh Bộ Giáo Sĩ, Directorium catechisticum generale, 51: AAS 64 (1972) 128.
[50] x. Rm 8, 18-23.
[51] x. Cl 1, 15-20; x. Mt 11, 27; x. 1 Ga 4, 9; x. Ga 1, 14.
[52] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 14-15.
[53] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 11-12.
[54] x. Ibid., số 8.
[55] Xh 20, 8-11; x. Đnl 5, 12-15.
[56] ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 13.
[57] Ibid., số 16.
[58] Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 73-79.
[59] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 22.
[60] “Ngày Sabát sau” (x. Cv 13, 42-44).
[61] x. Cv 13, 14-44; 17, 2; 18, 4; 16, 13; x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 23.
[62] x. Mt 5, 17.
[63] ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 23.
[64] x. Cv 15, 28-29.
[65] x. Gl 4, 8-10; Cl 2, 16-17.
[66] S. Ignace d’Antioche, Epitre aux Magnésiens, 9, Ed. Camelot (SC 248), 2è éd., 1951, 102-103: Chúa nhật trong bản văn này được các tác giả như Bacchiocchi và Clemens Leonhard thừa nhận là buổi phụng tự Chúa nhật đã được thiết lập nói chung. Hơn nữa, phát biểu này cho thấy đã có sự tách biệt rõ ràng giữa Kitô giáo và Do thái giáo vào cuối thế kỷ I (x. Paul F. Bradsahaw – Maxwell E. Johnson, The Origins of Feast, Fasts and Seasons in Early Christian, 6-10).
[67] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 23.
[68] Peter G. Cobb, “The History of the Christian Year” trong The Study of Liturgy, Cheslyn Jones (ed) (New York: Oxford University Press 1992), 458.
[69] x. Xh 20, 11; St 2, 1-3.
[70] Tạo thuận lợi cho tín hữu gốc Do thái sống trong đế quốc Roma vẫn có thể làm việc trong ngày đó.
[71] x. Paul F. Bradsahaw – Maxwell E. Johnson, The Origins of Feast, Fasts and Seasons in Early Christian, 10-11.
[72] x. Thomas J. Talle, The Origins Of The Liturgical Year, 14-16: [1] Đối với người Do thái: ngày mới bắt đầu từ lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước và kết thúc vào lúc mặt trời lặn của ngày hôm sau; [2] Người Roma: một ngày kéo dài từ nữa đêm này cho đến nửa đêm kia; [3] Văn minh Hy lạp: một ngày bắt đầu từ bình minh này cho đến bình minh kia.
[73] x. Phạm Đình Ái, Đức Kitô Hôm Qua Cũng Như Hôm Nay – Tập 1, trang 16: Do thái có 7 ngày/tuần. Ngày cuối cùng hay ngày thứ VII có tên riêng là “ngày nghỉ” (sabát); Ngày áp cuối gọi là “Paratkêvê” (dự bị) vì dân phải dọn dẹp và chuẩn bị cho ngày Sabát.
[74] Xem thêm thư minh giải của Pline le Jeune (112) gửi hoàng đế Trajan: Các người có Đạo bị giam giữ đều quyết rằng tất cả lỗi lầm của họ chỉ ở chỗ vần quen hội họp nhau vào một ngày nhất định (stato die), trước lúc hưng đông, để hát với nhau khúc ca tôn tinh Chúa Kitô như một Thượng Đế (Pline Le Jeune, Epistolarum lib. 10, 96, trích lại trong P. Jounel, ‘Sunday and the Week’ trong A. G. Martimort (ed), The Church at Prayer: The Liturgy and Time, Vol. IV, 14; Paul F. Bradsahaw – Maxwell E. Johnson, The Origins of Feast, Fasts and Seasons in Early Christian, 6.
[75] Alistair Stewart-Sykes, The Life of Polycarp (Sydney: St. Pauls Publication 2002), 67 – trích lại trong Paul F. Bradsahaw – Maxwell E. Johnson, The Origins of Feast, Fasts and Seasons in Early Christian, 6-7.
[76] x. Paul F. Bradsahaw – Maxwell E. Johnson, The Origins of Feast, Fasts and Seasons in Early Christian, 12-13.
[77] Trích lại trong Trần Ngọc Quỳnh, Năm Phụng Vụ, 30.
[78] ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), chương II.
[79] Phụng vụ các Giờ kinh, Kinh sách: Bài đọc II ngày Thứ hai, tuần XVI Thường niên - Trích thư của thánh Inhaxiô Antiôkhia, giám mục, tử đạo, gửi giáo đoàn Manhêxia.
[80] x. Mc 16, 2-9; Lc 24, 1; Ga 20, 1; Lc 24, 13-36; Ga 20, 19-26; Cv 2, 1; Cv 4, 1-5.
[81] Ep. ad Decentium XXV, 4, 7: PL 20, 555.
[82] Homiliae in Hexaemeron II, 8: SC 26, 184.
[83] Cf. In Io. Ev. Tractatus XX, 20, 2: CCL 36, 203; Epist. 55, 2: CSEL 34, 170-171.
[84] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 19.
[85] Ngày Phục Sinh đặc biệt rõ ràng trong tiếng Nga, đơn giản gọi ngày Chúa Nhật là Voskresenie, nghĩa là “Phục sinh”.  
[86] ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), số 19.
[87] x. Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49.
[88] x. Cv 2.
[89] x. 2Cr 4; Ga 1; Mc 1,14-15; Lc 4,14-15; Mt 4, 12-16.
[90] x. Mt 28; Mc 16; Lc 24; Ga 20-21.
[91] x. Cv 2.
[92] x. Lc 4, 1–13; Dt 4, 12.
[93] x. Lc 1, 2-4; 24, 44-45.
[94] x. Ga 6, 68.
[95] Ga 8, 12.
[96] Tv 118(119), 105.
[97] Is 55, 10-11.
[98] Mc 14, 22-25; x. Lc 22, 19-20.
[99] x. 1 Cr 11, 23-26; Tông thư: Desiderio desideravi, 8.
[100] x. Lc 24, 13-43; Tông thư: Desiderio desideravi, 7.
[101] Tông thư: Desiderio desideravi, 4.
[102] Mt 28, 20.
[103] Mt 18, 19-20.
[104] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Ngày của Chúa (Dies Domini), chương V.
[105] x. CĐ Vaticanô II: Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium), số 106.
[106] x. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, số 1084-1089, 1136.

Tác giả bài viết: Lm. Luy Hồ Trọng Hưng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập93
  • Máy chủ tìm kiếm57
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay12,585
  • Tháng hiện tại578,442
  • Tổng lượt truy cập28,893,811

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây