Đức Giám mục Giáo phận kinh lý Giáo xứ Lục Lễ

Thứ năm - 26/09/2019 21:38

CUỘC KINH LÝ CỦA ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN TẠI GIÁO XỨ LỤC LỄ

Thứ Tư, ngày 25.09.2019, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập giáo xứ Lục Lễ (25.09.2009 - 25.09.2019), thuộc giáo hạt Gò Thị, và 10 năm thụ phong linh mục của cha Phêrô Nguyễn Minh Trường (2009 - 2019) - chánh xứ Lục Lễ, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi - Giám mục Giáo phận, đã đến nhà thờ Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, để viếng thăm mục vụ giáo xứ theo qui định của giáo luật (kinh lý), chủ sự Thánh lễ, ban Bí tích Thêm sức và cho một số em rước lễ lần đầu.

Mặc dù trời mưa to, số người đến nhà thờ chưa đông, nhưng không vì thế mà không khí đón tiếp vị chủ chăn của Giáo phận thiếu phần long trọng. Ngài đã cùng cộng đoàn viếng Chúa, cầu nguyện xin cho cuộc viếng thăm diễn ra tốt đẹp và sinh nhiều ơn ích.

Mở đầu cuộc viếng thăm, cha sở Phêrô Nguyễn Minh Trường đại diện cho cộng đoàn dân Chúa có lời chào mừng Đức Cha, cha Tổng Đại diện và đồng thời mời gọi cộng đoàn hướng lòng lắng nghe những lời chỉ dạy và trao đổi mục vụ của vị cha chung của Giáo phận.

Đáp từ, Đức Cha xác định rằng cuộc viếng thăm mục vụ hôm nay bao gồm 4 sự kiện, nhưng chỉ tập trung về một mục đích là truyền giáo:

+ Cuộc viếng thăm mục vụ nhằm mục đích đẩy mạnh công cuộc truyền giáo.
+ Mừng 10 năm thành lập giáo xứ là để nhìn lại và hướng tới công cuộc truyền giáo trên qui mô giáo xứ.
+ Mừng cha xứ 10 năm thụ phong linh mục là để khẳng định vai trò của linh mục trong công cuộc truyền giáo.
+ Ban Bí tích thêm sức cho các em để các em được đầy Chúa Thánh Thần và lên đường truyền giáo.

1. Lược sử và hiện tình giáo xứ Lục Lễ

Trước sự hiện diện của Đức Giám mục Giáo phận, cha Tổng Đại diện và cộng đoàn dân Chúa, cha sở Phêrô Nguyễn Minh Trường lược lại lịch sử hình thành và phát triển của giáo xứ Lục Lễ từ những năm đầu truyền giáo đến giai đoạn thuộc giáo xứ Gò Thị, thành lập giáo họ biệt lập và từ khi thành lập giáo xứ cho đến nay.

Giáo xứ Lục Lễ tuy nhỏ, số giáo dân không nhiều nhưng không phải là không có những thời kỳ in dấu ấn của các vị thừa sai truyền giáo. Cụ thể có Đức Cha Pierre Pigneau de Béhaine, Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong (1771-1799), qua đời tại Mỹ Cang ngày 09 tháng 10 năm 1799 và được an táng tại Sài Gòn; Đức Cha Jean Doussain, Phó Đại diện Tông tòa Giáo phận Đàng Trong (1808-1809) qua đời ngày 14 tháng 12 năm 1809 và được an táng tại Mỹ Cang.

Về sau, trong giai đoạn trực thuộc giáo xứ Gò Thị, các họ đạo Mỹ Cang, Lục Lễ và Lục Nghĩa được các cha sở quan tâm chăm sóc kỹ càng. Các cha Tôma Nguyễn Văn Tới, Martinô Nguyễn Trọng Huấn, Phêrô Nguyễn Quang Báu, Anrê Huỳnh Thanh Khương, Phêrô Nguyễn Văn Kính đã lần lượt cho sửa sang, tu bổ và xây dựng mới các nhà thờ Mỹ Cang, Lục Lễ và đài Đức Mẹ Lục Nghĩa để cho bà con giáo dân thuận lợi trong việc kinh lễ hằng ngày. Ngoài ra, đời sống đức tin của bà con cũng luôn được quan tâm chăm sóc dù địa bàn có phần cách trở.

Để tiện ích mục vụ cho giáo dân, Đức giám mục Giáo phận đã lần lượt thành lập giáo họ biệt lập (02.04.2008) rồi giáo xứ Lục Lễ (25.09.2009), bao gồm 3 giáo họ: Lục Lễ, Mỹ Cang và Lục Nghĩa. Các cha Phêrô Nguyễn Đình Hưng và Phêrô Nguyễn Minh Trường lần lượt làm cha sở. Như thế, ước muốn được sum vầy kinh lễ hằng ngày từ bấy lâu nay của giáo dân đã được toại nguyện.

Đi kèm với việc phát triển giáo xứ, các cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt của cộng đoàn cũng được sửa sang và xây dựng khang trang hơn. Nhờ đó, các sinh hoạt đạo đức, kinh lễ hằng ngày được duy trì. Các sinh hoạt khác như dạy và học giáo lý, Legio Mariae, đọc kinh liên gia,… cũng được đông đảo bà con hưởng ứng. Mối giao hảo với bà con lương dân và các tôn giáo khác khá tốt đẹp.

2. Trao đổi mục vụ

Các vấn đề được trao đổi như sau:

+ Việc mua thêm đất bên cạnh nhà thờ để phục vụ cho việc xây dựng nhà thờ.
Việc mua thêm đất để phục vụ cho việc xây dựng nhà thờ là chính đáng. Nếu thỏa thuận mua được, Tòa Giám mục sẽ hỗ trợ cho một phần nào đó. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là xây dựng nhà thờ cho to đẹp, mà là lo xây dựng đời sống đạo của giáo xứ cho sốt sắng, hướng đến truyền giáo và làm gương sống đạo cho lương dân. Và hy vọng rằng, nhờ lời cầu nguyện của tất cả mọi người, ước muốn xây dựng một ngôi nhà thờ mới của cộng đoàn dân Chúa giáo xứ Lục Lễ sẽ thành hiện thực.

+ Việc ăn đồ cúng.
Dựa vào giải thích của thánh Phaolô (x. 1Cr 10,23-30), các kitô hữu không tin vào các thần thánh của dân ngoại, tuy nhiên nếu việc ăn đồ cúng thần trở thành cớ vấp phạm đối với những người mới theo đạo còn yếu đức tin, thì vì đức ái, các kitô hữu không nên ăn đồ cúng thần để những người ấy khỏi vấp phạm vì nghĩ rằng các kitô hữu cũng tin và hiệp thông với các thần thánh ấy. Theo đó, ngày nay các kitô hữu không tin rằng người đã chết về ăn của cúng như một số người bên lương vẫn tin, tuy nhiên khi tham dự đám giỗ nên tránh ăn những của cúng nếu việc ăn ấy khiến người lương nghĩ rằng người kitô hữu cũng tin như họ. Hoặc nếu ăn thì cần đưa ra một lời giải thích để người ta khỏi hiểu lầm.

+ Việc ly dị tái hôn.
Nếu phép hôn phối đã thành sự thì không thể tháo gỡ, tức không thể ly dị. Cho nên, nếu hai anh chị tự ý ra tòa đời ly dị rồi tái hôn thì phạm tội, và bị phạt không được xưng tội rước lễ. Tuy nhiên, con cái của hai người tái hôn vẫn được chịu các bí tích (rửa tội, rước lễ,…) bình thường, bởi con cái không có lỗi trong chuyện này. Còn trường hợp người vợ hoặc chồng sau (người ngoại) có ước muốn theo đạo thì cũng không được phép, bởi đang mắc ngăn trở hôn phối. Hai người có thể liên hệ với cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, đại diện tư pháp của Đức Giám mục Giáo phận, để ngài cứu xét. Nếu thấy hôn nhân của hai người trước kia có yếu tố không thành sự, thì ngài tuyên bố hôn nhân ấy vô hiệu và người vợ hoặc chồng sau mới có thể theo đạo, hợp thức hóa hôn phối và chịu các bí tích. Còn hiện tại, người ấy có thể đi lễ đọc kinh rồi phó thác cho lòng Chúa thương xót. Chúa sẽ liệu cách tốt đẹp cho họ.

+ Việc cầu nguyện.
Một em sắp chịu phép thêm sức hỏi: nếu chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu, tức là “xin đừng theo ý con nhưng một theo ý Cha”, có phải là chúng ta không cần trình bày ý nguyện của mình không? Đức Cha trả lời rằng khi cầu xin như thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận việc trình bày ý nguyện của chúng ta cho Chúa, bởi chính Chúa Giêsu trước khi nói câu ấy đã xin Chúa Cha “cất chén đắng khỏi con”. Vì thế, khi cầu nguyện, chúng ta vẫn tha thiết nài xin Chúa ban cho chúng ta những ơn cần thiết, nhất là những điều đẹp lòng Chúa. Còn việc Chúa có ban cho chúng ta ơn đó hay không là do ý Chúa: có thể điều chúng ta xin không tốt đối với chúng ta mà chúng ta không thấy, hoặc là chưa đến lúc Chúa ban, hoặc là Chúa sẽ ban cho chúng ta một ơn khác tốt hơn ơn chúng ta xin. Điều này cũng giống như việc cha mẹ biết điều nào tốt cho con cái mình thì mới cho nó. Vậy hãy cầu nguyện với lòng phó thác, tin tưởng và xin theo ý Chúa muốn, vì cầu nguyện không chỉ là xin ơn mà còn là thờ lạy, tôn vinh, chúc tụng và tạ tội nữa. Đấy mới chính là lời cầu nguyện tốt nhất.

+ Cha mẹ rối hôn phối, bê tha trễ nãi, bỏ đạo, con cái có đi tu được không?
Theo nguyên tắc thì vẫn được, bởi đó không phải là lỗi của con cái, không phải là trách nhiệm của nó. Con cái muốn trở nên tốt, lẽ nào Giáo hội lại ngăn cản chúng. Thà chúng tốt còn hơn là trở nên xấu chứ. Tuy nhiên vì lý do mục vụ, cần xét theo từng trường hợp. Đối với các tu sĩ thì vấn đề đó không được đặt nặng cho bằng các linh mục, đặc biệt là linh mục triều. Bởi vì linh mục triều phải làm mục vụ trực tiếp với các tín hữu địa phương, mà nếu gia đình mình không tốt thì làm sao nói cho người ta nghe. Cho nên Giáo hội khôn khéo đã đặt ra những tiêu chuẩn tuyển chọn ứng sinh linh mục, trong đó có tiêu chuẩn về gia đình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cản bước đường dấn thân trong ơn gọi dâng hiến của con cái mình. Giáo hội vẫn luôn đón nhận họ trong các ơn gọi tu trì khác.

+ Rối hôn phối, bỏ đạo có được an táng theo nghi thức Công giáo không?
Rối hôn phối, không giữ đạo là tình trạng tội lỗi công khai. Tuy nhiên vào giờ sau hết mà người đó bày tỏ sự hối cải thì vẫn được lãnh các bí tích sau hết, kể cả ơn toàn xá và được chôn theo phép đạo. Trừ khi người đó không tỏ ra một dấu chỉ sám hối nào hết thì không được. Dấu chỉ sám hối có thể là một tiếng nói, một ánh mắt hay bất kỳ một dấu hiệu nào tỏ lòng sám hối trở về với Chúa là đều được ơn tha thứ vào giờ sau hết.

+ Làm hòa trước khi đi dâng thánh lễ.
Một thanh niên hỏi: có phải việc đi dâng lễ chỉ tốt đẹp và hữu ích sau khi mình đã làm hòa xong với người có chuyện bất hòa với mình? Đức Cha trả lời rằng chỉ cần mình có ý muốn và tìm cách làm hòa là được, không phải đợi đến khi người kia chấp nhận việc làm hòa của mình, bởi lẽ chuyện mình đi bước trước làm hòa không phải lúc nào cũng được người ta chấp nhận. Vì thế mình vẫn đi dâng thánh lễ, chứ không phải đợi đến lúc người đó chịu làm hòa mới đi.

+ Làm dâu bên lương, đến ngày giỗ, có được phép sắm sửa đồ đạc làm đám giỗ không?
Bổn phận làm con dâu thì phải làm nhiệm vụ sắm sửa đồ đạc chuẩn bị cho ngày giỗ kỵ ông bà. Đó không có gì là lỗi phạm luật Chúa. Tuy nhiên, mình phải lưu ý không được làm việc đó vì mê tín dị đoan, hoặc cúng kiến cho ông bà về ăn. Và khi làm điều đó cũng phải nhớ nói cho những người họ hàng bên lương biết là mình đang làm bổn phận dâu con chứ không phải là thực hành điều mê tín mà họ vẫn làm.

+ Cúng tế khi làm nhà.
Nếu mình là chủ nhà mà chính tay mình làm các điều đó thì phạm lỗi mê tín dị đoan. Còn nếu việc cúng tế do nhóm thợ thực hiện vì công việc của họ thì mình không liên quan. Tuy nhiên, cũng phải tránh làm gương xấu và tránh hiệp thông với họ trong việc này.

3. Tổng kết và định hướng mục vụ

Thay lời Đức Giám mục Giáo phận, cha Tổng Đại diện Giuse Trương Đình Hiền tóm kết những vấn đề trao đổi giữa Đức Cha và cộng đoàn dân Chúa. Đồng thời, qua đó ngài cũng đưa ra các định hướng mục vụ cho cộng đoàn giáo xứ.

  • Giáo xứ Lục Lễ mới được thành lập 10 năm, số giáo dân tương đối ít (trên 700). Tuy nhiên, ít không có nghĩa là không có chất lượng. Và nếu giáo xứ đạt được điều đó là rất tốt, rất phù hợp với định hướng truyền giáo của Giáo phận. Bởi trong lịch sử cứu độ Chúa đã chọn một dân tộc nhỏ, Chúa Giêsu xuống thế làm người cũng chọn một nhóm nhỏ là gia đình Đức Mẹ và thánh Giuse.

  • Để sống đức tin, mọi người trong giáo xứ phải học lấy tâm tình cầu nguyện của Chúa Giêsu, biết nói lên tâm tư của mình nhưng cũng phải để cho ý Chúa được thực hiện. Và trong cộng đoàn, chúng ta phải biết sống bác ái yêu thương, biết giao hòa với anh chị em trước khi mình dâng thánh lễ, làm hòa với Chúa.

  • Phải luôn sống tâm tình khoan dung tha thứ đối với những gia đình rắc rối. Đồng thời cũng phải biết động viên họ phải luôn sống tốt dù gia đình có rối rắm. Cũng nên tha thứ để họ còn có đường quay về với Giáo hội. Cụ thể qua việc cử hành nghi thức an táng cho những người lầm lạc, vào giờ phút cuối đời đã biết ăn năn sám hối. Và thêm nữa, chúng ta phải khoan dung tha thứ để cho những mầm non ơn gọi không bị vùi dập vì lỗi của người lớn, biểu hiện là vẫn có những ơn gọi dâng hiến trong các gia đình đó.

  • Bốn mục đích của cuộc gặp gỡ và trao đổi mục vụ hôm nay phải hướng đến mục tiêu truyền giáo và làm rạng danh Thiên Chúa.

4. Kiểm tra sổ sách

Theo thông lệ, cuộc kinh lý đi kèm với việc kiểm tra sổ sách. Các sổ Rửa tội, sổ hôn phối, sổ tình trạng các gia đình,… đều được Đức Giám mục xem xét kỹ càng. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đức Giám mục cũng như nhắc nhở các cha xứ biết chu toàn bổn phận quản lý và theo dõi giáo dân của mình, hầu kịp thời có phương cách giúp đỡ họ hiệu quả.

Sau khi kiểm tra sổ sách, Đức Cha chủ sự Thánh lễ, ban bí tích Thêm Sức cho 24 em và cho 11 em trong giáo xứ rước lễ lần đầu. Sau bài cám ơn của vị đại diện giáo xứ vào cuối thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chúc mừng đến cộng đoàn giáo xứ nhân dịp giáo xứ thành lập được 10 năm. Đức Cha cũng chia vui với cha sở kỷ niệm 10 năm chịu chức linh mục và các phụ huynh của các em lãnh nhận Bí tích Thêm sức và được rước lễ lần đầu trong thánh lễ hôm nay.

Kết thúc cuộc viếng thăm mục vụ, ước mong rằng những mục đích của cuộc gặp gỡ hôm nay được mọi người trong giáo xứ ghi nhớ, tâm niệm và biến nó thành hiện thực. Và sau khi đã trao đổi cặn kẽ với Đức Giám mục Giáo phận, mọi thành phần trong giáo xứ Lục Lễ đều được Chúa Thánh Thần thúc đẩy sẵn sàng ra đi rao giảng Tin Mừng bằng chính đời sống của mình và cùng nhau góp phần phát triển giáo xứ.

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: Phaolô Nguyễn Bá Định

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm33
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay22,803
  • Tháng hiện tại588,660
  • Tổng lượt truy cập28,904,029

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây