Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/06/2015 18:45
LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ
Cv 12,1-11; 2 Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16, 13-19.




Năm 594 truớc Công Nguyên, Thái Tử Tất-đạt-đa (Siddhartha Gautana)  đang ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề đã tìm ra phương pháp cứu độ chúng sanh qua con đường giải thoát… như vậy là được giác ngộ. Từ đó, Ngài đã đổi tên thành Đức Thích ca mâu ni, nghĩa là người được viên giác. Các thương gia và kinh tế, chính trị gia thường lấy một danh xưng để mong cho lý tưởng của mình được toại nguyện.

Sách Sáng Thế giúp cho ta biết trường hợp của Tổ phụ Áp-ra-ham, Gia-vê phán: “Này là Giao ước của Ta với ngươi…Tên ngươi không còn là Áp-ram nữa, mà là Áp-ra-ham…Sarai, vợ ngươi, sẽ không gọi là Sarai nữa. Song tên nó là Sara. Bởi Sara, ngươi có một con trai, ngươi sẽ đặt tên nó là Isaac”. Thiên Chúa cười mãn nguyện (St 17, 5-20). Ngôn sứ Isaia ca vang mừng cuộc hồi sinh đầy oai hùng của Giêrusalem: “Ngươi gọi người bằng TÊN mới, tên chính miệng Gia-vê đặt cho” (Is 62, 2). Tên mới, có thể là một cuộc đời mới đã được biến đổi, có thể là bản chất sẽ thay đổi hoàn toàn. Thời Maccabê, con trai ông Matthathia, là “búa tạ giáng trên đầu kẻ thù Israel”. Oai phong mang tên Simon, ông vừa là thủ lãnh, vừa là Thượng tế (1Mcb 14, 34-43).

Trở lại trường hợp của Simon - Kêpha, nghĩa là Tảng Đá. Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêô, Simon con của ông Giona (Mt 16,17). Giona nghĩa là Bồ Câu, một hình ảnh gợi nhớ Chúa Thánh Thần. Có thể liên kết để giúp ta hiểu Simon, con người của Thần Khí. Chính Thánh Thần biến đổi Simon cách trọn vẹn, trở thành chứng nhân đặc biệt của Đức Tin Kitô giáo. Đọc Tin Mừng của bốn Thánh sử ghi lại, chúng ta nhận biết có một tiến trình thanh luyện đức tin: từ lúc gọi mời (Ga 1,42), được đổi tên (Ga 16,17), đứng đầu danh sách nhóm 12 (Mt 10,2; Mc 3,16), tuyên xưng Đức Kitô là ConThiên Chúa (Mt 16,16), hiện diện trong các biến cố của Đức Giê-su: Hiển dung (Mt 17,1-8); Vườn Dầu (Mc 14,33); chọn làm vị hướng dẫn đoàn chiên (Ga 21, 15-17) và giúp củng cố đức tin của anh em (Lc 22, 32)…Đúng là Phêrô, một người đã được đào tạo trong trường của Đức Tin Kitô giáo.

Còn Saolô, sau cú ngã ngựa đáng đời trên đường sát hại Kitô hữu, đã “thay da đổi thịt”, một phép mầu làm cho Phaolô trở nên say mến Đức Kitô Phục Sinh. Ngài năng hoạt động, bất chấp gian nan, nghi ngại, không sợ đau khổ, hiểm nguy (Cv 16,16-40). Chính Ngài đã thành lập nhiều cộng đoàn ngoại giáo thành Giáo đoàn mới (Gl 4,13-15): Philip, Thêxalônica và Bêrê (Cv 16,11 -17,15). Nhiều người thường dành biệt danh cho Ngài là Tông Đồ dân ngoại nhưng không phải là Tông đồ duy nhất của dân ngoại, vì còn có nhiều vị khác, như: Barnaba, Sila, Apolo. Nghe và đọc Thư Thánh Phaolô, giúp chúng ta dễ nhận biết: “…ngôn ngữ rất dồi dào, phong phú, óc lý luận đạt tới một ý thức sâu sắc về sự cao trọng của Thiên Chúa và tác động của Người trong các biến cố…” (Thánh Phaolô, cuộc đời và tư tưởng, Norberto Nguyễn Văn Khanh, năm 2008, trang 07)

Phêrô và Phaolô, hai vị vĩ đại của Giáo Hội, hai con đường khác nhau, nhưng cùng một điểm đến: ân sủng của Đức Kitô tử nạn và Phục Sinh biến đổi các vị. Cuối cùng, rồi cả hai đã làm thành của lễ trong cuộc bách hại năm 64 và 67  tại Roma, Kinh Thành muôn thưở.

Mở đầu cho ngày Đại Lễ hôm nay, lời diễn tả trong tập sách “Gõ nhịp thời gian” do Đức Cha Matthêô biên soạn (NXB Phương Đông năm 2015, trang 232-233) đã in : “…Hôm nay, cùng với toàn thể Hội Thánh khắp hoàn cầu, chúng ta vui mừng và long trọng cử hành lễ hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô: một vị là nền tảng, một vị là rường cột của Hội Thánh. Rường cột được đặt trên nền tảng: cả hai góp phần tạo nên sự vững chắc và kiên cố của tòa nhà Hội Thánh trên trần gian.
Các ngài tuy khác biệt về xuất xứ, tuổi tác, tính tình, trình độ văn hóa, lý lịch gia đình, hoàn cảnh ơn gọi, phạm vi hoạt động, thời điểm và cách thức tử đạo, nhưng Hội Thánh muốn liên kết các ngài trong một ngày lễ, vì bên cạnh những khác biệt ấy, các ngài gặp gỡ nhau trong cùng một niềm  tin vững chắc và một đức ái nồng nàn đối với Đức Kitô, trong nhiệt tình tông đồ, trong gian nan thử thách, kể cả trong kinh nghiệm yếu đối và tội lỗi, sau cùng trong cuộc tử đạo anh hùng, để những giọt máu đào các ngài đổ ra trổ sinh hoa trái đức tin trên toàn thế giới.
Để có thể hy sinh mạng sống vì đạo, vượt qua yếu đuối và tội lỗi, vững vàng trong thử thách, hăng say trong công tác tông đồ, các ngài phải có một niềm tin không lay chuyển vào Đức Kitô cùng với một tình yêu tha thiết đối với Người. Quả thế, để có thể làm tông đồ, trước hết các ngài đã phải là những tín hữu, tức là những người có niềm tin. Chính nhờ tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, mà thánh Phêrô đã được đặt làm nền tảng của Hội Thánh, như chúng ta vừa nghe thánh Matthêô thuật lại trong đoạn Tin Mừng (Mt 16,13-19).
Cùng với một niềm tin sắt đá, các ngài còn chứng tỏ một tình yêu tha thiết đối với Đức Kitô. Khi được Đức Kitô phục sinh hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”, thánh Phêrô đã mạnh mẽ trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21,15), mặc dù người vẫn biết rằng người đã từng chối Thầy ba lần chỉ vì yếu đuối. Phần thánh Phaolô, người yêu mến Đức Kitô tha thiết đến mức độ có thể nói:“Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,8-9), mặc dù trước kia người đã từng bách hại các Kitô hữu, chỉ vì không biết Đức Kitô là ai…”
Giáo Hội dành “…Một ngày kính chung cuộc tử đạo của hai vị Tông Đồ. Nhưng hai vị xưa kia chỉ là một ; dù các ngài chịu tử hình những ngày khác nhau, các ngài cũng chỉ là một. Thánh Phêrô đi trước, rồi thánh Phaolô theo sau. Đối với chúng ta, ngày lễ chúng ta cử hành hôm nay là một ngày thánh, vì đã được ghi bằng máu của các Tông Đồ. Chúng ta hãy quý chuộng đức tin, đời sống, công lao khó nhọc và những khổ hình của các ngài, quý chuộng những lời các ngài tuyên xưng, những điều các ngài rao giảng”. (Trích bài giảng của Thánh Augustinô, Giám Mục - xem trong: các bài đọc Kinh Sách, Tập3, trang 667).

Qua ngày Lễ hôm nay, nhờ mẫu gương của hai Thánh Tông đồ, xin Chúa giúp cho chúng con luôn vững vàng trong Đức Tin,  sống hiệp thông, yêu thương để làm việc cho Chúa, nhờ Đức mến và trông cậy vào ơn Chúa để trở thành chứng nhân cho nhiều người.

 
Tác giả bài viết: Lm Phêrô Nguyễn Xuân Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 4339
  • Tháng hiện tại: 135456
  • Tổng lượt truy cập: 12279716