Tiếng Latinh không là tử ngữ như bạn nghĩ

Thứ năm - 26/08/2021 04:33

Joseph Shaw

Tiếng Latinh không là tử ngữ như bạn nghĩ
Lắng nghe một ngôn ngữ thánh như tiếng Latinh là dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn đang bỏ thế giới trần tục lại phía sau

 
Ngay từ những ngày đầu, Hội thánh tại Phương tây đã sử dụng tiếng Latinh – không chỉ trong việc quản trị, nghiên cứu, giao tiếp nhưng còn để cầu nguyện. Đây là chuyện đương nhiên đối với các vùng mà tiếng Latinh là ngôn ngữ phổ biến, nhưng nhiều thế kỷ trôi qua, Giáo hội Tây phương vẫn duy trì nền phụng vụ Latinh khi truyền giáo cho các dân tộc cả trong và ngoài biên giới Đế quốc Rôma, các dân ở đây không thành thạo ngôn ngữ này, chẳng hạn như những người Bắc Phi nói tiếng Punic, những người nói tiếng Celtic và German ở tây và trung Âu.  Ngược lại, các Giáo hội Đông phương đôi khi tận dụng ngôn ngữ của những người mới trở lại, ngay cả khi họ phải cải tiến đặc biệt bằng các kiểu trình bày của họ sao cho phù hợp, như đã làm với tiếng Ge’ez của Giáo hội Ethiopia và tiếng Slav của Giáo hội Nga.

Như vậy, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa Giáo hội Tây phương và tiếng Latinh. Thậm chí ngày nay, khi phụng vụ có thể được cử hành bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, mối tương quan này vẫn để lại dấu ấn của nó, và tiếng Latinh vẫn còn là một lựa chọn cho cả việc cầu nguyện công khai lẫn tư riêng – không chỉ trong các cử hành theo phụng vụ trước Công đồng Vatican II, nhưng còn dành cho cả Thánh lễ đã được cải cách.

Tại sao Giáo hội lại quá gắn bó với tiếng Latinh như thế? Câu trả lời là tiếng Latinh trong phụng vụ không chỉ là thứ ngôn ngữ thuận tiện, nhưng còn là một ngôn ngữ được hiến thánh. Nhiều tôn giáo có ngôn ngữ thánh, hoặc có một phạm vi riêng trong ngôn ngữ thông thường được hiến thánh, để sử dụng trong phụng tự của mình. Hồi giáo có tiếng Arập cổ điển, một ngôn ngữ không được hàng triệu tín đồ không sử dụng tiếng Arập biết đến cách rộng rãi, và có nhiều điểm cách biệt so với cách nói tiếng Arập ngày nay trong thế giới của họ. Phật giáo, Ấn giáo, và Kỳ Na giáo dùng chung một ngôn ngữ thánh cổ xưa là tiếng Phạn. Do Thái giáo có tiếng Hípri Kinh thánh, và ngôn ngữ của một số Giáo hội Đông phương hiện nay là những ngôn ngữ thánh riêng biệt: tiếng Slav và Ge’ez – ngôn ngữ phụng vụ - như đã nói, và Hy ngữ phổ thông của các Giáo hội Hy Lạp.

Ngôn ngữ thánh, cũng như các phẩm phục thánh, các loại hình thánh nhạc, và các phong cách liên quan đến kiến trúc và nghệ thuật thánh, có thể bắt nguồn từ những thứ không hề thánh thiêng, nhưng ngay ở trong nguồn gốc của mình, chúng thường có những nét khác biệt đặc trưng. Hy ngữ phổ thông và tiếng Slav là những soạn tác văn chương hơn là những ngôn ngữ tự nhiên. Chẳng ai trò chuyện bằng tiếng Anh thiêng liêng được Anh giáo tạo ra và được tìm thấy trong các Sách kinh Anh giáo và bản Kinh thánh King James: nó chứa đựng các cổ ngữ và sử dụng lối ngữ pháp ngoại lai để tương tự với tiếng Hípri và Hy Lạp. Tiếng Đức tiêu chuẩn dùng trong Kinh thánh và phụng vụ phái Luther là ngôn ngữ của triều đình chứ không không phải ngôn ngữ của hầu hết những người nói tiếng Đức. Tương tự như thế, hình thái tiếng Latinh được tìm thấy, trước là trong các bản dịch Latinh ban đầu của Kinh thánh và sau là trong các bản văn phụng vụ, có sự khác biệt với tiếng Latinh phổ thông. Không một người Rôma nào nói: “Amen amen dico vobis” – “Quả thật, quả thật, ta bảo các ngươi”. Từ đầu tiên của nhiều lời cầu nguyện bằng tiếng Latinh, “quaesumus” – “chúng con nài xin”, là một từ đã rất cổ khi lần đầu tiên nó được sử dụng.

Có một khuynh hướng tôn giáo mạnh mẽ thúc đẩy việc dùng những từ ngữ, sự vật, kiến trúc, âm nhạc đặc trưng và riêng biệt cho phụng tự. Chuyện này không có mục đích ngăn cản cộng đoàn phụng vụ, nhưng đúng hơn là  để lôi kéo họ vào điều gì đó siêu nhiên, dẫn đưa họ tiến vào một khu vực thánh để giao tiếp với thần linh, một sự giao tiếp vượt trên những từ ngữ thuần túy. Lắng nghe một ngôn ngữ thánh, cũng như bước vào một kiến trúc thánh, là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy chúng ta đã bỏ lại thế giới trần tục phía sau. Giống với các tôn giáo khác, Giáo hội vẫn duy trì những lễ phục đặc trưng; các đồ thánh không được dùng cho bất kỳ việc gì khác, các vật phẩm, phong cách nghệ thuật và ngôn ngữ đặc biệt ngay cả trong khung cảnh của một cử hành phụng vụ theo tiếng bản địa.

Tiếng Latinh là phương tiện tối ưu của Giáo hội để tạo cho chúng ta cảm thức đang giao tiếp với Thiên Chúa chứ không phải với người phàm. Ngay cả khi tuyên bố việc cải tổ phụng vụ để thay thế phần lớn tiếng Latinh bằng ngôn ngữ bản địa, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI vẫn mô tả tiếng Latinh như là “âm điệu thánh” và là “ngôn ngữ của các thiên thần”. Ảnh hưởng của tiếng Latinh đối với các tín hữu được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý, ngài là người làm nổi bật lại ý nghĩa của sự hiệp nhất toàn thể mà ngôn ngữ này truyền cảm hứng, cũng như “cảm thức sâu xa của mầu nhiệm Thánh Thể” mà nó khơi gợi.

Ở đây có một sự tương đồng với thói quen thinh lặng trong phụng vụ. Điều này được sách Lễ cải cách năm 1970 đặt ra (chẳng hạn đối với “các lời nguyện tư tế”), và tầm quan trọng của nó đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh. Trong thinh lặng, không điều gì được truyền đạt bằng lời, nhưng khi cộng đoàn phụng vụ được liên kết trong một hành vi thờ phượng, một khoảng thời gian cầu nguyện trong thinh lặng có thể tạo ra mối liên kết ở mức độ thâm sâu, cả ở chiều ngang – về cảm thức liên đới và chiều dọc – tương tác với đối tượng của việc thờ phượng là Thiên Chúa. Tiếng Latinh cũng làm điều gì đó tương tự khi tạo ra một khung cảnh ý nghĩa cho việc cầu nguyện.

Như thế, quả đúng là những kinh nguyện bằng tiếng Latinh có một ý nghĩa thật đặc biệt. Việc đào tạo về phụng vụ, mà mọi người Công giáo trưởng thành cần có, giúp chúng ta hiểu cách tổng quát những gì diễn ra trong Thánh lễ dưới bất kỳ ngôn ngữ nào. Dù những người không được học tiếng Latinh bài bản cũng biết gloria in excelsis, agnus dei và những kinh tương tự có nghĩa gì. Giáo hội luôn khuyến khích việc học hỏi tiếng Latinh, và điều này có thể đưa chúng ta đến một tầm mức vượt xa những gì chúng ta nhận được từ bản dịch theo tiếng bản xứ khi tham dự phụng vụ, bởi vì (ít nhất là với những kinh nguyện có nguồn gốc cổ xưa) nó làm cho chúng ta tiếp xúc với những từ ngữ đã được các bậc tổ tiên trong Đức tin của chúng ta sử dụng, chúng thường có từ thời các Giáo phụ. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn chú tâm vào từ ngữ, hoặc vào diễn tiến chung của phụng vụ, cũng như ai đó lần chuỗi Mân côi có thể chú tâm vào lời kinh Kính mừng hoặc vào mầu nhiệm được suy gẫm trong từng mười kinh. Phụng vụ bằng tiếng bản địa có xu hướng nhấn mạnh và đòi hỏi sự tập trung của chúng ta hơn, theo từng từ một, đặc biệt khi chúng ta đối đáp và thay đổi tư thế.

Tiếng Latinh trong phụng vụ mang đến điều gì đó đặc biệt cho những ai thông thạo, vì họ có thể hiểu rõ hơn và được chỉ dẫn cách chi tiết hơn trong việc tham dự phụng vụ. Nhưng một cách rất nghịch lý, tiếng Latinh cũng mang lại điều đặc biệt cho những người chỉ hiểu biết giới hạn về ngôn ngữ bản địa dùng trong cử hành phụng vụ mà họ ngẫu nhiên tham dự. Họ gồm những người nói các ngôn ngữ thiểu số và di dân. Nhiều chục triệu người Công giáo buộc phải thờ phượng không theo tiếng mẹ đẻ, nhưng theo một ngôn ngữ thứ hai: tại châu Phi, thường là ngôn ngữ thuộc địa cũ, tại Trung Quốc, là “tiếng Hoa tiêu chuẩn” mà nhà nước ưa dùng. Việc sử dụng tiếng bản địa chắc hẳn được ưa chuộng bởi những người tham dự tại nhà, và bởi những người thích giao tiếp bằng lời – như người lớn, tầng lớp trung lưu học thức và cả phụ nữ, hơn là giao tiếp trong thinh lặng – như trẻ nhỏ, tầng lớp lao động và nam giới.

Bằng cách này, tiếng Latinh có thể là một sự bình đẳng, giống như sự thinh lặng. Như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu, tiếng Latinh không thuộc về một ai cụ thể, nhưng “hòa nhã và thân thiện với tất cả”. Trải nghiệm về sự thánh thiêng mà tiếng Latinh có thể mang lại đã được chân nhận bởi các vị thánh cũng như các học giả, binh lính, nông phu, tội nhân và cả các em thiếu nhi ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo hội. Nó vẫn còn dành sẵn cho chúng ta ngày nay.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Nguồn tin: https://www.catholic.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm44
  • Khách viếng thăm28
  • Hôm nay24,976
  • Tháng hiện tại551,841
  • Tổng lượt truy cập28,867,210

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây