Lý do quan Tri Phủ Trần Hy Tăng ra lệnh bắt Giám Mục Charbonnier Trí

Thứ ba - 29/08/2023 21:11
CHARBONNIER Eugene

Đức cha Charbonnier
 
Lý do quan Tri Phủ Trần Hy Tăng ra lệnh bắt Giám Mục Charbonnier Trí
 
                      
Nguyễn Văn Nghệ

   Vào tháng Giêng năm 1868 từ địa phận Đông Đàng Trong (Cochinchine Oriental – năm 1924 đổi thành Địa phận Qui Nhơn) Linh mục F.X. Van Camelbeke gửi thư cho Chú em(1), kể về việc Giám mục Charbonnier Trí cùng với tác giả lá thư và ba linh mục, sáu thầy giảng bản xứ bị chận bắt ở khu vực của một phủ thuộc tỉnh Quảng Nam: “Ngày 21 tháng Giêng 1868, chúng tôi đi Quảng Nam. Vừa đến phủ đầu tiên, chúng tôi trình giấy thông hành do Đô đốc Pháp ký bảo đảm cho chúng tôi quyền giảng đạo trong sáu tỉnh của địa phận(2). Thấy giấy tờ hợp lệ, quan tri phủ để chúng tôi tiếp tục hành trình. Bước đầu tiên vượt qua khá dễ dàng này dường như là một điềm lành và chúng tôi tiến bước đầy tin tưởng. Khi chạm đến ranh giới lãnh thổ của một quan huyện kia(3), chúng tôi gặp một người lính chỉ huy cấp bậc đội trưởng, dàn dọc theo bên đường là hai trăm lính trang bị giáo mác. Trong khoảnh khắc, đoàn chúng tôi bị đám người này bao vây. Chúng tôi đã là tù nhân”.

   Sau khi bị tra hỏi, giám mục Charbonnier và những người trong đoạn được dẫn về phủ đường. Quan tri phủ xem xét giấy tờ của giám mục Charbonnier và bảo là “những giấy tờ chưa đủ vì không có phép của các quan trên lãnh thổ mà chúng tôi đi ngang qua. Ông truyền lệnh bắt giam chúng tôi để chờ triều đình Huế xét xử”.

   Giám mục Charbonnier lên tiếng: “Từ ba năm nay, chúng tôi đã đi đây đó khắp năm tỉnh với giấy tờ này và giấy thông hành này hợp lệ trước các quan phủ huyện khác, do đâu mà lại không giá trị gì chỉ trong tỉnh này?”. Ông quan bối rối trả lời bừa: “Bởi vì các quan khác không làm đúng bổn phận của mình”

   Quan tri phủ không dám động tới Giám mục Charbonnier và Linh mục Van Camelbeke(4) mà chỉ xử phạt ba linh mục và sáu thầy giảng bản xứ mà thôi. Mỗi linh mục bản xứ bị phạt ba mươi trượng; mỗi thầy giảng bản xứ bị phạt hai mươi trượng. Sau khi bị phạt trượng xong, ba linh mục và sáu thầy giảng bị đóng gông và nhốt vào tù. Riêng Giám mục Charbonnier và Linh mục Van Camelbeke “bị dẫn vào một túp lều chật hẹp ở giữa chợ. Vật dụng trong lều chỉ có một cái phản trải chiếc chiếu gớm ghiếc dơ bẩn”

   Giám mục Charbonnier và đoàn tùy tùng bị “giam cầm kéo dài trong một ngày rưỡi và hai đêm cho đến khi được lệnh quan lớn của tỉnh, chúng tôi được trả tự do” và được hộ tống ra khỏi lãnh thổ của quan tri phủ.

   Đó là những lời kể trong thư của Linh mục Van Camelbeke. Còn đối với triều đình Huế thì ghi chép sự kiện ấy như thế nào?

   Tháng 3 năm Mậu Thìn (1868): “Đạo trưởng nước Tây là Sa phô nhi, Cam ma liệt đến giảng đạo ở phủ Thăng Bình (thuộc Quảng Nam) cưỡi ngựa che lọng nghênh ngang. Tri phủ là Trần Hy Tăng cho là giấy tờ không hợp, bắt giữ, tướng Pháp ở Gia Định đem việc ấy tâu lên, đình thần xin rút Hy Tăng về bộ. Vua bảo rằng: Kiêu ngạo quá, không nên, giáng Hy Tăng 2 cấp vẫn cho ở lại chức cũ”(5).

  Tên của Giám mục Charbonnier và Linh mục Camelbeke được triều đình phiên âm thành Sa phô nhi và Cam ma liệt (cũng như tên Thánh Giám mục Étienne Cuénot Thể được triều đình phiên âm thành Y ty anh)(6)

   Trong lá thư Linh mục Van Camelbeke viết: “Quan tri huyện, một thanh niên khoảng vừa hai lăm tuổi”. Linh mục Van Camelbeke nhầm. Vị quan đang tra hỏi là quan Tri phủ, lúc ấy đang ở  tuổi 30.

   Trần Hy Tăng trước có tên Trần Bích San. Sau khi thi Đình, đỗ Hoàng giáp (đỗ đầu thi Đình) Trần Bích San được vua Tự Đức ban cho tên là Hy Tăng. Ông sinh năm Mậu Tuất (1838) ở xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Khoa thi Hương Giáp Tý (1864) ông đỗ Giải nguyên tại trường thi Nam Định. Năm sau (1865) ông dự thi Hội rồi thi Đình ông cũng đỗ Hội nguyên và Đình nguyên, nên gọi ông là Tam nguyên(7).

   Ông nổi tiếng hay chữ, làm quan thanh liêm, nên được vua đặc biệt yêu mến. Tháng 9 năm Đinh Sửu (1877) nguyên Tuần phủ Hà Nội Trần Hy Tăng, sung sứ bộ qua Pháp phụng mệnh về Kinh, chưa đi thì bị bệnh chết vào tháng 9 năm Đinh Sửu (1877)(8)

   Vào thời của Tri phủ Trần Hy Tăng, mặc dù triều đình đã bãi bỏ lệnh bắt đạo, nhưng tư tưởng ghét những người theo đạo Da tô vẫn còn chiếm đại đa số trong triều đình Huế. Việc Giám mục Charbonnier “cưỡi ngựa che lọng nghênh ngang” tuy có vượt qua giới hạn quy định lễ nghi của triều đình đôi chút. Nhưng đó là cái cớ để hạn chế việc giảng đạo của các giám mục và linh mục. Chính vua Tự Đức cũng cho việc Giám mục Charbonnier “cưỡi ngựa che lọng” là “Kiêu ngạo quá” cho nên không rút Tri phủ Trần Hy Tăng về bộ mà chỉ “giáng Hy Tăng 2 cấp vẫn cho ở lại chức cũ”.
                            
     

Chú thích:
1-Ban Thường huấn, Khi xác thân làm của lễ, Tòa Giám mục Qui Nhơn, 2017, t. 194- 201. Lá thư này được trích dịch từ Les Missions Catholiques (số năm 1868), tr. 62
2- Sáu tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, tất cả đều thuộc Địa phận Đông Đàng Trong (Cochinchine Oriental)
3-Nơi này (trang 197) được dịch giả chú thích: “Đức Cha Charbonnier bị chận bắt tại huyện Thăng Bình, quan huyện là Trần Hy Tang. Xem Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ (1862-1874), NXB, Thế Giới, 2011, tr. 194.
   Vào năm 1868 không có huyện Thăng Bình mà chỉ có phủ Thăng Bình mà thôi Khoảng năm 1954 ở miền Nam Việt Nam xóa bỏ đơn vị hành chánh phủ, huyện và tất cả đều gọi là “Quận”. Do đó phủ Thăng Bình được gọi là quận Thăng Bình. Sau ngày thống nhất đất nước, quận Thăng Bình được đổi thành huyện Thăng Bình. Phủ lỵ phủ Thăng Bình tọa lạc trên địa bàn huyện Lễ Dương. Do đó quan tri phủ phủ Thăng Bình kiêm lý huyện Lễ Dương (Kiêm lý là viên Tri phủ phủ Thăng Bình vừa làm việc phủ Thăng Bình, vừa coi cả việc huyện Lễ Dương, vì ở huyện Lễ Dương không có viên Tri huyện- Xem  Đại Nam nhất thống chí tập 2, Nxb Thuận Hóa, tr. 335). Trần Hy Tăng là Tri phủ phủ Thăng bình chứ không phải Tri huyện huyện Thăng Bình
4- Giám mục Eugène- Étienne Charbonnier có tên Việt Nam là Trí, sinh ngày 20/05/1821 tại Pierrevert (Alpes de Hte-Pr). Thụ phong linh mục ngày 17/6/1848. Được sai đi truyền giáo thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài (Tonkin Occidental) và bị bắt ngày 29/8/1861 tại Thanh Hóa, sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862) được triều đình Huế đưa vào Sài Gòn trao trả cho Pháp và về Pháp nghỉ ngơi. Ngày 9/9/1864 được bổ nhiệm làm Giám mục đại diện tông tòa Đông Đàng Trong (năm 1924 đổi thành Địa phận Qui Nhơn). Ngày 27/12/1864 lễ tấn phong Giám mục được tổ chức tại nhà nguyện của Chủng viện Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris (M.E.P.). Ngày 14/7/1865 Giám mục Charbonnier rời Sài Gòn trên chiếc tàu chiến của Pháp lên đường đến Bình Định nhận nhiệm vụ. Ngày 14/7/1865 Giám mục Charbonnier đặt chân lên đất Bình Định, được giáo hữu đón tiếp rất nồng hậu. Giám mục qua đời ngày 7/8/1878 tại Sài Gòn.
   -Giám mục Désiré- Francois Xavier Van Camelbeke, tên Việt Nam là Hân, sinh ngày 19/2/1839 tại Nantes (Loire Atlantique). Thụ phong linh mục ngày 30/5/1863; ngày 16/7/1863 nhận bài sai đến truyền giáo ở Đông Đàng Trong, nhưng do lệnh bắt đạo gắt gao, nên linh mục Van Camelbeke lưu lại Penang (Mã lai), đến năm 1864 mới đến Bình Định. Ngày 15/1/1884 được bổ nhiệm làm Giám mục Địa phận Đông Đàng Trong kế vị Giám mục Louis- Marie Galibert Lợi. Lễ  tấn phong Giám mục được tổ chức vào ngày 27/4/1884 tại Sài Gòn. Trong thời gian Phong trào “Sát Tả” nổi lên Giám mục lánh nạn ở Qui nhơn. Tháng 7/1887, Giám mục trở lại Làng Sông và mất tại đây vào ngày 9/11/1901. (Tham khảo: Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères 1659-2004 par Gérard Moussay et Brigitte Appavou, Archives des Missions Étrangères, Paris 2004, p. 127; 160. / Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam tập II, Nxb Tôn giáo Hà Nội, 2008, t. 360-361; 382-383.
5-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, t. 1100
6-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, t. 736
7-Cao Xuân Dục, Quốc triều hương khoa lục, Nxb TP.HCM, t. 369
 -Tuyển tập Cao Xuân Dục tập 2, Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học,  t. 157-159
 8- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, t. 255

 

một ông quan đang xử án

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ

Nguồn tin: https://nghiencuulichsu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay26,804
  • Tháng hiện tại641,561
  • Tổng lượt truy cập28,956,930

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây