Deo gratias! Xui mà còn hên!

Thứ năm - 06/10/2022 19:28
 
 
Xe staca page 001

Hãng xe khách STACA
chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn vào đầu thế kỷ XX.

Chiếc “Bernard Six” của hãng phục vụ tuyến Nha Trang – Đà Nẵng
 


DEO GRATIAS!
XUI MÀ CÒN HÊN!

Chuyện ba “đấng” Qui Nhơn
bị tai nạn ôtô ở Quảng Ngãi năm 1924

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Nhà nhê bình Phan Cẩm Thượng đã nói về phương tiện giao thông Việt Nam xưa và nay có liên hệ với cảm giác về đất nước: “Cái cảm giác về đất nước ở các thời đại hoàn toàn khác nhau, ví như ngày nay người Việt thấy đất nước mình là nhỏ, cũng vì tốc độ mà con người hiện đại đạt được là rất lớn. Đi máy bay từ Hà Nội đi Sài Gòn, mất có gần hai giờ, so với người ở thế kỷ 19, đi bộ vào Nam có lẽ mất sáu tháng. Thế kỷ 11, người ta cảm giác về Đại Việt khác thế kỷ 15, khi mà vua Lê Thánh Tông đã dẫn quân vào tận Phan Rang. Thế kỷ 16 trở đi người ta đã có cảm giác về một đất nước như bây giờ và nhìn ra biển người ta thấy cả Hoàng SaTrường Sa. Nhà Nguyễn lấy Huế làm kinh đô, cũng một phần do quản lý thông tin lúc đó chỉ bằng ngựa chạy trạm, từ Huế đi ra Bắc và vào Nam có khoảng cách tương tự, nhưng ra vào cũng mất một tháng trời, thông tin mới tới nơi”. Đến thời Pháp thuộc, sau khi thiết lập nền thuộc địa, người Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống giao thông để khai thác, trước hết là đường sắt và sau đó là nâng cấp đường Thiên lý Bắc Nam được xây dựng dưới triều Nguyễn và đặt tên là “đường thuộc địa số 1”.

Đầu thế kỷ XIX, Qui Nhơn là một trong bốn chặng dừng quan trọng trên con “đường thuộc địa số 1” nối liền Nam Bắc: “Để vượt qua 1.600 cây số từ Hà Nội vào Sàigòn phải mất đến 96 tiếng đồng hồ, và phải sử dụng nhiều phương tiện như đường sắt và ôtô trên con đường cái quan hay con đường Thiên lý ở những đoạn đi được. Hành trình có thể chia làm bốn đoạn đường, mỗi đoạn mất một ngày: ngày thứ nhất đoạn Hà Nội –Huế; ngày thứ hai đoạn Huế - Qui Nhơn; ngày thứ ba đoạn Qui Nhơn – Nha Trang; ngày thứ tư đoạn Nha Trang – Sàigòn. Đến năm 1915, “Đoạn đường dài này có thể rút ngắn thành ba ngày rưởi khi 6 cây cầu lớn dài 550 mét trên tuyến đường cái quan Vinh – Đông Hà được xây dựng xong, và bốn cây cầu 300 mét trên tuyến đường Đà Nẵng đi Qui Nhơn được thông xe. Cuối năm 1915, những con đường hẹp vượt qua đèo Cù Mông, Phú Khê và Đèo Cả được mở rộng để xe cộ có thể đi lại được”[1]

Có đường thì ắt phải có xe, vậy chiếc ôtô đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam khi nào? Nhà nghiên cứu Stéphanie Ponsavady, giảng viên đại học Wesleyan, Hoa Kỳ, nói rằng: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cụm từ “xe hơi” trong tài liệu lưu trữ là năm 1905. Đó là một bản thống kê, lập tại Sài Gòn vì thị trưởng Sài Gòn muốn lập danh sách số lượng xe hơi để đánh thuế. Nhờ đó, người ta biết là năm 1905 bắt đầu có xe hơi, còn trước đó thì khó tìm được dấu vết… Thời kỳ đó chủ yếu là xe hơi Pháp, đó là những chiếc Citroen, Peugeot và Renault, ba thương hiệu nổi trội hồi đầu thế kỷ XX. Những chiếc xe này được người châu Âu mang sang khi họ đến định cư ở Đông Dương. Chúng có dáng nhỏ, chưa mạnh lắm, chắc khoảng 2-4 mã lực”.

Và cũng ngay từ thập niên 1910, đoạn đường “thuộc địa số 1” đi từ Bình Định về Qui Nhơn đã được ghi nhận là con đường xấu: “Giữa Bình Định và Qui Nhơn là con đường ngoằn ngoèo và nhỏ hẹp, với những chiếc cầu trong tình trạng xấu, cần phải được xây lại, vì mật độ dân cư dày đặc”.[2] Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong thời kỳ “lạc hậu” này là những quy định khá văn minh và nhân văn về tốc độ, sử dụng đèn “pha” và còi xe, tiếng xe nổ to và khí thải so với xã hội ưu việt hiện nay mà đô thị nào cũng phấn đấu trở thành một thành phố “đáng sống”: “Tốc độ mọi xe cơ giới di chuyển trong tỉnh Bình Định không bao giờ được vượt quá 50 cây số giờ khi đi đường bằng và 12 cây số giờ trong những trung tâm có dân cư. Phải đưa về tốc độ của một người đi bộ khi đi trên cầu, khi qua những ngôi làng vào giờ họp chợ, và nói chung, trong tất cả mọi lối đi hẹp, tắt nghẽn, nguy hiểm, nhất là những giao lộ hay những khúc cua bất thình lình. Cấm dùng còi xe ở trung tâm Qui Nhơn. Việc sử dụng đèn chiếu sáng mạnh gọi là đèn “pha” (phare) cũng bị cấm khi qua trung tâm Qui Nhơn từ 5 giờ cho đến 8 giờ tối. Việc lưu thông xe có tiếng nổ to hay xả khói cũng bị cấm ở trung tâm Qui Nhơn, Sông Cầu và Bồng Sơn.”[3] 

Tuy nhiên, cho dù thời ấy lác đác vài phương tiện giao thông trên đường cũng như sức mạnh của xe không lớn lắm, chỉ là 4 mã lực (HP) so với Camry 2.4 hiện nay có đến 150 HP, nhưng tai nạn thì vẫn luôn xảy ra. Phần lớn tai nạn là vì sự bất cẩn của các bác tài: “Hôm 27 tháng 5 ta là ngày 14 Juillet nầy (1928), chiếc xe ông B. L. làm thầu khoán ở Qui Nhơn chạy lên đến chỗ Cầu Đôi, đè phải một người đàn bà chết tươi. Được tin, ông Cẩm Qui Nhơn liền đến khám rồi cho chôn, và bắt tên chauffeur về Qui Nhơn giam xét. Sự sát nhơn vì xe ôtô thật thường xảy ra luôn, vậy các bác chauffeur cũng nên để trí lắm mới phải”.[4] Đôi khi tai nạn xảy ra chỉ vì bàn tay … đi lạc của anh tài xế trẻ “ghẹo gái”: “Hôm thứ Hai 19 Novembre nầy (1928), có một chiếc xe camion của hiệu vận tải nào đó, khi xe đi ngang qua chợ Gò Chàm gặp nhằm ngày phiên chợ, bác sốp-phơ thấy cô con gái nọ đi bên vệ đường, bác bèn cho xe chạy sát vào. Trong khi thằng vô lại nầy thò tay ra đùa bỡn, không xem gì đến máy móc, nên xe đâm xiên vào trúng nhằm một bào lão độ 50 tuổi, đè phải lè lưỡi! Làng sở phi báo, quan trên đã cho chở ngay bà lão ấy xuống nhà thương Qui Nhơn điều trị, không biết có qua được khỏi không? Còn thằng bất lương kia cũng phải tống giam chờ xét”.[5]

Có cầu thì ắt có cung. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa, Qui Nhơn thời trước đã có hai hãng xe của Pháp là Staca (La Société des Transports automobiles du Centre-Annam) và Sétéga (La Société d'entreprises, de transports et de garages d'Annam). Xe Staca rất tiện nghi nên thu hút được sự quan tâm của khách hàng, nhất là người Tây không muốn đi xe khách của hãng người Việt có tiếng … trễ giờ và hay gặp nạn.  

“Hãng xe khách Staca bảo đảm tuyến đường tốc hành bằng ôtô nối liền Sàigòn – Hà Nội, ở đoạn đường Nha Trang – Đà Nẵng, đã muốn cung cấp cho khách của mình sự tiện nghi thoải mái nhất nên vừa có đơn đặt hàng loại ôtô hạng sang “Bernard Six”. Loại xe này, giống như loại xe hạng sang ở Pháp phục vụ tuyến đường Paris-Dauville và Paris- Nice, được đóng theo kiểu xe sang Pullman và có mọi tiện nghi hiện đại như lavabo, nhà vệ sinh, etc. Xe “Bernard Six” lắp ráp trên các giảm sóc thủy lực và có động cơ 6 xylanh. Với các điều kiện như thế, chuyến đi từ Nha Trang đến Đà Nẵng luôn là một hành trình dễ chịu thật sự cho hành khách”.[6] “Xe dài 8 mét, rộng 2 mét 50, bánh xe 910 x 240. Nội thất có đèn chiếu sáng Marchal mạnh mẽ, 10 ghế có bàn cá nhân, giỏ hành lý trên cửa kính, phía sau có một phòng vệ sinh (buen-retiro) với W. C., lavabo và kính soi, một khoang hành lý và một khoang thư bưu điện. Tốc độ 60 cây số giờ”.[7] Xe này cũng được gọi là xe thơ vì kiêm luôn dịch vụ chuyển thư từ của Bưu điện. Với những tiện nghi như thế, những chuyến đi xa luôn là một hành trình dễ chịu, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những tai nạn từ đâu ập đến: “Hôm trước ngày 8 tháng Tư (1924), Cha Tôn[8] suýt là nạn nhân của một tai nạn ôtô cách Gò Duối không xa. Chiếc xe của hãng STACA, khi qua mặt một chiếc xe khác đậu ở một chỗ rất chật hẹp, đã làm bể bánh chiếc xe này và chính nó bị nghiêng rất nặng, Tuy nhiên, không có thiệt hại về người”.[9]

Một tai nạn ôtô khác của 3 linh mục Địa phận Qui Nhơn, làm việc ở Quảng Nam. Chuyện xảy ra cũng vào năm 1924, các ngài về Đại An tĩnh tâm như thông lệ. Kết thúc kỳ tĩnh tâm, ba “đấng” thuê một chiếc ôtô riêng để về nhà. Khi đến Sa Huỳnh thì gặp tai nạn. Xin trích dẫn nguyên văn hai bài tường thuật về tai nạn này, trước hết là để có cảm giác “trực tuyến” khi nghe người trong cuộc kể lại. Thứ đến, ta có cảm giác thân quen khi bắt gặp bất chợt đây đó những tiếng những từ xa xưa, rất dễ thương dễ nhớ, kiểu nói bình dân của một phương ngữ không lẫn đi đâu được!

Bình Định. Tai nạn ôtô: Có 3 linh mục bổn quốc ở Bình Định đi ra Quảng Nam, ngày 5 Mars mướn chiếc xe hơi riêng của người tại Bồng Sơn; xe chạy rất êm ả, cả ba đấng đang ngồi hứng cảnh lối Sa Huỳnh, trên thấy núi cao vọi vọi, dưới nhìn biển thẳm xa xa, thình lình nghe một cái ào, trực ngó thì thấy con trâu nghé đang mắc đầu vào bánh xe trước. Tên Sốp-phơ (chauffeur: tài xế) liền hãm máy xe, bổng chốc nghe nổ một tiếng “đùng” cái xe bèn nghiêng chỏng gọng. Đang hồi sảng sốt, không biết làm sao mà một đấng văng ra khỏi xe bình yên vô sự. Đấng ấy xây ngó xe, thì nghe: “Cứu tôi với”; ngài bèn tốc lại rán dỡ mui xe, kéo ra một đấng hai tay đậy con mắt, vì bị vít trầy mí máu chảy đỏ lòm. Khi đấng ấy ra khỏi mui xe, lại còn nghe: “Cứu tôi cho mau, tôi bị bể đầu rồi!”. Cả hai đấng miệng la làng, tay rán sức dỡ mui xe, tức thì có nhiều người tới hò lơ hò hụi mà dỡ mui xe, đem đấng còn bị mui xe đằn đó ra, thấy cả mặt dầm dề những máu. Lập tức chùi rửa, thì rõ là ngài bị cái đinh xóc vào má tả.

Cám đội ơn Chúa, tuy hai đấng bị thương, song cũng là thương nhẹ! Khỏi một chặp có xe thơ ra, cả ba đều lên xe ấy ra Quảng Ngãi, vào nhà thương rịt thuốc. Ấy vậy cả ba đấng hết lòng cám ơn Chúa cùng Đức mẹ đã che chở, không thì đã vong mạng phen nầy” (Lời Thăm, 1 Avril 1924, tr. 1531).

Và cũng câu chuyện này nhưng được chính người trong cuộc, cha Phaolô Cần, sinh quán Cây Vông, chịu chức linh mục năm 1922, lúc này đang làm việc tại Trung Tín, kể lại như sau:

 “May phước thay! Deo gratias! - Đời văn minh thiên hạ tác đạo nhiều nghề cơ xảo; trên đất xe lửa xe hơi; trên trời phi thuyền tàu khí, dưới biển tàu lửa, tàu ngầm; bay mau như gió, chạy lẹ dường tên. Nhưng càng  mau lẹ chừng nào, thì càng hiểm nguy cho mạng nhơn chừng ấy. Trong nhựt báo ta thường thấy những nạn ôtô nạn xe lửa; việc rủi xà-lúp,[10] tàu đò; khi chỗ nầy, lúc thì nơi nọ; mà hể có việc xảy ra tai họa, thì chẳng mấy khi khỏi hại đến mạng nhơn; mà nếu may khỏi vong thân, thì cũng bị hồn kinh phách lạc; như tích mới xảy ra đây.

Số là ba chúng tôi vào trường Đại An cấm phòng xong, lúc trở về địa sở, thì mướn một chiếc xe hơi của người Bồng Sơn đặng trở về Quảng Nam cho tiện việc và thong thả. Vậy sáng 5 Mars chúng tôi làm lễ, cũng nguyện xin Chúa cùng Đức Mẹ gìn giữ chúng tôi về đến nơi, như đã đưa chúng tôi đến chốn bình yên. Đoạn chúng tôi hớn hở lên xe; quang mang vừng nhựt, ngồi thong dong ngắm cảnh; hiu hiu gió thổi, toại tình xem hoa nở chào xuân; rải rác mây giăng, khoái chí ngó buồm loan hứng gió. Xe ra khỏi Sa Huỳnh, nơi làng La Vân xảy nghe một cái ào, ngó tới bèn thấy con trâu nghé đang dính đầu vào bánh xe hữu phía trước. Nhơn lúc ấy trâu đang ăn dưới ruộng bên mép đàng, thình lình nghe xe chạy tới ù ù, hoảng hốt, nhảy vọt lên mắc đầu vào bánh xe. Tên sốp-phơ liền hãm xe lại mạnh quá, thì xe quay ngang qua phía tả; bổng chốc nghe hai bánh xe phía tả nổ cái đùng, lập tức xe nghiêng nhào chỏng gọng.

Gớm ghê thay! Trong giây phút ấy, chúng tôi phần hồn bất phụ thể, chỉ kêu được một tiếng Giê-giu Maria! Rất lạ thay! Đang hoảng hốt, bổng chốc tôi thấy tôi đang nằm ngoài đàng cái; không biết tôi nhảy hay là xe hắt tôi văng ra. Tôi vùng đứng dậy thoạt nghe vẳng: Cứu tôi với; vội vàng chạy lại, tay đỡ mui xe, lòng vái Chúa cùng Đức Mẹ, miệng la làng, xin tiếp cứu. Tôi vạch mui xe thấy cha Hậu[11] nằm queo hai tay bụm mắt, tôi ráng sức bình sinh, kéo người ra, thấy con mắt bên hữu người bị rách mí máu chảy dầm dề. Trí khôn chưa kịp tỉnh, lại nghe: cứu tôi cho mau, bể đầu rồi; tôi bèn sực nhớ còn cha Thọ[12] nằm dưới mui xe. Ráng sức vạch mui, thấy ngài bị mui xe đằn phía tay tả, còn mặt mày đầy những máu đỏ lòm. Đang lúc ấy nhiều người chạy tới cứu, kẻ la làng, người hò lơ, người hố hụi, xúm đỡ mui xe mà kéo cha Thọ ra. Ngài vừa ra khỏi, hai tay ôm lấy đầu mà than rằng: “Đầu tôi bể nát rồi!” Tôi trực ngó, thì thấy cả đầu mặt chơn tay ngài đỏ lòm những máu; lòng tôi phát cảm động, con mắt trào hột châu, cả mình đều run rẩy; song ráng gượng cầm trí kêu xin Chúa phù trì, tay dắt ngài xuống vũng nước gần đó mà rửa máu. Rửa vừa bớt ngài đứng dậy nói tỉnh rụi rằng: “May, đầu tôi chưa bể!” Coi lại rõ, thì thấy nơi má tả ngài bị xóc cái đinh.

Bấy giờ mọi người tới đó, kẻ nhai hột cau, người đi bứt lá mà xức nơi vít hai cha; kẻ rinh đồ giùm, người giúp việc khác; ai nấy đều động tình thống thiết, thật dân ta biết giữ câu: hoạn hạn tương cứu; chớ chi phô kẻ ấy cũng nhìn biết Chúa mà kính thờ, hầu những việc lành mình làm càng được nên công trọng!  Khi chúng tôi đã tỉnh hồn, xét lại thì thấy tuy mình bị rủi, song cũng còn may, vì nhờ ơn Chúa chở che, không thì cả ba đều vong mạng; nên cám đội ơn Chúa và Đức Mẹ hết lòng.

Khỏi một chặp có xe thơ trong Bình Định ra, chúng tôi lên xe mà ra Quảng Ngãi. Đến nơi nhờ ông coi dây thép là Mr Trí lo lắng mọi điều, đoạn đem vào nhà thương cho quan thầy rít thuốc cho hai cha. Đoạn cha Hậu lên Phú Hòa nghỉ ít ngày; còn tôi và cha Thọ thì chiều theo xe thơ thẳng về địa sở. Dám xin ai đọc mấy lời tôi lược thuật thật đây. Hãy cám ơn Chúa cùng Đức Mẹ thay vì chúng tôi với; vì thật là may phước cho vận mạng chúng tôi, Deo gratias! (Mémorial, Mission de Quinhon, Avril 1924, tr. 52-53)

 
Staca

Quảng cáo của hãng xe Staca
 
 
 

[1] Le Cri du peuple, 18 avril 1914, Paris
[2] Henri Cucherousset, “De Hanoï à Saïgon par la route Mandarine”, trong L'Éveil économique de l'Indochine, 26 mai 1918
[3] Avenir du Tonkin, 24 Mai 1914.
[4] Trung hòa nhật báo, Số 631, 26 Tháng Bảy 1928
[5] Trung hòa nhật báo, Số 687, 8 Tháng Mười Hai 1928
[6] L'Éveil économique de l'Indochine, 16 juin 1929.
[7] Les Annales coloniales, 12 mai 1930
[8] Cha Simon Tôn, nguyên quán Dinh Thủy, chịu chức năm 1922, lúc này làm việc tại Suối Nổ, Nhà Đá.
[9] Mémorial, No 5 Mai 1924, tr.
[10] “Chaloupe”, nghĩa là tàu thuyền
[11] Cha Gioan Baotixita Hậu, sinh năm 1879 tại Phan Thiết, chịu chức linh mục năm 1912. Năm 1922 làm việc tại Trung Sơn.
[12] Cha Simon Võ Thọ, nguyên quán An Sơn, chịu chức linh mục năm 1908.


(Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính, Nối vạch thời gian, Tủ sách Nước Mặn, 2020, tr. 139-148)
 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay13,066
  • Tháng hiện tại578,923
  • Tổng lượt truy cập28,894,292

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây