Mémorial Indochinois (1919-1921 & 1926): Một nỗ lực vươn xa

Thứ bảy - 06/05/2023 19:53
IMG 1779


MÉMORIAL INDOCHINOIS (1919-1921 & 1926)
MỘT NỖ LỰC VƯƠN XA

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Đừng hạ thấp mục đích nhưng hãy tăng thêm nỗ lực”. Không bằng lòng với những gì đã có, Đức cha Grangeon Mẫn đã muốn đưa hoạt động báo chí của địa phận Qui Nhơn lên một tầm cao hơn và phổ biến rộng rãi hơn. Và thế là “Tờ nguyệt san Mémorial Indochinois được Đức cha phó Jeanningros Vị[1] sáng lập và khích lệ giữa những khó khăn chồng chất của chiến tranh nổ ra khắp nơi”.[2] Và chính đứa con tinh thần này của ngài, tờ Mémorial Indochinois, đã đưa tin về cái chết thanh thản của Đức cha Jeanningros cũng như những lời nói cuối cùng của ngài: “Khi tâm hồn được bình an thì có một niềm vui thỏa khi thấy mình chết … Lạy Chúa! Xin thương xót con!”[3]

Số đầu tiên của nguyệt san “Mémorial Indochinois” đã in xong ngày 24 tháng 11 năm 1919. Kể từ khi ra đời, cha Eugène Durand Lộc là tác giả thường xuyên viết bài đăng trong tập san "Mémorial Indochinois" của Địa phận Qui Nhơn. Cha Durand đã học tiếng Việt tại Qui Nhơn và từng phục vụ tại Xóm Nam, Đại An, tỉnh Bình Định. Ta có thể kể ra những bài viết sau đây của cha Durand: “Au Tonkin vers 1700” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 3, tr.. 152-158); “La Langue française en Indochine: un vieux projet”, (Mémorial Indochinois, 1920, tr. 82-88); “Un Anglais chez Mgr. de Bourges en 1688”, (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 5, tr. 268-272). Năm 1902, cha Durand là Thông tín viên, cộng tác viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp (EFEO), đã viết nhiều bài nghiên cứu về văn hóa Chàm. Ngài cũng là tác giả một loạt bài nổi tiếng cho tờ “l'Avenir du Tonkin" (1909-1910) dưới bút hiệu “Jean d'Annam”. Ngài cũng đã từng phụ trách tờ Lời Thăm của Địa phận Qui Nhơn khi cha Maheu bận công việc xây dựng nhà thương phong Qui Hòa.  

Ngoài cha Durand Lộc ra, tờ “Mémorial Indochinois” còn nhận được các bài viết của cha Victor Barbier ở Nam Đàng Ngoài như: “Le collège de Hon-dât” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 2, tr. 74-82), “Les premiers missionnaires européens en Annam” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 6-7, tr. 328-332, 400-404) và “L'évêque d'Adran et le traité de Versailles (28 novembre 1787)” (Mémorial Indochinois, Quinhon, 1920, Vol. 12, tr. 740-745). Nhà văn và nhà báo Max Massot (1889-1942) cũng đóng góp bài “Mgr de Guébriant (…) parle …”, trong các số Mémorial Indochinois [de Quinhon], số tháng 11 năm 1919, tr. 7; số tháng 1 năm 1920, tr. 117; số tháng 2 năm 1920, tr. 192-193, 205-206, số tháng 3 năm 1920, tr. 236-237, 245.

Tuy nhiên, cũng lại vì một mục đích cao hơn, sau một thời gian phát hành không liên tục, tờ Mémorial Indochinois đã thông báo … ngừng phát hành để nhường chỗ cho một tiếng nói chung của Công giáo. “Tờ nguyệt san Mémorial Indochinois đã thông báo ngừng xuất bản cho quý độc giả của mình để khỏi làm tổn hại đến một tờ báo lớn của Giáo Hội sắp được xuất bản. Dù tờ báo được thông báo kia có ra sao thì việc đình bản tờ Mémorial đã gây nhiều tiếc nuối cho quý độc giả dài hạn của mình vì nó đem lại nhiều tin tức thú vị cũng như những thông tin hữu ích về các sự việc ở Đông Dương”.[4] Sự cần thiết phải có một tiếng nói chung, mạnh mẽ  và đồng nhất để phản bác lại những thông tin sai lạc đang lưu hành dù cố ý hay không cố ý đã khiến cho tờ Mémorial Indochinois phải nhường vị trí lại cho một tiếng nói chung của giới Công giáo: Công giáo đồng thinh (La Voix Catholique). “Tờ nhật báo Công giáo ở Sàigòn mà Đức cha đã nhắc đến nhiều lần, đã phải xuất bản trễ hơn vào tháng Chín tới đây. Tờ báo này muốn có 3.000 đăng ký mua báo trước khi bắt đầu xuất bản để có thể chắc chắn về sự nghiệp của mình. Tờ báo này lấy tên Công giáo đồng thinh và xuất bản mỗi ngày ở Sàigòn và được phát hành đến chúng ta qua chuyến xe lửa sáng. Tiền đặt mua hằng năm là 10$. Ngày nay, Phật giáo đã thống nhất các nhà chùa và có một tờ báo ở Sàigòn và một tờ ở Bắc kỳ. Đạo Cao Đài cũng có tờ báo của riêng mình. Người Công giáo cũng cần phải có một tờ báo để thông tin nhanh chóng, đồng thời cũng để phản bác lại những thông tin sai lạc đang lưu truyền”.[5] Nội dung tờ báo được viết bằng Quốc ngữ và được viết bằng “ngôn ngữ đơn giản, bình dân, muốn đến với số đông người và ngay cả những người hèn kém nhất cũng hiểu được, biết được những nhu cầu, tâm tư của mình, bảo vệ những xác quyết và quyền lợi của họ…. Công giáo đồng thinh muốn giữ sự độc lập tuyệt đối, nên không xin trợ cấp từ phía nào – và sống bằng chính những phương tiện của mình…. Năm đầu tiên, tiền đặt mua sẽ là 10$; những năm sau giá sẽ giảm tùy theo số lượng đăng ký mua”.[6]

Và vì phải đình bản tờ Mémorial Indochinois nên việc nâng cấp tờ Mémorial, Mission de Quinhon hẳn là chuyện đương nhiên. “Dường như rất hợp thời để phục hồi người anh khiêm tốn nhưng không kém phần xứng đáng là tờ Mémorial, Mission de Quinhon nhỏ bé mà từ lâu đã là người đưa tin thân thiết của gia đình chúng ta. Không phải là thừa vì đã có người em còn lớn mạnh hơn mình là tờ “Lời Thăm”, tờ Mémorial bổ túc về những vấn đề liên quan đến mục vụ. Nó cũng chỉ được gởi đến cho các linh mục trong địa phận và trong trường hợp cần thiết thì các cha nói lại cho các thầy về những gì liên quan đến họ. Như trước kia, nó cũng có một phần chính (partie officielle) gồm những văn thư của giám mục, của Tòa thánh, các ý kiến và thông tin … etc…; và một phần phụ (partie non officielle) gồm những tin tức đáng chú ý …. Số trang cũng sẽ thay đổi từ 8 đến 16 trang (đôi khi 4 hay 6 trang)”.[7]

Tóm lại, tập san Mémorial Indochinois phát hành số đầu tiên ngày 24 tháng 11 năm 1919 và đình bản từ số 25, tháng 12 năm 1921. Thay vào đó là sự xuất hiện của tờ Aux Fils de France cũng của Nhà in Qui Nhơn.[8] Tuy nhiên, tập san Mémorial Indochinois tái xuất bản từ đầu năm 1926 và rồi đình bản với số 12, tháng 12 năm 1926, để nhường chỗ cho tờ Công giáo đồng thinh.[9]

Trước khi đình bản để thống nhất một tiếng nói chung của người Công giáo Việt Nam, tập san số 12, tháng 12 năm 1926 đã thông báo ngay trang đầu lời chia tay in đậm nét: “Để không gây hại cho một tờ báo lớn của Giáo hội sắp phát hành, với số cuối cùng này trong năm, tờ MÉMORIAL INDOCHINOIS ngừng xuất bản”. Và cũng trong số này, người phụ trách tờ báo đã có bài viết nói lên những công việc thầm lặng và khó khăn của người làm báo như một lời chia tay: “Je ne recommencerai plus!” (Tôi sẽ không bắt đầu lại nữa). Chúng tôi tạm dịch như sau:

Trước khi chia tay, các bạn độc giả thân mến, chúng ta hãy nói một chút về tờ Mémorial Indochinois này, tờ báo phải đình bản lần thứ hai.

Tờ báo 16 trang và bìa cứ phải ra khỏi máy in mỗi tháng: 16 trang in với bao khó nhọc và công lao, hẳn nhiên ít người trong các bạn nhi ngờ về điều đó. Vả lại trong chúng ta, người viết thường được xem như người rảnh rỗi: chỉ có người thừa sai đang làm công việc truyền giáo thì được xem như người làm việc.

16 trang văn bản là 22 trang bản thảo. Bản thảo viết tay là một từ không thích hợp vì thợ in của chúng tôi chỉ là những thợ sắp chữ người Việt không biết tiếng Pháp nên đòi hỏi một bản thảo đánh máy không có lỗi theo như chúng tôi nhận thấy điều đó qua những gì chúng tôi nhận được. Bản sao bài viết này tốn thời gian và gây mệt mỏi mà chúng tôi mời bạn thử sau đây!

Trời ạ! Không chỉ có phải viết lại những bản thảo mà phải thường, rất thường phải soạn lại. Có đôi khi, cần phải soạn lại hết và công việc này lâu dài và còn khó khăn hơn là chính việc sáng tác ra nó nữa. Công việc sáng tác này cần phải đọc nhiều, ghi chú nhiều, săn lùng tin tức và nhất là săn lùng các ý tưởng.

Chúng ta viết cho các linh mục, đó là một công chúng rất khó để thỏa mãn họ. Đối với họ thì phải có điều gì đó là inédit, tức là mới lạ, chưa từng xuất bản, thế nên việc chép lại một trang sách, dù là hay mấy đi nữa, thì cũng không hấp dẫn đối với các linh mục vì họ đã có cuốn sách ấy rồi hoặc có thể có được nó. Phải là điều gì đó actuel, nghĩa là hiện thời, vì những chuyện trong quá khứ thì ít độc giả quan tâm đến. Phải là điều gì đó local, tức là có tính địa phương, vì những tờ báo hay tạp chí của Pháp đã có hàng đống thông tin mà sẽ thành vô ích khi biên tập lại, chỉ có những gì liên quan đến xứ sở thì mới gây chú ý đến đa số các linh mục. Phải là điều gì đó intéressant, nghĩa là thú vị, những sự thật chán ngắt không thu hút hay giữ được độc giả. Phải là điều gì đó varié, tức là thay đổi hay khác biệt, bởi vì sự buồn chán luôn phát xuất từ  sự đồng điệu nên phải khôn khéo pha trộn các sự kiện, ý tưởng và các tài liệu. Mục đích xuất bản của chúng tôi là vì thiện ích, hữu ích, và thông tin, nhưng để làm được điều này thì trước hết phải làm cho nó được chào đón và được đọc. Việc chọn các tiêu đề rất quan trọng cho mục đích này.

Khi bản thảo được soạn ra, được đánh máy lại, phải chuyển nó sang phần kiểm duyệt. Người kiểm duyệt phải xem xét giáo lý và sự hợp thời của những bài viết nào đó. Nhưng người kiểm duyệt (censeur) của chúng tôi không bằng lòng với điều này, phải không có một lỗi chính tả nào. Dưới mắt của giám mục, người kiểm duyệt có quyền tuyệt đối và được quyền sử dụng nó. Cộng tác viên này thường có ý kiến kia, nhưng ý kiến này kia không phải là ý kiến của người kiểm duyệt. Ông ấy có thể yêu cầu bạn rút bài viết hay chỉnh sửa ý kiến. Thế nên bản thảo sẽ trả về bạn với những ghi chú mà bạn phải lưu ý đến. Những bài viết như thế đã biến mất hoàn toàn và nó được thay thế ngay lập tức; những bài khác sẽ phải chỉnh sửa nhiều, etc… Bạn phải làm việc lại một lần nữa, phải gởi lại một lần nữa, và lần này thì bản thảo của bạn đã sẵn sàng.

Với sự nhẹ nhõm, bạn giao nó cho thợ in và chờ đợi. Qua vài ngày, bản in thử đến với bạn. Bất kỳ ai đã sửa liên tiếp 16 trang in thử sẽ không nghi ngờ gì về sự khó nhọc mà công việc chăm chú và tẻ nhạt như vậy gây ra cho bạn. Một lần nữa người thợ in của chúng tôi phải làm trước hết và rất cẩn thận công việc đầu tiên này. Bản in thử lại đến nhà in, nhưng để bắt kịp thời gian, bạn phải dàn trang. Việc dàn trang này cũng là công việc nhọc nhằn. bài viết này ở đây thì quá dài, ở kia thì ngắn quá; chỗ này thì còn nhiều khoảng trống, nơi kia thì thiếu chỗ. Lần khác, bài viết kết thúc không đẹp vì còn một hàng ở trang bên kia. Đôi khi có quá nhiều bài hay thiếu bài. Và bạn lại làm việc một lần nữa …. Sau khi dàn trang và sửa lỗi xong, người ta gởi đến cho bạn bản in thử mới để bạn đọc qua. Rồi đến lượt người sửa bản in (correcteur), người không bỏ qua bất cứ điều gì, và là người không phải là chính bạn, bởi vì bạn chỉ đi theo những ý tưởng và không còn nhận ra những sai lỗi. Công việc này nặng nhọc và đòi hỏi sự chú ý rất lớn. Người sửa bản in của chúng ta đã làm tốt nhất có thể, vì chúng tôi có thể nói rằng trong tất cả các báo ở Đông Dương, ngay cả những tờ lớn nhất, ít có ai mắc ít lỗi nhất như tờ Mémorial Indochinois của chúng ta, trong suốt 12 tháng.

Và rồi máy in chạy, trong khi bạn chuẩn bị tờ bìa. Cuối cùng thì tất cả đã được giao, được sửa và được in. Vào lúc này, người ta mang đến cho bạn tờ báo và bạn hài lòng về sản phẩm đã hoàn tất mà chính bạn cũng không xem nó được vì bạn đã phải chuẩn bị cho số báo tiếp theo.

Và tôi cũng không kể cho bạn hết mọi sự. Tôi đã không kể với bạn về nỗi khó khăn khi phải chọn các bài viết, sự giận dữ của các tác giả mà bạn loại ra vì nói về một đề tài chẳng liên quan gì đến Đông Dương, giận vì bị đục bỏ và những tờ hóa đơn nhẹ nhàng. Tôi đã không kể cho bạn về sự khó khăn khi phải tìm những tiêu đề đập vào mắt, khéo léo pha trộn các con chữ, đã không kể về …

Nhưng tôi sẽ không bắt đầu lại nữa …   
 
[1] Đức cha Constant Jeanningros Vị là giám mục phó cho Đức cha Đamianô Grangeon Mẫn từ năm 1912-1928.
[2] Annales de la propagation de la foi, 1921, tr. 239
[3] Annales de la propagation de la foi, 1921, tr. 239
[4] Bulletin MEP, 1927, tr. 54
[5] Mémorial, Mission de Quinhon, Juillet 1927, tr. 83
[6] Mémorial, Mission de Quinhon, Juin 1927, tr. 56-57
[7] Mémorial, Mission de Quinhon, No 11, 25 Janvier 1922.
[8] L'Éveil économique de l'Indochine, 14/10/1923, tr. 18
[9] Paul Boudet, Remy Bourgeois, Bibliographie de l'Indochine française, tome 1: 1913-1926, Impr. d'Extrême-Orient, éditeurs (Hanoï), 1929, tr. 195
 
Đc Jeanningros

Đức cha Jeanningros Vị
Giám mục phó Địa phận Qui Nhơn từ năm 1912 đến 1921
Sáng lập viên tờ Mémorial Indochinois

 
IMG 1780




 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập47
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay19,102
  • Tháng hiện tại19,102
  • Tổng lượt truy cập28,998,640

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây