Mừng Giáng sinh trên cao nguyên Trà Kê

Thứ hai - 16/12/2019 21:16

MỪNG GIÁNG SINH TRÊN CAO NGUYÊN TRÀ KÊ

Mừng Giáng Sinh ở một vùng núi xa xôi sẽ ra sao nhỉ? Một chút háo hức, một chút bồi hồi giúp khơi thêm nhiệt huyết cho chúng tôi khi chuẩn bị một chương trình âm nhạc phục vụ bà con giáo dân ở Trà Kê vào ngày Chúa Giáng Trần.

Cha Phanxicô Phạm Đình Triều - Chánh xứ Trà Kê (giáo phận Qui Nhơn) nói đây sẽ là chương trình chơi “dàn nhạc sống” đầu tiên ở vùng núi non này. “Ở đây, giáo dân chưa từng được xem một hoạt động âm nhạc mang tính chuyên nghiệp, ngoài những chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn…”, giọng của cha cũng đầy háo hức.

Có lẽ vì vậy mà sau cuộc tiền trạm, anh em nhóm nhạc chúng tôi quyết định sẽ rời khỏi không khí “Noel rộn rã” vốn có ở Sài Gòn để lên vùng núi xa cách nhà thờ Tuy Hòa gần 60 cây số, để đến với một giáo xứ có gần 800 giáo dân, nơi ghi tạc những dấu ấn lịch sử khó phai của những thế hệ Kitô hữu vùng Trà Kê – Cây Da (Cây Da cách Nhà thờ Trà Kê khoảng 7km).

Trà Kê - Cây Da vốn là một giáo điểm được các nhà Thừa Sai người Pháp thành lập khoảng năm 1850. Một trong những dấu mốc lịch sử đáng ghi nhớ ở xứ được truyền giáo này là chuyện cha François Chatelet cùng một số tín hữu bị những người thuộc phong trào Văn Thân sát hại vào năm 1885 trong một cuộc tàn phá nhà thờ Cây Da. Mảnh đất này đã đón nhận thân xác cha Chatelet. Cha chịu phúc tử đạo ở tuổi 30.

Trải qua những bách hại, sóng gió, Trà Kê vẫn còn là một giáo xứ qua nhiều đời chủ chăn cho đến năm 1947. Lúc ấy, giáo dân tiếp tục chứng kiến tấm gương tử đạo của cha Antôn Dẫn, khi cha bị sát hại và thiêu đốt trên đống gỗ được cha chuẩn bị để xây dựng nhà thờ Trà Kê.

Cha sở bị hại, giáo dân tản mác chạy vào rừng, một thời gian sau mới hồi cư xây dựng lại họ đạo Trà Kê – Cây Da. Mãi đến năm 1989, nền nhà thờ Trà Kê mới được dọn dẹp trở lại và một nhà thờ tạm được dựng lên. Đến năm 2002, cha Phêrô Nguyễn Cấp cho xây nhà thờ Trà Kê bằng vật liệu chắc chắn hơn.

Tháng 5/2009, Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn quyết định tái thành lập giáo xứ Trà Kê và bổ nhiệm cha Phanxicô Phạm Đình Triều về làm cha sở. Năm 2013, cha Triều cùng giáo dân hiệp ý, hiệp lực xây dựng lại nhà thờ như hiện nay và được khánh thành vào năm 2016.

Song song đó là công trình nghĩa trang của giáo xứ: chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang - dựng tường rào, tôn tạo lại những ngôi mộ cũ, xây lại mộ của những người vô danh, trẻ mồ côi, người gia đình neo đơn, nghèo khó, di dời, quy tụ những ngôi mộ nằm ở phía xa núi đồi hay tận sâu trong rừng về tại nghĩa trang…

Trên đường từ nhà thờ Tuy Hòa về giáo xứ Trà Kê, chúng tôi thấy nhà cửa của dân từ thưa thớt đến dần đông hơn khi càng về gần tới khuôn viên nhà thờ.

Nếu thả bộ trên đường đồi khi hoàng hôn vừa buông xuống, lòng người rất dễ rung cảm trước khung cảnh đẹp của ngôi nhà thờ mới, tráng lệ, in dấu giữa trời mây bao quanh vùng núi non trầm mặc. Không chỉ là dấu ấn kiến trúc nơi một vùng núi đơn sơ, những thánh giá vươn cao trên chóp đỉnh nhà thờ đem đến cho khách phương xa một cảm nhận về vẻ đẹp sừng sững của niềm tin Kitô giáo, nhất là tại một xứ đạo vùng sâu. Bởi vậy, chúng tôi không bất ngờ khi nghe cha nói nhà thờ đã như một trung tâm văn hóa của nơi này.

Vẻ đẹp đó còn gói ở bên trong tâm tình của vị chủ chăn. Cha Triều tâm sự, sau tất cả những biến cố thời cuộc tạo nên lịch sử hàng trăm năm chìm nổi của một giáo điểm, 10 năm vừa qua là một chặng đường cũng không ít gian nan thử thách mà cha và cộng đồng giáo dân nơi đây đã có thể trụ vững chính nhờ sự cầu bầu của hai đấng tiền bối tử đạo và tình yêu thương, sự quan phòng của Thiên Chúa.

Trước bia mộ của cha cố Chatelet bên trong khuôn viên nhà thờ Trà Kê và dưới bóng của Cây Da – sự triển nở từ mầm mụt duy nhất còn lại của gốc Cây Da đại thụ bị đốt cháy năm nào, cha bộc bạch: “Ở vùng xa xôi hẻo lánh và thiếu thốn mọi thứ, việc theo đuổi và hoàn thành một công trình uy nghiêm để thờ phượng Chúa thật không dễ dàng…”.

Tạ ơn Chúa cho chúng con cơ hội đem âm nhạc ca mừng Con Chúa Giáng Trần đến với một nơi chốn quá đỗi hữu tình. Không chỉ là cái tình non xanh núi biếc mà Chúa đã thương ban cho vùng đất này, đó còn là sự hiệp thông, gắn kết của đàn chiên luôn vững vàng một lòng hướng về Chúa. Để hôm nay, đức tin ngời sáng được hiện hữu và lan tỏa từ ngôi nhà Chúa uy nghi, tráng lệ trên cao nguyên.

1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 
1
 

Tác giả bài viết: Nhóm Nhạc CHÚA SAI TÔI ĐI – Sài Gòn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập79
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay21,709
  • Tháng hiện tại150,612
  • Tổng lượt truy cập29,130,150

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây