Lược sử giáo họ biệt lập Kỳ Bương

Thứ sáu - 26/06/2020 09:05
LƯỢC SỬ
GIÁO HỌ BIỆT LẬP KỲ BƯƠNG
 


I. VỊ TRÍ, ĐỊA LÝ VÀ NHÂN VĂN

Trung tâm sinh hoạt của giáo họ biệt lập Kỳ Bương[1] là nhà thờ Kỳ Bương, tọa lạc tại thôn Vân Tường, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Địa bàn của giáo họ bao gồm thôn Vân Tường, thôn Kiên Thạnh của xã Bình Hòa và tất cả các thôn của xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.

Tây Sơn là một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Bình Định, là nơi bắt đầu của một khu vực đồng bằng rộng lớn trên lưu vực sông Kôn và sông Hà Thanh. Tháng 9 năm 1888, nhà Nguyễn thành lập huyện Bình Khê gồm 3 tổng: Phú Phong, Mỹ Thuận (Thuận Truyền), Vĩnh Thạnh. Sau năm 1975, huyện Bình Khê đổi tên thành huyện Tây Sơn, lúc đầu bao gồm cả Vĩnh Thạnh, nhưng đến ngày 24 tháng 8 năm 1981, Vĩnh Thạnh được tách ra thành một huyện riêng.

Tây Sơn xưa kia là vùng đất thuộc huyện Tượng Lâm, địa bàn cư trú của người Chăm, thuộc vương quốc Chămpa cổ. Di tích của người Chăm còn để lại là hai ngôi tháp cổ: tháp Thủ Thiện và tháp Dương Long.

Tháp Thủ Thiện có niên đại xây dựng vào khoảng thế kỷ XI trong thời kỳ chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định nhưng đậm nét phong cách Bình Định nhiều hơn. Khác hẳn với các tháp Chăm khác thường đứng trên đồi hoặc gò cao, tháp Thủ Thiện lại được xây cất trên một vùng đất tương đối thấp, trên bờ Nam sông Kôn, cách bờ sông chưa đầy 1km, thuộc địa bàn thôn Thủ Thiện, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, xung quanh là ruộng nương, làng mạc. Ngày trước, tại đây có họ đạo Thủ Thiện, sau thời gian chiến tranh họ đạo này bị mai một cho đến nay. Vào thế kỷ XIX, thôn Thủ Thiện gọi là Thủ Hương nên trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tháp này được gọi là Thủ Hương cổ tháp. Các tài liệu của người Pháp gọi tháp này là Tour de Bronze (Tháp Thau).[2]

Tháp Dương Long là cả một quần thể gồm ba ngôi tháp nằm gần nhau, thẳng hàng theo trục Bắc – Nam. Các cửa chính đều quay về hướng Đông. Hiện nay tháp nằm trên địa bàn hai thôn Vân Tường, xã Bình Hòa (thuộc địa bàn giáo họ Kỳ Bương) và thôn An Chánh, xã Tây Bình (thuộc địa bàn giáo xứ Sông Cạn), huyện Tây Sơn. Ngoài tên gọi phổ biến là Dương Long, tháp còn được gọi theo địa danh: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’Ivoire (Tháp Ngà). Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí thì ba cổ tháp này được xây cất trên một gò cao có tên là Dương Long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn. Theo nhiều nhà nghiên cứu, tháp Dương Long tuy vẫn còn mang nhiều đặc trưng của tháp Chăm, nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm của nghệ thuật Khmer. Có thể tháp được xây dựng vào thời kỳ nước Chămpa bị người Khmer đô hộ, khoảng thế kỷ XII-XIII. Nhìn trong bố cục tổng thể cũng như xem xét chi tiết từng tháp, cụm tháp Dương Long là một quần thể kiến trúc bề thế và có thể nói là đẹp nhất trong số các tháp Chăm còn lại ở miền Trung.[3]

Dọc theo ranh giới phía Bắc của xã Bình Nghi có dòng sông Kôn chảy về hướng Đông-Nam, cung cấp nước cho cánh đồng hai bên, đồng thời cũng góp phần vào việc đi lại trên sông. Cũng trên địa bàn của xã Bình Nghi có đường quốc lộ 19 là tuyến giao thông vận tải chủ đạo giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Ngày nay có trên 50 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn xã Bình Nghi dọc theo quốc lộ này, nhưng tập trung nhiều nhất ở các thôn 1 và thôn 2; tại thôn 3, có Khu công nghiệp Bình Nghi với qui mô rất lớn. Nhờ có khu công nghiệp và các doanh nghiệp, người dân ở đây cũng dễ tìm kiếm việc làm, khiến đời sống được nâng cao.

Là 1 trong 4 xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, nên thời gian qua, xã Bình Nghi đã tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; đồng thời khôi phục, củng cố các làng nghề tiểu thủ công nghiệp…, tạo đòn bẩy để phát triển kinh tế theo hướng bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên một bước.

 


II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Nguồn gốc

Ngược dòng sông Kôn, các thừa sai từ miền xuôi đã lên vùng đất Tây Sơn và chọn Kỳ Bương, một địa điểm bên tả ngạn sông Kôn, làm cứ điểm truyền giáo cho cư dân. Vùng truyền giáo Kỳ Bương lúc bấy giờ bao trùm cả huyện Bình Khê rộng lớn, trước khi chia tách thành huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh.

Theo báo cáo của Thánh Giám mục Stêphanô Cuenot Thể gởi cho Hội Thừa sai Paris năm 1850, Kỳ Bương đã có 161 giáo dân, và Sông Cạn 130 giáo dân, thuộc địa hạt Phù Ly.[4] Theo tiểu sử của các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, hiện biết được cha Jules Vialleton Tuyền đến Giáo phận Đông Đàng Trong năm 1872, trước hết đến Bến Đá, sau đến Đồng Quả, Kim Châu và Kỳ Bương. Năm 1875 cha đi truyền giáo ở Kontum.

2. Địa sở Kỳ Bương

Địa sở Kỳ Bương được thành lập năm nào, không thấy tài liệu lịch sử ghi lại. Tuy nhiên trước năm 1885, đã có cha Biện làm cha sở Kỳ Bương. Cha là người gốc Gò Thị, được phong chức linh mục đời Đức cha Eugène Charbonnier Trí (1864-1878). Khi nghe tin quân Văn Thân sắp đến, cha Biện đã về Làng Sông thỉnh ý Đức cha F.X. Van Camelbeke Hân. Chiều ngày 2 tháng 8 năm 1885, cha lẻn về Kỳ Bương bảo giáo dân phải lo trốn gấp, rồi ngay đêm ấy cha quay trở lại Làng Sông. Ngày 4 tháng 8, ông Trùm Quế trốn xuống Gò Bồi để liên lạc với cha, thì sáng ngày 5 toàn họ đạo Kỳ Bương đã bị quân Văn Thân phòng triệt nghiêm nhặt, rồi sau đó nhà thờ Kỳ Bương và nhà giáo dân bị phóng hỏa thiêu hủy. Một cây thập giá to lớn làm bằng hai cây tre đặt ở giữa đường, ai đi ngang qua phải đạp lên, ai không chịu đạp thì liền bị xử trảm. Giáo dân Kỳ Bương hầu hết bị chém hoặc bị chôn sống đầy 3 giếng sâu, tất cả là 161 người. Chỉ độ dăm ba người trốn được vào núi rồi tìm cách trốn về Qui Nhơn. Trong số đó có ông Mai Hổ, ông Mai Chánh là con cháu ông Trùm Mai Quế. Ông Mai Quế là anh em thúc bá với tướng Mai Xuân Thưởng của phong trào Văn Thân.

Tại Sông Cạn, nhờ có ông Cửu Hơn, một người lương đi lính ở triều đình Huế báo tin, nên một số giáo dân sớm chạy trốn vào Đồng Tre, Cây Da ở Phú Yên. Sau Văn Thân một số ở lại lập nghiệp tại Đồng Tre như dòng họ cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch và ông Câu Tiên, một số bà con trong dòng họ hiện nay còn ở Sông Cạn. Trừ số người sống sót này, nhiều tín hữu tại Sông Cạn đã bị Văn Thân sát hại, hiện còn hai mả tử đạo chôn tập thể tại Gò Giữa.

Sau Văn Thân, một số ít giáo dân sống sót trở về, gầy dựng lại địa sở. Cha Biện tiếp tục làm việc mục vụ tại Kỳ Bương. Phong trào tòng giáo lại nổi lên mạnh, khiến Kỳ Bương gia tăng giáo dân đến 150 người và ông Mai Hổ làm ông Câu, ông Mai Chánh làm biện họ. Nhà thờ cũng được xây cất lại và trong dịp này giáo dân đã thu hốt hài cốt của những tín hữu đã bị Văn Thân sát hại, liệm vào 6 hòm đôi lớn và chôn trong nhà thờ.

Cũng trong phong trào Văn Thân, số giáo dân đang ở Kim Châu chạy xuống Qui Nhơn lánh nạn, sau đó vào Gia Định, đến năm 1887 hồi cư. Sau khi hồi cư, họ đạo Kim Châu được thành lập, với một nhà nguyện khiêm tốn, mái tranh vách đất. Họ đạo Kim Châu lúc ấy cũng thuộc quyền chăm sóc của cha sở Kỳ Bương. Lúc đầu giáo dân Kim Châu phải vất vả đi 30km để đến Kỳ Bương dự lễ Chúa nhật. Sau đó vì số tín hữu tại Kim Châu ngày càng đông, nên cha Biện thường xuyên ở tại Kim Châu.

3. Giai đoạn thuộc quyền kiêm nhiệm của cha sở Kim Châu

Năm 1889, địa sở Kim Châu được thành lập và cha Biện được bổ nhiệm làm cha sở Kim Châu, kiêm nhiệm địa sở Kỳ Bương.[5] Trong thời gian này thường có các cha phó Kim Châu đến ở tại Kỳ Bương để chăm sóc mục vụ: cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sanh từ tháng 1 đến tháng 8 năm 1892, cha Phêrô Yến từ năm 1897 đến 1898.

Tháng 9 năm 1898, cha Jules Vincent Labiausse Sáng, cha phó Kim Châu được chuyển đến ở và làm việc tại Kỳ Bương cho đến tháng 7 năm 1899.
           
Năm 1899, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sanh được đưa về làm việc tại Kỳ Bương lần 2 từ năm 1899 đến 1902. Trong thời gian này có cha Joseph Percevaux Qui đến địa phận Đông Đàng Trong năm 1898, làm việc tại Phương Phi và Kỳ Bương, nhưng năm 1900, cha ngã bệnh và trở về Pháp.

Năm 1902, cha Sanh được đưa về Tân Dinh, Kỳ Bương không có cha ở tại chỗ. Từ tháng 2 đến tháng 10 năm 1903, cha Joseph Lalanne Lân, cha phó Kim Châu, ở tại Kỳ Bương.

4. Địa sở Kỳ Bương có cha sở riêng

. Cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ (1906-1917)  
  

Năm 1906, cha Giacôbê Huỳnh Văn Chỉ được bổ nhiệm làm cha sở Kỳ Bương. Vào thời điểm ấy địa bàn của địa sở bao trùm cả huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn. Giáo dân Kỳ Bương lúc bấy giờ có 1.250 người, được phân bố trong 10 họ đạo: Kỳ Bương, Sông Cạn, Kiên Ngãi, Đồng Phó, Phú Hữu, Mỹ Thạch, Mỹ Thành, Thuận Truyền, Mỹ Yên, Thuận Ninh.. Trong thời gian này có cha Henri Bonhomme Toại làm phụ tá, phục vụ tại Kỳ Bương, Đồng Phó từ năm 1906 đến 1908.

. Cha Giuse Văn (1917-1931)

Tháng 9 năm 1917, cha Giuse Văn được bổ nhiệm làm cha sở Kỳ Bương. Một năm sau, cha Văn đau nặng phải đi nằm nhà thương Qui Nhơn từ ngày 7 tháng 12 năm 1918. Kỳ Bương vắng cha sở một thời gian. Tháng 4 năm 1919, cha Tôma Triều mới thụ phong linh mục tháng 1 năm 1919 được chỉ định tạm quyền cha sở Kỳ Bương trong khi chờ đợi cha Văn phục hồi sức khoẻ. Tháng 7 năm 1919, cha Văn trở lại Kỳ Bương và làm việc tại đó cho đến khi qua đời ngày 13 tháng 8 năm 1931. Theo tờ trình hằng năm của địa phận Đông Đàng Trong: năm 1921, địa sở Kỳ Bương có 9 họ đạo, 1.265 tín hữu, năm 1922 tăng lên 1.306.[6]

Trong 14 năm làm cha sở Kỳ Bương, cha Văn đã có công xây dựng và mở mang địa sở. Cha xây dựng nhà thờ Sông Cạn với sự phụ giúp của ông Trùm Tế [7] và được Đức cha Constant Jeanningros Vị làm phép trọng thể. Năm 1927, nhà thờ Phú Hữu được xây dựng lại rộng rãi hơn, có nhà vuông, móng xây đá ong, vẫn mái tranh vách đất. Năm 1929, cha lập họ đạo và xây dựng nhà thờ Tùng Chánh.

Thời gian cha Văn làm cha sở Kỳ Bương, có 3 cha phó: Cha Gioakim Nguyễn Thủ ở tại Kiên Ngãi từ năm 1920 đến 1922, cha Micae Thiên ở tại Phú Hữu năm 1921, cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển ở tại Kỳ Bương từ năm 1923 đến 1930.

. Cha Micae Ngô Trung Lành (1931-1937)

Năm 1931, sau khi cha Giuse Văn qua đời, cha Micae Ngô Trung Lành kế nhiệm cha Văn làm cha sở Kỳ Bương. Thời cha Lành, có thánh lễ đầu tháng tại nhà thờ Phú Hữu. Cha đẩy mạnh việc mở đạo tại vùng Mỹ Thạch. Theo thống kê hằng năm của địa phận, tính đến tháng 9 năm 1937, Kỳ Bương có 1.534 giáo dân trong 8 họ đạo.[8]

. Cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì (1937-1949)

Năm 1937, cha Lành được đổi đi, cha Phaolô Nguyễn Tấn Thì đến thay. Cha sửa lại nhà thờ Kỳ Bương rộng lớn hơn, sạch sẽ hơn, nhưng vẫn còn lợp tranh. Theo thống kê hằng năm của địa phận Qui Nhơn, năm 1939 địa sở Kỳ Bương có 1.466 giáo dân trong 8 họ đạo. Năm 1941, một quần thể gồm nhà thờ, nhà vuông và trường học được cha Thì xây dựng tại Mỹ Thạch. Từ năm 1941, có các cha phó Kỳ Bương ở tại Mỹ Thạch: cha Giuse Tô Đình Tiên  từ năm 1941 đến 1945, cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan từ năm 1945 đến 1946, cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu từ năm 1946 đến 1947.

Năm 1949, bốn họ đạo Mỹ Thạch, Kiên Ngãi, Mỹ Thành, Thuận Truyền được tách khỏi Kỳ Bương để thành lập địa sở Mỹ Thạch với cha Gioakim Phan Công Sử làm cha sở tiên khởi (1949-1958).

. Cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu (1950-1954)

Năm 1950, cha Anrê Nguyễn Hoàng Nhu từ địa sở Trường Cửu được chuyển về làm cha sở Kỳ Bương. Lúc này địa sở Kỳ Bương gồm có các họ đạo: Kỳ Bương, Sông Cạn, Phú Hữu, Mỹ Yên, Bình Đức, Bàu Lùng, Đại Chí, Tân Nghi, Tùng Chánh, Thủ Thiện, Dõng Hòa. Năm 1954 cha Nhu bị đi tù Việt Minh, địa sở Kỳ Bương bị bỏ trống hai năm (1954-1956). Giáo dân Kỳ Bương phải đi dự lễ Chúa nhật tại nhà thờ Kim Châu, hoặc tại nhà thờ Mỹ Thạch.

. Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư (1956-1968)

Năm 1956, cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư được bổ nhiệm làm cha sở Kỳ Bương. Cha Tư được phép dời cư sở về Sông Cạn. Như vậy từ năm 1956, địa sở Kỳ Bương đổi tên thành địa sở Sông Cạn, và tên gọi Kỳ Bương chỉ còn được dùng cho một họ nhánh của địa sở Sông Cạn cho đến ngày nay. Trong thời gian làm cha sở Sông Cạn, cha đã thành lập 10 giáo họ mới, trong số đó có giáo họ Bình Nghi, nay thuộc giáo họ biệt lập Kỳ Bương.

5. Giai đoạn trực thuộc giáo xứ Sông Cạn

Trong giai đoạn này, Kỳ Bương và Bình Nghi là hai giáo họ của giáo xứ Sông Cạn. Năm 1964 cha Tư xây lại nhà thờ Kỳ Bương bằng gạch gói kiên cố và khang trang. Năm 1965, vì lý do chiến tranh, giáo dân Kỳ Bương cũng như các giáo họ khác của giáo xứ Sông Cạn di tản về Qui Nhơn, hoặc lên An Khê, đa số sang Phú Phong, Bình Nghi hay Phú An.

Sau khi hòa bình vãn hồi, giáo dân hồi cư, nhưng nhà thờ Kỳ Bương, qua chiến tranh đã trở thành hoang phế không sử dụng được. Tiếp đến, trận bảo số 9 năm 1984 đã làm hư hại thêm. Tháng 6 năm 1997, cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí, cha sở Sông Cạn (1975-2001), khởi công xây dựng lại trên diện tích 10m x 28m, với mặt tiền được tu bổ, đồng thời xây tháp chuông mới và tường rào cổng ngõ khang trang. Ngày 8 tháng 12 năm 1998, dịp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, bổn mạng giáo họ Kỳ Bương, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các đã đến cử hành thánh lễ làm phép nhà thờ.

Trước mặt tiền nhà thờ mới có mấy câu liễn bằng chữ Hán, hai câu ngũ ngôn ở giữa, hai câu thất ngôn ở hai bên. Hai câu ngũ ngôn, từ phải sang trái: Tịnh thổ sinh phúc quả. Từ vân vũ hóa nhi, nghĩa là: Đất sạch sinh quả phúc. Mây lành mưa Hài Nhi Tạo Hóa. Hai câu thất ngôn, từ phải sang trái: Thần môn linh nghiệm thiên hương hộ. Thạch sở thánh cơ Giáo Hội đường, nghĩa là: Cửa thần linh nghiệm của nhà quê trời. Nền đá thánh thiện của nhà Hội Thánh. Hiện nay mấy câu liễn này không còn nữa vì đã bị phủ lấp trong đợt sơn sửa nhà thờ sau đó. Ngoài ra cha Trí cũng xây tường rào cổng ngõ xung quanh nhà thờ.

Thời gian cha Trí làm cha sở Sông Cạn, hằng năm cha về nhà thờ Kỳ Bương dâng lễ Bổn mạng cho giáo họ. Sau khi nhà thờ được xây dựng xong, ngoài các giờ kinh tối hằng ngày, mỗi tuần 2 lần cha Trí đến dâng thánh lễ ngày thường cho giáo dân.

Năm 2013, trong thời cha Phêrô Võ Thanh Nhàn làm cha sở Sông Cạn (2001-2014), cha đã xây ngôi nhà xứ 3 phòng và các công trình phụ. Về phụng vụ, mỗi ngày trong tuần và ngày Chúa nhật đều có thánh lễ tại nhà thờ Kỳ Bương, như một giáo xứ. Trong thời cha Gioakim Dương Minh Thanh làm cha sở Sông Cạn từ năm 2014 đến nay cũng thế.

6. Thành lập giáo họ biệt lập Kỳ Bương

So với các giáo xứ và giáo họ biệt lập trong toàn Giáo phận Qui Nhơn, Kỳ Bương có một lịch sử lâu đời nhưng đầy những thăng trầm. Nguyên là một địa sở kỳ cựu đã có từ hơn một trăm năm, từ đó phát sinh ra mấy giáo xứ khác, thế mà nay chỉ còn là một giáo họ nhỏ bé. Vì vậy, để từng bước phục hồi vị trí trước đây của Kỳ Bương, ngày 20 tháng 6 năm 2020, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục Giáo phận, đã ký Quyết định thành lập giáo họ biệt lập Kỳ Bương, tách ra từ giáo xứ Sông Cạn. Đồng thời Đức Giám mục cũng bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Ngọc Đức làm cha quản nhiệm.

Ngày 26 tháng 6 năm 2020, Đức cha Matthêô chủ sự thánh lễ công bố quyết định và văn thư bổ nhiệm này, với đoàn đồng tế gồm cha Giuse Trương Đình Hiền, Tổng Đại diện, và quí cha trong Giáo phận, cùng với sự hiện diện của các tu sĩ, chủng sinh và bà con giáo dân sở tại và từ các nơi khác, để mọi người hiệp ý cầu nguyện cho cộng đoàn giáo họ biệt lập Kỳ Bương.

7. Hiện tình giáo họ biệt lập Kỳ Bương

Hiện nay giáo họ biệt lập Kỳ Bương bao gồm 2 giáo họ: Kỳ Bương và Bình Nghi, với 59 gia đình, 201 giáo dân, tính đến cuối năm 2019.

1. Giáo họ Kỳ Bương

- Địa bàn: thôn Vân Tường và thôn Kiên Thạnh, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn.
- Nhà thờ: xây dựng năm 1997, tại thôn Vân Tường, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 37 gia đình, 125 giáo dân.
- Bổn mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

2. Giáo họ Bình Nghi

- Địa bàn: toàn bộ xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn.
- Số gia đình và giáo dân: 22 gia đình, 76 giáo dân.
- Bổn mạng: Sinh Nhật Đức Mẹ.
 

[1] Không biết tên gọi Kỳ Bương bắt nguồn từ đâu và nghĩa là gì. Theo Tự điển tiếng Việt, "bương" là loại cây gần như cây tre, thân to, thẳng, mỏng mình. Người miền núi thường dùng thân bương, cưa thành từng lóng, dùng để đựng nước hoặc xách nước: Xách bương đi tưới rau. "Kì" là lạ đến mức khiến người ta ngạc nhiên, phi thường, hiếm thấy. Có lẽ người xưa đã thấy tại đây có nhiều loại cây đó, nên gọi vùng đất ấy là Kỳ Bương?
[2] Xem www.baobinhdinh.com.vn/568/2003/5/3670/
[3] Xem https://cungphuot.info/he-thong-thap-cham-o-binh-dinh-post1999
[4] Xem MISSION DE QUINHON, Mémorial, No.58, 31 Octobre 1909, tr. 152.
[5] Kỳ Bương vẫn còn là một địa sở riêng, nhưng được cha sở Kim Châu kiêm nhiệm, chứ không bị sáp nhập vào địa sở Kim Châu. Bằng chứng là khi cha Simon Chính kế nhiệm cha Biện làm cha sở Kim Châu (1894-1897), các tài liệu lịch sử ghi rằng lúc bấy giờ địa sở Kim Châu bao gồm 4 họ đạo: Kim Châu, Vườn Vông, Cù Lâm và Trung Ái, không thấy kể tên Kỳ Bương và Sông Cạn.
[6] Xem AMEP, Rapport annuel de Cochinchine  Orientale 1921 và  Rapport annuel de Cochinchine Orientale 1922.
[7] Ông nội cha Simon Nguyễn Xuân Nghi, cha Gioakim Nguyễn Hoàng Trí và nữ tu Têrêxa Nguyễn Thị Kim Dung.
[8] Xem MISSION DE QUINHON, Compte-rendu et état de la Mission, 9/1936 - 9/1937, tr. 19.
 

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm35
  • Hôm nay19,784
  • Tháng hiện tại260,932
  • Tổng lượt truy cập29,240,470

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây